Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.146
123.226.818
 
Cánh cò trên đảo Đình Vũ
Khải Nguyên

“Tôi xa Hải Phòng hơn hai chục năm rồi mà vẫn nhớ một thứ đặc sản, bình dân thôi, nhưng đúng là đặc sản Hải Phòng. Không! Không! Chẳng phải phở mà có người bảo trên tài phở Hà Nội, chẳng phải bánh chưng Thủy Nguyên vừa to vừa rền, chẳng phải nước mắm Cát Hải, chẳng phải mực Cát Bà mà có thời là của lạ trong nhà hàng một số nước Đông Âu. Nó dân dã mà đậm đà, chỉ nghĩ đến thôi cũng khoái. Ông cười gì? À, ông nghĩ đến cái món “đặc sản” mà tôi giới thiệu chọc ông lúc ông đang lớ ngớ mới làm dân Hải Phòng chứ gì!  Cái món “quả dừa” Đồ Sơn ấy tôi cũng chỉ “đánh trận mồm” thôi có đi vào thực địa đâu mà đeo đẳng kí ức. Món tôi nói đây là cá bống Đình Vũ. Ông lại cười! Tưởng là gì, phải không? Cá bống, nhưng là cá bống Đình Vũ!”.

 

Hình như tôi hiểu ông bạn. Hẳn là cá bống Đình Vũ chẳng phải có gì đặc biệt khiến rạng danh văn hoá ẩm thực đất Cảng, trừ khi có những “gia vị” phi vật thể. Ấy là vào những năm túng thiếu, túng đói nữa, trước hết là về thực phẩm. Dẫu dân thành phố đã tận dụng những mảnh đất trống để trồng rau; tận dụng bếp, hành lang để nuôi heo, nuôi gà. Hải Phòng kề biển mà đến cá khô cũng hiếm. Thế rồi có “phong trào” sắm cần câu. Ờ, ngoại thành thiếu gì ao chuôm, sông ngòi. Chớ! hợp tác xã quản lí cả đấy. Rỉ tai nhau : ở đập Đình Vũ....Cũng chỉ rủ những ai thân tình; buổi đầu cần có bạn. Nơi ấy hoang vắng lắm. Phải đạp xe hơn mười cây  số. Lại phải đến đấy vào lúc kề hoàng hôn cá mới ham cắn câu ( chớ chẳng phải ngại ban ngày ban mặt đâu, hỉ! ) . Chẳng lâu la gì người ta phát hiện ra ở đập là “mỏ” cá bống. Cá này kho nước mắm-đường-tiêu cho quánh lại theo lối trong nam thì khỏi nói ( kể ra thì buổi ấy nước mắm, đường, tiêu chẳng sẵn lắm đâu ). Cải thiện bữa ăn , “sang” ấy chứ , bên đĩa rau muống luộc.

 

Chiều xuống, rồi chạng vạng bóng hoàng hôn quanh quất , những bóng người rải ra đứng canh bên bờ  đá . Thỉnh thoảng những động tác tay đập muỗi và những câu nói vọng sang nhau chẳng khuấy được cái u tịch triền miên; một bên là đảo hoang sình lầy , “ lãnh địa “ của cây dại , muỗi mòng , rắn rết ,...; một bên là những đồng bãi  với xóm làng xa mờ mờ sương khói .Có khi chấp chới muộn  mấy “bóng cò trên đảo cánh phân vân”  (*) .

 

  Đảo Đình Vũ vốn bị kẹp giữa hai dòng sông rộng : sông  Bạch Đằng và sông Cấm , nhìn ra hai cửa biển : cửa Nam Triệu và cửa Cấm.

 

-Khi chưa có cái đập ngăn sông Cấm nối đảo với đất liền , Đình Vũ chỉ là cái đảo hoang chưa biết đến dấu chân người ....

 

-Nói hay thật! Vậy chớ hồi Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đi nghiên cứu thực địa  để lập trận tuyến phục kích quân Nguyên-Mông trên sông Bạch Đằng  lại không đảo qua mảnh đất chẳng hẹp  trấn ngoài cửa sông này chăng ? Lại nữa , quận He Nguyễn Hữu Cầu , người từng dọc ngang trên sông Bạch Đằng , khi quần nhau với quân Trịnh , nhất là khi bị bạn đồng môn cũ Phạm Đình Trọng rượt đuổi tìm diệt, không có lúc phải ém quân nơi đây sao ? Cái tên Đình Vũ khá chững hẳn đã được đặt ra một cách “ chính qui” chứ không truyền miệng mà thành như Quả Muỗm , Cái Bèo ,... Đảo hoang không có nghĩa là bị bỏ rơi. .     -Ờ , nghe nói hồi Pháp còn đô hộ nước ta , tức là trước năm 1945 ấy, có người đã tìm cách khai phá Đình Vũ nhưng Tây nó không cho .

 

-Cũng có thế . Thời ấy , ra đó kiếm ăn lẻ thì được , còn đậu lại thì khó  . Những “tay chơi” mà được trấn trên Đình Vũ có thể đột kích các tàu ra vào cảng ...

 

-Tây nó cũng ngu nhỉ ! Không biết dùng Đình Vũ làm bàn đạp mà vươn thẳng ra Cát Hải , Cát Bà , lại dùng đường thuỷ quanh queo .

 

-Có thể chúng ngu hơn ông , nhưng chúng ranh chán . Có cảng Hải Phòng thì phải quan tâm đến đường thuỷ chứ . Rồi chuyện liên lạc với vùng than . Nên nhớ là thực dân Pháp là bọn bần tiện nhất trong lũ thực dân . Người ta nói :bị đế quốc đô hộ đã là bất hạnh rồi, song, sa vào tròng đế quốc Pháp còn khốn nạn nữa . Giáo sư Trần Văn Giàu nói : “Các đế quốc khác khai thác thuộc địa , ăn thịt chúng còn để lại ruột non ruột già cho dân bản xứ ; còn đế quốc Pháp thì xực tất , cả những thứ trong ruột ” . Xây dựng , phát triển chút gì ở thuộc địa , chúng cũng nhằm kiếm lợi cho “mẫu quốc”, chứ chẳng nhằm khai hoá người bản xứ như chúng vẫn rêu rao đâu ! Có thể chúng cũng có nghĩ đến con đường  từ Cát Hải xuyên qua Hà Nam bắt vào con đường Mười ở quãng Quảng Yên . Nhưng xét lợi ích kinh tế hay yêu cầu quân sự chẳng có gì đáng để chúng đổ công của vào chuyện đó . Sau này , người Hải Phòng “nội địa” cũng thấy Cát Hải , Cát Bà quá là diệu vợi , nhưng là cái kiểu “gần nhà, xa ngõ ” . Hà Nam sát liền Cát Hải đấy nhưng lại thuộc tỉnh khác . Ngày ấy , phà vượt biển đã khó , nói chi cầu qua biển . Từ chót cuối đảo Đình Vũ , ngóng sang bên kia lạch biển thấy dải núi mờ xanh , xa thật là xa .

 

Một ngày đẹp trời nọ , có chàng kĩ sư trẻ dè dặt đề xuất việc nối đảo Đình Vũ với đất liền . Một cái đập ngăn sông Cấm .

 

Cái đập ra đời mang tên đảo . Có cái đập , đảo Đình Vũ gắn với đất liền như một bán đảo , nhưng vẫn hoang vu và lầy thụt, loi thoi cây ngập mặn .

 

Chung quanh chuyện cái đâp này cũng lắm ý kiến , thường là đồn thổi. Người thì khen những triển vọng. Ngó xa, sẽ là mở ra cửa ô thứ năm vươn tới huyện đảo Cát Hải. Nhìn gần, một mặt tập trung dòng nước cho cửa ngõ vào cảng Hải Phòng ; mặt kia ngăn dòng cho nuôi trồng thủy sản. Người thì chê những dự định dựa trên tham vọng nhiều hơn là hiểu biết thấu đáo. Có vẻ như đã thấy vài hệ quả. Bên này, đảo Cát Hải : “Ôi chao! bờ biển bị lở ngày càng nhiều!”. Bên kia, khu nghỉ mát Đồ Sơn : “Ôi chao! Bãi tắm bùn đọng như ruộng sắp cấy!”. Mà thu hoạch thì xem ra... Có một chuyện nghe như chuyện cười dân gian. Một hôm, có vị lãnh đạo cấp cao về thăm Hải Phòng. Vị đứng đầu địa phương đưa đi thăm thú các nơi. Đến đầm nuôi thủy sản Đình Vũ, người ta cho kéo lên những con cua xinh thật là xinh, vị lãnh đạo cấp trên không ngớt lời khen ngợi “cứ thế này mà tiến lên!”. Nhưng kìa! mấy tay nhà báo láu lỉnh đang bấm chóe nhau chuyện gì vậy? Thì ra có càng cua còn quắp chặt sợi lạt buộc mà người ta đã cởi ra trước khi thả con “bò ngang” xuống nước. Họ rỉ tai nhau : gần một nửa “đại đội” cua từ chợ Sắt trẩy về ém tại đây từ sớm.

 

Nếu chỉ là những kế hoạch cò con, chắp vá, hoặc để đối phó hay khoe mẽ thì “cõi đất” Đình Vũ mười ki-lô-mét vuông mãi mãi chỉ là cõi hứa trên miệng và trên giấy.

 

Đảo chính của Ma Cao cũng chỉ khoảng 10 km2, từ rất lâu đã là một đô thị hiện đại với chừng 40 vạn dân (mật độ cư dân vào hàng cao nhất thế giới) hàng năm đón 10 triệu du khách ; tổng thu nhập hàng chục tỉ đô la Mĩ / năm . Ma Cao chỉ có một ít công nghiệp nhẹ, kĩ nghệ chủ yếu là du lịch, nhất là sòng bạc. Riêng khoản sau thu 10 tỉ USD mỗi năm (60% số đó nộp cho Bắc kinh). <Các số liệu năm 2003>. Chưa kể  các khoản thu từ nhà hàng, khách sạn,...

 

Đình Vũ, nếu là khu du lịch, khó mà kiếm được lượng khách như Ma Cao. Không nói những điều kiện khác như vị thế, lịch sử,... chỉ riêng các sòng bạc đã thu hút 80% lượng khách đến Ma Cao. Đình Vũ có “gan” và có “tài” mở ra “vương quốc đỏ đen” như họ không? Cũng dễ hiểu là dự án khu kinh tế Đình Vũ đi theo hướng khác.

 

Bây giờ thì cái đảo hoang đang trở mình. Những bước đi đầu tiên của một dự án qui mô và dài lâu đang báo trước một Đình Vũ hoàn toàn lột xác và vươn dậy.

 

Đảo hoang Đình Vũ như là biểu tượng sự giới hạn trước những thách thức tự thuở năm mươi người con theo cha Lạc Long Quân tiến ra phía biển khởi đầu công cuộc khai phá đồng bằng và ven biển, chuyển dần từ phương thức hái lượm, săn bắt sang phương thức trồng trọt, chăn nuôi, và (manh nha) khai thác biển. Biết bao thế hệ kế tiếp nhau đã dựng nên cơ đồ ngày một hoàn thiện hơn. Song le, trải hơn bốn nghìn năm từ thời kì đồ đá đi lên cho tới thế kỉ 20, đất nước chúng ta chưa vượt lên khỏi  thời kì đồ sắt thủ công nghiệp, đang lẽo đẽo theo sau công cuộc công nghiệp hoá của thế giới tiền tiến. “Người đẹp” Đình Vũ nằm ngủ hàng mấy nghìn năm giữa bao tiềm năng chờ chàng “hoàng tử” hiện đại hoá đến đánh thức. Song, chẳng phải chàng nào mang danh công nghiệp hoá cũng hợp duyên.

 

Lần đi thăm Đình Vũ mới đây, tôi bắt gặp một đàn cò trắng mấy trăm con từ một đầm nước bay lên lượn vòng, -hình ảnh thân thuộc chốn đồng quê mà nay đã hiếm đi.

 

Những đàn cò này mai ngày sẽ về đâu? Hỏi vậy kiểu trách cứ thật là lẩn thẩn. Nếu cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ khiến cho cánh cò thưa dần trên ruộng đồng ; nếu việc hiến những vùng đất bờ xôi ruộng mật cho các khu công nghiệp, sân gôn,... thay vì những chốn khô cằn, hoang hoá, để chiều các nhà đầu tư, khiến cho các đàn cò lơ láo nơi thôn quê là đáng chê trách, đáng lên án thì lẽ nào cứ giữ những nơi như Đình Vũ mãi mãi hoang vu! 

 

Hỡi cò! Con người cũng phải kiếm sống. Nhưng con người chẳng thể như cò chỉ với đôi chân và cái mỏ, dẫu người Việt Nam ta từng ví đám người đáng quí nhất, đáng trọng nhất, mà cũng đáng mủi lòng nhất, với “thân cò lặn lội bờ sông”. Con người trên xứ sở này cần tiến bước cùng thiên hạ, phải nhờ vốn của người ta, kĩ thuật của người ta, cung cách làm ăn của người ta. Dĩ nhiên, chẳng phải họ đến với mục đích giúp dân bản xứ giàu mạnh lên. Chỉ có hiểu biết, tỉnh táo và “lành mạnh” mới có thể cùng họ chia phần thoả đáng. Còn phần của cò? Những toà cao ốc, những đường cao tốc, những cảng nước sâu, những chiếc cầu vươn dài trên biển nối Đình Vũ với Cát Hải, Cát Bà chẳng là “đất lành” để cò đậu. Nhưng cò hãy an tâm đi, hay ít ra thì cũng gắng mà tin như chúng ta ràng :  những đô thị văn minh bao giờ cũng có rừng cây, mặt nước, -những “lá phổi xanh”, trong lòng nó và vùng ven ; rằng những vành đai cây ngập nước làm lá chắn phòng hộ không bị đối xử chểnh mảng, vô trách nhiệm hoặc thực dụng một cách thiển cận, vơ vét,... ; rằng vân vân...

 

Rồi đây, chẳng còn cánh cò chao liệng trên hòn đảo này. Bao giờ khu kinh tế Đình Vũ cất cánh? Tôi mường tượng rằng sẽ có lúc mình đến đứng trên một điểm cao nào đó của khu đô thị Đình Vũ mà ngóng xa thấp thoáng bóng cò bay...

 

(*) Thơ Xuân Diệu : “ Con cò trên ruộng cánh phân vân”

Hải Phòng, 11 – 2008

 

Khải Nguyên
Số lần đọc: 2850
Ngày đăng: 16.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Miền gốm cổ Gò Sành- 1. - Sương Nguyệt Minh
Miền gốm cổ Gò Sành- 2. - Sương Nguyệt Minh
Một thoáng Yên Báy - Khải Nguyên
Nơi phía tây bắt đầu - Ngô Kế Tựu
Anh Ba Xuân - Huỳnh Kim
Mùa xuân Biên giới - Phạm Minh Hoàng
Tình Ca - Ban Mai
Năm Thánh Đức Mẹ TàPao 2009 : Ngày hành hương dành cho giáo sĩ. - Nguyễn Hữu An
Nghĩ từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Nguyễn Hoàn
Về Cà Mau, cuối năm… - Huỳnh Kim
Cùng một tác giả
Tĩnh vật (truyện ngắn)
Sông Phố (truyện ngắn)
Vào Hang Bắt Cọp (truyện ngắn)
Mây Núi Sapa (truyện ngắn)
Không đề (truyện ngắn)
Phận (truyện ngắn)
Nợ trần (truyện ngắn)
Li hương (truyện ngắn)
Dây Mơ (truyện ngắn)
Thiên Truyện Bỏ Dở (truyện ngắn)
Giấc Mơ Bọ Ngựa (truyện ngắn)
Cái hạt (truyện ngắn)
Hoàng hôn pha lê (truyện ngắn)
Nụ Hôn Muộn (truyện ngắn)
Ông Nọi (truyện ngắn)
Truyện Khó Đặt Tên (truyện ngắn)
Lần Vết Giai Thoại (truyện ngắn)
Chim Gõ Kiến (truyện ngắn)
Tìm Dâu Thảo (truyện ngắn)