Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.210.711
 
Huỳnh Thuý Kiều – gót son nợ một đời dâu bể
Tạ văn Sĩ

(Đọc tập thơ KIỀU MÂY, nxb Văn học 2008)


Tập thơ Kiều Mây do nhà xuất bản Văn học ấn hành vào những ngày áp chót năm 2008 là thi phẩm đầu tay của Huỳnh Thuý Kiều. Ở đây người đọc bắt gặp một hồn thơ trẻ trung, tươi tắn, khoẻ khoắn, được tiếp cận với một cách lý giải, biểu đạt những ý tưởng và cảm xúc thi ca mới lạ. Một hồn thơ mê đắm, cuồn cuộn tuôn trào, dập dềnh lan toả mênh mang như ngàn trùng sóng nước. Bằng những liên hợp nhiều câu phức, mỗi bài thơ của Huỳnh Thuý Kiều là một giải bày đi từ cái cụ thể đến khái quát rồi đẩy thành tượng trưng, ấn tượng khiến người đọc dễ dàng cảm nhận một sức sống căng tràn, một sức cảm tinh tế và một sức nghĩ giàu nội lực.

    

Trước hết là dấu ấn vùng miền. Điểm qua tên gọi một số bài sẽ thấy sự gắn bó máu thịt và hồn cốt thơ Huỳnh Thuý Kiều với quê hương xứ sở của mình. Nào là "Hương phù sa", "Hơi thở tôi mang mùi bùn đất", "Những giấc mơ màu đất", "Hát về những dòng sông", "Mắc nợ đồng bằng", "Hồn quê", "Bến quê", "Ký ức làng", "Quê hương", "Nói với quê hương", "Khúc đồng dao quê mẹ", "Gọi mùa", "Thương hồ"...

    

Tình quê ấy được dồn nén và bộc phát vào những dòng thơ hôi hổi ân tình. Này là tự giới thiệu "nhân thân": -"Tôi được sinh ra nơi đất rừng huyền thoại/ Đêm phương Nam buồn/ Phím nhạc cũng chùn rơi..." (Hơi thở tôi mang mùi bùn đất). Này là thần khí của chín nhánh sông Rồng: -"Chín cửa hương phù sa vấn vương thơm níu gót miền Tây/ Dòng Mê Kông rướn mình quặn thương bốn mùa sinh nở/ Đàn sếu bay ngang vô tình đánh rơi mũ đỏ/ Đêm Cần Thơ qua phà..." (Hương phù sa). Này là cảnh sắc thân thuộc thân,  thương ở chốn quê nhà: -"Quầy cau trắng nghiêng sương miền tóc mẹ/ Sóng dập dềnh chao điệu lý xàng xê/ Hò cống liêu ai cười ai nói/... Nhịp cầu tre bắt câu hát sang mùa..." (Theo em về vùng cổ tích); hay: -"Nhịp cầu tre lắt lẻo / mây qua cầu / em nón lá rớt điệu lý ầu ơ..." (Hồn quê)...

 

Với hơi thơ xô dạt miên man, Huỳnh Thuý Kiều kiến tạo những câu thơ độc đáo, đặc sắc, mang dấu ấn riêng, có sức gợi lạ kỳ: -"Vác cánh đồng chạy qua mùa sấp ngửa... /Vắt kiệt quê lên phố. Ngậm ngùi..." (Bến quê); -"Mồ hôi cha cõng cánh đồng làng chạy lũ!" (Theo em về vùng cổ tích); -"Con cua đồng bám gánh hàng ra chợ!" (Ký ức làng); -"Thời gian chảy phai màu trên lưng chim ngói..." (Lập thu); -"Bóng đẩy em ngã nhào/ Rúng động vỡ bừng say..." (Dự cảm)...

 

Không những độc đáo, đặc sắc mà còn là những câu thơ mang nét đẹp man nhiên, tự tại, cứ lung liêng lay động khó phai trong tâm trí người đọc: -"Lục bình theo dòng nước trôi xuôi/ Ghé thương nhớ quá giang màu kỷ niệm" (Bến quê); -"Nghiêng vạt gió hứng ánh trăng từ đỉnh trời rơi xuống/ Chuông thời gian gõ vỡ đêm thượng tuần/... Thu vào mây bóng kinh thành buốt nụ sao thơm" (Cổ tích cho em); -"Giọng cu cườm long lanh vắt giậu rào thưa" (Hồn quê); -"Câu quan họ di cư từ sông Hồng bỗng xốn xang dâng tràn điệu lý/ Tứ thân ai xuống xề khúc khích áo bà ba em cười rót nhịp vọng cổ chao chao" (Phiêu bồng hạt nắng)...

 

Như đã nói, thơ Huỳnh Thuý Kiều thường được vận dụng tối đa những tổ liên hợp nhiều câu phức. Cấu trúc mỗi câu gồm nhiều mệnh đề, được phụ hoạ nhiều trạng ngữ, vị ngữ, định ngữ... nhằm tạo nên một trường liên tưởng phong phú thông qua nhiều vỉa tầng hình tượng đan xen. Đây là cái hay, cái lạ, cái độc đáo của riêng Huỳnh Thuý Kiều. Những câu thơ có khả năng sinh nở ngôn từ và hình tượng của một nguồn thơ đa năng và phức điệu: -"Xô tím lời hoàng hôn kết cườm ran bờ cỏ xoắn chặt tình ca/... Nghiệt ngã đời mặc áo hạnh phúc nghẹn khóc với bến tâm linh/... Lùa tuổi đi. Lắng nghe tóc mình đẻ mầm nứt tiếng chim thổi bình minh..." (Cổ tích cho em); -"Tiếng gà đánh thức ngày mới vọng tuềnh toàng run phên tre dựng cửa/ Ngậm cọng rơm vàng con mái tơ quấn ổ đẻ lứa đầu tiên/ Hơi đất cháy bùng khát khao sộc vào sống mũi cay dầm dề nước mắt/ Màu xanh làng khum tay hứng nắng rót lịm mát nước dừa xiêm..." (Đồng vọng)...

 

Cũng từ sự phồn thực phồn sinh ngồn ngộn như hoả diệm sơn phun trào phún thạch ấy, đôi khi người đọc có cảm giác dường như tác giả bị sức hút của cảm xúc và ý tưởng lôi chúi theo đến không cưỡng nổi, nên có lúc bị sa vào điệu đàng kiểu cách không cần thiết: -"Quan trắc mình em nghẹn nấc khóc hồi sinh!" (Hoang mây); -"Nhu mì mùi thơm cánh đồng hoàng hôn liếm mép khơi xa chiêm trũng!" (Phiêu bồng hạt nắng); -"Nhịp cầu yêu tung bùa đam mê xõa vây gàu dâu bể!" (Cổ tích cho em)... Những phóng bút "quá đà" như thế này, thật tình không hợp lắm với tạng thơ!

 

Thơ Huỳnh Thuý Kiều có thiên hướng hướng vào tầm xa, vươn ra bề rộng, nhưng thi thoảng bất ngờ người đọc như bị chặn nghẹn giữa dòng, buột phải khựng lại bởi những câu thơ đau đáu nỗi niềm, những câu thơ xoáy buốt vào sâu thẳm tâm can: -"Giở hú hoạ một trang Kiều/ Thử bói đời may rủi/ Giọt nước mắt rơi suốt mười lăm năm không lau khô nổi!" (Bói một quẻ buồn vui); hoặc: -"Gót chân son nợ một đời dâu bể/... Nợ dọc đời người đau đáu chốn cưu mang!" (Mắc nợ đồng bằng); hay: -"Nợ cả đời ta ngọn khói bếp len chiều..." (Khúc đồng dao quê mẹ)... Thì ra cái sự đau đáu nỗi đời là bệnh chung muôn đời của giống loài thi sĩ! Những biểu hiện này hiển lộ sự mở rộng biên độ trong cảm thức sáng tạo thi ca của tác giả, nó là điều cần thiết để lấy cái chiều sâu bổ sung cho cái bề rộng vốn dĩ vô cùng sung mãn, giàu có của một hồn thơ phương Nam lồng lộng biển trời.

 

Với một trường lực thơ như thế, người đọc nghĩ rằng Huỳnh Thuý Kiều không chỉ mắc nợ có bấy nhiêu, mà còn phải trả một đời với món nợ thi ca!



Tạ văn Sĩ
Số lần đọc: 2543
Ngày đăng: 21.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc Phong Lê và chúng tôi - Nguyễn Văn Hoa
Chân dung con ngựa đua lạc loài - Lê Huỳnh Lâm
Thẩm định văn chương cần sự tranh luận công khai, sòng phẳng - Vũ Ngọc Tiến
Ta đã ngoài lứa tuổi thanh niên vẫn thích cuỡi sông hồng mùa nước lũ. - Hoàng Đình Quang
Lê Khánh Mai và thánh giá của riêng mình - Nguyễn Thế Khoa
Hạt buồn vui nẩy mầm thành bút ký và thơ - Võ Quê
Mắt tình soi vào nhau long lanh - Lê Vũ
Chơi thú văn - Nguyễn Chí Hoan
Căn Phòng Của Jacob - Trần Vũ
MA NET, quá trình chuyển giọng từ hiện đại đến hậu hiện đại - Inrasara