Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.229.497
 
Năm Thánh Đức Mẹ TàPao 2009 : Ngày hành hương dành cho giáo sĩ.
Nguyễn Hữu An

Toà Ân Giải Tối Cao đã ban sắc lệnh cho phép Giáo Phận Phan Thiết được tổ chức Năm Toàn Xá nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ TàPao (8/12/1959-8/12/2009).

 

Năm Thánh Đức Mẹ TàPao 2009 là dịp để Giáo phận bày tỏ lòng tri ân và cảm tạ Thiên Chúa với bao hồng ân mà Ngài đã ban qua Đức Maria, đồng thời là dịp cổ vũ lòng yêu mến Chúa, Đức Mẹ và Giáo hội.

 

Lễ khai mạc Năm Thánh đã tổ chức ngày 8/12/2008.Theo lịch phân chia: tháng 01 dành cho các linh mục.

 

Mỗi ngày 13 trong tháng, đông đảo khách hành hương thập phương đến với Đức Mẹ Tàpao. Ngày 13.1 là dịp đặc biệt, Đức Giám Mục giáo phận cùng linh mục đoàn, một số linh mục ngoài giáo phận cùng hàng ngàn khách hành hương hiệp dâng thánh lễ.

 

1.   Thánh Lễ.

 

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan giảng lễ, suy niệm Tin mừng ngày thứ ba tuần I thường niên ( Mc 1,21-28).

 

Hôm nay tuy là ngày hành hương dành cho các linh mục, nhưng đang có hàng ngàn giáo dân trong và ngoài giáo phận Phan Thiết cùng về đây dự lễ. Thật là một sự quy tụ hài hòa của Dân Thiên Chúa dưới cánh tay Đức Trinh Nữ Maria.

 

Chúng ta hiệp nhất cầu nguyện và tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức Mẹ đã ban bao ơn lành cho khách hành hương nói chung và cho riêng giáo phận Phan Thiết trong năm qua. Với gần một trăm linh mục đồng tế hôm nay, chúng ta cùng nhau tạ ơn và xin ơn thánh hoá các linh mục vì Mẹ Maria là mẹ các linh mục.

 

Qua bài Tin Mừng này tôi muốn chia sẽ với anh chị em hai điều, một là sự ngạc nhiên của dân chúng khi nghe Chúa Giêsu rao giảng. Hai là sự ngạc nhiên và sợ hãi của ma quỷ.

 

a.”Thiên hạ ngạc nhiên về giáo lý của Ngài”.

 

Họ ngạc nhiên trước một kinh sư trẻ tuổi. Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền, khác với các kinh sư luật sĩ của họ. Đó mới là cái uy tín tự nhiên của Chúa cũng đã đủ làm cho người ta phải thốt lên kinh ngạc.

 

Họ còn kinh ngạc về giáo lý của Ngài. Nếu ta chú ý đến nội dung về bài giảng Tám mối phúc thật, thì sẽ thấy đó là một giáo lý vừa đi vào nội tâm, vừa có một nội dung ưu việt hơn những bài học luân lý của Cựu ước muôn ngàn lần. Cách Ngài trình bày khởi đi từ cuộc sống đời thường với sự xác tín và đong đầy niềm vui hạnh phúc.

 

Đi xa hơn một chút nữa, lời giảng dạy của Ngài là những chân lý sâu thẳm phát xuất từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Người yêu thương những ai khiêm nhường, những ai hiền lành, những ai có cuộc đời đầy gian truân vất vả. Đấng từ Thiên Chúa mà đến mới giảng dạy đựơc như thế.  Ngài chính là Lời của Thiên Chúa, Lời của sự sống vĩnh cửu. Cho nên, ai trực tiếp nghe những lời này mà không reo lên niềm thán phục.

 

Cách trình bày của Ngài còn kinh ngạc hơn nữa. Tại sao người ta bàn tán với nhau “Ngài nói như kẻ có uy quyền”. Anh chị em hãy nghe lấy vài lời thôi sẽ thấy rõ: “Anh em đã nghe người xưa dạy rằng: không được giết người. Còn tôi, tôi bảo anh em: bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình thì sẽ bị luận phạt”. Nghe như vậy ai mà không kinh ngạc. Đối với chúng ta, mình có nạt nộ ai, có nói hành nói xấu ai, sao đến nổi phải ra tòa án Thiên Chúa? Chỉ có Ngài nói ra điều đó và khắt khe đến thế, ấy là vì Ngài đã dựng nên con người. Ngài đề cao giá trị vô song của con người, vốn được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.

 

Một câu khác: “Các anh em đã nghe bảo: mắt đền mắt, răng đền răng. Còn tôi, tôi bảo anh em: đừng chống lại  kẻ hung ác, trái lại nếu ai vả má bên phải mình, hãy đưa cả má bên kia cho nó nữa”. Nghe như vậy chính chúng ta cũng ngạc nhiên vì chúng ta thường suy nghĩ theo thói đời. Còn Ngài, Ngài dạy chúng ta sống cho đúng cung cách văn hóa của con cái Thiên Chúa tình yêu.

Chúa Giêsu gây kinh ngạc. Ngài kêu gọi mọi người hãy sám hối, đi vào đường lối Tin Mừng, suy nghĩ theo Tin Mừng, sống như Tin Mừng, không nên sống như thói đời nữa.

 

Anh chị em hãy suy nghĩ lại xem, hằng ngày chúng ta sống theo Tin Mừng hay theo thói đời. Tôi đã sống theo gương Chúa Giêsu chưa? Hãy biết kinh ngạc trước Lời Chúa. Không ngạc nhiên là dấu chỉ lương tâm đã xơ cứng, đã chai lì rồi. Lời Chúa là Tin mừng, là sự sống, là ánh sáng cho cuộc đời ta.

 

a.        Ma quỷ sợ Chúa Giêsu

 

Ma quỷ sợ Chúa Giêsu đánh bại. Đối diện với Đấng quyền năng, Satan run sợ “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi chăng”. Nó tuyên xưng “Tôi biết ông là ai. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa bắt nó phải im ngay và Ngài dùng quyền năng trục xuất nó ra khỏi nạn nhân.

Satan bị án phạt đời đời vì tội kiêu căng, tội gieo nọc độc cho Nguyên Tổ trong vườn địa đàng. Thiên Chúa không cho Satan có quyền hành gì trên con người, trừ khi con người tự nguyện trở thành nô lệ.

 

Chúa Giêsu cũng cấm ma quỉ nói gì về Ngài. Ma quỷ chuyên nghề xuyên tạc dối trá bóp méo để gây niềm tin mù quáng. Theo Chúa để thấy phép lạ, theo Chúa để thực hiện ý đồ chính trị, theo Chúa để hưởng lợi lộc trần gian. Đó là xảo kế tinh vi của Satan. Người ta cần đi với Chúa trên con đường từ bỏ chính mình, trên con đường thập giá, trên con đường quên mình để yêu thương phục vụ. Đó là điều Chúa mong đợi chúng ta.

 

Điều đáng tiếc là đức tin chúng ta bị lệ thuộc vào những tin đồn phép lạ đó đây. Ma quỉ đang dùng những ảo ảnh, những mưu mô xảo quyệt để nắm bắt loài người. Chúng ta hãy nghe và sống theo Tin mừng. Để nâng đỡ niềm tin yếu hèn của chúng ta, Đức Mẹ có thể cho chúng ta những dấu lạ lùng như phép lạ mặt trời như sa xuống ở Fatima. Nhưng không phải luôn luôn có như vậy.

 

Phép lạ thường xảy ra ở đâu? Ở ngay trong lòng chúng ta. Khi chúng ta biết sám hối, biết tin vào Tin Mừng và từ đó hoán cải đời sống. Đó là dấu hiệu để chúng ta tin việc Chúa đang làm cho chúng ta qua lời cầu bầu của Đức Mẹ.

 

Còn những ảo ảnh lạ lùng là phép lạ kiểu con chim ưng mang một bao phân rải trên cánh đồng, lập tức lúa đâm bông, đơm hoa sinh quả, đó là phép lạ quảng cáo. Chúng ta tin vào các quảng cáo đó là phá hoại đức tin, là làm cho người ta khinh đạo mình. Nguy hiểm vô cùng. Nguyện xin Mẹ Maria giáo dục Đức tin chân chính cho chúng ta, từ đó chúng ta trở nên con Chúa như Đức Mẹ.

 

Sau khi nghe giảng, dân chúng truyền nhau về sự cảm phục Chúa, khiến cho danh Chúa đồn ra mọi nơi. Sau khi nghe giảng Tin Mừng, sau khi đến cầu nguyện với Đức Mẹ, anh chị em cần truyền rao những điều hay lẽ phải để Tin mừng đựơc lan rộng. Đó là cách thức chia sẻ sức sống của Lời Chúa.

 

Cuối thánh lễ, ĐGM ban phép lành Toà Thánh với Ơn Toàn Xá.

 

2.   Viếng tượng đài Đức Mẹ TàPao.

 

Sau thánh lễ, mọi người leo núi kính viếng Đức Mẹ. Nắng trưa khá gay gắt. Bước lên hết 430 bậc cấp, mỗ hôi ướt đẫm, nhưng ai cũng hân hoan rạng rỡ. Các linh mục cao niên, các cụ ông cụ bà, các trẻ nhỏ, vui vẻ từng bước dìu nhau lên. Có một vài trạm dừng chân rợp bóng mát, nghĩ ngơi đôi chút tiếp sức rồi lại tiếp tục bước. Lên núi cao, trời rất trong và rất xanh, rất cao và rất rộng. Thinh lặng mênh mông làm cho không khí nên dịu mát như có chất ngọt trong hơi thở. Cái hoang vu của núi rừng ngát một màu xanh càng làm cho nét đẹp TàPao trở nên linh thiêng kín đáo. Nắng ban trưa rộn rã không còn gay gắt nữa. Các linh mục bắt đầu giờ kinh nguyện. Lần chuỗi Năm Sự Thương, nghe đoạn Tin Mừng (Ga 19,25-27), mọi người thinh lặng cầu nguyện rồi cùng đọc kinh Năm Thánh Đức Mẹ TàPao và cùng hát vang bài ca “Lời ru trước ngàn năm mới”. Lời kinh tiếng hát ngợi khen Mẹ như lời ru đi vào sâu lắng tâm hồn. Từ trên cao Mẹ TàPao nhìn xuống đoàn con cái. Mẹ vui, Mẹ thương, Mẹ chúc lành ban muôn ơn phúc.

 

Lời Mẹ thương con mà Đức Maria ru nhân loại là bản dịch tình yêu của Thiên Chúa gởi cho con người. Mẹ Maria là bản dịch tình yêu của Chúa cho nhân loại. Lời ca tụng Mẹ là hộp thư cho một địa chỉ chung đi về với Chúa.

 

Lạy Chúa, Mẹ Maria chỉ muốn làm nữ tì của Chúa. Như trăng nhận ánh sáng mặt trời thì Mẹ cũng để Chúa làm những điều trọng đại cho Mẹ. Chính vì thế Mẹ trở thành người diễm phúc. Khi con yêu Mẹ là tình ca con gởi Chúa. Xin cho con chút linh hồn nghệ sĩ để thấy không buổi sáng nào có hai màu mây giống nhau. Mỗi bình minh là một độc đáo. Mỗi lần lên núi Mẹ Tàpao là một nổi niềm cảm xúc. Mỗi thánh lễ là một ơn cứu độ quý giá Chúa ban cho nhân trần.

Nguyễn Hữu An
Số lần đọc: 2361
Ngày đăng: 16.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghĩ từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Nguyễn Hoàn
Về Cà Mau, cuối năm… - Huỳnh Kim
Chuyện chép bên dòng sông Trâu - Phạm Minh Hoàng
Nhạc Sĩ Cao Hồng Sơn : hoa thơm và cỏ úa - Nguyễn Một *
Windhoek: thành phố giữa sa mạc - Trương Quang
Bất ngờ từ một bức thư lạ. - Võ Ðắc Danh
Pho tượng Luang Prabang - Nguyễn Linh Khiếu
Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên - Vũ Ngọc Tiến
Cụ Phan Khôi qua hồi nhớ của con gái một người bạn thơ - Lâm Bích Thủy
Chiều chiều mây kéo về kinh - Yến Lan
Cùng một tác giả
Hòa bình vĩnh cửu (tiểu luận)
Mùa Xuân Chín (tạp văn)