Năm mười mười lăm hai mươi, tiếng cô cười, tiếng tôi hát, tiếng bát lanh canh … lâu lắm rồi tôi mới nhớ lại cái câu hát ngày xưa, câu hát đã theo tôi một quãng đường của tuổi thơ. Đã bao lâu rồi không nhớ nhỉ, có lẽ là từ khi biết mình không còn là trẻ thơ… Câu đồng dao của trẻ vạn chài. Chưa một lần tôi tham gia những trò chơi tuổi nhỏ đó, nhưng nó gợi về cho mình những thứ gọi là thân quen…
Quê tôi là một làng quê nghèo ven biển, bốn mùa làm bạn với nắng nỏ biển khơi và gió lào. Người dân quê tôi một màu cháy nắng, vất vả , lam lũ, thậm chí cả mất mát hằn lên trên mỗi gương mặt. Đôi khi, tôi xót xa cho một ý nghĩ thoáng qua trong đầu: chúng tôi liệu có phải những con người bị lãng quên trong những khổ đau đã bao đời. Có thể là tôi quá nhạy cảm, là tôi quá nghĩ ngợi chăng, tôi không hiểu người dân quê tôi có nghĩ như vậy không? Tôi không có năng lực để đọc được suy nghĩ của tất cả mọi người. Họ vẫn sống, vẫn bằng lòng với những gì mà thiên nhiên và tạo hoá đã sắp đặt cho, họ cười những khi được mùa tôm cá, họ khóc mỗi khi không đủ tiền mua gạo cho con, họ lặng câm mỗi khi cái chết bao phủ xóm làng mùa mưa bão, … có nghĩa là cuộc sống vẫn trôi đi, trôi đi mà không mảy may vấp phải một sự kháng cự nào của con người. Có lẽ là có đấy, nhưng người ta đã quá mệt nhoài trong những lo toan, không còn đủ sức cho một cuộc chiến mà không biết bao giờ mới có hồi kết thúc, hiện tại quan trọng hơn, mà hiện tại thì đã nuốt hết quãng thời gian mà con người có trên mặt đất rồi. Ngày hôm qua đã là quá khứ, ngày mai còn có những tính toán của ngày mai mà ngày hôm nay thì vẫn chưa hết việc. Gió, cát, sóng biển, và mặt trời, bão, cá,… có lẽ là những từ đã in sâu vào trí óc chúng tôi trước khi chúng tôi có thể biết tới a bờ cờ… tôi không biết tới bao giờ thì cuộc sống đổi thay, bao giờ thì quê tôi khác. Còn hiện tại, nó vẫn chỉ là một làng chài nghèo ven biển, nơi có những con thuyền cũng nhỏ bé chẳng kém gì thân phận con người. Những con thuyền buồn, như con người, khi nhận thức được mình phải gánh trên vai, nhiều hơn những gì mà bản thân nó vốn có. Cuộc sống cứ dắt dây trên những bàn tay vạn chày bóng nhẫy, lằn lên những thớ thịt của thời gian, và trong cả những ánh mắt đợi chờ mòn mỏi của những mẹ, vợ, con chiều chiều trên bến…
Gia đình tôi không làm nghề chài lưới, thuộc số ít những gia đình có thể gọi là phong lưu của miền quê nghèo này. Mẹ tôi là giáo viên, còn cha tôi, Lính, công tác xa nhà, thu nhập cũng đủ để cho tôi có thể nối daì những ước mơ. Nhà chỉ có mấy mẹ con với nhau, tôi là út, được cưng chiều hơn cả, nhưng lại là đứa luôn luôn muốn tuột mình ra khỏi những yêu thương vồ vập. Và trong khi, lũ bạn cùng trang lứa, bận rộn với những công việc gọi là phụ giúp gia đình, thì tôi lại lang thang trên những gioi cát, nhưng quãng biển lặng và vắng, không để làm gì, chỉ để lắng nghe lời thầm thì của biển. Đôi khi tôi thích úp mặt xuống cát, cháy bỏng, tôi muốn tìm thấy câu trả lời của đất, của trời. Cát nóng rẫy dưới da tôi, nắng làm tóc tôi đỏ quạch, mặc dù tôi chỉ biết rong chơi. Tuổi thơ tôi trôi đi bập bềnh với những sợi dây tình cảm nối liền như thế… bố mẹ tôi lo cho tôi, cho một tương lai đầy những dông bão phía trước mà không biết rằng cứ như vậy tôi sẽ ứng xử ra sao. Còn bản thân mình, tôi chỉ cười, ngày mai của tôi còn chưa thấy những lo toan, ngày hôm nay thì vẫn còn nhàn rỗi.
Thỉnh thoảng, chán với những trò chơi một mình, chán những vỏ sò lấp lánh, chán gió, chán cát, chán những phiến đá nhỏ to, chán sóng bập bùng, tôi lại lỉnh về cuối làng, nơi gian nhà tranh có thể gọi là nghèo nhất. Nơi đó có một người đàn ông đơn độc, với một công việc giản dị như bao người khác. Nhưng điều hấp dẫn tôi ở ông, điều mà không người dân vạn chài nào bằng ông, là tiếng đàn bầu tích tịch, buồn… đã bao năm rồi nhỉ, tôi đã đi tới bao nhiêu miền đất, đã gặp bao hình dáng con người, bao gương mặt, đã từng mổ xẻ bao tâm hồn, nhưng tôi vẫn không thể có một câu trả lời nguyên vẹn cho những hoài nghi của mình. Ở một nơi thâm u hẻo lánh như vậy, có lẽ tiếng đàn bầu, không làm cho người ta vui lên, thậm chí khiến người ta buồn đi, nhưng có nó, vẫn đỡ cô đơn hơn. Tiếng đàn dường như tách khỏi những lao xao của cuộc sống bên ngoài, đắm mình trong cái thế giới mà chỉ mình nó tạo ra, và hai chúng tôi.
Tôi còn quá nhỏ lúc ấy để có thể nhận biết tuổi của con người qua nét mặt, đến khi đủ để có thể thì trong tâm thức không còn hiện lên đủ những đường nét để có thể định hình cho kí ức tuổi thơ. Tôi chỉ nhớ về ông như một người bạn, một người bạn lớn tuổi. Ít nói và hay hướng ra biển trong im lặng, và tiếng đàn bầu của ông, suốt đời chỉ một bản nhạc ấy… hay con người đó không tuổi cũng nên. Bây giờ, trong giấc mơ, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy bóng ông chập chờn giữa ráng chiều đỏ, xoay lưng lại phía mình và hướng ra biển, gió thì thào, gió giữ dội, những hàng phi lao và bóng chiều, bóng người, bóng vật đổ dài. Tối, đỏ, buồn,… tôi giật mình bàng hoàng giữa giấc mơ. Tôi thấy má mình ướt. Tôi lại tiếp tục trôi đi với hiện tại, và thỉnh thoảng, những giấc mơ lại hiện về…
Ông không phải người quê tôi, tôi cũng chưa một lần dám hỏi ông về lý do đã neo giữ ông lại nơi đây, cũng như không biết được vì sao ông lại ra đi mà không một lời giã từ. Chúng tôi là hai con người tự tách mình ra khỏi cuộc sống đời thường, với ông tôi không biết, còn với mình, trong thế giới của trẻ con ấy, ông đã trở thành một phần, cũng như cát, cũng như gió, cũng như biển, đến tự nhiên, nhưng khi ra đi … cũng tự nhiên như khi đến thì vô tình để lại trong lòng người ở lại những hụt hẫng,… nhưng rồi thời gian cũng qua đi, con người không có qúa nhiều đòi hỏi thì cũng không quá đau khổ với những đòi hỏi của chính mình…
Mỗi lần tới thăm ông, tôi thường trèo qua một hàng rào nhỏ, làm bằng những cành phi lao cặm xuống cát, mà với sức trẻ con, xô tay cũng đủ sập, cái mà tôi ngại là những đụn xương rồng dưới chân. Xương rồng tà tà mặt đất, gai nhọn lởm chởm, đôi khi khiến tôi đau, nhưng tôi không ghét chúng, thậm chí tôi yêu, yêu vì cái màu xanh mỡ màng ấy, yêu vì những gái gai sắc nhọn vươn ra để tự bảo vệ mình. Có lúc ông có nhà, có lúc không, tôi thường ngồi trên một thân cây dưới mái hiên nhà ông và đợi. Cũng có khi lôi cây đàn ra ngắm, chỉ ngắm thôi, tôi không biết chơi và chưa bao giờ biết chơi. Có lần tôi đề nghị, ông bảo : “ không, con gái mà chơi đàn này, khổ lắm con ơi,...”. Lúc đó, tôi không biết khổ là gì, nhưng những gì ông nói, tôi hiểu là : không. Tôi cũng không đủ cuồng nhiệt để phản bác lại cái định nghĩa đó, tôi bằng lòng khi thỉnh thoảng có người chơi, và tôi nghe. Thế là đủ. Tôi cứ nguyên vị chỗ của mình, còn ông, hướng ra biển, ngồi gảy đàn với những nhấm nhẳn, với những tâm sự thiết tha, thậm chí không gì cả. Tiếng đàn chỉ còn là tiếng đàn. Gương mặt ông, mái tóc ông hòa vào ráng chiều đỏ như thôi miên tôi. Tới bây giờ tôi mới biết khóc. Khóc thương cho một con người, và khóc thương cho tôi, tôi không muốn nói đến thương cho nhiều người, vì tôi cũng nhỏ bé thôi, không đủ sức vươn mình lên để làm cái công việc thiết tha và cao cả ấy. Tôi lắng nghe, lắng nghe. Tiếng đàn lẫn vào với gió, với cái sự chùng xuống của ngày, và với hàng trăm, hàng ngàn những điều mà tôi không muốn mình phải tiếp tục phân tích mổ xẻ nữa, mỗi lần thêm một cảm nhận là một lần đau…
Có lần ông nói với tôi : “ Linh ạ, cháu hãy sống vui, nhưng đừng hờ hững, cháu hãy làm một con người có trái tim, đừng để trái tim mình bị tổn thương và cũng đừng làm tổn thương trái tim người khác…”. Lời ông, tôi vẫn nhớ, nhưng tôi làm không nổi vế sau, có lúc người làm tôi đau, và cũng có khi vô tình hữu ý tôi làm đau người khác. Thế giới không phải một chiều…
Một năm, hai năm, ba năm,… vẫn một căn nhà mà bốn bên là gió, xung quanh là mái tranh bạc thếch, chỉ cần một cơn bão qua cũng đủ thổi bạt cái gia tài nghèo nàn và ít ỏi đó, tới đâu thì chỉ trời mới biết. Vẫn một con người, một cây đàn đã bị nước thời gian làm bong hết những mượt mà hấp dẫn một thời. Và thêm một đứa trẻ là tôi. Cho tới một ngày…
Biển động, làng tôi lao xao trong những âm thanh rời rạc và thất thần, những hi vọng , những lo âu trùm lên làm không gian như đặc quánh lại. Những con thuyền ra khơi chưa kịp về,... tôi nghe thấy những tiếng thổn thức trên bến, những lời lầm rầm khấn nguyện nhỏ to,… tôi cũng cầu nguyện, cho ông, như một người bạn, như một đứa con,…
Ông trở về, cùng với những con người may mắn khác, không một người thân chờ đón, chỉ mình tôi, một con bé ngơ ngẩn, và với một vết thương nặng trong khi chống chọi với cái chết, không chỉ cho riêng mình…
Nhưng rồi ông cũng bỏ tôi mà đi, sau đó một thời gian, ra đi mang theo cây đàn cùng những khoảng tối trong lòng mà mãi mãi tôi không bao giờ biết được. Người ta chôn ông trong cái nghĩa địa vạn chài nghèo mà trước đó chưa một lần tôi dám bước vào. Ông chỉ để lại cho tôi một mặt dây chuyền nhỏ, hình một chiếc thuyền trăng,… đằng sau chỉ duy nhất một từ : HƯƠNG. Hương là ai? Vì sao ông không để lại cho tôi cây đàn mà là một cái tên mà không bao giờ tôi biết là ai? Vì sao?....
Đã bao năm rồi nhỉ, tôi không nhớ chính xác cũng như người ta không thể nào phân định được rạch ròi gianh giới của tuổi thơ. Cũng có những khi, nhiều là đằng khác, tôi quên ông. Trên những mệt mỏi của đường đời, chỉ đôi khi ông trở về trong những giấc mơ, trong những cuộc hành trình của tôi, khi tôi chợt nhớ về một cơn gió, một chút hanh hao của nắng, và thảng một tiếng đàn .
Làng quê tôi bao năm rồi vẫn thế, vẫn nghèo, vẫn hiện về trong nỗi chua xót của những đứa con được chắp cánh bay xa, người dân vạn chài vẫn đen bóng với những lo toan, những ánh mắt trẻ thơ vẫn trong và vẫn sâu. Tôi không có thời gian và không đủ gần để biết được nơi đó, liệu có hay không, lại một cô bé con thích biển một mình, như tôi ngày ấy…
Ngày mai lại sắp tới rồi thì phải.