Chuyện xảy ra trong khoảng từ ba mươi và ba mươi lăm năm trước. Thời đó, chúng tôi quen nhau thật dễ, quyện vào nhau thật say. Như được lập trình từ một căn duyên định sẵn. Như được đưa đẩy qua một cơ hội bất chợt nào đó. Rồi như gió cuốn mây, ngày tiếp đêm, giọng chim hoà đàn nhiều bè quấn quít nhau theo một bản hợp ca rôm rả mà đều nhịp điệu. Trong cuộc chơi chữ nghĩa thênh thang, tình trai phơi phới và tuổi xuân hồn nhiên, chúng tôi tìm tới nhau sau từng con chữ xôn xao và tươi nguyên, vài ba câu thơ có chút gì ngẫu hứng của sáng tạo hoặc những dòng chữ gờn gợn đôi chút trăn trở về thân phận làm người sống sót trong thời chiến.
Tôi không còn nhớ chính xác năm nào bạn cùng tôi vồn vã siết chặt tay nhau. Thuở đó, mỗi người chúng ta chỉ mới có đôi bài thơ, vài truyện ngắn đăng trên mấy tạp chí văn nghệ mà hơn ba chục năm sau, đêm nay nhắm mắt lại, tôi vẫn hình dung rõ nét hình thức, loại con chữ, cỡ chữ của từng tờ báo. Và tôi vẫn nhớ mồn một bài nào của mình đã đăng ở tạp chí nào, chữ chạy đầu đề nghiêng hay thẳng và chữ trong bài tròn hay lép; đôi khi có hình minh hoạ nguệch ngoạc ra sao. Mỗi bài là lời lời chúc mừng cường điệu của bè bạn, lớp lớp xúc động thấm thía cho mình, vì việc có bài đăng bài trên một trong các tờ báo ấy được coi như nhận thêm một tín hiệu thành quả và dấu hiệu khích lệ để mình ngày càng tự tin, tiếp tục đàn đúm nhau, đua đòi nhau làm văn chương nghệ thuật!
Tờ Văn “ham đọc, hiếu học, ưa suy nghĩ” khổ gọn nhẹ với người tổng thư ký toà soạn chăm chỉ, tỉ mỉ đánh máy chữ Olympia hết lá thư này tới lá thư khác, ân cần trả lời cho từng bạn văn nào có bài đăng trên Văn, dù chỉ mới lần đầu. Thời Tập nhỏ hơn, cầm lên vừa đủ một bàn tay nhưng tầm cao nghệ thuật của nó bay bổng như cánh chim từ bàn tay ấy vỗ cánh tung trời. Bách Khoa hình thức khô cứng, khuôn chữ đạo mạo, mỗi trang hai cột, tự nó biểu lộ đầy bản lãnh và đủ nghiêm túc để bảo kê giá trị cho những người viết văn và làm thơ từ nó xuất thân. Khởi Hành lớn như một tờ lá cải, mực in chỗ đậm chỗ nhạt; cầm tờ báo phải trương rộng bằng cả hai tay. Nghệ Thuật khổ nhỏ hơn một chút, bìa thường là một bức tranh in offset bốn màu, dàn trang công phu, mỗi trang bốn cột, bài vở đa dạng, văn phong mới mẻ. Và Vấn Ðề nghiêm trang, Tập San Văn Chương thử nghiệm,v.v.
Nhưng có lẽ tờ báo mà hồi ức về nó khơi động trong tôi nhiều cảm xúc nhất là Ý Thức, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Từng trang giấy màu vàng nhạt với cỡ chữ nhỏ nhắn, ép vào nhau, theo kiểu chữ Times ngày nay. Trần Hữu Ngũ và hình như có cả Lê Ký Thương, Lữ Quỳnh (?), đánh máy cẩn trọng trên giấy stencils, đếm từng nét chữ, tính toán khoảng cách để dồn hoặc rải sao cho lề bên phải thẳng một đường dọc. Sau đó, hai anh đem quây ronéo, rồi đóng thật ngay, xén thật ngọt, làm thành khổ báo như tờ Thư Quán Bản Thảo, hoặc tờ Ý Thức Bản Thảo ngày nay. Cầm trên tay, có cảm giác tờ báo gọn gàng, mượt mà, thơm thơm mùi mực ronéo. Chỗ nào có chút lem luốc lại hình như càng thơm hơn, có lẽ nhờ tẩm thêm mùi mồ hôi tay của bè bạn. Thuở ấy, lần giở từng trang, mắt thường tự động tìm tên mình trước, rồi mới tới tên của từng bằng hữu, và rưng rưng! Lòng rộn ràng khi đắc chí với những câu thơ, đoạn văn cô đọng nỗi niềm của cả một thế hệ. Ý Thức quây tay thuở Phan Rang đầy tâm huyết, mộc mạc và nghèo khó của anh em thời “khởi nghiệp”. Ý Thức sau đó in offset ở cuối đường Phan Thanh Giản Sài gòn là bông hoa vươn hẳn lên khỏi vườn hoang sơ dân giả, được Nguyên Minh cùng Lê Ký Thương khổ công tỉa lá ươm cành. Anh em ra sức xây đắp cho mình một mảnh đất riêng biệt, như một hình thức phản bác và vươn lên khỏi lối liệt kê trịch thượng là “những người viết mới”. Và quả thật, khi nên trời chẳng phụ lòng người. Có lẽ vì thời gian và tuổi đời, anh em chưa thành tựu được tác phẩm lớn nhưng đã phô bày được bản sắc riêng, với những bài văn câu thơ nội dung đầy thao thức, những diễn đạt mới mẻ về hình thức. Văn chương của anh em Ý Thức không quá trau chuốt đỏm đáng như “văn chương ngoài đèo Hải Vân” và không quá dung dị, mộc mạc như văn chương “trong đèo miệt vườn”! Và nói một cách giản lược và khái quát thì các bài thơ và truyện ngắn của các tác giả trẻ trên các báo ở trong nước hiện nay vẫn chưa vượt quá thời Ý Thức gần ba mươi lăm năm trước. Tuy thế, thú thật, cho tới nay, tôi vẫn thú vị và mơ màng với tờ Ý Thức Phan Rang; lòng vẫn rộn ràng khi nhớ những trang giấy thơm hương sáp stencils đó, vì qua giai đoạn hai, Ý Thức Sài gòn như người đẹp trong thơ Nguyễn Bính từ cô gái chân quê của Tâm hồn tôi, đã theo bước hoặc lỡ bước sang ngang, lên chốn kinh kỳ của Một nghìn cửa sổ.
Thuở ấy. Những năm cuối thập niên sáu mươi. Ðã là nòi tình thì ưa gặp người đồng điệu. Nhờ cái bút hiệu của mình xuất hiện thấp thoáng đôi ba lần trên những tờ báo vừa kể, bạn và tôi trở thành kẻ tập tểnh bước vào làng văn chương, thành anh em chung một nhà nghệ thuật từ lúc nào mà chỉ có trời cao đất thấp mới biết hoặc những bát tiên thất hiền nào đó mới hay.
Chúng tôi hầu hết là dân dạy học hoặc lính tráng cấp bậc tầm tầm, tú tài lỡ vận hoặc đang chờ một kỳ thi tuyển vào đại học chuyên ngành nào đó. Rồi tới một ngày khăn gói lại và gió đưa đi, trong dịp phép thường niên hoặc mấy tháng hè, bạn nổi máu lang thang “giang hồ phiêu bạt”, hoặc nhân một chuyến coi thi chấm thi trở về, bạn muốn gặp “anh em, kẻ chung nhà, cùng làng.” Hoặc bụi đời đôi ba tháng trước ngày trình diện nhập ngũ hay trước khi đưa đời mình vào ngăn nắp vì không còn chịu nổi tiếng eo sèo của bố mẹ. Thế thì cứ nhắn nhe một câu hoặc chỉ cần ới lên một tiếng là có nhau ngay.
Trời vừa dịu nắng chiều hay sắp nhá nhem tối. Bạn vừa thò một chân xuống bên vũng nước trong bến xe là có một “người anh em văn đã kỳ thanh nhưng chưa hề kiến kỳ hình” đang nhóng cổ đợi sẵn, tay xoè ra khỏi túi quần, vừa nghe bạn nhanh nhẩu đáp mình đúng là “cái gã ấy” thì vội vàng một tay túm tay bạn, một tay giành túi xách. Và thình lình gã giang hồ vặt thấy mình là thượng khách trong vòng tay ấm áp của “quần hùng” cảnh giới văn chương. Kế đó, suốt mấy ngày dừng chân trên chốn thị thành xa lạ ấy, bạn được tiếp đãi ân cần. Biết thêm nhiều đôi mắt đẹp để lạm dụng tình ý mà làm thơ, và quen thêm nhiều bằng hữu để làm chứng cho câu nói bốn biển đều là anh em! Và nhất là, ngoài mẹ mình ra, chưa ai săn sóc mình tới nơi tới chốn như thế! Sáng cà phê đen hủ tiếu bún bò hay mỳ Quảng, trưa cơm sườn, cà ri gà hay thịt heo luộc tôm chua, chiều vừa nhắp ngụm cà phê đá vừa thả hồn xuôi ngọn gió đang vờn con nắng quái hay để đuôi mắt vuốt theo các tà áo nữ sinh vừa tan buổi học.
Và đặc biệt buổi tối: thi ca văn nghệ. Những anh em tuy dầm dề hơi rượu trong thơ trong văn nhưng thực tế ngoài đời chỉ mới cưa năm mươi phần trăm ly xây chừng rượu đế pha xá xị, uống chưa cạn một chai “băm ba” hay bia con cọp có sơn hình mấy trái thơm hay hai nhánh hoa hốt-bố, mà đã đỏ gay như mặt trời mọc ngay trên mép bàn tiệc. Những ông chồng trẻ tuổi đấu hót với anh em, lia chia như như bắp rang, nổ rền như pháo với lân, trong khi các bà vợ, phần nhiều là cô giáo hiền lành, âu yếm nhìn chồng và hình như hơi cười mỉm miệng khi ông chồng ra dáng người thơ phong vận. Dù sao đi nữa, trong đáy lòng thục nữ, các bà sung sướng có chồng là văn nhân, và các bà thật lòng quí trọng bạn chồng như anh em một nhà, dù có khi vẩn vơ tự hỏi chẳng biết mai kia mốt nọ “đấng hảo hán thiên tài kia” có làm đẹp nổi văn chương không hay mải miết như hôm qua và hôm nay, chỉ đưa thêm hương cho đời mình trong chắt bóp lận đận của vợ và cuối cùng, đành lòng truyền giấc mơ màng chữ nghĩa cho con cái.
Ðêm về khuya đọc thơ càng sướng. Thơ anh thơ em, thơ ông thơ tôi. Thơ tình yêu, thơ thân phận, thơ quê hương. Hết thơ chúng ta tới thơ chúng sanh. Hình như thơ chúng sanh quanh quẩn chỉ ba bài hành mà nơi nào cũng có người ngâm lên nghe rất động tim và đã tai. Hơi men càng ngà ngà thì giọng ngâm càng sang sảng. Ðầu la đà muốn gục mà mắt lại trợn trừng, quắc lên theo từng vận ép. Hồ trường của Nguyễn Bá Trác. Hành phương Nam của Nguyễn Bính. Và Tống biệt hành của Thâm Tâm. Ðưa người ta không đưa sang sông vì ngươi sang bên ấy sao mà lạnh còn ta ở lại bên này thì trời nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng.
Gần bốn mươi năm sau, tôi vẫn lại gặp lại mấy khuôn mặt đồng dạng và đáng yêu thuở nào, dù ở hải ngoại hoặc đôi ba lần về quê thăm nhà. Bên chiếu rượu, cũng vẫn ánh mắt ngênh ngang “hùng tráng” ấy và cái đầu la đà “men rượu” đó, và cũng vẫn những câu thơ ngây ngất hào khí thuở nào. Tuy tóc xanh ngày ấy đêm nay nhiều sợi hoe vàng vì nắng gió, hoặc lốm đốm bạc vì thời gian nhưng máu vẫn đỏ nên mấy câu thơ độc vận chan chứa nhiệt huyết và chất ngất khinh bạc thuở thanh xuân ấy vẫn còn nguyên cái quyến rũ đắm say và huyền bí của chúng. Vì bạn ạ, phải chăng ba bài hành độc địa ấy mãi mãi vận vào mệnh người, để nay đã mấy chục năm trời, sống sót sau ba chìm bảy nổi tám chín lênh đênh, lòng mỗi người vẫn triền miên hiu hắt cái men say tráng chí để xốn xang ngậm ngùi một đời quẩn bách: nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta ta hay, nam nhi sự nghiệp như hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây?
Cuộc rượu tàn, ngày vui chưa dứt nhưng rạng sáng mai phải lên đường vì không muốn khuấy động thêm cuộc sống tỉnh lỵ của bạn hiền; chân phải theo bánh xe lăn vì đã lỡ hò hẹn “giang hồ điếm cỏ cầu sương” nơi phương trời kế cận. Tam Kỳ vào Quảng Ngãi. Tuy Hoà vượt đèo Cả tới Nha Trang. Vĩnh Long xuống Cần Thơ sang Rạch Giá. Tờ mờ sáng, đánh thức bạn dậy và bịn rịn bảo bạn cứ yên tâm lên đường. Hầu hết quần hào văn chương trong thị trấn đều có mặt ở bến xe đưa tiễn một người đi. Người đi ừ nhỉ người đi thực! Vé xe đò đã có quần hào mua sẵn. Lại dặn dò tài xế để cho ông bạn quí của chúng tôi ngồi ghế tiện lợi nhất. Và thông thường, quần hào đã âm thầm tom góp nhau rồi kín đáo nhét vào túi quần sau của bạn chút tiền còm lộ phí.
Vẫy tay vẫy tay chào nhau. Nhưng xa mặt mà gần lòng vì thỉnh thoảng vẫn gặp nhau trên cùng một tờ báo, và hẹn hò nhau một lần tao ngộ nào đó. Dặn dò nhau. Nhớ nhé, cứ tới thị trấn tôi ở sẽ được lo liệu chu đáo, và bao giờ cũng thế, ân cần đón nhau chiều bến xe này và rồi đưa nhau sáng bến xe kia. Những lần ngao du thuở chiến tranh mịt mù ấy tạo thành một thời thơ mộng lãng đãng, xây dựng tình thân, giúp nhau trong việc lớn lên và viết văn, gây thành một món nợ bằng hữu lẫn văn chương. Chắc bạn cũng đồng ý với tôi rằng đó là thời của nhân duyên mà nghiệp quả của nó cho tới nay, dù muốn trả bằng cả một đời vẫn thấy mình chưa trọn tình, chưa đủ tài và chưa hết sức. Bạn ạ, món nợ đó có lẽ suốt đời này tôi không trả nổi vì cuộc chơi văn chương ấy tới hết mùa xuân 1975 là bằn bặt lịm thiếp. Hai mươi năm sau, tới khi gượng cầm bút trở lại thì hỡi ơi, thanh xuân đã hết, tinh lực hao hụt. Năng khiếu văn chương chỉ là cái giúp lên đường còn muốn tiếp tục để thật sự có tác phẩm thì phải có hoàn cảnh thuận tiện cho một đời gian nan học hành, tu tập, sống tận cùng cảm giác, đào thật sâu tư duy và tích lũy dồi dào năng lượng. Ðàn văn chương vỡ vụn và khách văn chương thương vong bởi những kẻ coi chính trị là thống soái!
Xe quành bánh ra bến, mắt bạn nhìn lui đếm không hết bao nhiêu bàn tay đưa lên vẫy. Không biết trong đó có bàn tay nào rụt rè rẽ ngang cọng tóc dài hình như đang vương vướng đôi mắt lá răm. Còn bạn, chỉ ngậm ngùi mấy sát na thôi rồi nhìn thẳng tới đằng trước. Trẻ người non dạ. Hít vào một hơi thật sâu. Thở ra một tràng thật chậm. Con đường Quốc lộ Một sáng lên theo ánh ngày. Dải Trường Sơn từ từ rõ bóng. Những tảng đá ngàn năm bên đường lùi dần theo vết bánh xe, như một thứ hôm qua bóng tối phải nhường chỗ cho ngày mai ánh sáng. Các rặng dừa ven đường dần phô mái tóc mượt mà trong gió sớm, như vờn múa theo nhịp sóng biển từ mé dưới bên kia đường vọng lên. Ðâu đó có nụ hoa dại vừa hé còn đọng chút sương mai. Và đâu đó cuối chặng đường kia, có bàn tay bằng hữu, có con mắt thục nữ. Cùng với gió sớm thổi vào lòng xe, lòng bạn hồn nhiên trở lại, phơi phới theo những hò hẹn mới, những tao ngộ mới.
Có thể nơi dừng chân sắp tới là Tuy Hoà với Trần Huiền Ân, Mang Viên Long, Khánh Linh, v.v. Hay lên Ðà Lạt với Trần Hữu Lục, Diệu Thủ Nguyễn văn Thoà, Ðoàn Ðại Oanh, v.v. Cũng có thể nơi dừng chân sắp tới là Qui Nhơn, một phương hải tần vì xa khuất quốc lộ. Nơi thành phố biển đó có trường Sư Phạm, qui tụ nhiều “đấng thiên tài” văn, thơ, nhạc, họa, và trước lạ sau quen, ai cũng “bè bạn cả”. Dãy lầu ba tầng nội trú huyền ảo trong khuôn viên trường ấy cũng là một ngự uyển nhan sắc của miền Trung,“em gái của các bạn tôi đấy”.
Qui Nhơn là nơi dừng chân gần như bắt buộc, một đôi tuần một đôi tháng hoặc ít ra là một lần trong đời, của những người bạn văn chương miền trung có chút máu mê giang hồ vặt. Qui Nhơn cũng là địa danh không thể thiếu trong bộ sưu tập của những gã con trai nặng tính di truyền của dân tộc, rời đất miền Trung xuôi nam lập nghiệp.
Trong cuộc đời tuổi trẻ lang thang của mình, tôi không tránh khỏi “lộ trình định mệnh” đó. Và tạ ơn trời, tôi đã may mắn ghé lại chốn góc biển ấy tới hai lần. Sống lang thang ở đường Hàn Thuyên rồi Khu Hai. Dạy luyện thi để “giải trí bằng cơm” với anh Hai và Ngô Nguyên Phi. Sáng ngồi Ghềnh Ráng nhìn ánh mặt trời rực rỡ, biến ngàn vạn phiến đá sần sùi thành hổ phách lộng lẫy. Chiều tắm biển Qui Nhơn lâng lâng theo sóng nước hiền hoà. Tối cùng bạn bè vừa đi vừa hát từng bước từng bước thầm trên những con đường đèn mịt mù, vắng bóng các lính Mỹ, Ðại Hàn và các nương tử nhím. Ðêm nào trăng sáng, từ Khu Sáu cùng Oanh mơ màng nhìn lên Suối Tiên trong tiếng tiêu dìu đặt của Mâu. Rời Qui Nhơn tôi mang theo giấc mơ văn chương cùng âm vang bài Biển Nhớ trong đậm đà ân tình bằng hữu đêm chia tay. Rồi với thời giang hồ vặt nhiều nhân duyên và nặng nghiệp quả khắp các tỉnh ấy, tôi lê chân một đời từ xứ mình nhiệt đới tới xứ người tuyết trắng. Hẹn bạn một dịp nào đó, trên những trang giấy bùi ngùi khác, tôi sẽ cùng bạn về lại “thành phố giang hồ ấy”, với những con đường kỷ niệm và khuôn mặt, nhân dáng của những người quen của bạn của tôi.
Toronto – Canada 27.7.2004
Nguồn: Ý Thức Bản Thảo – TP Hồ Chí Minh, Tuyển tập văn học nghệ thuật tập 8 – Hè Thu Giáp Thân – năm 2004, ấn bản phổ biến giới hạn trong nước