Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.220.667
 
Mùa Xuân Chín
Nguyễn Hữu An

Hàn Mặc Tử là nhà thơ tài hoa nhưng đoản thọ. Ông để lại cho đời không nhiều thi phẩm nhưng tác phẩm nào của ông cũng thật đáng trân trọng.

 

Mùa xuân về,  tiết trời nắng ấm, lộc non nhú mầm từ cây cỏ. Mùa xuân làm rộn rã tâm tư. Khí trời sắc xuân hoà quyện làm con người tươi trẻ đến lạ. Đọc bài thơ: Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử, cảm được nét tươi trẻ và đầy nhân văn của mùa xuân ngày Tết.

 

Mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm, hương hoa bàng bạc cả đất trời, những ngày Tết đượm thắm sắc xuân.

 

Trong làn nắng ửng khói mơ tan.

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà gió biếc,

Trên giàn thiên ly, bóng xuân sang.

 

Sóng cỏ xanh tươi gợi tới trời,

Bao cô thôn nữ hát trên đồi:

Ngày mai trong đám xuân sang ấy,

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

 

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi

Hổn hển như lời của nước mây…

Thầm thĩ với ai ngồi dưới  trúc,

Nghe ra ý vị và thơ ngây…

 

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

 

Câu chữ  trong thi ca của Hàn Mặc Tử luôn được chắt lọc, ngôn từ được  tìm tòi kỹ lưỡng.

 

Sột soạt gió trêu tà áo biết .

Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang

 

Câu thơ thật gợi mở. Trên những mái nhà vách đất của làng quê ngày xưa điểm tô những nụ hoa thiên lý nở vàng, xen giữa màu xanh tươi của lá.  Lá và hoa thiên lý tạo nên nét đặc sắc của hương vị quê nhà như  lời ca dao:

 

Thương chồng nấu cháo le le.

Nấu canh hoa lý nấu chè hạt sen.

 

Gió trêu, gió đùa, gió mơn man làm bất chợt mùa xuân ùa tới.

 

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,

Bao cô thôn nữ hát trên đồi.

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

 

Mùa xuân từ trong nhà đã lan xa ra vùng đồi núi. Mùa xuân làm tươi cảnh vật mang niềm vui đến cho con người.

 

Con người của mùa xuân thật trẻ trung, hồn nhiên, đầy sức sống:

Bao cô thôn nữ hát trên đồi.

Các cô hát rằng:

 

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy.

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

 

Ở lại làng để vui chơi với nhau thật là hạnh phúc. Nhưng ai đó được đi lấy chồng càng vui hơn. Mùa xuân như thêm đẹp, thêm tươi, thêm rực rỡ hơn..

 

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

Hổn hển như lời của nước mây…

 

Thi nhân dùng từ  vắt vẻo, hổn hển thật tài tình. Vắt vẻo ở câu trên chỉ sự thơ ngây, hổn hển ở câu dưới nói lên sư hồi hộp, đợi chờ trong trái tim  của những cô gái đang tràn trề sức sống. Ai đó đang ngồi dưới khóm trúc cũng phải rộn ràng:

 

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín

Lòng trí bâng khâng sực nhớ làng.

Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang ?

 

Thấy mùa xuân ở quê người lại nhớ tới cảnh làng mình.  Cảnh làng mùa hạ có nắng chang chang và bao nhiêu người thân đang oằn lừng lao động giữa trời nắng gắt. Người ta hay nói sông xanh, sông đỏ, còn Hàn Mặc Tử lại nói sông trắng “Dọc bờ sông trắng, nắng chang chang”. Nắng đến trắng cả sông,  diễn tả sự gay gắt của nắng làm chói chang bạc trắng.

 

Đây là nét rất nhân bản của người luôn nặng tình với quê hương xứ sở. Thi sĩ họ Mặc cảm xuân nhớ về quê mình nặng tình gởi hồn thơ bộc bạch nổi niềm.

 

Xuân về Tết đến. Mọi người có dịp để thể hiện tình yêu thương nhau. Gia đình sum họp, tưởng nhớ Ông Bà Tổ Tiên, thăm viếng bạn bè người thân làng xóm. Con người rộng rãi, phóng khoáng hơn ngày thường từ cách bài biện trong nhà cho đến giao tiêp ứng xứ với nhau. Nhẹ nhàng thanh lịch như  tình xuân ấm áp. Đó cũng là giá trị nhân văn của ngày Tết.

 

Tết Nguyên Đán Việt Nam tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông và quan niệm "ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người nông dân cày cấy ở làng quê thanh bình.

 

Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và tình làng nghĩa xóm  ...

 

Ông Táo hay thần bếp là người mục kích sự làm ăn của mọi nhà. Theo tập tục hàng năm ông Táo phải thu xếp lên trời vào ngày 23 tháng chạp để tâu bày mọi việc dưới trần thế với Ngọc Hoàng. Bởi thế nên, trong ngày này,  thường thì gia đình người Việt làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa "ông Táo ". Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên Đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón Tết.

 

Cùng với tranh, hoa quả là yếu tố tinh thần cao quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa Đào, miền Nam có hoa Mai. Hoa Đào, hoa Mai tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình. Ngoài cành Đào, cành Mai, mấy ngày Tết người ta còn "chơi" thêm cây Quất chi chít trái vàng mọng, đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...

 

Ngày Tết,  trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài các thứ bành trái đều không thể thiếu mâm ngũ quả. Mân ngũ quả ở miền Bắc thường gồm có nải chuối xanh, quả bưởi, quả cam (hoặc quít), hồng, quất. Còn ở miền Nam, mâm ngũ quả là dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung hoặc một loại trái cây khác. Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc.

 

Ngày Tết, dân tộc Việt nam có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong mỹ tục như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ.

 

Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, nên cần phải “tống cưụ nghênh tân”. Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, lau giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng.

 

Con cháu trong nhà từ phút giao thừa trở đi được nhắc nhở không được nghịch nghợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy... anh chị, cha mẹ cũng không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở, chúc nhau những điều tốt lành.

 

Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi. Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khoẻ, thành đạt hơn năm cũ. Các Giáo xứ tổ chức hái Lộc Thánh Đêm Giao Thừa hoặc Sáng Mồng Một Tết. Gia đình Phật Tử hay bên Luơng thì đi hái lộc ở chốn đình chùa, nơi tôn nghiêm về nhà, tự xông nhà hay dặn trước người "nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà. Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay lại đổ tại mình "nặng vía". Chính vì vậy, sáng mùng Một lại ít khách.

 

Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ. Ông bà cũng chuẩn bị ít tiền để mừng tuổi con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc tết thường là dồi dào Ơn Chúa, hạnh phúc, sức khoẻ, phát tài phát lộc. Những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau "tai qua nạn khỏi"hay "của đi thay người", nghĩa là trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Nhưng nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.

 

Ngày Tết có biếu quà Tết cho nhau để tỏ ân nghĩa tình cảm. Học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ... Quà biếu, quà tết không đánh giá theo giá thị trường mà là tấm lòng dành cho nhau.

 

Vào dịp đầu xuân, con cháu thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thất tuần, bát tuần, cửu tuần cho Oâng Bà Cha Mẹ. Ngày Tết ngày Xuân là dịp mọi người dành thời gian cho nhau, con cháu tụ tập đông vui bên gia đình dòng tộc.

 

Cũng vào dịp đầu Xuân, người có chức tước khai ấn, học trò, sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, người buôn bán mở hàng lấy ngày. Sĩ, Nông, Công, Thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thông, làm ăn suôn sẻ.

 

Mùa Xuân Mậu Tý đang về. Xuân đem hy vọng đến. Xuân đẩy lui mây xám cuộc đời. Những rủi ro, Xuân mang đi. Điều may mắn, Xuân chở về. Xuân tặng mỗi nhà một cành Mai may mắn, một cành Đào thủy chung. Bó hoa niềm vui, Xuân trao tất cả. Cành lá phúc lộc, Xuân gởi tặng không. Trái tim băng giá, Xuân hâm cho nóng lại. Ánh mắt hận thù, Xuân nhỏ giọt yêu thương. Xuân kết chặt bàn tay nhân loại, để truyền cho nhau hơi ấm tình người. Đôi môi con người, Xuân điểm hoa cười, để thốt nên lời: “Hạnh phúc nhé anh!” (x.Sequela Christi Số 2).

Những Ngày Lễ Tết đang tới gần. Người Kitô hữu quan niệm Tết là Một Hồng ân.

 

Một Hồng Ân vì đó là cơ hội cho con người sống tâm tình tri ân, cảm tạ. Ngày đầu năm mới, con người hướng về Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của vũ trụ, cùng đích của muôn loài, hướng về để tạ ơn, ngợi khen và chúc tụng. Tạ ơn vì một năm đi qua trong ân sủng, tình yêu và bình an. Tạ ơn vì tình yêu đó vẫn tuôn tràn trên đời sống con người. Tạ ơn bằng việc dâng lên Thiên Chúa tất cả những thành công và những thất bại của một năm qua, cũng như trao phó vào tay Ngài năm mới sắp tới. Lời tạ ơn đầu năm sẽ được tiếp nối và kéo dài suốt cả hành trình đời người.

 

Một Hồng Ân vì đó là cơ hội để con người có thể dừng lại - dù chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng thật hữu ích - trên hành trình cuộc sống đầy những biến động, những bận tâm, những tính toán để mưu sinh.

 

Một Hồng Ân vì đó là một cơ hội để con người trở về nguồn. Mỗi người đều có nguồn cội, tổ tiên, mỗi người đều có một truyền thống vốn được kết dệt từ cha ông tổ tiên. Nhưng suốt một năm dài, vì công việc, vì học hành, vì những lo toan khác do cuộc sống đưa đến, người ta ít có cơ hội để nhớ về cội nguồn và truyền thống đó.

 

Một Hồng Ân vì đó là một cơ hội để con người gặp gỡ, chia sẻ. Ngày đầu năm, người ta dành thời gian để đi thăm nhau, gặp gỡ nhau, trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp, chân thành, những nụ cười thiện cảm.

 

Một Hồng Ân vì đó là cơ hội để con người cật vấn mình. Tết chính là cái “cột mốc” làm cho người ta nhận ra cuộc đời đang trôi đi, thời gian đang qua mau. Cứ mỗi khi thêm một cái Tết, người ta thấy mình già hơn, và thời gian phía trước như rút ngắn lại. Có người nói: “Tổng số quá khứ và tương lai của một đời người là một hằng số”, thêm vào quá khứ thì giảm bớt tương lai. Có lẽ vì vậy mà khi sống tâm tình những ngày Tết, người ta cũng giật mình về quãng đới đã qua, và nảy sinh  nơi người ta cái thao thức về ý nghĩa cuộc đời, cật vấn về bản thân mình, về thái độ sống của mình, “vì thời gian đang qua mau, tôi đã tận dụng nó như thế nào hay tôi để nó trôi qua một cách uổng phí.” .(x.Sequela Christi Số 2).

 

Người Việt nam gìn giữ những nét đẹp văn hoá của ngày Tết cổ truyền và làm cho những nét đẹp ấy thành những trang Tin Mừng sống động. Khi sống tâm tình biết ơn trong ngày Tết, là ta sống lòng tri ân sâu xa vì nhìn thấy ơn Chúa ban qua mọi ân huệ nhận được.

 

Đón Tết và xem Tết như là Một Hồng Ân của Thiên Chúa, sống đầy đủ cái ý nghĩa của những ngày Tết thì chính mỗi người sẽ tràn trề hạnh phúc có được một “Mùa Xuân Chín”  như Thi sĩ Hàn Mặc Tử.

Nguyễn Hữu An
Số lần đọc: 2675
Ngày đăng: 25.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ăn tết – phiếm đàm về cái sự ăn! - Trần Huy Thuận
Chuyện Trâu - Cao Quảng Văn
Người trẻ phải tự chủ - Nguyễn Trung
Thanh Hải – Mùa xuân thi sĩ - Lê Khánh Mai
Hương vị quê nhà - Huỳnh Kim
Tết....của người tha hương - Vũ Trà My
Trầm tích văn hóa biển - Nguyễn Thị Hậu
Chợt đọc…chợt nghĩ rồi…viết, vừa viết vừa ngẫm - Vũ Ngọc Tiến
Nắng cuối năm - Nguyễn Thúy Ái
Những ngày cuối tháng chạp - Trần Quang Phong
Cùng một tác giả
Hòa bình vĩnh cửu (tiểu luận)
Mùa Xuân Chín (tạp văn)