Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.170
123.223.314
 
Miền gốm cổ Gò Sành- 2.
Sương Nguyệt Minh

Phần II. VĨNH HẢO gốm GÒ SÀNH.

 

Ông là người Việt Nam đầu tiên ra mắt Bảo tàng tư nhân và Triển lãm đồ gốm cổ. Hảo là tên, lót chữ Vĩnh, họ Nguyễn - quý danh Nguyễn Vĩnh Hảo. Ông đang sở hữu khoảng 2000 hiện vật gốm, trong đó có nhiều gốm cổ Gò Sành thời Vijaya – Chăm Pa. Người chơi hoặc buôn bán đồ cổ thường cất giữ, niêm phong, không phải ai cũng được chủ nhân cho dòm. Còn Vĩnh Hảo làm hẳn một cái nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành để bất kỳ người dân bình thường nào đến thưởng thức cũng được. Người ta gọi ông là Vĩnh Hảo gốm Gò Sành - Nhà sưu tập gốm cổ Gò Sành vương quốc Vijaya – Chămpa

 

1. Thế giới gốm Chăm cổ giữa thành phố biển.

 

Một mảnh đất 180m2 có thể là quá nhỏ cho một Bảo tàng tư nhân Nguyễn Vĩnh Hảo, nhưng cũng tạm chứa đựng lưu giữ, trưng bày, bảo quản một phần vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn ông cha xưa kết thành trầm tích qua gốm cổ Gò Sành. Nhà trưng bày là ngôi nhà cổ có vẻ như nó lẻ loi, đơn độc, lặng lẽ giữa thành phố biển hiện đại ồn ào, sôi động thời kinh tế thị trường. Vĩnh Hảo tự thiết kế nhà trưng bày. Ngôi nhà cổ hài hoà nét đẹp chi tiết tinh tế, mềm mại của gỗ - quá giang, đòn bẩy, đấu, kẻ… được thợ dân gian tạo hình, đẽo đục, bào nạo nhẵn, khắc hoa lá, đường nét các con vật linh cách điệu và thổi hồn vào; đó là đặc trưng nhà mái lá Bình Định ngày xưa kết hợp với cái thô mộc, vững chắc, cứng cáp của tường gạch nâu đỏ trầm buồn thường thấy ở tháp Chàm cổ. “Không gian Nguyễn Vĩnh Hảo” tĩnh lặng, thâm u tràn ngập hồn cổ bỏ mặc tiếng động ồn ã, khói, bụi và nườm nượm xe đời mới, bao tính toán bon chen đời thường, với nhịp sống rất gắt, nhanh mạnh, gấp gáp, sục sôi của thế công dân trẻ thời @... ở bên ngoài.

 

Nếu chịu áp lực công việc quá nặng, hoặc bị    nheo, bức xúc chuyện gia đình, thậm trí là người tinh tế, hay nghĩ ngợi bất chợt bắt gặp cái nhìn coi thường, cái nhìn không thiện cảm của kẻ khác, lòng buồn bã sầu đời thì hãy đến nơi này, bạn sẽ cảm thấy lòng dịu lại. Rồi bạn sẽ bị cuốn vào thế giới thần linh, siêu thực huyền ảo lúc nào cũng không hay.

 

Đây Mặt Kala - mặt Thần Thời gian có niên đại thế kỷ 12, qua màu lửa người ta dễ đọc được triết lí nhân sinh: sự sống và cái chết như một lẽ thường. Mặt Kala có sừng cong hai bên, mắt xếch lồi hẳn ra, mũi to lớn, nanh nhe dữ dằn; đường nét phóng khoáng bay bổng, hình khối chắc, mạnh mẽ. Khả năng tưởng tượng người xưa thật diệu kỳ và dường như là không giới hạn; riêng về điều này, các nhà văn Việt Nam hiện đại còn thua tiền nhân vạn dặm. Đây Nữ thần Urogia bằng đá (tiếng Chăm là vú đàn bà) - vị thần sinh ra Vương quốc Chămpa cổ. Vẻ đẹp Urogia lồ lộ ở bầu vú tròn trịa, căng mẩy ám ảnh bởi tính phồn thực mang ý nghĩa sinh sôi. Sự kiêu hãnh được phơi bày như một lẽ tự nhiên, nhưng chúng ta cũng đọc được sự yếm thế của con người trước thiên nhiên khắc nghiệt ở cái thời tỷ lệ sinh và chết gần ngang nhau nên khát vọng sinh tồn và hưởng lạc cũng đủ để người đương thời nhận ra trên mỗi đường cong. Đây thần Siva cao 1m, là tượng Chăm cổ bằng đất nung lớn nhất đã tìm thấy cho đến nay; tượng độc bản này đang cần có sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học. Đây lá nhĩ có hình nữ thần Parvati - vợ thần Siva đang đánh nhau với quỷ đầu trâu; nữ thần có mười tay cầm các vật: búa tầm sét, vajra, cánh cung, tù và, đĩa sakra tròn, mũi tên… như là một tổ hợp hành động của đời sống dân gian kết lại thành ý chí sục sôi làm chủ muôn loài của con người. Đây nữa, tượng thần tửu bằng đá tím, dáng liêu xiêu như say mà không say, tỉnh mà không tỉnh, vạt áo cong lên mỏng manh đỡ hờ nậm rượu.

 

Ông Vĩnh Hảo cũng trình làng một cái hũ độc bản, ông gọi tên hũ là Hũ Thần Kala có niên đại thế kỷ 13. Có lẽ nó là đồ đựng nước thiêng cúng thần linh. Bốn góc dưới chân hũ là 4 mặt Kala. Người thợ gốm Chăm xưa nhào đất nặn cách điệu các con vật kết hợp thành mặt Kala: Mắt lân lồi, mũi sư tử, nanh lợn lòi…, dữ dằn và hoang dại, làm người xem dễ liên tưởng đến dòng thời gian trôi với cái lẽ sinh diệt. Thân hũ được trang trí bởi các hoạ tiết hoa văn chữ bùa, hoa mai, cánh sen, ngọn lửa... Rồi các tượng rắn Naga, tượng thần điểu Garuđa, hũ Bạch định, Đĩa ngự dụng, tượng bò Nandin bằng đất nung, choé, ghè,…vv… cơ man gốm cổ là gốm cổ.

 

Đáng chú ý là trong số hiện vật độc bản có Đĩa gốm men màu lam hồi đường kính 34 cm. Cái đĩa ngự dụng độc đáo này chứa đựng cả sự viên mãn vương quyền in dấu tích Long Vân Khánh Hội. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn - một chuyện gia về gốm cổ hiện đang trú ở Đa Kao – Sài Gòn cho rằng: Rất có thể chiếc đĩa này của vua Càn Long tặng vua Quang Trung.

 

Vùng An Nhơn – Bình định là vùng đất thang mộc, địa linh nhân kiệt, nơi không chỉ có Đồ Bàn thành và còn có Thành Hoàng đế - một thời rất sẵn và nhiều đồ gốm ngự dụng. Tôi đồ rằng: Đĩa gốm men lam hồi là sản phẩm của một người thợ gốm tài hoa ở miền châu thổ nào đó ở Bắc Hà đã phải chịu cảnh xa vợ lìa con về ngự xưởng kinh thành Thăng Long nhào đất, quay bàn xoay, vẽ chi tiết rồng mây và chăm chút kỹ lưỡng đến cả năm móng con rồng; thổi lửa vào đất, đất cất thành hồn… Có thể nó là món quà sau mấy lần ra Bắc của Quang Trung Nguyễn Huệ biếu anh mình là Nguyễn Nhạc.

 

Theo Nguyễn Vĩnh Hảo, các hiện vật trong nhà trưng bày của ông gồm hai dòng: Gốm cổ Gò sành và gốm hiện đại.

 

Gốm Gò sành của người Chăm (còn gọi là gốm Hời) từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 15 và sau đó người Việt tiếp tục sản xuất đến thế kỷ 18 khoảng 1300 hiện vật; ông Vĩnh Hảo đang trưng bày 500 hiện vật. Ông Vĩnh Hảo chia chúng thành 4 nhóm: Đồ thờ tự (tượng gốm, phù điêu, đồ trang trí đền tháp…). Đồ ngự dụng (vật dụng bằng gốm men cao cấp trong Hoàng gia Chăm). Đồ xuất khẩu ( gốm gia dụng, mỹ nghệ như chum, choé, ghè, bình, tách chén…). Đồ dân dụng (đồ đất nung, men nhẹ lửa…).

Gốm hiện đại chủ yếu là dòng gốm Kim Môn – Bình Định được sản xuất trong thế kỷ 20. 

 

2. Hổ phụ...

 

Tôi đã từng nghe danh tính: “Vua đồ cổ Sài Thành” Hoàng Văn Cường. Cổ vật quá nhiều đến mức căn nhà trên phố Đông Du – Quận 1 – Sài Gòn hoá thành chật trội, ông phải mua 1 căn nhà sàn người Thái ở Sơn La, 2 căn nhà cỏ ở Huế về dựng lên ở khuôn viên 1200m2 ở Thủ Đức để lưu giữ cổ vật. Những cổ vật quý nhìn thấy được trong bảo tàng tư nhân ông Cường là giường bà Từ Dũ nằm, 4 khẩu thần công, 2 trâu đồng, tượng vàng vua Gia Long đúc năm 1800…vv đều đặc sắc, quý hiếm. Ông Nguyễn Bằng - quái kiệt đất Hà Thành lừng danh quốc gia cổ vật đang sở hữu 1000 gốm cổ, trong đó có nhiều món đã 2000 năm tuổi.  “Vua gốm cổ miền Tây” Trần Quốc Hoài thì lại nổi danh với bộ sưu tập gốm cổ Cây Mai và thế giới cổ tích của hơn 200 “ông bình vôi” lạ lẫm có một không hai. “Ông hoàng tiền cổ” Lâm Zũ Xênh đang sở hữu 1,4 tấn tiền cổ với 200 mệnh giá khác nhau. Hoặc ông Nguyễn - “vua đồ đồng cổ” sở hữu bộ sưu tập dao găm đồng, một chiếc có hình người nam nữ ôm nhau, tay người đàn ông đang mở váy người đàn bà…Chắc hẳn người xưa không ý thức trình diễn nghệ thuật sex mà chỉ là khát vọng sinh nở bảo toàn, phát triển nòi giống - tín ngưỡng dân gian mang ý nghĩa phồn thực…

 

Sẽ còn bao nhiêu nhà sưu tập, nhà buôn đồ cổ lẫy lừng danh tiếng và ẩn danh dấu tích nữa… chưa thể kể hết trên bản đồ cổ vật Việt Nam. Vậy thì Hảo Gò Sành - Nhà sưu tập gốm cổ Nguyễn Vĩnh Hảo – ông là ai?

 

Nguyễn Vĩnh Hảo quê gốc Mỹ Quang, Phù Mỹ, Bình Định - một miền gốm nổi tiếng. Không chỉ vùng Phù Mỹ mà cả vùng An Nhơn cũng có nhiều mỏ đất cao lanh – nguyên liệu đầu tiên và cơ bản làm nên gốm. Cha ông là Nguyễn Hượt – một thầu khoán, một chủ sản xuất gốm nổi danh, đã từng là “ông Hội đồng tỉnh” dưới thời Ngụy. Năm 1958, cụ Hượt có một xưởng gốm với thương hiệu “Phù Mỹ - Việt Nam”; sau này mở rộng sản xuất gốm mỹ nghệ và xuất khẩu, cụ đổi thương hiệu thành gốm “Kim Môn - Việt nam”. Gốm cụ Nguyễn Hượt theo đường thủy từ cảng Sài Gòn vượt đại dương sang In đô nê xi a, Phi líp Pin, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước phương Tây; và đường bộ ngược Tây Nguyên sang Lào, Căm pu chia sang Thái Lan, Ma lai xi a, các nước Tây Á. Nhưng trước khi làm chủ lò gốm, cụ Nguyễn Hượt đã là tay chơi và nhà buôn đồ cổ siêu phàm xuyên quốc gia từ Sài Gòn - Nông Pênh - Hồng Kông –  Đài Bắc…; tất nhiên cụ không bỏ qua món gốm cổ.

 

Bộ sưu tập cổ vật của cụ Hượt, và trong dân gian lúc bấy giờ có một dòng gốm màu ngà hơi xám, dân gian lưu truyền là gốm Chàm do người Chàm làm; cụ Nguyễn Hượt gọi nó bằng biệt danh rất liêu trai hoài vọng là gốm Hời. Nhưng giới đồ cổ thì cho nó là gốm Tống, còn gọi là Tống bạch định; đó là loại gốm đòi hỏi kỹ thuật bậc cao và lò lửa có nhiệt hơn 1000 độ. Dù đầu óc có sức tưởng tượng phong phú bay bổng đến tận trời xanh thì các nhà chuyên môn cổ vật vẫn không tin được cái thứ gốm độc đáo ấy được làm ra bởi cái đầu và bàn tay người thợ gốm Chàm.

 

Lại nói về trận “bom Mỹ khai quật gốm cổ Gò Sành” năm xưa, cụ Nguyễn Hượt đi ô tô vào Sài Gòn cùng một số hiện vật mới bị bom Mỹ vô tình khai quật ở Gò Sành công bố trong buổi họp báo của Việt tấn xã. Ngay ngày hôm sau và lai rai vài ngày nữa, hãng thông tấn và nhiều tờ báo của chế độ Sài gòn như: Việt tấn xã, Tia sáng, Chính luận, Sóng thần… đăng bài, đưa tin về sự lộ diện của gốm Chàm sau bao nhiêu năm ngủ yên trong lòng đất Gò Sành. Báo Chính Luận đưa tin: “Vào thế kỷ 14, người Việt Nam đã sản xuất ra thứ men ngọc mà từ bấy lâu nay mọi người cứ cho rằng chỉ có người Hoa mới sản xuất được”. Đây là những văn bản đầu tiên nói về dòng gốm cổ Chămpa vùng Vijaya - Bình Định. Điều này khác hoàn toàn với ý kiến của Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường trong một bài viết vào tháng 11 năm 2006: “…gốm lượm được ở trên gò Sành ở xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, Bình Định là sành cao cấp tạo ra tên riêng của gò, của làng, theo đà bán ve chai được đưa ra thị trường, lọt vào mắt một nhà nghiên cứu Úc, từ đó hình thành khái niệm về một loại hình gốm lấy tên từ nơi xuất hiện đầu tiên, gọi là gốm Gò Sành, gốm Bình Định.”

 

Tháng 3 năm 1974 có 1 Đoàn khảo cổ từ Sài Gòn về Gò Sành khảo sát; nhưng rất tiếc là những năm tháng ấy vẫn còn chiến tranh ác liệt, cái chết thường xuyên rình rập; các nhà khảo cổ học Sài Gòn chưa kịp làm cho gốm cổ Gò Sành được đứng tên trên Bản đồ gốm cổ Việt Nam.

 

Sau giải phóng miền Nam, năm 1975, lòng say mê gốm và những ngón chơi đồ cổ, sản xuất gốm, làm chủ lò gốm để thoả chí tang bồng vẫn đắm say, nóng bỏng trong từng dòng máu cụ Nguyễn Hượt. Hai lần thành lập Hợp tác xã sản xuất gốm Trúc Lan Viên đều thất bại. Nền kinh tế bao cấp qua thời chiến đã đến lúc hết tính ưu việt, bộc lộ những lỗi thời mà loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra lối thoát. Bế quan toả cảng, sản xuất đình trệ lưu thông bế tắc; sản phẩm ế thừa không tiêu thụ được hoặc khan hiếm. Cả nước nghèo đói suốt ngày chạy ăn vàng mắt, cơm gạo không đủ hỏi rằng ai để mắt đến các đồ gốm thương hiệu Trúc Lan Viên – Quy Nhơn của cụ Nguyễn Hượt?

 

Nhưng theo Nguyễn Vĩnh Hảo có một điều kỳ lạ rất khó giải thích vào khoảng những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, có một làn sóng săn lùng tìm kiếm, “mua như ăn cướp” những đồ gốm cổ Gò Sành – cái thứ gốm mà nhiều người vẫn cho là gốm Tống bạch định. Lúc ấy, gốm theo đường thuỷ cùng người vượt biên trái phép lênh đênh trên biển sang Pháp, Ý, Mỹ…, gốm đi đường bộ chui lủi lên Tây Nguyên rồi sang Lào, sang Căm Pu chia, Thái Lan, Mi - a - ma… Cụ Nguyễn Hượt lại bị cơn lốc gốm cổ cuốn vào không dứt ra được; không nhanh chân thì cái dòng gốm cao cấp sang trọng này chỉ là những mảnh vỡ và chỉ còn lưu lại ký ức người nội quốc. Nguyễn Vĩnh Hảo - người con thứ 4 của Nhà sưu tập đồ cổ Nguyễn Hượt – phải làm một công việc bất đắc dĩ: cầm tay lái chiếc xe Vespa cũ kỹ, cọc cạch chở cha “trên từng cây số” đi mò mẫm tìm gốm Gò Sành. Những bước chân không mỏi, cứ ở đâu đánh tiếng là cha con Vĩnh Hảo có mặt: mua rẻ, mua đắt, đổi chác… đi một lần không được thì đi nhiều lần, năn nỉ; gặp món đồ thích thú và được giá thì lì gan thuyết phục chủ bán. Chính 2 năm đại học dở dang chuyên ngành Dân tộc học; những ngày rong ruổi trên “con ngựa sắt” cũ mèm, yên rách, ống xả khói rỉ ngoèn; mấy năm làm kiểm định cổ vật cho một Công ty buôn Trống đồng của nước ngoài…, Nguyễn Vĩnh Hảo đã học được cách định giá cổ vật qua con mắt xanh lọc lõi tinh đời của người cha thầu khoán, buôn, chơi cổ vật khét tiếng.

 

Con người dù trôi nổi thăng trầm đạt được đỉnh cao danh vọng đến đâu hay đi hết con đường nghề nghiệp với những thú vui đắm say cũng chẳng thoát khỏi quy luật sinh lão bệnh tử. Năm 1991, cụ Nguyễn Hượt tuổi cao, bệnh trọng; như con sư tử già nanh rụng, vuốt cùn, dáng đi chậm chạp, không thể lên rừng xuống biển săn lùng những món đồ cổ yêu thích nữa; nhớ lại thời hoàng kim oanh liệt lẫy lừng thế giới cổ vật bao nhiêu thì buồn nản chán đời bấy nhiêu. Nhưng ý chí và khát khao lưu giữ hồn người xưa trong cổ vật để lại cho đời sau vẫn như ngọn lửa đốt bằng củi nỏ ngùn ngụt cháy. Cụ hoảng sợ, lo lắng và thậm chí rất hoang mang khi nghĩ đến tình cảnh: từng cổ vật nhuốm màu thời gian, công sức, trí tuệ của tiền nhân; và của mình nữa đổ mồ hôi săn lùng tìm kiếm sẽ bị con cháu bán dần đi để lo cho cái dạ dày đang lép kẹp. Trước khi chết, cụ gọi Nguyễn Vĩnh Hảo đến. Người cha sức cùng lực liệt, “con sư tử già” đang cận kề cái chết cố rặn từng hơi nói đứt quãng với đứa con trai đã qua 10 năm phiêu bạt kiếm sống bằng đủ mọi nghề rằng: Hãy thay cha giữ gìn các cổ vật, nhất là các món gốm Gò Sành, đừng bán đi mà làm cha không yên lòng nơi chín suối…

 

3. Sinh hổ tử…

 

Vĩnh Hảo khác người.

Đó là nhận xét của bạn bè thân cận và cả những người mới tiếp xúc. Cao khoảng 1m80, nặng gần 1 tạ, vòng bụng có lẽ tới 110 cm, “quá khổ quá tải”, cánh báo chí đùa giỡn bảo Vĩnh Hảo luyện võ công sai nên bị “tẩu hỏa nhập ma”. Nhưng nhìn kỹ mới thấy cái dáng Vĩnh Hảo cao to vững chãi lừng lững như võ sĩ Sumô Nhật Bản lại có nét nhanh nhẹn và chắc khoẻ của võ sư Bình Định. Hảo có cái xe Vespa cà tàng nổ máy kêu pành…pành như máy bơm nước và khói đen mù mịt, cũ kỹ đến mức không thể cũ kỹ hơn, nếu có bỏ quên ở ga tầu hoả Diêu Trì cả tuần cũng không ai thèm lấy, hoạ chăng có người tiếc của nhặt đem bán sắt phế liệu cũng đủ tiền uống café buổi sáng. Nhưng Vĩnh Hảo không bỏ, tất nhiên là chẳng bán, bởi “con ngựa sắt” này gắn bó với Vĩnh Hảo hơn hai chục năm trời “lên rừng xuống biển”, chui vào từng ngõ ngách làng quê hẻm phố săn tìm đồ gốm cổ. Giới đồ cổ, bạn bè, cánh báo chí thường gọi ông bằng các biệt danh: Vĩnh Hảo gốm Chăm, Vĩnh Hảo khùng, Vĩnh Hảo Quy Nhơn, Vĩnh Hảo giang hồ, Vĩnh Hảo Gò Sành?... Không biết gọi ông bằng quý danh nào cho xứng!? Bằng trực cảm ban đầu, tôi nhận ra các phẩm chất ấy đều thấp thoáng xa gần ẩn hiện in dấu trên gương mặt giãi dầu từng trải của ông.

 

Nguyễn Vĩnh Hảo giàu có cổ vật bao nhiêu thì tiền mặt túng thiếu bấy nhiêu, bởi làm ra được bao nhiêu tiền thì ông lại đi mua gốm cổ Gò Sành bằng hết. Làm xong cái Nhà trưng bày không những rỗng túi mà còn nợ ngân hàng 1 tỷ rưỡi; vậy mà có người trả giá 3 triệu đô la (khoảng gần 60 tỷ đồng Việt Nam), ông lắc đầu không bán. Không bán thì họ năn nỉ hùn số tiền ấy làm ăn và chia lợi tức: ông Vĩnh Hảo 49%, người ta 51%. Chia chác, có nghĩa là: sẽ dẫn đến buôn bán các cổ vật khác, sẽ săn lùng không chỉ chum, choé, ghè mà còn cả, ngà voi, trống đồng, trống da trâu rừng, trống da bò tót; sẽ có các cuộc bán đấu giá gốm cổ Gò Sành ở Sài Gòn, Hà Nội, ở Hồng Công, Sinh ga po, Băng Cốc…; Vĩnh Hảo lắc đầu. Thứ nhất: Ông tự nhận là kẻ thừa tự, có món Vĩnh Hảo  mua, có món của cha để lại, ông không có quyền bán, bán là phụ lòng cha. Thứ hai: Cổ vật lưu giữ văn hoá, đời sống tâm linh người xưa, không thể táng tận lương tâm làm ăn trên hồn vía tiền nhân…

 

Vĩnh Hảo đang đến hồi khó khăn bị dồn đến chân tường, đang chênh vênh leo cầu độc mộc chỉ còn mấy bước cuối mà không sao qua sông sâu sóng dữ được thì có quý nhân phù trợ. Một ân nhân như thể Mạnh Thường Quân ở trên trời rơi xuống giơ tay dìu Vĩnh Hảo nốt mấy bước qua cây cầu độc mộc. Cũng chỉ là quen biết tình cờ, trong một chuyến hành phương Nam, ông Bùi Xuân Vinh dừng chân ở Quy Nhơn và đến thăm Nhà trưng bày gốm Gò Sành của Vĩnh Hảo. Bằng trình độ của người am hiểu kinh tế, văn hoá; bằng trực cảm đủ sự tinh tế để nhận ra nơi “chọn mặt gửi vàng”, “Bùi Xuân Vinh tin Vĩnh Hảo và ngược lại Hảo tin Vinh”. Ông Bùi Xuân Vinh (cũng là một ông khác người) quay trở về Hà Nội bàn và thuyết phục vợ bán phắt cái nhà được 200 cây vàng rồi mang vào Quy Nhơn giúp Hảo thanh toán mọi nợ nần để giữ lại những cổ vật vô giá. May quá, 1 tỷ rưỡi trả hết nợ ngân hàng, một tỷ rưỡi chia đều ra trả cho các anh chị em ruột để Vĩnh Hảo được toàn quyền thừa kế, sử dụng tất cả số cổ vật do người cha để lại. Nhân viên ngân hàng vui vẻ vì hết phần việc suốt ngày năn nỉ đòi nợ; anh chị em cũng vui vẻ vì co tiền tiêu và công nhận quyền thừa tự của Vĩnh Hảo. Cần nói thêm rằng: Anh chị em Vĩnh Hảo được thừa hưởng sự giáo dục nghiêm khắc và nền nếp của người cha; bây giờ ai cũng có phận, tuy không giàu có nhưng không đến nỗi vất vả, người giáo viên, người thợ sửa đồng hồ, ai cũng có niềm vui nghề nghiệp; nhưng tình yêu cổ vật thì lại thuộc về Vĩnh Hảo. Chỉ Vĩnh Hảo mới thực sự say mê và có khả năng lưu giữ, định giá đúng các món cổ vật của cha.

 

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”; huống hồ không phải đói mà là khó khăn đến “kịch đường tàu” rồi và cũng không phải “một miếng” mà là tài sản lớn 200 cây vàng. Vì vậy, ở Nhà trưng bày Gốm cổ Gò Sành Vijaya – Bình Định, ngoài Nguyễn Vĩnh Hảo lừng lững cao lớn, hồn nhiên, đắm say gốm hiện diện là cái con người từng trải, dáng hình thanh nhã, lịch lãm luôn khuất lấp, ẩn mình của Bùi Xuân Vinh.

Dù có làm bao nhiêu nghề thì cuối cùng Nguyễn Vĩnh Hảo cũng trụ lại với đam mê sưu tập gốm Gò Sành. Bây giờ đã có một vị trí đáng nể trong “thế giới cổ vật”, nhưng Nguyễn Vĩnh Hảo chẳng ngần ngại che dấu một đoạn đời gió bụi với cái máu giang hồ. Mười năm tuổi trẻ bồng bột, đang yên đang lành học Khoa Lịch sử - Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Hảo rẽ ngang từ năm thứ hai; bỏ học và làm đủ các nghề, đủ các công việc để sinh sống. Tất nhiên không thể thiếu đấu võ, làm xế ôm cho cha đi săn lùng cổ vật, và một nghề nữa là… chụp ảnh rong. Nhưng “ác liệt nhất” là đi học võ và đánh nhau – đánh bằng cách thách đố rồi đấu… võ. Cứ làng quê, xó xỉnh nào xuất hiện “một anh tài” là Vĩnh Hảo tìm đến. Cũng nhiều phen sứt đầu mẻ trán, tím bầm mình mẩy và tốn không biết bao nhiêu rượu thuốc xoa bóp. Tôi hỏi:

- Có bao giờ Vĩnh Hảo đi bảo kê cho một vũ trường? Hay đòi nợ thuê cho một chủ hàng nào không?

Vĩnh Hảo cười không nói. Tôi bảo:

- Cũng là một thời đáng nhớ. Có thì nhận đi chớ.

 

Vĩnh Hảo vẫn chỉ cười, nụ cười hiền rất ngây thơ, bẽn lẽn như gái về nhà chồng. Nhưng mười năm khốn khó, nông nổi và dại dột của Nguyễn Vĩnh Hảo cũng có chút ích gì đó cho ngành thể dục thể thao nước nhà lúc ấy quá èo uột và chưa có mặt trên bản đồ Đông Nam Á. Vĩnh Hảo học Wushu Trung Quốc với hai môn: Tán thủ (đối kháng) và Tao lu (biểu diễn) rồi nghiên cứu kết hợp với võ cổ truyền Bình Định thành môn Võ Wushu Bình Định. Chẳng hiểu con đường võ của Nguyễn Vĩnh Hảo đã tới đâu và làm nên công trạng gì to lớn đối với nền thể thao nước nhà, nhưng Vĩnh Hảo đã từng làm huấn luyện viên Wushu quốc gia, học trò của ông đoạt Huy chương Vàng ở Seagames 21; hiện nay ông đang là Uỷ viên thường trực Ban chấp hành Hội võ thuật Bình Định. Còn cái sự chụp ảnh  của Vĩnh Hảo sẽ dông dài tới đâu? Chỉ biết rằng Vĩnh Hảo đã mở một Triển lãm Nhiếp ảnh với chủ đề Nỗi niềm của dòng sông và cũng từ nhiếp ảnh Vĩnh Hảo quen, rồi đắm say người đẹp Ngọc Dung vừa du học ở Nga về, bây giờ đang là người vợ yêu thương của ông.

 

Vĩnh Hảo khác người. Chị Ngọc Dung - một thiếu phụ xinh đẹp và hai con vẫn đang ở ngoài Hà Nội để ngày ngày đi xe máy đến văn phòng Ngân hàng Thế giới làm việc. Vĩnh Hảo ở lại Quy Nhơn và người mẹ già hơn 80 tuổi tóc bạc trắng hoa lau để trông coi chăm sóc Nhà trưng bày gốm Gò Sành. Chị Ngọc Dung chưa có một chỗ làm phù hợp ở Quy Nhơn; cũng như Vĩnh Hảo không thể đưa cả Bảo tàng gốm của mình ra đặt một chỗ nào đó ở Thủ đô. Vì vậy: Chiến tranh kết thúc hơn 30 năm rồi mà Vĩnh Hảo và Ngọc Dung vẫn như cặp tình nhân thời bom đạn mù trời, chịu cảnh vợ Bắc chồng Nam. Và đều đều mỗi tháng 1 lần hoặc chồng hoặc vợ xuôi ngược tầu thống nhất ra Bắc vào Nam tìm hơi ấm của nhau. Âu cũng là một sự hi sinh đến tận cùng vì gốm cổ.

Nỗi niềm của gốm.

 

Món đồ cổ, với bạn với tôi có khi nó chỉ là vật bình thường, thậm chí là vật tầm thường hoặc cùng lắm chỉ là phế liệu, vô tri vô giác. Nó nằm lăn lóc ngay trong góc nhà mình bị ẩm mốc, bị bụi phủ và làm bạn với chuột, rán hay lay lắt ở xó hè mặc mưa nắng không ai đếm xỉa. Nhưng lọt vào con mắt xanh tinh tường, lọc lõi, từng trải của người chơi, buôn cổ vật thì nó từ thân phận rẻ rúm không đáng nửa đồng kẽm bỗng vụt lên giá hàng triệu, vài chục triệu, vài tỷ đồng thậm chí vô giá.

Nguyễn Vĩnh Hảo là Nhà sưu tập đồ cổ, có con mắt xanh; phẩm chất này Vĩnh Hảo được di truyền từ người cha. Nhưng tôi vẫn cứ hỏi Vĩnh Hảo:

- Ông đã bao giờ mua phải đồ rởm chưa?

- Rồi chớ. Vài lần. Ham rẻ mà.

- Chả lẽ chỉ có ham rẻ?

Vĩnh Hảo bần thần:

- Thế thôi.

 

Hoá ra, cái sự chơi đồ gốm cổ cũng lắm công phu và chẳng phải lúc nào cũng nguôi chèo mát mái, may mắn.

 

“Nhưng cũng có khi như là thần linh mách bảo, sai khiến mình giữ món đồ cổ ấy.” – Vĩnh Hảo tự hào nói thế. Chuyện đi săn lùng gốm cổ nhiều lúc công phu, cần đến lòng kiên trì vô hạn, cũng có khi ở vào thế cười ra nước mắt, ăn may ăn thua. Có một chuyện thế này, tôi xin chép hầu bạn đọc: Một lần, Vĩnh Hảo đến chơi với ông nhà báo tên là Hưng ở Tuy Hoà – cũng là tay chơi đồ cổ có hạng. Vĩnh Hảo liền bị cái gạt tàn thuốc lá có hình con cá khoác nậm rượu ở trên bàn dẫn dụ. Bằng trực giác con nhà nòi cổ vật, Vĩnh Hảo nhìn ra giá trị thật của nó, lẽ ra cái gạt tàn thuốc phải ở một vị trí trang trọng ở nhà trưng bầy chớ sao lại đem ra dùng như mọi vật bình thường khác. Vĩnh Hảo bị nó quyến dũ, mắt sáng lên như bắt được vàng:

- Anh bán cho tôi cái gạt tàn nầy?

- Anh Hảo thích thì đặt tiền ra.

- 50 ngàn đồng.

Ông chủ nhà cười xoà, thông cảm với sự trả giá bèo:

- Chưa xứng tiền xăng tôi đi mua nhầm nó từ một bà bán ve chai.

- Thôi vậy thì 100 ngàn đồng, vừa bán vừa kỷ niệm.

 

Chủ nhà vui vẻ đồng ý. 100 ngàn đồng cho một món đồ gốm cổ. Thật rẻ rúng. Sau đó, một đàn em tên là Nguyễn Trọng Cơ ở Sài Gòn tổ chức triển lãm nhưng hiện vật ít quá, Vĩnh Hảo gửi cái gạt tàn thưốc lá và một số gốm Gò Sành vào trưng bày. Có người thích cái gạt tàn thuốc lắm, trả 600 đô la. Vĩnh Hảo bán ngay. Lời gấp 100 lần rồi còn gì nữa. Thật giá trị.

 

Nhưng, cái gạt tàn thuốc lúc ấy chưa phải đã là cao; vừa rồi Vĩnh Hảo phải khăn gói đến người chủ ấy và mua lại cái đồ mình đã bán, với giá 1000 đô la.

 

Một buổi sáng, tôi và nhà thơ Văn Công Hùng đến Bảo tàng gốm cổ Gò Sành, Vĩnh Hảo đem hiện vật Linhga và Yoni mang phong cách Bình Định ra khoe. Linhga bằng vàng, đầu chóp Linhga gắn hạt xoàn màu tiết chim bồ câu. Yoni bằng bạc ở trong đầy đất sét. Đây là bộ Linhga – Yoni nhỏ nhất mà chúng tôi biết được. Linhga to bằng cổ tay đứa trẻ lên ba bụ bẫm, dài khoảng 8cm; Yoni mỗi chiều khoảng 10cm. Người ta đào đất vớ được nó quẳng cho bọn trẻ con chơi; chơi chán chúng đem bán cho một người chuyên đi rong thu mua phế liệu. Nó trôi về tay một chủ tiệm vàng với giá bèo. Vĩnh Hảo mua lại với giá 3 cây vàng. Bây giờ, thì chính Vĩnh Hảo cũng không biết nó trị giá bao nhiêu cho vừa, phải để một thời gian nữa mới định giá chính xác. Qua câu chuyện này, Vĩnh Hảo phát hiện ra một hướng săn lùng cổ vật mới từ các bà thu lượm ve chai, phế liệu.

 

Người chơi cổ vật ngoài lòng kiên trì, đam mê, tinh đời còn phải có cái tâm. Cái tâm sáng và nhân hậu chứ không thể cứ yêu thích cổ vật là bằng mọi giá mang nó về với mình. Có chuyện thế này:

 

Một đôi vợ chồng trẻ đang sở hữu cái tượng gốm đất nung thần Siva ngồi, một tay cầm Linhga, một tay lần chuỗi hạt… niên đại thế kỷ 13. Nét mặt Siva vừa sung sướng, mãn nguyện vừa trầm ngâm suy tưởng đầy ắp triết lý nhà Phật - một sự kết hợp đạo với đời chỉ nảy sinh trong ý tưởng thăng hoa dào dạt của nghệ nhân gốm Gò Sành. Đứa con trai yêu quý của bố và mẹ đã mở tủ lấy tượng ra đem đến chỗ bà lượm ve chai đổi lấy 10 que kem chia cho cả lũ bạn đánh cù cùng ăn. Theo “đường dây phế liệu” đã định sẵn, món gốm cổ quý giá ra nhập bộ sưu tập thần Siva đất nung của Vĩnh Hảo. Vĩnh Hảo mua được món gốm chỉ với giá bằng một con gà công nghiệp hai kí lô, và nó bắt đầu có đời sống riêng, cái giá đích thực của nó khoảng 20 triệu đồng. Giữa lúc Vĩnh Hảo mãn nguyện thích thú cũng y như thần Siva đang sung sướng cầm Linhga thì người mẹ trẻ xinh xắn có đứa con vô tình lầm lỗi kia lần theo bà lượm ve chai phế liệu, tìm đến. Cánh tay trần trắng và gương mặt trái xoan có vài ba vết tím bầm, mi mắt quầng thâm, thiếu phụ trẻ dụt dè: “Thưa bác! Lỗi là em quên không khoá tủ, nên thằng bé mới đến nông nỗi ấy. Em vừa lĩnh lương tháng được 3 triệu đồng, em dấu chồng em đấy. Bác cho em chuộc lại cái tượng gốm; nó là đồ kỷ niệm của chồng em với người vợ trước. Em mà không mang được cái tượng ấy về thì chồng em suốt ngày nó đánh thằng bé, nó ăn thịt em mất… Thôi thì, bác rón tay làm phúc…” Trong trường hợp này, có thể từ chối nhượng lại, hoặc bảo mình đã bán trao tay cho một người khách vãng lai nào đó rồi…; có nghĩa là chẳng thiếu cách giữ cái tượng gốm cổ thần Siva ở lại với mình. Ai dám chê trách?

 

Vậy mà, không biết sức thuyết phục của thiếu phụ trẻ đến đâu, chỉ biết rằng Vĩnh Hảo thấy thật thương tâm và cảm như mình có lỗi. Có thể nét dịu dàng, dễ thương của người mẹ trẻ làm Nhà sưu tập gốm cổ “có sỏi trong đầu”… mềm lòng. Tiếc thật đấy, nhưng cũng đành trả tượng gốm cổ Gò Sành về với chủ cũ, Vĩnh Hảo chỉ lấy lại số tiền bằng giá con gà công nghiệp 2 kilô mà không đòi thêm đồng cắc nào.

 

Không thể sưu tập gốm cổ bằng mọi giá! Có những lúc mua được món gốm quý rẻ như bèo, thì cũng có khi phải gạt nước mắt tiếc nuối cổ vật không về, không ở lại với mình. Đó là lẽ thường trong cuộc đời người buôn, chơi cổ vật. Đó cũng là nỗi niềm của gốm. Thời cụ Nguyễn Hượt còn làm thầu khoán và là chủ lò gốm Kim Môn, vì thích quá mà dốc 100 cây vàng mua Đĩa sứ Càn Long niên bảo, nhưng chủ nhà vẫn lắc đầu từ chối bán. Thế gian biến cải khôn lường, cái đĩa sứ cổ có hoạ tiết Long vân khánh hội ấy chu du trong thiên hạ mãi đến gần ba mươi năm sau mới về tay người con - Nguyễn Vĩnh Hảo với giá… 5 chỉ vàng. Vĩnh Hảo gọi cái kiểu cổ vật chuyển dịch này là “đường đi của món đồ linh tinh lang tang”. Vật quý có đời sống riêng và chu kỳ vòng quay; được sở hữu gốm cổ quý còn có cơ duyên may chớ không chỉ là… tiền hoặc rất nhiều tiền. Riêng điều này nó nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người.

Đoạn kết.

 

Bảo tàng – nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành của Nguyễn Vĩnh Hảo là một trong 6 Bảo tàng tư nhân trên phạm vi toàn quốc. 180 m2 để xây dựng Bảo tàng có thể là ít so với Nhà nước quy định phải 1000m2. Nhưng, theo tôi: Vấn đề quyết định chất lượng Bảo tàng tư nhân ở cái gì đặt trong đó? Chỉ những hiện vật quý tồn tại theo dòng chảy văn hoá, theo dòng chảy thời gian mới quyết định giá trị của Bảo tàng.

 

Việc xã hội hoá Bảo tàng; Công việc bảo tồn, nghiên cứu; Chiến lược, chính sách văn hoá…vv… có thể tìm thấy điều gì đó từ việc xây dựng Bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Việt nam – Nhà trưng bày Gốm cổ Gò Sành thời Vijaya – Bình Định? Đó là việc của các nhà quản lý văn hoá. Còn Nguyễn Vĩnh Hảo lại đi tìm sự tri âm, chia sẻ từ bạn bè, người thăm quan gốm cổ Gò Sành. Dù có trải qua nhiều khó khăn cực nhọc khi dựng nhà trưng bày, dù có Một đêm đối tửu ba miền buồn vui, dù chỉ đơn độc hành trình trở lại với gốm Hời, gốm Chàm thì vẫn có một Vĩnh Hảo nghệ sĩ đích thực.

 

Viết đến đây, tôi chợt nghĩ: Văn nghệ Bình Định đương đại vốn lắm những anh tài, mỗi người “kỳ quái” một kiểu. Ví như: Vợ chồng Nguyễn Thanh Mừng - Trần Thị Huyền Trang vừa nghiên cứu văn nghệ dân gian vừa viết văn làm thơ; Lê Hoài Lương vừa bán cây cảnh vừa sáng tác; 2 lần được Giải thưởng truyện ngắn Văn nghệ Quân đội và 1 lần Giải thưởng Báo Văn nghệ. Giờ lại thêm “kỳ quái” Vĩnh Hảo gốm cổ Gò Sành. Đất Bình Định, ngoài những anh hùng, trí thức, doanh nhân còn có những người như họ; đất sinh ra, nuôi dưỡng họ và chính họ làm đẹp cho đất. 

 

Có thể nói: Hành trình đến thế giới gốm Hời - Gốm Chàm cổ Gò Sành không phải là cuộc viễn du cổ tích mà là sự khám phá vương quốc gốm u hoài chứa đựng những hào quang và nước mắt, lòng đam mê chưa đủ mà còn cần cả sự dấn thân./.

 

Ảnh : Ông Nguyễn Vĩnh Hảo-SNM

Sương Nguyệt Minh
Số lần đọc: 2875
Ngày đăng: 15.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một thoáng Yên Báy - Khải Nguyên
Nơi phía tây bắt đầu - Ngô Kế Tựu
Anh Ba Xuân - Huỳnh Kim
Mùa xuân Biên giới - Phạm Minh Hoàng
Tình Ca - Ban Mai
Năm Thánh Đức Mẹ TàPao 2009 : Ngày hành hương dành cho giáo sĩ. - Nguyễn Hữu An
Nghĩ từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Nguyễn Hoàn
Về Cà Mau, cuối năm… - Huỳnh Kim
Chuyện chép bên dòng sông Trâu - Phạm Minh Hoàng
Nhạc Sĩ Cao Hồng Sơn : hoa thơm và cỏ úa - Nguyễn Một *