Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.157
123.224.901
 
Tết trên vỉa hè Sàigon năm Nhâm Ngọ (1942)
Khổng Ðức

Hồi ký

 

Sống ở Sàigon vào khoảng 1940-1943, chúng tôi hay rơi vào cảnh không nhà. Lý do là một lủ bốn năm thằng  từ miền Trung vào thường thất nghiệp, ở chung trong một ngôi nhà của bạn bè hay thuê mướn rồi không đủ tiền trả, nên bị đưổi ra đường. Có lúc chúng tôi phải chui rúc trong những căn nhà chật hẹp, ba gia đình mà ở trong căn  nhà 3 x 7 mét ,

 

Tôi còn nhớ rõ nó là dảy nhà 5 căn ở đường Chaigneau nay là đường Hồ Tùng Mậu, mỗi gia đình từ ba bốn người trở lên , chung chạ nhau trên một cái divan, và ngăn cách bằng một  bức màn vải thảm thương, Tệ hơn có lúc bốn năm thằng phải chui rúc dưới hốc cầu thang  bên cầu tiêu, nó là khoảng ngăn nhỏ làm toilette trong một chung cư, ở đường Ohier, nay là đường Tôn Thất  thiệp, thuộc phường Bến Nghé. Cái hẻm nay vẫn còn  với cầu thang lên lầu 1 là nơi bán vé máy bay, và hẻm cầu thang cũng đã thành nhà ở rồi. Biết được chỗ ngủ này là vì một trong những thằng bạn của chúng tôi làm cho một hảng Nhật ở đây gọi là hảng Gosho.Tạm yên ổn đâu được bốn năm hôm thì bị bọn Nhật ban bệ của công ty vốn ở trên lầu phát giác, ban đầu bị chúng nghi là muốn len lỏi vào kho hàng của chúng trộm cắp, may là xí xô xí xà sao chúng  hiểu là bọn không nhà ngủ ké nên tha và đuổi đi.

 

May mắn cho tôi là giữa năm 1941 thì tôi có việc làm – là bán xăng  thực ra là bán cồn (alcool) 90 độ thay thế cho xăng để chạy xe hơi cho hảng   Auto Accessoires - 63 đường Pellerin, số nhà nay cũng đổi là 59 đường Pasteur. bên tay măt nó là rạp ciné Casino nay là rạp Vinh Quang, giáp với đường Bonard, tức Lê Lợi bây giờ. Vì làm nghề bán cồn phải túc trực 24/24, nên phải có hai nhân viên, và chỗ ở là vỉa hè, thực ra là trước thềm cửa của hảng, bề rộng của nó hơn một mét, chiều ngang là cả khung cữa ra vào dài khoảng 4m, hai bên có hai tủ kiếng có khóa để  cất tiền bạc và fueilles bán hàng, do đó có chỗ để cất quần áo và mến chiếu ngủ nghê.Tôi không có nhà ở chính thức nên tôi lãnh nhiệm vụ túc trực luôn ba ngày Tết cho bạn. vì vậy mà có thiên hồi ký này. Saigon trước 1945  dù được tiếng là hòn ngọc Viễn Đông, thật ra là một thành phố nhỏ, dân số chỉ vào khoảng bốn, năm trăm ngàn người, và nghèo, nhà cửa ở ngoại ô phần nhiều là nhà lá, dù ở trong thời đệ nhị thế chiến, khoảng 1940, 1942 vẫn chưa thấy có gì là chiến tranh ngoại trừ có lính Nhật  và các công ty xuất nhập khẩu của Nhật xuất hiện ở Sàigon. Cái xã hội vỉa hè của chúng tôi  cũng lè phè chỉ có năm ba người, ngoài cái anh bạn cùng làm chung với tôi, có nhà cửa ờ Sàigon, chỉ mỗi sáng trước khi bàn giao công việc trao đổi bâng quơ năm ba câu xã giao là hết, chứ có thì giờ đâu mà tâm sự hàn huyên ,do đó ít thân thiết bằng những khách chung cư hằng đêm trên vỉa hè, nhìn lại chỉ có bốn mạng, xin giới thiệu sơ lược danh phận từng người như sau:

 

Người thứ nhất là Năm Nhỏ, vốn  anh ta đã ở từ trước khi tôi  đến  làm việc và nhập cư vào khu nhà vỉa hè này, anh ta có lẽ lớn hơn tôi đến 4, 5 tuổi. Là thứ dân không nghề ngỗng, không nhà cửa, ban ngày anh ta đi đâu ở đâu chẳng ai biết, chỉ biết tối đến 8, 9 giờ thì về ngủ. Người thường ăn mặc chỉnh tề, nghĩa là quần short, chemise bỏ vào quấn chân mang giày bata sạch sẽ; con người to lớn khỏe mạnh, chúng tôi cũng dành cho anh ta một ngăn tủ kiếng để bỏ quần áo và chăn chiếu. Và cũng vì ăn ở sạch sẽ nên anh  được ưu tiên là ngũ trên một đầu thềm hé trước cửa hảng ngang cấp với hàng nhân viên chúng tôi, dù anh cũng chỉ là người ngủ nhờ. Ở chung chạ với nhau gần cả năm mà chúng tôi cũng chỉ biết nhau qua cái tên với dáng người thế thôi chứ chẳng ai tìm hiểu ai sâu hơn. Chỉ biết trước Tết và sau Tết nguyên đán anh ta có hùn hạp đặt bàn Tài Xiểu  trên đầu đường Bonard nên tiền bạc có vẻ khấm khá. Xưa thường mặc quần short nay đã thay đổi có bửa diện quần dài bảnh bao, chân mang giày bata đã đổi thành giày da mới; đã có những đêm không hể về ngủ vỉa hè nữa. Hôm nào đột ngột về, gặp nhau chúng tôi chỉ cười và chế nhạo là “thay đổi đời rồi phải không“, anh ta cũng  chỉ đáp lại bằng tiếng cười thôi không hẳn là xác nhận hay phủ nhận. Có điều qua Tết ít lâu thì đâu lại hoàn đó, tiền của cờ bạc có giàu lâu đâu.

 

Nhân vật thứ hai là Ba cà tàng , anh này cũng cở tuổi của Năm Nhỏ,, nhưng là thành phần nghèo khổ, lúc nào cũng trần trụi, nên nước da đen đủi, thường mặc quần đùi, đi chân không , có mỗi chíếc áo rách vắt vai , dành che thân lúc nằm ngủ, cũng là dân chính cống vỉa hè,vì  thềm trước cửa hảng hết chỗ nên phải chịu thân ngủ vỉa hè thật sự , ban ngày cũng  lang thang ở đâu chỉ tối mới về ngủ.. Con người ít nói , tên anh ta có lẽ là Ba còn hai chữ Cà Tàng chắc là do anh em làng vỉa hè đặt cho nhau. Tôi nghĩ chắc là anh ta làm nghề khuân  vác cho những bạn hàng ở chợ Bến Thành, nhưng rồi cũng không tra hòi làm gì.

 

 

Nhân vật thứ ba là người lớn tuổi chắc khoảng trên 40, vốn vô danh, nhưng hơn Ba cà tàng là có quần áo, nhưng là thứ quần áo đủ để che thân áo sơ mi bỏ ngoái với quần tây dài, thường là màu xám hay màu đen, thứ quần áo ít được giặt giũ, nên chúng tôi cũng ít khi lại gần. Nghề ngổng theo anh em xầm xì thì cha nội này vốn mang bịnh ghiền nên làm nghê tiêm thuốc phiện cho khách trong các tiệm R.O ( tức là regie opium), thứ này ở Sàigon lúc bấy giờ khá thịnh hành. Thứ nghiện này vốn sợ nước nên ít ai dám gần, hơn nữa tối thỉ khoảng 10 giờ mới về và sáng đi sớm, nên rất ít chuyện trò với ai.

 

Bến trái hảng AA. Có một con hẻm nhỏ,  phía bên trong có một dảy nhà trệt khoảng 10 căn là nhà ở của công tư chức. Trước dảy nhà này có một cái sân dọc theo dảy nhà, bề rộng khoảng 10m, giửa sân  chỉ có  một fontaine nước  để  cho dảy nhà dùng chung. Tình trạng nước nôi eo xèo này nằm giữa ngay trung tâm thành phố, không phải chỉ riêng đây mà lan tràn  nhiều nơi. Xóm đây có một anh chàng nhỏ con nhưng tuổi cũng vào khoảng Năm Nhỏ cũng ở trong đó, chắc là người phục vụ vệ sinh cho dảy nhà này, nên tối tối anh ta thường ra chuyên trò với chúng tôi – bản chất con người vui vẻ, tên thường gọi là Bốn Cát. Đặc biệt trong xóm nhà trệt có bóng dáng một nữ sinh khá duyên dáng , ngày ngày ít nhất  hai bận đi về đã làm cho anh chàng bán cồn si cuồng mê dại, mỗi ngày cặm cụi viết thư cho cô nàng mà không bao giờ dám gởi, bởi tự biết thân phận mình chỉ là hàng tôi đòi, tệ đến nỗi cũng chẳng biết tên nàng là gì. Đến khi bom đạn chiến tranh ắt đầu gieo rắc tai họa trên thành phố, thì tôi cũng chuồn về Trung. Nhật đầu hàng tôi trở lại Sàigon,  tìm về chốn xưa, cô nàng vẫn còn ở đó, nhưng cũng đâu có dám hỏi han. Sau ngày Tổng khởi nghĩa, Sài gòn bị Pháp lấn chiếm, mọi gia đình phải tản cư, tôi lì lợm còn nán ở lại đến phút chót, lại lò mò về dảy nhà ơ hẻm 63 thì chẳng còn ai nữa, vào nhà chỉ thấy giấy má và sách vở  tung ra khắp nền nhà,tò mò lục tìm may ra có tấm ảnh nào của cô nàng chăng cũng không có.

 

Đối diện với hảng AA – phía bên kia đường có một cửa hàng bán rau quả Đàlat nên tên bảng hiệu là Dalata, cũng có một nữ sinh, ngoài thì giờ đi học thì giúp gia đình bán hàng, khách hàng ở đây thường là tây đầm. Do có bóng dáng giai nhân nên Dalata cũng  là điểm quan sát hằng ngày của chàng trai bán cồn, chủ yếu cũng chỉ ngắm như ngắm tranh có điều không bao giờ chán, chứ đâu có dám léng phéng; vì bà chử của hảng AA là người Pháp, cũng hay mua rau trong tiệm này, có gì người ta mét với bà chủ là mất chỗ làm như chơi. Ngoài số bạn bè chung chạ ở vỉa hè, tôi còn có nhiền bạn khác hoặc cùng quê, cùng sở thích viết văn làm báo, ban ngày cũng hay tới chơi với chúng tôi – bởi nghề bán xăng hay cồn chung quy chỉ ngồi ở vỉa hè, bạn bè ai tới lúc nào cũng được .

 

Trước Tết nguyên đán ở Saigon lúc bây giờ - 1945 về trước -  cũng hiu hắt lắm chẳng có chợ hoa, không có báo Xuân, có rộn ràng chăng là trong phía Chợ Lớn, riêng tôi cũng bận rộn, ngày nghỉ về ở nhà bạn thì lo học hành đọc sách báo chứ ít khi đi lang thang đây đó. Ở Sài gòn gần cả năm mà chưa đi sở thú bao giờ. Nên Tết Nhâm Ngọ là cái tết đầu tiên tôi ở Sài  gòn. Cuộc sống của chúng tôi là ăn cơm quán bình dân. thứ bình dân nghèo  khó, ngồi đòn ghế ăn cơm đỉa chứ chẳng có bàn ghế gì. Vào được trong quán là may chứ thường là ăn cơm trên vỉa hè với các quầy bám cơm bằng  gánh , công nhân các hàng cùng với công tư chức hạng bét hay đổ xô về các ngả đương Mac Mahon, Chaigneau, Chợ cũ hay quanh chợ Bến  thành để ăn trưa, tối cũng có nhưng thưa vắng hơn.

 

Bạn bè ở Sàigon lâu đầy kinh nghiệm báo trước cho tôi biết là phải chuẩn bị  thức ăn  chứ ngày 30 , và mùng 1 Tết các tiệm ăn đều đóng cửa, không còn ai bán cơm gánh nữa đâu. Chuẩn bị của tôi trong mấy ngày Tết  là mua ít bánh mì với kẹo. Bánh mì lúc bấy giờ cũng là thứ bánh mì nghèo, vì không còn liên lạc với Tây Âu nữa nên chỉ có  thú bánh  baguette là bánh mì dài khoảng  hơn 3 tấc hình tròn bằng ngón  chân cái, mới ra lò thì dòn chứ để lâu thì cứng ngắc, và một thứ bánh nữa là bánh croissant cong cong  như móng ngựa là bánh  ngọt. Văn phòng của hảng cũng được nghỉ mấy ngày Tết đến mùng 4 mới đi làm, nhưng bộ phận bán cồn  thì không có nghỉ, phải trực luôn  là phần vụ của tôi. Thực tế trưa 30 tết vẫn còn có đôi quán bình dân mở cửa, đến tối mới không bán nữa. Tối giao thừa có đốt pháo lai rai nhưng không nhiều lắm như sau này. Tôi đón giao thừa bằng giấc ngủ ngon lành từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng.Thức giấc dậy đường phố vắng tanh. Anh chàng đang thay đổi đời cũng không thấy về trong đêm qua, cùng là bạn với tôi trong đêm rồi chỉ có “ông ghiền vô danh”. Mở mắt ra thấy ông ta cũng đã ngồi dậy lù lù một đống, tôi mau mồm nói: “ Mùng một tết, đầu năm mới, chúc anh phát tài!”; ông ta cũng  đáp lời : “ tôi cũng chúc ông như vậy, nhưng thêm là chúc sức khỏe thì hơn, lũ chúng mình làm gì mà phát tài”!

- Sao đầu năm anh nhanh nhẩu vậy? – Tôi đáp lời.

- Thì đầu năm cũng gượng vui cố đổi đời. Cả hai chúng tôi cùng cười , thì ra lâu nay anh ta lầm lì ít nói, nhưng qua đối đáp tỏ ra anh cũng là người có  kiến thức mà sa cơ lở vận. Lại cuốn chiếu lên đường… Tôi ngồi ngắm trời đất với tâm trạng bùi ngùi nhớ quê hương. Lấy sách ra đọc  vừa mới được mấy trang thì đã nghe có tiếng  chuông  rung leng keng ở đầu đường, nhìn đồng hồ vừa đúng 7 giờ, ngưỡng mặt nhìn ra đường thì duy nhất có chiếc xe đẩy bán cà rem của ông già người Hoa vẫn  thường qua đây mỗi sáng , tôi đứng lên mua mở hàng một ly để ăn sáng với bánh mì. Đường phố vẫn còn vắng tanh, nhà hai bên đường vẫn còn đóng cửa, trong những ngày thường thì giờ này đương  phố đã xôn xao xe cộ, người qua lại…Đúng là ngày đầu năm  vắng vẻ lạ thường, đến hơn 8 giờ mời bắt đầu  thấy có năm ba người và hai ba xe hơi chạy ngang qua. Một chiếc xe  hơi tư nhân đậu trước cây xăng – hình thức cây xăng vần là thứ hai bình cao mỗi bên chứa  5 lít, bơm bằng tay, ngày nay vẫn còn thấy xuất hiện ở miền quê. Cốn sản xuất không nhiều nên hạn chế mua bẳng tem phiếu tức tickets do sở tài chánh thuộc địa cấp – tư nhân nhất là  dân Việt được cấp ít lắm nên phải mua lậu do các tài xế xe công ăn xới ăn bớt bán lén ra ngoài – qua trung gian là chúng tôi người trực tiếp đứng bán cồn, do đó ngoài tiền lương ra chúng tôi cũng có được  chút tiền “còm” do tài xế chi.

 

Gần đến 10 giờ thì có một xe song mã ( loại xe  ngựa lớn do 2 ngựa kéo, hàng ngày dùng để chở rau cá, ngày Tết được rửa sạch sẽ để chở người nhà) xe này chắc là đi thăm  mồ mã về, khi chạy ngang qua trước hảng  AA, nơi tôi đang trương mắt ngóng trông người đẹp cửa hàng rau Dalata, bổng thấy rớt hai cái gì xanh xanh như trái cây trong tiếng chân ngựa chạy nhịp nhàng nên những người ngồi trên xe chẳng ai hay. Xe chạy qua tôi lững thững ra xem thì là hai gói nem ớn vuông vức gần bằng cổ chân, lúc mới nhặt lên tôi hơi ngần ngại, nhưng sau một  phút suy nghĩ đó là thứ đồ người ta đem đi cúng – tôi lại  đang thiếu đồ ăn mặn, vậy được nem là tốt quá đủ cung ứng cho hai bửa trưa tối. Sau bửa ăn trưa đạm bạc mà cũng ngon lành lắm, tôi đã nghe có tiếng trống và phèn la múa lân xen lẫn với tiếng pháo nổ ở các khu có người Hoa và người Việt ở. Tối mùng một tôi vẫn đón Tết trong quạnh hiu, ngày mùng hai thì đã trở lại không khí ồn ào người người ăn mặc bảnh bao  đi thăm viếng và chúc têt lẩn nhau. Các quán cà phê, tiệm ăn đã có đôi nhà mở cửa buôn bán trở lại. Tôi cũng đã có đôi người bạn thân đến thăm viếng tán dốc, vì chúng biết tôi phải trực luôn trong ba ngày Tết. Cũng từ tối mùng hai thì xã hội vỉa hè của tôi đã tụ hội đầy đủ  với tiếng cười nói rôm rả của năm Nhỏ, Bốn Cát, Ba cà tàng. Bốn Cát đem biếu tôi một cái bánh chưng , đủ để thay thế cho bửa ăn sáng và trưa  ngày mùng 3. Sáng ngày 4 tôi mới về nhà với thằng bạn nối khố ở quê , ở tận đường Lò Đúc, Phú nhuận, bấy giờ là đường Nguyên Minh Chiếu. Thời 1942 con dường này là đường đất đỏ, và con đường từ Cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận gọi là Paul Blanchy, phía tay mặt con dường này là các xóm nhà cô đào mới du nhập từ bắc vào từ năm 1939-1940; còn phía tay trái là các tiệm cầm đồ, lúc đó xài tiếng Pháp gọi là Brocanteur. Về nhà ông bạn này khoe là  đêm mùng ba được vinh dự là bà chủ tiệm cô đào quen biết mời khai trương  đêm hát đầu năm. Tôi cười đáp:” Đúng ra phải nói là cái vinh dự đã chụm vào đó không biết bao nhiêu tiền trong năm rồi.”

 

Mười lăm năm sau (1957) tôi trở lại Sàigon thì mọi vật đều thay đổi, cảnh xưa còn đó mà người xưa thì hầu như vắng bóng gần hết cả thân lẫn sơ.

Khổng Ðức
Số lần đọc: 3011
Ngày đăng: 03.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khi danh dự lên tiếng - Khaly Chàm
Vỉa phố lan rừng - Trần Hạ Tháp
Tản mạn cuối năm - Trương Quang
Gia tài của mẹ - Phạm Ngọc Tú
Xa xăm trường cũ - Nguyễn Hải Triều
Biết đâu nguồn cội - Ban Mai
Bến trầu của mẹ - Ngô Văn Tuấn
Chăn Trâu khổ Lắm - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Thư gửi anh biên tập - Vũ Trà My
Hà Nội Bốn Mùa - Lê Hiền
Cùng một tác giả
Nhân đọc bài (tạp văn)
Bức thư rơi… (truyện ngắn)
Thi Tính Tự Do (tiểu luận)
Khí hạo nhiên (tiểu luận)
Thần tứ (tiểu luận)
Thế giới thơ… (tiểu luận)
Mỹ học tiếp thụ (nghệ thuật)
Con tim nhà thơ… (nghệ thuật)