Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.197
123.208.751
 
Ngày xuân xem hát bội
Mang Viên Long

Sinh hoạt ở miền quê tôi chỉ có vẻ tươi tắn, nhộn nhịp lên đôi chút khi có một gánh hát bội nào đó đến lưu diễn tại rạp Sao Mai. Buổi sáng gánh hát dọn đến, ngay buổi trưa cả xã đều đã biết tin. Ngoài chợ, bà con bàn tán về các diễn viên, kể cho nhau nghe về vở tuồng mà gánh hát sẽ diễn vào buổi tối… Mọi người đều có vẻ háo hức, sôi nổi, như họ đang có một niềm vui mới lạ nào chờ đợi.

 

Bọn trẻ chúng tôi thì bao giờ cũng nhiệt tình hơn hết. Ở trường, giờ ra chơi, chúng tôi xôn xao bàn tính đến các dự định vào buổi tối, hay bu quanh một đứa nào nghe lỏm được ở nhà về vở tuồng, đang say sưa kể lại khúc được khúc mất, không đầu không đuôi.

Tôi luôn luôn là kẻ chỉ đứng dựa cột mà nghe, bởi vì tôi biết tôi không còn cha hay mẹ dắt đi theo, không có xu nào để mua vé, và nhất là ông anh cả khó tính của tôi không dễ gì thả cho tôi đi ra khỏi nhà lâu!

 

Nhớ một cái Tết năm học lớp Nhì – lớp Bốn bây giờ, vì không cưỡng lại được tiếng trống thúc giục khán giả vang vọng từng hồi từ rạp hát, tôi đã lén trốn anh, chạy ra rạp để xem thử. Điện thắp sáng choang, các tấm bảng vẽ quảng cáo nhiều vở tuồng đầy màu sắc, chân dung của nam nữ diễn viên được phóng lớn treo dọc vách tường trước cửa, tiếng trống xen lẫn tiếng máy phóng thanh mời gọi mọi người dồn dập… Đứng giữa đám người áo quần sạch đẹp, nói cười dòn dã, tay cầm sẵn tấm vé hay chen nhau ở ô cửa phòng bán vé; tôi không tìm ra được một gương mặt thân thiết nào để đủ can đảm xin họ dắt vào rạp giúp. Trước mắt tôi, lũ trẻ bị họ từ chối, rầy rà, làm tôi càng lo sợ. Cuối cùng, gần đến giờ mở màn, tiếng trống lệnh bên trong đã nổi lên đến lần thứ ba, tôi phải làm dạn cầm lấy cánh tay của một ông già trạc trên sáu chục tuổi. Ông ta quay phắt lại trố mắt nhìn tôi, và bắt gặp ánh mắt van xin khẩn thiết của tôi; ông đành im lặng. Có lẽ ông đang nhớ ra nét mặt quen quen của tôi, hay nhớ tới một đứa cháu tội nghiệp nào đó…

 

Lúc gần đến cửa, chỗ hai nhân viên đang kiểm soát vé, ông quay lại dặn: “Cháu bám chặt vào!”. Thế là tôi qua lọt cửa ải gian nan. Đêm đó tôi được xem vở “Bao Công Tra Aùn Quách Què” mà quên bẵng ông anh đang gầm gừ ở nhà. Đến khuya, tuồng hát mãn, mọi người ra về nói cười, gọi nhau rộn rã, còn tôi phải chạy một mạch về nhà, trong đầu quên mất gương mặt đen sì của Bao Thanh Thiên, mà chỉ hiện ra nét mặt đỏ bừng của anh tôi. Đêm Mồng Bốn Tết năm đó tôi bị “xử án” cột hai tay vào gốc cây sau vườn, tha hồ bị muỗi cắn và sợ ma…

 

Tết năm sau, đoàn “Tân Thành Ban” của ông bầu Văn Chinh lại dọn về rạp Sao Mai . Trước khi gánh hát lục đục dọn đến cả tuần lễ, người ta đã biết rõ tin tức, loan báo cho nhau nhiều chi tiết hấp dẫn: Gánh hát sẽ tăng cường thêm diễn viên nào diễn viên nào, sẽ hát tuồng gì tuồng gì, tại sao bà Mộng Thu sẽ đóng vai Tiết Nhơn Quý thay Văn Chinh trong tuồng “Tiết Nhơn Quý Chinh Đông”… Tóm lại, mỗi ngày, mỗi người, không biết đã đào ở đâu ra những điều mới lạ quanh gánh hát chưa kịp dọn đến rạp để mà bàn chuyện. Kép thì có Văn Chinh, Long Trọng, Tư Cá, Nguyên Lai. Đào thì có Mộng Thu, Ngọc Cầm, Thu An, Bích Thủy. Hề thì ngoài Hề Công, còn có thêm Tư Lé, Minh Hiện… Cái không khí mùa xuân, ngày Tết cũng vì thế thêm gần, thêm rõ, thúc giục mọi người…

 

Khác với người lớn, bọn trẻ chúng tôi chỉ chú ý đến các vai hề, vì mỗi lần họ xuất hiện, là chúng tôi đều ôm bụng mà cười. Chúng tôi cũng tụ nhau nhắc kể lại các pha chọc cười của các vai hề của mỗi gánh hát đã được xem. Bọn chúng tôi đều chịu nhất là Hề Công- ông ta gây cười rất duyên dáng, và cũng rất sâu độc. Hình như lúc xem diễn, bao giờ bọn tôi cũng mong ngóng được thấy họ trên sân khấu. Giống như cuộc đời mà không có những “tay hề” nhũng nhiễu múa may thì cũng buồn…

 

Ba ngày Tết năm ấy, tôi được tự do hơn vì anh tôi bận bịu với vợ con, bè bạn… Tuy có thể đi xem hát mà không bị cột tay vào gốc cây, nhưng ngặt nỗi không có tiền mua vé – dầu chỉ là tấm vé hạng chót. Bọn thằng Thu, thằng Tỷ, thằng Vinh rủ tôi đến rạp hát thật sớm. Đang thơ thẩn trước cửa rạp, xem mấy tấm chân dung của diễn viên được tô màu sặc sỡ, thì người gác cửa gọi chúng tôi lại – hỏi : “Chúng mày muốn xem hát tuồng không?”. Cả bọn nhao nhao lên: “Muốn. Muốn”. Gã ta ra lệnh : “Vào khiêng chiếc trống đến chỗ kia, thay phiên nhau đánh, đến lúc gần mở màn tao cho khiêng vào rạp, ở trong đó coi luôn!”.

 

Thật là may mắn. Và sung sướng. Bọn tôi luân phiên đánh trống, từ lúc xế chiều cho đến tối mịt, rồi được khiêng trống ngang nhiên đi vào rạp giữa bao cặp mắt thèm thuồng của lũ trẻ không có tiền vào cửa. Đêm đó, tuy hai cánh tay đứa nào cũng muốn rã ra, nhức mỏi, nhưng bù vào đã được xem ông Văn Chinh đóng vai Tiết Đinh Sang, còn bà Mộng Thu đóng vai Phàn Lê Huê, trong vở “Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê” hấp dẫn…

 

Chiều hôm sau, dầu cho hai cánh tay vẫn còn ê ẩm, chúng tôi lại hẹn nhau ra rạp hát. Bọn tôi đến sớm như hôm qua, nhưng bọn thằng Bổn, thằng Minh, thằng Hùng - cà lại có mặt sớm hơn : Chúng đang loay hoay kê chân trống, cầm cặp dùi, chuẩn bị thay phiên nhau đánh…

 

Theo lời chiếc xe ngựa đi quảng cáo vào buổi sáng cho biết, đêm nay sẽ diễn vở “Hộ Sinh Đàn” của Đào Tấn. Tôi được nghe nhiều người kể rằng, ông Đào Tấn làm quan tới chức Thượng Thơ, Cơ Mật Viện Đại Thần, nhưng ham mê viết tuồng hát hơn chuyện quan trường, danh lợi. Ông còn quy tụ nhiều nghệ sĩ dạy họ hát, tập họ diễn, làm thành một đoàn hát rất nổi tiếng trước đây. Ông được coi là Tổ của ngành hát bội, hiện quê ông ở Vinh Thạnh – Tuy Phước, vẫn còn đền thờ. Cả ở Huế cũng còn đền thờ Tổ Đào Tấn nữa… Vở “Hộ Sinh Đàn” là một vở tuồng rất hay của ông, nếu không được xem, có lẽ tôi sẽ tiếc lắm, vì ít có dịp được xem lại.

 

Chúng tôi đều buồn thiu như vừa mới đánh mất một cơ hội đáng giá ngàn vàng. Đang thất vọng cùng cực thì thằng Thu chợt reo lên : “Tao có cách rồi!”. Thằng Tỷ sốt ruột : “Cách gì? Nói lẹ đi, mày!”. Thu kéo chúng tôi qua bên kia đường, bày kế : “Bọn mình đứng chơi ở đây, đợi khách vào rạp đông một chút, cùng nhau lội mương qua phía sau hông rạp. Giữa vách tường của rạp với sau vườn nhà bên cạnh, có một giếng nước. Một nửa ở phía trong, một nửa ở phía ngoài. Bọn mình cứ từng đứa vịn bờ giếng ngoài, ngóc đầu lên phía bên kia, rồi leo qua…”.

 

Dự tính của thằng Thu được thằng Tỷ, thằng Vinh tán thành ngay, khen là diệu kế, vì nghe rất gọn. Tôi im lặng vì còn phân vân, chưa biết phải làm thế nào để vào rạp xem “Hộ Sinh Đàn” cho được an toàn hơn là cách phải chui qua miệng giếng.  Rủi ro bị rớt tủm xuống giếng thì sao? Tôi thử đề nghị: “… Hay là mình trèo lên mái nhà hai bên hông rạp, chui qua mái rạp còn chừa trống, rồi nhảy xuống?...”. Thằng Vinh phản đối liền: “Thôi đi cha, đường đó bị lộ rồi… Tối hôm qua tụi nó vừa mới thò đầu vào, đã bị tóm mấy trự…”.

 

Cuối cùng tôi cũng đành phải chọn cách theo thằng Thu lội qua mương để mong sẽ được thấy tận mắt một Tiết Cương “anh hùng mang nặng gánh non sông”,một Lan Anh “trọn nghĩa trọn tình”, một Tiết Bất Nghĩa “bạc nghĩa, bạc tình – ham danh lợi, phản bạn tâm giao”, một Dương Tú Hà “chẳng phụ ân là nghĩa, giữ trọn tiết là trinh”…

 

Lúc đã đứng bên miệng giếng, cả thằng Tỷ, thằng Vinh cũng bắt đầu ngần ngại. Tới phút này, có lẽ chúng mới biết rõ rằng, cách chui qua miệng giếng của thằng Thu không gọn chút nào. Nói thì xuôi tai, nhưng làm thì khó trôi chảy. Thu lên tiếng :”Bọn bay sợ thì để tao vào trước!”. Nói dứt lời, Thu dang hai tay vịn vào thành, đu người xuống, bám chặt hai chân, ngóc đầu sang bờ giếng phía trong, lẹ làng chuyển hai tay qua… thế là thằng Thu đã được vào trong rạp hát ngon lành. Thằng Vinh nói với Tỷ : “Mày vào đi!” – nó dặn thêm : “Nhớ đứng đó chờ kéo tao lên nghe không?”. Một phút e ngại, Tỷ cũng bám hai tay vào thành, đu người xuống, ngóc đầu lên, đổi dần hai tay qua… Thằng Tỷ cũng vào được an toàn tuy có vất vả hơn thằng Thu. Còn lại bên này là Vinh và tôi, hai thằng nhác gan nhất trong bọn. Vinh vỗ vai tôi: “Mày vào trước đi!”. Tôi lo sợ : “Không- mày vào trước…”. Vinh bắt chước các động tác của Thu và Tỷ, nhưng vì đôi tay run, hay hai chân bị trợt bởi rong rêu; tôi thấy đầu nó bị tụt xuống… Tôi hốt hoảng vội với tay xuống miệng giếng, kéo ghì hai vai áo nó lên. Phía trong, Thu và Tỷ cũng vừa kịp mỗi đứa giữ một cánh tay nó, lôi lên một cách khó nhọc như lôi một bao bột mì!

 

Bây giờ chỉ còn lại một mình tôi bên này bờ giếng tối om. Vắng vẻ. Mỗi lần thử đặt tay lên thành giếng, là y như người tôi run lên. Tôi cảm thấy nước mương còn ướt đang làm tôi lạnh. Tôi nghĩ đến lòng giếng sâu, đen ngòm, chợt rùng mình, lo sợ. Tôi quyết định dò dẫm từng bước ra khỏi khu vườn, lội qua mương, trở về…

 

Đã hơn bốn mươi năm trôi qua, cuộc đời đổi thay, chúng tôi mỗi người một ngã: Thu sau khi thi hỏng Tú Tài một hai năm, đi lính, đã chết từ lúc anh vừa mới hai mươi mốt tuổi. Vinh thi đậu Tú Tài hai hạng ưu, được đi du học ở Pháp, rồi sống luôn bên ấy. Tỷ theo gia đình vào vùng Chợ Lớn nhờ cậy người đồng hương giúp đỡ làm ăn, đã cùng gia đình ra nước ngoài theo diện người Hoa cách đây gần hai mươi năm. Chỉ còn một mình tôi trở lại quê nhà sau nhiều năm phiêu bạt đó đây với nghề “bán cháo phổi”.

 

Những ngày gần cuối tháng chạp năm ngoái, tôi nhận được điện thoại của anh tôi từ nước ngoài gọi về cho biết anh sẽ về Sài Gòn để làm đám cưới cho một đứa con trai ở Nhật: “… Tụi nó gặp nhau ở Nhật, thương nhau, nhưng sẽ về Sài Gòn tổ chức lễ cưới, vì ở quê còn nhiều bà con, chi phí rẻ, lại được ăn Tết… Thế nào chú cũng phải vào để cùng tôi lo cho cháu nhé!”.

 

Tết gần kề, tuy rất bận, nhưng tôi đã thu xếp để ra đi, vì muốn gặp lại anh tôi sau nhiều năm xa cách và vắng tin. Hai lễ cưới và rước dâu tổ chức ở nhà riêng vào buổi sáng, còn tiệc liên hoan được đãi ở nhà hàng Đồng Khánh vào buổi chiều. Tôi đến Đồng Khánh đúng giờ hẹn cùng với đứa con gái đang làm việc ở Công ty Dược phẩm dược liệu CaViMedic.

 

Vừa bước qua khung cửa kính để đến phòng thang máy, thật lạ lùng- tôi đã nhìn thấy Vinh đang ngồi ở chiếc bàn tròn đặt giữa phòng với một người đàn bà đẹp, gương mặt tròn đầy, phúc hậu. Tôi đến gần, và Vinh cũng vừa kịp nhận ra tôi: Anh đứng dậy, xô ghế, bước lại: “Viên phải không? – Trời ơi…”. Chúng tôi cùng ôm nhau, khá lâu, Vinh nói : “Ngồi đây với bọn mình một chút đã…”. Tôi hỏi: “Cậu về quê ăn Tết à ?”. Anh kéo ghế, cầm tay tôi, ấn tôi ngồi xuống – cười: “Thỉnh thoảng mình cũng về nước ăn Tết… Người thân mình ở đây còn nhiều.” – “Sao không về ngoài quê ăn Têt một lần?”. Suy nghĩ một phút, anh lại cười: “Người thân mình đã vào đây cả rồi, ngoài quê chẳng còn gì…”. Tôi nói chậm rãi – giọng buồn buồn: “Cậu nói thế thì chưa đúng hẳn, ngoài quê mình còn nhiều chứ, chẳng hạn như mấy gánh hát bội…”. Vinh chồm lên, lấy tay đập vào vai tôi, cười thoải mái : “Ông nhắc làm tôi nhớ mãi cái đêm mồng Ba Tết đi xem “Hộ Sinh Đàn” của Đào Tấn… Bên ấy, tôi cũng có mấy cuốn băng Video ghi tuồng hát bội, có cả “Phụng Nghi Đình”, “Tiết Nhơn Quý Chinh Đông”, và “Hộ Sinh Đàn” nữa! Lâu lâu, mình cũng có xem lại với các con, bè bạn đồng hương …”.

 

Đứa con gái tôi đang đứng ở gần phòng thang máy chờ, tôi gọi nó lại, giới thiệu với vợ chồng Vinh : “Đây là đứa con gái giữa của tôi, dược sĩ…”.

 

Khách mời đã lần lượt lên phòng tiệc, tôi xin tạm biệt anh. Vinh rút trong ví ra trao cho tôi một tấm danh thiếp – dặn: “Ông nhớ viết thư hay gọi điện cho tôi nhé!”.

-Bao giờ thì cậu mới có dịp về ngoài quê ăn một cái Tết?

-Tôi đang ao ước….

-Tôi sẽ đợi cậu về, để cùng nhau ra rạp Sao Mai…

Tất cả chúng tôi đều cười…

 

Quê nhà, tháng 10.2000

Mang Viên Long
Số lần đọc: 2904
Ngày đăng: 05.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cảm Thức Mùa Xuân - Lê Huỳnh Lâm
Nghĩ về giáo dục - Nguyễn Trung
Ngũ Thư giới thiệu cho ta một dân tộc - Nguyễn Hữu An
Món quà của ông Obama - Vũ Trà My
Hồn Tết - Nguyễn Thúy Ái
Tản mạn về Trâu - Nguyễn Khắc Phước
Mồng một tết : Lộc Bình An - Nguyễn Hữu An
Lớp trẻ - Vũ Ngọc Tiến
Mùa Xuân Chín - Nguyễn Hữu An
Ăn tết – phiếm đàm về cái sự ăn! - Trần Huy Thuận
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)