Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.225.980
 
Xa xăm trường cũ
Nguyễn Hải Triều

“ Em đi phố huyện tiêu điều quá

Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi”

Nguyễn Bính

 

Có lẽ câu chuyện nên bắt đầu từ cây vải già cuối làng. Cây vải cổ thụ ấy, lúc nhỏ tôi nghe người lớn trong làng bảo là nó đã đứng đó từ hơn trăm năm rồi. Cái gốc xù xì chằng chịt ngoằn ngoèo vô số rễ nổi trên mặt đất, rễ nào cũng to bằng bắp chân người lớn. Cành lá sum suê, còn thân nó thì bè ra y như một lực sĩ đứng giữa trời phô bày các bắp thịt rắn chắc. Da cây vải xù xì khô cứng, chằng chịt những vết sẹo thời gian; riêng phần gốc lớn đến nỗi cả hai người ôm không giáp vòng tay. Mùa trái chín, từng chùm từng chùm đỏ ươm trĩu xuống, nhìn rực cả một góc vườn. Ông nội tôi kể, khi ông còn là thanh niên thì cây vải cũng đã lớn như bây giờ rồi. Nó đứng đó, sừng sững bên lối vào nhà thầy giáo Nhự, mặc cho mưa nắng bão giông, bom đạn ác liệt, chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm thế sự, biết bao nhiêu đổi thay dâu bể của cuộc đời.

 

Vườn nhà thầy Nhự là vuông đất cuối cùng của làng tôi nối liền với một nghĩa địa hoang gọi là Mả Đống. Tên gọi như vậy cũng đúng thôi, vì ở đây không ai có thể đếm được là bao nhiêu mả. Có mả mới chôn, có những ngôi mả rất lâu đời cả hàng trăm năm; có mả người ta thường xuyên đến chăm sóc khói hương, nhưng cũng không ít những ngôi mả vô chủ, cỏ cây phủ lấp năm này qua tháng khác. Người già làng tôi nói rằng Mả Đống là nghĩa địa lâu đời nhất của vùng Lộc Thượng, nó có từ khi các tộc họ đầu tiên của làng Đại An và các làng lân cận đến đây khai cư lập nghiệp tính ra đã mấy thế kỷ. Ngôi mả lớn nhất  của ông tiền hiền tộc Đoàn; mọi người nói rằng trước khi qua đời, vị tiền hiền đã dặn con cháu phải mai táng ông ở vị trí ranh giới giữa hai làng để tránh sự tranh chấp đất đai sau này.

 

Ngôi mả tổ đến thời bọn chúng tôi được người ta đắp to ra rộng bằng nửa sào đất, cao như một cái gò. Tôi và lũ bạn đồng lứa chiều chiều sau giờ tan học thường tụ tập ở đây chia phe đánh trận, rồi dẫn nhau ra bến sông Cái, nơi đặt bờ xe gió của làng. Bờ xe lớn giống như một cỗ máy khổng lồ, cần mẫn ngày đêm đổ nước vào con mương chảy dọc làng  ra cánh đồng Đại An để có bao mùa lúa chín vàng. Con mương nước chiều chiều trôi xuôi những  chiếc thuyền giấy của tuổi thơ tôi và bao lũ nhỏ đong đầy ký ức, ước mơ, khát vọng, … những kỷ niệm thân quen với ngôi trường làng.

 

Lần đầu tôi được cha dẫn đến trường vào một buổi sáng sớm. Tôi nhớ lại, cách đó vài hôm trong bữa cơm chiều, cha nói với mẹ rằng phải cho thằng Nhiên đi học để kiếm cái chữ. Thầy Nhự là bạn của cha đã đồng ý nhận vô trường rồi. Mẹ sắm cho tôi bộ quần áo mới, chiếc cặp da và những tập vở còn thơm mùi giấy mới. Tối hôm trước khi đến trường tôi không sao ngủ được. Cứ nghĩ ngày mai mình được đi học, được quen biết bạn bè, trưòng lớp, thầy giáo, … cái cảm giác vừa hồi hộp vừa sợ sệt xen lẫn mừng vui khiến tôi không tài nào chợp mắt. Mẹ phải vỗ nhè nhẹ vào đùi tôi, tiếng ru à ơi êm êm … và tôi thiếp đi lúc nào chẳng biết. Sáng ra, trên đường đến trường, cảnh vật xung quanh tôi hình như cái chi cũng khác. Đi ngang hàng chè tàu vườn nhà ông Đề, tới trước con mương làng nước chảy róc rách, qua lối ra Lung Ngỏ nơi tôi thường thả diều … mọi ngóc ngách ngõ làng dấu chân đã từng thân thuộc sao hôm nay vẫn có cảm giác là lạ. Đứng trước cây vải lối vào nhà thầy Nhự, bước chân tôi bỗng ngập ngừng, cha bảo: “vào đi con, thầy giáo đang đợi!”.

 

Rồi tôi đi học, quen biết rất nhiều chúng bạn. Ngoài những đứa cùng xóm thân thiết như thằng Giải, thằng Kiều, con Hảo, con Hoá,… tôi còn biết thêm ở làng dưới còn có thằng Bôn, thằng Dưỡng, con Thoa và những đứa khác nữa. Gọi trường làng nhưng chỉ là một mái tranh rạ đơn sơ, được lợp đi lợp lại nhiều lần do mưa nắng và bom đạn. Mấy tấm gỗ gạo xù xì được kê làm bàn viết học trò. Ghế là những chiếc đà gỗ tròn lẳng, láng kịn mồ hôi của lũ trẻ sau những giờ chạy nhảy rong chơi. Cái ngôi trường quen thuộc ấy đã gắn kết tuổi thơ tôi và lũ bạn với biết bao kỷ niệm khó quên của những tháng ngày êm đềm và dữ dội.

 

Chiến cuộc liên miên, bom đạn ác liệt. Cảnh nhà cháy, người chết diễn ra như cơm bữa. Nhiều gia đình lần lượt bỏ làng đi lánh nạn. Nếu xa thì Đà Nẵng, Hội An, Sài Gòn; còn gần thì dọn lên Cấm Thị, Hà Tân để tránh bớt những rủi ro đang rình rập lên cuộc sống mỗi ngày. Bữa cô dượng tôi quyết định đưa gia đình đi Đà Nẵng. Cô khuyên cha tôi cũng nên đi cho an toàn. Cô nói rằng mai mốt hết chiến tranh mình lại trở về nơi quê kiểng, còn thời thế  này thì phải tạm xa nó thôi. Cha tôi chần chừ  chưa liệu được có nên nghe theo lời cô khuyên hay không thì ông nội biểu: “Đi hết thì ai ở lại làng mình hả con? Thôi vợ chồng bay cứ đi, yên bình được đứa nào thì mừng cho đứa nấy, nhưng để thằng Bốn ở lại với tau. Sống chết cũng là nơi chôn nhau cắt rốn con à!”.

 

Rồi cô tôi đi. Những gia đình khác cũng lần lượt ra đi. Lũ bạn lớp tôi  thưa thớt dần; thằng An, thằng Diên, con Hoá…theo gia đình làm kiếp lưu dân biệt xứ.Tôi nhớ chiều hôm trước khi xuống ghe xuôi về phố lạ. Ngồi phía sau lớp học, con Hoá lén dúi vào cặp vở tôi một gói nhỏ, nó bất chợt nắm lấy tay tôi thật chặt, cứ nhìn trân trân mà không nói gì cả, nước mắt lưng tròng rồi chạy ù ra cổng.Tôi phải chờ đến lúc thầy Nhự cho cả lớp ra chơi mới sè sẹ mở cặp ra xem, thấy trong đó có mấy cây kẹo ú và tờ giấy học trò ghi nguệch ngoạc dòng chữ: “Hoá đi nghe, nhớ Nhiên nhiều lắm, mãi mãi!”.Ở cái tuổi mười một mười hai; cảm giác âm ấm của bàn tay cô bé khác phái làm khuôn mặt tôi lúc ấy  ngây ra trông thật buồn cười. Từ hôm đó, cái bóng tí hon và chiếc áo đầm màu tím cứ thoắt ẩn, thoắt hiện trong ngóc ngách ký ức tôi rưng rưng đến mãi tận bây giờ.

Làng tôi ngày ấy hoang sơ tiêu điều lắm. Những ngôi nhà, mảnh vườn vô chủ, trống hoác.Tuy còn ít học trò nhưng lớp học của chúng tôi thầy vẫn dạy bình thường.Tôi và chúng bạn buổi sáng đi học, buổi chiều chăn thả trâu bò,vui chơi đùa nghịch với lứa tuổi vô tư của mình mặc dù đang thời chiến tranh bom đạn.

 

Vào mùa tháng Bảy, giữa mỗi buổi học khi đến giờ ra chơi; lúc mấy đứa con gái đánh nẻ, nhảy dây thì lũ con trai chúng tôi rủ nhau leo lên bắt những ổ chim dồng dộc, chạch hoạch trên mấy bụi tre cuối làng, hoặc kéo ra Mả Đống để hái bông dủ dẻ. Dủ dẻ là loại cây mọc hoang trên đồi trọc hay nghĩa địa ở quê tôi. Bụi cây chỉ cao ngang bụng, bông của nó màu vàng nhạt, cánh dày nhưng hương thì thơm lạ lùng, nhất là khi được hái đem về lấy vải bọc lại rồi ngâm vào rượu xi-ca để qua đêm, đến sáng hôm sau nó toả ra mùi thơm nức nhà nức cửa. Thằng Liễu, thằng Lâm ưng lấy lòng bọn con gái nên thường hái nhiều nhất để đem về tặng chúng nó làm nơ cài tóc, nhìn con Hảo, con Thoa cài bông trên đầu trông thật ngồ ngộ.

 

Có nhiều buổi trưa nắng chang chang, vừa tan học là bọn con trai chúng tôi hẹn hò ra bến sông Cái, nơi có bờ xe gió khổng lồ to đến mười hai bánh, lớn nhất vùng. Cả bọn trần truồng nhảy tỏm xuống dòng nước mát rượi của con sông quê thân thuộc, thi nhau bơi ra nổng cát giữa dòng bắt phe chơi trò trồng chuối bẻ búp, đá bò, cút bắt sùng sục,ồn ả cả bến sông.Lúc thì lội qua bờ bên Lục Nam hái trộm dưa hồng thả xuôi về bày tiệc khao mừng chiến tích. Những đứa to con liều lĩnh như thằng Sơn, thằng Giải thì thích đu theo vòng bánh xe leo lên tận xối nước cao ngất rồi tung người lộn mấy vòng trên không như diễn viên xiếc và lao thẳng xuống dòng nước chảy để tận hưởng cái cảm giác vừa phiêu lưu mạo hiểm vừa mạnh mẽ dữ dội thoả thích vô cùng của tuổi mới lớn. Cũng có bữa rũ nhau chạy dọc đường nà lên miếu hoang vườn ông Khuê chặt ống trảy đem về làm súng thụt bắn trái bời lời, chia phe bày trận giả. Mỗi khi đi qua miếu hoang, lũ chúng tôi đứa nào cũng sợ hết hồn, mặt mày xanh như tàu lá.Gọi miếu nhưng thật ra chỉ là cái nền gạch cũ meo mốc rêu phong nằm dưới gốc cây  da cổ thụ cành lá um tùm đầy vẻ hoang sơ bí ẩn. Mấy chiếc bình vôi bể nằm vương vãi bên cạnh một nồi hương to tướng chật ních những chân hương của mọi người qua lại thắp lên vào ngày rằm, mồng một. Thầy Nhự kể rằng ngôi miếu thờ một vị đô đốc triều Tây Sơn dưới trướng danh tướng Bùi Thị Xuân. Ông tử trận ở đây trong một lần truy đuổi quân Nguyễn Ánh đi ngang qua vùng này.Thầy nói ngôi miếu rất thiêng. Ngày xưa, những đêm thanh vắng, dân trong làng thường nghe tiếng ngựa hí, quân reo, vó câu khua lộp cộp và cả tiếng lục lạc loong coong dọc các đường làng quanh miếu. Lúc ấy, mọi người ai cũng sợ, đóng chặt cửa nhà không dám ra đường. Thầy Nhự kể như thế, nhưng đến thời lũ trẻ chúng tôi thì chẳng còn nghe thấy chi nữa. Ấy vậy, mỗi lần đi ngang qua miếu, đố đứa nào không sợ mới hay.

 

Những buổi chiều nghỉ học, chúng tôi dong trâu bò ra Bàu Miếu, Bãi Dù hay Đồng An để cho ăn. Lúc chúng đang cần mẫn gặm cỏ, mấy thằng chúng tôi đứa đi kiếm phân trâu khô đốt lên cho gió nồm chiều thổi thành đống than đỏ rực, đứa xuống đìa bắt nào cá, nào cua, ốc bươu…bỏ vào đống lửa nướng chín rồi đem ra chia nhau nhâm nhi. Cái mùi thơm quê kiễng đồng bãi ấy cứ quyện theo những cuộc đời bọn trẻ chúng tôi đến cùng trời cuối đất. Ăn cua ,cá, ốc xong rồi nằm ngữa trên thảm cỏ xanh nhìn lên bầu trời cao rộng, trông những cánh diều đang thi nhau bay lượn lưng chừng trời, những áng mây trắng nõn nà mang đủ hình thù quái dị đầy màu sắc cổ tích,  tôi cứ để mặc cho trí tưởng tượng của mình bay bỗng vào một thế giới huyền ảo, kỳ diệu, mênh mang với những hoài bão ước mơ thần tiên mà chỉ có ở tuổi chúng tôi bấy giờ mới chiêm nghiệm được.

 

Một hôm, làng tôi bất chợt nhộn nhịp, đông đúc hẳn lên. Chiến sự lại xảy ra ác liệt hơn, bà con bên Lục Vĩnh, dưới Hà Dục lũ lượt kéo về lánh nạn. Những ngôi nhà vắng chủ lại có người. Ông nội tôi vui mừng biểu cha đón gia đình bà cô Bảy bên Lục Nam qua; chú Ba, cô Bọ ở Hà Dục đến. Họ làm tạm. những chái tranh quanh khu vườn nhà tôi để tá túc, rồi đào những chiếc hầm trú ẩn thật lớn phòng khi có súng nổ bom rơi thì làm nơi trú ẩn.

 

Tôi lại có dịp làm quen với nhiều bạn mới. Thằng Đông, thằng Thành, con Lai, thằng Bảy,và cả cô Nhẫn con bà cô nhưng cùng tuổi với tôi … tất cả đều xin vào trường thầy giáo Nhự để khỏi bị thất học.

 

Học trò đông đúc, thầy tôi phải dạy tranh thủ cả ngày. Mỗi buổi thầy dạy đến năm nhóm, từ lớp năm đến lớp nhất. Ra bài cho nhóm này xong, tiếp tục giảng cho nhóm khác. Trông thầy tất bật vô cùng. Cực nhọc như vậy nhưng thầy vẫn vui vẻ không phàn nàn, thầy nói: “Có bận rộn, chút ít, nhưng các con chăm học, ngoan ngoãn đó là cách để trả ơn thầy!” Lũ học trò im lặng lắng nghe và tự nhũ chẳng bao giờ quên lời thầy dạy.

 

Thầy giáo bận rộn, bọn trẻ chúng tôi cũng bận rộn chẳng kém. Vẫn là những buổi tụ tập ở bãi làng để chăn trâu, cắt cỏ, bày trận đánh nhau. Khi có thêm những đứa mới thì tổ chức “tỉ thí” để tranh ngôi thứ bắt chước người xưa như ông nội tôi kể trong truyện “Tam Quốc diễn nghĩa”. Cái làng nhỏ ven sông của tuổi thơ tôi thuở ấy ngày ngày vẫn chìm đắm trong nỗi lo ấu chiến cuộc và đời sống đói nghèo tất bật áo cơm của biết bao số phận. Người lớn thì cuốc bẫm cày sâu, rong ruỗi với mùa màng chắc lép; ngược lại lũ trẻ thì cứ vô tư dưới mái trường làng và những trò đùa vui bãi đồng rơm rạ.

 

Vài năm sau, lứa chúng tôi lớn lên phải chuyển đến trường huyện để học các lớp trung học. Tuy vậy, trường làng cũng cứ đông đúc vì có những đứa trò mới như các em của tôi đến phiên vào học. Thầy Nhự ngày tháng thường xuyên bận bịu với lũ trẻ.  Mùa hè năm Bảy Tư quê tôi giải phóng. Tôi và các bạn lúc đó đã tuổi mười chín, hai mươi; ví mình như những cánh chim đủ bản lĩnh tung trời. Rồi đứa vào bộ đội, đứa thoát ly tham gia dân chính,… tôi theo ngành sư phạm và dạy học tận trên Hội Khách - Lộc Ninh. Cho đến những ngày đầu chiến tranh biên giới Tây Nam, tôi và một số bạn bè lên đường ra trận. Biền biệt hơn năm năm mới trở lại quê nhà.

 

Hôm đầu tiên về đến làng, thằng Lâm kể tôi mới biết, lúc chúng tôi ra đi được vài tháng thì thầy Nhự qua đời sau một cơn bệnh hiểm nghèo. Khoảng nửa năm sau, người trong làng ngạc nhiên khi thấy cây vải già rụng lá rồi từ từ chết khô. Những ngôi mộ ở khu Mả Đống được quy hoạch dời vào các nghĩa trang gia tộc ven núi Gò Hiu, gò Mũi Mác để nhường đất lại cho người dân các làng trong xã đến ở lập khu dân cư mới. Bờ xe nước người ta đã dở đi, thay vào đó là một chiếc máy bơm hiện đại. Đường sá trong làng cũng được sửa sang, bê-tông hoá sạch sẽ, vững chắc và rộng lớn hẳn lên, cuộc sống người dân làng tôi đã vươn lên no ấm đẹp giàu.

 

Tôi được chuyển ngành sang làm việc ở một cơ quan nhà nước, phải sống xa làng..Mỗi lần có dịp về thăm quê, gặp lại những khuôn mặt thân quen ngày cũ. Dù đã qua thời gian khá dài, tóc trên đầu đã không ít những sợi bạc, nhưng trong tâm thức mỗi người chúng tôi lúc nào cũng dâng lên niềm thương cảm khôn cùng về  ký ức của khoảng trời tuổi thơ, ngôi trường làng với biết bao nhiêu kỷ niệm của những tháng ngày không thể nào quên.

 

Tháng 11.2008.

Nguyễn Hải Triều
Số lần đọc: 2229
Ngày đăng: 29.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bến trầu của mẹ - Ngô Văn Tuấn
Chăn Trâu khổ Lắm - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Thư gửi anh biên tập - Vũ Trà My
Hà Nội Bốn Mùa - Lê Hiền
Lặng lẽ mùa đông - Nguyệt Quế
Mùa sim - Nguyễn Hải Triều
Tản mạn chuyện thơ : có một nhà thơ thôn Vỹ … - Cao Quảng Văn
Bắp xào ơi! - Lưu Quang Minh
Huế - Văn hóa nghe và không gian tâm tưởng - Trần Hạ Tháp
Người phu quét lá - Nguyễn Hữu An