Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.232.322
 
Lễ đặt viên đá Nhà Thờ Mépu
Nguyễn Hữu An

 

Giữa cánh đồng lúa bao la, bát ngát một màu xanh, nhà thờ Mêpu lẽ loi trơ trọi. Khách hành hương đi viếng Đức Mẹ Tàpao qua ngã Ba Ông Đồn hay Ngã ba cô đơn, khi ngang qua Mêpu đều ngậm ngùi xót xa. Nhà thờ trông như cái chòi chứa đất sét chuẩn bị nhồi nung gạch. Có lẽ còn thua những kho chứa gạch mới nung của những lò gạch Tunel quanh vùng này. Khung sắt tiền chế cũ kỷ phủ quanh mấy tấm bạt đã te tua, mấy chục cái ghế nhựa ọp ẹp, chỉ có cái bàn thờ gỗ là chắc chắn. Bà con giáo dân dự lễ kinh hạt hàng ngày, các em học giáo lý, các hội đoàn sinh hoạt nơi “chòi thờ” ấy từ những tháng ngày qua. Họ khao khát một Nhà thờ mới khang trang để thờ phượng Chúa. Ước mơ cũng như làn sương mỏng. Từ những hạt sương mờ bụi, rồi dần dần đọng lên thành hạt sương sũng nước. Khi thời gian chín tới, những hạt sương sũng nước ấy trĩu nặng cho cọng lá thu trên cành rơi xuống. Đó là lúc ước mơ thành sự thật. Bền bỉ kiên nhẫn thì hơi sương của mơ ước rũ nặng cho cánh lá thu phải rơi xuống thành trái.

 

Việc gì đến thì tự nó sẽ đến. Sau 49 năm định cư, giáo dân vùng Mêpu, Huyện Đức Linh mới có một thánh lễ lớn như hôm nay 12.1.2009. Nhạc nhộn nhịp. Cờ quạt xanh đỏ giăng khắp lối. Bà con giáo dân có dịp mặc quần áo đẹp để đón khách, đon đả vui vẻ, tay bắt mặt mừng. Chiêng trống liên hồi, lâu lắm mới có dịp rôn ràng với mọi người.

 

ĐGM Phan Thiết, Phaolô Nguyễn Thanh Hoan đến dâng lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà Thờ Mêpu. Có 20 linh mục đồng tế, một ít Nữ tu và khoảng 3000 khách mời hiệp thông cầu nguyện.

 

Từ năm 1960, có khoảng 800 giáo dân di dân từ Quãng Nam, Quảng Trị đến Mêpu, Đức Linh lập nghiệp. Việc quan trọng đầu tiên là bà con dựng một nhà nguyện làm nơi cầu nguyện kinh hạt. Cha Giuse Hoàng Kim Điền quản xứ Huy Khiêm tới dâng lễ mỗi ngày Chúa Nhật.

 

Đến năm 1962, cha Antôn Mai Khắc Cảnh làm chánh xứ tiên khởi. Ngài cùng bà con xây dựng một nhà thờ mới trên thửa đất 13 mẫu của giáo xứ.

 

Tháng 11 năm 1964, do chiến tranh khốc liệt, Cha Cảnh chuyển về Giáo xứ Gia An, giáo dân di tản tứ phương để tránh bom đạn. Nhà thờ cô liêu, rêu phong, hoang phế. Cộng đoàn tan tác, bơ vơ.

 

Sau năm 1975, mọi người lục đục trở về quê cũ. Nhà thờ chỉ còn là đống tro tàn. Đất đai mênh mông của giáo xứ đã bị trưng thu thuộc về hợp tác xã nông nghiệp. Cánh đồng Mêpu là vựa lúa của Đức Linh. Hợp tác xã Mêpu vang bóng một thời khoán sản phẩm. Đoàn chiên Chúa không nơi thờ phượng cũng chẳng có chủ chăn. Muốn dự lễ Chúa Nhật, lễ trọng, bà con giáo dân phải đi xa hơn 20 cây số, đến nhà thờ Võ Đắt, Gia An hay Phương Lâm bằng xe đạp thồ hoặc đi bộ.

Năm 1977, nhiều bà con từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đi kinh tế mới đến Mêpu sinh sống. Giáo dân lên đến 1.100 người. Mọi sinh hoạt tôn giáo gồm nhiều số không: không nhà thờ, không linh mục, không tu sĩ, không thánh lễ, không đọc kinh chung, không học giáo lý…

Từ năm 1990, giáo dân bắt đầu quy tụ thành một giáo họ thuộc giáo xứ Võ Đắt. Bà con phải lén lút tập trung đọc kinh và phụng vụ lời Chúa ngày Chúa Nhật. Địa điểm phải thay đổi thường xuyên.

 

Năm 1994 nhờ sự quan tâm và hy sinh của Cha xứ Fx Phạm Quyền và các Cha Đaminh Nguyễn Văn Hoàng, Antôn Lê Minh Tuấn, Fx Đặng Hùng Tân, Cha Fx Hồ Xuân Hùng mà giáo dân bắt đầu lãnh nhận các bí tích.

 

Đến năm 1997, vì giáo dân ngày càng đông, Cha xứ Phạm Quyền phải nhờ sân nhà anh Hồ Quốc Khánh để dâng lễ Chúa Nhật, lễ trọng. Đức tin giáo dân được nuôi dưỡng và vững mạnh nhờ thánh lễ và các bí tích. Tuy âm thầm nhưng là sức sống mãnh liệt. Tôi có dịp cùng các cha trong giáo hạt đến vùng này để ban bí tích hoà giải “chui”. Nhiều câu chuyện lạ có thật trở thành những kỷ niệm đẹp thú vị.

Qua mấy năm dâng lễ ngoài sân. Mưa rơi nắng đổ gió lùa, biết bao là truân chuyên để giáo dân giữ đạo Chúa. Năm 2000, Cha Hoàng dựng khung sắt tiền chế để bà con dự lễ tránh mưa nắng. Chính quyền tịch thu ngay cho vào kho bãi.

 

Giáo xứ Võ Xu được thành lập. Giáo họ Mêpu trực thuộc từ tháng 11 năm 2006. Cha xứ Phaolô Nguyễn Văn Hạnh và Cha JB Trần Văn Thuyết, Cha Phêrô Đặng Hữu Châu, Cha Gioan Baotixita Nguyễn Đình Khôi thay nhau đến dâng lễ.

 

tháng 11 năm 2007, chính quyền địa phương mới công nhận ban điều hành giáo họ và chấp thuận để giáo dân mua 3600m2 đất ruộng xây nhà thờ. Ruộng sâu nên phải đổ hơn 5000m3  đất tạo mặt bằng. Đầu năm 2008, chính quyền trả lại khung sắt tiền chế đã mục nát. Bà con sơn phết lại đôi chút, dựng lên, lợp tole, chắn bạt chung quanh thành nhà nguyện tạm làm nơi thờ phượng Chúa, học giáo lý, hội họp và sinh hoạt các đoàn thể hơn một năm qua.

 

Lễ đặt viên đá là bước khởi đầu cho niềm hy vọng một giáo xứ hồi sinh và phát triển.

Như lời vị đại diện giáo dân cám ơn cuối lễ. 49 năm trời chẳng là gì so với dòng lịch sử nhân loại. Nhưng với chúng con đó là một khoảng thời gian dài đăng đẵng, có lúc đã tưởng chừng như dài đến vô tận, cái dài của trông mong và chờ đợi, của khắc khoải và âu lo. Nói như thế là chúng con muốn nói rằng: chúng con hôm nay thật sung sướng vì Tình Thương Chúa đã chan hòa trên chúng con, giáo họ chúng con hôm nay lại có một khởi đầu mới đầy hân hoan và hy vọng.Mặc dầu thế, chúng con cũng biết việc xây dựng Nhà Chúa, xây dựng cộng đoàn hôm nay mới chỉ là khởi đầu. Phía trước chúng con là chặng đường dài khó khăn, gian lao và vất vả…Nhưng tin vào Chúa quan phòng cùng với sự chăn dắt của Cha xứ, sự nâng đỡ của Đức Cha, của quý Cha, quý vị và nhờ lòng quảng đại của các Ân Nhân xa gần, giáo họ chúng con nguyện hết sức cố gắng, chung sức chung lòng xây dựng Nhà Chúa và xây dựng giáo họ.

 

Tin tưởng và hy vọng về ngôi thánh đường mới, một trang sử mới sẽ mở ra cho miền đất Mêpu bao la cánh đồng lúa. Mong mọi người thêm lời cầu nguyện và giúp đỡ để nơi đây có đựoc ngôi thánh đường như lòng hằng mong ước.

 

Sự giúp đỡ xin liên hệ:

Lm Phaolô Nguyễn Văn Hạnh

Nhà thờ Mêpu – Xã Mêpu, Huyện Đức linh, Bình thuận

ĐT: 0988.857.649.

Nguyễn Hữu An
Số lần đọc: 2511
Ngày đăng: 13.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lộng lẫy Caracas - Lê Khánh Mai
Một hội thảo dưới tầm cuộc sống - Hà văn Thùy
Xa rồi ..còn đâu ! - Vũ Trà My
Ôm hôn các chàng hậu vệ - Võ Đăng Bình
Tết trên vỉa hè Sàigon năm Nhâm Ngọ (1942) - Khổng Ðức
Khi danh dự lên tiếng - Khaly Chàm
Vỉa phố lan rừng - Trần Hạ Tháp
Tản mạn cuối năm - Trương Quang
Gia tài của mẹ - Phạm Ngọc Tú
Xa xăm trường cũ - Nguyễn Hải Triều
Cùng một tác giả
Hòa bình vĩnh cửu (tiểu luận)
Mùa Xuân Chín (tạp văn)