Nghe câu trả lời của cậu lơ xe, Hiền biết là chị đã trở lại với con đường mà cách nay hai mươi năm, chị đã đi lại mấy lần để viết bài ký về người dân tộc thiểu số bên kia sông. Nhưng, quang cảnh hai bên đường nay đã hoàn toàn đổi khác. Hình ảnh duy nhất trong quá khứ còn lại trước mắt chị là những tảng đá, rất nhiều và nhỏ, nằm rải rác trong vườn cây hoặc được xếp ngay ngắn thành hàng rào phía trước nhiều căn nhà mà đa số đã được xây tường gạch, lợp ngói hay lợp tôn.
Hành trình liên tục nhiều tiếng đồng hồ từ Mỹ Tho về Sài Gòn rồi tiếp tục về Biên Hòa, cuối cùng lại lên chuyến xe này khiến Hiền mệt nhoài. Chuyến đi ngoài dự kiến mà chị lại muốn thực hiện cho bằng được nên phải chấp nhận mệt mỏi như thế vì thời gian còn ở lại Việt Nam của chị không nhiều lắm. Năm ngày nữa, chị sẽ phải đáp chuyến bay từ Tân Sơn Nhất về Hà Lan. Scott thì chẳng nói, nhưng thằng bé Bin chắc là mong chị từng ngày.
Đường nhỏ, dù là đường trải nhựa, xe vẫn phải chạy chậm vì có nhiều ổ gà phải tránh. Cậu lơ xe nói với chị rằng ít lắm cũng phải nửa giờ nữa, xe mới tới bến. Hiền dựa đầu vào thành xe, cố tìm một giấc ngủ ngắn. Từ bến xe, chị còn phải đi một cuốc xe ôm đường dài nữa mới đến nơi cần đến.
*
Chú Hai coi nhỏ con, gầy gò vậy đó mà cỡi ngựa cứ như ngồi lái xe hơi, chẳng thấy có vẻ mệt nhọc chút nào. Ông nhà văn chạy trước, Hiền chạy sau, trên lưng con ngựa trắng, toàn thân chị nảy lên từng hồi theo nước phi của ngựa.
“Hồi nhỏ chú theo ông già làm lò than ở vùng này, có cỡi ngựa nhưng chỉ đi chậm thôi, hổng dám phi nước đại. Còn cái hồi vượt ngục Tân Hiệp, lội bộ cả chục cây số tìm về chiến khu, nằm mơ cũng không thấy ngựa mà cỡi cho mau thoát khỏi bọn địch lùng sục tìm bắt. Giờ cỡi ngựa chạy tự do với chú dọc con thác bậc cuối cùng của dòng sông Đồng Nai này, cháu thấy sao?”.
“Cháu chỉ thấy... sợ!”
Hiền thực thà đáp câu hỏi của chú Hai.
“Chú đâu có hỏi cái cảm giác khi ngồi trên lưng ngựa của cháu! Chú muốn biết cháu nghĩ gì về vùng đất một thời được gọi là “Mã Đà sơn cước anh hùng tận” này kìa?”
“À... nó đẹp lắm! Đẹp hơn cháu tưởng tượng trước khi lên đây.
“Cháu còn nhớ truyền thuyết về thác Trị An mà có lần chú viết trên báo đó không?”
“Dạ nhớ!”
“Vậy cháu ấn tượng nhất cái đoạn nào trong cuộc đời của chàng tráng sĩ người Chăm Sa Trí Giả?”
Hai con ngựa vừa dừng lại nơi cây cầu bắc ngang sông, nơi có những gộp đá chất chồng từ cao xuống thấp và kéo dài. Hai mươi năm trước, dịp Hiền qua lại vùng này, cây cầu đã có. Nay, nó vẫn nằm đó trên con thác cạn. Dòng sông Đồng Nai bị ngăn lại ở phía xa, nơi Hiền nhìn khá rõ con đập ngăn với những cửa thoát nước đang đóng lại. Ở một phía cầu, hai ba nhóm thanh niên đi dã ngoại đang chụp ảnh kỷ niệm. Họ nhìn hai người khách vừa đến trên hai con ngựa một nâu một trắng với những ánh mắt ngạc nhiên.
Hiền nhìn xuống lòng thác, nơi có bao tảng đá nằm phơi nắng nhiều ngày, chờ mùa mưa người ta xả đập tràn để được đắm mình trong dòng nước mát thân quen. Chị cũng thấy đâu đó hình ảnh chàng Sa Trí Giả, chàng trai đã được nàng công chúa Phù Nam cưới làm chồng, được vua Phù Nam quý mến, vậy mà lòng vẫn nhớ cố hương, vẫn muốn vượt cầu đá linh ra dòng Phước Long Giang tìm về quê mình để đến nỗi bị bắt, rồi bị giết. Công chúa Phù Nam, vợ chàng Sa Trí Giả, bị bức tử ở đâu trên những tảng đá kia? Trước khi chết, nàng có thầm cầu khấn thần Vishnu cho mình được sum họp với chồng ở cõi xa hay đã cất tiếng hát một bài tình ca buồn?
“Cháu nghĩ nhiều về tình cảm với quê hương của tráng sĩ Sa Trí Giả” - Cuối cùng Hiền nói.
Nhà văn rít một hơi điếu thuốc lá đen vừa gắn trên môi. Ông nhìn về phía bên kia sông, nơi rừng xưa đã phải lùi ra rất xa, ánh mắt đăm chiêu nghĩ ngợi. Khá lâu, ông mới nói:
“Chú cũng khắc khoải một tấm lòng như người xưa vậy. Hoàn cảnh buộc chú phải sinh sống ở
Sài Gòn trong khi lòng chú rất muốn được về sống trên quê cũ của mình...”
“Chú còn hạnh phúc gấp nhiều lần chàng Sa Trí Giả. Mỗi năm dăm ba lần, địa phương lại mời chú về làm việc. Về đây, chú lại được mọi người quý mến...”
“Nhưng dù thế nào thì chú cũng vẫn chỉ là khách. Chú là khách của quê nhau rún, cháu à!”
Khách của quê nhau rún! Chữ của ông nhà văn quá hay! Hiền thầm bảo mình phải ghi nhớ cụm từ này. Chắc chắn một cái truyện hoặc một phim nào đó của chị trong tương lai gần, khi được xuất hiện trên báo chí hoặc màn ảnh Hà Lan, sẽ có cụm từ quá hay này! Tất nhiên, chị phải chuyển ngữ qua tiếng Hà Lan sao cho thật sát nghĩa...
*
- Cô ơi! Tới bến xe rồi, cô thức dậy đi!
Hiền giật mình tỉnh dậy. Mấy anh xe ôm cùng xúm lại mời khách khi Hiền vừa xuống xe, trên vai là cái ba lô nặng và trong đầu vẫn còn vương vất hình ảnh gương mặt đăm chiêu của ông nhà văn nhỏ con cùng cảm giác của một người bị nhồi vật bởi những bước chạy phóng khoáng của con ngựa trắng.
Không lâu lắm, Hiền thỏa thuận được giá cả với anh thanh niên có gương mặt thư sinh để anh chở chị đến ngôi làng dân tộc có già làng Điểu Lý. Nhận lời ngồi uống nước với Hiền nơi cái quán nước nhỏ ở bìa chợ, sát bến xe, đợi chị nghỉ ngơi một lát; anh xe ôm cung cấp cho chị vài thông tin về ông già làng mà chị muốn gặp lại.
Hiền mừng khi biết ông Điểu Lý vẫn khỏe. Tính ra, nếu chị nhớ không lầm, thì năm nay ông đã ngoài tám mươi. Nhưng anh xe ôm kể: “Lâu lâu em lại thấy ổng lên truyền hình, khi thì dự hội nghị trên tỉnh, lúc thì dẫn đoàn này đoàn nọ đi thăm bà con trong làng. Cách nay hơn tháng, em còn gặp ổng đi chợ này nè... Đi với đứa cháu gái lớn xộn, xinh đẹp lắm. Nghe nói nó đang học múa ở trường Văn hóa Nghệ thuật trên tỉnh...”
Cái xã hiu quạnh ngày xưa, nơi mà Hiền đang ngồi uống nước này, đã thay da đổi thịt đến mức chị chẳng thể nhận ra một hình ảnh nào trong quá khứ. Bến xe tấp nập. Chợ búa đông đúc. Đường phố rộng lớn hơn. Xe hơi, xe gắn máy nhiều hơn. Người cũng nhiều hơn và ồn ào. Và, cũng chắc chắn là chẳng còn ai nhận ra chị, ngày xưa còn là một cô gái trẻ, cũng từng ngồi uống nước ở đâu đó quanh đây và hỏi thăm đường đến làng dân tộc.
“Có phải cô là nhà nghiên cứu không?” - Anh xe ôm rụt rè hỏi.
“Không! Nghề chính của cô là đạo diễn kiêm biên kịch phim”
“Em biết rồi. Vậy là cô gặp ông Điểu Lý để làm phim”.
“Cũng có thể!”
“Vậy chắc cô sẽ trở lại nơi này nhiều lần nữa?”
“Cô cũng chưa biết nữa!”
“Lần sau nếu có trở lại, cô ưu tiên kêu em chở nghen cô... Thôi! Nắng lên khá cao rồi... Mình đi đi cô...”
“Ừ! Cô cũng bớt mệt rồi... Ta đi”
Trên đường đi, anh thanh niên chạy xe ôm đột nhiên nói với Hiền:
“Mà sao cô không làm phim về anh Điểu Muôn, chuyện của ảnh cảm động lắm...”
“Điểu Muôn nào? Chuyện thế nào?”
“Ủa! Chuyện của ảnh báo đăng rầm trời mà cô không biết à? Mùa mưa năm trước, ảnh nhảy xuống sông cứu mấy đứa học trò rồi bị lũ mạnh cuốn đi, hai ngày sau mới tìm thấy xác...”
“Đúng là một chuyện cảm động! Cô sẽ suy nghĩ về chuyện này...”
Hiền nói với anh xe ôm như thế nhưng thực ra trong lòng chị, chuyện về người mang tên Điểu Muôn nào đó chỉ thoáng qua, nó chẳng thể phủ lên mục đích chuyến đi này của chị: gặp lại già làng Điểu Lý.
*
Đêm đầu tiên ở lại, Hiền bị mất ngủ. Ông Điểu Lý đi họp gì đó trên tỉnh, hôm sau mới về. Người nhà ông già làng bố trí cho Hiền nghỉ chung căn nhà sàn với mẹ con một người phụ nữ góa chồng trong dòng họ. Người phụ nữ trạc ngoài bốn mươi - nhỏ hơn Hiền một hai tuổi - nhưng hai đứa con đều là gái thì đứa lớn đã trên hai mươi, đã lấy chồng và sinh con; đứa nhỏ vừa mười tám, khoe với Hiền là mới có người yêu, sẽ cưới nhau vào mùa hoa sơ-a-pá nở!
Mùa nắng, đêm trong làng ngột ngạt hơi nóng một ngày còn vương lại. So với hai mươi năm trước, khi Hiền đến đây, rừng đã biến mất khỏi làng, chỉ để lại con suối mà khi xuống xe ôm, vừa bước tới chiếc cầu cây, chị nhớ ngay đến một người thanh niên dân tộc ngày xưa đã tặng chị chiếc đàn ống tre. Lần ấy, chị trở lại làng để tặng tờ báo có in bài của mình viết về già làng Điểu Lý. Lúc tiễn chị về, người thanh niên từ trong nhóm trai tráng đứng phía sau ông già làng đã rụt rè bước tới, chính tại đầu chiếc cầu gỗ bắc qua suối, tặng chị chiếc đàn ống tre. Anh ta không xưng tên và Hiền cũng không hỏi tên anh ta. Dường như trong một đêm của những chuyến đi trước, chính anh ta là người được già làng Điểu Lý bảo gảy đàn ống tre cho Hiền nghe. Cái đàn đặc biệt với những dây đàn bằng chính vỏ tre già được bóc tách và chêm cao thấp khác nhau, tạo ra những âm thanh trầm đục của rừng đã cuốn hút Hiền lắng nghe và chăm chú nhìn vào đôi bàn tay vừa giữ vừa gảy đàn của người biểu diễn. Chị tin là với năng khiếu “bắt chước” của mình, nếu có cây đàn ống tre, chị hoàn toàn có thể gảy được một bài nhạc nào đó phù hợp với thang âm đơn giản của nó. Hôm nhận cái đàn được tặng, duy nhất cái nhìn của anh thanh niên từ đôi mắt hơi sâu dưới làn da bánh mật là Hiền không thể nào quên. Đó là cái nhìn của một người muốn thôi miên người đối diện, hai mi mắt không chớp và con mắt như có lửa, có cả lời nói - mệnh lệnh hoặc khẩn cầu - mà lúc ấy Hiền thấy sợ.
Đợi hai mẹ con chủ nhà ngủ say, Hiền mới mở laptop. Chị xem lại bộ phim “Bốn mùa” của Hàn Quốc lần này có lẽ đã là lần thứ tư, thứ năm vì nó có quá nhiều điều để chị học hỏi. Ở Hà Lan, chị là một trong rất ít người Việt có truyện viết bằng tiếng Hà Lan được in báo, tạp chí; là một trong hiếm hoi người Việt vừa viết kịch bản, vừa làm đạo diễn phim. Những phim truyện của chị tuy chưa nổi đình đám nhưng bước đầu đã được giới điện ảnh ở đây chú ý. Một đạo diễn Hà Lan nói với chị: “Nếu bạn làm được một phim giàu hình ảnh và nhiều suy nghĩ kiểu phương Đông thì sẽ rất tuyệt với khán giả phương Tây”. Gợi ý ấy đã có cách nay hơn một năm nhưng phải đến gần đây, chị mới quyết định thực hiện lời khuyên ấy sau khi tình cờ xem phim “Bốn mùa”.
Cả phim có rất ít lời thoại. Hầu như những khuôn hình cùng những hành động diễn ra chậm chạp nhưng không thừa đã nói lên tất cả và cuốn hút người xem. Đó là chuyện một chú tiểu tu tập cùng sư phụ trong một ngôi chùa giữa cái hồ rộng lọt trong một thung lũng bao quanh bởi nhiều ngọn núi cao. Khi một cô gái được mẹ đưa tới đây chữa bệnh, chú tiểu đã cùng cô ta ân ái rồi bị sư phụ bắt gặp, đuổi đi. Một ngày nọ, có một phụ nữ xuất hiện nơi chùa, gửi sư phụ đứa trẻ sơ sinh. Lại một ngày nọ, có một thanh niên xuất hiện nơi chùa. Anh ta chính là chú tiểu ngày xưa, phạm tội và bị cảnh sát truy lùng. Sư phụ dạy anh ta cách sám hối của “đạo” trước khi giao anh ta cho những người đại diện pháp luật của “đời”... Đoạn đầu phim là tuổi thơ của chú tiểu có cảnh chú buộc đá vào bụng con cá, vào bụng con ếch, con rắn rồi thả chúng trở lại dòng suối, thích thú xem chúng phải bơi lội khổ sở thế nào với viên đá. Kết phim cũng là hình ảnh một chú tiểu, nhưng dữ dội hơn khi đứa trẻ này bỏ đá vào miệng cá, vào miệng ếch... trước khi thả chúng xuống suối, khiến chúng đến với cái chết nhanh hơn. Tiếng cười của đứa trẻ hồn nhiên mà lạnh người. Mùa đông. Mùa xuân. Mùa hạ. Rồi lại mùa đông. Thiên nhiên quay cái chu kỳ thời tiết ấy. Con người cũng quay cái chu kỳ “tính bản ác” nhưng thế hệ sau tàn bạo hơn thế hệ trước. Đó là lời cảnh báo con người của nhà làm phim! Nếu làm một bộ phim như được gợi ý, chưa biết Hiền sẽ gửi lời cảnh báo thế nào?
Cô gái mười tám tuổi trở mình, nói mơ gì đó. Hiền nghĩ đến lời của cô gái nói với mình trong bữa cơm chiều: “Con chẳng muốn ở rừng mãi đâu. Cưới chồng rồi, tụi con muốn lên thành phố làm ăn nhưng không biết mẹ có ưng cái bụng không nữa!”. Chị tắt laptop, nằm cuốn mền, cố dỗ giấc ngủ. Đã vào đêm sâu. Chú tiểu ở giữa thung lũng vắng và cô gái người dân tộc thiểu số với ước mơ về thành phố sống. Sự im lặng trong nhiều phân cảnh phim, đôi khi cũng được xem là một loại âm thanh, và tiếng gió rít nhẹ bên ngoài nhà sàn kia. Ngay cả Hiền, từ đất nước này ra đi đến những chân trời rộng lớn bên ngoài thế mà đã hai mươi năm, bây giờ lại nằm ở đây, trong một cái nhà sàn ở một làng dân tộc thiểu số xa vắng, như chú tiểu trở về ngôi chùa trên hồ nước... Một cái vòng tròn vô hình ở đâu cũng có, ở đâu cũng gặp, như một cái hàng rào vây quanh xã hội loài người. Một ngọn bút lông khổng lồ đang vẽ cái vòng tròn đó quanh Hiền. Chẳng có gì mà chị vẫn có cảm giác sợ hãi, vội nằm co người thật nhỏ...
*
Con thuyền chạy rất chậm ven dòng sông. Chú Hai đội mũ vải rộng vành, miệng phì phà thuốc lá đen, ngồi tận cuối thuyền, mắt dõi về một phía bờ sông. Thỉnh thoảng, ông nhà văn lại chỉ về một phía bờ, giới thiệu và giải thích một địa danh hay kể một câu chuyện nào đó. Giọng ông chậm rãi nhưng đầy hào hứng cứ như một người chủ nhà hiếu khách đang nói về những gì đáng tự hào trong ngôi nhà, về những người thân trong gia đình mình.
Mà những người ngồi trên thuyền cũng đều muốn nghe ông nói. Tất cả đều còn trẻ, thế hệ cháu con ông nhà văn, chưa được biết rất nhiều chuyện về dòng sông này. Ông kể về cái Cồn Gáo đã biến mất giữa lòng sông với cặp rắn thần huyền thoại trên đó, kể về ngôi nhà thờ cổ ở làng bưởi Tân Triều, về mấy cái cù lao nhỏ ngày xưa thuộc tỉnh này, ngày nay lại thuộc tỉnh kia... Có lúc, ông chép miệng: “Thương hải biến vi tang điền...”.
Lúc thuyền chuẩn bị ghé bến, chú Hai chợt nói với Hiền:
“Nè, cô công nhân người xứ bưởi, xứ mía! Phía bên kia sông có hai ông nhà văn, nhà thơ là ông Bình Nguyên Lộc và ông Huỳnh Văn Nghệ, còn bên này sông là ông Chín và chú. Vùng đất này phát về văn chương mà cháu thì cũng quê hương ở đây, nhắm chừng cháu có trở thành người thứ năm của quê mình không đó?”
Hiền đỏ mặt không trả lời được gì trước kỳ vọng của chú Hai mà chị cảm thấy mình quá nhỏ bé, bất tài. Quả đúng là chị sinh ra trên vùng đất trồng bưởi, có những rẫy mía và lò ép đường này, nhưng chị mới chỉ là một công nhân nhà máy nước đá ở Khu công nghiệp Biên Hòa, may mắn được gửi đi học một lớp bồi dưỡng viết văn ở Thành phố Hồ Chí Minh rồi được chuyển công tác về Hội Văn Nghệ làm phóng viên báo, một công việc còn quá xa lạ... Chị biết cả chú Hai và chú Chín, hai ông nhà văn “cây đa cây đề” của địa phương đều muốn nâng đỡ chị. Nhưng, “Thương hải” còn “biến vi tang điền” thì một tương lai như thế nào của mình, chị hoàn toàn chưa dám nghĩ đến dù chỉ như một ước mơ.
...
Hiền nhớ lại chuyến đi dọc sông Đồng Nai năm ấy mà mỉm cười một mình. Hai mươi năm qua, cuộc đời chị đã có quá nhiều thay đổi. Nếu cả chú Hai và chú Chín còn sống, gặp lại, chị sẽ nói với hai ông: “Đời cháu, đúng là thương hải biến vi tang điền”.
Bắt đầu từ việc chị xin nghỉ việc ở Hội Văn Nghệ để... lấy chồng, thực chất là vượt biên. Chuyến đi may mắn trót lọt và sau nhiều lần chuyển dịch, cuối cùng, chị được nhận vào định cư ở Hà Lan, một nước Bắc Âu lạnh lẽo mà người ta quen uống rượu không pha sô-đa khác với thói quen của người Pháp. Một may mắn nữa là chị gặp được Scott, người mà sau này chị quyết định nhận lời cầu hôn và trở thành cha của bé Bin. Chính Scott đã giúp chị rất nhiều trong việc học tiếng Hà Lan và làm quen rồi trở thành một thành viên của giới điện ảnh tại đây. Gần đây nhất, Scott cũng rất ủng hộ quyết định của chị về nước tìm cảm hứng và tư liệu để làm một bộ phim đậm chất phương Đông cho người phương Tây. Thời gian một tháng của hành trình tại quê nhà, Hiền đã đi Hà Nội, Hạ Long, Huế, Buôn Ma Thuột, Cà Mau, Châu Đốc, Mỹ Tho và bây giờ có mặt nơi đây, một làng dân tộc thiểu số bên kia sông Đồng Nai không xa quê cũ của chị là bao!
Buổi sáng chờ già làng Điểu Lý về, Hiền đi dạo trong làng một mình, từ chối sự hướng dẫn của cô con gái chủ nhà. “Đừng lo! Cô không đi lạc đâu! Cô đã từng ở đây nhiều ngày rồi mà!”. Đó là Hiền nói thế, chứ hầu như tất cả đã đổi thay. Làng đã có những cột điện và hệ thống điện thoại dây. Nhà sàn vẫn còn nhưng đã có nhiều căn nhà gạch kiểu người Việt xen lẫn. Đã có hàng quán bán thức ăn, thức uống; cả phòng hát karaoke, bàn bi-a...
Trong một hội trường nhỏ với khoảng sân khá rộng có tiếng nhạc vọng ra. Hiền tò mò bước đến xem. Bên trong là một nhóm học sinh đang tập hát với một thanh niên trạc tuổi ba mươi. Cứ nhìn làn da, khuôn mặt thì chị biết tất cả đều là đồng bào thuộc hàng con cháu của già làng Điểu Lý. Những đứa trẻ thấy có khách, ngưng tập hát và nhìn cả ra phía cửa. Anh thanh niên cũng nhìn ra. Hiền mở to mắt nhìn gương mặt anh ta. Trên gương mặt ấy có đôi mắt như có lửa và cả lời mệnh lệnh hoặc khẩn cầu của người thanh niên hai mươi năm trước đã tặng chị chiếc đàn ống tre ở đầu cầu bên suối.
“Chào chị. Chị có phải là khách của già làng Điểu Lý không?”
Hiền không khỏi ngạc nhiên:
“Sao em biết?”
Nụ cười nở trên môi chàng trai lộ ra hàm răng đều và trắng:
“Ở làng mình, có khách lạ đến là mọi người đều biết”
“Các em đang học hát để đi dự hội diễn văn nghệ phải không?”
“Không đâu! Chỉ là tập hát bình thường thôi. Hát những bài của dân tộc mình ấy mà! Nếu chị ở đây lâu, thế nào già làng cũng gọi đám trẻ này đến hát cho chị nghe. Mình chắc như thế!”.
Đám trẻ bỗng nhao nhao lên rồi tất cả cùng ùa chạy ra sân hội trường. Chúng xúm quanh một ông già có mái tóc và bộ râu bạc trắng, mặc trang phục dân tộc và miệng ngậm tẩu thuốc. Trên tay ông có một bọc kẹo làm quà cho đám trẻ.
Người thanh niên nói với Hiền:
“Mới nhắc thì già làng Điểu Lý đã tới. Cái miệng mình nói linh lắm mà!”
Hiền bước ra sân. Trước mắt chị đúng là già làng Điểu Lý. Ông tuy có già đi nhiều so với thời gian chị đến đây hai mươi năm trước nhưng gương mặt thì vẫn nguyên hai đặc điểm mà Hiền nhớ mãi: gầy gầy với đôi mắt sáng.
*
Buổi tối dưới sân bên nhà sàn, chỉ có ánh sáng của ngọn đèn tròn từ phía trên cầu thang hắt xuống. Bầu trời đen phía trên cao. Mấy cây cổ thụ phủ bóng ẩn chứa bí mật về những linh hồn của người đã khuất về gặp gỡ nhau - như lời ông già làng nói. Thỉnh thoảng có một cơn gió nhẹ thổi qua mang theo hơi lạnh của rừng xa. Cái lạnh nơi đây chẳng thấm gì với thời tiết ở Hà Lan, vậy mà ông già làng tóc bạc, mắt sáng cũng co ro trong chiếc áo len dầy.
Câu chuyện giữa hai người lúc xưa, lúc nay bất định như cái ý tưởng ban dầu về nội dung bộ phim vẫn chưa định hình trong ý nghĩ của Hiền. Bên đống lửa, anh thanh niên Hiền gặp ở hội trường xã ngồi chăm chú nướng bắp, có lẽ cũng chăm chú nghe chuyện của khách và già làng. Trái bắp được xiên vào một đoạn tre, xoay vòng đều và chậm trên hơi nóng của than hồng bởi đôi bàn tay kiên nhẫn của anh thanh niên. Mấy đứa trẻ sau khi hát xong mấy bài hát của dân tộc mình, bằng cả tiếng dân tộc và tiếng Kinh để Hiền quay phim, giờ đang tụm lại một chỗ ăn bắp nướng.
Gần mười giờ đêm, già làng Điểu Lý giục Hiền đi ngủ để có sức khỏe sáng mai còn về. Ông phân công anh thanh niên kia lấy Honda chở chị ra tận bến xe, không quên căn dặn anh ta phải chạy cẩn thận, phải để ý mấy đứa “choai choai” phóng xe từ những con đường nhỏ ra đường lớn. Ông nói như phân bua với khách:
“Cái điện văn minh tới. Cái truyền hình văn minh tới. Cái xấu cũng tới theo. Đau đầu lắm!”
Hiền không thể ngủ ngay khi trở lại nhà sàn, nằm cuộn mình trong tấm chăn thổ cẩm. Cái mùi bắp nướng như còn vương đâu đây nơi cơ quan khứu giác của chị. Có điều nó thiếu mùi của hành phi mà lần ghé thăm một người bạn ở Cali, Hiền được chị ấy dẫn đi chợ đêm Redlands, hai người đã ngồi vừa ăn bắp nướng, vừa hít ngửi cái mùi quê hương ở một nơi cách quê mình nửa vòng trái đất. Mà món bắp nướng ở đó đâu phải của người Việt bán! Cái nét quê ở Redlands cũng khác hẳn ở làng dân tộc này. Chị bạn kể rằng Redlands được thành lập hơn một trăm năm mươi năm nay, vậy mà Hiền còn thấy được rất nhiều hình ảnh cổ kính: những đường phố lót đá, những cột đèn đường xưa thắp sáng bằng gaz nay thay bằng bóng điện. Chợ đêm được nhóm vào mỗi thứ năm hàng tuần bất kể thời tiết thế nào cũng là một nét cổ kính đáng yêu... Già làng Điểu Lý nói không sai: “... Cái xấu cũng tới theo. Đau đầu lắm!”. Chắc là ông muốn nói đến những ngôi nhà sàn có cột xây bằng gạch, đến đám “choai choai” phóng xe tung mù bụi đỏ... Nhưng xem ra ông cũng rất tự hào với những làn điệu dân ca của dân tộc mình đang được phổ biến lại trong lứa trẻ thơ, với những nếp nhà sàn truyền thống, với nghề dệt thổ cẩm...
*
Lại là chú Hai nhà văn nhỏ con. Ông cũng đến làng dân tộc này gặp già làng Điểu Lý. Buổi sáng, già làng đãi nhà văn chầu cà phê đen. Ông nhà văn đốt điếu thuốc nhưng chưa hút. Ông đổ ly cà phê nóng vào cái đĩa con, nâng lên ngang miệng, thổi phù phù cho nguội bớt rồi kê môi vào đĩa cà phê, uống một hơi. Đôi mắt chú Hai mơ mơ màng màng ít giây tới khi ông đưa điếu thuốc lên rít tiếp một hơi rõ dài, rồi ánh mắt ông lại trải dài sự mơ màng về phía trước...
“Tôi đã từng có người yêu là người dân tộc của ông đó!” - Nhà văn trầm ngâm thổ lộ.
“Sao ông không viết về chuyện ấy?” - Già làng thắc mắc.
“Có chớ! Tôi đã viết rồi. Hồi còn trẻ. Nay thì tôi không viết nữa...”
“Tại sao vậy?”
Chú Hai cười mủm mỉm, chỉ tay vào Hiền:
“Cô gái này sẽ viết tiếp những gì tôi đã từng viết”.
Hiền đỏ mặt. Chị sẽ viết gì? Lại viết về ông Điểu Lý? Về cô gái mười tám tuổi muốn lên thành phố sau khi cưới chồng? Về anh thanh niên và đám trẻ tập hát dân ca? Về anh Điểu Muôn nào đó vì cứu người trên sông mà bỏ mạng?
Những âm thanh đùng đục chợt vang lên. Hồi chiều nay, già làng Điểu Lý lấy chiếc đàn ống tre của ông ra gảy cho Hiền nghe bài hát “Cúng Yangba mùa hoa sơ a pá”. Chính ông cất tiếng hát hòa theo tiếng đàn, giọng như người đọc kinh thành kính và thần bí. Ông cho gọi hai người phụ nữ đứng tuổi trong làng tới thổi mấy bài kèn ống rạ, một người đàn ông trung niên tới thổi kèn lá cho Hiền quay phim làm tài liệu. Ông tiếc là Hiền không thể ở thêm để ông cho xem cách làm cái bánh piêng thinh, piêng cóp...
“Lần nào mày đến đây cũng vội”
Tất cả là chuyện của buổi chiều mà sao chúng lại trở lại trong giấc ngủ mơ màng của Hiền. Sáng mai chị đã rời xa nơi này rồi. Lần nào cũng vội. Sao ông già làng chỉ nhận định mà không hỏi Hiền là tại sao?
*
Anh thanh niên chở Hiền đến tận bến xe tên là Điểu Minh. Đó là anh ta tự giới thiệu trên đường đi. Hiền tự trách mình quá vô tâm. Đã hơn một lần, cách nay hai mươi năm, chị không hỏi nên đã không biết tên chàng trai đã tặng mình cây đàn ống tre. Thật tệ hại là cây đàn ấy Hiền đã bỏ lại khi chị ra nước ngoài sinh sống, sau đó chẳng biết số phận nó ra sao. Nó chỉ là một tặng vật mà chị nhận vì xã giao chứ không mang ý nghĩa gì sâu đậm giữa người tặng và người nhận; dù rằng khi về lại thành phố hồi ấy, chị cũng đã mò mẫm và gảy được một bài hát thiếu nhi đơn giản bằng cây đàn ấy.
“Cảm ơn Điểu Minh nhiều lắm. Hy vọng sang năm tôi sẽ quay lại và ở lâu hơn...”
“Chúc chị sớm nghĩ được cái phim làm cho làng mình. Hay là chị làm phim về anh Điểu Muôn đi...”
“Anh thanh niên cứu học sinh mắc nạn trên sông rồi hy sinh phải không?”
“Chị có biết chuyện ấy à? Điểu Muôn là anh lớn của Điểu Minh đấy!”.
“Thế à?”
“Lúc còn trẻ, Điểu Muôn tặng chị đàn ống tre mà chị không nhớ sao? Cái hôm tiễn chị về thành phố đấy. Khi ấy mình còn bé tí, cũng đứng trong đoàn người tiễn chị... Sau ngày ấy, Điểu Muôn đợi mãi không thấy chị trở lại...”
Đôi mắt sâu và ẩn chứa ánh lửa, ẩn chứa mệnh lệnh của Điểu Minh nhìn Hiền hệt như cái nhìn muốn thôi miên của người thanh niên tặng đàn ống tre năm xưa, bây giờ chị mới biết tên và biết anh ta chính là nhân vật Điểu Muôn của câu chuyện cứu người cảm động chợt ẩn, chợt hiện trong chị một ngày qua...
Thốt nhiên Hiền nói với người đối diện:
“Chắc chắn năm sau quay lại, tôi sẽ làm phim về anh, Điểu Muôn ạ”
Một tiếng cười to.
“Không! Mình là Điểu Minh mà!”
Tiếng người lơ xe gọi lớn cho những hành khách cuối cùng - trong đó có Hiền - đi chuyến xe sớm:
“Tới giờ xe chạy rồi! Lên xe mau thôi bà con ơi!”.
*
Những câu rời trong sổ tay của Hiền, ghi khi ngồi nơi phòng đợi sân bay Tân Sơn Nhất:
Một phiến đá lớn ở thác Trị An mùa cạn nước.
Cầu đá linh - Cô gái người dân tộc thiểu số.
Những chùm hoa bằng lăng màu tím nhẹ lay.
Đôi mắt nhìn xa xăm phía sau chùm hoa.
Khách của quê nhau rún.
Dòng sông nước chảy cuộn, đỏ phù sa.
Trái bắp nướng quệt mỡ hành và chút muối.
Âm thanh của đàn ống tre chậm rồi nhanh dần.
Một dây đàn bằng vỏ tre bỗng đứt..../.
2008
Ghi chú:
Hoa sơ a pá: Hoa bằng lăng tím
Piêng Thinh: một loại bánh tương tự bánh ống
Piêng Cóp: một loại bánh tương tự bánh tét