Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.219.029
 
Lặng lẽ Hòn Bà !
Phan Chính

Ở mỗi một miền đất đều có riêng cái gì đó để lưu dấu cho người đến hay lúc rời xa. Hình ảnh về một cảnh quan thiên nhiên muôn thuở hoặc một công trình vĩnh cửu cũng có thể trở thành biểu trưng như một ước lệ, tượng trưng cho một vùng đất. Ngày xưa khi dân cư miền đất Hàm Tân – La Gi (Bình Thuận) còn thưa thớt, chỉ phát triển theo dọc bờ biển nên ấn tượng lớn đối với khách thương buôn trên thủy trình biển Đông của những con thuyền buồm qua lại ở đây đều nằm lòng câu vè có tính cảnh báo những bất trắc nhưng cũng mang ý nghĩa địa giới thiên nhiên : Khe Gà nay đã đến nơi/ Anh em làm lễ một hồi ta qua/ Nới lèo xây lái trở ra/ Hòn Lang, Cửa Cạn ấy là Tam Tân/ Sóng ào ào buồm dương ba cạnh/ Chạy một hồi tỏ rạn La Gi/ Hòn Bà, Rạn Gõ một khi/ Ngoài kia Rạn Đập, trong ni Rạn Hồ/ Buồm dương ba cạnh chạy vô/ Mũi Bà, Hóc Kiểm quanh co Hồ Tràm… Có nhiều địa danh đã qua thời gian mất dần, ít ai nhớ đến như các tên rạn, tức những bãi đá ngầm dưới biển chỉ có ngư dân mới rành rẽ. Những nơi ấy rất phong phú các loài hải sản nhưng cũng thật tai họa cho tàu thuyền…

 

Cũng trên phần biển ngầm nhiều bãi rạn đó lại nổi lên một hòn đảo nhỏ dường như đơn độc giữa trùng dương - đó là Hòn Bà. Trong một không gian của vùng biển không có mối liên hệ về địa hình núi non trên đất liền nên hình ảnh Hòn Bà trở thành độc đáo khó nhầm lẫn với bất cứ đâu. Nói theo ngành địa chất, có thể từ xa xưa Hòn Bà là một phần đất tách ra từ đất liền tương tự như cách giải thích đảo Khe Gà (Kê Dữ) cũng tách ra từ núi Cẩm Kê. Nhưng dọc dài bờ biển ở La Gi gần ba mươi cây số chập chùng đồi cát, đồng bằng không có ngọn núi đá nào để chia sẻ cho biển cả một phần cơ thể của mình. Cũng có truyền thuyết Động Bà Sang, một phần đất xóm Tân Long ngày nay là nơi Bà dậm chân ba dậm như một lời thề nguyền, đoạn tuyệt với người chồng phụ bạc để rồi vĩnh viễn xa cách nơi chốn của những ngày ấm nồng hạnh phúc.

 

Sự tích Hòn Bà được gắn với sự linh thiêng của Thiên y A na- bà Chúa Ngọc, trở thành nơi thờ cúng của ngư dân địa phương. Theo đo đạc trong qui hoạch, Hòn Bà có đỉnh cao so mặt biển 38m, diện tích khoảng 2,8ha và đường chu vi chân đảo từ 700-800m. Dưới chân đảo là những bãi đá ngầm chỉ sót lại một mảnh cát bồi nơi cặp thuyền lên đảo.

 

Đứng ở bờ biển Đồi Dương chỉ cách xa Hòn Bà hai cây số nên thấy rõ những tàng cây cổ thụ quanh năm xanh sắc lá phủ lên ngôi đền và những khối đá chồng chất lên nhau. Cạnh  chân đảo có một hòn đá lẻ loi nhô lên, tạo cho Hòn Bà như một con rùa đang vươn mình trên sóng hướng về phía nam. Ngư phủ La Gi khi gặp thất bát trong mùa biển lại bảo rằng “kim qui trấn khẩu” bởi cửa ngõ của dòng sông Dinh chảy ra biển lại gặp ngay hòn đảo có dáng hình con rùa án ngữ là điều không may theo thuyết phong thủy.

 

Trong cái không khí êm đềm của một vùng biển còn hoang sơ và thơ mộng ở đây, có thể hình dung Hòn Bà như một nốt nhạc rơi trên dòng nhạc là những làn sóng xô bờ từ khơi xa hoặc bằng một cảm nhận lãng mạn hơn như câu chuyện tình ly tan đậm chất sử thi thì Hòn Bà trở thành một dấu chấm than (!) giữa mênh mông biển trời. Rất khó quên khi nghĩ đến miền đất biển La Gi có chút gì để nhớ thì hòn đảo nhỏ lẻ loi đó đã có một đời sống trầm mình trong huyền thoại dân gian thấm đậm lòng người../.

Phan Chính
Số lần đọc: 3304
Ngày đăng: 13.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thánh với phàm, thiêng với tục - Nguyễn Hữu An
Vĩ nhân, nói sao cho em hiểu? - Thí Chủ
Gương mặt! - Đỗ Thư
Những kỷ niệm với tác giả còn một chút gì để nhớ ( * ) - Trần Dzạ Lữ
Luận về bài thơ Trên Sông của Nguyễn Thanh Mừng - Duy Phi
Rằm tháng giêng, cuộc tắm gội dưới trời thơ - Nguyễn Thanh Mừng
Vũ Hữu Định, tình ca lỡ vận - Đặng Tiến
Vũ Hữu Định - Nguyễn Đình Toàn
Ði tìm Vũ Hữu Ðịnh ở Mỹ - Trần Hoài Thư
Thư gửi cho vợ nhân ngày thơ Việt Nam - Trần Ngọc Tuấn
Cùng một tác giả
Dinh Thầy Thím (tạp văn)
Chị (thơ)
(thơ)
Du xuân Tà Cú (văn hóa)