1.
Tình cờ Long và hắn cùng được mời dự một trại viết văn. Không biết trời xui, đất khiến hay duyên kỳ ngộ thế nào mà hai đứa cùng ở chung một phòng. Hắn cụt tay trái, nối tay giả từ cùi trỏ trở xuống. Còn Long cụt cả cánh tay phải, anh không dùng tay giả, ống tay áo dài xẹp, có lúc gió thổi lật lật. Long viết bằng tay trái, chữ được cái rõ ràng, dễ đọc chứ không đẹp. Gặp gỡ, cả hai nhìn nhau mỉm cười, thông cảm, nói chuyện cởi mở, rất gần gũi, quen quen. Thực ra, lần đầu biết mặt, nhưng đã đọc nhau “chán vạn lần rồi”. Làm cái anh nhà văn thú vị thế: thân thiện, ấm áp biết bao; cứ như quen biết từ lâu.
Thế rồi, mấy ngày liền, hắn và Long lao vào viết. Bởi chẳng mấy khi "chạy trốn" chuyện mưu sinh cơm áo gạo tiền để toàn tâm toàn ý cho văn chương. Mỗi người theo đuổi một ý tưởng, sống một thế giới riêng biệt với xúc cảm của mình.
Long chứng kiến thường xuyên hình ảnh hắn nhấp nhổm, thở vắn, thở dài không yên, vẻ mặt bứt rứt, chán nản; bàn tay loay hoay mãi với chiếc bút, hết nhấc lên rồi lại đặt xuống trên trang giấy trắng trước mặt. Hình như có điều gì đó đang vò xát, bất ổn, hoang mang, sụt lở trong tâm tưởng hắn.
Dường như không thể kéo dài hơn tâm trạng bất yên ấy được nữa, hắn đứng dậy đi về phía Long.
- Xin lỗi ông bạn! Khuya rồi, dừng tay hút với tui điếu thuốc!
Long ngước nhìn hắn, cười:
- Thế nào, sản phẩm của cao nhân đến đâu rồi?
- Có lẽ tui phải đánh bài chuồn vào sáng sớm mai thôi, ông ạ. Chớ đến khi kết thúc trại mà không nộp quyển thì mắc cỡ cái mặt “hảo hớn” lắm.
Long chột dạ:
- Sao vậy?
Không còn vẻ khôi hài, dễ gần như hôm mới gặp, nét mặt hắn bỗng trở nên buồn buồn, đăm đăm:
- Tui đã cố gắng hết sức, nhưng đầu óc cứ mụ mị, rối tung rối mù... Yêu cầu của trại viết về Chiến tranh cách mạng khó khăn cho tui quá. Thật sự là thách thức, đánh đố tui... "Chiến tranh" - Đôi mắt hắn bất chợt loá lên rồi sụp xuống - Lịch sử là lịch sử, đã diễn ra rồi, đúng là không ai có quyền hư cấu lịch sử, nhưng tui muốn viết về Chiến tranh theo cái nhìn của tui...
Hắn nói say sưa, triết luận và ẩn nhiều ý. Long không muốn tranh luận hay hiểu một cách tường tận về những điều hắn nói. Còn quá ít thời gian để hiểu nhau, hơn nữa trong giới viết lách đã mấy ai chịu nhau, chấp nhận những lời tuyên ngôn nghệ thuật đao to búa lớn đâu. Long nghĩ: Ừ, những điều hắn nói có cái lý riêng của hắn. Hắn căm ghét chiến tranh (thì ai chẳng chán ghét chiến tranh). Hắn chỉ muốn dành tất cả quãng đời ngắn ngủi còn lại của mình để viết về cuộc sống đang diễn ra hàng ngày, tốt đẹp - xấu xa, thiên đường - địa ngục... viết tuốt. Đó cũng là một miền riêng, một cách nghĩ, cách viết của người cầm bút.
Hắn buồn rười rượi. Đôi mắt đục mờ, khuôn mặt hằn lên những nếp nhăn nhàu nhĩ như tờ giấy bị vò nắm lại. Mỗi lần nhắc đến chiến tranh, nhắc đến nỗi đau thương, mất mát ấy là hắn rùng mình không chịu được. Những người lính dù đồng ngũ với hắn lần lượt gục xuống nơi công sự, ngả nghiêng phơi mình trên bờ thành, người ôm đầu, ôm ngực, ôm bụng, người cụt chân, cụt tay... máu thấm đẫm trên cơ thể, chảy loang lổ ra khắp chiến hào... Hắn tự mình lý giải mà không sao hiểu nổi...
Còn Long cứ băn khoăn, không biết nên bắt đầu từ đâu, xuất phát từ phương vị nào để viết? Đi tìm một ý tưởng mới lạ, sáng tạo để tránh những lối mòn cũ; giám vượt qua những vùng nhạy cảm, cố hữu để nhìn nhận một cách tường tận, toàn diện, chân thực về chiến tranh?! ... Nghĩ là vậy, nhưng viết chẳng dễ dàng chút nào. Đã dự nhiều Trại sáng tác, đã giành được nhiều giải ở địa phương và Trung ương, chưa bao giờ Long cảm thấy tâm trạng rối bời, mất tự tin như lần này.
2.
Hắn đi rồi, Long càng thấy trống vắng. Bóng đêm đổ ập xuống từ lúc nào không hay biết, Long cứ nằm nhìn trân trân lên trần nhà trong cảm giác nửa tỉnh, nửa mê, nửa hư, nửa thực...
... Năm ấy, vào đầu tháng chín - một mùa mưa lớn và kéo dài, Long và đồng đội sống cùng bom đạn ở Thành Cổ. Đồng hành với thời tiết hết sức khắc nghiệt, bom đạn địch càng khốc liệt hơn gấp bội. Trên trời, tiếng máy bay gầm rít, dưới đất tiếng nổ ghê rợn, khủng khiếp của bom tấn, đạn chụp, đạn phá, đạn khoan, đạn hoá học... Cả không gian như vỡ toác, ầm ầm, náo động, âm thanh hỗn độn, triền miên bất tận, dội buốt vào óc, tai rỉ máu, đặc ù. Những luồng lửa, quầng sáng loá đan xuyên nhau dày đặc như cơn bão táp bằng lửa đủ màu: đỏ lừ, đỏ bừng, xanh lét, da cam... đốt cháy cả bầu trời đầy mưa, phá sập, hất tung, băm nát từng bờ thành, công sự kiên cố, xuyên thủng, đâm thấu tới mọi ngõ ngách, vật cản... Nhiều người bị ném lên không trung, xé tướp ra từng mảnh, bám đầy cỏ rác, bụi bặm, vùi dập vào những đống đất, đá, gạch vụn; nhiều người bị nướng cháy nham nhở dưới chiến hào, công sự hay quằn quại chết vì trúng mảnh bom, pháo...
*
Hắn cũng thường có những đêm không ngủ. Hễ cứ nhắm mắt lại là thấy những người lính dù đồng ngũ hiện về, đứng thành từng từng, lớp lớp thấp thoáng trong các lớp mây vần vũ đen đặc nhìn hắn. Một người mặt mũi cháy sém, quắt queo, ở giữa trán toang hoác một hố sâu; bụng toác đang lồi ra bầy nhầy ruột gan, đỏ hỏn, ngực đầm đìa máu, không tay, không chân, trông người chẳng ra người, gớm giếc, đi trong đám mây loãng đến gần bảo hắn: “Mi là thằng vô lương tâm, là kẻ vô đạo. Bọn tao ở dưới này bây giờ không coi những người lính giải phóng là kẻ thù nữa. Bọn tao đối xử với nhau đầy lòng yêu thương và nhân ái... Vậy mà mi ở trên dương gian, cứ ôm mãi quá khứ, mặc cảm, cay cú, hận thù... Mi biết không? Ở nơi ấy, nhiều người đã đến viếng thăm những người lính giải phóng; và trong làn khói hương tưởng niệm, thành tâm ấy, họ cũng dành cho bọn tao. Bọn tao được an ủi phần nào đó... Hết chiến tranh ở phía Việt cộng họ đi tìm nhau, thằng Mỹ xa là vậy cũng đi tìm nhau; còn bọn tao, ai đi tìm chúng tao?... Và ngay cả mi mấy chục năm rồi cũng không về tìm lại chính máu thịt của mi, hỏi ai đi tìm bọn tao bây chừ đây?"... Hắn lạnh toát mồ hôi, trống ngực thình thình đổ: "Nhưng tui đi tìm tui ở đâu?". "Cái thằng nầy hỏng quá! Cánh tay trái của mi bỏ lại ở Thành Cổ dạo tái chiếm mùa hè đỏ lửa năm 1972, mi quên rồi a? Mi hãy đến Thành Cổ, hãy trở về “căn hầm định mệnh” của mi...”. “Nhưng! Nhưng ông là ai...?”. “ Không nhận ra tao sao? Không còn nhớ cái thằng lính dù đã hứng trọn gần hết băng đạn AK cho mi ư?”...
Hắn lại chìm đắm, ngụp sâu vào những ngày chiến trận xa lắc, kinh hoàng như đang xay ra trước mắt ... Vừa dứt tiếng bom, pháo dọn đường, lính thuỷ quân lục chiến, và lính dù bọn hắn được lệnh đồng loạt ào lên theo nhiều hướng tiến công. Các chiến hữu và hắn nghĩ rằng: Cộng quân chỉ là những thây người và có chăng cũng là những xác người đang ngoắc ngoải chờ chết, không cách chi chịu đựng nổi bom, đạn đã trút xuống mù trời đến đất đá cũng biến thành bụi...
Nào ngờ! Như từ dưới đất chui lên, tiếng súng B40, B41, ĐKZ, cối 80, cối 60, AK... ào ạt nổ, ào ạt găm tới. Bị bất ngờ, tất cả các cánh quân khựng lại khiếp đảm, nhiều đứa trúng đạn rống lên, la hét rồi gục xuống rên rỉ thê thảm... Sau những phút kinh hoàng, bọn hắn cũng trấn tĩnh lại. Đại liên, 12ly7, súng phun lửa, cối 81, M14, M79, AR15... điên cuồng giáng trả. Những tiếng nổ, tiếng rít to, nhỏ rền rã hướng về nhau, tạo nên muôn ngàn những đường thẳng, đường cầu vồng chớp loá đâm tới, xuyên tới, phá nát tất cả mọi thứ ngăn cản... Xác người nằm ngổn ngang vùi dập, quện vào khói lửa, đất đá, cát bụi xám xịt.
Những lúc tạm im tiếng bom đạn, không biết từ đâu chui ra mà lắm thế, cơ man nào là ruồi, nhặng, kiến trùng trùng, lớp lớp. Lạ thế! Bom đạn tơi bời không giết hết được các sinh vật nhỏ nhoi, mà hình như chúng sinh nở nhiều hơn. Chúng bu bám, rỉa rói, xâu xé xác người, những mẩu xương, thịt nát nhừ, những vũng máu bầm tím...
Mùi khói, mùi thuốc súng, mùi tanh, mùi hôi thối của xác người trương phình... theo nước mưa chảy loang ra tanh tưởi, lờm lợm bốc lên nghẹt thở, buồn nôn...
*
Long cũng không thoát khỏi hồi ức bi hùng ngày ấy, dù có lúc anh muốn quên đi, muốn trốn chạy. Mưa xối xả. Những nòng súng đỏ lừ bốc khói ngùn ngụt. Gió quất rát rạt trên những khuôn mặt bệch bạc, tái nhợt, dầm dãi; nước mỗi lúc một dâng cao, đất ở các chiến hào, công sự nhão ra sụt lở... Những người lính lạnh run, đói lả. Quần áo tơi tả. Các anh chuyền tay nhau từng miếng lương khô thấm nước, nhai sệu sạo rồi cùng ngửa cổ lên trời hứng nước mưa nuốt ừng ực...
Phía trước bộ binh địch lại lùi lũi tiến lên, lấn dũi, cố thủ từng ngóc ngách, bờ thành... Một quả đạn pháo nổ trúng cạnh cửa hầm của Long, hai chiến sỹ hy sinh. Long bị hất tung ra phía sau, lưng đập vào vách hầm bê tông. Anh bị một mảnh pháo găm vào bắp đùi, còn cánh tay phải thì tê dại, rồi không còn cảm giác gì nữa...
*
Trên mặt đất. Hắn chưa kịp hoàn hồn, chưa kịp chòi ngược thoát ra khỏi mùi hôi tởm lợm, ghê sợ thì từ sau mô đất phía trước mặt, một nòng súng đen ngòm chĩa về phía hắn chớp lửa, một quả lựu đạn nổ tiếp theo. Người lính dù cùng tiểu đội hắn gục ngay không một tiếng kêu; và hắn cũng khựu dần, máu từ hông và cánh tay phải tứa ra... Hắn cố sức nhổm dậy, lảo đảo, tay ôm bụng, tay thõng xuống, máu chảy thành dòng ướt sũng. Hắn cố lết về phía bức tường đổ nghiêng. Bất ngờ hắn hụt chân ngã chúi xuống cửa một căn hầm...
*
Long mở mắt nhìn người lạ đang cố sức bò vào hầm, không phải là đồng đội của mình mà là một người lính nguỵ. Đầu tóc bơ phờ, rũ rượi, bộ quần áo dù rằn ri thẫm máu. Long quờ tay tìm khẩu súng, nhưng không thấy đâu cả. Người lính dù nghe tiếng động và đã kịp nhận ra đối phương. Người lính dù tuyệt nhiên không có một thứ vũ khí gì. Anh ta lần tháo chiếc bi đông đang đeo ở bên hông nhằm đầu Long ném tới. Choang. Ùng ục... Chiếc bi đông lăn đến gần chỗ Long nằm. Long với tay nhặt lấy, cố hết sức nhằm đầu đối phương ném lại nhưng trật.
Họ đều gần như là kiệt sức. Cuộc chiến của hai con thú trọng thương muốn ăn tươi, nuốt sống nhau chỉ diễn ra trong bất lực được vài lần. Hơi tàn, sức kiệt, cả hai chỉ còn biết trợn trừng mắt lên gườm gườm nhìn nhau thách thức rồi lịm dần...
Họ cứ nằm như thế bao lâu biết, rồi Long tỉnh lại. Anh trườn tới phía người lính nguỵ. Anh ta nằm bất động, máu ở cánh tay bị thương rỉ ra ướt nhoét. "Thời khắc định mệnh đến với mày rồi" - Long nhặt chiếc bi đông lên nhằm đầu người lính nguỵ định nện xuống; nhưng rồi một phút do dự chợt đến: “Hình như anh ta đã chết”. Long tự nhủ: “Đánh một kẻ đã chết là việc không nên và cũng chẳng ích gì”. Anh đưa tay đặt lên mũi người lính nguỵ, kiểm tra. Bất thần anh ta mở mắt ra, thời cơ có một không hai, anh dùng tay phải còn lành thoi mạnh một cái vào mặt Long. Trận huyết chiến, sinh tử ngang sức tàn, một mất, một còn lại diễn ra hết sức quyết liệt. Họ đè ghì nhau, thoi đạp nhau, cắn xé nhau, bóp cổ nhau bằng bàn tay còn lại. Thôi thì có món gia truyền, hiểm ác nào, còn chút hơi sức nào cũng đưa ra bằng hết để giết đối phương. Mọi toan tính, hành động nhằm tận diệt lẫn nhau kết cục hầu như chẳng hay ho gì, đến cái giá phải trả - cả hai đều gục xuống, nằm sõng sượt...
*
Phía ngoài căn hầm, bom, đạn pháo của cả hai phía lại ầm ầm rít lên. Mưa sầm sập đổ. Gió vẫn ào ào thét không dứt. Thời gian trôi đi...
Người lính dù cựa mình tỉnh dậy trong khi Long vẫn nằm như đã chết ở bên cạnh. Một phút định thần, anh ta khẽ nhếch mép cười, cái cười đau đớn, tàn lụi. Cổ họng anh ta khô cháy. Mở nắp bi đông ra định uống một ngụm cho đỡ khát, lấy sức để hành sự, nhưng anh ta lại vặn nắp lại: “Chưa vội, trọng lượng chiếc bi đông sẽ nhẹ đi”. Rồi nghiến răng, nghiến lợi, người lính dù dồn hết sức lực giơ cái bi đông lên nhằm đầu tên Việt cộng giáng xuống. Không kịp. “Ầm”. Một tiếng nổ long trời. Rồi tiếp theo tiếng “ầm” nữa - bức tường của ngôi nhà đổ ập xuống bịt kín cửa hầm. Cả căn hầm bụi bay mù mịt, rung lên bần bật. Người lính dù bật ngửa ra phía sau. Chiếc bi đông tuột khỏi tay lăn lông lốc, òng ọc... Người lính dù và anh lính giải phóng vừa tỉnh dậy biết việc gì đã xảy ra. Họ ngước nhìn lên thấy có hai khe hở dài vừa đủ cho luồng ánh sáng yếu ớt lọt vào. Người lính dù nhổm dậy đưa cánh tay không bị thương cố đẩy thử, nhưng như đẩy vào bức tường thành. Bất lực, tuyệt vọng, anh ta bật khóc rưng rức như một đứa trẻ...
Tình thế thật oái oăm, bẽ bàng và nghiệt ngã.
Long biết rằng không còn bao lâu nữa, Long và anh lính dù phía bên kia sẽ cùng nằm lại ở nơi này, trong lòng đất Cổ Thành như bao đồng đội, chiến hữu đã ngã xuống. Họ cùng chung sống với kẻ thù trong một thời khắc mà không hề ngờ tới. Chiếc hầm sẽ là quan tài chung chôn vùi, ôm ấp thây xác, linh hồn họ vĩnh viễn. Mãi mãi họ sẽ ở bên nhau, kề cạnh nhau.Và không biết ở cái thế giới ấy còn có cái gì để cùng chung nhau nữa không? Một điếu thuốc, một miếng lương khô, một ngụm nước còn sót lại trong chiếc bi đông, những nỗi niềm hằng ấp ủ..., hay là cả cõi bờ vô định ấy?... Ở đó mọi người có còn phải đau đớn, xé ruột, xé lòng như ở cái trần thế này nữa không, có còn phải tranh giật, huỷ diệt nhau nữa không? Lúc đó thì tranh giật, huỷ diệt nhau để làm gì nhỉ?
*
... Tuyệt vọng cùng với sự đau đớn thân xác, tinh thần làm cả hai người lính từ hai phía chiến tuyến xỉu đi.
Cơn mơ đột ngột hiện về. Long thấy bóng mẹ đang chập chờn ẩn hiện đâu đó rất gần. Hình như trong những lúc hiểm nghèo, gần đất xa trời, người ta thường nhớ đến mẹ, gọi mẹ. Mẹ không khóc, nhưng thẳm sâu trong đôi mắt mẹ ẩn chứa nỗi buồn đau cô quả. Long thấy mình đang trôi về nơi bờ bến của tuổi thơ, dịu êm, vời vợi, ở đó là làng quê Long, là dòng sông dạt dào chảy đến nao lòng mỗi lần đi xa. Long nghe được cả lời ru tao nôi ngọt ngào. Long nhìn thấy cánh cò chao lả, thấy ánh trăng treo chênh chếch mái đình... Rồi một ngày mẹ tiễn Long ra đầu ngõ, lặng thầm nước mắt chảy vào trong. Hai người anh của Long đã không trở về và bây giờ là đứa con út của mẹ. "Mày giống các anh mày, muốn đi là đi bằng được, mẹ không giữ nổi, gắng mà bằng anh em, bè bạn, rồi về với mẹ, con ạ!"... Long cứ ngỡ là mình đã lớn khôn, đã đi hết tuổi thơ, đã đủ sức vượt qua thác gềnh, sóng gió... ; nào hay chẳng tuột khỏi vòng tay của mẹ bao giờ...
Còn người lính nguỵ, giấc mơ cũng đến bất chợt trong lúc đạn bom mù trời. Anh ta thấy bóng má nơi bờ tre, hàng cau đầu ngõ, nơi rặng dừa, khóm chuối sau vườn... Người lính dù thấy mình bé cỏn con đang nằm gối đầu lên tay má. Nghe má ru, nghe má thì thào, vỗ về xiết bao hiền dịu, yêu thương mà cũng chất chứa bao nỗi niềm: "Má đã già rồi, hổng biết còn sống được bao lâu. Nhưng má phải sống, cố sống để mầy khỏi côi cút một mình trên thế gian này không có má. Các anh mầy đi trận đã bỏ má rồi, giờ đây chỉ còn một mình mầy. Nếu người ta đưa mầy đi đâu má theo đến đó." Mẹ người lính dù ôm anh ta vào lòng hôn vào tóc, vào mặt, vào mũi, nước mắt mằn mặn ướt nhoè lên trán, lên miệng anh ta. Người lính dù cũng nhớ đến tuổi ấu thơ; cả tiếng khóc, tiếng cười, tiếng reo vui, hờn dỗi vọng về êm đềm, thao thiết... Cho đến một ngày người ta bắt anh ta đi, má giành giật, má quỳ lạy, van xin, rồi má chới với lả dần, dựa vào gốc cau đầy trái đầu ngõ khựu xuống bất tỉnh. Anh ta cố vùng vẫy chạy lại với má, nhưng bất lực. Chàng thanh niên trốn lính quay lại nhìn má lần cuối rồi vội vàng ngoảnh đi, nước mắt dàn rụa, nghẹn ngào nấc lên những tiếng dài: Má ơi!... Má ơi!... Má...
Rồi cả hai người lính cũng tỉnh dậy...
... Ngoài trời mưa vẫn giăng kín mịt mùng, mưa xuyên qua hai khe hở của bức tường bịt miệng hầm chảy loang xuống. Long cởi chiếc áo đang mặc nhét kín một khe hở, rồi bảo:
- Còn khe hở kia là của mày.
Người lính nguỵ giả bộ không nghe thấy, anh ta nghĩ bụng thằng Việt cộng này đã làm một việc vô ích và đến nước này rồi còn tính toan hơn thiệt. Kệ má nó cho nước chảy đầy hầm rồi cả hai cùng chết. Hết khổ đau, hết giành giật.
- Tao và mày đang lâm vào tình thế khốn cùng, nhưng không phải là không còn hy vọng. Cố mà sống.
- Thôi đi mầy ơi! - Người lính ngụy chua chát. - Cố mà sống rồi còn uýnh nhau phải không?
- Tùy mày. Tao thì nghĩ: Phải cố mà sống rồi về với mẹ.
Không thấy người lính nguỵ nói, anh ta lặng lẽ cởi áo nhét kín khe hở còn lại. Che bớt nước mưa chảy xuống, nhưng chỗ ánh sáng mờ nhạt cuối cùng cũng bị bịt kín, người lính dù quay về gần chỗ Long ngồi tựa vào tường bê tông lặng lẽ. Vết thương tấy sưng lên, dần dật khiến Long đau đớn hơn gấp bội, bụng lại bắt đầu cồn cào. Lôi phong lương khô còn sót lại trong túi quần, anh bẻ đôi ra đưa cho người lính nguỵ.
- Mày ăn tạm miếng lương khô này để cầm hơi! Khi nào không sống nổi nữa thì chết, chẳng việc gì phải sợ, cái gì đến nó sẽ đến thôi.
Người lính nguỵ miễn cưỡng cầm lấy miếng lương khô, do dự một lát rồi đưa vào miệng nhai sệu sạo. Anh ta cố nuốt, nhưng không sao trôi xuống cổ họng. Nhớ tới bi đông nước, anh ta với tay đưa lên miệng uống ừng ực rồi chìa về phía Long. Từng giọt nước thấm chảy vào mát rượi đôi môi khô, cổ họng khát cháy, anh thấy nhẹ nhõm trong lòng. Long tự nhủ thằng cha lính dù này cũng thật đáng thương, nếu như anh ta không phải là một tên lính nguỵ thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?
Người lính nguỵ chờ Long bỏ chiếc bi đông xuống, nói nhỏ nhẹ:
- Ông thông cảm! Bây giờ tui đã nghĩ khác. Người ta nói về các ông xấu xa, độc ác đến bệnh hoạn..., chẳng có gì tốt đẹp thuộc về con người. Đã có lúc tui tự hỏi mình, tại sao cũng là người Việt máu đỏ da vàng mà Cộng quân độc ác, dữ dằn quá rứa? Một thằng đồng ngũ nói với tui biểu: "Mi thật mụ mị, chuyện nói xấu nhau thì thời mô chẳng rứa, bên mô chẳng rứa. Có ai xấu xa hết, và cũng có ai tốt đẹp hết cả mô; nhưng điều kiện, hoàn cảnh cuộc sống thì có thể làm cho con người ta nhân đạo hơn, hoặc tàn bạo hơn." Nói thiệt, lúc đó tui không tin. Giờ, bàn tay tui đã vấy máu, nếu chết cũng chẳng còn ân hận chi, chỉ thương má tui, chắc bả ấy không sống nổi khi biết tin tui không trở về. Hai anh tui đã chết trận, một anh đang trốn ở nhà người yêu thì người ta bắt lính, một anh đang cùng bạn bè sinh viên biểu tình chống chiến tranh thì người ta bắt, rồi xung vào lính. Còn tôi hai lần đào ngũ mà đâu có thoát nổi...
Cứ thế người lính dù miên man như nói với chính mình, nói nhiều mệt quá, kiệt sức rồi gục xuống, lặng im.
Chẳng hơi đâu mà tranh luận, tâm sự với anh ta trong lúc khốn nạn ấy. Có lẽ người lính dù muốn giãi bày tất cả để dịu bớt nỗi đau đang vò xát thân xác lẫn tâm hồn, để được thanh thản phần nào trước khi đi về thế giới bên kia. Thường một người biết mình không còn sống được bao lâu nữa thì những điều họ nói là sự thật. Vì nói dối nhau để mà làm gì nữa, có gì bất hạnh hơn là cái chết nữa đâu? Long đọc thấy nỗi tuyệt vọng vô bờ trong giọng người lính dù, nhưng rồi lại thấy giọng anh ta bừng lên một nỗi khát thèm được sống. Dường như, hy vọng càng mỏng manh thì người ta lại càng khát thèm được sống hơn bao giờ. Long tin những điều anh ta nói, nhưng tất cả đã quá muộn màng, Long không thể động viên, an ủi và cũng không thể giúp gì anh ta được nữa. Toàn thân Long nặng trĩu, con tim thoi thóp, hơi thở hụt dần. Long lờ mờ thấy người lính dù nằm bên anh bất động...
Hình như Long thấy có một bàn tay của ai đó lạnh ngắt, dò dẫm đặt lên bàn tay anh rồi để yên ở đó. Long cố sức muốn nắm lấy bàn tay ấy, nhưng không sao nắm được. Người Long trở nên nhẹ nhàng một cách kỳ lạ, như làn khói lam chiều lúc tuổi thơ ngắm nhìn quê nhà; rồi gió đưa Long bay lên, bay qua khỏi căn hầm, bồng bềnh trên trời cao, trôi đi, trôi đi... Cứ thế, cuộc hành trình không phương hướng, không thời gian và không biết cả mệt mỏi đưa Long đi hoài đi mãi...
*
Long tỉnh lại. Nghe có rất nhiều tiếng xì xầm, như những tiếng vọng lúc xa lúc gần... Long mở mắt ra nhìn, xung quanh toàn những người mặc áo bờ lu dài trắng. Long tự nhủ, có phải là những con người thật không nhỉ? hay là những hồn ma đến mang Long đi?... Có tiếng một hồn ma, thanh âm nhỏ nhẹ, êm dịu: “Ông ta đã tỉnh lại rồi”...
Mấy ngày sau tỉnh hẳn, Long mới biết là mình đang ở trong một bệnh viện dã chiến của quân Nguỵ. Người hộ lý bảo Long, cánh tay trái của ông bị nhiễm trùng nên đã cắt bỏ. Long lẳng lặng quay mặt đi, nước mắt trào ra. Nhưng dù thế nào thì mình cũng đã sống, sau này kệ đời ra sao thì ra.
Long nhớ đến người lính nguỵ. Không biết anh ta có được cứu sống không, hay là đã chết? Hỏi người hộ lý, cô ta bảo không biết, chỉ nghe thấy mấy ông sĩ quan nói với nhau rằng ông là Việt cộng cỡ bự nên phải cứu sống để khai thác. Vừa nói cô ta vừa ý tứ nhìn ra tên lính đang đứng gác ở cửa.
Hơn một tháng sau, Long được đưa vào một trại giam gần đó và giam tại một khu biệt lập. Ngày này qua ngày khác hết khảo cung rồi tra tấn, hết tra tấn lại khảo cung. Rồi Long được đưa lên một chiếc xe bịt bùng cùng với nhiều tù binh khác chạy hướng ra phía Bắc. Đến khi xe dừng lại, tù binh được đẩy xuống, Long mới biết là mình đang ở bên bờ sông Thạch Hãn. Phía bên kia sông có rất nhiều người đang đứng chờ, tay cầm cờ giải phóng vẫy vẫy. Khỏi phải nói là Long và những người từ ngục tù của Mỹ - Nguỵ trở về đã mừng vui đến thế nào. Cởi bộ quần áo tù đang mặc, vất trả lại, các anh bước lên thuyền sang sông.
Thuyền vừa cập đến bờ Bắc sông, mọi người ào tới dìu các các anh, nước mắt mừng mừng, tủi tủi, vòng tay ôm sít vòng tay... Lúc này Long mới tin là mình còn sống và chiến tranh đã thật sự lùi lại ở phía sau lưng. Nhưng cũng chính lúc ấy Long thấy lòng mình như nát ra, tan loãng, quặn thắt nỗi niềm dâng lên, ứ tắc nơi cổ họng. Đôi mắt Long mờ nhoà nhìn xuống dòng sông. Dòng sông như đỏ ối một màu máu và trong muôn vàn những lớp sóng dạt dào ấy là đồng đội anh đang lặng lẽ đi về nơi bến bờ xa thẳm. Long lại ngước nhìn về phía bên kia sông, về Thành Cổ, bao đồng đội của Long đang nằm lại...
3.
Hắn không ngờ. Hắn chưa bao giờ nghĩ sau ba mươi năm trở lại Thành Cổ. Hắn quỳ lạy khắp mọi nơi, chỗ nào cũng cầu nguyện, khấn nguyện, van xin những người hắn đã bắn chết một lời tha thứ...
Hắn nhập vào đoàn người đi viếng, vào khu lưu niệm, lên Đài tưởng niệm. Hắn nghe tiếng thì thầm của ai đó nói với ai đó: Thành Cổ là nghĩa trang không có những nấm mồ riêng, bởi vì nơi đây máu thịt của hàng ngàn liệt sỹ đã quện hoà vào đất đá, cỏ cây... và Đài tưởng niệm là nấm mồ chung.
Hắn nghe tiếng chuông ngân rung lên, không phải tiếng chuông chùa, càng không phải tiếng chuông nơi giáo đường ngày xưa mỗi lần theo má đi nhà nguyện. Tiếng chuông trầm bi quá, thiêng liêng quá. Thanh âm này chưa dứt, thanh âm khác lại vang lên, cứ thế nối tiếp nhau ngân dội, vồng vộng lên trời cao, lan toả, dào dạt như từng đợt sóng xô dập dồn, chìm nổi đến khắp muôn nơi, lay thức lòng người, giục gọi hồn sông núi ...; rồi trầm lắng thăm thẳm đến vô cùng. Hoài vọng!
Hắn trở lại trại viết, trong sự ngỡ ngàng của Long. Hắn nhìn Long như người có lỗi, ánh mắt thân mật, yêu thương.
Những ngày tiếp theo ở Trại viết, thấy hắn trầm tư, ít nói, Long cũng không muốn hỏi có việc gì đã xảy ra trong những ngày hắn vắng mặt ở Trại viết. Cả hai đều lao vào viết như cày ruộng, như bổ củi; thỉnh thoảng mới chuyện trò, phần nhiều là chuyện bạn văn chương, nghề nghiệp. Nhưng dường như hai người đều biết: Có khi bất chợt Long bắt gặp hắn liếc nhìn anh thật lâu. Và hắn thảng hoặc cũng thấy Long nhìn hắn rất kỹ.
Hắn đắm mình trên những trang bản thảo, nỗi niềm bỏng cháy trong lòng hoá thân tuôn tràn ra không ngừng nghỉ. Hắn đã viết tất cả những gì trước đây không sao viết nổi. Ai chắp cánh, thổi bùng lên ngọn lửa đã nguội lạnh từ lâu trong tâm tưởng hắn?
Long cũng miệt mài, cặm cụi viết bằng bàn tay trái. Có lúc, Long buông bút trầm tư, thờ thẫn, mơ màng nhìn ra xa xăm như kẻ mất hồn. Có lẽ Long đang quá xúc động với những nỗi buồn đau, xót xa, nghiệt ngã... của các thân phận nhân vật máu thịt của mình.
Cuối cùng thì tác phẩm của hai người cũng hoàn thành. Như trút được gánh nặng, "như anh dân cày xong thửa ruộng". Thường là ở Trại sáng tác, người ta hay đưa tác phẩm cho nhau đọc. Long và hắn cũng vậy, đọc để hiểu bạn, hiểu mình và đôi khi cũng học được điều gì đấy. Nhưng đọc của nhau, Long và hắn không thu nạp thêm chút nào về kinh nghiệm nghề nghiệp mà gặp gỡ chính ở sự ngạc nhiên và đồng cảm. Bất ngờ, càng nhân thêm bất ngờ đến mức sửng số: Không thể có chuyện trùng hợp như thế. Long và hắn cùng viết về những chuyện xảy ra ở một cái hầm trong chiến tranh. Rất chân thực, sinh động, chỉ có người trong cuộc mới xúc cảm và dựng được không khí chiến tranh, tâm trạng sống chết của mình và người lính đối phương như thế.
- Ngày xưa, ông cũng đánh nhau ở Quảng Trị phải không? - Long đưa lại tập bản thảo cho hắn. - Ông viết khá quá, rất nhân bản, viết như người trong cuộc. Có khi tôi với ông...
- Dạ! Tui nghĩ ông cũng đã đánh nhau ở đó. - Hắn cũng trả lại bản thảo cho Long, mặt hắn ngời ngời rạng rỡ. - Chỉ có đánh nhau ở đó mới viết được như thế này. Tôi cũng nghĩ: có khi tui với ông... - Hắn ngắt câu nửa chừng, nghẹn lời, rồi nói tiếp. - Hôm trước, tui về nhà chỉ một ngày thôi, rồi tui tìm đường ra Quảng Trị. Hơn hơn ba mươi năm rồi tui mới trở lại cái nơi mình suýt bỏ mạng ngày xưa.
Thành Cổ bây giờ đổi thay nhiều lắm ông ạ! Nhà nước xây dựng ở đó thành một khu tưởng niệm - Di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia...
- Hôm trên đường vào đây, tôi đã đến Thành Cổ, một mình lang thang đi trên những thảm cỏ xanh biếc. Chạm tay vào đất tưởng thịt da đồng đội tôi; nghe tiếng gió rầm rì cứ ngỡ tiếng đồng đội thầm thì đọc thư quê nhà; nhìn cỏ xanh, chập chờn thấy những gương mặt người lính cùng thời... Tôi đã ở đó một đêm và ngủ ngay trong Khu Thành Cổ. Nói là ngủ, nhưng tôi có ngủ được đâu. Cả đêm cứ mơ màng, xốn xang. Chao ôi! Khi nhắm mắt lại thì đồng đội tôi hiện ra, và nhìn chỗ nào cũng thấy như là nơi mình đã từng ngồi, từng nằm bên từng vuốt mắt, chôn cất đồng đội...
Hắn cũng có cảm giác đau đớn, dày vò, thương cảm như Long. Những người lính dù đồng ngũ với hắn cũng hiện về, trách móc, giận dỗi, van xin, năn nỉ... Hắn định nói với Long rằng: Tui cũng sẽ đi tìm những người lính dù bạn tui; nhưng hắn xúc động quá, nghẹn ngào không cất nổi thành lời.
Trại sáng tác Văn nghệ Quân đội-Đà Nẵng, tháng 9 năm2006