Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.211.775
 
Lạm phát thơ đối mặt hay lảng tránh
Nguyễn Hoàng Đức

Trên Diễn Đàn Văn nghệ Việt Nam số 3/1998, tác giả Hồng Diệu có bàn về cuộc lạm phát thơ qua bài “Về cái gọi là lạm phát thơ”. Bài viết đề cập đến tình trạng thơ tuôn trào ào ạt, nhưng : “tôi đã đọc hàng nghìn câu thơ của một tác giả trong một tập thơ mới tìm được một câu hay”, và “còn đọc hàng trăm, thậm chí mấy trăm bài của một tác giả mới thấy một bài khá là chuyện bình thường.”

 

Mặc dù chỉ ra được một không khí thơ nhợt nhạt sàn sàn như vậy, nhưng rút cục tác giả Hồng Diệu lại chỉ làm cái việc đóng góp thêm một cái nhìn nhợt nhạt vào khung cảnh đó. Tác giả viết: “Đến đây tôi đã có thể nói rõ ý mình: tôi không khuyến khích làm thơ nhiều, nhưng tôi cũng không phản đối làm nhiều thơ”. Vậy có phải trong khi mà Hồng Diệu đề cao vai trò của phê bình thơ, thì anh lại tìm một thái độ ba phải “tháng ba cũng ừ, tháng tư cũng gật” cho thơ? Anh còn kêu gọi: “hãy tìm chất lượng thơ rất ít nằm trong số lượng thơ rất nhiều; hãy thôi sử dụng mấy chữ ‘lạm phát thơ’ thiếu chính xác và không khoa học.”

 

Có một điều hiển nhiên, như chúng ta vẫn biết, tên gọi của một vật thể thường chuốc lấy theo đúng bản tính của nó, và tên gọi của một hiện tượng xã hội được mọi người gán cho theo đúng bản chất của nó. Nếu không như vậy, danh gọi vật thể sẽ trở thành nặc danh, hoặc “ăn không nói có”. Về tình hình thơ ta: có lạm phát không? Tôi xin miễn được đào sâu thực tế, vì bài viết của tôi nhắm đến một mục tiêu khác: đó là chúng ta sẽ phản tỉnh như thế nào trước tình trạng nghệ thuật làng nhàng  của nó hiện nay? Khi mà những bạn làm thơ và bạn đọc thơ phản ánh tâm trạng về một lạm phát thơ, cho dù chỉ là cái gọi hay một triệu chứng đi nữa, thì tại sao chúng ta không múc ngay sự ám ảnh đó để tắm rửa cho tấm áo của nàng Thơ thêm tinh khiết và trinh trắng? Người đời vẫn bảo “vàng không sợ thử lửa”, nghệ thuật đích thực cũng như thiện chí tìm một giá trị đích thực cho nghệ thuật cũng vậy, nó không sợ thử lửa để phô ra tấm thân lấp lánh của nó. Bởi thế, nghệ thuật  chân chính không đòi hỏi phải nhẹ tay trong cuộc thẩm giá, và nàng Thơ sẽ xấu hổ biết bao khi người ta định ưu tiên nàng là “giống cái” trong cuộc sải cánh đi tìm cái đẹp!(?)

 

Xuất phát từ tiền đề trên, tôi xin đi sâu vào trao đổi với anh Hồng Diệu vài điểm:

 

I-                    Phản tỉnh “lạm phát thơ”

 

Lạm phát, nghĩa đen của nó là: Lạm dụng việc phát hành tiền. Lạm phát theo cả ý nghĩa tiêu cực (tức cố tình) , và theo cả ý nghĩa tích cực (cực chẳng đã) đều đem giá trị giấy (tiền in) ra làm cuộc cân bằng giá trị với vật dụng. Trong một thị trường, giả dụ, nếu phát hành toàn tiền vàng thôi thì sẽ không có lạm phát, bởi lẽ vàng tự thân là một giá trị. Nhưng trong một thị trường chỉ có ít vàng làm đảm bảo. thì tỉ lệ lạm phát sẽ tăng theo tỉ lệ rơ-móc giấy in bám lấy vàng.

 

Thơ của chúng ta thì sao? Có lạm phát không? Câu hỏi chưa dứt thì câu trả lời đã phơi sờ sờ ra đấy! Để trả lời thật đơn giản, chúng ta hãy đặt một câu hỏi bổ trợ cho nó: nền văn học của chúng ta có lạm dụng việc phát hành thơ không? Chỉ cần thăm qua các báo văn sẽ thấy ngay một thực cảnh: nhuận bút trang thơ là cao nhất, diện tích đất trang thơ cũng là mặt trận nhất vì nó cho phép mời nhiều nhà thơ lên “chiếu” nhất, số người gửi xin đăng thơ nhiều nhất... tôi không có ý định xúc phạm những cây bút làm thơ, để công tâm chúng ta chỉ cần nhìn nhận với nhau hai điểm:

 

1-        Nếu chấp nhận sự thật thứ nhất, thơ là cao siêu nhất, thì cũng phải chấp nhận sự thật thứ hai là:

 

2-        Thơ là con đường nhọc nhằn chông gai nhất.

 

Nhưng thực tế cho thấy, đa số các cây bút thơ lại tìm con đường dễ dãi nhất để chinh phục Nàng Thơ. Điểm qua bài vở các báo và các nhà xuất bản thì thấy: viết phóng sự ư? Phải đi sâu sát thực tế mệt lắm, đụng phải ông nọ bà kia càng thêm mệt! Viết truyện ngắn ư? Phải hình tượng hóa nhân vật, phải thiết kế lôgíc, phải chen chân vô cùng khó khăn, mỗi số báo chỉ có một hai truyện ngắn lọt cửa... thôi nói ra cũng mệt rồi! Viết tiểu luận phê bình ư? Phải sửa soạn kiến thức, phải tầm chương trích cú, phải chịu roi đòn phản bác, thôi rát lắm! Còn làm thơ, có ai sát hạch trí tuệ đâu! Dăm ba câu điều viết ra thì cần gì lôgíc! Hình tượng hóa nhân vật cũng chẳng cần thiết vì ta viết lòng ta cơ mà... Còn in thơ ư? mỗi số báo cả chục người, cơ số may mắn lớn hơn nhiều! In thơ thành tập ư? Mất vài triệu in mấy chục trang, cố lên là được! Thử hỏi mấy người định in lấy tiểu thuyết cho mình có nổi vài chục triệu không?

 

Ở xứ ta người làm thơ nhiều, người yêu thơ cũng lắm, vậy mà nghịch lý thay, thơ hiện nay lại bị cư xử thờ ơ và lạnh nhạt đến mức ế ẩm; còn nghịch lý hơn nữa, số người làm thơ không “chùn” lại mà cứ tăng vọt thêm lên! Để lý giải tình trạng này, có giáo sư trải nhiều năm nghiên cứu về thơ đã nói với tôi: “Chúng ta đang có một nền thơ cơ hội nặng!” Có đúng không?

 

Chúng ta thử ngẫm: người cơ hội là người dễ làm khó bỏ, chọn việc nào có lợi nhất!? Bởi thế dù đường thơ có ế ẩm thì người ta vẫn cứ lao vào, bởi có phải: đó vẫn là con đường được ưu tiên nhiều hơn cả? Vốn thì ít lãi thì nhiều? Và có phải dù thơ có sụt giá bao nhiêu người ta vẫn lạm phát thơ để đem “tiền in giấy” đổi ngang thực tại cuộc đời? Tôi nghĩ “lạm phát thơ” cho dù mới ở mức triệu chứng đi nữa, thì sau khi chẩn đoán bệnh, chúng ta hãy bắt tay vào phòng và chống bệnh.

 

II-                  cần gạn đục khơi trong cho giá trị của nền thơ

 

Tác giả Hồng Diệu viết: “theo ý kiến tôi, cái hiện tượng làm nhiều thơ, in nhiều thơ không có gì đáng phàn nàn hay bực bội như đã từng thấy. Bởi vì ít nhất nó có cái lợi sau đây: ... ‘Khi tác phẩm có nhiều người đọc sẽ có bình luận khen chê. Người làm thơ sẽ nhận ra mình hay dở chỗ nào, có sở trường sở đoản gì, mình còn nên tiếp tục làm thơ hay không, mình có thể trở thành nhà thơ không...?’ ”

 

Tôi nghĩ, đây là một suy nghĩ hoàn toàn “chân không tới đất, cật không tới trời”. Một lối suy nghĩ, tạo ra một đời sống nghệ thuật ảo tưởng với những nhà thơ lý tưởng chưa từng có. Chúng ta vẫn biết, người Việt vẫn dạy “văn mình vợ người”, xưa nay mấy ai viết văn lại tự thấy được cái hãm tài của mình để từ chối nghề viết!? Hay là thấy mình hãm, không viết nổi, họ lại chuyển sang con đường lách bút, lách giải thưởng , lách ghế, lách vào cuộc đánh tráo vàng thau lẫn lộn...? thực tế này không chỉ phổ biến ở ta mà ở khắp thế giới, bởi thế mà Nietzsche mới nói một câu nổi tiếng: “Một dân tộc có thiên tài không quan trọng bằng cách chấp nhận thiên tài của dân tộc đó”. Và thủ đô Paris được coi là bà đỡ nổi tiếng cho các thiên tài thế giới, bởi lẽ ở đó, đã tạo ra được một không khí sống, thưởng thức, và đánh giá nghệ thuật. Một nền văn học hùng mạnh thì phải kịp thời phát hiện, đầu tư, và tôn vinh những tài năng của nó. Những tài năng được tôn vinh đúng địa chỉ, đúng lúc sẽ gây men cho những tài năng khác.

 

III-                Cần có một nền phê bình tích cực

 

Tác giả Hồng Diệu viết: “Các nhà phê bình và công chúng sẽ đãi cát lấy vàng ‘trong bó đũa’ lớn sẽ chọn ra ‘cột cờ’. Rồi thời gian sẽ làm cái việc sàng lọc một cách công bằng theo định luật Acsimet...”     

 

Đây là một lối suy nghĩ quá yếm thế, người Việt gọi là “há miệng chờ sung”. Nền phê bình và công chúng không thể chỉ chờ chọn “bó đũa” lấy “cột cờ”, mà phải biết tạo nên một nền tảng thúc đẩy và đòi hỏi sáng tạo. Họ phải đóng vai tiền sáng tạo cho các nhà thơ. Họ chính là đất tốt, để hạt giống nhà thơ nảy mầm một cây lớn xum xuê. Không chỉ có vậy, họ còn phải tuyển trạch để xem hạt giống nào sẽ được ươm, hạt nào gieo chỗ này hạt nào bỏ chỗ kia? Ngành văn của chúng ta đã và đang thấy rõ một thực tế: sáng tạo và phê bình không tương hỗ - tương tác nhau, mà tương hại nhau. Người làm thơ bảo anh phê bình: “Anh phê với bình cái gì khi không làm nổi một bài thơ”. Người phê bình lại bảo anh làm thơ: “Làm thơ bất chấp các lý luận và trường phái thì chỉ ở mức bản năng thôi”. Một không khí như nhiều người chứng kiến vừa sợ vừa khinh nhau. Do vậy đã dẫn đến hậu quả tất yếu rằng, các cây bút nhảy ra phê bình lẫn nhau, và các độc giả phê bình tác giả. Nhưng thực sự họ chẳng phê mà cũng chẳng bình mà chỉ lăng xê nhau theo một cảm hứng hưởng thụ trực quan. Còn các nhà phê bình trả đũa bằng cách quay lưng lại, hoặc mũ ni che tai.

 

Bởi vậy, song song với việc xúc tiến một nền thơ chói sáng, chúng ta phải xúc tiến một nền phê bình tích cực tỏa ánh sáng soi rọi tìm giá trị. Trong khi đó anh Hồng Diệu lại chỉ bình chân như vại, anh bảo: “Thơ hay hiếm lắm, đâu phải là cát sỏi, mà là vàng. Mà đi tìm được vàng đâu có dễ. Mong mỏi thì cứ mong mỏi. Đòi hỏi thì cứ đòi hỏi. Nhưng đừng quá sốt ruột ‘dục tốc bất đạt’ mà!”

 

“Dục tốc bất đạt” áp dụng vào chỗ này nghe kỳ quá. Mỗi thời đại có năm tháng của nó, đời mỗi thi nhân như bóng câu qua cửa, mỗi thế hệ thơ lại phải mang sứ mệnh tạo ra thời đại của mình, không sáng tạo được gì tức là hư vô hóa diện mạo thơ của mình, và đồng nghĩa với việc “ăn đói nằm co” chờ khai tử. Không có cuộc lạm phát nào không được toàn dân thúc bách tìm cách chấm dứt. Một nền thơ dù có hùng mạnh chăng nữa cũng phải luôn luôn khêu bùng  trong lòng nó một ngọn lửa khẩn thiết đòi sáng tạo. Vậy mà nền thơ của chúng ta đang nằm giữa bản lề cuộc chuyển mình của thế kỷ, của thiên niên kỷ, của sự đổi mới dân tộc, của đà tiến bộ nhân loại... mà lại bảo “dục tốc bất đạt” nghe vừa lạc lõng lại vừa chậm tiến. Mọi chân lý đều có hai mặt, mặt tích cực là phương châm cho đời sống, mặt tiêu cực là sự lạm dụng của đời sống.

 

Cuối cùng tôi nghĩ, muốn có một nền thơ đích thực hùng mạnh, thì chẳng có cách nào khác, chúng ta buộc phải đặt nó vào giữa Phi đạo chính đáng: Thơ dở hoặc thơ hay đều không sợ “vàng thử lửa”. Lửa phê bình phải cháy thực sự, thơ dở hãy dụi đi để làm thêm chất đốt cho thơ vàng đích thực! Và cho đến khi nào chúng ta còn sợ ngọn lửa phê bình, tức là vẫn sợ “vàng” – phên tre nứa lá của mình cháy mất! (?)

 

Xin kết thúc. Rất mong được tác giả Hồng Diệu và mọi người trao đổi lại, bởi một lẽ, ngọn lửa của riêng tôi chưa đủ sức nóng để làm nên phép thử./.

 

Hà Nội

Nguyễn Hoàng Đức
Số lần đọc: 2313
Ngày đăng: 06.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn học nghệ thuật trên hành lang sáng tác đương đại - Trần Hạ Tháp
Thử đọc vài báo cáo trong hội thảo Việt học - Hà văn Thùy
Triết học lục địa - Nguyễn Ước
Thơ và Vật lý hay bỏ đường quang đâm quàng bụi rậm - Đông La
Con trâu đất một biểu tượng độc đáo của Tuệ Trung - Đại Lãn
Các ngành triết học - Nguyễn Ước
Hoàng mai và bản sắc văn hóa Huế - Trần Hạ Tháp
Trâu & Binh pháp Việt cổ - Trần Hạ Tháp
Việt Nam và thế giới Trung Hoa - Trương Thái Du
Max Planck – Từ lý thuyết lượng tử đến nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại-1 - Nguyễn Đức Hiệp