Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.150
123.226.327
 
Con chuồn chuồn không buồn
Nguyễn Thị Hậu

1. Chiều đi làm về, trời chuyển mưa ầm ì. Bỗng đâu một đám chuồn chuồn sà xuống giữa dòng xe cộ đang bị kẹt trên đường như dòng nước đen tù hãm. Lâu lắm mới nhìn thấy “chuồn chuồn bay thấp” như thế này ở thành phố.

 

Hồi còn nhỏ ở nông thôn rất thích dang nắng đi bắt chuồn chuồn. Những con chuồn chuồn lượn lờ ở vệ cỏ đường đi, ven bờ ao, nào chuồn chuồn ngô to đùng, chuồn chuồn ớt đỏ rực, chuồn chuồn kim bé xíu, chuồn chuồn bướm sặc sỡ… những đôi cánh mỏng nhẹ cứ thấp thóang trong dàn mướp, trong đám cỏ, trên mặt ao lặng thinh thỏang tiếng cá đớp mồi… Rón rén, con bé 6 tuổi từ Hà Nội sơ tán về nhón chân đến gần con chuồn chuồn… đôi khi nó như nhìn thấy chính nó trong cặp mắt lộ to của chuồn chuồn. Nhưng nó không biết nó hiện ra ngơ ngác trong cặp mắt chuồn chuồn tinh khôn. Nó không biết chuồn chuồn nhìn thấy nó đến gần, làm ra vẻ vô tư lự đứng im, để rồi khi nó nhón tay tưởng như đã chạm vào đôi cánh mỏng thì… chuồn chuồn nhẹ nhàng bay lên vượt ngòai tầm với…cô bé ngẩn ngơ…

 

Cũng có khi đang bậm môi rón rén thì bỗng từ đâu, một chiếc cần câu nhỏ xíu bằng cành tre từ từ hạ xuống, đầu có nhựa dính vào cánh chuồn, và tiếng cười đắc thắng của cậu bé đầu tóc cháy nắng hoe vàng làm cô bé chực trào nước mắt… Chuồn chuồn ơi, nhón tay bắt được chuồn chuồn cánh mỏng, cô bé nâng niu, nhưng mà bị cần câu dính nhựa từ xa thì thôi rồi, chuồn chuồn chỉ còn là mồi cho cá…

 

Nhưng mà chuồn chuồn lại không biết như thế… Vẫn lượn lờ lúc đậu lúc bay, vô tư, và vô tâm… Đấy là hồi bé, nghĩ thế…

 

Kẹt xe làm gì chẳng làm thơ? Bèn bắt chước thi nhơn Bùi Chát “mở miệng”, “lấy ca dao làm nguyên liệu” chế tác thơ (ba câu). Thơ rằng :

 

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm

Đúng là cái đồ hâm…

 

Nhưng mà đám chuồn chuồn cứ lượn lờ mãi vẫn chưa thấy mưa đâu, mà chỉ mù mịt khói xăng

xe... chán quá bèn chế tác tiếp:

 

Chuồn chuồn bay thấp thì cao,

bay cao thì thấp

bay vào thì ra

Mặc kệ người ta!

 

Ai bảo “buồn như con chuồn chuồn”? Chuồn chuồn vui lắm chứ! (câu này bắt chước Quốc văn giáo khoa thư).

Đấy là bây giờ, nghĩ thế…

 

2. Nhân chuyện từ ngữ bây giờ hay nói kiểu: “buồn như con chuồn chuồn”, hay “chán như con dán”… mới nhớ ra rằng, trong tâm thức người Việt hình ảnh con chuồn chuồn rất hay được nhắc đến. Ngoài câu tục ngữ trên còn một số câu nữa cũng khá quen thuộc. Như:

 

Tháng bảy heo may chuồn chuồn bay thì bão.

Chuồn chuồn có cánh thì bay/ kẻo anh cu tí bắt mày đi tu . Sao lại là đi tu mà không phải là việc khác?

 

Rồi: chuồn chuồn đạp nước (hời hợt, qua loa). Hừ, người ta bảo cho chuồn chuồn cắn rốn để biết bơi đấy! Hồi bé tớ hay bị dụ dỗ như thế, nhưng tớ đây nhát nước nên Em chã…

Hay: tay bắt chuồn chuồn (sắp chết)

Và: ai biết đâu cái tổ con chuồn chuồn?

Ngược lại là: biết tỏng cái tổ con chuồn chuồn rồi nhé!

Mà không biết chuồn chuồn có tổ ko nhỉ? ở đâu? Dư lào???.

 

Thử tìm hiểu thì biết rằng: “Về đời sống sinh vật của chuồn chuồn. Chuồn chuồn là loài sâu bọ cánh mỏng, có gân. Vòng đời của chuồn chuồn không dài chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn nhộng, ba năm ở dưới nước, giai đoạn trưởng thành hai tháng. Hóa từ nhộng ra, chuồn chuồn con sinh sống kiếm ăn ở mặt nước, nên ít ai nhận biết. Đến lúc lớn lên, có khả năng tự vệ, chuồn chuồn mới bay lên cạn kiếm mồi. Cuộc sống ở trên cạn, chuồn chuồn cũng có những cá tính khác thường: không ở đâu lâu một chỗ, mà cứ nay đây, mai đó, ngày bay, đêm nghỉ. Lại có những ngày chuồn chuồn rủ nhau tụ họp, bay dăng đầy sân, đầy bãi gây một ấn tượng rộn rã, bỗng chốc lại tan đàn, bay đi mất hút cả một mùa. Lúc ở phía trước, lát ở phía sau, thoắt một cái lại biến mất vẻn vẹn chỉ có hai tháng sống trên cạn thôi mà đã mất một thời sống quanh quẩn nơi mặt nước, không có ai biết đến. Những ngày sống trên cạn thì du thủ du thực, vui đâu chầu đấy; lại có những ngày tụ họp bay rợp trời rợp đất rồi sau đó mất hút...

 

Tất cả những “lối sinh hoạt” ấy: “thoắt đến thoắt đi” vừa nhìn thấy đã biến mất, vừa đến đã đi, sáng bay ra, tối đi hết, gây ra cảm nghĩ “không biết đâu mà lường”, “khó mà tìm cho được”. Nhưng, có lẽ chừng ấy cũng chưa đủ chứng cứ ngôn ngữ học cho sự xuất hiện thành ngữ “cái tổ con chuồn chuồn”, mà phải thêm điều này nữa: Trong cách nghĩ dân gian, con chim phải có tổ, người ta phải có nhà. Và dường như, các loài có cánh đều làm tổ, đẻ trứng và nuôi con ở tổ, thế thì chuồn chuồn cũng phải có tổ như chim có tổ để trú ngụ, đẻ trứng, nuôi con chứ! Cái logic ấy tự nhiên, chỉ có điều là, tổ chim nhìn thấy được mà tổ chuồn chuồn thì ở đâu, mà chẳng bao giờ nhìn thấy cả. Cái logic dân gian này cùng với lối sinh hoạt “nay đây mai đó”, “thoắt đến thoắt đi” của chuồn chuồn đã đưa liên tưởng con người đến với ý nghĩ về sự “bí ẩn”, “chẳng thể nào biết được”, từ đó mà có câu thành ngữ “cái tổ con chuồn chuồn” nói về cái ý đó, giống như cách nói “ai biết ma ăn cỗ” hay “ai biết ma ăn cỗ ở đâu”. Ở đây các logic dân gian và logic hiện thực khách quan không đồng nhất.

 

Chuồn chuồn không làm tổ, nên không có tổ, do đó, không bao giờ con người tìm thấy tổ chuồn chuồn. Chuồn chuồn đạp nước, đẻ trứng xuống nước, trứng nở thành nhộng. Nhộng sống dưới nước sau ba năm mới hóa thành chuồn chuồn. Cái tổ con chuồn chuồn biểu trưng cho sự “bí ẩn”, “không thể biết”. Để diễn đạt ý về sự đã biết rõ, biết tường tận điều bí ẩn nào đó, người ta phải nói biết tỏng cái tổ con chuồn chuồn rồi.”

 

À, hiểu tại sao bắt chuồn chuồn đi tu rùi! Thử tưởng tượng có một cái chùa toàn chuồn chuồn (bị bắt) đi tu, vui ra phết! Vậy nên kiếp sau nếu có đầu thai thì xin Diêm vương cho cầm tinh con chuồn chuồn, hay đấy chứ? Quá hay là đằng khác! Ấy vậy mà cứ bảo: buồn như con chuồn chuồn. Còn lâu chuồn chuồn mới buồn nhé!

 

Nguyễn Thị Hậu
Số lần đọc: 5413
Ngày đăng: 14.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tôi 25 tuổi - Tiểu Anh
Dọc đường gió bụi .... - Giang Kiều
Lặng lẽ Hòn Bà ! - Phan Chính
Thánh với phàm, thiêng với tục - Nguyễn Hữu An
Vĩ nhân, nói sao cho em hiểu? - Thí Chủ
Gương mặt! - Đỗ Thư
Những kỷ niệm với tác giả còn một chút gì để nhớ ( * ) - Trần Dzạ Lữ
Luận về bài thơ Trên Sông của Nguyễn Thanh Mừng - Duy Phi
Rằm tháng giêng, cuộc tắm gội dưới trời thơ - Nguyễn Thanh Mừng
Vũ Hữu Định, tình ca lỡ vận - Đặng Tiến
Cùng một tác giả
Những mảnh vỡ (26) (truyện ngắn)
Café một mình (tạp văn)
Những mảnh vỡ… (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (2) (truyện ngắn)
Truyện rất ngắn (3) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (4) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (5) (truyện ngắn)
Sông gốm (tạp văn)
Những mảnh vỡ (6) (truyện ngắn)
Happy end (tạp văn)
Những mảnh vỡ (7) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (8) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ 9 (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (10) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (31) (truyện ngắn)
Say bờ (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (11) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (12) (truyện ngắn)
Nhà thờ (tạp văn)
Những mảnh vỡ (13) (truyện ngắn)
Nắng lạnh (tạp văn)
Chùa trong phố (tạp văn)
(tạp văn)
Những mảnh vỡ (14) (truyện ngắn)
Sân bay (tạp văn)
Tháng tư về (tạp văn)
Những mảnh vở (15) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (16) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (17) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (18) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (19) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (21) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (20) (truyện ngắn)
Mùa Thu Berlin (tạp văn)
Cà Phê Mùa Thu (tạp văn)
Mùa Thu Xanh (tạp văn)
Những Mảnh Vỡ (22) (truyện ngắn)
Những mảnh vỡ (23) (truyện ngắn)
Những Mảnh Vỡ (24) (truyện ngắn)
Cao Nguyên (tạp văn)
Những mảnh vỡ (25) (truyện ngắn)
Bạn Xa Xứ (tạp văn)
Vùng Biên (tạp văn)
Sơ Tán (tạp văn)
Những mảnh vỡ (27) (truyện ngắn)