Ngày Thuấn mới về xóm chài nầy chỉ thấy lơ thơ vài nóc nhà, những chiếc thúng con chèo đi câu mực đêm nằm vất vưởng ngổn ngang, vài tấm lưới vá chằng vá đụp phơi trắng trên bãi. Bờ cát chạy dài đến ngút tầm mắt là nơi tụ tập lê la của đám trẻ con trong xóm trần truồng đen nhẻm, mồ hôi khét nắng chạy loanh quanh trên cát chơi trò mèo chuột. Những đợt sóng òa ập vào bờ không dứt, tung bọt trắng xóa và cuốn theo đống rác rưởi vất đầy bãi, trôi dập dềnh ra biển . Dân chài sống rải rác trong các ngôi nhà tuềnh toàng, gió thốc u u trên những mái nhà làm bằng lá dừa khô, bốn vách che ngăn tấm ni lông rách tươm, nhàu nhĩ. Người ta đi câu mực vào tầm gần tối, khi chiều đã rơi hẳn xuống mặt biển, hắt lên vầng sáng lấp lóa của những chiếc đèn măng sông bơm ga, bông đèn rũ xuống như cái túi nhỏ tỏa ánh sáng loang lóang trước biển đêm đen kịt. Trên bãi là những người đàn bà lầm lũi, mấy đứa nhỏ còi cọc đứng nhìn chiếc thúng câu xoay tròn ra khơi. Ở đó là người chồng và thường là đứa con trai lớn nhất lượn lờ như làm xiếc quay theo những đợt sóng òa ộp vỗ hai bên mạn thúng. Chiếc thúng nương theo sóng, đi thẳng ra biển và chỉ một lát giữa màn nước đen kịt, từ bãi cát chỉ còn nhìn thấy những quầng sáng nhấp nháy lúc ẩn lúc hiện. Cuộc mưu sinh vất vả diễn ra cho đến gần sáng chiếc thúng mới quay về và những người đàn bà đem mớ mực tươi vừa câu được đêm qua ra chợ bán .
Thuấn không nghĩ rằng anh sẽ ở đây nhưng không còn chỗ nào khác để chọn lựa. Sau khi mất chân tài công trên chiếc tàu đánh cá từ biến cố bi thảm của gia đình, anh lang thang khắp nơi tìm việc nhưng không ai nhận anh, một người lạ hoắc từ miền ngoài dạt vào. Người ta sợ nhiều về những vụ cướp ghe vượt biển hoặc nghi ngại anh dính dấp gì đến pháp luật rồi giả dạng chui vào nghề cũng không chừng. Công việc ít, người làm đông, mặt đất không chỗ nào dễ sống cả, chuyện kiếm tiền trên biển càng khó hơn. Nên bây giờ anh đang ở đây, nơi xóm câu mực nghèo và vắng vẻ nầy, cố tìm cho được việc làm độ nhật. Làm gì cũng được, kể cả ăn công vá lưới, trét thúng, ra khơi, dặm mủng. Anh sống trên sông nước nhiều năm, chẳng gì là không biết. Có điều, dân chài ở đây có muốn anh ở lại với họ hay không ...
Giữa lúc anh đang khổ sở khi túi tiền tìm việc sắp rỗng và định quay về thì gặp may. Một lần đi ra bãi, anh gặp lão Tốn. Lão là dân cố cựu làng chài nầy. Lão thường một mình cầm chai rượu đi dọc theo bãi cát mỗi chiều và sau một hồi lang thang rạc chân thì bạ đâu ngồi đó rót rượu uống nghỉ mệt, mắt nhìn đăm đăm ra biển không biết nghĩ gì. Là dân chài từ nhỏ, lão thông thạo luồn lạch trên biển như lòng bàn tay, nhìn con nước biết lớn ròng, nơi nào có luồng lạch tôm cá , thấy mây trời đoán trước bão giông. Thời còn trai tráng, chuyến biển nào có lão theo làm tài công, tài cải là ghe đó trúng đậm. Gần suốt đời người gắn với biển vậy mà về già, lão vẫn lầm lũi cô đơn. Vợ lão mất sau khi sinh đứa bé gái quặt quẹo, bị di chứng liệt cơ từ nhỏ, hai chân teo rút, không cử động được. Số lão lận đận mãi cùng đứa con gái tật nguyền sống cùng lão trong căn nhà tuềnh toàng đầu bãi. Hai mươi tuổi, cái tuổi lẽ ra đẹp nhất của đời thiếu nữ thế nhưng Nhiên, con gái lão vẫn ngày ngày di chuyển khó nhọc trên chiếc xe lăn, lo việc cơm nước đã khó chứ đừng nói giúp lão giăng câu, thẻ mực. Cái vận tao nó thế, lão nói với Thuấn khi hai người cùng ngồi uống rượu trên bãi biển, chỗ có những tán lá dừa mát rượi vươn ra từ bờ. Còn mầy, sao lại lưu lạc tới đây .. Khổ lắm con ơi! Nghề câu mực bây giờ khác trước. Người ta đổ xô nhau tranh giành đến con cá con tôm nhỏ còn không sống nổi. Đâu phải thời của tao.. . Đi câu mực một đêm về bán không hết phải đem phơi khô, làm mắm ...
Lão nói liền một hơi chốc chốc lại rót đầy ly ruợu nhỏ mời anh. Buổi chiều thông thốc gió từ ngoài khơi tạt vào bãi làm thành những đụn cát xoay tròn, cuốn tít và quẩn quanh hắt lên người, lẫn trên miệng môi anh cồm cộm. Như không chú ý gì, già Tốn lại nheo mắt đưa chiếc ly đầy rượu cho anh:
- Nhưng nếu mầy muốn ở lại, tao có cách giúp. Về nhà tao tạm trú một thời gian và làm ăn cho bà con đây biết mặt biết mũi, quen dần. Mầy biết nghề biển à? Được, tốt lắm! Từ từ tao xin phép chính quyền làm giấy tạm trú dài hạn cũng được ...Miễn là mầy đừng làm gì phi pháp. Mà nhìn mặt mầy tao biết là dân làm ăn chứ không phải loai tào lao vớ vẩn...
Thuần mừng thầm trong bụng. Lão già thế mà tốt, chỉ nghe anh tự giới thiệu vài lời đã tin. Chiều xuống chậm trên bãi, vương lại chút nắng cuối ngày trên những đọt sóng xa tít ngoài khơi. Gió thổi càng lúc càng mạnh và như rượt đuổi nhau ầm ì vươn dài lẫn vào tiếng sóng. Những người đi câu mực bắt đầu tụ tập ra khơi. Vài chiếc đèn măng sông thắp lên. Tiếng bấc cháy xèo xèo phừng phực lan đến tận chỗ hai người. Luồng sáng tỏa ra hắt lên những gương mặt đàn ông rắn rỏi khắc khổ, bên cạnh họ là người phụ nữ lo lắng, đăm chiêu. Cuộc mưu sinh hàng ngày lại bắt đầu trong nền đen thẳm thẳm của biển đêm đặc quánh.
*
Năm hai mươi lăm tuổi, Thuấn mới lấy vợ. Vợ anh tên Nga, giáo viên tiểu học ở ngôi trường sát nhà. Anh đi biển suốt tháng mới về, ngâm người trong cái nắng gay gắt ban ngày và lạnh buốt về đêm của biển. Da dẻ như đồng hun, cánh tay trần vạm vỡ, hơi thở mặn mùi nước biển. Anh là tay đi biển có hạng trong làng chài nhưng chỉ làm tài cải rồi từ từ lên tài công, chẳng dám mơ làm chủ tàu vì nhà nghèo, lấy đâu ra vốn đóng ghe. Sống với người mẹ đã lẩn thẩn kể từ khi cha mất tích trong một cơn bão biển, anh trở thành trụ cột gia đình. Kể ra đời anh cũng may mắn khi gặp Nga. Cô đỡ đần anh trông nom bà cụ trong những chuyến đi biển dài ngày biền biệt. Hạnh phúc hơn khi cô sinh cho anh đứa con gái bụ bẩm, dễ thương. Hàng ngày, khi anh còn phiêu lưu trên con tàu ngoài khơi xa, hai người phụ nữ và đứa con gái chung sống dưới mái nhà đầm ấm. Tiền lãi đánh cá, sau khi trừ chi phí, hạng tài công như anh được phần nhiều nhất sau chủ. Cùng với tiền lương của Nga, vợ chồng anh sống dư giả, còn có chút của để dành. Không gì hạnh phúc cho bằng mỗi khi anh từ biển trở về, Nga bồng đứa con gái, dắt theo người mẹ đứng trên bãi đợi thuyền cập bến. Từ xa, anh đã thấy họ, giơ hai tay vẫy chào mừng rỡ . Đứa bé gái trên tay Nga nở bừng nụ cười đón cha. Họ dắt díu nhau về nhà ngang qua bãi chiều. Gió thao thiết thổi tràn trên cát, mang theo vị thấm đẫm của nước biển phả vào miệng môi mặn chát. Anh bồng con đi trước, Nga dắt bà cụ theo sau. Bóng họ loang dài trên bãi lâu lâu lại vang lên tiếng cười yêu thương của hai vợ chồng sau bao ngày xa cách.
Nhưng rồi hạnh phúc ấy chỉ tồn tại một thời gian ngắn....
Bắt đầu từ cái chết của mẹ anh. Thôi thì bà già yếu xem như cưỡi hạc về trời, ở đời đâu ai lột da sống mãi. Ngày mẹ mất, anh còn lênh đênh đánh cá mãi ngoài khơi xa không về kịp. Đến nhà, chỉ ra mồ mẹ thắp nén nhang, ở vài ngày đi cám ơn quanh xóm đã giúp cho tang lễ bà cụ rồi anh lại ra khơi theo những chuyến tàu. Đời ngư phủ là của trời, của biển, của những luồng cá luồng tôm quanh năm suốt tháng, chẳng biết khi nào chấm dứt. Nó cuốn anh vòng vèo suốt chu kỳ mùa nồm, mùa chướng, lúc sóng yên biển lặng cũng như khi sóng cả bạc đầu. Trước biển cả mênh mông bạt ngàn, ai biết trước điều gì của phận người mong manh yếu đuối ...
Số phận đã giáng anh đòn trí mạng. Đứa con gái anh một hôm ra nghịch nước ngoài giếng cạnh nhà. Chỉ một chút sơ hở của me, cháu lọt tỏm xuống nước và chết ngạt ngay sau đó. Nhận được hung tin trên biển, anh ngã gục ra sau tay lái bất tỉnh khiến đoàn tàu phải quay trở lại vào bờ. Đau hơn, Nga, vợ anh từ ngày con mất lâm bệnh tâm thần, hàng ngày chạy ra bờ giếng chỗ đứa con rơi xuống, mái tóc xỏa rối bời, lảm nhảm trong miệng như người điên, không ai khuyên can gì được, không thuốc thang nào chữa khỏi. Ba tháng trôi qua, cơn ác mộng khiến nhiều lúc làm anh bàng hoàng, không tin rằng điều đang xảy ra là thật. Nước mắt anh chảy ngược vào trong, lòng đớn đau như ai cào xé. Nghe lời khuyên hàng xóm, anh gửi Nga vào viện tâm thần, tìm việc kiếm tiền chữa bệnh cho vợ vì chỗ làm của anh trên tàu người khác đã thay vào.Và rồi anh đến đây, nơi xóm nhỏ câu mực nầy sau cả tuần lang thang khắp các xóm biển mà chưa tìm được viêc. Mà ai dám nhận anh, một người lạ hoắc không ai thân thích, bảo lãnh khi trôi giạt tới đây. Thôi cứ ở chỗ lão Tốn, anh tự nhủ. Sau khi kiếm được ít tiền, anh sẽ thu xếp trở lại bệnh viện tâm thần rồi hẳn tính. Nỗi đau dù có lớn thế nào thì anh cũng phải chịu đựng mà sống, mà lo lắng cho Nga trong tình huống bi thảm nầy.
*
Những ngày đầu ở chung với lão Tốn, Thuấn cảm giác có ánh mắt của cô gái bị liệt đôi chân đâu đó luôn theo dõi anh. Nhiên hình như không thích người lạ trong nhà nên ngoài cha cô, ít khi chịu nói chuyện với ai. Mặc cảm vì đôi chân tật nguyền, cô chỉ muốn một mình ngồi đăm chiêu thả mắt nhìn ra biển. Phải nói là cô khá xinh đẹp với gương mặt tròn trịa phúc hậu, đôi môi hồng và cánh mũi cao giữa hai bầu má mịn màng. Giá như đôi chân cô bình thường thì chắc lão Tốn đã có cháu nội ẳm bồng. Nhiều lúc uống rượu với lão trên nhà sau một đêm giăng câu thẻ mực ( lão cho anh mượn chiếc thúng câu và cây đèn ), Thuấn vẫn cảm thấy đâu đó có ánh mắt Nhiên nhìn mình. Những cơn gió buổi sáng trong lành từ biển thổi vào làm anh dịu đi ít nhiều nỗi buồn triền miên ám ảnh, nỗi nhớ đứa con gái thê thiết và lo âu về người vợ không biết bệnh trạng thế nào trong bệnh viện. Nỗi buồn đặc quánh tưởng hóa thạch có lúc loãng ra, dìu dịu khiến anh cảm thấy bớt day dứt. Hay anh nghĩ về nỗi bất hạnh của nhiều người khác, trong đó có cô gái tội nghiệp sống cùng nhà và tự an ủi mình cũng nên. Hóa ra đời sống còn quá nhiều phận người bất trắc, đắng cay mà muốn hay không, con người phải chấp nhận sống với mà không làm gì được. Anh nghe dâng lên niềm rào rạt thương cảm cô gái bất hạnh kia nhưng cũng biết chính mình còn đang đương đầu với những nỗi đau không biết vượt qua được không.
Thi thoảng, anh vẫn gặp Nhiên trên chiếc xe lăn ngồi đâu đó trong nhà, hướng về phía biển. Không biết cô nghĩ gì, chỉ thấy từ trên đôi mắt lấp loáng những giọt nước mắt. Chợt thấy anh cô gái vội vàng đưa tay che mặt, cố giấu đôi mắt đẫm nước và nhanh chóng đưa xe đến chỗ khác. Không may cho cô, chiếc xe lăn loạng choạng và suýt ngã nhào nếu như anh không nhanh chân chạy lại giữ chặt lấy nó. Anh thật sự hốt hoảng :
- Cô sao không ? Tôi có làm gì cô sợ ?
Nhiên tránh đôi mắt anh , nói trong hơi thở gấp :
- Cám ơn anh giúp tôi . Tôi không sao cả nhưng ... anh đừng nhìn tôi như thế !
Anh lảng ánh mắt đi nơi khác, cô không muốn anh thấy đôi chân thương tật, mĩm cười trấn an :
- Tôi ... tôi xin lỗi cô ... Nhưng cô đừng ngại ... Dù sao ... chúng ta cũng là người trong nhà . ...
- Tôi biết anh . Ba tôi có nói cho tôi nghe về anh . Nhiên đã lấy lại bình tĩnh nhưng giọng vẫn còn run rẩy . Nghe nói anh gặp nhiều chuyện không may , tôi ...thật lòng chia buồn ...
Chạm vào nỗi đau riêng, Thuấn nghe lòng chùng xuống. Nhiên hình như biết khá rõ về anh. Lần đầu tiên từ ngày về đây anh có người cảm thông, an ủi. Dù chỉ bằng lời chia buồn chân thành , anh cũng thấy nhẹ nhõm , vơi bớt niềm đau. Nhìn gương mặt cô gái nhòe nhoẹt, anh muốn chạy tới chiếc xe lăn lau nước mắt Nhiên nhưng không dám, chỉ rút vội chiếc khăn tay nhỏ đưa cho cô. Anh ngậm ngùi:
- Kể ra chúng ta đều là những người bất hạnh. Nhưng trách ai bây giờ. Rủi may trong đời sống biết đâu mà lần ...Có điều ... vượt được số phận ấy hay không ... tôi chưa biết ... Còn cô ?
Nhiên im lặng, lần đầu tiên anh thấy cô mĩm cười. Nụ cười mở ra trên đôi mắt còn ngấn nước:
- Tôi ... Thật tình ... tôi cũng chưa biết ... Nhưng tôi biết rằng đời mình chắc sẽ tệ hại hơn khi không vượt được chính mình ... Nghĩ như vậy nên tôi cố ... Biết đâu ...
Câu chuyện của họ dừng lại ở đó vì lão Tốn kêu Nhiên chuẩn bị nấu cơm. Nhìn cô thoăn thoắt di chuyển trên chiếc xe lăn chỉ bằng đôi bàn tay, Thuấn không khỏi khâm phục. Tuy chậm và vụng về nhưng chỉ một lát, nồi cơm chiều đã reo sùng sục trên bếp. Anh giúp cô đưa thêm củi vào. Những tiếng lách tách vang lên, soi rõ gương mặt Nhiên hồng hào, phúc hậu. Bỗng nhiên từ đâu đó, anh nghe lòng ấm hẳn lại trong hơi lành lạnh của từng cơn gió hun hút thổi về, vỡ ra từng mãnh loang rất sâu trong lồng ngực. Mái ấm gia đình nhỏ ngày xưa hiện ra lờ mờ trước mắt. Anh ngồi cạnh bếp lửa giúp vợ nấu cơm, làm cá mỗi lần đi biển về. Bên anh là đứa con gái nhỏ nhắn dễ thương cứ quấn chân huyên thuyên đủ chuyện. Nhớ đến đó, bất giác từ đôi mắt anh trào ra những giọt nước mặn chát, cay xè .
Có lẽ hoàn cảnh giống nhau dễ làm cho con người mau đồng cảm. Chẳng thế mà anh và Nhiên ngày càng trở nên thân thiết. Những chuyến ra khơi thẻ mực sau đó, chiều nào Nhiên cũng theo anh ra bãi. Cô giống những người đàn bà xóm biển với gương mặt đầy âu lo, thấp thỏm nhìn chồng mình nhẹ nhàng đưa chiếc thúng câu chòng chành ra khơi. Đọc trong mắt cô niềm ưu tư lo sợ giữa ánh sáng hắt lên từ quầng sáng cây đèn măng sông, Thuấn vừa thương yêu vừa cảm động. Va từ ánh mắt đó, như có gì thôi thúc, anh nhanh tay cẩm chiếc dầm chèo thúng ra khơi để giấu đi niềm xao động mà rất lâu rồi, chưa bao giờ anh cảm nhận được.
Thắm thoát mà đã gần năm anh ở nhà lão Tốn. Giờ anh được mọi người xem là dân của xóm chài. Ngày về của anh không còn xa. Anh vẫn thường liên lạc với bệnh viện nơi Nga điều trị và nghĩ sẽ đưa vợ anh về ở luôn đây khi cô hết bệnh. Nghe đâu chứng bệnh cô khó lòng thuyên giảm nhưng nhất định anh sẽ dành dụm thêm tiền lo lắng cho cô đến khi lành hẳn.
Lão Tốn đâm ra cũng thích cùng anh ngồi uống rượu vào những buổi chiều rãnh rỗi. Mắt lão sáng bừng lên, đôi tay khẳng khiu run run xúc động khi anh nói về những chuyến biển, những con tàu mà ngày còn trai tráng lão say mê lướt sóng đi về. Người già thường sống bằng hoài niệm và anh gợi lại cho lão niềm say mê kiêu hãnh của những người đàn ông một thời sống trên sông nước.
Biển cả thường làm cho người ta gần nhau bởi cái khoáng đạt và dập dìu của sóng, cái ngan ngát và rộng lòng của gió, cái mênh mông bàng bạc của mây trời. Người dân chài đâu cũng thế. Sẽ chẳng bao giờ sống được nếu một ngày biển cả tự nhiên không còn nữa.
*
Nhưng rồi anh lại phải trở về quê khi đã tìm đủ số tiền trị bệnh cho vợ. Ngày từ giã xóm chài, lão Tốn và Nhiên đưa tiễn anh tận bến tàu. Thuấn đi phía sau Nhiên, đẩy chiếc xe lăn chầm chậm dọc theo bờ cát thoai thoải, mịn màng trước mặt. Gió buổi sáng mơn man mang theo hơi lạnh âm ẩm thổi về từ biển làm anh chợt bồi hồi, man mác. Ai biết rồi anh có trở lại nơi đây nữa không dù lòng anh rất muốn. Thời gian cư ngụ ở xóm chài không lâu nhưng anh đã gắn bó với người dân chài nơi đây, với tình cảm ấm áp, yêu thương của gia đình lão Tốn. Nhìn đôi mắt Nhiên đẫm ướt, anh cảm nhận thật rõ điều gì đó lóe lên thật nồng nàn thấm đẫm trong ánh mắt đăm đắm kia mà anh không biết gọi đó là gì.
Anh quay lưng đi nhanh xuống tàu mà ngỡ như nếu chậm chút thôi là anh không bao giờ có thể bước xuống được nữa.
Chỉ có biển ngan ngát trước mặt và những đám mây trôi bồng bềnh trên bầu trời là thấy anh ôm mặt rưng rức khóc ./.