Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.214.280
 
Nguyễn Tuyết Lê Sen
Huỳnh Văn Úc

Cách đây gần ba mươi tháng,  tôi sinh cháu trai thứ hai, thằng chó con của tôi đẹp như thiên thần, cái mũi dọc dừa thì chồng tôi nhận là của anh ấy, cái miệng với đôi môi hình trái tim, mái tóc đen nhánh và dày là của tôi, còn đôi mắt đen láy, trong veo- lớn lên liếc nhẹ một cái thế nào cũng có khối cô xin chết-thì cứ xem là giống cả hai. Đó là xét những nét trên khuôn mặt thì giữa chúng tôi có ký biên bản ghi nhớ như thế, nhưng nếu xét một cách toàn diện, nghĩa là thêm cả mình mẩy, chân tay, tiếng khóc, nụ cười...thì chồng tôi cứ nhận là giống anh ấy như đúc. Cho nó gọn!

 

Từ trước khi tôi sắp sinh, việc xét tuyển một người giúp việc gia đình đã trở nên cấp thiết. Bà con, bạn bè giới thiệu nhiều ứng viên, nào Miên, nào Mỵ, rồi Hoa với lại Dẻo, người ở nông thôn, kẻ ở ngay ngoại thành Hà Nội, đều là mấy bà sồn sồn trên dưới năm mươi, nhưng người thiếu điều kiện này, kẻ chưa đáp ứng điều kiện kia, nên tôi cứ chần chừ chưa quyết. Mãi đến khi hết thời hạn nghỉ đẻ 4 tháng, tôi phải đi làm mà vẫn chưa tuyển được, phải triệu bà nội lên giúp, bà nội oải rồi thì bà ngoại đến thay. Chiều hôm đó, lòng hồi hộp, tôi đẩy cửa bước vào nhà. Mẹ tôi  vừa có cuộc gặp mặt với Nguyễn Tuyết Lê Sen, cuộc gặp thành công ngoài mong đợi. Mẹ tôi tả lại cuộc gặp gỡ:

- Bác ấy độ gần năm mươi, không có chồng con, quê ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng, còn hai ngày nữa thì hết hợp đồng với nhà chủ ở Mai Động, nếu vợ chồng con đồng ý thì ngày kia bác ấy có thể đến giúp. Người trông cũng sạch sẽ, nhỏ nhắn, có lẽ chỉ thấp hơn con một ít. Người ta đi giúp việc nhà trên Hà Nội này đã có thâm niên rồi, thằng bé nhà chủ đến tuổi đi học mẫu giáo lớn,  nhu cầu của chủ cũ không cấp thiết lắm, nên bác ấy mới có thể nhận lời giúp cho nhà ta.

- Qua tiếp xúc ban đầu, mẹ có cảm tưởng thế nào hở mẹ ?

- Yên rồi mẹ kể. Bác ấy gõ cửa: " Xin hỏi đây có phải là nhà cô Hân không?"; " Đúng rồi!"; " Sao nhà vắng thế hở bác?"; "Giờ hành chính, vợ chồng nó đi làm, thằng nhớn đi học, còn thằng cu con thì ở nhà với tôi. Tôi già và lẩm cẩm rồi, nói thật với chị, trông trẻ con vất lắm, tôi không kham nổi". Bác ấy nhìn qua một lượt phòng khách và gian bếp: " Bếp ga âm, lò vi sóng, máy xay sinh tố, tủ lạnh thì cháu đã trông thấy rồi. Ti vi 21 inchs, hơi bé, nhưng không sao. Thế máy giặt nhà mình để đâu?"; " Ngoài hành lang, chị ạ!"; " Lồng đứng hay lồng ngang hở bác?"; " Lồng đứng"; " Hơi bị cổ lai hy, nhưng không sao. Cháu hỏi thế để biết được những phương tiện nhà ta đang có để giúp cháu trong việc thực thi nhiệm vụ". Mẹ nghĩ, có lẽ bác ấy là người cẩn thận nên mới hỏi thế.

- Thế công xá thế nào hở mẹ?

- Khởi điểm tám trăm (ngàn), trong quá trình làm việc điều chỉnh sau.

 

Tôi đánh giá cao cái tính cẩn thận, lại thêm bề dày kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ con, thế là Nguyễn Tuyết Lê Sen đến giúp việc cho nhà tôi, ngày tháng thoi đưa, thấm thoắt thế mà cũng đã hơn hai năm, hai năm ngọt bùi cay đắng biết bao nhiêu tình, những kỷ niệm dở khóc dở cười với Nguyễn Tuyết Lê Sen có lẽ còn lâu tôi mới quên được.

 

Nguyễn Tuyết Lê Sen! Cái tên hơi lạ làm tôi loay hoay mất một thời gian để tìm cách giải thích. Cầm tấm chứng minh thư với cái tên Nguyễn Thị Sen để khai báo với người có trách nhiệm theo dõi tạm trú, rồi nhìn bác ấy, tôi chợt hiểu tại sao lúc lọt lòng, cha mẹ lại đặt tên là Sen. Cụ Hoàng Cầm tả con gái Kinh Bắc ai về bên kia sông Đuống/có nhớ từng khuôn mặt búp sen- khuôn mặt búp sen đẹp lắm mới làm người ta nhớ nhung đến vậy- người đối diện với tôi sở hữu một khuôn mặt như thế, tuy da dẻ có màu bánh mật chứ không được trắng hồng như búp sen. Dẫu vậy, ngày còn trẻ khuôn mặt ấy chắc đã làm say đắm bao nhiêu chàng trai, nhưng có lẽ do sự éo le nào đó của số phận, bây giờ bác ấy vẫn sống độc thân. Mà các bà cô độc thân chúa là khó tính. Sở hữu khuôn mặt búp sen, nhưng quê bác ấy không phải xứ Kinh Bắc, mà là Vĩnh Bảo, một huyện thuần nông nằm ở phía Tây Nam thành phố Hải Phòng- cái huyện có hàng trăm hecta ruộng thuốc lào xanh mút tầm mắt, từ đó hàng trăm tấn thuốc lào toả đi các nơi, làm các bác nông dân đồng bằng Bắc Bộ nhớ ai như nhớ thuốc lào/đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên. Thế còn Tuyết Lê thì tại làm sao? Nhà thơ Nguyễn Bính trách cô gái quê hôm qua em đi tỉnh về/hương đồng, gió nội bay đi ít nhiều. Em chỉ mới lên tỉnh hôm qua, hương đồng gió nội đã bay mất một ít, huống hồ em lại ở hẳn Hà Nội giúp việc nhà trong từng ấy năm, thì Tuyết Lê không có gì là khó hiểu. Tôi khai với người theo dõi tạm trú:

- Họ và tên: Nguyễn Thị Sen;

- Họ tên thường dùng: Nguyễn Tuyết Lê Sen.

 

Tôi là một công chức quèn, làm biên dịch ở tờ báo tiếng Anh của một bộ nọ, tuy có bằng đại học chính quy nhưng lương cứng ít ỏi, còn lương mềm trả theo đơn vị một nghìn từ được chín chục ngàn, nên thu nhập chẳng được bao nhiêu; còn chồng tôi làm kinh doanh ở  Công ty cổ phần có 30% vốn nước ngoài, lương, bổng và thưởng cộng lại cũng kha khá. Do nhiều nguyên nhân may mắn, nên chúng tôi mua được căn hộ ở tầng 7, nhà CT6, đơn nguyên 5 ở khu đô thị Mỹ Đình. Ai đã đọc 'Tái ông mất ngựa'- viết trong sách Hoài Nam Tử của Trung Quốc-thì biết trong cái rủi có cái may và ngược lại. Tưởng là may lại hoá rủi, chúng tôi lọt thỏm giữa những hàng xóm sống sung túc, lương cao ngất ngưỡng, tuy mức lương ôsin ai cũng căn cứ vào mặt bằng chung của xã hội để trả, nhưng mức lương của những nhà này làm cho Nguyễn Tuyết Lê Sen thở dài sườn sượt sau những cuộc tụ tập chuyện vãn trở về, rồi thì mặt nặng mày nhẹ, nói bóng nói gió, làm khó làm dễ.

 

Chuyện khó với dễ đầu tiên xảy ra khi thằng bé con được gần 18 tháng, mọi người đi làm, thằng lớn đi học, hai bác cháu ở nhà trông nhau, chả biết lơ đểnh thế nào mà thằng bé xô đổ cái phích nước sôi dựng cạnh chân bàn, may mà Nguyễn Tuyết Lê Sen đưa tay đỡ nhưng rồi lại hụt, tuy chỉ còn lưng phích nước nhưng phích vẫn vỡ làm nước ngấm qua chiếc tất, thằng bé bị bỏng mép bàn chân trái. Nghe tiếng kêu hốt hoảng, ôsin các nhà lân cận chạy đến, người thu dọn, kẻ động viên an ủi, người tìm cách sơ cứu. Chiều hôm ấy tôi đi làm về muộn, trông thấy con cổ tôi đã nghẹn lại, ôm lấy nó vỗ về, mắt tôi hoe đỏ. Tôi chỉ nựng nịu và an ủi con, chưa có lời nào trách cứ Nguyễn Tuyết Lê Sen cả. Chắc bác ấy cũng biết lỗi, nên lẳng lặng đi làm các công việc bề bộn buổi chiều, cũng không thanh minh lời nào.  Dọn xong bữa cơm tối bác ấy im lặng đi ra ngoài, cả nhà chờ không được nên ăn trước. Một lúc lâu mới thấy về, mời cơm thì chỉ nói gì đó lí nhí không rõ, tôi hiểu ngay là tuyệt thực. Nói cho nghiêm trọng vậy thôi, chứ bấm thang máy xuống sân, hàng cháo gà, hàng phở, hay chỉ qua quít bánh trái gì đó cũng qua được bữa. Mặc cho chúng tôi dỗ dành, động viên, sự tuyệt thực kéo dài thêm ba bốn bữa ăn nữa, làm chúng tôi đến hồi sốt ruột. Rồi cuối cùng thì có tin nhắn ở quê lên, thằng cháu họ xa, gọi bằng cô-không hiểu bắn đại bác có tới không-ăn hỏi, như vậy là phải về quê cho thêm phần long trọng, chưa biết mấy hôm. Tôi đành phải trả tiền lương, cộng thêm suất tàu xe đi đường, lại cẩn thận có thêm tí chút để cô về mừng cháu. Đúng vào lúc báo đang chuẩn bị ra số đặc biệt, việc nhiều như núi, tôi không báo nghỉ được, đành triệu bà ngoại lên đỡ cho mấy hôm. Lên đến nơi, nghe sự việc, mẹ tôi bĩu môi:

- Sao bác ấy lại xử sự như trẻ con thế, mà chúng mày cũng nhẹ nhàng, hữu khuynh quá đi thôi, làm thế về sau họ lại càng lấn tới.

 

Cuộc khủng hoảng phích nước sôi rồi cũng nhanh chóng qua đi, chúng tôi chỉ hồi hộp đoán già, đoán non độ hơn ba ngày rồi thì Nguyễn Tuyết Lê Sen lại từ quê trở lên để giải phóng cho bà ngoại, ngay ngày hôm sau chúng tôi vui vẻ tự nâng mức lương lên thành 850.000 đ. Bác cháu lại ru nhau ngủ:

Thành phố nào nhớ không em ?

Nơi chúng mình tìm phút êm đềm

Thành phố nào vừa đi đã mỏi

Đường quanh co quyện gốc thông già...

Thằng bé mắt lim dim, thỉnh thoảng lại mở mắt ra nhìn bác. Tôi và chồng tôi ý nhị nhìn nhau, tôi nói thay ý nghĩ của anh ấy:

- Em thấy bài đó hình như là nhạc vàng, sợ cháu nghe sớm có làm sao không hở bác?

- Cô Hân không biết đấy thôi, bài Thành phố buồn trứ danh của Lam Phương đấy, điệu bolero nhẹ nhàng, ca từ dung dị và đậm chất thơ. Mà thôi, cô không thích thì ta dùng tạm dân ca vậy:

Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi, 

Anh ơi, em vẫn đợị.. í i ì... bèo dạt

Mây í i ì... trôi,

chim sa, tang tính tình... í i ì..., cao vời

Một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ

sao chẳng thấy anh...

Tài thật! Chỉ đến ba bốn tin chờ sao chẳng thấy anh...thì thằng bé đã ngủ say, Nguyễn Tuyết Lê Sen kéo tấm chăn mỏng quàng qua người nó, buông màn rồi nhẹ nhàng bước xuống giường đi làm việc khác. Tôi hơi bất ngờ với cái vốn và sự hiểu biết âm nhạc của Nguyễn Tuyết Lê Sen, tuy vậy rồi cũng tìm được lời giải thích. Ngần ấy năm sống với chủ cũ ở Mai Động để trông nom đứa bé, rồi thì ti vi, băng đĩa, người tinh ý và có ký ức tốt thì cơ hội học hỏi để trở thành ca sĩ không thiếu. Thật đáng đồng tiền bát gạo chúng tôi bỏ ra để một ca sĩ như thế chăm bẵm cho con mình!

 

Nguyễn Tuyết Lê Sen còn là một nhà sư phạm có tài, cái tài ấy đã cứu chồng tôi khỏi một bàn thua trông thấy. Vào quảng thời gian thằng bé ngoài hai mươi tháng, nó bắt đầu tập nói và nói được những câu ngăn ngắn đầu tiên. Ăn cơm tối xong, cả nhà ngồi xỉa răng uống nước, trên ti vi đang là buổi phát hình thời sự, thằng anh chỉ vào tôi rồi hỏi nó:

- Tí Tồ nói đi, ai đây?

Nó toét miệng ra cười:

- Mẹ

Lại chỉ tiếp vào bố:

- Ai đây?

- Bú

Cả nhà bật cười, thằng anh vội vàng đính chính:

- Bố chứ! Tí Tồ nói lại đi! Bố.

- Bú!

Nói xong, nó cười : Hi hi! híc híc! ra chiều vui vẻ lắm. Thôi thì đất không chịu giời, thì giời phải chịu đất vậy, từ hôm ấy trở đi, nó cứ nhất định gọi là bú chứ không chịu gọi bố. Chồng tôi không vui lắm khi bị gọi là bú, tuy vậy cũng đành chịu trận mà chẳng biết phải làm gì. Đúng một tuần sau cái buổi tối vui vẻ ấy, không hiểu Nguyễn Tuyết Lê Sen dạy dỗ uốn nắn thế nào, thằng bé chịu gọi chồng tôi là bố một cách tự nguyện. Nghe những ôsin hàng xóm kể lại, trong lúc tôi và chồng tôi đi làm, thằng lớn đi học, Nguyễn Tuyết Lê Sen đã dày công uốn nắn dạy đi dạy lại, có lúc phải doạ nạt làm thằng bé khóc thì mới được như thế. Một ca sĩ có hạng, một nhà sư phạm có tài! Tôi còn mong muốn điều gì hơn nữa?

 

Cuộc sống màu hồng êm ả trôi như thế độ hơn dăm tháng thì lại thấy mặt nặng mày nhẹ. Rồi lãn công, tôi đi làm về muộn thấy rau ăn buổi chiều vẫn chưa nhặt và ngâm, nồi cơm điện chưa cắm, kiểu này phải hơn bảy rưỡi tối chưa chắc đã được ăn cơm. Sau rồi tôi cũng hiểu ra nguyên nhân. Về sâu xa, đó là do tình hình lạm phát mấy tháng gần đây không khống chế được, đều trên hai chữ số phần trăm, gần hơn, đó là do hội nghị các ôsin đã thông báo cho nhau mức lương mới của các nhà hàng xóm, có nhà đã trên một triệu/tháng. Thế này thì tôi theo làm sao được? Bàn mãi với chồng, nếu muốn giữ người ta thì phải bấm bụng nâng mức lương lên tròn một triệu/tháng, mà như thế cũng đã vào loại thấp so với hàng xóm.

 

Than ôi! Tôi là người nhà nước, lương bổng phải mấy năm mới lên được một bậc, mà bác cứ theo quy luật thị trường để đòi hỏi mức lương thì làm sao tôi theo được, tôi sống được đây, hỡi Nguyễn Tuyết Lê Sen!

 

Hà Nội, tháng 2-2009

Huỳnh Văn Úc
Số lần đọc: 3063
Ngày đăng: 05.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mẹ và Con trai - Nguyễn Thúy Ái
Bà lão hàng xóm - Huỳnh Văn Úc
Đêm thánh vô cùng - Sương Nguyệt Minh
Đêm biển động - Nguyễn Minh Phúc
Lõm to - Trần Kỳ Trung
Lại một mùa xuân - Mang Viên Long
Man đảo - Trương Thái Du
Những mảnh lụa… - Lê Xuân Tiến
Hồn trầm - Văn Xương
Chết nơi đất khách - Ngô Kế Tựu
Cùng một tác giả
Nguyễn Tuyết Lê Sen (truyện ngắn)
Dã man ! (truyện ngắn)
Ngỡ ngàng (truyện ngắn)
Trực chiến (truyện ngắn)
Mèo ơi ! (truyện ngắn)
Cu Tí (truyện ngắn)
Ký ức Trường Sơn (truyện ngắn)
Ba điều ước (truyện ngắn)
Bà lão hàng xóm (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Nể vợ mày (truyện ngắn)
Chồng tôi và thơ (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Trả nợ miệng (truyện ngắn)
Phố tím (truyện ngắn)
Người em họ (truyện ngắn)
Thủ trưởng (truyện ngắn)
Chị Bông (truyện ngắn)
Có thờ có thiêng (truyện ngắn)
Thằng Bờm mất ao (truyện ngắn)
Số phận con Cún (truyện ngắn)
Một mất mười ngờ (truyện ngắn)
Ai thắng ai ? (truyện ngắn)
Con cá chép (truyện ngắn)
Lão Hạp (truyện ngắn)
Bánh vẽ (truyện ngắn)
Hoa cỏ may (truyện ngắn)
Có tật giật mình (truyện ngắn)
Số đỏ (truyện ngắn)
Thằng nhà quê (truyện ngắn)
Xung đột (tạp văn)
Luật rừng (truyện ngắn)
Tai qua nạn khỏi (truyện ngắn)
Ngủ đường (truyện ngắn)
Hoa hồng có gai (truyện ngắn)
Anh yêu em! (truyện ngắn)
Song Hỷ (truyện ngắn)
Luân hồi (truyện ngắn)
Chuyện động trời (truyện ngắn)
Bộ mặt thật (truyện ngắn)
Thằng mất dạy (truyện ngắn)
Tấc đất tấc vàng (truyện ngắn)
Cái vạ văn chương (truyện ngắn)
Sinh ngày 13 tháng 7 (truyện ngắn)
Ngẩu pín (truyện ngắn)
Bản ấn đền Trần (truyện ngắn)
Nhạc vàng (truyện ngắn)
Một thời vang bóng (truyện ngắn)
Con vẹt (truyện ngắn)
Đồ quỷ! (truyện ngắn)
Tinh thần thể dục (truyện ngắn)
Ngọn lửa bất diệt (truyện ngắn)
Bóng đè (truyện ngắn)
Bất hiếu (truyện ngắn)
Dỗi (truyện ngắn)
Chiến tranh (truyện ngắn)
Thơ thẩn (truyện ngắn)
Ông ngoại (truyện ngắn)
Tình muộn (truyện ngắn)
Giông tố (truyện ngắn)
Nạp Phi (truyện ngắn)
Lời Trăn Trối (truyện ngắn)
Theo đóm ăn tàn (truyện ngắn)
Ngục Trung Ký Sự (truyện ngắn)
Cá Gỗ /Stop! (truyện ngắn)
Đẻ Khó (truyện ngắn)
Thơ Lạc Vần (tạp văn)
Putin Rơi Lệ (đối thoại)
Oan Cho Hắn Quá! (đối thoại)
Khổ Thân Thằng Mõ (đối thoại)
Kê Cân (đối thoại)
Một Phần Vạn (đối thoại)
Vũ Như Cẩn (tạp văn)
Chuyện chàng cốc sĩ (truyện ngắn)
Ksenia Sobchak (đối thoại)
Ngọn giáo (đối thoại)
Anhekđot (đối thoại)
Alexey Navalny (nhìn ra thế giới)
Tổng thống suốt đời (nhìn ra thế giới)
Tổng thống và rượu (nhìn ra thế giới)
ĐỐI THOẠI (truyện ngắn)