Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.217.343
 
Mùa xuân rồi sẽ đến
Mang Viên Long

Chị Thu Hà cho rằng cô vợ của Kháng bị bệnh phân liệt thần kinh. Theo chị giải thích, các hệ thần kinh của Liễu đều hoạt động bình thường, tốt, duy chỉ có một sợi thần kinh nào đó đã bị suy yếu đi, hay là hoạt động không bình thường. Chị kể lại chuyện của một người bạn là giảng viên một trường đại học nọ ; ông ta có mọi sinh hoạt rất bình thường, giảng dạy tốt, nhưng khi nghĩ về vợ, ông lại nghĩ sai. Ông luôn luôn mắng nhiếc, hành hạ vợ, vì cứ cho rằng bà ta đã ngoại tình với ông Hiệu Trưởng nơi ông đang công tác. Sau nhiều lần xung đột dữ dội, ông làm đơn tố cáo ông Hiệu Trưởng, đòi đưa vụ việc ra tổ Đảng kiểm điểm mỗi khi có cuộc họp chi bộ. Để tạm giải quyết cho êm, Trường đã đề nghị chuyển ông sang công tác ở một nhà xuất bản. Ông làm công tác biên tập . Rất tốt. Được yên một thời gian ngắn ; ông lại xoay qua thù ghét vợ, bỏ bê, nói xấu bà, vì cho rằng bà đã phản bội ông ; lại ngoại tình với ông Giám đốc…

 

Xuân có cùng nhận xét với chị Thu Hà : Anh cho rằng vợ Kháng bị ức chế bởi những ngờ vực nào đó trong quá khứ ; những hoang mang lo lắng dồn dập lâu ngày, hay những nhu cầu, đòi hỏi bị loại bỏ không được thỏa mãn, để một điểm thần kinh nào đó trong hệ thần kinh chằng chịt bị “mát”, rồi suy yếu ; không có khả năng hoạt động bình thường nữa. Anh kể chuyện của một người bạn trong tòa soạn : anh ta luôn luôn nghĩ rằng có kẻ đang rình rập muốn ám sát anh. Bao giờ anh cũng luôn đề phòng, ít tiếp xúc, nghi ngờ tất cả mọi người, và sau cùng là anh tìm cách xa lánh mọi người.

 

Một người bạn khác của Kháng- bác sĩ Thọ, đang làm việc ở bệnh viện đa khoa tỉnh- anh nói chắc với Kháng là Liễu đã bị mắc bệnh hoang tưởng. Những điều cô ta nghĩ ra, nói ra, đều xuất phát từ những hình ảnh không có thật trong đầu. Chúng đến như những giấc mơ, những ảo giác, rồi luôn ám ảnh nàng. Nàng mất khả năng phân biệt. Những hình ảnh (và cả âm thanh) này nhập vào hình ảnh khác, chồng chất, rối loạn, vì thế Liễu luôn bị ray rứt, bị hành hạ ; và nói hoài những chuyện không ai có thể tưởng tượng ra nổi. Thọ khuyên : “Anh nên nhẫn nhục chịu đựng ; hãy nuông chiều nàng, im lặng, tạo những cảm giác bình yên ; xua đuổi dần những điều hoang tưởng kia ra khỏi đầu nàng, chứ không thể nào chữa trị dứt hẳn ngay được”

 

Mấy năm sau, khổ tâm vì chuyện lục đục bất hòa kéo dài của vợ chồng Kháng ; cha vợ của Kháng- một dược sĩ đã nghỉ hưu, đọc thấy trên một tờ nghiên cứu khoa học, bảo với anh là Liễu đã bị bệnh “đa nhân cách”. Theo bài báo, người mắc bệnh này thường sống với nhiều nhân cách của mình chứ không thống nhất. Khi thì rất dịu dàng, khôn ngoan, vui vẻ ; lúc lại hung dữ, bướng bỉnh, hay trầm mặc ít nói, ít cười. Ông kết luận : “Con nên coi đó là một cái bệnh khó chữa trị, mà vui vẻ sống, giúp đỡ và tạo điều kiện cho vợ con giảm dần trạng thái bất bình thường,  để các con yên tâm học hành… Con hãy nghĩ đó là số phận của con,  phải chấp nhận vui vẻ. Đã là người , ai cũng đều có bệnh cả…”

 

Mẹ và chị vợ, bà con phía Liễu, những bà hàng xóm, lại e ngại nói nhỏ với anh rằng, Liễu có thể bị mắc “bệnh đằng dưới” khá lâu. Theo họ, Liễu đã bị một vị nào ở cõi âm, chốn khác nhập vào, yêu thương nàng, và xui nàng thù ghét Kháng, chứ thực tâm nàng không hề muốn như thế. Kẻ khuất mặt ấy đã ghen tức với anh, giục nàng gây chuyện, để họ được chiếm đoạt nàng hoàn toàn, giống như một người ở cõi trần vậy.

 

Ý kiến cho Liễu bị tà ma nhập vào lúc ra đi trong đêm tối hay mờ sáng cũng nằm trong những bà con thuộc phái nữ, già ; nhưng cũng là bệnh ở trong lãnh vực siêu hình, mờ ảo như bệnh “đằng dưới”. Có người còn chín chắn cho rằng, có kẻ tà tâm nào đó đã dùng pháp thuật, trù yếm, thư bùa, để thỏa mãn ý đồ đen tối của họ sau này, mà cả hai vợ chồng Kháng đều không hay biết .

 

Sau cùng, những người bạn trẻ của Kháng mà đại diện là Vĩnh- dạy học, đã khẳng định Liễu không phải mắc bệnh- nhất là loại bệnh có quan hệ với ma quỷ- mà phải theo dõi kỹ coi thử nàng có nghe theo lời một thằng đàn ông hèn hạ nào không, vì Liễu còn rất trẻ, lại đẹp. Trong một bức thư gần đây gửi cho Kháng, Vĩnh đã viết :“…Em rất buồn khi nghe anh vẫn còn phải sống trong cảnh ngộ đau buồn đó. Nhất là lúc được bạn bè báo tin anh đã phải bỏ nhà ra đi nữa. Anh đã ra đi không biết bao nhiêu lần rồi kể từ năm anh đến thăm gia đình em, mà sự thể có đổi thay được cái gì đâu ? Em xin nhắc lại đề nghị của em, là anh hãy theo dõi chị, để tìm ra câu trả lời cuối cùng, chấm dứt tình trạng lận đận , bất hạnh của anh và các cháu…”.

 

Thật tình là Kháng đã điên đầu vì những ý kiến của bà con, bạn bè, ngày một nhiều, càng phức tạp, về trường hợp của Liễu trong bao năm nay. Những câu chuyện kể- những trường hợp giống Liễu hay tương tự như thế, của đàn bà (và cả đàn ông nữa) đã khiến anh không đủ bình tĩnh, sáng suốt để nghe theo ai, phải làm những gì ; trong lúc tình trạng sinh sống khó khăn của anh chưa thể cải thiện ; còn mức độ căn thẳng, thù nghịch của Liễu càng ngày càng trầm trọng hơn lên. Anh không thể hiểu nổi sự thay đổi đột ngột ở con người dịu dàng, chất phác, thủy chung nơi Liễu thành một con người đến như thế. Không biết tại sao, thời này, lại có quá nhiều người bất thường như vậy nhỉ ?

 

Kháng đã từ bỏ hết mọi cá tính, thói quen, sự ham thích và cả ước mơ, để chìu theo ý Liễu, cốt cho nàng vui lòng. Giải tỏa dần cái trạng thái bất bình thường, bị dồn nén, hay ám ảnh kia; để cho gia đình được êm ấm. Anh đã giới hạn ngay cả việc đi ra khỏi nhà, ít tiếp xúc với bạn bè, bỏ hẳn việc đọc sách hằng đêm  sau giờ dạy cho con học. Không viết thư cho ai- ngay cả những người bà con… Nói tóm lại, tất cả những điều gì có thể làm cho vợ bất bình và ngờ vực ; Kháng đều cố gắng tránh.

 

Ngoài giờ ở xưởng về nhà, Kháng chúi đầu vào việc làm thêm, để có thu nhập cao hơn cho gia đình. Chăm sóc con. Dạy cho chúng học. Đưa Liễu đi mua hàng. Thăm viếng. Xem phim. Sửa sang quét dọn nhà cửa. Kháng làm bất cứ điều gì cho gia đình- kể cả việc nấu cơm, xách rổ đi chợ.

 

Bên cạnh những công việc ngổn ngang như thế, điều khổ tâm nhất- anh còn phải nghe những lời trách móc của Liễu. Đó là những câu xúc phạm đến tình yêu,  và ước mơ của anh, mà đáng lẽ ra, nàng phải bảo vệ, an ủi hay cùng anh chia xẻ.

 

Trong hơn mười năm qua, Kháng đã lần lượt làm các việc : Thỉnh quý thầy tụng kinh cầu an, đem Liễu đến chùa cầu nguyện xin giải trừ ; rước thầy pháp tế lễ làm phép, dán bùa ; thay cây đòn dông nhà, đập vách sửa lại cửa, đổi hướng nhà bếp, xây lại bếp lò ; yêu cầu nàng đi khám bệnh…

 

Một lần anh đã nói với vợ :

- Liễu à, anh nghĩ là em cũng nên nghỉ ngơi, tịnh dưỡng một thời gian, ngắn thôi, để đi bệnh viện khám thử coi có bệnh gì không nhé ?

Liễu vụt đứng dậy, mặt tái xanh :

- Anh kêu ai đi khám bệnh ? Anh hay tôi ? Kẻ nào nói tôi bị bệnh gì đó, là kẻ đồng lõa, bao che cho tội lỗi của anh. Nếu muốn chữa bệnh là hãy chữa cho anh đó. Chỉ tại anh đã phản bội tôi. Có Thánh xuống đây cũng không im lặng được nữa mà…

Kháng vẫn điềm tĩnh :

- Chuyện ấy anh đã nghe em nói nhiều rồi. Suốt hơn mười năm nay. Ba má, các con, bạn bè, mọi người đều đã nghe hết cả rồi. Nhưng em chưa cho anh biết “con quy” ấy hiện nó đang ở đâu, làm gì, bao nhiêu tuổi ; hơn mười năm sao không chịu ra mặt, không ai thấy biết cả, ngay chính cả anh nữa…

- Anh hãy tự hỏi lấy anh đi – Liễu đã dịu giọng,    Kháng cười :

-Thôi được rồi, để đó anh sẽ hỏi lại. Nhiều năm nay anh cũng đã hỏi nhiều người ; nhưng bây giờ, em chịu đi khám bệnh nhé ? – Kháng giải thích, mình không rành về y học, thuốc thang, thì nhờ bác sĩ giúp đỡ chứ có gì quan trọng đâu ? Đã là con người, có xác thân tứ đại, hữu hình tất hữu hoại, ai dám bảo rằng suốt đời mình sẽ không có một chứng bệnh nào cả ? Sẽ lột da sống mãi ở đời ?

-Tiền đâu ? – Liễu hằn học, anh làm có nhiều tiền không mà kêu tôi nghỉ việc đi khám chữa bệnh chứ ?

- Gia đình mình không đến nỗi như thế- Kháng an ủi, chỉ vì em không chịu đi chữa bệnh mà thôi. Giữ của cải, nhà cửa đôi ba cái, không chịu bỏ tiền ra để giữ gìn sức khỏe và hạnh phúc thì hỏi em những thứ đó còn lại để làm gì ?- Kháng cười, cho con cháu à ? Rất cần, nhưng sự sống của mình, ngay bây giờ đây, cũng rất cần cho con cháu chứ ?

 

Kháng đã viết thư ngay cho một người anh ở Saigòn, nhờ giúp cho một số tiền; vui mừng trao hết cho nàng. Sau mấy lần hẹn, Liễu đã trả lời dứt khoát : “Tôi không hề có bệnh gì cả”.

 

Không chữa bệnh cho Liễu được bằng phương pháp khoa học ; quý thầy cũng không giúp gì được lâu dài cho tình trạng của Liễu thuyên giảm ; Kháng nghĩ đến lá thư riêng của Vĩnh. Biết đâu có tên đốn mạt nào đó lấp ló phía sau ? Chỉ trong vài hôm tìm hiểu, Kháng biết được tên bạn học cũ thời cấp 2 thường lợi dụng tình cảm bạn bè thời con nít, đã đón đợi nàng trên đường đi dạy học về. Hắn lợi dụng ngay cả tình hình rối ren bất hòa của gia đình anh, để phỉnh dụ ngọt ngào nữa. Thời gian nhận dạy ngoài giờ cho một lớp hướng nghiệp thêu may của nhà văn hóa, hắn đã nhiều dịp gần gũi, tán tỉnh, gợi kể những kỷ niệm thuở nhỏ ; khoe khoang của cải, và sau cùng hứa hẹn giúp đỡ : “Khi nào Liễu cần điều gì, thì hãy cho tôi biết, tôi có thể giúp cho Liễu được. Tụi mình là bạn bè mà…” (chính Liễu đã có lần vô ý khoe với Kháng như thế để tự đề cao mình lúc tức giận).

 

Tết năm ấy, tuy cùng sống trong cái thị trấn bé nhỏ, biết rõ địa chỉ của gia đình , nhưng hắn lại gửi về trường cho Liễu một thiệp chúc Xuân. Hôm ấy nàng không có giờ lên trường. Một cô giáo mang giúp lại nhà. Trao cho Liễu. Trước mặt Kháng.

Liễu nhìn thoáng lên phong bì thư  dài :

- Của ai vậy ? Anh mở ra thử xem…

- Gởi cho em mà- Kháng cười, em xem đi.

Liễu ngồi yên.

- Của ai thì chắc em đã rõ rồi, sao còn hỏi anh ?

 

Liễu vẫn dành quyền xé phong thư cho anh, tuy anh đã nhiều lần từ chối. Kháng nhìn kỹ : Phong thư chỉ ghi tên họ, địa chỉ người nhận, không thấy có tên họ người gửi. Phía trong, một thiếp chúc Xuân loại đắt tiền, ghi nắn nót mấy chữ : “Xuân về, Tết đến… Mình xin chúc Liễu vui khỏe, trẻ đẹp mãi mãi với thời gian”. Dưới hàng chữ không có một chữ ký hay cái tên nào cả.

- Em quen với cái thằng hèn mạt nào vậy ? – Kháng giận, nó không dám để cái tên hay một chữ ký ngay dưới hàng chữ của chính nó viết ?

 

Kháng vứt trả tấm thiệp lại cho Liễu. Nàng vẫn ngồi im lặng. Đứa con gái lớn vừa đi học về, Kháng gọi : “Này Quỳnh, mẹ con đã quan hệ với một thằng hèn hạ nào đó, nó gửi thiếp tết về trường, mà không dám ghi tên họ của mình. Con cứ cầm lấy mà đọc thì biết rõ tư cách của nó. Làm văn hóa mà con người nó không có một chút văn hóa nào cả !”.

 

Sau buổi chiều hôm ấy, Kháng không hề để ý tới câu chuyện lá thư nặc danh ấy nữa. Anh rất hiểu Liễu, Anh không tin nàng đã có quan hệ gì thân thiết với gã giám đốc đểu cáng ấy. Chẳng qua thừa tiền, rỗi việc, lại bản chất thấp hèn, nên hắn đã tự làm cái việc dò xét xuẩn ngốc ấy mà thôi. Cả quãng đời tuổi trẻ sôi nổi thơ mộng của anh và Liễu đã dành cho nhau, không dễ gì có thể xóa mờ đi được, cho dầu đến khi một trong hai người không còn có mặt trên cõi đời này nữa..

 

Trong những đêm không ngủ được, Kháng say mê đọc kinh sách Phật, sách giảng dạy về Thiền, tập thiền quán để dỗ giấc ngủ. Quả thật, những giờ phút miệt mài theo kinh sách, những buổi tập thiền định đã thổi vào trí óc anh, tâm hồn anh một luồng gió mới, tươi mát, tin tưởng, và yên tĩnh lạ lùng. Nó dần dà thay đổi những suy nghĩ, tình cảm ưu tư buồn phiền trong anh như một người bệnh được bình phục. Anh không còn tuyệt vọng. Giảm bớt hẳn sự nóng giận. Thêm sức chịu đựng. Và nhất là làm tăng lên tình yêu thương của anh đối với Liễu. Kháng đã chép một đoạn trong cuốn “Sáu cửa vào động Thiếu thất” của Tổ Bồ Đề Đạt Ma ; để mượn nghịch cảnh mà rèn luyện thân tâm. Anh đã dán lời này lên vách : “Ta từ bao kiếp buông lung không học, bỏ gốc theo ngọn, trôi giạt vật chất, nặng lòng thương ghét, gây hại không cùng. Đời này, tuy ta không phạm lỗi, nhưng nghiệp dữ gieo từ kiếp trước nay kết trái chín, điều ấy nào phải do trời hoặc người tạo ra đâu ; vậy ta đành nhẫn nhục chịu khổ, đừng nên oán trách”. Kháng luôn nghĩ rằng : Thân ta tuy ở ngoài phố chợ, nhưng tâm ta luôn ở trong tịnh thất thanh tịnh ; để tự nhắc nhở mình mỗi ngày… luôn sống hết lòng cho từng sát ra hiện tại…

 

Đang lúi cúi hái hoa lài ngoài vườn để ướp cho bận trà cuối bán Tết, nghe tiếng con Lu và Tô sủa dữ, tôi ngẩng lên nhìn ra ngõ, nhưng không thấy bóng ai. Tôi thường không mang kính lúc ra làm việc  ở ngoài vườn, cho dầu mắt tôi đã trên mười độ.

Đứa cháu đứng ngoài bờ rào gọi vào :

- Ông ngoại, ông ngoại- Có khách …

Tôi rất vui mừng khi gặp Kháng ở sân ; không ngờ rằng anh còn có thời gian, sự yên ổn để nghĩ tới tôi. Tôi bám chặt hai tay vào vai Kháng : “Cơn gió nào hôm nay đã thổi anh đến đây vậy ?”.

- Có gió máy gì đâu ? – Kháng cười, chỗ ông ở kỹ quá, phải hỏi ba bốn người mới tìm thấy chiếc cầu mầu trắng… Tôi đã nói sẽ có lúc tôi đến thăm ông mà!

Tôi tiếp Kháng ở hiên nhà, bên bộ ghế mây cũ, với bình trà nóng. Tôi rót trà ra tách : “Ông uống thử chút trà do tôi ướp coi như thế nào ?”. Kháng uống một hớp dài : “Chưa uống, chỉ nhìn thấy nước và nghe mùi, cũng đủ biết là loại đặc biệt rồi”.

- Có lẽ lại có chuyện gì nữa hay sao ? Tôi áy náy hỏi.

 

Kháng cúi xuống ẵm con Mướp đang nằm cọ quạy dưới chân, để vào lòng, vuốt ve. Nhìn tôi, anh nói : “Ông sống hạnh phúc quá!”.

- Sao anh có thể biết chắc được ?

- Thì đó : Hai con chó vui tính kia, con mèo hiền lành này, những chậu hoa, cây kiểng quanh đây đã nói hết với tôi như thế còn gì ?

-Thật ra thì không hẳn như thế đâu- Tôi tâm sự, mình cũng có những điều rất khổ tâm…

- Hẳn là vậy rồi ! Ông nên biết đó là một yếu tính không thể thay đổi của kiếp người. Câu Phật đã dạy : “Vạn vật là vô thường và khổ đau”  là một định luật bất di bất dịch. Nhưng, tôi muốn ông thực hành câu “dục an, tắc an”, để thân tâm được an lạc mà tiếp tục làm việc…

Uống hết tách trà tôi mới rót, Kháng tự mình rót thêm một tách nữa – Anh cười : “Ông hãy nhìn vào tôi, nhìn vào những người kém may mắn hơn, để tự thấy mình đã có nhiều an ủi rồi. Tự làm khổ mình thêm, có ích gì ?”.

 

Tôi vui vẻ móc trong túi áo ra một tấm giấy xếp nhàu nhò, kề sát vào mắt : “Để tôi đọc cho anh nghe một bài thơ tôi vừa mới làm sáng nay nhé!”

Kháng nhiệt tình : “Như thế có phải hạnh phúc hơn không ?”

- Bài thơ có tựa đề là “Cuốc đất”. Đi đâu, gặp bạn bè, tôi cũng đều nghe hỏi “Nay ông làm gì ? Làm gì ?”; tôi trở về làm bài này :

 

Ta về ta cuốc ruộng quê ta ,

Trồng trọt, chăn nuôi- góp việc nhà…

Đất cũ cuốc lên thành đất mới,

Nghề thầy đổi lại nghiệp nông gia !

Nước về, ếch nhái đua kèn trống…

Đồng hẹp, cò chim lảng tránh xa !

Cuốc đã no công nằm nghểnh cán,

Chợp mình cây lúa đã đơm hoa.

 

Tối hôm đó tôi đã ngồi bên Kháng, không với ấm trà buổi chiều, mà là ve rượu tôi vừa nấu tháng trước, có ngâm thuốc, chờ Tết. Tôi đặt tên cho loại rượu đặc biệt này là “rượu Thiên Phúc”. Tôi muốn Kháng có chút hơi ấm cho giấc ngủ khi thời tiết đang trở lạnh, và lòng anh cũng đang trống trải.

 

Kháng nâng ly rượu lên, cười :

- Xin chúc mừng sự gặp gỡ- dừng một lát, nhưng cho dầu là “Thiên Phúc” – Phước Trời , thì mình cũng không nên tham lam quá nhé…

Chúng tôi ngồi nhớ lại bạn bè cũ, nhắc kể những chuyện vui, những năm tôi đang học ở Văn Khoa, còn anh đang học năm cuối ở Phú Thọ. Những lần xuống đường. Tuyệt thực. Những tờ báo quay ronéo lén lút. Những năm tháng xa cách khi tôi đổi về dạy ở trường Sư phạm. Còn anh lên tận Tây Nguyên. Những nhắc kể nào của quá khứ, của kỷ niệm, cũng làm hai chúng tôi dạt dào cảm xúc. Tuổi trẻ của chúng tôi thật hào hứng. Say sưa. Ngay cả trong tình yêu…

 

Kháng chợt hỏi : “Cây phong lan nầy tên là gì nhỉ ? Trông nó lạ quá, ông ? “.

-Tôi đặt là Phượng vĩ, vì hoa nở đỏ, dày một màu như hoa Phượng. Tên sách vở của nó là Lan Bò Cạp…

Tôi chỉ tay vào vách tường bên cạnh chùm hoa, bài thơ viết bằng chữ Hán tôi đã làm được hôm tôi mới mang cành Lan từ núi về – nói : “Ông đọc xem bài thơ có được không ?”.

- Không dám phê bình thơ ông đâu- Kháng cười, ông viết bằng chữ Hán làm sao tôi hiểu hết được ?

-Tôi phiên âm ra vậy :

 

“Lục diệp kiên cường vô uyển phong

Đan hoa điểm điểm hỏa đăng hồng.

Thâm sơn nhược thọ thần tâm pháp,

Phố thị hồi quang tự tánh không ”.

 

-Tôi thích nhất ở hai câu cuối : “Thâm sơn nhược thọ thần tâm pháp ; Phố thị hồi quang tự tánh không” ; nó đã tóm lược được cái cốt lõi của Tối Thượng Thừa.

 

Vợ chồng tôi đã đưa Kháng  ra đi vào buổi sáng sớm dầu chúng tôi đã cố nài anh ở chơi thêm một vài hôm nữa. Ngoài trời, mưa lất phất, gió thổi mạnh. Hình như cái giá rét, bão lụt dữ dội của mùa đông vừa qua, vẫn còn nấn ná trong những đám mây đen vần vũ tháng Chạp.

Chúng tôi đã thay nhau nhắc lại câu dặn dò buổi tối, nhưng Kháng vẫn im lặng, mỉm cười. Kháng đã ra đến đầu ngõ, vợ tôi nói vọng tới : “Thế nào Tết anh cũng phải về, đừng bỏ các cháu, tội nghiệp…” Kháng vẫn im lặng, bước dần về phía chiếc cầu trắng…

 

Bẵng đi một thời gian khá lâu- khoảng chừng hai năm sau, tôi nhận được thư của Kháng. Mừng rỡ bóc thư ra, nhưng không có thư, mà là một bài thơ. Bài thơ có tựa đề “Về Thăm Quê Vợ” –gởi tặng tôi; nhân dịp hai vợ chồng Kháng về thăm Phong Điền ; Thừa Thiên- Huế ; sau nhiều năm xa cách …

 

“…Tình yêu làm đất lạ hóa Quê hương”.

Chế Lan Viên

 

Từ phương xa trở về thăm quê vợ …

Quê hương nào cũng tình nghĩa không quên !

Kết tóc, xe tơ- chung gối, chung giường,

Đời gian khó, lúc an nhàn chung sống !

Tuổi năm mươi mà nghĩa tình đằm thắm,

Nói mà chi những lứa trẻ lọc lừa…

Mấy mươi năm ao ước được trở về,

Giờ kỷ niệm bước từng đôi sống lại !

Trời tháng Hạ, nắng reo mà ngỡ lạ,

Mát như trăng, hương đồng nội dạt dào,

Từng thôn xóm, lối mòn- quê đổi mới…

Bên bờ tre quán cũ mất đâu rồi ?

Người còn đó, vai vẫn oằn gánh nặng,

Đời thôn quê còn chưa hết nỗi buồn !

Còn bương chải, còn còng lưng sớm tối,

Mà miếng ăn chưa được chút mùi ngon ?

Kìa, thấp thoáng gò cao- người đã khuất,

Phần mộ ông bà, cô bác, cháu em…

Nguyện đến thắp từng nén nhang nhớ tưởng,

Khói hương trầm lãng đãng chuyện xa xăm!

Tôi từ phương xa, về thăm quê vợ…

Tình nghĩa vợ chồng : Muối mặn, gừng cay!

Đời dâu bể- cuộc vô thường là thế,

Mà tình yêu vẫn sáng mãi tim này !

 

Tháng 2- 1988

Thơ của một người bạn Anh Đàm Khánh Hỷ

 

 

Mang Viên Long
Số lần đọc: 2895
Ngày đăng: 24.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hoàng hôn của cha. - Vũ Minh Nguyệt
Ông thầy dưới chân núi Mây - Nguyễn Minh Phúc
Đông chí - Trương Thái Du
Hắc đại bàng - Hoàng Nhật Tuyên
Chiếc bài ngà phiêu lãng - Trần Hạ Tháp
Ký ức Trường Sơn - Huỳnh Văn Úc
Di chúc mùa xuân - Lê Vũ
Người đi tìm hồn - Lê Xuân Tiến
Tiếng đàn kìm - Nguyễn Minh Phúc
Hoài vọng - Văn Xương
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)