Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.196
123.208.897
 
Những mảnh lụa…
Lê Xuân Tiến

Hỏi thăm người đưa cơm, Bùi Thị Xuân biết từ ngày bị bắt đến nay đã sáu tháng song Nguyễn Ánh vẫn chưa cho biết ngày kết thúc. Giống như con mèo vồ chuột. Đã bắt được chuột rồi, nhưng mèo vẫn chưa ăn vội, nó còn muốn đùa giỡn cho đến ngày còn chuột tơi tả. Nghĩ trò đời cũng buồn cười. Trước đây Nguyễn Ánh trốn chui, trốn nhủi chẳng khác nào thân con chuột hèn mọn chỉ tiếc là Tây Sơn chẳng truy đuổi đến tận cùng. Để rồi giờ đây con chuột đã biến thành con mèo. Bắt được vợ chồng Bùi Thị Xuân – Trần Quang Diệu rồi về quê bắt cả ba đứa con nhỏ, chúng không muốn cho họ chết vội. Nếu chết được, đã là hạnh phúc cho họ, chúng vẫn muốn cho họ sống để vần lên vần xuống, đẩy họ vào đau đớn tận cùng. Chúng muốn bù lại những ngày cơ cực chúng trải qua mới hả dạ.

 

Trại giam Bùi Thị Xuân ở rất xa khu dân cư, nên ít được nghe tiếng người trừ mấy tên quân canh ngục. Ngày đêm cô đô đốc Tây Sơn chỉ nghe tiếng gió rượt đuổi nhau trên mái tranh, trên tàn cây xà cừ ngoài sân. Đôi ba tiếng chim hót rời rạc, tiếng lá rơi rụng rất khẽ.

 

Phòng giam chỉ là bốn bức tường đá lạnh lẽo hôi mùi ẩm mốc. Một đống rơm góc phòng làm nơi ngủ, một cái thùng gỗ đầy tro để tiểu tiện. Chấm hết. Bùi Thị Xuân không ngại cực khổ, chỉ buồn khi xa chồng, xa ba đứa con thân yêu. Cô biết gia đình cô không đi lại được vì bị xiếng xích nhưng tâm hồn của họ luôn hướng về với nhau qua suy nghĩ. Bùi Thị Xuân thèm da diết tiếng cười, tiếng khóc của lũ trẻ, nhất là đứa con gái út mới lên bảy tuổi. Ngày mới bị bắt, vừa trông thấy mẹ, nó đã la lên “Mẹ ôi cứu con với”. Dù nước mắt chảy ròng vì thương con nhưng cô vẫn nghiêm sắc mặt quát lớn “con nhà tướng không được khiếp nhược”. Mặc dầu con đẻ ra chưa đầy năm, Bùi Thị Xuân đã giao cho họ hàng trông coi để tiếp tục đi chinh chiến song các con rất thương mẹ. Vì vậy nghe tiếng mẹ, con bé vội nín thinh, mặc dù gương mặt đầy nước mắt. Rồi, cô cảm thấy yên tâm, gia đình cô sẽ thực hiện nghĩa vụ cuối cùng với Tây Sơn là tìm đến một cái chết trong danh dự.

 

Đời của Bùi Đô Đốc đã nhiều lần phải quyết định song đến nay, cô không hối hận với quyết định nào.

 

Trước hết là đến với Tây Sơn. Là con gái, học võ từ thuở nhỏ, lại sinh ra lớn lên trên đất Tây Sơn, không còn lựa chọn nào khác là về dưới trướng Nguyễn Nhạc. Trong hàng ngũ lãnh đạo quân Tây Sơn, người mà Bùi đô đốc kính phục nhất là Nguyễn Huệ. Một con người vượt lên tất cả mọi người ở tài nghệ và nhân cách. Quả thực còn Nguyễn Huệ là Tây Sơn còn, mất Nguyễn Huệ là Tây Sơn như con thuyền bị lủng đáy, chìm dần. Khi Nguyễn Huệ mất rồi, con thuyền Tây Sơn như mất vị thuyền trưởng, không ai chỉ huy nên nội bộ cứ rối ren và rồi đi đến chỗ suy tàn. Có bao nhiêu tướng tài cũng không ngăn cơ đồ bị hủy diệt.

 

Quyết định thứ hai của Bùi Thị Xuân là ở lại cùng chồng khi được Võ Văn Dũng tháo cũi ở Nghệ An. Lúc đó Trần Quang Diệu thương tích đầy mình, hai chân sưng vù, chẳng cách nào đi được. Bùi Thị Xuân không thể nào dứt tình ra đi, cô đành phải ở lại để bị bắt chung cùng với chồng. Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu đến với nhau như là có duyên trời định. Hôm đi săn ở rừng núi Kim Sơn, Bùi Thị Xuân bỗng nhìn thấy một người đánh cọp bằng hai tay không. Con cọp to gần bằng con trâu nhảy ngang nhảy dọc, giơ vuốt  cấu xé. Chàng trai vừa lui tới né tránh vừa vung quyền đấm vào đầu, vào mình cọp. Con cọp bị cú đấm đôi lúc loạng choạng nhưng chàng trai cũng bị vết cọp quào rướm máu. Xưa nay mấy ai tay không đánh cọp nên Bùi Thị Xuân rất kính phục. Cô vội vung song kiếm lên hỗ trợ cùng chàng đánh cọp. Chả mấy chốc con cọp bị nhiều vết chém, mất sức lịm xuống đất. Chàng trai đã bồi cú đấm cuối cùng làm nó hộc máu, chết tươi. Trần Quang Diệu vòng tay tạ ơn Bùi Thị Xuân vì đã cứu mạng sống. Cô đã vội gạt tay. Sau đó, cả hai ra mắt Nguyễn Nhạc được thu dụng. Từ sự kính phục lẫn nhau, tình yêu dần đến. Đó là mối tình keo sơn gắn bó, khiến Bùi Thị Xuân không thể xa rời Trần Quang Diệu. Sống cùng sống, chết cùng chết. Đó là tâm nguyện của tình yêu nhà võ.

Dù sống trong nhà ngục u tối nhưng Bùi Thị Xuân vẫn tin vào niềm hy vọng cuối cùng. Đó là lời hứa của Võ Văn Dũng. Sau khi phá cũi nhưng không thể đưa Bùi Thị Xuân đi vì cô muốn ở lại với chồng, Võ Văn Dũng đã gạt lệ, vòng tay lên trời vái ba vái rồi hứa với cô: “Tôi sẽ về Tây Sơn Thượng để khôi phục lại lực lượng theo gương của ngài Thái Đức lúc khởi binh, vài tháng nếu có biến ở Tây Sơn, cô biết rằng cơ đồ của Tây Sơn đang phục nghiệp”. Nhìn thái độ cương quyết của Võ đô đốc, Bùi Thị Xuân tin rằng cơ đồ không mất. Vậy là ngày tháng trong tù, cô vẫn mỏi mòn đợi chờ. Nhưng đã sáu tháng rồi, không có dấu hiệu nổi loạn ở vùng Tây Sơn Thượng. Niềm tin của Bùi Thị Xuân đã hao mòn.

 

Dòng suy nghĩ của Bùi Thị Xuân đã ngưng lại khi cô nghe tiếng khóa mở lắc cắc. Khuôn mặt của tên cai tù bụng phệ, râu cá chốt hiện ra. Hắn hô to, rồi đứng nghiêm

- Quan thị lang tới

 

Chẳng mấy chốc hiện ra gương mặt hình vuông râu ba chòm của thị lang bộ hình Trần Trung Tín. Quả là cái tên có ý nghĩa mỉa mai. Tín cùng quê với Bùi Thị Xuân, ban đầu theo Tây Sơn rồi sau theo chúa Nguyễn. Hắn chẳng có tài nhưng theo Tây Sơn cứ muốn được lên chức. Không thỏa nguyện, hắn chạy vào Nam theo Nguyễn Ánh. Nhờ siêng năng, nịnh hót giờ này hắn đương chức thị lang. Vừa thấy Bùi Thị Xuân hắn vội hỏi han

- Chẳng hay bà khoẻ không? - Tuy hỏi nhưng mắt hắn không dám nhìn thẳng vào mắt Bùi Đô Đốc.

Bùi Thị Xuân cười mỉa mai

- Cảm ơn ông, tôi vẫn khỏe như voi

Trông thần sắc của Bùi Thị Xuân chẳng mấy sa sút. Nguyên có một cai ngục có gương mặt gầy guộc đưa cơm cho cô ngày hai buổi đã giúp bữa ăn có thêm chất. Chế độ cơm nước của ngục tù nhà Nguyễn rất hà khắc. Cơm chỉ có cơm hẩm, cá là cá mục, nhiều khi có giòi, rau rác không hề có. Nhưng bữa đầu tiên, dưới lớp cơm hẩm che đậy là lớp cơm trắng tinh thơm ngát. Còn dưới lớp cá mục có vài miếng thịt vùi trong cơm.Vì thế Bùi Thị Xuân vẫn ăn ngon miệng, bảo toàn được sức khỏe. Một hôm vắng lính canh, Bùi Thị Xuân hỏi nhỏ người đưa cơm “Tại sao nhà ngươi tốt với ta”, tên lính đưa cơm nhìn quanh nhìn quất rồi kề sát tai Bùi Thị Xuân “Không giấu gì nữ kiệt, anh tôi bị nữ kiệt bắt trong trận Tây Sơn tái chiếm thành Qui Nhơn. Nữ kiệt đã nhân đức tha tội chết cho anh tôi. Ơn này gia đình tôi nhớ mãi, nay có cơ hội tôi xin đền đáp bằng bữa cơm. Chuyện nhỏ thôi mà nữ kiệt”. Bùi Thị Xuân biết rằng chuyện không nhỏ, Gia Long biết được có thể tên lính bị bay đầu. Té ra, bên này bên kia cũng có kẻ tốt kẻ xấu. Chả bù cho tên lính mập, nó luôn luôn hách dịch, ra oai để cho Bùi Thị Xuân khốn khổ chừng nào, nó vui mừng chừng ấy.

 

Bùi Thị Xuân nhìn thẳng vào mặt Trần thị lang:

- Nhà ngươi đâu có rảnh rỗi để tới đây chơi. Vậy có việc gì nhà ngươi hãy nói ra cho đỡ mất thời giờ.

Trần thị lang lúng túng:

- Lấy tình đồng hương, tôi xin khuyên bà…

Bùi Thị Xuân trợn mắt:

- Ta rất xấu hổ khi có người đồng hương như ngươi. Ngươi đã bỏ Tây Sơn – quê hương ruột thịt để chạy theo nhà Nguyễn, còn mặt mũi nào nhìn người đồng hương.

- Thôi chuyện đã qua, đường ai nấy đi… tôi chỉ bàn chuyện sắp tới. Chiều nay bà sẽ được gặp đức vua. Sinh mệnh của bà nằm trong cuộc gặp này. Bà liệu mà nói cho thuận tình, thuận lý. Hoàng thượng đã nói với tôi nếu bà quì xuống xin tha tội, bà sẽ cứu được mạng chồng con. Bằng không, bà sẽ chẳng những chết mà chết trong đau đớn. Vậy tội gì mà không nói được một lời để được sống.

 

Bùi Thị Xuân trợn mắt:

- Nghe lời mầy nói, tao muốn nhổ trong mặt. Vào tới đây gia đình tao chỉ có một con đường là chết. Không thể sống nhục như mầy, đừng nhiều lời!

 

Nhiều đêm Bùi Thị Xuân suy nghĩ, rồi Nguyễn Ánh cũng đi đến con đường chiêu dụ. Nhưng cô đã đi đến kết luận: sống ô nhục còn đáng sợ hơn cái chết. Tây Sơn còn hơn là cuộc sống của gia đình cô, nó là máu thịt, tình yêu và cả những gì linh thiêng nhất. Tây Sơn suy sụp, đời cô và chồng con cô cũng tự tan rã. Sống nữa để làm gì.

 

Trần thị lang cứ đứng đó lải nhải để chiêu dụ song hắn nói lời nào, Bùi Thị Xuân đều trả lời “không”. Mặc dù đã điên tiết nhưng khi ra đi hắn vẫn vớt vát:

- Xin bà suy nghĩ thêm trước khi gặp hoàng thượng vào khoảng hai canh giờ nữa

Khi thị lang họ Trần bước đi, đột nhiên Bùi Thị Xuân kêu to:

- Lính mập đâu lại đây ta bảo

Khuôn mặt của hắn xuất hiện. Bùi Thị Xuân biết rằng thằng này ham của đút lót nhưng với Bùi Thị Xuân thì đừng hòng. Nhưng cô biết cách để điều khiển hắn

- Mang gấp cho tao chậu nước, gương, lược

Thằng lính ngạc nhiên, trọ trẹ

- Làm chi rứa?

- Để gương mặt sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng mà gặp hoàng thượng của mi

- Không có. Mặt mi thảm hại chừng nào, công tao càng lớn

Bùi Thị Xuân cười lớn:

- Tao chết rồi, sẽ hiện lên bám theo ngươi mà báo thù. Mi sẽ điên loạn rồi thác theo ta thôi

Thằng lính chợt xanh mặt. Hắn vốn sợ ma nên không nói gì lẳng lặng làm theo ý muốn của Bùi Thị Xuân

 

*

 

Nguyễn Ánh ngồi chễm chệ trên ngôi cao khi lính giải Bùi Thị Xuân vào điện rồng. Chung quanh chẳng có bóng vị quan lớn nào ngoài viên thị lang bộ hình. Chắc hẳn hắn không để lọt tai các vị quan, những lời chửi bới có thể của Bùi Thị Xuân. Cô đô đốc Tây Sơn vẫn còn bị gông vào cổ, hai chân bị xích. Nguyễn Ánh nhìn cô gái nhỏ bé phía dưới vuốt râu cười thỏa mãn. Phải cho Bùi Thị Xuân biết lúc này ai có quyền. Đâu có còn là sự chạy trốn chui lủi hèn hạ trước kia. Nay đất nước nằm trong tay, hắn muốn gì được nấy. Thật khác xa với thái độ của Nguyễn Huệ trước đây khi gặp kẻ thù là những bậc trượng phu. Huệ tự tay bước xuống cởi trói rồi mời ngồi. Ánh vẫn giữ thái độ ngạo mạn. Nhưng Bùi Thị Xuân cũng không vừa, cô nhìn trừng vào hắn không chớp mắt.

 

Hắn tự mãn hỏi:

- Ngươi có biết là triều Nguyễn với Tây Sơn ai là chính ai là tà không? Tại sao ngươi phò tá Ngụy Tây.

Bùi Thị Xuân cười mỉa:

- Tây Sơn là chính, nhà Nguyễn là tà. Đất của nhà Lê ngươi cướp lấy rồi xưng vương xưng bá. Tây Sơn là nguyện vọng của nhân dân, một lần đuổi Trịnh rồi trả đất cho nhà Lê, rất tiếc nhà Lê không giữ được đất mà còn cầu viện ngoại bang “cõng rắn cắn gà nhà” nên chủ tướng ta phải tiêu diệt. Nhà Nguyễn là đại thần của nhà Lê tại sao không làm việc đó mà cũng đi cầu viện lung tung. Không có hoàng thượng ta, đất mất, dân làm nô lệ, còn chỗ đâu ngươi xưng hùng, xưng bá. Ta hỏi lại: ai chính, ai tà?

 

Nguyễn Ánh có vẻ sượng sùng nhưng chuyển sang câu hỏi khác:

- Ta và Nguyễn Huệ ai tài hơn?

Bùi Thị Xuân ung dung đáp:

- Nói về tài ba thì tiên đế ta trắng tay dựng cơ đồ bách chiến bách thắng. Còn nhà ngươi trốn chui, trốn nhủi phải cầu viện ngoại bang. Chỗ hơn kém rõ ràng, như nước giếng so nước sông. Còn nói về đức độ, tiên đế ta lấy nhân nghĩa đối xử với trung thần thất thế, ai được tha cũng cảm phục. Còn nhà ngươi lấy hình phạt khốc liệt đối xử với bậc nghĩa liệt sa cơ, chỗ hơn kém cũng rõ ràng như ban ngày với ban đêm. Nếu tiên đế ta không thừa long sớm thì làm gì có ngươi ngồi đây.

- Ngươi có tài sao không giữ được ngai vàng của Cảnh Thịnh?

- Có thêm một nữ kiệt như ta, dễ gì nhà ngươi đặt được chân lên đất Bắc

 

Nguyễn Ánh thấy không thể đối đáp với Bùi Thị Xuân bèn dịu giọng:

- Nhà ngươi có muốn xin ân xá không?

- Ta đâu có sợ chết mà chịu hạ mình trước một kẻ tiểu nhân đắc thế?

Nguyễn Ánh nổi giận, gằn từng tiếng:

- Không chịu nhục, ta sẽ làm cho ngươi biết nhục

Nguyễn Ánh thét truyền lệnh mang Bùi Thị Xuân trở về ngục.

 

*

 

Lại thêm mười ngày chờ đợi. Dù tha thiết muốn được gặp chồng con trước khi chết nhưng Bùi Thị Xuân không muốn xin một ân huệ nào trước kẻ thù.

Trần Trung Tín lại đến. Lần này khuôn mặt y giả bộ thương tâm:

- Tại sao tôi đã hết lời căn dặn mà bà vẫn cương lên làm cho hoàng thượng nổi giận?

Bùi Thị Xuân cười to:

- Ta muốn cho đức vua nhà ngươi phải run sợ khi đối mặt với một phụ nữ. Hoàng thượng nhà ngươi đã tái mặt, tái mày rồi. Ha ha

Trần thị lang vẫn lải nhải:

- Bà biết hoàng thượng cho bà biết nhục cách nào không?

- Ta chẳng cần biết

- Bà sẽ bị lột truồng đem về quê bà để bêu riếu cho thiên hạ xem, để người phụ nữ nào muốn làm loạn thì lấy bà làm gương

- Cơ thể này do cha mẹ sinh ra, việc gì phải giấu. Đức vua nhà ngươi sẽ hối tiếc khi làm công việc hèn hạ này. Nó chỉ làm cho nhân dân phẫn uất.

 

Bùi Thị Xuân nói hùng hồn như thế nhưng cô lại nhớ đến Võ Văn Dũng. Chẳng có tin tức gì từ ấy đến nay. Võ Văn Dũng đã chết ở xó rừng nào hay nhân dân không tin ở Tây Sơn nữa. Một khi niềm tin đã mất đi là mất tất cả.

- Bà cũng cần biết là sau cuộc bêu riếu này, cái chết dành cho bà rất thảm khốc. Bà sẽ bị voi dữ dày xéo hoặc bị “điểm thiên đăng” tức là người bà bị quấn lấy vải nhúng sáp nóng rồi cột vào cột sắt giữa trời châm lửa đốt. Da bà sẽ bị lột ra từng mảng, đau thấu tim gan. Rất đau đớn, bà ạ.

- Ta chẳng sợ, cuối cùng cũng chỉ là chết

- Nhưng bà vẫn còn cơ hội cuối cùng là quì xin ân xá

- Ta đã nói rồi, không bao giờ chịu nhục, đừng nhiều lời vô ích - Bùi Thị Xuân thét lên

Trần thị lang vừa đi vừa lẩm bẩm “dại quá, dại quá”

 

Nguyễn Ánh cứ tưởng Bùi Thị Xuân bị lột truồng cho xe chở về Tuy Viễn, người dân sẽ lũ lượt rủ nhau ra xem như xem hội. Nhưng hoàn toàn ngược lại, nhân dân Tuy Viễn đã bảo nhau vào nhà đóng kín cửa. Người đi đường, kẻ nhóm chợ đều ngoảnh mặt, tránh xa xa. Chiếc xe chở tù nhân Bùi Thị Xuân đi qua, đường phố vắng lặng, hiu hắt, chỉ còn tiếng gió và tiếng lá rơi.

 

Ngang qua Đập Đá, nơi có làng dệt nổi tiếng. Các cô gái dệt lụa đang chờ sẵn.

 

Những vuông lụa được tung ra, bay vào xe. Các tên lính ra sức dùng đao để chém. Nhưng các mảnh lụa bị đứt theo gió vẫn bay tấp vào châu thân Bùi Thị Xuân. Phút chốc lụa đã đắp kín thân thể trần truồng.

Những mảnh lụa vẫn tiếp tục bay lên xe. Những mảnh lụa lấp lánh dưới ánh mặt trời.

 

Tháng 12-2008

Lê Xuân Tiến
Số lần đọc: 1977
Ngày đăng: 31.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hồn trầm - Văn Xương
Chết nơi đất khách - Ngô Kế Tựu
Ba điều ước - Huỳnh Văn Úc
Nhan sắc mùa xuân - Nguyễn Minh Phúc
Sông Phố - Khải Nguyên
Mùa xuân rồi sẽ đến - Mang Viên Long
Hoàng hôn của cha. - Vũ Minh Nguyệt
Ông thầy dưới chân núi Mây - Nguyễn Minh Phúc
Đông chí - Trương Thái Du
Hắc đại bàng - Hoàng Nhật Tuyên
Cùng một tác giả
Người đi tìm hồn (truyện ngắn)
Những mảnh lụa… (truyện ngắn)