Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.217.822
 
Lại một mùa xuân
Mang Viên Long

Từ ngày 20 tháng chạp, vợ chồng đứa con gái út của tôi đã gọi về báo tin là sẽ về quê ăn Tết với tôi vào sáng ngày 26. Chúng nói mấy năm rồi ba đón Xuân – ăn Tết một mình chắc là buồn lắm ! Tôi chỉ trả lời đại ý, buồn thì cũng không buồn gì, nhưng nếu cảm thấy thuận tiện thì hãy về cho vui…

 

Tuy nói vậy, nhưng tôi cũng cảm thấy vui vui khi nghĩ tới chữ “sum họp” (Tất niên hay Tết đồng nghĩa với “sum họp” mà !). Tôi cũng thoáng nghĩ, ít ra đến cuối năm, chúng cũng có chút thời gian thư thả để nghĩ về ba của mình. Nói được câu “mấy năm rồi ba đón Xuân – ăn Tết một mình chắc là buồn lắm!” là chúng đã có tưởng nhớ tới mình rồi. Chỉ cần một chút vậy thôi, là tốt rồi. Là quá đủ. Nuôi con cháu, có ai mà đòi hỏi ở con cháu nhiều đâu? Chỉ cần chúng “hiểu và cảm thông” với tuổi già là đủ rồi.

 

Thực ra, có lẽ vì tôi đã quá quen với cuộc sống cô độc từ thuở lên tám; có lẽ  tôi không mấy quan tâm đến các nhu cầu, sinh hoạt vật chất thường ngày; hay cũng có lẽ đời sống bất trắc thường trực của tôi từ hơn hai mươi năm qua đã làm tôi trở nên chai lỳ, xem mọi đổi thay, mọi cảnh ngộ đến với đời mình đều bình thường, đều tự nhiên như mưa nắng; nên tôi ít bị lôi cuốn, bị áp lực từ cuộc sống bên ngoài. Bấy lâu nay, tôi vẫn đón xuân, ăn Tết một mình kia mà! Có hề hấn gì đâu?

Nhà tôi ở ngay khu phố chợ đông đúc, nhộn nhịp, ồn ào nên trong tháng Chạp – nhất là sau phiên chợ 18 – hình như kẻ bán người mua từ 4 giờ sáng đến hơn 10 giờ đêm mới tạm lắng yên. Ở giữa chợ mà giữ cho được lòng an tịnh thường xuyên quả là điều thật khó. (Mình không dám “đụng” vào người mà người cứ “đụng” vào mình hoài – năm lần mười lượt cũng phải “mở miệng”!). Vài người quen thân trong khu phố cứ hỏi tôi sao không chịu mở một cửa hàng kinh doanh thứ gì đó, chắc sẽ giàu to; nhưng tôi chỉ cười, không biết trả lời sao cho ổn. Tôi rất sợ việc “cởi lưng cọp” như họ đã tâm sự. Đã “cởi lưng cọp” thì phải luôn thủ sẵn mưu kế để cho “cọp” khỏi hất tung mình xuống hố, hay phải theo ôm lưng nó suốt đời cho đến khi kiệt sức, tàn hơi, không còn “ôm” nó được nữa. (Nghĩ cho cùng, việc “cởi lưng cọp” hay không, lâu hay mau – là do ở mình cả. Chính mình chưa bao giờ thấy đủ, chưa muốn rời xa cái lưng cọp êm ái mê hoặc ấy thôi!).

 

Về đến nhà buổi sáng, buổi chiều đứa con gái tôi đã làm đảo lộn hết mọi trật tự đã có của tôi từ bao năm qua: Nó quét dọn, thu xếp, trang hoàng (…) – nghĩa là nó muốn “làm mới” lại ngôi nhà. Thậm chí, đầu tóc thưa thớt của tôi, nó cũng kêu tôi đi hớt tóc lại để ăn Tết (!) Theo nó, năm mới, thì từ nhà cửa, áo quần, tóc tai (…) cũng phải mới để đón Xuân. Tôi chỉ cười, để cho nó tự do muốn sửa sang, trang trí gì tùy ý – chỉ nhắc nhở : “con à, cái mới bên ngoài bây giờ cũng sẽ là cái cũ ngay sau đó ; con nên lau chùi, gột rửa tâm mình cho luôn sáng, luôn mới, mới là quan trọng”.

 

Thằng con rể tôi lại khiêng hai chậu hoa Sứ ở sân sau nhà ra sân trước. Nó chạy đi mua hai chậu sành có hoa văn đẹp ; đập bể hai chậu bằng xi măng cũ, để trồng lại. Theo yêu cầu của nó, tôi lại phải đạp xe ra nhà một ông bạn thơ ở ngoại ô để xin hai bao đất mới. Ông bạn thơ tốt bụng không những cho hai bao đất mới được ủ phân lâu ngày, mà còn biếu cho tôi một chậu Mai (trong số mấy chục chậu Mai trước sân) – tùy ý chọn. Tôi nói đã được cho rồi, lại còn tùy ý chọn lựa nữa – đâu có được tham nhiều vậy ? Tôi đề nghị ông chỉ cho chậu nào, sẽ nhận chậu ấy thôi…

 

Trước sân nhà tôi lại có thêm chậu hoa Mai tuy không có vóc dáng đồ sộ, không được uốn nắn kiểu cách gì – chỉ khẳng khiu với ba chi từ gốc, vươn lên, ẻo lả – dáng vẻ tự nhiên như cội Mai rừng – lưa thưa từng chùm búp xanh – có búp hoa đã căng đầy, hy vọng sẽ nở dần dần…Tôi chăm chút phơi nắng, tối lại tưới nước ấm, quét vôi chiếc chậu xi măng ngả màu đen sì cho sạch sẽ một tí.

Sáng sớm, tôi khiêng chậu Mai để giữa sân, săm soi xem chừng từng đóa hoa vừa hé nở. Hoa sẽ nở lai rai từng bông, từng chùm, đến hôm mồng Một sẽ có vài chùm ở cả ba chi. Xem cánh hoa độc nhất vừa nở xòe năm cánh, tôi cảm thấy thật vui. Tạo hóa, thiên nhiên, đã cho ta nhiều niềm vui mà ta nào có biết nhận. Nhìn sang chậu hoa mai to tướng của hiệu vàng H.P. bên nhà đối diện, tôi tự nhiên có so sánh ngộ nghỉnh : Cây Mai có chiều cao hơn 2 mét, từ gốc lên đỉnh được cắt tỉa thành 4 vòng tròn từ lớn đến nhỏ – trên mỗi vòng tròn ấy búp hoa đeo đầy, dày đặt – đang nở vàng rực ; như một cô con gái nhà giàu ở thị thành với áo quần kiểu cách, son phấn lòe loẹt. Còn cây Mai bé nhỏ của tôi, như một cô thôn nữ e lệ, giản dị, hồn nhiên đang mỉm cười từng đóa vàng dịu dàng… Quả đúng như ông bạn nhà thơ của tôi đã nói – có sự can thiệp cắt tỉa uốn nắn nhiều quá của bàn tay con người – cây hoa sẽ trởû nên sượng sùng, khô cứng – mất hết nét đẹp “trời ban” cho chúng. Aáy vậy mà những chậu hoa như thế, lại có nhiều người ưa thích, đón mua – xem ra, mỗi ngày, người ta lại càng có khuynh hướng rời xa thiên nhiên, chạy theo kỹ thuật…

 

Buổi trưa, sau khi chưng dọn bày biện ở các bàn thờ với đèn hoa sáng rực, hương trầm thơm ngát – vợ chồng đứa con gái út của tôi lại lui cui nấu nướng phía sau để kịp cúng rước ông bà buổi chiều. Tôi nằm nhắm mắt lơ mơ ở gian nhà giữa – bỗng nghe tiếng gọi : “Ông già ơi, ông già – thằng kia nó làm ngã xe đạp, gãy cây Mai của ông rồi!”. Tôi ngồi bật dậy, ra mở rộng hai cánh cửa sắt, nhìn thấy cây Mai đã bị gãy mất một chi bên phải. Nhìn sang hiệu thuốc tây bên cạnh, người mua chen chân lớp trong lớp ngoài – chiếc xe đạp, còn dựa ở cột nhà hiệu thuốc ; tôi hỏi :

-Xe đạp này của ai đây ?

Gã đàn ông dáng mập, đen, áo cánh quần đùi dài đến gối – vẻ mặt trông rất bặm trợn. Gã đứng yên, nhìn ra, đáp :

-Xe đạp của tôi, nhưng thằng cha cởi honda vừa làm gãy đã bỏ chạy rồi!

 

Tôi nhìn bà bán hàng hoa quả trước nhà vừa gọi tôi – bà gật đầu rồi quay đi, nhìn lại chiếc xe đạp không có chân chống của gã đàn ông – tôi biết gã đã tựa xe vào chậu hoa, để xe ngã vào cây Mai – một việc làm vô tâm, vô ý như bao việc làm khác. Thế mà nó đã và đang xảy ra hằng giờ, hằng ngày trong cuộc sống. Tôi bực bội nói với gã đàn ông : “Cháu không làm gãy thì thôi, nhưng nếu cháu đã vô tâm, sơ ý làm gãy mà không chịu nhận, là hèn nhát quá !” . Tôi quay vào nhà, khép cửa – tự cười với ý nghĩ : “Có thêm cái gì, thì rắc rối phiền lụy thêm cái ấy!”.

 

Chín giờ tối ngày 29 (tức là 30  tháng chạp thiếu)- con phố chợ buổi trưa đông đúc, rộn ràng dường ấy – bây giờ vắng vẻ ; người bán thì đã dọn về, còn kẻ mua cũng đã vội vàng biến mất. Tôi bước ra sân, trước mặt tôi là một đống xấp lá chuối, những bó lạt, những cành hoa rũ, những quả dưa hấu dập nát. Rải rác dọc hai bên con phố từng đống rác to như thế, đủ loại, đang được công nhân vệ sinh thu gom vào các giỏ mây lớn chờ xe đến… Tôi nhìn chăm chăm vào đống xấp lá chuối bị vất bỏ lại, nghĩ đến công khó của người đàn bà ở quê ; gom góp, rọc, xếp, bó từng tàu lá để quảy ra chợ với hy vọng bán kiếm được vài ba chục ngàn đồng; giờ phải bỏ lại – trở về tay không ! Còn nữa, những bó lạt gói bánh kia, là mồ hôi, là công sức của bao bàn tay cần mẫn chỉ với hy vọng kiếm thêm cho con gói bánh, cho mình lạng trà; cũng không toại nguyện. Tất cả chúng đã biến thành rác, mà ai có biết ? Cảnh chợ tàn cuối năm gợi trong tôi bao điều khắc khoải như bao lần.

 

Đứa con rể trở ra mời tôi vào dùng cơm. Những bữa cơm sum họp- tạm gọi thế, tuy mẹ và ba anh chị chúng vẫn còn ở Sài Gòn.

-Ba nghĩ ngợi gì vậy ? Tiếng đứa con gái tôi vang lên.

-Ba nghĩ đến những ngày tháng sau mồng sáu Tết – Tôi đáp.

-Nhưng chúng con sẽ gọi điện về thường xuyên cho ba kia mà – giọng nó yếu ớt.

Tôi bỗng cười – nhìn đứa con rể chơn chất, hiền lành : “Ba hiểu rồi: Như khu phố chợ trước nhà, lúc đông nghịt không ai cản nổi, lúc hoang vắng – không ai níu kéo được – có phải cuộc đời cũng na ná như thế …”.

Năm nào cũng vậy, sáng sớm mồng Một tôi đến lễ Phật ở ngôi chùa nhỏ nằm dưới con giốc giữa cánh đồng của ông thầy bị mù – sống một mình, tự lo hết mọi việc – từ trồng rau, làm giàn mướp, trồng hoa – cho đến quét dọn, nhang đèn, chuông mõ, nấu nướng, đi chợ… Sau đó, thuận đường lên nghĩa trang thăm mộ song thân, rồi quay về. Tết này, có vợ chồng đứa con gái út cùng đi – đỡ cảm thấy ngậm ngùi. Khu nghĩa trang thị trấn, chỉ sau vài ba năm đã trở nên đông đúc, bề thế, với nhiều ngôi mộ mới mỗi ngày một cao to hơn, kiên cố và xinh đẹp hơn – như một khu phố. Phố của những người chết! Người ta đã dành đất, chiếm chỗ, phô trương y như là họ sẽ ở đó mãi mãi không chịu đầu thai, tái sinh, hay đi đâu nữa! Lẽ nào chữ “Hiếu, chữ tình” chỉ được thể hiện ở những ngôi mộ một cách hào phóng này thôi sao? Chỉ được thăm viếng, lo toan sau khi đã chết ?

 

Rồi mấy ngày Tết cũng trôi qua – lặng lẽ và vô tình, như dòng sông phía sau nhà. Vợ chồng đứa con gái út của tôi lại loay hoay thu xếp túi xách để chiều mai lên tàu. Chín ngày về quê ăn Tết của chúng tạm khép lại. Trôi dần vào dĩ vãng như bao buồn vui đã trôi qua trong đời. Tôi chỉ biết im lặng, trầm ngâm trước cái khổ muôn đời – “oán tắng hội, ái biệt ly” của con người, như một sự an bài khó thoát. Cuộc đời là một chuỗi họp tan, tan hợp kia mà.

Lúc xách hành lý qua khỏi cửa – đứa con gái út của tôi lại nhắc câu nói trong bữa cơm sau cùng : “Nếu ba cần gì, hãy điện cho tụi con, ba nhé!” Tôi cười : “Lương hưu giáo làng của ba ở trong cái thị trấn này tiêu làm sao cho hết? “.

Tôi cầm lấy tay đứa con rể – nghẹn ngào : “Ba cám ơn hai con đã cho ba hưởng một cái Tết ấm cúng…”

-Con xin chào ba!

-Cố gắng nhé!

Tôi đứng ở sân nhà nhìn theo từng bước chân của hai con – hai bóng dáng thân yêu đang dần dần cách xa tôi.

Cây Mai, cây Sứ giữa sân hoa vẫn đang còn nở… Mùa xuân đang vẫn còn đây mà người thì đã đi xa!

Mang Viên Long
Số lần đọc: 3065
Ngày đăng: 01.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Man đảo - Trương Thái Du
Những mảnh lụa… - Lê Xuân Tiến
Hồn trầm - Văn Xương
Chết nơi đất khách - Ngô Kế Tựu
Ba điều ước - Huỳnh Văn Úc
Nhan sắc mùa xuân - Nguyễn Minh Phúc
Sông Phố - Khải Nguyên
Mùa xuân rồi sẽ đến - Mang Viên Long
Hoàng hôn của cha. - Vũ Minh Nguyệt
Ông thầy dưới chân núi Mây - Nguyễn Minh Phúc
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)