Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.139
123.227.372
 
Đàn ông ngồi đái
Ngô Kế Tựu

Chiều nay ông Thân ăn ít hơn mọi khi và không nói với ai câu nào. Mới lùa xong chén cơm mà ông thấy bụng dạ đã no và có muốn ăn nữa cũng chả thấy ngon miệng. Ông buông đũa đứng dậy, cầm theo chai bia, bước ra vườn sau hút thuốc. Khói thuốc vô cổ sao mà đắng nghét, ông dụi đầu điếu thuốc xuống lớp cỏ ướt, rồi uống cạn chai bia. Tần ngần một lúc, ông trở vô nhà, đóng cửa, thả mình lên chiếc võng kê sát cửa sổ, nằm xoay mặt nhìn những hạt mưa bay lất phất bên ngoài cửa kính.

 

Ông đang buồn trong lòng, thấy bị chạm tự ái dữ dội vì lời nói của đứa con gái với ông hồi trưa: “Ba đi xong lấy giấy vệ sinh lau chùi miệng bồn cầu, nước tiểu văng tùm lum. Con Britney không biết, nó vô đó đưa tay vịn bồn cầu, dính vào thì dơ lắm. À, mà ba ra vô cũng nên đóng kín cửa lại, cửa có cái ổ nắm, con Britney không xoay mở được đâu. Nó hay vào trong đó phá vòi nước bồn tắm lắm”.

 

Nhìn những giọt mưa rơi tí tách vừa khi chạm trên mặt kính liền bung vỡ ra những vệt nước li ti văng tứ tung chung quanh, như chợt nhận ra được điều gì, ông thấy lòng nhẹ hẳn. Con ông nói chẳng sai, định bụng ngủ một giấc sẽ quên đi hết mọi chuyện trong nhà. Ông nhắm mắt, lại thấy hình ảnh ngôi nhà thân thuộc trong con hẻm nhỏ ở Gò Vấp hiện ra trong đầu. Ông trở về và đang sống trong ngôi nhà đó. Mọi thứ còn nguyên vẹn không thay đổi. Từ ngoài vào: phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp và cuối cùng bên góc phải là phòng vệ sinh có cái cửa nhựa quay mặt ra phía trước rộng đủ một người lách vào. Cửa không có nắm khóa, lúc nào cũng cài lại bằng cái chốt kéo ngang khi không có người. Hồi con gái ông còn nhỏ bằng con Britney bây giờ, rất sợ cái phòng bé xíu ấy. Mỗi lần con bé khóc nhè, ông hay dọa: “Nín ngay, không nín ba nhốt vào nhà tắm cho ông kẹ ăn thịt a”, thế là nó im thinh thít, chẳng dám hó hé. Ông đi thẳng xuống nhà dưới, việc đầu tiên là ông mở cửa phòng vệ sinh như lệ thường mỗi khi đi đâu về. Nhưng khi tay ông vừa chạm cái chốt cửa thì hình như ông bị ai đó nắm vai ông kéo ngược trở lại.

 

Ông giật mình mở mắt. Phòng khách không còn ai, mình ông nằm trơ trọi, nhưng tivi còn hát đi hát lại cái đĩa DVD ông mang qua làm quà cho đứa cháu ngoại: “Ba sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa. Ba sẽ là cành hoa, cho con cài lên ngực…, mấy đứa nhỏ trên truyền hình thật dễ thương múa minh họa nhún nhảy giả làm những con chim bay chấp chới”.

 

Công đi đâu về, đứng bên ông từ hồi nào, đưa tay lay vai ông vừa gọi:

 

- Dậy ba! Dậy nhậu ba ơi! Gì mà mới giờ này nằm ngáy khò khò rồi. Mồi khô bò Cali ngon lắm nghen!

 

Ông ngồi bật dậy, nhìn thằng con rể đang cười nói bô bô với ông và khoe bịch khô bò trước mặt. Ông nói khỏa lấp:

 

- Nhậu thì nhậu! Ba chờ con có bấy nhiêu thôi. Chỉ có mình con là hiểu ý ba nhất. Hà hà. Thằng này được lắm! Được lắm!

 

Bình thường, Công ít uống bia ở nhà, trừ khi có bạn bè đến chơi. Kể từ ngày ông già vợ sang đây du lịch sáu tháng, sợ ông già buồn không có bạn nhậu cho vui nên anh mới bày ra cái trò nhậu nhẹt mỗi ngày để giúp ông khuây khỏa ở cái xứ nhà ai cũng đóng cửa im ỉm. Chưa bao giờ cha vợ và con rể có dịp chung đụng dài lâu như thế này. Từ ngày lấy vợ, đã hai lần gia đình anh về Việt Nam thăm ông, nhưng anh cũng chỉ ở nhà ông nhạc chừng hai ba bữa, hầu hết thời gian anh đưa vợ, rồi sau này có thêm con Britney đi du lịch đây đó với bạn bè. Tuy vậy, lần này thì khác, sau ba ngày ông già vợ sống trong căn nhà, sự xáo trộn cuộc sống riêng tư của gia đình anh bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên là những việc nho nhỏ như mùi dầu gió át mất đi cái mùi hương chanh thoang thoảng trong nhà mà anh thích, rồi đến việc mỗi tối ông mở cửa trước ra ngoài đứng hút thuốc khi trở vô, quên khóa cửa lại. Anh thức sớm và phát hiện nhiều lần. Chuyện này thì anh có thể bỏ qua, có lẽ ông già hay quên. Già rồi thì hay quên mà! Kế đến là chuyện đi tiểu tiện trong phòng vệ sinh chung mà hầu như chỉ mình ông và thỉnh thoảng con gái nhỏ của anh ban ngày chạy vô sử dụng. Đứa nhỏ mới ba tuổi, chưa nhận thức được chỗ nào dơ sạch nên có thể vô tình làm nhớp bẩn tay chân khi đậy nắp bàn cầu leo lên ngồi tiểu. Anh không hài lòng khi thấy mỗi ngày phòng vệ sinh càng thêm nhớp nhúa, bừa bộn. Anh chùi rửa nhiều lần nhưng không nói với ông vì sợ làm ông già tự ái. Đã hơn ba tháng nay anh làm thinh, nhưng cuối cùng như không thể chịu đựng được nữa, anh nói với vợ vì dù sao con ruột trao đổi chuyện này với ông vẫn tế nhị hơn.

 

*

 

Nghe tiếng chồng về rủ rê ông già nhậu, tiếng chén đũa khua chạm lách cách, Thùy mở cửa phòng ngủ bước ra nói vẻ nửa trách nửa không với anh Công:

 

- Anh bày đặt quá đi, khuya rồi còn nhậu nhẹt cái gì. Ngày mai ba đi New York, anh có nhớ không?

 

- Nhằm nhò gì vài ba chai, đêm nay nhậu chia tay với ba chứ, phải vậy không ba. Anh đưa mắt háy háy ông già tìm bạn đồng minh, không để ý đến vợ.

 

Kệ vợ con đi. Ba biết con Thùy khó tánh giống má nó, chỉ mình con là hiểu được ba, hết mình vì ba. Ba thích con ở chỗ đó. Có thằng rể như con được lắm – ông Thân nói chen vô khích lệ.

 

Mình ông uống hết bốn chai Heiniken nhưng tâm thức vẫn còn tỉnh táo. Ông hiểu rõ dù tình thân cha con, nhưng trong ngôi nhà đẹp đẽ này ông vẫn là một người khách ở lâu. Nếu không tự dọn dẹp được phòng vệ sinh thì cũng phải giữ sao cho mọi thứ trong căn phòng này được sạch sẽ, thơm tho. Ở xứ này, ai cũng bận rộn, thời gian không có, mỗi tuần mới dọn dẹp nhà cửa một lần. Tuy thế nhiều lúc ông lại nghểnh ngãng không nhận ra điều này và quên khuấy đi trách nhiệm của mình. Có lẽ ông nghĩ rằng con cái phải có nhiệm vụ chăm sóc cho cha mẹ, chẳng lẽ có cái việc cỏn con, dọn dẹp vệ sinh mà chúng không làm được. Ông nghĩ mông lung. Càng nghĩ ông càng thấy mọi thứ ở nước Mỹ này sao mà xa lạ quá chừng!

 

Ông đứng trong phòng vệ sinh, cố gắng thả lỏng cơ thể để bàn tay bớt run. Không hiểu sao dạo này hai bàn tay ông có những lúc run nhẹ từng cơn như người mắc bệnh Parkinson. Ông tìm đọc trong sách báo về dấu hiệu suy nhược tuổi già, nhưng ông không thể nào tin tự dưng một người ông lại mắc bệnh. Cơn run chỉ xảy ra thỉnh thoảng thôi chứ không phải lúc nào hai bàn tay cũng run như mô tả trong sách báo. Ông nhẹ nhàng, giữ… không để nước tiểu văng lên miệng bồn cầu. Lần này thì ông đã làm được. Nhưng để chắc chắn, ông cúi người xuống nhìn quanh miệng bồn cầu một lượt. Bà mẹ! Cố nhằm trúng vào giữa mà cũng có một vết! Ông lấy miếng giấy vệ sinh cẩn thận lau sạch chung quanh, giật nước bồn cầu, rồi gật gù hài lòng, bước về phòng ngủ.

 

Trời gần sáng, thời tiết càng lạnh hơn. Trong nhà hệ thống sưởi hoạt động nhưng ông vẫn cảm thấy lạnh và làm ông buồn tiểu. Nhìn đồng hồ mới hơn bốn giờ sáng, ông định ráng nằm ngủ thêm tí nữa cho đến sáng hẳn. Nhưng chưa được năm phút, ông ngồi dậy, mở cửa phòng, lần về chỗ phòng vệ sinh. Ông thấy thật thoải mái. Trở về phòng, ngã mình xuống chiếc giường nệm êm ái, đánh một giấc đến chín giờ.

 

*

 

Công ló mặt vô phòng gọi ông thức dậy uống cà phê ăn sáng và ông còn phải chuẩn bị hành lý để anh đưa ông ra phi trường đi New York hai tuần thăm viếng và có thể nán lại ăn cái Tết Việt ở Mỹ với bà con, bạn bè.

 

Ông ngồi dậy, quơ mấy bộ quần áo trong tủ, xếp vào cái ba lô con mang đi cho tiện. Xong rồi, ông đi vào phòng làm vệ sinh, nhìn thấy mọi thứ ngăn nắp, sạch sẽ. Ông nhớ hình như  tối qua có đi tiểu hai lần nhưng lần nào cũng giữ không vấy bẩn. Thế là tốt! Ông đảo mắt nhìn lại bồn cầu hai ba lần trước khi bước ra ngoài với vẻ mặt hớn hở cho một ngày mới.

 

Cà phê sữa pha sẵn để trên bàn, bánh mì lát kèm thịt nguội và bơ, mọi thứ trông ngon lành. Ông định bụng ăn cho no vì ít ra đến ba giờ chiều ông mới bay đến New York.

 

Ông vừa hóp một ngụm cà phê nóng thì Công lên tiếng nhắc nhở:

 

- Ba đến nhà người ta nhớ mỗi khi đi toilet xong nên lấy giấy vệ sinh chùi sạch miệng bồn cầu. Đêm qua chắc Ba xỉn, đi tiểu văng tùm lum, con phải cong đít chùi rửa sáng nay đó. Hay là ba ngồi tiểu cho gọn. Anh muốn dừng lại, nhưng không hiểu sao những lời nói trong đầu anh cứ tuôn trào ra miệng, bắt chớn nói luôn chuyện trong nhà. Nói thật, ba đừng giận tụi con, nhà có con nít, nó là con của con, là cháu ngoại của ba, giữ gìn vệ sinh là tốt cho sức khoẻ cho nó và cũng tốt cho ba. Ba biết có bao nhiêu thứ vi trùng trong… Từ ngày con Britney biết đi lung tung trong nhà, ngay cả con cũng phải ngồi tiểu, kể cả tụi bạn đến nhà chơi nghỉ lại đêm, biết cách sống của gia đình con nên tụi nó cũng vậy thôi hà. Nhập gia tùy tục. Mỗi nhà có cách sống riêng, cũng có thể nhà con có cách sống hơi đặc biệt khác người ta. Nhưng đây là nhà con… Con nhắc ba là nhắc vậy, biết ba chưa quen, nhưng ba ngồi… riết rồi quen thôi. Còn nếu Ba cảm thấy không quen ngồi, ba có thể ra sau góc vườn đứng đái thoải mái. Tụi con không ngại đâu, tiểu xong rồi xịt nước dội là xong…Nhưng mà Ba coi chừng đừng để hàng xóm trông thấy. Phiền lắm!

 

Ông Thân sượng chín người, ngồi im, hai má phệ xuống như một đứa trẻ phạm lỗi đang bị quở trách. Thằng con rể, đồng minh, hiểu ông hơn hết sao bỗng sáng nay nổi chứng, nói một tràng như trút hết nỗi bực dọc bấy lâu không nói ra. May mà lời nói, giọng điệu nghe không đến nỗi gay gắt và con gái ông đã đi làm, nên ông cũng cảm thấy không mất mặt. Ông cố tìm ra một lời nói nào đó để giải bày cho thằng con rể hiểu, nhưng chữ nghĩa trong đầu bay biến đâu mất. Và miếng bánh mì thịt nguội cũng mất ngon với ba cái chuyện tiểu tiện đem ra bàn cãi trong lúc này. Ông chống chế qua loa: “Ừ, thì lần sau ba ngồi… thử!”

 

Trên đường ra phi trường, chàng rể và ông nhạc không nói thêm lời nào. Trong khi chờ lên máy bay, ông đi tìm phòng vệ sinh. Phòng vệ sinh sáng choang và sạch bong, có cả chục bồn tiểu bên ngoài, nhưng ông lại mở cửa nhà cầu. Vừa định ngồi xuống, ông lại đứng lên, bước ra bồn tiểu bên cạnh. Bồn tiểu để làm gì mà phải ngồi… Tạo hóa sinh ra người đàn ông vốn có cái vòi để... Chẳng thế mà từ thuở có con người sống trên trái đất này, đàn ông đứng đái là chuyện tự nhiên, ngoại trừ bệnh tật nằm liệt giường liệt chiếu không đi đứng được… Còn đang mạnh khoẻ mà bảo ngồi…, là chuyện…!

 

Chìa tấm vé cho cô nhân viên mỉm cười đứng ngay cổng vào, chợt trong đầu ông loé lên một quyết định. Có lẽ ông phải về sớm thôi, trở về ngôi nhà nhỏ thân thuộc, nơi đó mọi thứ mới thực là của ông./.

Ngô Kế Tựu
Số lần đọc: 3429
Ngày đăng: 06.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chùm truyện ngắn mi ni - Hoàng Nhật Tuyên
Chuyện thật như ma - Lê Hiền
Đàn ống tre bên kia sông - Khôi Vũ
Hảo hán cuối cùng - Nguyễn Minh Nữu
Tình yêu thiếu phụ - Hồ Việt Khuê
Đi qua đồng chiều - Sương Nguyệt Minh
Mười sáu - Dương Thuỳ Dương
Bao Dung - Nguyễn Nguyên An
Chuyện của Cậu tôi - Trần Kỳ Trung
Những mảnh vỡ (4) - Nguyễn Thị Hậu