Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.215.154
 
Thiên nga trắng.
Văn Xương

Chúng tôi lên đường tiến về Đông Trường Sơn trong một ngày mưa.  Dầm mình trong mưa rừng, luồn lách vượt qua những cánh rừng chằng chịt cây gai, những con suối nước chảy đục ngầu cuồn cuộn, vượt sườn núi cao chênh vênh bên bờ vực thẳm, chúng tôi mới đến được địa điểm tập kết. Ai nấy mệt đến bã người, nhưng không còn cách nào khác là phải bắt tay ngay vào việc dựng trại. Chúng tôi chọn ở dưới một cây cổ thụ to sát bên một con suối để làm lán. Khang - Kỹ thuật trắc địa (chúng tôi gọi là thầy địa) đứng nhìn rồi gật gù:

- Vị trí này thật tuyệt vời: Sơn thủy hữu tình, phía sau dựa vào núi như tường thành, phía trước dòng suối chảy qua thơ mộng, trên đầu lại có tán rộng...; có lẽ ngày xưa vua Lê Lợi chọn nơi chiêu mộ khởi nghĩa cũng chỉ là như thế này mà thôi.

Nam cười chỉ cái hố sâu phía bên phải:

- Thôi thầy địa ơi! Vậy cái hố sâu hoắm này là gì ?

- Đây là hồ Thiên thu, nơi này ngày xưa các nàng tiên giáng trần đó...

 

Câu chuyện cứ thế được dệt thêu lên cho đến khi căn lán được dựng xong. Tôi trở về với suy tư sâu thẳm, thầm khen họ là những người giàu trí tưởng tượng và nhiều mơ mộng. Khi các bạn của tôi đã ngủ thi nhau “kéo bễ”, tôi vẫn miên man suy nghĩ. Có một cái gì đó cứ nao nao trong lòng mình rất khác lạ. Cho đến khi giấc ngủ ru tôi vào mộng mị thì tôi được sống trong một thiên đường kỳ vĩ đến tuyệt vời: Một khoảng trời thanh khiết hiện ra bồng bềnh, nhẹ nhàng rơi rơi vô vàn cánh hoa tươi ngát, thả hương vào không gian thơm nức, ngất ngây. Rồi từ trong cái thiên đường muôn ngàn sắc hoa, ngời đẫm ánh trăng ấy, bỗng đâu có mười con thiên nga trắng phau nối nhau sà xuống chờn vờn trên mặt nước hồ Thiên thu từ từ trút bỏ xiêm y. Một thoáng trôi qua, trước mắt tôi không phải là mười con thiên nga mà là mười cô gái đẹp lộng lẫy như những thiên thần. Họ vây lấy nhau ngụp lặn cười đùa nhảy múa, nuột nà, phơi lộ ra các “vầng trăng” đầy căng tươi hồng, phập phồng theo hơi thở... Rồi không hiểu sao họ lại ôm lấy nhau cứ thế rưng rức khóc...

Tôi giật mình tỉnh dậy ngẩn ngơ, nuối tiếc giấc mơ dở dang.

 

Tưởng đó là câu chuyện bắt gặp trong mơ qua suy tưởng từ câu chuyện của các bạn nào ngờ hai hôm sau đêm nào giấc mơ ấy cũng tái diễn  trong tôi, có điều khác lạ là các cô ấy cứ quây lấy chúng tôi không nói, không rằng; nhưng cử chỉ thì như trách móc, giận hờn lắm. Hình như Khang cũng bắt gặp một điều gì đó nên úp úp mở mở nói với tôi rằng: “Có hồ Thiên thu thật đấy anh Hưng ạ! Lạ lắm, lạ lắm !...” 

 

Cho đến một buổi chiều, chúng tôi gặp một già bản, tay cầm một thẻ hương. Già đi về phía mô đất cao ở bên kia hồ nước, thắp thẻ hương cắm lên mô đất. Già lầm rầm một hồi lâu rồi đi về phía lán của chúng tôi. Giọng lơ lớ:

- Chào cán bộ.

Chúng tôi đon đả mời cụ vào lán. Cụ già tuổi độ 65 - 70 tóc bạc xoá, hình như cụ già hơn tuổi thật của mình, khuôn mặt rất khắc khổ, nhưng đôi mắt nhìn sáng và tinh thông lắm. 

- Cán bộ làm chi mà đo đo, vẽ vẽ rứa ?

- Chúng cháu chuẩn bị làm lại con đường này già ạ !

- À… À ! - Già gật gật. - Con đường Hồ Chí Minh - Con đường đánh Mỹ ngày xưa đấy.

 - Già ở đây chắc thông thuộc lắm. Chúng cháu có trách nhiệm khảo sát thiết kế để xây dựng lại nguyên bản như ngày xưa.

Già lẩm nhẩm:

- Xây dựng! Làm răng mà xây dựng được như ngày xưa đây...

- Là thế này già ạ... Chủ trương của trên là nâng cấp, cải tạo tuyến đường này để vừa đảm bảo lưu thông phục vụ phát triển kinh tế dân sinh cho đồng bào vùng sâu, vùng xa và phục dựng lại nguyên bản đường Hồ Chí Minh “Con đường huyền thoại”, các di tích lịch sử chiến tranh cách mạng, các sinh hoạt của bộ đội, thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn một thời đánh Mỹ này, để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam, bạn bè Quốc tế đến tham quan chiêm ngưỡng.

- À… À ra thế. - Già gật gật đầu rồi nói với chúng tôi. - Nhà già ở sườn núi trước mặt, tối nay, cán bộ đến uống rượu cần.

 

Tối hôm đó lần theo con đường mòn chênh vênh, khúc khuỷu dọc theo sườn núi chúng tôi đến nhà già. Từ nhà già  nhìn qua khung cửa sổ thấy căn lán của chúng tôi. Có thể già biết được công việc của chúng tôi. Gọi là căn nhà, thực ra nó như một chòi canh nhưng bên trong được sắp đặt rất gọn gàng tươm tất. Một bàn thờ cao được che kín bằng một tấm phông vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, phía dưới dọc theo vách nhà treo 10 chiếc ba lô, 10 chiếc mũ tai bèo, 10 đôi dép cao su...

 

Già rất mừng. Bê bình rượu cần ra để giữa nhà, già bảo:

- Đây là thứ rượu đặc sản của dân bản, cán bộ cứ uống cho một đêm thật vui nhé. Tôi đã chờ đợi từ lâu lắm rồi, không ngờ lại có ngày này.

Già vừa nói vừa đứng dậy đi về phía bàn thờ kéo tấm phông vải  ra, lấy thẻ hương châm lửa, rồi cắm lên 10 lư hương. Tự nhiên có một điều gì đó như sự linh cảm làm tôi liên tưởng đến 10 con chim thiên nga, 10 chiếc ba lô...

- Những kỷ vật trên là của các đồng đội già phải không ạ? - Khang rụt rè hỏi.

 

Vẻ mặt già trầm ngâm đến lạ. Lặng nhìn ra phía cánh rừng trước mặt, đôi mắt già mơ màng như đang nhìn về một cõi bờ nào đó xa xăm. Già không quay lại nhìn chúng tôi, chỉ gật gật:

- Đúng! Đó là 10 liệt sỹ, là 10 đồng đội và cũng coi như là 10 người vợ của tôi đó. - Lời già nghe nghẹn ngào, xúc động như có ai đang bóp nghẹt trong lồng ngực. Tất cả chúng tôi đều kinh ngạc, đứa nào cũng không còn tin vào tai mình nữa, đưa mắt nhìn nhau.

 

*

...Hồi chiến tranh tôi là lính lái xe vận tải của tuyến đường Trường Sơn này. Một hôm trong chuyến vận tải hàng lên Khu K, đến khoảng rừng này thì gặp máy bay địch đánh phá rất dữ dội, cả một quãng đường trước mặt, khói lửa ngút trời, bom cày đất đá bay rào rào... Tôi đành đánh xe lùi vào chỗ trú ẩn để đảm bảo an toàn. Ngớt bom thì trời đã hoàng hôn, tôi vội vàng lùi xe để tiếp tục đi. Khi xe vừa mới chạy một đoạn đường thì gặp tốp nữ thanh niên xung phong, vai khoác súng tay cầm cuốc, cầm xẻng, cầm xà beng đứng chắn trước đường. Một cô cầm lá cờ hiệu đi thẳng đến trước xe ra lệnh cho tôi  dừng lại. Tôi nhấn phanh rồi thò đầu ra khỏi ca bin:

- Có việc gì thế các cô ?

- Xe không đi được!

- Vì sao ?

- Đây là mệnh lệnh. Không được hỏi.

 

Mở toang cửa xe, tôi chạy xăm xăm lên phía trước, được chừng năm mươi mét, nhìn thấy chiếc máng bom bi chôn ngược, trên thân máng ghi nguệch ngoạc hàng chữ bằng củi than: “Có bom nổ chậm”, tôi ngao ngán quay lại vừa đi vừa lẩm bẩm:

- Vậy là lỡ hết kế hoạch rồi.

 

Một cô khía kháy:

- Đồng chí vội thì cứ đi đi, để xe lại bọn tui coi cho, không mất chi mô mà sợ.

 

Tôi đành dịu giọng:

- Thế có đường tránh nào không các cô?

- Mần chi có con đường mô. Đây là rừng núi Trường Sơn chứ có phải như ở thành phố, đồng bằng của đồng chí mô mà hỏi...

 

Cô cầm lá cờ hiệu nhảy lên bám vào cửa buồng lái xe:

- Đồng chí cho xe quay lại theo hướng tay tôi. Khẩn trương. Xe không dừng ở đây lâu được.

 

Các cô khác chui vào ca bin và nhảy thùng xe chở hàng đang phủ bạt kín mít. Tôi ngoan ngoãn đánh xe đi theo hướng tay cô ấy chỉ. Vượt qua đoạn đường ngầm đá tai mèo lởm chởm, men dọc theo bờ suối cây cối rậm rạp, âm u đến chiếc lán nép mình dưới những tán cây như một chiếc hầm bí mật.

- Dừng lại. - Vẫn cô cầm lá cờ hiệu ra lệnh.

- Đây là lán của chúng tôi. Đồng chí đánh xe lùi vào góc kia.

 

Xe vừa dừng lại các cô đã nhảy xuống ùa lại vây lấy tôi.

- Xe chở chi rứa đồng chí?

Tôi sẵng giọng:

- Bí mật quân sự.

- Xe chở vũ khí đạn dược hay quân trang, thực phẩm?

 

Tôi nghiêm nét mặt:

- Đã bảo là bí mật quân sự.

- Này, bí mật với kẻ địch thì được, chứ với tụi này thì không xong đâu nhá.

Cô cầm lá cờ hiệu chỉ lên phía thùng xe vẫy một cái tức thì tất cả các cô lại ùa lên lật tung tấm bạt xe.

 

Tôi quát:

- Các cô làm gì thế, các cô có biết kỷ luật chiến trường là thế nào không?

- Ai bảo đồng chí không khai báo rõ.

 

Rồi cùng phá lên cười vang động cả một khu rừng. Các cô kéo tấm vải bạt lại như cũ, nói thầm thì với nhau:

- Chẳng có chi cả vậy mà mình cứ tưởng.

Tôi giả bộ tức giận:

- Các cô còn muốn gì nữa không ? Để tôi đi...

 

Một cô đến trước mặt tôi bướng bỉnh:

- Nì, đừng có mà lên mặt với tụi ni, muốn đi ra thì tuỳ, còn đi vô thì chỉ khi mô tụi ni cho phép mới được nhá. Mệnh lệnh của chiến trường đó.

 

Là cựu lái xe trên truyến đường Trường Sơn, tôi biết không thể không phục tùng mệnh lệnh của các cô ấy, nên đành dịu giọng:

- Vâng tôi biết. Tôi xin các cô cho tôi đi vô.

- Được, nếu biết điều rứa thì nghe đây: Nghỉ ngơi, tắm rửa, ăn cơm... ngủ, chúng tôi sẽ thông đường, bốn giờ sáng xuất kích, rõ chưa !

 

Tôi không nói năng gì thêm lẳng lặng quay lại xe, kiểm tra xăng nhớt, các ốc vít, tình trạng kỹ thuật của xe, chờ cho các cô ấy đi hết ra suối tắm,  mới lấy ba lô, quân tư trang, một số thực phẩm trên xe đem vào trong căn lán của họ. Căn lán còn thơm mùi nứa lá, rất đơn sơ, nhìn thoáng qua là biết thiếu bàn tay rắn rỏi tháo vát của người đàn ông. Giường nằm được làm bằng những thanh nứa đập dập đan ghép lại, vách tường cũng được làm bằng những tấm phên nứa một đầu găm xuống dưới đất, một đầu chĩa lên mái lá cọ chỗ cao chỗ thấp lởm chởm. Phía góc nhà là đống cuốc xẻng, xà beng ngổn ngang, tất cả còn dính bết bùn đất, mấy chiếc soong và hai bao đựng lương thực, thực phẩm nằm đè lên nhau. Chỉ có những khẩu súng, mũ tai bèo là treo dọc vách ngay ngắn. Tôi loay hoay tìm kiếm, tuyệt nhiên không thấy ba lô, quân tư trang của các cô ấy đâu cả. Tôi đang bán tín, bán nghi thì nghe tiếng bước chân rào rạo, những tiếng cười khúc khích rộ lên ở phía con suối. Tôi ngước nhìn ra: Thật ngỡ ngàng, trước mắt tôi không còn là những cô gái thanh niên xung phong trong những bộ quân phục màu cỏ úa, lấm lem bụi đất nữa mà là những nàng tiên. Những nàng tiên khỏa trần - những con thiên nga trắng thấp thoáng, ẩn hiện dưới ánh hoàng hôn vời vợi của núi rừng trông vừa xa xăm vừa gần gũi biết bao.

 

Một lúc sau, các cô lục tục về lán. Mỗi cô một vẻ, có cô nét mặt trông vành vạnh như một vầng trăng, nhưng có cô thấp thoáng một vẻ đẹp hao gầy... Tất cả các cô cùng khoác trên mình một loại đồng phục, đó là những chiếc váy, chiếc áo của các cô gái Pa Cô - Vân Kiều nhìn kín đáo, dịu dàng mà rực rỡ, gợi cảm.

 

Tôi chú ý đến một cô trẻ nhất, nghịch ngợm nhất trong tốp. Đó là cô gái cầm lá cờ hiệu. Cô gái có mái tóc xanh mướt chảy xuống đôi bờ vai, khuôn mặt thanh tú, đôi mắt sáng linh hoạt, chiếc mũi dài thon nổi lên trên đôi môi tươi hồng. Đặc biệt cô có chiếc răng khểnh trông rất có duyên, nói cười rất tự nhiên...

 

Một cô có lẽ là đội trưởng, suốt từ chiều đến giờ chỉ cười khi mỗi lần các bạn của mình trêu chọc tôi, nhỏ nhẹ:

- Lan, em đưa anh ấy ra suối tắm rửa, bọn chị chuẩn bị bữa tối.

 

Cái cô Lan tóc xanh mướt này cầm cờ hiệu đây. Một cô liếc xoáy về phía tôi rồi nói chen vào:

- Nhưng mi nhớ là không được đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của tập thể đó nghe, Lan.

 

Tất cả cùng cười vang lên. Những tiếng cười như vầng trăng vỡ ra thành tiếng làm sóng sánh cả núi rừng. Tôi miễn cưỡng bước theo cô gái đi ra bờ suối. Con suối không rộng lắm chỉ khoảng chừng mười lăm mét, nhưng rất đẹp. Tôi thẫn người ra nhìn dòng nước xanh biếc uốn mình lặng lờ băng qua những lèn đá róc rách chảy, hoà âm xào xạc của gió rung cây; nắng cuối ngày xuyên qua những tán lá rớt xuống dòng nước ngời ngợi, lấp loá, xôn xao...

- Anh xuống tắm đi, để quần áo em giặt cho.

Lời nói của Lan làm tôi giật thót cả người, như được dội một gáo nước mát từ đầu xuống chân. Không phải là cách nói châm chích, chanh chúa như trước mà là giọng nói hết sức trầm hiền, dịu dàng. Tôi ào xuống dòng suối, một cảm giác lâng lâng, khoan khoái ùa nhập vào hồn tôi.

- Anh quê ở đâu ?

- Nam Định

- Đã có vợ chưa ?

- Nếu có vợ thì chắc không đến nỗi bị các cô bắt nạt như thế này đâu.

- Anh đi vào tuyến này mấy lần?

- Lần đầu. Trước giờ tôi chỉ đến khu E thôi.

- Thể nào mà anh cứ khăng khăng đòi đi vào giờ cao điểm như vậy. Mấy năm nay tổ em có nhiệm vụ bảo vệ và thông xe trên cung đường này. Đây là cung đường máy bay địch đánh phá rất ác liệt, chẳng có ngày nào là đường không bị hư hỏng, không có bom nổ chậm... đã lâu mới có xe của anh qua đó.

 

Bất chợt, tôi liếc nhìn thấy Lan vội vàng nâng bộ quần áo nhuốm mùi lính xế của tôi ấp nhẹ lên khuôn mặt con gái xinh xắn. Tôi sững sờ trước cử chỉ vừa âu yếm vừa thèm thuồng ngây ngất của Lan. Cái hình ảnh mà trong đời tôi chưa một lần được bắt gặp. Lan lặng lẽ bước xuống mép bờ suối, một tay từ từ lôi nhẹ tấm váy lên kẹp chặt giữa hai đùi để lộ đôi chân đầy đặn trắng muốt, một tay từ từ nhấn chìm bộ quần áo của tôi xuống làn nước.

Lan nói với tôi rất nhẹ:

- Đây là lần đầu tiên trong đời em được giặt quần áo cho người con trai đó anh ạ!

 

Kể đến đây già dừng lại.

- Chuyện còn dài lắm, các con uống rượu đi chứ. Hôm nay nhất định phải uống hết bình rượu này mới được về nhé. Thấy các con, già lại nhớ nhiều, lại chẳng thể nào khuây nguôi đi được cái thời trai trẻ của mình.

 

... Tôi và Lan từ dưới suối lên thì đã thấy bữa cơm tối được bày sẵn. Bữa cơm tối chỉ là một nồi cháo to nấu lẫn với rau rừng, và một ít thịt hộp và mấy phong lương khô của tôi.

- Anh thông cảm, chúng em chỉ có thế này thôi, máy bay Mỹ đã cướp sạch của tụi em rồi, quần áo chúng em mặc đây và một ít gạo này là của bà con dân bản giúp đỡ đó.

Thế rồi tất cả cùng quây quần bên nhau vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả chẳng giữ ý tứ gì như tôi cũng là một thành viên chính thức vậy. Ăn bữa tối xong cũng là lúc ánh trăng nhô lên khỏi cánh rừng trước mặt. Trăng đẹp đến lạ lùng, ngời ngợi tưới xuống những làn sóng xanh trập trùng dâng tận cuối trời. Không có tiếng máy bay gầm rít trên đầu, tiếng đạn bom ầm oàng vọng về, chỉ thỉnh thoảng lập loè những đốm hoả châu như những ánh sao sa.

- Tuyệt quá, tuyệt quá chúng mày ơi ! - Tiếng một cô reo lên. - Đêm Trường Sơn thế này ai bảo là đạn bom, máu lửa; ai bảo là không lãng mạn nên thơ.

 

Lan nói với tôi: 

- Hôm nay có anh bỗng nhiên đất trời bình yên quá.

- Thần núi rừng ban tặng cho chúng mình đó Lan ơi !

Tất cả cùng cười vang, tôi cũng thấy vui lây. Quả thực ở Trường Sơn rất hiếm hoi để có những khoảnh khắc bình yên như thế này.

Cũng tiếng của cô gái lúc nãy:

- Chúng mày có biết không? Ngày xưa cũng tại khu rừng này, nàng Bạch Tuyết đã ở với bảy chú lùn đó. Còn đêm nay thì khác, có một chàng công tử lạc trong vòng tay của mười nàng thiếu nữ.

Lại những tiếng cười ồ lên rất đỗi hồn nhiên. Một cô đến gần bên tôi ra vẻ đong đưa hỏi:

- Anh có dám làm chồng của mười đứa em không?

 

Câu hỏi đột ngột của cô gái làm tôi lúng túng, tôi không hiểu ngụ ý của cô gái muốn nói gì. Lan bấm nhẹ vào hông tôi rồi nói nhỏ: “Sợ gì”. Như được tiếp thêm sự can đảm, tôi đằng hắng mấy tiếng rồi ra bộ từng trải trả lời: “Dám”.

Cô gái lại reo lên:

- Anh đồng ý rồi nhé. Chúng mày ơi! Hãy quỳ xuống để thần núi rừng làm lễ giao hoà cho chúng ta.

Tôi vội vàng chống chế:

- Hãy khoan... hãy khoan. Cho tôi một điều kiện.

- Điều kiện gì nói mau!

- Tôi hứa, tôi hứa, nhưng bây giờ chúng ta còn phải đánh Mỹ, chờ đến khi nào hết chiến tranh...

Câu nói chống chế của tôi không ngờ như một liều thuốc đắng, làm tất cả lặng yên. Được một lúc, một cô khác lên tiếng.

- Thôi được. Tạm thời chấp nhận điều kiện của anh. Nhưng anh phải nhớ rằng hôm nay có trời đất, thần linh núi rừng của Trường Sơn làm chứng cho chúng ta rồi đó.

- Không được, không được! - Một cô nói xen vào. - Hết chiến tranh, anh ấy chê chúng mình già rồi thì sao? Tao không chịu đâu, tao không chịu đâu...

Tất cả cùng ồ lên cười như nắc nẻ.

 

Các con ạ! Câu chuyện làm vợ làm chồng tưởng như đùa nghịch ấy, những tiếng cười vui khua động cả núi rừng của các cô ấy đã đi theo tôi suốt cả cuộc đời day dứt, thắt đau, cứa xé vào tâm can. Có phải vì lời nói vô tình giữa linh thiêng của đất trời đêm ấy, hay là vì cái điều mà tôi không bao giờ còn có cơ hội để tha thứ cho mình được nữa! Ở vào thời điểm ấy có ai khẳng định được chiến tranh sẽ kết thúc khi nào đâu, có ai biết được sau những tiếng máy bay gầm rít, những làn bom đạn nổ long trời điều gì sẽ xảy ra. Các cô ấy có quyền yêu và được yêu lắm chứ. Chiến tranh - Chiến tranh đã dồn nén con người đến tận cùng đau thương, mất mát. Tại sao lúc ấy tôi không nói được một lời động viên an ủi với các cô ấy. Tại sao tôi lại hành động như một kẻ điên rồ như vậy cơ chứ? Chao ôi! Cái đêm ấy, cái đêm ấy cứ như mới hôm qua thôi các con ạ!.

Dừng lại một hồi lâu, già kể tiếp:

 

... Đêm ấy chúng tôi chuyện trò, cười đùa đến khuya mới đi ngủ. Các cô ấy cũng tranh giành, đùa nghịch nhau một hồi lâu mới ngã ngũ. Tôi nhất quyết đòi nằm ngủ ngoài cùng, còn Lan trẻ nhất nên được ưu tiên nằm gần tôi. Tôi không ngờ đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời trái tim tôi được nếm trải sự tột cùng của niềm hoan lạc, khát khao. Một người con trai chưa từng bao giờ được nắm tay một người con gái, và ở cái thời buổi ấy, hỏi làm sao mà tôi không rụt rè, e ngại được. Tôi nằm quay mặt vào tường cố nhắm mắt lại nhưng không sao ngủ được. Ngoài trời qua những khe hở của tấm phên nứa tôi nghe rõ tiếng gió rung cây rì rào xào xạc, tiếng thú rừng tác gọi tìm kiếm nhau mơn trớn trong đêm. Trong lán thỉnh thoảng có tiếng trở mình làm tấm nứa nằm rên lên cót cét như tiếng võng chao. Có tiếng thở dài nhè nhẹ như cố kìm nén không muốn vọng ra ngoài. Tự nhiên tôi cũng buông một tiếng thở dài đánh sượt, lời của Tiểu đoàn trưởng bỗng vang lên trong tôi: “Tiểu Đoàn chúng ta được giao một nhiệm vụ mới rất quan trọng. Cậu là người được vinh dự đi tiền trạm chuyến này... Địa điểm giao hàng tại khu K. Từ khu E cậu tiếp tục đi sâu vào tuyến trong qua làng trai - Động Cô Tiên. - Qua vùng núi Giăng Gío rẽ trái theo đường nhánh chừng hai km là đến. Tuyến đường này là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của địch, địa hình rất hiểm trở. Cậu nhớ là phải hết sức bí mật an toàn, không được liều lĩnh, không được để máy bay địch phát hiện ra... Cậu sẽ được sự giúp đỡ, hướng dẫn của các đồng chí thanh niên xung phong ở dọc tuyến. Cậu cố gắng đi chuyến này trong vòng năm ngày. Ngày thứ sáu cậu và tôi cùng đi dự Hội nghị chiến sĩ thi đua ở Binh đoàn. Chẳng giấu gì cậu, đơn vị có hướng xây dựng cậu trở thành Anh hùng đó...”.

 

Tôi nhớ như in từng lời của Tiểu đoàn trưởng. Trên suốt đường đi tôi cứ cầu nguyện để mau chóng trở về, lòng khát khao thúc giục niềm vinh quang sẽ đến với tôi. Thế mà bây giờ phải nằm kẹt lại chốn này, không biết những gì còn xảy ra nữa đây. Tôi tự nhủ rồi cố động viên mình hãy ngủ đi lấy sức để bốn giờ sáng còn lên đường. Và có lẽ vì sự thôi thúc ấy mà tôi đã thiếp đi. Tôi thiếp đi không biết bao lâu thì mơ màng, cảm giác nằng nặng, rờn rợn đang mơn trớn trên da thịt mình. Hương thơm thoang thoảng ngất ngây, không phải là hương của những loài hoa dại tôi đã gặp trên suốt dọc đường Trường Sơn, mà là hương thơm của thịt da trinh nữ khiến cái bản năng của một thằng đàn ông như tôi trỗi dậy, rạo rực, hừng hực khát thèm. Mái tóc của Lan đang xoã trên khuôn mặt tôi, vòng tay của Lan đang rướn ghì lấy lồng ngực tôi. Hôi hổi ấm nóng phập phồng phía sau lưng tôi. Lan ghé sát vào tai tôi hổn hển: “Em muốn, em muốn...”; rồi hôn điên dại lên mặt tôi. Phơi bày ra mồn một cả nửa thân hình không mảnh vải che thân ngùn ngụt, hiến dâng. Toàn thân tôi ngây ngất, tê mê, một cảm giác mà tôi chưa bao giờ biết tới. Tôi run rẩy nắm lấy bàn tay Lan, cố nới rộng ra nhưng không được. Tôi thấy bàn tay Lan cũng run rẩy lắm, nhưng rất quyết liệt khi kéo tôi xoay hẳn về phía mình. Vô tình Lan nằm đè lên phía cánh tay đang bị bầm tím của tôi do hồi chiều lúc kiểm tra xe vô ý va vào thành xe đau nhói. Và có lẽ vì vậy mà tôi được thức  tỉnh. Tôi nhớ đến lời dặn dò của Tiểu Đoàn trưởng... Tôi không thể đánh mất niềm vinh quang đang ở trước mắt mình. Tôi cố sức kéo tay Lan ra một lần, hai lần... lần cuối một cách rất phũ phàng rồi xoay hẳn người lại. Lan cố ôm lấy tôi, nhưng không được. Cô chới với chết sững đi vì bất lực và hổ thẹn rồi oà lên khóc tức tưởi.

 

Nghe tiếng khóc của Lan tất cả các cô cùng ngồi dậy, lặng lẽ không ai nói với ai một lời nào. Tôi biết tất cả các cô ấy đang khóc, tiếng khóc không bật ra thành tiếng chỉ rung lên trong nghẹn ngào, buốt đau... Tôi bối rối không biết phải làm gì, nói gì thì tiếng của cô đội trưởng run run:

- Anh thông cảm cho chúng em. Chúng em đã lừa dối anh. Thực ra chẳng có quả bom nổ chậm nào cả, có điều để qua được vùng núi Giăng Gió xe anh không thể đi được vào ban đêm mà phải đi vào lúc trời tờ mờ sáng. Vì vậy nên chúng em mới nói với anh là đi vào lúc bốn giờ sáng. Cách đây mười ngày, trong lúc đang thông đường thì một quả bom đã rơi trúng vào căn lán của tụi em, tất cả quân tư trang, lương thực, thực phẩm bị mất sạch nên khi thấy xe anh tụi em mới nảy ra ý định như vậy, hy vọng là trên xe có quân tư trang và lương thực, thực phẩm. Khi biết trên xe anh toàn đạn là đạn, không có những thứ mà tụi em rất cần đó, tụi em đã thất vọng, nhưng vẫn vui, vẫn đùa giỡn như không có gì xảy ra. Điều gì đã khiến cho tụi em như vậy anh có biết không? Anh không hiểu được tụi em đã chờ đợi, đã chịu đựng như thế nào đâu... Hơi ấm của anh, giọng nói của anh trong căn lán này đêm nay, anh không biết chúng em đã mỏi mong đã khát thèm đến nhường nào đâu...

Già bản nghẹn ngào, giọng lắng trầm:

... Các con có biết không? Đáng ra khi nghe các cô ấy nói vậy, tôi phải lựa lời an ủi động viên, đằng này tôi lại hành động như một kẻ vô nhân tính. Tôi đã thét lên: “Các cô là kẻ lừa dối! Đồ rửng mỡ”. Rồi vội vàng nhét quân tư trang vào ba lô chạy ra xe nổ máy lao đi, các cô ấy ùa ra nhưng không kịp. Điều gì đã khiến cho tôi hành động như vậy chắc các con biết rồi. Ở đời có nhiều kẻ khi phạm sai lầm thì tìm đường chạy trốn, nhưng tôi đã không chạy trốn được chính mình ...

 

Tôi cho xe chạy được một quãng thì có tiếng máy bay rít ở trên đầu, những loạt bom nổ ầm trời nối nhau bám sát theo xe. Tôi vội vàng tắt đèn pha, bật đèn gầm cho xe dò dẫm đi. Và vì vậy mà máy bay không còn phát hiện ra được xe của tôi nữa, tiếng bom cũng xa dần. Nhưng khi đến vùng núi Giăng Gió thì xe không thể nào chạy được nữa, đèn gầm quá tối mà đường thì lại rất nguy hiểm. Độ dốc rất cao một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm, nếu bật đèn pha máy bay địch phát hiện thì coi như không còn lối thoát, không trúng bom thì cũng rớt xuống vực. Lúc này tôi mới chột dạ. Tôi nhớ lại lời Lan hồi chiều nơi con suối, lời cô đội trưởng đã giải bày và bắt đầu tin đó là sự thật. Trong suốt thời gian dừng xe để chờ trời sáng tôi đã suy nghĩ rất nhiều, những suy nghĩ cứ giằng xé, đan xen nhau, cả cảm thương lẫn giận hờn nối nhau trỗi dậy trong tôi. Rồi cái khoảng thời gian chờ đợi dài đến khủng khiếp ấy cũng trôi qua. Tờ mờ sáng tôi đánh xe vượt qua được vùng núi Giăng Gió đến khu K trả hàng rồi trở ra đơn vị kịp đi dự Hội nghị với Tiểu đoàn trưởng.

 

Khỏi phải nói là tôi đã sung sướng, hạnh phúc như thế nào. Trước Hội nghị tôi đã khoa trương hết lời về những thành tích của mình. Rằng tôi đã vượt qua được sự cám dỗ tưởng như không thể nào vượt qua nổi ấy. Rằng tôi xứng đáng được hưởng niềm vinh quang. Rằng... ừ ! Nếu chỉ như vậy thôi thì cũng đã an ủi tôi biết nhường nào rồi. Nhưng...

Mấy hôm sau tôi lại được giao nhiệm vụ dẫn đường cùng với một số xe nữa của đơn vị chở hàng vào khu K. Rút kinh nghiệm của chuyến trước tôi căn thời gian vượt qua đèo Giăng Gió vào đúng lúc trời tờ mờ sáng nên chuyến hàng được trót lọt an toàn. Khi trở ra tôi ghé vào căn lán của các cô ấy để chuyển một số quân tư trang mà Tiểu đoàn trưởng của tôi gửi.

 

Ông vừa nói vừa chỉ về phía mười chiếc ba lô, mười chiếc mũ tai bèo, mười đôi dép cao su ở bờ vách. Tất cả chúng tôi cùng nhìn theo hướng tay ông.

- Thôi, các con uống rượu đi chứ. Nhiều đêm tôi ngồi đây uống rượu như thế này rồi nhìn ngắm những kỷ vật ấy cho đến khi trời sáng. Đêm nay có các con tôi đỡ cô đơn nhiều lắm.

 

Dường như không thể chờ đợi thêm được nữa, Khang hỏi già:

- Thế già có gặp được các cô ấy không ạ?

        Lặng đi một hồi lâu, từ từ đưa hai bàn tay ôm lấy ngực mình, già thốt lên:

- Có.. Có...! Trời ơi !.. Khi tôi tòng teng khoác quân tư trang đến căn lán của các cô ấy thì không thấy căn lán đâu nữa. Một hố bom sâu, nham nhở còn nồng khét mùi thuốc súng. Xung quanh hố bom trên những nhành cây héo uá còn loang dính bết những vết máu tím bầm. Mùi tanh tưởi, nhừa nhựa, lờm lợm bốc lên khiến tôi rờn rợn cả người, tôi linh cảm có điều chẳng lành đã xảy ra với các cô ấy rồi.

Có tiếng bước chân phía sau lưng mình, tôi quay lại thì thấy một cụ già người dân tộc thiểu số.

- Bộ đội tìm ai ?

- Con tìm các cô ở căn lán này ạ !

 

Cụ già chẳng nói chẳng rằng đưa tay chỉ về mô đất tròn sát bên hố bom. Tôi như kẻ mất hồn chạy lại phủ phục bên nấm mồ rồi gào lên: “Các em ơi! Các em ơi!... Tha thứ cho anh... Tha thứ cho anh.” Tôi đã gào lên, gào lên không biết bao nhiêu lần; không có cô nào thưa, chỉ âm vọng của núi đáp lại tiếng tôi. Nỗi ân hận, tang thương dâng lên trong tôi đến cùng tận nát tan. Cụ già dân tộc ấy bảo:

- Bộ đội à, đêm ấy máy bay địch đuổi đánh bom theo một chiếc xe ô tô. Một quả bom đã rơi đúng vào căn lán của các cô ấy. Dân bản đi tìm xác hai ngày mới được từng này này. Cụ già chỉ vào chiếc ba lô trên vai tôi.

 

Chao ôi! Cả đất trời tối sầm lại chao đảo quay cuồng trước mắt tôi, ầm ầm hàng ngàn vạn tiếng bom đạn nổ long trời... rồi vút vang lên tiếng cười của các cô ấy từ đâu đó ở rất cao, rất xa trên những tầng mây bầm đỏ như máu ứa... Thế rồi niềm đau cứ day dứt, cào xé lớn dần mãi trong tôi khôn nguôi. Hàng đêm, hàng đêm tôi vẫn thấy các cô khoác áo màu trắng mỏng tang như những thiên nga bay về làm xôn xao cánh rừng này, các cô ấy vây lấy, quây quần quanh tôi, nhưng không nói chỉ nhìn và lặng lẽ.

Sau phút chấn động tâm hồn mạnh, giọng già chậm và trấn tĩnh:

... Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng tôi phục viên và xin chuyển về lái xe tại Lâm trường của huyện. Đến khi về hưu tôi lại xin về nhận khoán bảo vệ cánh rừng này để được gần gũi các cô ấy. Bây giờ, tôi đã già rồi. Hôm nay các con lên đây, già này mừng lắm. Chắc các cô ấy - những thiên nga màu trắng sẽ được an ủi đi phần nào...

                                             

*

Câu chuyện của già kể như một loại thần dược thôi thúc chúng tôi và một điều rất quan trọng đó là nhờ sự giúp đỡ tận tình của già nên công việc khảo sát dự án đã được hoàn thành trước dự định. Sẽ có một con đường huyền thoại mới đi cùng con đường huyền thoại xưa. Trong dự án xâu dựng con đường này, chúng tôi biết phải đối xử như thế nào với những tháng ngày xưa máu lửa đã kết thành giá trị; chí ít cũng bảo tồn Căn lán dã chiến, Hồ thiên thu... để mười con Thiên nga trắng về tụ hội.

Văn Xương
Số lần đọc: 1996
Ngày đăng: 17.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một đêm ở quê nhà… - Mang Viên Long
Nữ võ sĩ huyền đai - Đỗ Ngọc Thạch
Lilia Nguyễn ở thành Rome - Minh Thuỳ
Người say - Khôi Vũ
Con gái viên Đại Úy - Đỗ Ngọc Thạch
Mẹ - Trần Kỳ Trung
Anh chồng bằng dây liễu đan - Ursula Wills-Jones
Có thật vậy không ? - Nguyễn Minh Phúc
Tiếng chim buổi sớm - Mang Viên Long
Nanh sấu. - Sương Nguyệt Minh
Cùng một tác giả
Hoài vọng (truyện ngắn)
Hồn trầm (truyện ngắn)
Thiên nga trắng. (truyện ngắn)
Đàn ông (truyện ngắn)