Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.231.021
 
Thánh với phàm, thiêng với tục
Nguyễn Hữu An

Thánh với phàm, thiêng với tục là những phạm trù tôn giáo mà mọi thời và mọi nơi đều biết đến. Cái thánh thiêng là cái cao cả siêu việt, khác lạ, đáng kính và nhiều khi đáng sợ.

 

phàm tục là cái thông thường, cái tầm thường, nhiều khi đáng khinh và bị coi là ô uế dơ dáy.

Trong các tôn giáo sơ khai, cái thánh thiêng hiện diện ở khắp nơi trong mọi sự từ núi cao đến sông dài, từ đền thờ tới gốc đa, gốc đề, từ tượng thần đến cái bình vôi, từ cá sấu đến các tinh tú.

 

Trái lại, ngày nay trong thế giới tục hoá, mọi sự đều được giải thiêng, chẳng có gì thánh thiêng ngoài khoa học thực nghiệm duy lý với các định luật, các công thức.

 

Trong tiếng Do thái, "thánh" có nghĩa là tách biệt. Cái linh thiêng là cái gì tách biệt khỏi cái thường ngày, khỏi cái tầm thường thông tục. Cái thánh thiêng là cái gì khác lạ cao xa, ở bên ngoài, ở bên kia, ở bên trên cái thông thường. Do đó Thiên Chúa được gọi là Đấng Thánh, bởi vì Người cao cả, siêu việt, tuyệt đối, khác lạ. Người là Đấng siêu việt. Đấng cao cả, linh thiêng phải ngự ở những nơi linh thiêng cao cả, đó là những ngọn núi thánh, những Đền thờ, những nơi tách biệt khỏi chốn phàm trần.

Những người được tuyển chọn để phục vụ Đấng Thánh cũng phải là những người tách biệt khỏi người phàm. Hàng Tư tế trong dân Do thái chỉ được chọn từ chi tộc Lêvi, họ phải là những người không tỳ vết, không tật nguyền, phải giữ những luật lệ khắt khe hơn người thường.

 

Tất cả những gì dành riêng cho Đấng Thánh, những gì được coi như thuộc về Người, đó đều là những cái thánh: núi thánh, đền thánh, nơi thánh, ngày thánh, đồ vật thánh. Phạm đến những cái đó là phạm đến chính Đấng Thánh.

 

Quan niệm lính thánh như vậy muốn tách biệt cái thánh thiêng ra khỏi cái phàm tục. Từ đó người ta đẩy xa Đấng Thánh ra khỏi cuộc đời và ngày càng đóng khung Người vào trong phạm vi của núi thánh, của Đền thờ, của nơi thánh, nơi cực thánh. Không gian của Người ngày càng bị thu hẹp lại.

Dân Israel được gọi là Dân Thánh, dân riêng của Chúa, thuộc về Chúa. Họ tự coi mình là sở hữu Thiên Chúa: Người là của riêng họ, thuộc về họ.

Dân Israel chờ đợi một vị Thiên Sai ngự đến trong cung thánh đền thiêng.

 

Trong một thế giới mà cái thánh thiêng và cái phàm tục được xác định rạch ròi tỉ mỉ, chúng ta mới thấy việc Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Thánh làm người, một người phàm ở giữa những người phàm gặp phải sự chống đối quyết liệt.

 

Ngay từ giây phút đầu thai, Đức Giêsu đã không đến trong Đền thờ mà lại đến trong căn nhà nhỏ bé ở Nazareth. Người đầu thai trong lòng một thôn nữ vô danh đối với người Do thái. Rồi khi chào đời, Người đã lấy chuồng bò làm nhà ở, lấy máng cỏ làm nôi, lấy những kẻ mục đồng vốn bị người Do thái coi là uế tạp làm bầu bạn. Trong suốt cuộc đời, Đức Giêsu sống như một người tầm thường giữa những người nghèo khổ, đồng hành ăn uống với những người bị coi là tội lỗi, thâu nhận người thu thuế làm môn đệ.

 

Trang tin mừng Chúa nhật hôm nay, Đức Giêsu không ngại đưa tay sờ tới người cùi để chữa cho người ấy được lành sạch. Đức Giêsu không kinh tởm, không sợ lây, không sợ bị ô uế.

 

Người mắc bệnh phong cùi đau đớn về thân xác sẽ chết dần chết mòn. Nỗi đớn đau về tinh thần còn khốn khổ hơn nữa. Trong bài đọc 1 sách Lêvi quy định "Người mắc bệnh phong cùi phải mặc áo rách, xoã tóc che râu và kêu lên: Ô uế! Ô uế!". Họ bị cách ly ra khỏi cộng đồng, sống tủi nhục cho đến chết. Ai tiếp xúc hay đụng đến họ là bị nhơ bẩn, ô uế. Nếu người phong cùi chỉ thò đầu vào nhà nào thì nhà đó bị lây bẩn đến tận cây kèo trên mái. Không ai được phép chào hỏi một người phong cùi ngoài đường, không được đến gần 2 mét. Nếu người phong đứng đầu gió, người ở cuối gió phải cách xa 45m. Ngay cả một quả trứng cũng không được ăn nếu bán ở đường phố có người phong đi qua. Chưa có bệnh tật nào lại phân rẽ một người với đồng bào mình như bệnh phong. Thế mà Đức Giêsu đã sờ đến người phong. Bàn tay Người đụng vào da thịt bệnh nhân với các vết thương lỡ loét. Người không bị ô uế, bị dơ bẩn nhưng Người làm cho bệnh nhân hết ô uế và được lành sạch, được hội nhập vào đời sống cộng đoàn. Anh ta lấy lại phẩm giá con người. Niềm vui quá lớn lao khiến anh đi loan báo khắp nơi.

 

Đức Giêsu bác bỏ hoàn toàn quan niệm về sạch dơ của người Do thái. Đối với Người, không có gì bên ngoài lại làm cho con người ra dơ trước mặt Thiên Chúa. Cái gì dơ, cái gì tội lỗi chính là từ trong lòng con người mà phát xuất ra. Đó là: tà dâm, trộm cắp giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác xảo trá, trác táng, ganh tị, kêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế.

 

Đức Giêsu khẳng định: Ngày Sabat được lập ra cho con người chứ không phải con người được dựng nên cho ngày Sabat và vì thế con người làm chủ luôn ngày Sabat. Tất cả đều vì con người và cho con người. Đức Giêsu luôn sống tình thương cho con người. Tình thương chính là sự thánh thiện. Đấng Thánh hôm nay có tên gọi là Tình Thương. Tình thương là chia sẽ, là hiệp nhất. Sự thánh thiện của Đức Giêsu luôn rộng mở lan toả hương thơm tình thương.

 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có viết trong cuốn"Giọt máu" một câu rất sâu sắc "Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa. Đấy là chí thánh". Tác giả hiểu ý nghĩa của từ chí thánh theo đúng những gì là phàm tục, thế gian là cõi hồng trần bụi bặm. Cái chí thánh chính là dìm mình, hoà vào trong bùn lầy, trong tội lỗi để làm cho từ vũng bùn lầy, từ vực thẳm tội lỗi ấy nở hoa, rực lên sự thánh thiện.

 

Tình thương của Chúa Giêsu là tình thương cứu thế, muốn thanh tẩy con người tội lỗi, rửa sạch tâm hồn và trao ban sự sống mới.

 

Người Kitô hữu mỗi ngày đến Nhà thờ dự tiệc Thánh Thể, tiệc Tình thương. Đưa tay đón nhận Bánh Thánh là đón nhận tình thương của Chúa. Bàn tay đón nhận Bánh Thánh cũng là bàn tay bàc ái yêu thương góp phần thánh hoá trần gian. Người tín hữu luôn được mời gọi sống như lời Thánh Phaolô khuyên nhủ trong bài đọc 2:"Dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, anh em hãy làm vì danh Chúa Kitô".           
Nguyễn Hữu An
Số lần đọc: 2647
Ngày đăng: 12.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vĩ nhân, nói sao cho em hiểu? - Thí Chủ
Gương mặt! - Đỗ Thư
Những kỷ niệm với tác giả còn một chút gì để nhớ ( * ) - Trần Dzạ Lữ
Luận về bài thơ Trên Sông của Nguyễn Thanh Mừng - Duy Phi
Rằm tháng giêng, cuộc tắm gội dưới trời thơ - Nguyễn Thanh Mừng
Vũ Hữu Định, tình ca lỡ vận - Đặng Tiến
Vũ Hữu Định - Nguyễn Đình Toàn
Ði tìm Vũ Hữu Ðịnh ở Mỹ - Trần Hoài Thư
Thư gửi cho vợ nhân ngày thơ Việt Nam - Trần Ngọc Tuấn
Mảnh vườn trong thơ Nguyễn Bính - Nguyễn Đức Thạch
Cùng một tác giả
Hòa bình vĩnh cửu (tiểu luận)
Mùa Xuân Chín (tạp văn)