Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.211.830
 
Chơi thú văn
Nguyễn Chí Hoan

Đọc MA NET, tập truyện, Đặng Thân (Bách Việt & Nxb Văn học, 2008­)

 

Các truyện của Đặng Thân trong tập này có một lối cấu tạo ba lớp xoắn thừng với những hình ảnh con người mang tính biểu trưng cho “hai nền văn hóa” — văn hóa dòng chính những năm ’70-’80 và văn hóa thị dân Hà Nội những năm ’90 trở đi. Đó là câu chuyện về — và của — những giai thoại thường khiến người ta bật cười trên những đường phố nhỏ hẹp chật cứng sống động và sâu như một cái giếng không đáy của đất cũ thủ đô.

 

Tôi muốn nói đến điều này theo quan điểm “đám mây ngôn ngữ” với tư cách là xã hội, trình bày trong Hoàn cảnh hậu hiện đại*, trên cơ sở của thực tế tin học hoá rộng rãi mà mở rộng địa hạt khái niệm “trò chơi ngôn ngữ” sang hết các hoạt động tri thức và văn hóa xã hội.

 

Cái cấu tạo ba lớp mà tôi nhận thấy ở đây gồm trước hết là trò chơi của chuyện kể. Nhưng trong các truyện này đều không có những chuyện kể hoàn chỉnh, dù là kể với người kể xưng “tôi” hay là trần thuật từ vai kể vắng mặt.

 

Các chuyện kể khá rõ về trình thức xuất hiện trong những truyện như “Vào rừng mơ,” “Thùng thuốc nổ,” “Đã hai mươi mùa thu người Hà Nội,” “Người anh hùng bất tử,” “Người thầy của em,” “Yêu,” “Hiếp.” Cái trình thức căn bản về kể, với việc tiếp cận sự kiện hay tình huống (sự lựa chọn) mở đầu, việc trình thuật diễn tiến qua các liên hệ cốt truyện, đến sự kiện chủ yếu xuất lộ, và kết thúc — cái trình thức đó liên tục bị phá vỡ trong những truyện này, bị phá vỡ bằng cách đưa vào một trình thuật song song theo cách như một vai hề chèo “nhại,” bỡn cợt, “bóc trần” đối với mọi hình ảnh, hành vi và lời nói được kể ở lớp truyện. Một cách chính xác thì lớp trần thuật lộng ngôn, nhại, bỡn cợt, hoặc dung tục hóa hoặc — hiếm hơn, như trong câu chuyện thấm đẫm giai thoại “Người thầy của những tuyên ngôn” và ở một số trường đoạn đầy dấu vết “nostalgia” lãng mạn trong những truyện khác — cảm khái kín đáo, cái lớp thứ hai đó đã trở nên hầu như hồn cốt chính trong các truyện này.

 

Và lớp cấu tạo thứ hai đó làm bộc lộ lớp thứ ba, khá vô hình. Đó là những khi ta thấy đằng sau những lời bình phẩm và những giai-thoại-chống-giai-thoại, những lộng ngôn dung tục hóa chống thần tượng, v.v. đằng sau những thứ ấy, cái người chơi của trò chơi.

 

Bởi một lẽ đơn giản: các giai thoại phổ biến, những thành ngữ và tục ngữ “mới” [và cả “tục”], những diễn ngôn đã “xã hội hóa” vô bờ bến đó hiển nhiên không phải là sản phẩm cá thể và cá biệt. Đó là thuộc về một “trò chơi ngôn ngữ” ít ra cũng thường gặp hơn cả ở các cộng đồng thị dân một vài đô thị lớn hiện thời. Do vậy mà người kể chuyện ở đây có một vị thế tách biệt hơn; nhất là bởi vì anh ta không tham gia vào “trò chơi ngôn ngữ” này theo đúng nghĩa một bên chơi, mà chỉ sử dụng những hợp phần nào đó, tuy nhiên lại sử dụng như một phần quan trọng, trong một trò chơi khác — trò chơi của chuyện kể.

 

Mặc dù rất gần nhau, các giai thoại vẫn không phải là hoặc không thể thay thế cho truyện.

Như vậy người kể chuyện sẽ là người chơi cái thú kể chuyện, mà không thực sự kể.

Tôi thiết nghĩ điều này không quá xa lạ với chúng ta, nhất là qua một số tác phẩm của một vài người viết lâu nay bị mặc định là “trẻ.”

 

Cái thú văn chương là một phong tục trong truyền thống của chúng ta và nó chưa hề đứt đoạn bao giờ. Từ khi đời sống xã hội đất nước trở lại nếp hòa bình, rồi đi vào tiến trình “mở cửa,” cởi mở ngày càng rộng thoáng hơn thì ta thấy rõ là mong muốn kể chuyện ngày càng bộc lộ nhiều hơn ở mọi nơi, mọi tầng lớp và cộng đồng xã hội. Cũng rõ ràng là cái thú văn chương xưa kia nay đã thành một “trò chơi ngôn ngữ” có đầy đủ quy tắc, lệ luật, lề thói và không một phút nào đứng ngoài hệ thống thông tin - giao tiếp - ứng xử mang tính xã hội, giữa cá nhân với cộng đồng, về mặt tinh thần, trên các chiều kích của ký ức và nhận thức nói chung.

 

Sự nhấn mạnh cái vị thế và những cảm thức con người cá nhân — cái thời hiện đại mới mẻ của chúng ta — tìm thấy trong trò chơi này một phương tiện hợp thức hóa.

Đó chính là cái chất xúc cảm trong những truyện ở tập MA NET này. Người kể thực sự lẳng lặng giấu mình ra ngoài việc kể chuyện, cho dù anh ta nhảy vào xưng tên như trong truyện “ma net.”

 

Bởi lẽ cái mà anh ta sử dụng — những giai thoại, phương ngôn hiện đại, việc hư cấu những cảnh huống thích hợp để diễn đạt ý tưởng, v.v. — ngay lập tức tách rời anh ta khỏi bất cứ một khung cảnh tự truyện nào. Nhưng đồng thời anh ta không muốn tham gia hoàn toàn vào trò chơi quen thuộc của chuyện kể, anh ta không hoặc chưa tìm thấy một sự thỏa mãn hợp thức trong khuôn khổ của trò chơi đó.

 

Xin được nhắc lại rằng trò chơi luôn luôn có phép tắc và khuôn khổ. Và người ta vẫn chấp nhận một tiền đề: người chơi được xem xét trong một vài ngoại lệ làm thay đổi khuôn khổ chơi.

Vậy là ở đây tôi thấy không phải “Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” (thơ Hàn Mạc Tử) mà là “có kẻ” tìm cách thay đổi từ vị trí người chơi của mình: anh ta tìm cách chơi cái thú văn chương ấy.

 

12/08

_________________

* J.F. Lyotard, Bùi Văn Nam Sơn dịch (Nxb Tri Thức, 2008)

Nguyễn Chí Hoan
Số lần đọc: 2262
Ngày đăng: 24.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Căn Phòng Của Jacob - Trần Vũ
MA NET, quá trình chuyển giọng từ hiện đại đến hậu hiện đại - Inrasara
Lê Xuân Tiến ,Người đi tìm hồn (*) - Vũ Ngọc Liễn
Chế Lan Viên – Trong hồi quang của ký ức - Đông La
Đọc Cõi Trú của Thiên Hà : xanh trong nét bút trắng ngần đôi tay - Đoàn Vị Thượng
Lê Khánh Mai– Định mệnh thi ca - Hồ Thế Hà
Những ám thị phố trong thơ Châu - Liêu Thái
Lê Khánh Mai – Đẹp , buồn và trong suốt như sương - Inrasara
Đồng hồ một kim của Phan Trung Thành : Sự Khuyết Tật Bản Nguyên - Lê Huỳnh Lâm
Đọc sách Địa chí Làng Đức Phổ ( Quảng Bình ) của Đặng Thị Kim Liên - Nguyễn Văn Hoa