Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.150
123.226.225
 
Miền gốm cổ Gò Sành- 1.
Sương Nguyệt Minh

Gốm không xa lạ trong đời sống vật chất và tinh thần cộng đồng người Việt Nam. Thổ Hà mạnh về gốm men nâu chảy từ trong xương gốm ra tràn đầy lãng mạn; Bát tràng nổi tiếng gốm men sắc trắng vừa tinh tế vừa thực dụng; Phù Lãng phổ biến là men nâu thô mộc chắc khoẻ; Gốm Chăm cổ Avamarati (vùng Quảng Nam) cũng thành danh từ gốm gia dụng đất nung men nâu luôn gây cảm giác u hoài… Rồi gốm Đông Triều, gốm Bình Dương, gốm Cây mai…mỗi nơi một vẻ, một hồn thiêng. Khoảng chục năm trước, giới cổ vật sửng sốt nghe tin khai quật con tàu đắm ngoài khơi Cù Lao Chàm - Quảng Nam thu được hàng vạn hiện vật gốm cổ; người ta lần tìm nơi sinh ra chúng mới biết đó là Chu Đậu – Nam Sách, Hải Dương (thế kỷ 14 -15) bị quên lãng hẳn trong lòng đất.

 

Gần đây, lại thêm một Bảo tàng tư nhân của Nguyễn Vĩnh Hảo trưng bày gốm cổ Gò Sành – Vijaya – Chămpa tại 173. Lê Hồng Phong – Quy Nhơn.

 

Phần I. Trầm tích miền gốm cổ.

 

1. Gốm Gò Sành trong đổ nát, u hoài.

 

Nếu bạn đến vùng Vijaya xưa – nay là Bình Định và đến khu vực Thánh địa Mỹ Sơn - Quảng Nam, chắc hẳn rằng bạn sẽ bị dẫn dụ, mê mẩn, rồi choáng ngợp, sửng sốt bởi cái đẹp độc đáo - cái đẹp không thông thường, rất lạ và sự tồn tại nhuốm màu thời gian hoài niệm của tháp cổ.

 

Bạn cũng sẽ đau lòng, buồn bã thương cho nhiều tháp cổ đã thành phế tích bởi thời tiết, mưa nắng xâm thực, chiến tranh huỷ diệt và cả sự xâm hại của con người u tối tham lam. Rợn ngợp, kính cẩn trước những tháp cổ uy nghiêm vươn lên trời xanh, thâm trầm đổ bóng xuống đất, màu thời gian lưu dấu…thì lại xót xa ngậm ngùi thương các nền móng, lô xô những đống gạch Chàm tháp cổ đổ nát, hoang tàn, rêu phong cỏ mọc. Đau đớn cùng tượng đá thần Siva cụt đầu; nghe nói đã bị những người Pháp đập ngang cổ lấy thủ mang về chính quốc, thì cũng sẽ tiếc hoài những mặt Kala bằng đất nung trang trí bên ngoài đã bị người đời đánh thó. Các đồ thờ tự bằng vàng, bạc, gốm từ hàng trăm năm trước bị vét nhẵn vào túi bọn người buôn đồ cổ và người ngoại quốc ranh mãnh.

 

Thật khó lòng tìm được gốm dù là một mảnh vỡ trong hoặc chân đền thờ, tháp cổ. Có thể người xưa ít dùng gốm trang trí trên tháp cổ, nhưng dứt khoát những tượng thần bằng gốm, đất nung, bình, bò, hũ đựng rượu… phải có trong lòng đền tháp để tế thần linh... Hiện nay Nhà nước đang cố gắng trùng tu, nhưng cũng chỉ trả lại được một phần rất ít bóng dáng và giá trị thực tháp cổ.

 

Kinh đô Trà Kiệu - Quảng Nam của vương quốc Chămpa xưa thành hoang phế trong lòng đất khiến người đương thời xót xa tiếc nuối những vương triều lụi tàn chỉ còn giúp ích các nhà khảo cổ. Kinh thành Đồ Bàn của vương triều Vijaya - Chămpa thì nằm sâu dưới nền Thành Hoàng đế Nguyễn Nhạc; rồi Thành Hoàng Đế lại bị Tử Cấm thành, lăng tẩm Võ Tánh và các kiến trúc văn hoá khác thời Nguyễn (nay cũng là phế tích) ngự lên, chồng trên. Vậy là kinh thành sau đè lên kinh thành trước, phế tích trùm lên phế tích. Lịch sử vương quốc Chămpa đã bằn bặt lui về dĩ vãng quá xa; ngoài thạch bia, tháp cổ thì đã nhìn thấy, còn để tìm lại một góc hồ sơ văn hoá qua những đồ ngự dụng, dân dụng, thương phẩm dù là đá, là đồng, là gỗ, là gốm... không phải là điều dễ dàng. Tất nhiên, vẫn còn một hướng tìm lại thời vàng son Vương quốc Chămpa cổ trong lòng đất và có thể giải mã được phần nào văn hoá Chàm đã và đang mai một…

 

Tháng 5. 2007, tôi cùng các nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội vào Tây Nguyên, sau đó xuống Quy Nhơn tổ chức Trại sáng tác văn học Miền trung và Tây Nguyên. Chúng tôi có một may mắn và bất ngờ khi đến thăm Bảo tàng tư nhân gốm cổ Gò Sành – Vijaya - ChămPa của ông Nguyễn Vĩnh Hảo ở 173 - Lê Hồng Phong – thành phố Quy Nhơn. Chúng tôi bị chìm ngợp vào thế giới gốm cổ: Mặt KaLa, chum, choé, ghè, ang, vịm, vò, thạp, bình, đến tượng thần Siva, thần tửu, đầu sư tử, chim công, tượng Makara thuỷ quái ở biển cách điệu hình cá sấu, Linga, Yoni…vv… Đi trong không gian màu đỏ hồng, nến sáng, hương trầm khói quyện bay lúc chập chờn ma quái như thể mình đang bị dẫn dụ châng lâng trên mây lọt vào lòng tháp cổ tám trăm năm trước, lúc thẫn thờ đắm chìm vào không gian thực hư huyền ảo trong vương triều Chế Mân, Chế Bồng Nga… Quả thật! Có thể tìm thấy một thế giới Chăm cổ qua dòng gốm Gò Sành ngay giữa lòng thành phố biển Quy Nhơn gió lộng.

 

Nhưng trước khi có một “vương quốc gốm cổ Gò Sành” ở thành phố biển Quy Nhơn hiện đại thì người ta đã biết hoặc nghi ngờ về một dòng gốm Hời - gốm Chàm xứ Gò Sành thời Vijaya – Bình Định từ lâu rồi. Các nhà khảo cổ học Việt Nam trong các năm 1991, 1992, 1993 (từ 1994, 1997... có thêm các học giả Nhật Bản và Bỉ) đã tiến hành khai quật ở vùng Gò Sành – An Nhơn – Bình Định thu được nhiều hiện vật gốm men, hoa văn in chìm nổi rất độc đáo, phong phú sinh động có niên đại thế kỷ 12, 13 -14...

 

Tất nhiên, các nhà khảo cổ đến Gò Sành vẫn đi sau bom Mỹ. Khoảng đầu năm 1974, Bình Định vẫn là vùng chiến tranh liên miên ác liệt, tương quan chiến trận ở tình thế ngày Ngụy, đêm Cách mạng. Hai bên chiếm đóng địa bàn quân sự hình thành thế da báo. Dù tương tàn đến cỡ nào chăng nữa thì con người vẫn cứ phải sống, phải tồn tại; ai làm ăn vẫn phải làm ăn, ai chạy loạn thì cứ chạy loạn. Cho đến “một ngày định mệnh đen tối”, 24.2.1974 bom Mỹ táng xuống vùng Gò Sành, xã Nhơn Hoà, huyện An Nhơn, Bình Định vô tình “khai quật” lòng đất làm lộ diện hàng ngàn mảnh vỡ và dấu vết lò gốm cổ. Người ta ồn thổi đi xa và thêu dệt bao nhiêu huyền thoại khi lòng đất phát quang; thậm trí có người bất chấp bom đạn giặc giã cả gan mò mẫm đến các hố bom còn khét lẹt mùi khói, mùi tanh tưởi súc vật, mùi người chết thảm… hôi của.

 

Bằng trực cảm khá nhanh nhạy và tinh tường, “Ông Hội đồng tỉnh” Nguyễn Hượt – nhà buôn đồ cổ đã không bỏ qua cơ hội ngàn vàng, đến ngay Gò Sành, nhặt nhạnh, chọn gom những mảnh vỡ gốm Chàm cổ có giá trị theo quan niệm cá nhân; tại đây cụ còn phát hiện thấy dấu vết của lò gốm cổ. Ai là chủ nhân của dòng gốm này? Người Hoa (Tống) di cư hay người Chàm bản địa? Có phải dòng gốm cổ men ngọc (màu ngà - bạch định hơi ngả màu tối) được sản xuất ở Gò Sành chứ không phải gốm trôi nổi mà từ bấy lâu mọi người cứ cho rằng đó là của người Hoa và chỉ người Hoa mới sản xuất nổi?… Những câu trả lời không dễ, cần ngẫm nghĩ nghiêm túc trước khi kết luận.

 

Ngay từ thời đó, Gò Sành đã là một cái tên (định danh) cho dòng gốm cổ này; có người gọi là gốm Chàm, cụ Nguyễn Hượt gọi là gốm Hời... Hoá ra, trong dân gian vẫn lưu dùng một dòng gốm cao cấp màu ngà nhưng tối hơn gốm Tống và người ta thường gọi là gốm Tống bạch định (còn gọi là men ngọc hay là men celadong) lại có xuất xứ sản xuất từ Gò Sành – An Nhơn – Bình Định.

 

Trở lại các cuộc khai quật của giới khảo cổ cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, người ta đã phát hiện hơn 20 lò gốm ở Gò Sành, và không còn nghi ngờ gì nữa: Có một dòng gốm cổ sản xuất tại Gò Sành đã được khẳng định trong giới chuyên môn. Trước đó và gần đây, người ta cũng tìm thấy gốm cổ nguồn gốc Gò Sành có mặt nhiều nơi trên trái đất. Một hướng lý giải tương đối hợp lý: Có lẽ ngày xưa vương quốc Chămpa cổ nằm trên trục hàng hải giao lưu giữa Trung Quốc, Đại Việt với các nước Đông Nam Á biển đảo, Ấn Độ và Tây Á; các thương thuyền vượt đại dương thường vào cảng Hội An, Thị Nại làm bến đỗ lấy nước ngọt, đồ ăn, mua thêm hàng hoá bán kiếm lời. Những sản vật quý như: ngà voi, tê giác, đồi mồi, thổ cẩm, đồ vàng bạc, và tất nhiên đồ gốm không thể qua mắt thương nhân tinh tường lão luyện nghề. Vậy là gốm hành trình đến các nơi xa lạ mà chủ nhân sinh ra nó cũng chưa bao giờ đặt chân đến, thậm chí chưa bao giờ nghe địa danh. Gốm cổ Gò Sành đã có mặt trong một số bảo tàng, gia đình quý tộc nước Anh, trong lòng đất di chỉ Juffa - Vương quốc Ả rập thống nhất, bán đảo Sinai – Ai cập, trong các thuyền đắm ở biển đông nam Trung Quốc, tàu Pallawan đắm ở biển Phi Líp pin; ở đảo Tniman - Malayxia. Gốm Gò Sành còn bỏ lẫn với đồ gốm Trung Hoa trong con tàu đắm ngoài khơi Brunei, ở di chỉ Dazaifu - đảo Kyushu - Nhật Bản, trong di chỉ mộ táng ở Santa Ana, bán đảo Calatagan – Phi líp pin…

 

Những phát hiện này củng cố thêm nhận định: Một xứ gốm vùng hạ lưu sông Kôn xuất hiện cách đây từ gần 8 thế kỷ. Gốm ra lò, lên thuyền xuôi theo dòng sông Kôn ra cảng Thị Nại. Thương nhân ngoại quốc dừng chân ở cửa Cách Thử, cảng Thị Nại và làm nên “con đường của gốm” trên biển. Huyền thoại về cuộc dừng chân của Trịnh Hoà - nhà thám hiểm, nhà hàng hải Trung Quốc, một trong những người khai sinh “con đường tơ lụa” nổi tiếng, trên đường Tây Dương, đã dừng bước ở Thị Nại cùng 60 chiếc thuyền... vẫn lưu giữ ở Minh sử và lưu truyền trong dân gian. Ai mà biết được nhà hàng hải danh tiếng này đã mang theo bao nhiêu gốm Gò Sành về nước dâng lên Minh Thành tổ?

 

Ngoài dấu vết xưa cũ hơn 20 lò gốm ở Gò Sành, người ta cũng tìm thấy cái thân xác lò gốm tàn hoang ở các “gò” khác như gò Hời, gò Cây Ké, Trường Cửu,... nằm dọc hai bên bờ sông Kôn chảy ra cảng Thị Nại; và ở gò Cây Me… quanh khu vực thành Đồ Bàn, thành Cha... Gốm Gò Sành còn đi xa hơn, đến các vùng trong nước như Phố Hài – Bình Thuận, Đại Làng – Lâm Đồng; ở con thuyền ngoài khơi Cù Lao Chàm - Quảng Nam…vv…

 

Khoảng đầu năm 2005, một nhóm thanh niên nông dân xã Đại Phong, huyện Đại Lộc Quảng Nam “ngậm ngải tìm trầm” cả tháng trời đói khát khổ ải, bệnh tật ở rừng Kon Tum và vận may đã đến, họ tìm được hơn 100 kg Kỳ Nam tại suối Nước Bơ, Ngọc Têm, huyện Kon P’loong. Tin ồn vang xa, hàng đoàn người từ ven biển miền Trung lũ lượt kéo lên rừng Kon Tum tìm vận may đổi đời. Trong số những người hy vọng làm lại thân phận từ trầm ấy, có Doãn Thanh Chương và Nguyễn Đăng Vinh, hai anh không tìm thấy một “vảy” trầm nào, nhưng lại phát hiện ra nhiều lọ gốm cổ khá nguyên vẹn lẫn với nhiều mảnh vỡ chôn sâu trong lòng đất rừng Tây Nguyên. Đây là loại gốm trơn, không hoa văn, hoạ tiết, không vòi, không nắp; rõ ràng được sản xuất bằng phương pháp thủ công và xương gốm bằng đất sét. Ai là chủ nhân sản xuất ra dòng gốm này? Căn cứ vào đặc điểm, tính chất… và niên đại, theo nhà sưu tập Nguyễn Vĩnh Hảo: Chắc chắn đó là gốm Hời, còn gọi là gốm Chàm được sản xuất ở Gò Sành.

 

Có khả năng đó là các vật dụng của người lên ngàn tìm trầm mang theo; khi xong công việc rút về quê người ta không mang theo về nữa. Hoặc khi các cuộc chiến tranh liên miên với các nước làng giềng; người ta vẫn lưu truyền về các cuộc giao tranh đẫm máu giữa người Chàm vương quốc Vijaya với người Khơ me vương quốc Cao Miên. Kon Tum – rộng ra là địa bàn Tây Nguyên rừng thiêng là nơi sơ tán, di tản của người Chăm, họ mang theo đồ gốm để dùng. Đây có thể là một di chỉ rất cần được khai quật, nghiên cứu; các nhà khảo cổ nên để mắt đến vùng rừng sâu non cao này.

 

2. Ai là chủ nhân gốm Gò Sành?

 

Gốm cổ Gò Sành được sản xuất trên đất người Chàm thì không ai bàn cãi. Nhưng ai là chủ nhân gốm Gò Sành thì vẫn còn đang đi tìm câu trả lời thích đáng.

 

Lâu nay, người ta vẫn cho rằng gốm Gò Sành là sản phẩm của dân Tống lưu vong. Năm 1271, Nam Tống rên siết dưới vó ngựa bách chiến bách thắng của quân Nguyên Mông. Dân Tống chạy loạn khắp nơi; tất nhiên trong số người chạy giặc ấy cũng có các nghệ nhân gốm tài hoa gạt nước mắt bỏ quê, bỏ đất, bỏ nghề trốn về phương nam. Có những người hoang mang lo sợ, không yên tâm với vó ngựa Nguyên Mông đã chiếm gần hết châu Á và một phần châu Âu chạy mãi, chạy mãi xuống tận Đại Việt. Sử gia Đại Việt đã từng chép sự kiện năm 1274: “Mùa đông, tháng 10, người Tống sang quy phụ. (Trước đó, nước Tống ở mé Giang Nam, người Nguyên thường hay lấn đánh. Đến đây, họ đem 30 chiếc thuyền biển chở đầy của cải và vợ con, vượt biển đến La Cát Nguyên. Đến tháng 12, dẫn về kinh, an trí ở phường Nhai Tuân, họ xưng là người Hồi Kê. Người nước ta gọi người Tống là Kê quốc…)”.

 

Người Hồi Kê? Hay Hồi Cốt? Hay Hồi Hột, Hồi Hoạt? Thực chất họ là tộc người Uigrur còn gọi là người Duy Ngô Nhĩ ở phía Tây Bắc (vùng Tân Cương – Trung Quốc ngày nay). Họ chính là dân Tống chạy nạn, tự nhận là người Hồi Kê để tránh quân Nguyên. Cùng thời, một bộ phận người Tống lưu vong đến vùng Vijaya – Bình Định; họ chăm chỉ làm ăn, đem theo nghề cũ phát triển trên quê mới nhất là dệt lụa, buôn bán và sản xuất đồ gốm. Gò Sành là một trong những nơi người Tống đặt chân đến và hành nghề gốm. Người ta so sánh gốm Tống định và gốm cổ Gò Sành có nhiều nét tương đồng, duy chỉ có màu men gốm Gò Sành hơi tối. Có lẽ là do chất đất?

 

Cuối thế kỷ 14, nhà Minh đưa ra chính sách bế quan tỏa cảng, cũng gây nên một cuộc di dân, có một con đường gốm sứ trên biển do các thợ gốm, thương nhân gốm tạo nên. Người Hoa di dân khắp các vùng Đông Nam Á xây dựng nhiều trung tâm gốm ở các nước biển đảo này.

 

Các nhà nhà nghiên cứu Allson Diem, tiến sỹ Roxna Brown người Mỹ, giáo sư - tiến sĩ Trịnh Cao Tưởng, tiến sỹ Lê Đình Phụng, nhà nghiên cứu Kerry Long Nguyen cho rằng: Gốm Gò Sành bắt đầu từ cuộc di dân của người Minh (1364) tạo nên con đường gốm sứ và kết thúc vào năm 1471 khi vương quốc Vijaya bị suy tàn. Sau các lần khảo cổ cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 ở Gò Sành, các nhà nghiên cứu người Nhật cho rằng niên đại gốm cổ Gò Sành bắt đầu từ cuối thế kỷ 13 – 14 và kết thúc vào cuối thế kỷ 15 (khoảng năm 1471 khi vương quốc Vijaya hết vai trò lịch sử); cũng có thể kéo dài đến thế kỷ 18.

Lại có cuộc di dân trước đó mà ít người nhắc đến; nó xảy ra vào năm 1127 khi nước Kim (đông bắc Trung Quốc ngày nay) tấn công Bắc Tống bắt hoàng đế Khâm Tông; triều đại Bắc Tống bị diệt vong; người Tống chạy nạn xuống phương Nam thành lập Nam Tống. Trong số Tống lưu vong ấy có nhiều người thợ gốm phiêu bạt xuống tận Đại Việt và vương quốc Vijaya.

 

Nhà sưu tập Nguyễn Vĩnh Hảo cho rằng: “Gốm Gò Sành đã có từ cuộc di dân đầu tiên – di dân Bắc Tống năm 1127 và kết thúc vào thế kỷ 18. ”

 

Giai đoạn đầu (cuối thế kỷ 12 đến thế kỷ 14) gốm cổ Gò Sành là do dân Tống lưu vong sản xuất. Nhưng giai đoạn tiếp theo từ suốt thế kỷ 14, 15 là do người Chàm học được kỹ thuật gốm của người Tống và tự họ sản xuất. Người Chàm có thể làm thợ trong các lò gốm người Tống lưu vong, nhưng sau này rất có thể từ địa vị làm thuê họ học được nghề và làm chủ lò gốm? Nhưng từ thế kỷ 16, 17 do dân Việt theo chúa Nguyễn mở đất, họ học được tinh hoa làm gố người Chàm và tiếp tục sản xuất; có lẽ vì thế mà sản xuất gốm Gò Sành tồn tại hết thế kỷ 18. Có thể tìm thấy dấu ấn hồn vía người Việt qua một số món gốm Gò Sành.

 

Có một sự thật lịch sử là: Khi quân Nguyên đi đường thuỷ đánh Chămpa chiếm một số vùng đất ven biển, có những người dân Tống lưu vong “nhớ nước thương nòi” nhưng quên thù cũ lại lá mặt lá trái, phản bội dân Chàm, họ chỉ điểm nơi chúa Chàm ẩn nấp để quân Nguyên vây bắt; khiến người Chàm tức giận giết không biết bao nhiêu người Tống ăn cháo đái bát. Điều này, không được ghi trong thạch bi Chăm Pa nhưng tìm thấy trong Tống sử. Vậy thì, liệu người Tống lưu vong ở Gò Sành – Bình Định có cùng chung số phận? Và nếu không xảy ra chuyện này thì người Tống đến nơi “đất khách quê người” lánh nạn, coi đất mới là quê hương, một nhóm người Tống nhỏ nhoi lạ nước lạ cái dù ý thức hay không cũng sẽ bị người Chàm đồng hoá lúc nào không hay. Kỹ thuật gốm sẽ chỉ còn chuyện nhỏ và người Chàm làm gốm ở Gò Sành cũng là điều tự nhiên bình thường. Tất nhiên đây chỉ là suy đoán, liên tưởng.

 

Theo nhà sử học Tạ Chí Đại Cường thì “người Chàm cho đến nay không biết đến bàn xoay để làm vò hũ, nồi trã, nói chi đến đồ sành cao cấp.” Nhà sử học dẫn ra: “Anh trung sỹ ở đơn vị tôi chỉ vác cuốc ra các ụ mối ngoài đồng đem về một mớ đất sét rồi bỏ đó cho bà vợ với chú bé chập chững bên cạnh, đập vụ đất, nhào trộn nước, nắm từng khoanh đất sét tròn đặt trên cái bệ gỗ, tự mình đi quanh, từng vòng từng vòng nhỏ to chồng chất làm nên cái nồi, cái ấm, cái trã, cái tách… đem cất ở khoảng êm mát nào đó trong nhà rồi đi nấu cơm, dệt vải. Một ngày làm vài cái, để đó đến khi chỗ chứa đã chật thì đem ra khoảnh đất trống, quơ củi đốt, khói bay mù trời.”

 

Chuyện vợ anh trung sỹ người Chàm làm gốm mà nhà sử học Tạ Chí Đại Trường dẫn ở trên có thể là đúng, nó là gốm gia dụng thì chỉ cần kỹ thuật thô sơ và lối sản xuất “tiểu nông” tự cung tự cấp. Thế còn gốm ngự dụng - gốm cao cấp (các đồ gốm dùng trong vương triều và tầng lớp Chăm quý tộc)? Và đồ gốm thờ tự trong các đền tháp? Chẳng lẽ chỉ có gốm người Tống lưu vong ở Gò Sành làm ra? Tại sao chúng ta không nghĩ đến các xưởng gốm cung đình do thợ Chàm chuyên làm gốm phục vụ cho tầng lớp Chăm thượng lưu và đồ tế tự?  

 

“Những gì của gốm Chu Đậu hãy trả về cho Chu Đậu”; chỉ đến lúc khai quật di chỉ Chu Đậu và tìm thấy gốm cổ Chu Đậu trên con tàu đắm ngoài khơi Cù Lao Chàm thì người ta mới thật sự hết cái nhầm lẫn tai hại coi dòng gốm Chu Đậu men lam là gốm được sản xuất từ các lò gốm nhỏ bé vô danh ở miền nam Trung Quốc. Vậy là đã có tiền lệ giải mã. Còn một điều nữa củng cố lòng tin “Gốm Gò Sành của người Chàm” là nhận dạng hồn vía dân tộc Chămpa ở gốm Chàm. Nhiều “nhà gốm học” xem gốm cổ Gò Sành trong Nhà trưng bày của Nguyễn Vĩnh Hảo, đã bắt gặp thần thái người xưa neo giữ trên gốm cổ. Một chút thâm trầm, u hoài của màu nâu đỏ gạch tháp; một thế giới huyền ảo của tín ngưỡng, của thần linh có nhiều nét tương đồng với văn hóa cổ sông Hằng - Ấn độ. Những nét đặc sắc này chẳng thể tìm thấy, và không bao giờ cảm thụ được từ gốm Tống định.

 

Các triều đại xưa hưng lắm rồi cũng đến lúc suy. Gốm Gò Sành đã có thời phát triển rực rỡ suốt cuối thế kỷ 13, hết thế kỷ 14 sang thế kỷ 15 đã là niềm tự hào của vương quốc Vijaya cổ, nhưng rồi nó cũng bị khuất lấp, gián đoạn và hết thời. Phải chăng nó chấm dứt sự tồn tại vào năm 1471 khi vương quốc Vijaya tàn hoang bởi chiến tranh và người thợ gốm Gò Sành cũng chịu chung số phận của đất nước. Người Việt lưu dân kéo dài lịch sử gốm Gò Sành đến cuối thế kỷ 18, nhưng gốm cũng chịu chung nỗi đau tương tàn. Đó là thời của những đau thương: Năm 1798, khi vương triều Tây Sơn sụp đổ, nền kinh tế vùng hạ lưu sông Kôn cũng sa sút và khủng hoảng theo vì sự thanh trừng, đàn áp, tàn phá của nhà Nguyễn. Cũng có thể đất trời đổi thay, dòng sông lấp, hoặc dòng chảy rẽ hướng, sự biến động địa mạo nơi Gò Sành?

 

Sự lụi tàn của gốm Gò Sành chỉ là liên tưởng, giả định. Nhưng có một sự thật rõ ràng: Gốm cổ Gò Sành được sản xuất trên đất người Chàm – vương quốc Vijaya – (Bình Định).

Sau người Tống là người Chàm và người Việt là chủ nhân gốm Gò Sành.

 

3. Hồn người trong gốm cổ.      

 

Người Chăm làm gốm độc đáo và nhàn tản không giống ai. Gốm đất nung màu đỏ au là nét đặc sắc của gốm Chăm. Ví như: Xứ Gò Sành làm các mặt Kala, người ta mang đất sét pha thêm chất phụ ra với tỷ lệ nhất định bằng kinh nghiệm đúc kết qua thời gian, nhào kỹ thật rẻo không dính tay thành một khối dễ cắt, bẹo, nặn; rồi tạo hình theo ý muốn sẵn có, theo tưởng tượng mới, xong đem phơi khô và cuối cùng là xếp vào lò đốt lửa thành gốm.

 

Vật liệu đầu tiên làm gốm Chăm là đất sét đỏ hoặc trắng (còn gọi là caolin), sau đó là củi khô đượm hoặc bổi và men. Vùng Phù Mỹ, ven đầm lớn, lưu vực sông La Tinh, sông Kôn có nhiều mỏ đất sét, trữ lượng vô cùng lớn. Kỹ thuật làm đất rất công phu, đòi hỏi sự kiên nhẫn của người thợ; người thợ càng trầm tính, điềm đạm thì làm đất càng kỹ. Người ta lấy đất sét lấy từ mỏ về ủ lọc sạch tạp chất. Sau đó gia giảm phụ gia, nguyên liệu tạo men là các khoáng chất Ti tan, nhôm, sắt, hoá chất từ thực vật. Từ nặn đất tròn vòng (nặn bộ, thủ công) đến bàn xoay là một bước tiến diệu kỳ của kỹ thuật sản xuất gốm; người thợ Chăm tạo dáng gốm trên bàn xoay, những ẩn dụ bắt đầu từ lúc đất lên bàn xoay hoặc trước đó. Người thợ trang trí gốm có thể vẽ chìm trên xương gốm lúc còn ướt sau đó phủ men lên hoặc in khuôn, tạo hoa văn rồi dán vào phôi gốm; cũng có thể in trực tiếp lên gốm rồi phủ men lên. Cũng có khi người ta dùng khuôn in (sản xuất hàng loạt). ở Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đang lưu giữ 1 khuôn in gốm Gò Sành, men màu đã được Kerry Nguyên Long giới thiệu trên Tạp chí Art of Asia số tháng 9+10 năm 1998. Ông Nguyễn Vĩnh Hảo cũng đang lưu giữ 1 khuôn in nữa to hơn hai ngón tay. Khuôn in gốm Chăm chìm cánh sen và dáng tháp được cách điệu. Chất liệu làm khuôn in này từ đất sét Gò Sành, có men bạch định, màu trắng xanh hơi tối, vài chỗ đọng men đậm màu xanh.

 

Gốm Chăm có hai loại chính: gốm men đơn và gốm trang trí thường được bố cục các hoa văn, hoạ tiết sóng nước, mây, hoa lá uốn, linh vật: voi, chim, thú, mặt Kala…

 

Lò gốm Chăm thường là hình ống tường lò bằng đất nện, có bầu đốt, chỗ tiếp lửa, cuối lò là ống thoát khói. Các đồ gốm cao cấp bao giờ cũng được đặt trong bao thơi trước khi nung để gốm chín đều, giữ đúng màu, không bị tro bụi bám, không bị sẹo… Về cơ bản gốm Chăm đều dùng vật liệu qua các bước, các loại kỹ thuật như thế, nhưng gốm tốt hay xấu lại do kỹ thuật và hồn vía người tạo dáng, trang trí, tình cảm người thợ đốt lửa. Theo Nhà sưu tập Nguyễn Vĩnh Hảo: Người Chăm mạnh về đất nung - gốm không men. Sở dĩ gốm cổ Gò Sành chất lượng rất cao, sang trọng, sinh động có hồn như thế là bởi có sự kết hợp: Cách mạng lửa (kỹ thuật người Tống) + Hồn vía người Chăm.

 

Trước khi người Tống lưu vong sang vương quốc Vijaya thì người Chăm đốt lò lửa nung gốm mới được khoảng 600 độ nên sản phẩm chỉ là đất nung và gốm gia dụng. Người Tống lưu vong có mặt ở Vijaya thì lửa nung gốm mới vượt qua ngưỡng 1000 độ và sản phẩm ra là gốm cao cấp gồm đồ ngự dụng, đồ tế tự, đồ thương phẩm.

 

Có thể nói: Đến được với thế giới cổ vật Chăm ám dụ, linh thiêng là đến với không gian vô hình giao tâm ngưỡng vọng của con người với thần linh. Mỗi cổ vật gốm Gò Sành không chỉ là đất nung qua lửa - vật thể hữu hình được dùng vào các mục đích khác nhau mà còn là hồn người thợ gốm Chàm gởi gắm dù vô tình hay cố ý. Hồn người được tinh đúc qua bàn tay thợ tài hoa truyền vào đất, vào lửa. Lửa làm nên màu gốm, đồng đất Bình Định cũng làm nên màu gốm, nơi đồng chua váng phèn, nơi bạc màu nắng gió, chỗ đỏ nâu gạch Chàm… được hun lại, đúc lại. Một chút lặng lẽ bình yên của đất ngàn, một khối dữ dội cuồng phong của biển, một đời trải nghiệm, buồn vui, tình cảm, tâm hồn con người ký thác vào gốm, hoá thân vào gốm. Thời gian cũng tạo nên màu của gốm, càng cổ xưa càng lung linh sống động, định màu ổn sắc. Nhưng mấy ai hiểu được lòng gốm? Giá trị đích thực của gốm chỉ có được trong con mắt xanh người tinh tế am tường chiều sâu văn hoá dân tộc.

 

Ảnh : Gốm cổ Gò Sành-SNM

Xem tiếp phần 2

Sương Nguyệt Minh
Số lần đọc: 3822
Ngày đăng: 15.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một thoáng Yên Báy - Khải Nguyên
Nơi phía tây bắt đầu - Ngô Kế Tựu
Anh Ba Xuân - Huỳnh Kim
Mùa xuân Biên giới - Phạm Minh Hoàng
Tình Ca - Ban Mai
Năm Thánh Đức Mẹ TàPao 2009 : Ngày hành hương dành cho giáo sĩ. - Nguyễn Hữu An
Nghĩ từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Nguyễn Hoàn
Về Cà Mau, cuối năm… - Huỳnh Kim
Chuyện chép bên dòng sông Trâu - Phạm Minh Hoàng
Nhạc Sĩ Cao Hồng Sơn : hoa thơm và cỏ úa - Nguyễn Một *