Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.214
123.206.415
 
Tình người
Khaly Chàm

Văng vẳng từng hồi tiếng gà gáy tàn canh ở một xóm nhà lá lụp xụp  gần nghĩa địa. Bóng đêm lui dần nhường chỗ cho bầu trời bắt đầu hửng sáng. Hai Xị trở về đứng truớc ngôi nhà của hắn. Tuy đường xá  chật hẹp ngang dọc đan nhau như một cái rổ xảo, nhưng hắn không thể nào lầm lẫn được. Bởi vì, từng nhà đều có “địa chỉ” ghi rõ chữ: Họ tên-ngày-tháng-năm sinh và quê quán … Dù trên bảng không có hình bán thân như những nhà khác: “Đúng là nhà của mình, còn nhà người ta làm sao vô được”. Hai Xị nói thầm với chính hắn. Có điều khiến hắn luôn thắc mắc. Nhà cửa  san sát nhau trước có, sau có và cùng dải nhà của hắn. Có nhà ghi: vĩnh biệt ngàn thu -an nghỉ cuối cùng … Hai Xị hiểu không ra. Tại sao cũng cùng là nhà, nhưng trên tấm đá xanh ngay cữa nhà hắn lại ghi hai chữ “phần mộ”. Dưới hàng cuối cùng lại càng khác nữa; nào là từ trần, tạ thế, quá cố? …“Mấy cái chữ sao mà dị hợm quá”. Hai Xị cứ tưởng như một mớ bòng bong rối nùi trước mắt:“Cứ ghi: chết ngày … bày vẽ làm chi cho thêm dài dòng! ”. Hai Xị lẩm bẩm đi quanh vòng nhà bất chợt đứng lại chửi đổng: “An nghỉ cuối cùng cái con c… không biết nằm đây yên thân được bao lâu, rồi cũng bị đào bới đem đi chỗ khác!”. Hai Xị hả hê vô cùng, cơ hồ có một dòng nước làm mát linh hồn của hắn. Tiếng chim hót trên tán lá tràm bông vàng ngoài ngã tư  đường cái phân lô đất dành để chôn những người không có khả năng còn thở. Hay nói đúng hơn một mảnh đất chôn xác người chết. Hai Xị thất kinh, lật đật chui vào nấm đất lè tè như  cái mui xe ngựa, cỏ gai mọc um tùm cao gần tới ngực.

  

Hai Xị tính nhẩm từng giơ: “Mười hai tiếng đồng hồ chứ phải ít đâu”. Hắn ước gì nó bùng cháy mau như diêm quẹt. Ru rú trong nhà đối với Hai Xị là một cực hình, khi hắn phải nhìn thấy cái thây ma của hắn. Nó giống na ná một con khô cá khoai, làm cho hắn nhớ tới những bữa nhậu. Con khô thơm lừng thiệt đã. Hai Xị tính kỹ từng miếng, từng ly, bỏ vô miệng nhai nhỏ nhẻ “yêu một mình” với hai xị đế. Giờ đây cái thân hình còm cỏi… nó đang nằm đó cứng đờ, ngày qua ngày từ từ biến dạng: “Mới ngày nào đây nó với mình là một, nghiêng chai đếm từng giọt, gõ muỗng hát tầm xàm tầm đế…”. Hai Xị bùi ngùi tiếc rẻ thằng người của hắn biết mấy!

  

Mặt trời xuống thấp đỏ lòm không bao lâu biến mất khỏi mặt đất. Điệp khúc thê lương của loài giun dế, cào cào,châu chấu hợp tấu vang rền từ những gốc cỏ, ngọn cây rỉ rả buồn đứt ruột. Hai Xị nao lòng chạnh nhớ quá cái chòi lá xiêu vẹo, dột nát trên mảnh đất hoang không quá 12 mét vuông bên bờ rạch ngoại ô thị xã. Những đêm trời không mưa, ánh trăng xuyên qua lỗ chỗ mái nhà, Hai Xị ngồi một mình nghiền ngẫm sự đời nhâm nhi từng ngụm rượu “Sống cái nhà-thác cái mồ”. Hắn nghe người ta nói như vậy :“Nhà hay mồ mả gì cũng được. Giờ đã thành hồn ma rồi, nhà với cửa có sung sướng được đâu!”. Hắn nói là để tự an ủi những lúc cô đơn. Hai Xị chui qua cửa rồi ngồi bệt trước thềm nhà của hắn.

- Ê. Hai Xị đi nhậu mầy! Thằng bạn ngoài đầu dải nhà rủ hắn đi.

- Nhậu nhẹt gì. Tao không có một đồng dính túi, thôi tao không nhậu!

- Đ.m bày đặt tự ái, tự trọng. Trưa nầy là ngày đám giỗ của tao, con vợ nhà nó gởi cho tao mấy triệu bạc.

  

Ở một vùng đất  phố chợ không xa lắm “cõi dương” hàng đêm cũng ồn ào náo nhiệt và luôn có đủ thứ chuyện xô bồ  phức tạp, nào là quán bia hơi bình dân, karaoke, càphê “ôm”… Bạn bè Hai Xị  có năm bảy mạng đồng hạng như nhau “nghèo khạc ra tro-ho ra máu” một lũ bợm nhậu khi còn hiện diện  trên dương thế “mã tầm mã-ngưu tầm ngưu” . Lần lượt thằng trước, thằng sau ra nhập  hộ khẩu dễ dàng trong vuông đất khoảng chừng năm mẫu tây, nơi đây được mệnh danh là nghĩa trang Thành phố CaLi Bình Minh*  tiếng tăm khuôn mẫu: “Chết là hết!”Hai Xị nghĩ đó là điều dễ hiểu: “Không lẽ người ta quăng cái xác mình ra ngoài đường như một con chuột?!”  Hai Xị còn nhớ như in, cái ngày bà con chòm xóm  cùng là dân cắm dùi dọc theo bờ rạch như hắn, hay tin hắn tắt thở. Họ vận động quyên góp tiền mua cho hắn mấy miếng ván, sau đó  mướn một chiếc xe lôi đưa hắn đến hòa nhập với cộng đồng cõi âm hồn lạnh lẽo nầy. Thắm thoát đã gần một năm . 

  

Thằng bạn rủ Hai Xị đi nhậu lúc nãy. Có lần nhậu nó kể cho hắn nghe về hoàn cảnh gia đình của nó; nó sướng như tiên. Vợ nó bán rau muống ngoài chợ xã, răng rắc mỗi buổi sáng vợ nó phải có bổn phận phát lương cho nó 20 ngàn. Nó vui vẻ chỡ hai đứa con của nó, đứa 12, đứa 10 tuổi trên chiếc xe đạp  cà tàng đến một góc phố trung tâm thị xã rồi bỏ xuống, hai đứa nhỏ chia  ra hai hướng đi kiếm quán cà phê để bán vé số. Nó thản nhiên không có điều gì phải lo lắng. Dong xe tới nhà mấy thằng bạn thuộc hàng võ công… da mặt vàng khè“sơ gan thần chưởng ”, mấy cao thủ bèn họp mặt gầy sòng với vài trái cóc da xanh, kèm theo một cục mắm ruốc … Chiều xuống hai đứa nhỏ chờ nó. Có ngày đến chín, mười giờ đêm cho đến khi mòn mỏi đành lê bước về nhà. “Té ra bữa nay là ngày giỗ của nó, vợ nó đốt tiền âm phủ gởi cho nó. Hèn chi!”. Hai Xị chợt hiểu ra nhưng hắn từ chối. Vì không muốn mang tiếng là dân giang hồ lại đi lợi dụng người khác. Những tay “ Võ lâm ngủ bậy ” bèn kéo nhau ra đi là đà trên mặt đất .

           

Ra khỏi “ thành phố ” Hai Xị nhắm hướng vùng ánh sáng  tỏa lên một góc trời. Hắn nghĩ nếu đến đó có thể sẽ gặp được một cơ may. Hắn lang thang trên những con đường, xe cộ của người“cõi dương” chạy vụt vù ngang qua hắn. Đứng trước cửa hàng bán quần áo thời trang, nhiều người mua hàng đang lựa chọn, có vài cô gái đẹp nói cười ríu rít. Một người đàn bà mặc thử cái quần tây dài cho thằng nhỏ. Người ta không nhìn thấy hắn … Hình ảnh vợ con hắn như sương khói chạy luẩn quẩn trước mặt hắn. Đã từ lâu Hai Xị muốn quên đi những chuyện mà người ta nói là quá khứ hay dĩ vãng dĩ hậu gì đó, nghe mơ hồ quá:“Mình học hành chữ nghĩa không đầy lá mít hiểu làm sao được”. Hai Xị vụt chạy ra khỏi cửa hàng một hồi lâu rồi đứng lại, nhưng hình ảnh luôn đeo bám hắn khiến hắn muốn phát điên .

           

Trốn ra khỏi trại mồ côi Hai Xị nhớ mang máng 13 hay 14 tuổi còn ngu lắm, hắn lang bạt khắp cùng rày đây mai đó làm đủ thứ nghề; lượm bọc mủ, phụ hồ, bốc vác … Chỗ hắn trú thân lúc đỏ đèn là những sạp gỗ trong nhà lồng chợ. Thời gian qua đi, hắn lớn lên trong cái thùng chứa nhung nhúc con người từ khi nào hắn cũng không biết. Hai Xị gặp con vợ của hắn cùng là dân “trôi sông lạc chợ ”. Chuyện là vậy “ Mình có hơn gì nó đâu! ”. Hắn vui lắm, biết tánh nết nó hiền chịu khó làm ăn, sáng nắng, chiều mưa vợ hắn miệt mài lựa dưa, khoai … dưới bến ghe cập chợ, còn hắn khiêng vác hàng lên bờ, đời sống  của vợ chồng hắn tạm ổn định .

           

Vợ Hai Xị bồng thằng con 10 tháng tuổi nhập viện. Bác sĩ khám xong cho biết thằng nhỏ bị viêm nảo cấp. Tiền bạc trút hết cho thằng con cũng không đủ thấm vào đâu. Túng quá làm liều, hắn cạy cửa hàng trong chợ bị phát hiện. Ngày ra tòa lãnh án bốn năm với tội danh: Trộm tài sản công dân và chém người gây thương tích .

  

Mãn hạn tù Hai Xị liền về chỗ cũ tìm lại vợ con, người ta nói; vợ hắn bồng thằng con đi có hơn hai năm  rồi. Hắn chỉ biết dậm chân kêu trời không thấu. Dòng đời cuồng nộ cuốn Hai Xị trôi lăn lóc, hắn nếm đủ mùi sung sướng, khổ đau, thù hận. Hắn kết thân với những “chiến hữu” đồng cảnh ngộ mượn rượu giải sầu, thường là những bữa cơm bụi vỉa hè phải có hai xị, lâu ngày dài tháng thành thói quen, bạn bè hắn đặt cái tên chết danh là Hai Xị. Cuộc sống lê la, Hai Xị ôm trong lòng nỗi cô đơn “Cái thân mình như một con chó chạy rong giữa chợ đời tìm kiếm miếng ăn”. Hai Xị oán ghét những người chung quanh hắn, ngoại trừ mấy thằng bạn bữa no, bữa đói như hắn. Thằng Năm Đen đạp xích lô, gần nửa đêm nó mò về ngủ chung với hắn, nó là bạn tri âm hay an ủi hắn: “Ở đời biết ngứa chỗ nào đâu mà gãy, mầy có buồn cũng không giải quyết được gì đâu!”. Hai Xị theo thằng Năm Đen về quê của nó. Một miền đất nắng cháy gần biên giới Tây nam, nhưng tạo hóa không đến nổi bất công ban tặng cho một dòng sông êm đềm chia nhánh chảy ngang qua thị xã. Cái thứ dĩ vãng mắc dịch, mắc toi nó chui vô trong đầu Hai Xị. Cho dù hắn có đi làm bất cứ việc gì, nó như cái bóng lẽo đẽo bám theo hình hài của hắn. Chỉ khi nào hắn rót rượu thấm ruột gan của hắn, ít lắm phải hai xị, men rượu như liều thuốc an thần nhận hắn chìm sâu xuống giấc ngủ …

           

Nỗi mừng vui không nói được thành lời. Trước mắt Hai Xị, một mụ sồn sồn tuổi trên dưới 50 đang ngồi sắp đặt những món đầy cái dĩa giữa tàu lá chuối non trải dưới đất; một trứng hột vịt, một con tôm luộc cở ngón tay cái, một miếng thịt heo luộc, một dĩa gạo muối. Mụ ta không quên rót rượu tràn ba cái chung nhỏ, rồi đốt ba cây nhang khấn vái:“Văn kỳ thanh. Bất kiến kỳ hình. Nay tôi bày bộ tam sên  tại ngã ba đường nầy, xin mấy vị cô hồn không nơi nương tựa, đừng quở phạt thằng cháu nội của tôi tên là … ” Mụ ta chấp hai tay xá ba lần rồi đứng dậy bỏ đi. Hai Xị sà xuống ngồi chồm hỗm bên đường. Màu vàng bệnh hoạn từ bóng đèn trên trụ điện cũng đủ sáng cho hắn nhìn thấy những món ăn. Hắn bóc con tôm nhai ngấu nghiến, tay kia bưng chung rượu đưa lên miệng uống chậm rãi, hắn ngỡ rằng; đang ngồi lơ lửng trên mây. Hai Xị quá bất ngờ, không biết từ đâu có mấy thằng con nít bụi đời  cướp mồi của hắn chạy đi. Hắn nhìn theo ngẩn ngơ rồi chợt hiểu:“Đ mẹ nó, mình chết rồi hồn ma vất vưởng, nay lại gặp cái đám cô hồn sống nầy giựt miếng ăn của mình … cuộc đời nầy sao mà chó đẻ quá!”. Ngọn gió đêm từ hướng sông thổi lướt qua làm bật tàu lá chuối. Hai Xị nương theo gió bước đi nhẹ nhàng.

           

Người  “cõi dương” lần lượt đi vô nghĩa địa “thành phố CaLi” từ mờ sáng. Họ đem theo nào là cuốc, xẻng, nhang đèn, trà rượu … Hai xị nằm co ro trong nhà của hắn:“  Không biết chuyện gì đây, sao họ vô đông nghẹt làm rùm beng nghe khó chịu quá!”. Hắn lén nhìn qua khe cửa, thấy người ta đang chùi rửa những ngôi nhà, có người đang giẫy cỏ xung quanh, còn người khác đốt nhang cắm trước “địa chỉ” khói bụi bay mịt mù trời đất …

           

Những hồn ma lân cận nhà Hai Xị, tụi nó chưng diện quần áo mới, có thằng chạy xe gắn máy cắt chỉ nẹt pô nổ giòn lỗ tai trong “thành phố”, có đứa xài tiền đô một xấp. Hai Xị lững thững men theo con đường mòn trước dải nhà của hắn. Có một đám đang ngồi nhậu trước cửa nhà cũng thuộc vào hạng khá giả ở khu phố; bia lon, thịt heo quay, nem chả … khiến cho hắn thèm muốn chảy nước dãi, đám loai choai đó giả vờ như không thấy hắn:“Toàn một lũ quỷ con ông cháu cha, lúc còn ở trên dương thế sống phè phỡn quậy phá không ai chịu nỗi. Nay chuyển vô đây rồi mà thằng điếm cha với con đỉ mẹ tụi nó còn thương tiếc, gởi cho tụi nó không thiếu một thứ gì”. Dưới chân Hai Xị con đường tối nay sạch trơn không còn cỏ gai, cỏ xước như mọi khi. Mãi cứ nghĩ lung tung Hai Xị ra tới ngã tư đường cái hồi nào không hay. Hai Xị gặp một thằng bạn khi vô cư ngụ trong “thành phố” nầy lâu dần cũng quen thân. Nó đứng bên cây bạch đàn đang dõi mắt trông về hướng nhà của nó. Nó tên Tư, bạn bè ghép tên nó là Tư “ lựu đạn ”. Mới nghe qua tên nó nếu có ai yếu bóng vía chắc sẽ giựt mình chứ phải chơi đâu. Nhưng nó hiền khô như cục đất, nó làm nghề đào sắt vụn xót lại ở những vùng còn dấu vết đồn bót chế độ cũ, không may cho nó trong lúc hì hục đào  trúng trái M-79 phát nổ, nó chết tươi tai chỗ. Nó giao lại cho con vợ nó một gánh nặng oằn vai, năm chiếc tàu há mồm nhởn nhơ trên biển khổ.

           

Hai Xị lại gần vỗ vai và hỏi nó:“ Sao mầy đứng một mình ở đây? ” Im lặng một hồi lâu Tư “lựu đạn” trả lời:“Còn mấy bữa nữa là tới tết rồi. Tao trông hoài cả ngày nay không thấy vợ con tao vô thăm, buồn quá ra đây ngó về nhà cho bớt nhớ” Nghe thằng Tư nói vậy, Hai Xị mủi lòng thấy thương nó quá!:“Dù sao nó cũng còn may mắn hơn mình. Một thằng không nhà cửa vợ con như mình, có ai đâu mà trông với đợi!” Hai Xị kéo thằng Tư ngồi đại xuống đất, hai đứa im re không nói thêm một lời nào… Trên trời có một vì sao rụng xuống như chớp mắt.

   

Đi ngang qua nhà Hai Xị, thằng con trai chừng 13-14 tuổi nó nói với bà già:  “Ngoại ơi, ghé vô đây nghỉ chưn một lát đi ngoại” Bà già gật đầu, tay xách giỏ đồ đặt lên thềm nhà lót gạch men màu xanh cẩm thạch, thằng nhỏ bỏ cái cuốc xuống đất, hai bà cháu ngồi bên thềm nhà. Mặt trời khuất trên nóc nhà mồ, hàng cây bạch đàn đứng lặng thinh lá trên cành không xao động.         Thằng con trai đưa tay chỉ qua nhà Hai xị: “ Mả của ai  mà cỏ còn y nguyên kìa ngoại?! ”Từ nãy giờ bà già không để ý: “ Ờ… Chà! Tội nghiệp quá, chắc không còn ai thân thích, hay là bà con ở xa. Con nghỉ một lát nữa đi rồi giẫy dùm người ta làm phước, xế chiều mát rồi về ” Thằng nhỏ dạ một tiếng, nó với tay kéo giỏ xách lạ gần, lấy nửa khúc bánh mì khô queo đưa lên miệng nhai nhóp nhép…

           

Rúc trong nhà từ sáng tới trưa. Hai Xị nghe không xót một lời của hai bà cháu đang nghỉ mát kế bên nhà của hắn “Thì ra, trên dương thế cũng còn có người biết trọng việc nghĩa nhân, họ không tính toán so đo gì hết, miễn sao làm được việc tốt là được rồi” Bà già gom cỏ lại thành đống, tay mò trong túi áo bà ba lấy ra cái quẹt ga, bà ngồi xuống bật quẹt, lửa bắt đầu bén cháy  một cột khói trắng dựng lên trời. Thằng nhỏ ngồi nghỉ mệt đưa tay quệt mồ hôi trên trán:“Còn mấy ngày nữa là tết hả ngoại?” Bà già đang mồi mấy cây nhang:“Ngày mốt là tết đó con, nay 29 âm lịch. Nè, con cầm ba cây nhang nầy đem cắm trước mộ bia đi con!”. Hai Xị trông cho trời mau tối, hắn sẽ ra khỏi nhà để cám ơn hai người mà hắn chưa lần nào gặp mặt. Chuyện đó chắc chắn không bao giờ có được… Hơi hướm mùa Xuân chừng như lảng vảng đó đây.

 

* nghĩa trang xã Bình Minh

Khaly Chàm
Số lần đọc: 3156
Ngày đăng: 12.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dáng mộng (1) - Mang Viên Long
Trăm đồng xu của mẹ - Trương Quân
Mười ba bến nước - Sương Nguyệt Minh
Hoa Dã Qùy vàng - Nguyễn Minh Phúc
Thảo nguyên - Minh Nguyễn
Đàn ông ngồi đái - Ngô Kế Tựu
Chùm truyện ngắn mi ni - Hoàng Nhật Tuyên
Chuyện thật như ma - Lê Hiền
Đàn ống tre bên kia sông - Khôi Vũ
Hảo hán cuối cùng - Nguyễn Minh Nữu
Cùng một tác giả
đi là chơi… (truyện ngắn)
Chuyện đời thường (truyện ngắn)
Tình người (truyện ngắn)
Thi ca & cảm tính (tiểu luận)
Chuyện trồng rừng (truyện ngắn)
Chuyện trồng rừng (truyện ngắn)