I. Hai truyền thống -II. Hiện tượng luận-III. Chủ nghĩa hiện sinh -IV. Cơ cấu luận -V. Chủ nghĩa hậu hiện đại
I. Hai truyền thống
Các nhà triết sử thường chia triết học Tây phương làm hai trường phái, căn cứ vào cách thức làm triết học và vào loại chủ đề nghiên cứu cá biệt. Tuy sự phân chia và so sánh nào cũng không tránh khỏi khiên cưỡng, nhưng nói chung họ dùng lối gọi truyền thống triết học phân tích để nói tới các triết gia thao tác ở Anh và Bắc Mỹ, và truyền thống triết học lục địa để nói tới các triết gia thao tác ở châu Âu.
Dưới đây là nỗ lực trình bày đại thể và phân bố một cách tổng quát các triết gia theo hai trường phái ấy.
1. Triết học phân tích
Triết học phân tích (analytic philosophy) là truyền thống thịnh hành cách riêng tại những xứ nói tiếng Anh. Ðây là một khuynh hướng trong thế kỷ 20, xem môn phân tích (analysis) là phương pháp thích đáng để giải quyết các vấn đề nằm trong phạm vi hiểu biết của triết học.
Ðằng sau khuynh hướng này có ít nhất một trong hai giả định:
1. Ðối với những vấn đề triết học phát sinh do sự hoang mang có tính khái niệm, thì phân tích có khả năng làm cho chúng minh bạch, sáng sủa hoặc xua tan chúng;
2. Phân tích cốt ở việc nhận thức cặn kẽ và bộc lộ những thành phần đơn giản của các khái niệm rất phức tạp.
Các nỗ lực tìm cách làm minh bạch khái niệm dẫn tới sự chú ý chi li từng chi tiết một, tương phản với những cái nhìn lướt qua, bao quát và đầy tưởng tượng của lý thuyết lớn hơn. Ban đầu, đối tượng của triết học phân tích thường là các khái niệm và các giả định, nhưng tới thập niên 1930, triết gia của trường phái này quay sang chú ý tới ngôn ngữ. Ngôn ngữ càng ngày càng được đánh giá như một đối tượng có tính nền tảng của phân tích, và từ đó, triết học phân tích thường được gọi là có tính ngữ học.
Tóm lại, triết học phân tích quan tâm cách riêng tới ý nghĩa của những lời phát biểu và cách thức xác minh chân lý của chúng bằng việc xem triết học như một công cụ phân tích để khảo sát và làm lộ rõ các mù mờ, các tiền giả định của ngôn ngữ và tư tưởng.
Vào đầu thế kỷ 20, Bertrand Russell và George E. Moore của Ðại học Cambridge, Anh là hai đại biểu nổi tiếng của khuynh hướng này. Nhưng tại những nơi khác như Upsala (Thụy Ðiển), Warsaw (Ba Lan), Vienna (Áo) cũng xuất hiện một cách độc lập các phong trào tương tự. Lúc ấy, tác động của triết học phân tích còn hạn hẹp nhưng rồi nó dần dần lan rộng, gây được nhiều ảnh hưởng vì vào hai thập niên 1930 và 1940, các triết gia lục địa lưu vong sang sống ở các xứ nói tiếng Anh. Tại đó, sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, nó độc chiếm vai trò dẫn đạo, cũng như tại Na Uy. Tại những nơi khác, ảnh hưởng của nó lớn dần, dù trễ hơn và chậm hơn.
Các nhà phê bình cáo buộc phong trào triết học phân tích là khô khan vô vị và không thích đáng. Những người có thiện cảm với nó thì cho rằng nó có công trạng trong việc tôn trọng tính hợp lý và việc nó hoài nghi những lối diễn tả có dáng vẻ hào nhoáng hùng biện và sự thâm thúy giả mạo. Nó được mô tả như là thuốc giải trừ sự ô nhiễm mang tính ngữ nghĩa học của môi trường trí thức.
Trong năm chục năm qua, các triết gia nổi tiếng thuộc trường phái này gồm có: Willard V. Quine (1908- 2000); Stuart N. Hampshire (1914- 2004); và Peter F. Strawson (1919-2006); Hilary W. Putnam (1926- ); John Searle (1932- ). Truyền thống này cũng bao gồm các triết gia đã được chúng ta đề cập như Rawls, Ryle và Ayer. Triết học của thế kỷ 20 được mô tả ngang đây, trong cuốn sách bạn đang cầm trên tay, đều có xuất xứ từ truyền thống phân tích này.
2. Triết học lục địa
Triết học lục địa (continental philosophy) vừa là lối gọi có dụng ý làm nổi bật tính tương phản với triết học phân tích vừa có thể dùng để mô tả một tầng lớp triết gia có xuất xứ từ châu Âu, dù thời Thế chiến Hai có nhiều người trong số đó dời sang sống ở các vùng "hải đảo" nói tiếng Anh, cách xa lục địa như Tân Tây Lan, Anh, Hoa Kỳ, v.v.. Công việc của họ là xem xét một cách tổng quát những chiều hướng của triết học. Họ thao tác gần như riêng rẽ và độc lập với nhau dù các đề tài nghiên cứu của họ thích đáng với các chủ đề căn bản đã được chúng ta xem xét ít nhiều.
Truyền thống triết học này bao gồm Husserl mà hiện tượng luận (phenomenology) của ông ảnh hưởng lên các triết gia lục địa khác; Heidegger và Sartre với hiện sinh chủ nghĩa (existentialism), và gần đây hơn, Lacan, Derrida cùng những người khác. Chúng ta bắt gặp trong trường phái lục địa các thuật ngữ như cấu trúc luận (structuarism), hậu hiện đại chủ nghĩa (postmodernism), văn bản chú giải học (hermeuneutics): một thuật ngữ nguyên thủy dùng cho môn nghiên cứu kinh thánh nhưng ngày nay được dùng khái quát hơn để chỉ một phương cách khảo sát đủ loại văn bản. Triết học lục địa thường phản ánh lối tiếp cận có tính trí thức vào các nghệ thuật sáng tạo nói chung, thay vì bị giới hạn trong các công tác được trường phái phân tích xác định một cách hạn hẹp.
Bài này, với mục đích chủ yếu trình bày đại cương và số trang giới hạn cũng như mục tiêu giới hạn của người biên soạn, không thể dành không gian rộng rãi để cung cấp một bản tường trình thích đáng về các nhà tư tưởng thuộc truyền thống lục địa châu Âu. Chúng tôi chỉ nhắm đưa ra một phác thảo ngắn gọn về một số chủ đề chính để may ra có thể đặt trường phái này trong bối cảnh triết học như một toàn bộ.
3. Ngày càng hòa trộn
Thật quan trọng khi tìm cách sở đắc một cái nhìn cá biệt về từng lý thuyết triết học có xuất xứ từ châu Âu vì ngày nay, các mối quan tâm của cả hai trường phái đang hòa lẫn nhau, nhanh hơn và đậm đà hơn trước đây. Nhìn lại, ta thấy trong Thế chiến Hai, có khoảng cách ngày càng sâu rộng giữa hai truyền thống triết học ấy; phải chờ tới thập niên 1970 mới xuất hiện nhiều nỗ lực kéo đôi bên sát lại. Kể từ lúc đó, nhờ cuộc chung sống trong các trường đại học và các văn bản dịch thuật, đôi bên đã có những quan tâm tới nhau nhiều hơn.
Các triết gia lục địa thường xuyên đến thỉnh giảng tại các đại học Anh Mỹ, và ngược lại. Tác phẩm của họ ngày càng được dịch ra nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, v.v. Thậm chí trong một ngôn ngữ cũng có nhiều phiên bản của các dịch giả khác nhau. Ðồng thời, sự phát triển của mạng lưới toàn cầu internet đã mang tư tưởng triết học của mỗi triết gia vào tận bàn giấy của từng người muốn tìm hiểu nó, bất cứ lúc nào.
Tiến trình triết học từ cuối thế kỷ 20 sang thế kỷ 21 đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi truyền thống phân tích, thế nhưng các triết gia thuộc truyền thống lục địa cũng đang ngày càng được nghiên cứu rộng rãi và sâu xa hơn.
II. Hiện tượng luận
Hiện tượng luận (phenomenology) là:
1. Môn môn học về các đối tượng nhận thức của con người, phân biệt với cái được gọi là hữu thể trong bản thể luận (onthology);
2. Một lối tiếp cận có tính triết học, tập trung vào việc nghiên cứu cái được thấy, được nghe, được cảm giác, v.v. tương phản với cái có thể quả có thật hay xác thực ở thế giới xung quanh.
Khái quát và lịch sử
Nói chung, hiện tượng luận là lý thuyết triết học về việc nghiên cứu những gì con người trải nghiệm thật sự. Nó cho rằng tri thức bị giới hạn bởi các hiện tượng vật lý và tinh thần – các sự vật hiện hữu đúng như chúng ta trải nghiệm – và đằng sau các hiện tượng ấy hoặc chẳng có thực tại nào hoặc có thực tại mà chúng ta không thể nào biết.
Như thế, hiểu theo ý nghĩa rộng rãi nhất, hiện tượng luận là một triết học mô tả kinh nghiệm. Trong quá trình tiến hành, nó là một phong trào triết học được định nghĩa một cách lỏng lẻo, bắt đầu với Husserl, triển khai với Max Scheler (1874-1928), Heidegger, Sartre và Maurice Merleau-Ponty (1908-1961).
Edmund Husserl (1859-1938), người khai sáng hiện tượng luận là triết gia Ðức gốc Do Thái, giảng dạy tại Ðại học Freiburg. Giống với Descartes, ông muốn khám phá cho ra nền móng của tri thức đang biến triết học thành một "môn học khe khắt", được xây dựng trên những chân lý thiết yếu, độc lập với mọi tiền giả định.
Tác phẩm quan trọng nhất của Husserl là Logische Untersuchungen (Các thẩm tra luận lý), xuất bản thành hai tập vào năm 1900 và 1901. Trong bộ sách ấy, Husserl tuyên bố rằng, để chắc chắn, chúng ta phải bắt đầu bằng chính nhận thức của mình – tức là nhận biết một cách tỉnh táo và có ý thức.
Câu hỏi được đặt ra theo lối hiện tượng luận là, "Chúng ta thật sự trải nghiệm ra sao?" Ðể trả lời, Husserl gợi ý rằng mỗi hoạt động tinh thần đều hướng tới một "đối tượng có chủ ý" (intentional object), cái được tâm trí của chủ thể nghĩ tới nó, cho dù nó có thật sự hiện hữu hay không.
Hai thí dụ minh họa
a. Bạn muốn ăn bánh ngọt. Nếu bạn sắp ăn thì cần phải có một chiếc bánh ngọt cụ thể có đường có bột, nhưng việc nghĩ tới chiếc bánh ngọt ấy thì chỉ cần có một "đối tượng có chủ ý". Thật thế, cách riêng, bạn có khả năng nghĩ tới chiếc bánh ngọt ấy khi không thật sự có chiếc bánh ngọt nào trước mắt!
b. Nếu bạn suy ngẫm về cảùm giác chán nản, sự chán nản là một "đối tượng có chủ ý" của ý nghĩ bạn dù chẳng có đối tượng ngoại tại nào tương ứng với nó. Có ai đó có thể nói rằng "sự chán nản chẳng là gì cả, nó không hiện hữu", nhưng đối với bạn, trong khoảnh khắc suy ngẫm ấy, nó có thật.
Yếu tính thuần túy
Husserl lấy vấn đề chủ thể trong triết học để làm "đối tượng của ý thức" ấy: mọi cái chúng ta trải nghiệm đều hoàn toàn ở ngoài bất cứ câu hỏi nào về việc nó hiện hữu hay không hiện hữu trong thế giới ngoại tại và khách quan. Hiện tượng luận cũng tìm cách tước bỏ khỏi các đối tượng cá biệt mọi thứ biến chúng thành đặc thù, trong khi tìm kiếm yếu tính thuần túy tức là cái chúng chung chia với các đối tượng khác cùng loại. Ta có thể cho rằng trên một qui mô lớn, nỗ lực ấy của hiện tượng luận phản ánh ý tưởng của Plato về hình thái.
Husserl lập luận rằng ta chỉ có thể biết tới những yếu tính nền tảng ấy bằng trực giác. Ngay sau khi chúng ta vừa suy nghĩ tới cái gì đó, cái đó bắt đầu có ý nghĩa đối với chúng ta do bởi các yếu tính đa dạng qua đó chúng ta am hiểu nó. Tôi có ý thức về "tóc mai" như một yếu tính thuần túy, và ngay khi tôi vừa thấy, hoặc nghĩ về tóc mai sợi vắn sợi dài thật sự, thì yếu tính ấy ở đó để cho nó có ý nghĩa đối với tôi.
Hai thí dụ minh họa
a. Bà mẹ cho con mình thấy một số vật có màu đỏ. Người mẹ nói, "Này con, đó là màu đỏ". Ðứa bé tự động phân loại các mẫu số chung của kinh nghiệm và nó nhanh chóng nắm lấy yếu tính thuần túy "đỏ". Sau đó, mỗi khi thấy các vật có màu ấy, yếu tính "đỏ" đã có sẵn ở đó, trở thành một trong số lượng các yếu tính mà qua đó đứa bé am hiểu các vật ấy.
b. Trong một tình huống phức tạp hơn, họa sĩ đùa giỡn với bóng dáng khác thường của "đỏ", thể nghiệm một câu thơ trong Chinh phụ ngâm khúc: "Áo chàng đỏ tựa ráng pha", để thấy những giới hạn của yếu tính "đỏ". Nhà nghệ sĩ ấy tự hỏi: Có phải ráng ấy đỏ tươi, hoặc có phải nó có màu đỏ hơi tía hay màu đỏ da cam ? Hay làø mình hãy thử thêm một tí xanh vào đỏ ấy để thấy nó ra như thế nào? Biết đâu nó giống với hai câu thơ của Thâm Tâm (1917-1950) trong bài Tống biệt hành: "Ráng chiều không thắm không vàng vọt, Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong!"
Từ hiện tượng tới ý thức
Hussel lập luận rằng ý thức đòi hỏi ba điều:
1. Cái tôi – bản ngã – cái được ông gọi là cái ngã siêu nghiệm (transcendental ego);
2. Một hành động tâm thần, hoặc tinh thần;
3. Một đối vật của hành động tâm thần đó.
Các đối vật trở thành đối tượng của của ý thức chỉ khi nào chúng được cho có ý nghĩa hiển nhiên (meaning) và ý nghĩa biểu thị (significance). Một đối tượng chỉ được hiểu, nghĩa là chỉ được "thấy" thật sự khi tâm trí thao tác trên nó và cho nó một ý nghĩa liên quan tới yếu tính thuần túy.
Do đó, mọi sự tùy thuộc vào "cái ngã siêu nghiệm" để có ý nghĩa hiển nhiên và ý nghĩa biểu thị của nó. Một khi bắt gặp thế giới, chúng ta bắt đầu cho nó ý nghĩa, chúng ta bắt đầu thông giải nó trong liên quan tới các yếu tính thuần túy. Nói cách khác, chúng ta bắt đầu ứng xử với nó trong liên quan tới các "đối tượng ý thức" của nó.
Lý do khiến Husserl trở thành triết gia rất quan trọng đối với truyền thống triết học lục địa châu Âu là vì ông cho phép các câu hỏi về ý nghĩa và giá trị cùng toàn bộ phạm vi của cảm xúc và các kinh nghiệm khác trở thành một vấn đề chủ thể có giá trị trong triết học. Nói cách khác, các triết gia châu Âu được giải thoát để từ khởi điểm đó, họ tự do thăm dò nhiều khía cạnh cuộc sống ở quá bên kia những mối quan tâm của các triết gia thuộc trường phái phân tích vốn chỉ quan tâm ưu tiên tới ngôn ngữ.
III. Chủ nghĩa hiện sinh
Hiện sinh chủ nghĩa (existentialism) là thuật ngữ được dùng để gọi một ngành triết học quan tâm tới ý nghĩa "cuộc đang sống" của con người, bao gồm mục đích của nó, ý nghĩa và cứu cánh tổng thể của nó, và sự tự do cùng phản ứng có tính sáng tạo của con người đối với cuộc đời.
Triết thuyết này nhấn mạnh sự hiện hữu của cá nhân con người như một tác nhân tự do và có trách nhiệm bằng cách thông quan các hành động của ý chí mà quyết định sự phát triển của chính mình trong thế giới vô nghĩa và phi lý này. Chủ nghĩa hiện sinh có khuynh hướng vô thần chủ nghĩa, và phủ định sự hiện hữu các giá trị khách quan. Thay vào đó, nó làm nổi bật thực tại và ý nghĩa biểu thị của tự do và trải nghiệm của con người.
Nói cách khác, hiện sinh chủ nghĩa là một hệ thống triết học nỗ lực tránh các lý thuyết tư tưởng xa rời cuộc sống; nó quả quyết rằng con người được tự do và một mình nó chịu trách nhiệm về nó, và rằng thực tại thì cốt ở cách sống, cách hành động của mỗi người.
Lai lịch và các nhân vật
Chúng ta hãy chú ý tới điểm hiện sinh chủ nghĩa theo chân hiện tượng luận, và thông thường, nó tương phản với truyền thống duy nghiệm chủ nghĩa và duy lý chủ nghĩa.
Nếu triết học được tự do ứng xử với ý thức và các hành động nảy sinh từ ý thức, nó có thể thăm dò sự tự nhận thức và tự hoài nghi của con người, cùng các hành động và các biến cố làm nên ý nghĩa cuộc đời.
Hai triết gia quan trọng trong quá trình phát triển của chủ nghĩa hiện sinh là Martin Heidegger (1889-1976), triết gia Ðức, người có mối quan hệ đầy tranh cãi với Ðức Quốc xã, tới độ người ta hoài nghi ông sử dụng lập luận triết học để biện hộ cho quan điểm chính trị của đảng ấy. Công trình Sein und Zeit (Hữu thể và thời gian, 1927) của Heidegger là tác phẩm chủ yếu của triết học hiện sinh.
Cùng sánh vai với ông là Jean Paul Sartre (1905-1980), triết gia, tiểu thuyết gia, kịch tác gia Pháp và là người không nhận giải Nobel văn chương năm 1964. Tác phẩm quan trọng của Sartre là L’Etre et le néant (Hữu thể và hư vô, 1943). Có lẽ lời trích dẫn nổi tiếng nhất của Sartre là ở đoạn kết một vở kịch của ông có nhan đề là Huis Clos (Kín cửa, 1945): "Ðịa ngục là người khác".
Bên cạnh hai triết gia chủ lực ấy, hiện sinh chủ nghĩa còn có hai khuôn mặt nổi bật nữa là Soren Kierkegaard (1813-1855), triết gia Ðan Mạch (xem Phần phụ lục), và Albert Camus (1913-1960), nhà văn Pháp sinh ở Algeria và nhận giải Nobel văn chương năm 1957.
Nội dung lý thuyết
Ðặc điểm có tính trung tâm của chủ nghĩa hiện sinh là mối quan tâm tới cách loài người quan hệ với thế giới.
Trong khi phần lớn triết học khảo sát các đối tượng ngoại tại và tâm trí, được hiểu một cách khái quát như hai loại thực thể tách biệt: tâm trí chỉ quan sát thế giới theo một phương cách tách biệt với thế giới; ngược lại, chủ nghĩa hiện sinh bắt đầu từ căn bản cái tôi có liên quan mật thiết hoặc trực tiếp tham dự vào thế giới.
Chúng ta tìm cách am hiểu vạn vật vì chúng ta bị liên can, bị buộc phải sống giữa chúng, ứng xử với chúng, đồng thời ở giữa chúng, chúng ta khám phá các ý nghĩa hiển nhiên và ý nghĩa biểu thị của cuộc đời mình.
Thí dụ minh họa
Cầm lên cái búa, bạn bắt đầu đóng đinh. Bạn trước tiên không nghĩ tới cái búa và kế đó tới quyết định cách thức sử dụng nó; bạn chỉ dùng nó một cách tự động. Tâm trí của bạn tham dự vào việc nện búa. Heidegger thấy hành động ấy là một phương cách "có sẵn trong tay", để ứng xử với vạn vật trong tư thế không là người quan sát mà là người tham dự.
Con người, kẻ liên can và nhập cuộc
Bằng hành động triệt để bình thường hóa mọi đặc tính cá biệt và nỗ lực "nhìn" các yếu tính thuần túy của các hiện tượng, Husserl đã từng toan tính đạt tới một quan điểm có thể được chấp nhận một cách khái quát về vạn vật. Chủ nghĩa hiện sinh chuyển dịch khỏi lập trường ấy bằng cách nhấn mạnh rằng luôn luôn có thành tố nhập cuộc – tham dự hay dấn thân – của con người, và đó là quan điểm đặc thù của triết thuyết ấy.
Quan điểm đó nêu lên một vấn nạn triết lý tổng quát rằng phải chăng mọi quan điểm đều là những xuất phát từ một điểm nhìn đặc thù, mang theo nó các giá trị và tri thức của người đang sở hữu nó. Sự chọn lựa này nọ – thường được tìm kiếm bởi khoa học hoặc bởi triết học duy nghiệm chủ nghĩa – là một "quan điểm xuất phát từ không nơi nào cả", nghĩa là một quan điểm không lưu tâm tới vị trí quan sát của cá nhân. Nhưng liệu điều ấy có khả thi không?
Bạn bị ném vào thế giới
Theo Heidegger, chúng ta "bị ném" vào thế giới này và trải nghiệm của chúng ta về Dasein, (hiện hữu ở đó) là "quan tâm", theo ý nghĩa rằng một số trong các đối tượng mà chúng ta bắt gặp trong thế giới sắp sửa trở thành quan trọng đối với chúng ta hơn các đối tượng khác. Và vì thế, chúng ta trở thành bị liên can tới chúng.
Heidegger cũng lập luận rằng chúng ta là cái chúng ta xem như bản thân mình đang là – chúng ta không có một bản tính con người cố định. Bạn sống theo phương cách đích thực nếu bạn nắm lấy từng tình huống khi nó đến và biểu lộ bản tính chân chính của bạn qua những gì bạn làm. Sự chọn lựa thế này thế nọ là nỗ lực chạy trốn cơn khắc khoải của hành động sống chân chính với bản thân, bằng cách chiều theo những gì kẻ khác đang kỳ vọng nơi bạn.
Con người triệt để tự do
Jean Paul Sartre là một trong những triết gia lớn nhất của Pháp; tên của ông đồng nghĩa với chủ nghĩa hiện sinh, trong nỗ lực cùng với người nữ bạn đường là Simone de Beauvoir (1908-1986) trên hành trình tìm kiếm tự do của cá nhân con người giữa một thế giới xa lạ và chập chờn.
Sartre cho rằng các vật đặc thù – như đối lập với sự am hiểu nó trong các phạm trù khái quát – đóng vai trò quan trọng. Trong cuốn tiểu thuyết đầu tay La Nausée (Buồn nôn, 1938), các sự vật cá thể xuất hiện đúng như chúng là chúng, và không chịu để cho bị phân loại thành các hạng mục, tức là bị phạm trù hóa. Cũng có ý nghĩa rằng con người được tự do triệt để, y hệt cách thức các vật cá biệt được hoàn toàn biết tới nhờ yếu tính của mỗi vật, như thế con người không bị hoàn toàn kiểm soát bởi bổn phận và trách nhiệm. Tự do ấy có thể là một đe dọa, nó tạo ra mất định hướng và buồn nôn.
Ngang đây, chúng ta có thể ngoái mặt nhìn lại chương 5 để ngẫm nghĩ đôi chút. Chúng ta được xác định bởi nhiều cái, và chúng ta đảm trách nhiều vai trò khác nhau. Nhưng có bao giờ chúng ta được xác định đầy đủ bằng cách mà chủ nghĩa hiện sinh gợi ý? Có hay không ở đó một bản ngã không chịu để cho bị xếp loại, và nó cứ nhất quyết đòi hỏi phải có cái độc nhất là tự do?
Ba loại hiện hữu của Sartre
Theo Sartre, có ba loại hiện hữu:
1. Hiện hữu trong tự thân (being-in-itself). Hiện hữu trong chính nó. Ðây là sự hiện hữu của những đối tượng không nhân tính, các vật hiện hữu như chúng là chúng.
2. Hiện hữu cho chính nó (being-for-itself). Ở cấp độ ý thức hoặc tự nhân thức, hữu thể nhận biết thế giới chung quanh nó. Nếu chúng ta tự nhận thức, chúng ta không thể bị giảm thiểu thành một vật trong chính nó. Thí dụ tôi có thể làm người đưa thư, nhưng từ ngữ "người đưa thư" – cái là sự vật hiện hữu tự thân – không đủ để mô tả tôi như một con người. Tôi luôn luôn hơn bất cứ sự mô tả nào như thế. Nếu người ta chỉ ứng xử với tôi đơn giản là "người đưa thư", tức là họ làm mất tính người của tôi, họ tách khỏi tôi cái riêng biệt làm cho tôi là một con người.
3. Hiện hữu cho cái khác (being-for-others). Là loài người, chúng ta hình thành các mối quan hệ và phô bày bản tính con người của chúng ta qua các mối quan hệ ấy. Trong tương quan với kẻ khác và nhận thức tự do của chính ta, chúng ta có khả năng sống theo phương cách "đích thực": chúng đang là mình một cách đầy đủ.
Ba điểm tóm lược
Có thể đúc kết những gì đã trình bày ở trên, theo một cách khác, bằng ba điểm:
1. Hiện tượng luận cho phép kinh nghiệm và phản ứng của con người trở thành đối tượng nghiên cứu có giá trị của triết học;
2. Chủ nghĩa hiện sinh thăm dò cách thức con người liên can với thế giới, bao gồm các chủ đề về giá trị, ý nghĩa và cứu cánh; nó nói tới sự tham dự, dấn thân, nhập cuộc, chứ không tới sự quan sát từ một khoảng cách;
3. Nếu giả vờ đóng một vai trò, tôi không bao giờ nhập cuộc hết mình. Ðể sống đích thực, tôi hành động theo một cách thức phản ánh sự tự nhận thức của tôi và sự nhận thức về tự do của chính tôi. Ðây là cái tôi đang là; đây là cái tôi chọn lựa để làm; đây là tôi chân chính.
Nỗi cô đơn của Camus
Ngang đây, tưởng rất xứng đáng dành đôi trang để trình bày về Albert Camus (1913-1960) nhà văn hiện sinh chủ nghĩa sớm qua đời năm 47 tuổi. Là một tác giả Pháp nhưng Camus lớn lên trong môi trường của giới lao động nghèo tại Algiers, Bắc Phi. Từ nơi đó, ông trở thành ký giả, nhà bình luận, tiểu thuyết gia, và được giải Nobel Văn học năm 1957. Cái chết của Camus do bởi lái xe quá nhanh đôi khi bị hoài nghi có ý tự tử.
Tâm điểm tư tưởng của Camus là luận điểm rằng sự hiện hữu của con người là phi lý. Có thể minh họa quan điểm ấy bằng phép loại suy. Chúng ta có mắt để nhìn nhưng để xảy ra hành động nhìn, phải có cái gì đó thật sự được nhìn. Thế thì giả dụ những cái được nhìn bị giấu khỏi tầm mắt, lúc ấy công cụ để nhìn không có khả năng dẫn đưa chúng ta đi đâu cả và chúng ta phải ở trong đêm trường vô tận. Camus cho rằng tình thế ấy phi lý vì trong đó khả năng nhìn mãi mãi bất toại.
Ðiều ấy có thể áp dụng vào cuộc con người truy tầm sự hiệp nhất và truy tầm ý nghĩa sự hiện hữu của con người. Chúng ta nhận biết nhu cầu đòi hỏi phải có ý nghĩa, nhưng với sự băng hà của tôn giáo truyền thống cùng những cái thay thế nó trong các hình thức siêu hình học, chúng ta cũng càng ngày càng nhận ra một thực tế rằng không thể nào toại nguyện đòi hỏi ấy. Lúc đó, chúng ta thấy tính chất phi lý của thân phận con người. Và dường như không có lý do gì để không tự tử.
Trong L’Etranger (Kẻ ngoại cuộc, 1942), tác phẩm mang tính hư vô chủ nghĩa và đem lại tiếng tăm quốc tế cho mình, Camus dùng các trải nghiệm của nhân vật chính Meursault, kẻ hoàn toàn thể không thích nghi với hệ thống đời sống để chứng minh rõ nét sự phi lý của nóù. Tính lương thiện cố hữu của Meursault làm nhiễu loạn nguyên trạng; vì không có khả năng nói dối nên y không thể hội nhập vào xã hội, và rồi tính cách ấy đe dọa các các kết cấu đơn giản mà xã hội cấu trúc ngăn nắp kỳ vọng vào động thái của con người.
Hậu quả là Meursault lãnh án tử hình không phải vì đã giết người mà vì động thái thờ ơ trước việc mẹ mình mới chết. Thậm chí sau cuộc thảo luận tâm linh với một giáo sĩ về con đường cứu độ khả thi, y vẫn không chịu bàn chuyện cứu rỗi và y tượng trưng hóa lời tuyên bố cuối cùng của mình bằng hành động ôm ấp "thế giới hờ hửng mà dịu dàng"; một hành động chỉ làm sâu sắc thêm nỗi cô đơn của y với một xã hội không có khả năng nhận ra động thái dường như phi nhân tính và ghét người của y.
Trong Le Mythe de Sisyphe (Huyền thoại Sisyphus, 1943) Camus quả quyết rằng với sự không chịu khuất phục, con người – được tượng trưng bằng Sisyphus – có thể tạo ra ý nghĩa thông qua hành động tự do bằng sự xác định ý nghĩa được hắn đưa ra cho một hoàn cảnh mà cho tới lúc đó là vô nghĩa. Trọng tâm ở đây là những độc dữ cố hữu một cách tổng quát trong thân phận con người; kinh nghiệm về các chế độ độc tài và phát-xít (thời Ðức chiếm đóng Pháp, Camus là kháng chiến quân tích cực) dẫn đưa ông tới mối quan tâm sâu xa hơn vào những độc dữ do hành động của con người tạo ra.
Một số người thông giải Camus lập luận rằng ông đã đi tới việc nhìn cuộc nổi loạn mang tính siêu hình ẩn chứa trong Le Mythe de Sisyphe như một biểu lộ chính nó trong tự tử hoặc như trong hành động giết người của các cuộc cách mạng phát xít và cộng sản. Ðằng sau nó là nỗi thúc bách phải hủy diệt thế giới hiện hành với những độc dữ của nó.
Bằng việc kết án nỗi thúc bách ấy và những phóng xả của bạo lực cách mạng, Camus lập luận trong các tác phẩm về sau của ông rằng không phải mọi hành động tự xác định đều có thể đáng chấp nhận. Trong La Peste (Dịch hạch, 1947) Camus cho rằng phẩm cách đạo đức và lý tưởng đạo đức của sự cô đơn của con người là những phần hợp thành cuộc nổi loạn của chúng ta chống lại sự vô nghĩa.
IV. Cấu trúc luận
Về đại thể, cấu trúc luận (structualism) – còn được dịch sang tiếng Việt là cơ cấu luận, là thuật ngữ dùng để đề cập tới bất cứ lý thuyết hoặc nghiên cứu nào có khuynh hướng nhấn mạnh tới cấu trúc, tức là những phần hợp thành của một đối tượng, tương quan của chúng và cách chúng hợp thành, hơn là tới chức năng của đối tượng ấy.
Ðây là lối tiếp cận có nguồn gốc từ công trình của nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ Ferdinand de Saussure (1857-1913) và nhà nhân chủng học (anthropology) Pháp Claude Lévi-Strauss (1908- ).
Chủ đề chính của cấu trúc luận là bạn chỉ có thể hiểu điều gì đó khi bạn liên hệ nó với các cấu trúc rộng lớn hơn trong đó nó thao tác. Các sự vật được xác định chủ yếu trong mối quan hệ của chúng với những sự vật khác. Các lối tiếp cận mang tính cấu trúc luận được triển khai trong triết học về ngôn ngữ học, nhân chủng học, và còn dàn trải trong nhiều lãnh vực văn hóa khác như huyền thoại học, nghệ thuật và tổ chức xã hội, v.v.
Ba thí dụ minh họa
Trong nỗ lực góp phần trình bày các khái niệm muôn hình muôn vẻ của cấu trúc luận, ta thử nhìn vào vài thí dụ:
a. Ðể hiểu một từ ngữø, bạn hãy cân nhắc ý nghĩa của nó trong liên quan tới các từ ngữ khác và tới ngôn ngữ như một toàn bộ.
b. Ðể hiểu một lời tuyên bố chính trị, bạn hãy "nhìn" chính trị gia đó, cách thức người ấy trụ lại trong hệ thống quyền lực, cái gì giới truyền thông đang ngóng cổ chờ, và khi đưa lời tuyên bố ấy người ấy cần tới các hiệu ứng nào.
c. Ðể thật sự có thể hiểu "mấy chữ trích dẫn" hoặc "một hàng tiêu đề" trên mặt báo hoặc màn hình, bạn hãy nhìn nó trong liên quan tới cấu trúc của tờ báo đó hoặc chương trình truyền hình mà người ta đặt nó vào đó.
Từ Hussserl tới Lacan
Trong hiện tượng luận của Husserl, có một cái ngã độc lập, có ở đó trước khi xảy tới sự việc bắt gặp hiện tượng, đó là "cái ngã siêu nghiệm". Chủ nghĩa hiện sinh đặt trọng tâm lên cái ngã đó, đặc biệt lên tự do và chọn lựa của nó trong sự nhập cuộc của bản thân nó vào thế giới. Cấu trúc luận – và cách riêng trong triển khai về sau của nó, được gọi là hậu cấu trúc luận (post-structuralism) là một phản ứng chống lại việc đưa cho cái ngã ấy vai trò quan trọng. Giờ đây, theo cấu trúc luận, chính các cấu trúc và các mối quan hệ của chúng đóng vai trò quan trọng ưu tiên.
Jacques Lacan (1901-1981), nhà phân tâm học và tâm lý trị liệu người Pháp, có tác động rất lớn lên môi trường trí thức của Pháp vào các thập niên 60 và 70 của thế kỷ 20. Ngoài ra, ông còn ảnh hưởng lên các nhà tư tưởng hậu cấu trúc luận.
Lacan lập luận rằng chúng ta ban đầu không trở nên các cá nhân được hình thành đầy đủ, cũng như kế đó chúng ta không phô diễn tính chất cá nhân của mình qua ngôn ngữ nhưng qua sử dụng ngôn ngữ chúng ta trở thành các cá nhân, hoặc nếu bạn muốn, có thể nói là các nhân vị. Và ngôn ngữ ấy, với các ý tưởng cùng ngữ pháp của nó, làm chúng ta lùi lại thời điểm. Chúng ta không tạo ra nó khi chúng ta cùng đi với nó mà là chúng ta thừa hưởng nó từ quá khứ.
Vì Lacan chủ yếu là nhà phân tâm học, và mối quan tâm chính được phản ánh trong bộ môn đó là qua sự tuôn trào các ý tưởng một cách tự do mà các ý nghĩ và cảm xúc bị vùi lấp trong tiềm thức có thể hiện lên trên bề mặt. Thật thế, nhằm mục đích chữa trị và biến đổi "cái tôi" nên mới tiến hành việc phân tích tâm lý. Chủ thể xuất hiện qua ngôn ngữ. Dường như đối với Lacan, không có lời nói thì không có chủ thể, nhưng ông còn đi xa hơn khi nói thêm rằng cũng không chút nào có các thực thể siêu hình. Thí dụ, theo Lacan, Thượng đế là một chức năng của "Cái khác" (Other) bên trong ngôn ngữ chứ không là cái gì đó hiện hữu bên ngoài ngôn ngữ.
Hai đặc tính của cả tiền lẫn hậu
Lối tiếp cận cấu trúc luận cũng như hậu cấu trúc luận có chung hai đặc tính:
1. Không có cái ngã siêu nghiệm vốn sở hữu ý tưởng thuần túy nào đó được nó muốn chuyển tải và là cái về sau được diễn dịch một cách bất toàn thành trung gian truyền đạt gồm lời nói, chữ viết và hình ảnh. Ðúng hơn, ý nghĩa chỉ là cái được nói lên hoặc viết ra. Nó được hiểu trong tương quan tới các cấu trúc truyền đạt chứ không liên quan tới tác giả nào đó ở bên ngoài. Câu truyệân chẳng mang ý nghĩa nào cả, câu truyện là ý nghĩa của chính nó.
2. Ðể hiểu rõ văn bản, ta nên tiến hành quá trình giải cấu trúc (deconstruction) để lột trần những tiền giả định của văn bản ấy, đối chiếu những gì được tác giả cho là có ý nói với hình thức thật sự của ngôn ngữ đang được tác giả sử dụng, và đôi khi những tuyên bố mâu thuẫn nhau được hàm ý trong hình thức viết ấy.
Giải cấu trúc được triển khai một cách đặc thù bởi Jacques Derrida (1930-2007), một khuôn mặt rất có ảnh hưởng trong phong trào cùng tên, thậm chí có cả một môn Derria học. Giải cấu trúc là nỗ lực ứng xử nhằm kết liễu siêu hình học. Ðối với Derrida, văn bản không có ý nghĩa cố định hoặc ở bên ngoài nó, cũng không có chủ thể có mặt ở đó trước ngôn ngữ và trước các kinh nghiệm đặc thù. Bạn không thể ra bên ngoài hoặc ở quá bên kia cấu trúc ấy.
Sự kiện tạo tác
Derrida quan tâm tới "cái thật sự" (actuality), vốn liên hệ với các biến cố đang xảy ra. Ðoạn dưới đây trích từ một cuộc phỏng vấn trong đó ông bắt đầu bằng lời giải thích thuật ngữ "Sự thật tạo tác" (artifactuality).
"[Sự thật tạo tác] có nghĩa rằng cái có thật quả thật được chế tạo: điều quan trọng là hiểu những gì tạo thành nó, nhưng điều thiết yếu hơn nữa, đó là thừa nhận rằng nó được chế tạo. Nó không được cung cấp, không được sản xuất một cách chủ động; nó được sắp xếp, đầu tư và thông giải một cách trình diễn bằng một loạt các thủ tục có tính chọn lọc và có tôn ti thứ lớp, nghĩa là các thủ tục không tự nhiên và tạo tác luôn luôn quị lụy quyền uy đa dạng và các lợi ích mà "chủ thể" và các trung gian của chúng mà chúng ta không bao giờ nhận biết đầy đủ, gồm có nhà sản xuất, người tiêu thụ thật sự, những người thông giải lúc nào cũng có mặt, và trong một số trường hợp, còn có các triết gia..."
Nói cách khác, thông tin chúng ta nhận được không trung tính. Nó là sản phẩm của các cấu trúc qua đó phương tiện truyền thông đại chúng thao tác. Thực tế ấy bao hàm những hệ quả thực tiễn:
"Hegel có lý khi bảo các triết gia cùng thời với ông nên đọc báo. Hôm nay, nhiệm vụ giống y như thế đòi hỏi chúng ta phải khám phá cho ra cách làm tin và ai là người làm tin: các nhật báo, tuần báo cũng như tin tức vô tuyến truyền hình. Chúng ta cần nhấn mạnh tới việc nhìn chúng từ một đầu mút khác: của cơ quan báo chí và của máy chạy chữ dùng trong phòng thu hình. Và chúng ta chớ bao giờ quên những gì bị sự việc ấy kéo theo: bất cứ khi nào có một ký giả hay nhà chính trị xuất hiện để nói trực tiếp với chúng ta, [qua máy truyền hình] ngay tận trong nhà của chúng ta và nhìn thẳng vào mắt của chúng ta, thì tức là người ấy đang đọc từ màn hình viết sẵn cho mà đọc của ‘cái máy chạy chữ’, và người ấy đang đọc một bản văn đã được sản xuất ở một nơi khác, vào một dịp khác, có lẽ bởi một người khác, hoặc bởi một mạng lưới gồm hết thảy các nhà văn và các biên tập viên không để danh tính."
(Trích từ The Deconstruction of Actuality, (Sự giải cấu trúc cái thật sư),ï cuộc phỏng vấn với Derrida đăng trong tạp chi Radical Philosophy, Triết học cấp tiến, số Mùa thu năm 1994).
Thế nhưng Derrida cảnh giác chống lại "tân duy tâm chủ nghĩa" (neo-idealism), đó là ý tưởng cho rằng không có gì thật sự xảy ra, rằng tất cả là ảo tưởng chỉ vì nó được phương tiện truyền thông đại chúng đặt vào bên trong một cấu trúc. Ðúng hơn, ông muốn nhấn mạnh rằng giải cấu trúc có liên quan tới sự bắt đầu một biến cố, tới "đơn nhất tính" (singularity), tới cái không thể giảm thiểu và đặc biệt, tới sự cố cá biệt.
Diễn tả cách khác
Ta có thể rút gọn những quan điểm và luận cứ được trình bày trong phần cấu trúc luận này bằng ba điểm:
1. Ðể hiểu cái gì đó, ta hãy nhìn các tương quan của nó và cấu trúc mà người ta đặt nó vào trong đó.
2. Không có chủ thể hiện hữu có trước ngôn ngữ. Tôi có thể nghĩ tới điều gì đó trước khi tôi viết nó ra, nhưng thậm chí việc suy nghĩ ấy cũng bị vay mượn từ toàn bộ truyền thống của ngôn ngữ và tư tưởng.
3. Tin tức đến với chúng ta bằng phương tiện truyền thông đại chúng; nó là sản phẩm của quá trình qua đó thông tin bị xếp loại và trình bày bằng những cách thức đặc thù và thường là để phục vụ một cứu cánh đặc thù. Các biến cố thật sự thì không cái nào giống cái nào, các tường thuật về chúng đặt chúng vào các phạm trù và bắt đầu tô màu lên những thông giải chúng của chúng ta.
VI. Chủ nghĩa hậu hiện đại
Trong một thế giới, nói theo ngôn ngữ hậu hiện đại, gồm các phần mảnh bị vỡ vụn và các bản thế vì không chút nào liền lạc và đúng theo nguyên bản, được mô tả một cách hư cấu bằng đủ loại tự sự, chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện như một phản đề của thời đại lý trí. Nó là một phong trào hơn là một hệ thống triết học.
Chủ nghĩa hậu hiện đại gắn liền với tên tuổi các triết gia như Jacques Derrida, Michel Foucauld (1926-1984), Jean Baudrillard (1920-2007), Jean Francois Lyotard (1924-1998), v.v. Và từ châu Âu, nó tìm được mảnh đất Hoa Kỳ phì nhiêu với các triết gia như Frederic Jameson (1930- ) và Richard Rorty (1931-2007) cùng nhà nhân chủng học Nancy Scheper-Hughes (1944- ), và đủ loại hình nghệ thuật, v.v.
Hậu hiện đại lật ngược hiện đại
Về mặt ngữ học, chủ nghĩa hậu hiện đại là một thuật ngữ khá mơ hồ, dùng để chỉ một số lối tiếp cận vào triết học, văn học, hội họa, thời trang, v.v. có chung một lập trường triệt để bác bỏ quan điểm "thời hiện đại". Như thế, cách tốt nhất để "hình dung chủ nghĩa hậu hiện đại" là phải nhìn rõ những gì được gọi là "chủ nghĩa hiện đại", và hiểu ngược lại.
Tiến sĩ Jane Flax, Giáo sư Chính trị học Howard, Ðại học Washington, trong bài Postmodernism and Gender Relations in Feminist Theory (Chủ nghĩa hậu hiện đại và những tương quan phái tính trong các lý thuyết nữ quyền, 1990) đã làm nổi bật hình ảnh hậu hiện đại bằng một bản duyệt xét và đối chiếu. Bà viết:
"Ðều mang tính chất giải cấu trúc, những luận văn của hậu hiện đại tìm cách làm cho chúng ta hoài nghi và đẩy chúng ta xa khỏi những niềm tin liên quan tới chân lý, tri thức, quyền lực, bản ngã và ngôn ngữ, những gì thường được xem là hiển nhiên và được sử dụng để tạo thế hợp pháp cho văn hóa phương tây đương đại.
"Các triết gia hậu hiện đại ném những niềm tin được rút tỉa từ Thời Khai sáng và hiện vẫn lưu hành trong sinh hoạt văn hóa (đặc biệt tại Mỹ), vào trạng thái triệt để nghi hoặc, thí dụ như sau:
1. Sự hiện hữu của bản ngã [cái tôi] ổn cố và mạch lạc. Những đặc tính cố hữu của bản ngã "Khai sáng" ấy gồm hình thức của lý trí có năng lực tối ưu để nhìn thấu suốt vào các quá trình của chính nó và vào "luật của tự nhiên".
2. Lý trí và "khoa học" của nó – triết học – có thể cung ứng cho tri thức một nền tảng khách quan, đáng tin và phổ quát.
3. Tri thức, được thành tựu từ sự sử dụng lý trí một cách đúng đắn, sẽ là chân lý. Thí dụ, một tri thức như thế sẽ thể hiện cái gì là thật và bất biến (phổ quát) về tâm trí của chúng ta và cơ cấu của thế giới tự nhiên.
4. Lý trí tự nó có phẩm chất siêu việt và phổ quát. Nó hiện hữu độc lập với sự hiện hữu tùy thuộc của bản ngã (thí dụ những kinh nghiệm thân xác, lịch sử và xã hội không tác động lên cơ cấu hoặc khả năng của lý trí trong việc sản sinh tri thức vượt thời gian).
5. Có những liên hệ phức tạp giữa lý trí, sự tự quản và tự do. Mọi tuyên bố về chân lý và thẩm quyền chính đáng đều được đệ trình trước toà án lý trí. Tự do thì gồm sự tuân giữ những luật lệ phù hợp với các kết quả thiết yếu của sự sử dụng đúng đắn lý trí. (Những luật lệ đúng với tôi như một hữu thể có lý tính thì nhất định cũng đúng với các hữu thể khác). Trong khi tuân giữ những luật lệ như thế, tôi tuân theo bộ phận có tính xuyên lịch sử và tốt nhất của tôi (tức là lý trí), và do đó, tôi đang hành xử sự tự quản của mình và đang phê chuẩn sự hiện hữu của mình như một hữu thể tự do. Bằng những hành động như thế, tôi thoát khỏi tình trạng sống bị xác định và thuần túy tùy thuộc.
6. Bằng sự đặt nền tảng lý trí cho những tuyên bố về thẩm quyền, có thể khắc phục các xung khắc giữa chân lý, tri thức và quyền lực. Chân lý có thể phục vụ quyền lực mà không bị bóp méo; tiếp đó, việc dùng tri thức để phục vụ quyền lực sẽ bảo đảm cho tự do lẫn tiến bộ. Tri thức vừa có thể giữ được tính trung lập (thí dụ nó được đặt trên nền tảng phổ quát, không trên những "ích lợi cá biệt") và vừa hữu ích cho xã hội.
7. Khoa học, như một mẫu mực của sự sử dụng đúng đắn lý trí, cũng là mô hình của mọi tri thức chân chính. Khoa học thì trung tính trong phương pháp và nội dung của nó nhưng hữu ích cho xã hội trong kết quả của nó. Qua quá trình khám phá của khoa học, chúng ta có thể sử dụng luật của tự nhiên cho lợi ích của xã hội. Tuy thế, để tạo tiến bộ cho khoa học, các nhà khoa học phải được tự do theo đuổi những qui luật của lý trí hơn là làm thoả mãn những ích lợi phát sinh từ bên ngoài những đàm luận đặt căn bản trên lý trí.
8. Trong ý nghĩa nào đó ngôn ngữ thì có tính trong sáng. Cũng như sự sử dụng đúng đắn lý trí có thể tạo kết quả trong tri thức thể hiện thực tại, ngôn ngữ cũng thế, nó thuần túy là phương tiện diễn đạt mà trong nó, và qua nó, xuất hiện sự thể hiện đó. Có một sự tương xứng giữa ngôn từ và sự vật (như giữa lời tuyên bố chính xác về chân lý và cái là chân lý). Các đối tượng không được cấu trúc một cách thuần túy ngôn ngữ và thuần túy xã hội; chúng chỉ hoàn toàn bộc lộ cho ý thức qua việc định danh và qua sự sử dụng đúng đắn ngôn ngữ."
(Trích đoạn trên của Jan Flax, lấy từ bài viết "Một hồ sơ về chủ nghĩa hậu hiện đại" của Nguyễn Ước, trong tuyển tập Văn học hậu hiện đại thế giới: những vấn đề lý thuyết, NXB Hộâi Nhà Văn, Hà Nội, 2003, tt 498-500)
Không còn hình ảnh cũ
Như thế, quan điểm "hiện đại" mà chủ nghĩa hậu hiện đại phản ứng chống lại nó, là quan điểm xem hình ảnh như là sản phẩm của một chủ thể có nhân tính và độc đáo. Chủ nghĩa hiện sinh, một cách cá biệt, đặt trọng tâm lên bản ngã, sự tự do của nó và những chọn lựa qua đó nó sáng tạo ra chính nó và thế giới của nó. Cấu trúc luận tranh cãi lập trường của những "người hiện đại" suốt hàng trăm năm nay tin vào tính ưu việt của óc tưởng tượng của con người như một nguồn sáng tạo ý nghĩa.
Chủ nghĩa hậu hiện đại còn là thuật ngữ được dùng vượt quá các văn bản của Derrida, Lyotard và những tên tuổi khác. Các tác giả của nó làm việc trong các lãnh vực triết học và phê bình văn học do bởi có thể áp dụng nó trong mọi bộ môn nghệ thuật. Thật thế, ban đầu các ý tưởng hậu hiện đại được thăm dò trong khoa kiến trúc trước khi chuyển sang triết học.
Mọi cái chỉ là bản thế vì
Như Jan Flax có ý nói ở trên, từ "thời hiện đại" trở về trước, hình ảnh được dùng để ngụ ý tới cái gì đó ngoại tại, hiện hữu trong thế giới "thật" hoặc trong ý thức của con người. Nhưng trong chủ nghĩa hậu hiện đại, hình ảnh chỉ là phản ánh các hình ảnh khác – nó không có một hệ qui chiếu hay nguồn viện dẫn cố định. Do đó, không có hình ảnh "đích thực"; đích thực theo ý nghĩa của từ ngữ được người theo hiện sinh chủ nghĩa sử dụng.
Ðối với chủ nghĩa hậu hiện đại, một thông điệp không còn là thông điệp được tác giả sáng tạo gởi tới độc giả tiếp nhận. Ðúng hơn, nó bị dính kết với một khối lượng những cái lặp đi lặp lại, còn gọi là các bản sao, hoặc tệ hơn, các bản thế vì. Chúng ta xáo lộn và sắp xếp các hình ảnh, nhưng chúng ta hoàn toàn không có chút chủ động sáng tạo nào trên chúng. Trong một tác phẩm nghệ thuật, một cuốn tiểu thuyết hay một cuốn phim, lối tiếp cận hậu hiện đại chủ nghĩa phá hoại niềm tin hiện đại chủ nghĩa vốn tin rằng hình ảnh ấy là sản phẩm của ý thức cá nhân.
Hình ảnh mang tính hậäu hiện đại trình bày bản tính giả tạo của chính nó. Tuy nó biểu hiện một cách rất rõ nhưng nó không có chiều sâu. Như thế, thí dụ trong thế giới nghệ thuật, ta có thể lấy Andy Warhol (1928-1987) để làm mẫu mực tương phản với Pablo Picasso (1881-1971) Trong khi, như một người hiện đại chủ nghĩa, Picasso phấn đấu cho một quan điểm độc đáo và một hình thức truyền đạt "lập thể", thì Warhol như một người hậu hiện đại sử dụng pop art với những hình ảnh đại chúng, sản xuất theo khối lượng.
Mọi ghi chép chỉ là hư cấu
Trước các văn bản gọi là mô tả trung thành thực tại, đặc biệt các nghiên cứu hay tường thuật lịch sử, người theo hậu hiện đại chủ nghĩa nêu rõ lập trường của mình:
"[.] một luận văn tuyên bố là mô tả thực tại, thí dụ lịch sử, thì so với tiểu thuyết, nó chẳng có tương quan lớn lao hơn cái được nói tới. Cả lịch sử lẫn tự sự hư cấu đều là những cái thay thế cho thực tại hơn là những bản sao tốt hoặc những bản sao tồi của thực tại. Ðó là căn bản của lời tuyên bố sau đây của Foucauld: ‘Tôi nhận biết rất rõ rằng tôi chẳng bao giờ viết ra cái gì ngoài hư cấu. Tôi không có ý đi xa hơn tới mức nói rằng tiểu thuyết thì ở bên kia sự thật. Dường như đối với tôi, người ta có thể tạo ra một tác phẩm hư cấu bên trong sự thật’."
(Trích đoạn trên là của Fayar Chagany, lấy từ tiểu luận của Nguyễn Ước, sách đã dẫn, t.546)
Tóm lược
Có thể tóm lược đôi nét chính của hai lý thuyết tương phản nhau ấy như sau:
a. Chủ nghĩa hiện đại: Một nan đề và nỗi quằøn quại mang tính hiện sinh chủ nghĩa của một tờ giấy trắng hoặc một hộp màu và các cây cọ với khát vọng được phô diễn bản thân ta bằng một hình ảnh độc nhất vô nhị.
b. Chủ nghĩa hậu hiện đại: Một tập hợp xử lý văn bản đi tới sự giải cứu vì nó chứa đựng sự đa dạng lớn lao các "hình dùng để trang trí" (clip-art) có thể in chúng ra, cho vào hồ sơ, văn kiện nào đó hoặc sắp xếp chúng trên mặt giấy.
Dứt điểm siêu hình học
Những phát triển của công nghệ thông tin và điện toán đã khích lệ và tạo lợi thế cho chủ nghĩa hậu hiện đại – cách riêng truyền thông đại chúng và khả năng tái sản xuất các hình ảnh. Chủ thể cá nhân không còn được xem như người sáng tạo ra các hình ảnh của nó. Những gì chúng ta có vẻ sáng tạo là những gì đang có sẵn chung quanh ta. Chúng ta sản xuất các mặt hàng tiêu thụ. Trong triết học, không có nội dung mang nhiều tính hậu hiện đại, ngoại trừ tính toàn bộ của xã hội. Có nhiều hình ảnh bị xáo lộn nhưng không có cái nhìn thấu thị mang tính siêu hình học để được sở hữu và không có một thực tại siêu nghiệm để biểu hiện.
Tình thế ấy cũng phản ánh trong quan điểm hậu hiện đại, được Lyotard thăm dò. Ông cho rằng những phát biểu về cứu cánh tổng thể của cuộc đời và của xã hội, thí dụ xã hội hiện hữu vì phúc lợi của các thành viên của nó, đôi khi chỉ là "đại tự sự" và chúng đang càng ngày càng bị mất tín nhiệm. Giờ đây, không còn chút nào thực tế khi lập thành những lời phát biểu về bản tính siêu hình của cuộc sống, vì chúng không phản ánh bản tính phần mảnh của xã hội hiện đại.
Nói cách khác, đối với chủ nghĩa hậu hiện đại, bạn không thể ra đằng sau các hình ảnh, các biểu tượng và các hàng hóa được tái sản xuất trong thời đại công nghệ để nhận thức rõ rệt, bằng trí óc hoặc giác quan, tính chất cá nhân, cứu cánh hoặc ý nghĩa. Nó là một quan điểm quét sạch sành sanh những gì từng được biết tới một cách truyền thống như là "bên trên vật lý", được gọi bằng thuật ngữ siêu hình học.
Viết sách là một thí dụ "hậu hiện đại"
Nhằm làm sáng tỏ hơn những gì được trình bày về chủ nghĩa hậu hiện đại, có thể lấy ngay việc viết một cuốn sách, hoặc thậm chí cuốn sách này, để làm thí dụ minh họa.
Từ trước tới nay, người ta có thói quen cho rằng cuốn sách này là của tác giả này, cuốn sách kia là của tác giả nọ. Trên thực tế, dữ liệu làm thành một cuốn sách bao giờ cũng lấy từ nhiều nguồn khác nhau và của nhiều người. Thậm chí khi "sáng tác" một truyện ngắn hoặc truyện dài "hư cấu", người viết cũng phải vay mượn nơi này một ít khung cảnh, nơi kia đôi ba tình tiết, kẻ nọ vài nét mặt, chút cá tính, v.v.
Tôi là người biên soạn , nghĩa là tôi trình bày nó một cách trực tiếp với độc giả. Mục đích của nó là minh họa một số chủ đề có liên quan tới lịch sử triết học và các truyền thống triết học.
Bạn nghĩ ra sao về vai trò của tôi? Bạn có xem tôi là tác giả?
Bạn có thể nói rằng "Y không phải là tác giả; y chỉ thu lượm và gắn kết vào nhau một khối lượng thông tin được người khác cung cấp sẵn". Ðúng thế. Bạn có thể tiếp tục nói rằng "Trong cuốn sách này, tuyệt đối chẳng có chút gì có thể gọi là sáng tạo hoặc mới mẻ!" Lời cáo buộc sau nghe có vẻ nghiêm trọng hơn nhận xét trước, nhưng nó làm cho vấn đề ra phức tạp hơn, vì tự thân việc tuyển chọn ý tưởng của người khác rồi phân tích, sắp xếp và trình bày chúng thì không thể tránh khỏi một tính chất sáng tạo và mới mẻ nhất định.
Nhưng giả dụ tôi quả quyết với độc giả rằng trong cuốn sách này, tôi có nói điều gì đó sáng tạo và mới mẻ. Liệu lời quả quyết đó có thể tìm đươc chứng cớ biện minh cho nó không? Ðể biết có thể hay không thể, tôi đặt một số câu hỏi để bạn nhận xét:
1. Ngôn ngữ tôi sử dụng thì sao? Ý nghĩa của chúng là do xã hội cung cấp sẵn vì xã hội đang sử dụng ngôn ngữ đó; nếu điều đó sai thì có nghĩa là bạn sẽ không hiểu cuốn sách này nói cái gì. Các ý nghĩa của những con chữ trong sách này không phát sinh từ trong tâm trí của tôi mà là từ xã hội, từ người khác và thậm chí từ bạn.
2. Bút pháp được dùng trong cuốn sách để tạo sự đánh động cho các ý kiến mà tôi định viết thì sao? Có phải bút pháp ấy không lèo lái quan điểm của tôi? Tôi có chịu trách nhiệm về nó hoặc có bị nó dẫn dắt, uốn nắn không?
3. Về các ý kiến mà tôi tuyên bố rằng chúng có tính sáng tạo và mới mẻ thì sao? Giả dụ mở vài trang đầu, bạn nhận ra mình biết đã sẵn mọi tài liệu tôi tom góp, mọi triết gia tôi nói tới, thế thì lúc đó bạn có thể dự báo bố cục của cuốn sách và các quan điểm của tôi không? Liệu bạn có thể phân tích các quan điểm của tôi, phô bày các ảnh hưởng, xếp loại bút pháp, đặt các quan điểm của tôi vào trong một truyền thống cá biệt? Nhà phê bình văn học thường chứng minh rằng cái dường như là sự diễn tả độc đáo của "cái tôi tư duy", trong thực tế, chỉ là một công trình đắp vá các ảnh hưởng.
4. Cuốn sách này được viết ra sao cho vừa vặn với hoàn cảnh in ấn, trình độ của độc giả cả về kiến thức lẫn am hiểu chữ nghĩa. Các chương sách cũng đã phải sắp xếp sao cho tương ứng với học trình trong một số phân khoa triết học. Các độc giả chuyên môn, trong số những người quen, cũng đóng góp ý kiến cho tôi về nội dung của nó. Sau cùng, nó còn tiếp thu ý kiến của những người biên tập. Những gì được đề cập đến trong sách thì bị gò bó bởi không gian, cứu cánh và thị trường. Liệu có còn gì là "của tôi" không?
5. Chiếu theo những điểm vừa nói, có lẽ tác giả của cuốn sách này có thể biến mất. Như cả ngàn năm trước, đã có thời người ta chủ trương không nên để tên "người thực hiện" dưới tác phẩm. Cứ "vô danh" là thực tế nhất, phản ánh đúng nguồn đa nguyên của một công trình.
Vậy, nhìn theo quan điểm cấu trúc luận và chủ nghĩa hậu hiện đại, tôi có thể tiếp tục với những cái ấy nội trong cấu trúc tổng thể của ngôn ngữ. Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy mình thỉnh thoảng có quyền đưa mắt ngó ra bên ngoài cấu trúc và trình bày với các bạn độc giả một cách trực tiếp ý nghĩ của mình.
Ðó chính là cái bị cấu trúc luận phủ định. Và thật thế, ý tưởng của một tác giả đưa ra lời thỉnh cầu riêng tư ấy đối với độc giả có lẽ cũng chỉ là một ngụy luận văn học mà thôi. Và thêm lần nữa, có lẽ người biên soạn sách này, như một tác giả, có thể biến mất.
Một ấn tượng cần tránh
Chữ "hậu" trong chủ nghĩa hậu hiện đại không mang tính thời điểm. Cho tới nay, chưa thể nói là đang có "thời hậu hiện đại" tiếp liền và như một đánh dấu thời điểm kết thúc của "thời hiện đại", hiểu theo kiểu "tiền chiến, hậu chiến" hoặc "chiến tranh lạnh, hậu chiến tranh lạnh".
Chữ "hậu" ấy chỉ làm nổi bật tính phủ định và khác biệt trong nội hàm đa dạng của phong trào hậu hiện đại đối với nội dung có tính hệ thống duy lý của hiện đại chủ nghĩa. Ngay trong thời cực thịnh của hiện đại chủ nghĩa đã manh nha các ý tưởng và xuất hiện các tác phẩm hậu hiện đại, đặc biệt trong kiến trúc và hội họa. Hiện nay, hai khuynh hướng hiện đại và hậu hiện đại vẫn song hành. Thậm chí có người còn cho rằng thời hiện đại chưa đi hết con đường của nó, chưa triển khai hết mọi đặc tính của nó, và cái gọi là "hậu hiện đại chủ nghĩa" vì không thể nào có tính hệ thống nên rồi cũng sẽ rơi vào quên lãng như mọi trào lưu tư tưởng thời thượng khác./.