Lịch sử Việt Nam từ Nguyễn Trãi, Trương Vĩnh Ký đến Ngô Quốc Dung, Trần Trọng Kim… đếu cho cội nguồn dân tộc Việt họ Hồng Bàng, vua Kinh Dương Vương, tên nước là Xích Quỉ... Theo Trương Vĩnh Ký, thời kỳ này vào khoảng 2874 năm TCN.
Tất cả các nhà sử học trên đều khẳng định dân tộc Việt có cội nguồn từ dân tộc Hán. Riêng Đào Duy Anh có đi xa hơn trên tư liệu của những học giả người Pháp và nhà sử học Đài Loan Trần Kinh Hòa, cho rằng “ Tổ tiên của ngườiViệt là tự miền lưu vực sông Hoàng Hà qua Tứ Xuyên và Vân Nam vào Việt Nam. Nhưng từ lâu, học giả người Pháp Ed Javannes đã nêu ức thuyết cho rằng nên tìm nguồn gốc người Việt Nam ở nước Việt thời Xuân Thu tại phía nam sông Dương Tử…” (Tr.34).
Nói chung, ngay cả Đào Duy Anh cũng cho rằng người Giao Chỉ thời Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương là tổ tiên của người Lạc Việt, tức người Việt sau này và Giao Chỉ là vùng đất của người Hán. (Tr34).
Cổ thư Trung Hoa, truyền thuyết… chỉ cho các Cụ dừng lại ở nguồn gốc dân tộc Việt là dân tộc Hán ở thời Nghiêu, Thuấn.
Tác giả Hà Văn Thùy, với lịch sử là người ngoại đạo, nhưng trong anh có một tinh thần dân tộc rất cao, một tư duy mở, phương pháp luận biện chứng và quan trọng hơn là một thời điểm mà các Cụ không thể có được, là thời của cách mạng tin học, công nghệ gen… cho phép con người tìm lại chính minh từ vài chục ngàn năm đến trăm ngàn năm. Nhờ những tư liệu mới nhất cùa di truyền học phân tử, năm 2007 anh cho ra đời cuốn “Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt” (NXB Văn học), công bố những phát hiện mới về cội nguồn sinh học và văn hóa của tộc Việt. Năm 2008 này tác giả xuất bản tiếp “Hành trình tìm lại cội nguồn*.” Cuốn sau là mạch nối của cuốn trước nhưng viết chặt chẽ hơn, tư liệu phong phú hơn nên thuyết phục hơn.
Cũng trên con đường đi tìm cội nguồn dân tộc, Hà Văn Thùy bắt gặp công trình nghiên cứu của G.S Chu và đồng nghiệp. Đấy là những nghiên cứu dựa vào mtDNA và nhiễm sắc thể Y (Y-chromosome) để khảo sát nhiều nhóm người Hán khác nhau nhẳm tìm ra cội nguồn người Trung Hoa. Sự bất ngờ tuyệt vời đã tới: chính những nhà khoa học người Mỹ gốc Hán này đã chứng minh: cội nguồn dân tộc Hán là Bách Việt!
Rất may là trước đó Hà Văn Thùy gặp “Việt lý tố nguyên” của G.S Kim Định. Khi biết được Việt Nho trong văn hóa Khổng giáo, Hà Văn Thùy đã “sung sướng như kẻ lạc loài tìm lại được căn nhà xưa êm ấm, vững chãi của tổ tiên và hiểu rằng dân tộc ta không phải phường trôi sông lạc chợ mà có căn cơ, có một nển văn hóa đáng để học, để thờ…” (Tr.49). Cũng từ Việt lý tố nguyên, Hà Văn Thùy đã tìm được trong sử Trung Hoa: “Trước khi người Hán vào Trung Nguyên thì người Bách Việt đã tràn khắp 18 tỉnh Trung Quốc” (Tr. 51). Vì vậy khi bắt gặp công trình của Y. Chu, Jin Li nghiên cứu đa dạng di truyền người Trung Hoa: “Công trình của chúng tôi cho thấy con người hiện đại trước hết đã đến Đông Nam Á, sau đó đi lên Bắc Trung Hoa…” (Tr.51), Hà Văn Thùy nhận ra sự đảm bảo vô giá cho những gì mình tin tưởng nhưng trước đây không thể chứng minh!
Trong công trình của mình, Hà Văn Thùy tìm ra thủy tổ của người Hán: “2600 năm TCN, người Mongoloid phương Bắc tràn qua Hoàng Hà, chiếm đất của người Việt. Do sống chung đụng nên có sự hòa huyết giữa người Mông Cổ và người Bách Việt bản địa, một chủng mới là Mongoloid phương Nam ra đời, đó là người Hoa Hạ, tổ tiên người Hán”. Như vậy, người Hán là “con lai giữa người Mông Cổ và người Bách Việt” từ 2600 năm TCN.
Những nghiên cứu, khám phá của Hà Văn Thùy trong “Hành trình tìm lại cội nguồn” bắt đầu từ đây lại trở về với khảo cổ học, với những truyền thuyết còn lưu giữ trong lịch sử, đặc biệt từ cái nôi văn hóa Hòa Bình. Từ chiếc “Việt” công cụ Đá mới được đưa lên phương Bắc đến chữ Việt thành danh xưng Việt tộc viết với bộ “Qua”. “Sau trận Trác Lộc, Đế Lai tử trận, một bộ phận binh dân Lạc Việt” theo Lạc Long Quân dong thuyền xuôi Hoàng Hà ra biển, xuống phía Nam, trở lại quê gốc là vùng Nghệ Tĩnh, lập nước Văn Lang” (Tr.54)
Về cơ bản, tới đây công trình của Hà Văn Thùy gặp lịch sử Việt Nam mà bây giờ ta coi là chính thống.
Cùng với nghiên cứu về nhân chủng học, việc nghiên cứu văn hóa trong đó có chữ viết mà bằng chứng là văn bản khắc trên bình cổ Bán Pha 12.000 năm trước. Ở 9000 năm trước, chữ Việt cổ được khắc trên vỏ rùa. Người Việt biết chế ống sáo bằng xương chân chim hạc, biết chế rượu bằng gạo ngâm mật ong và táo gai…
Theo những tư liệu Hà Văn Thùy trình bày thì từ khi người Hán chưa ra đời, người Việt đã sáng tạo ra Bát quái, Trùng quái, Hà đồ, Lạc thư… những công cụ khám phá vũ trụ cũng như bói toán.
Những tìm tòi, khám phá của Hà Văn Thùy rất công phu nhưng quá mới mẻ, không dễ được chấp nhận với đa số người mang quan niệm về một lịch sử hình thành hàng nghìn năm.
Nhưng tôi nghĩ, những tư liệu Hà Văn Thùy có được chưa thể đã chắc chắn, đã thật sự khoa học, nhưng dẫu sao, Hà Văn Thùy cũng là người mở đường, người bổ những nhát cuốc đầu tiên vào lịch sử cố đại Việt Nam vốn đã an bài gần nghìn năm qua… Dẫu sao thì đây cũng là công trình mang tấm lòng của một người tự trọng, tâm huyết với cội nguồn dân tộc và sự dũng cảm của một người nghiên cứu dám thay đổi một cách tư duy mang tính bảo thủ có bề dày lịch sử. Chỉ cần công trình của Hà Văn Thùy có cơ sở xác tín nào đó chúng ta cũng nên trân trọng và tiếp tục tìm tòi khám phá tiếp để xác lập cho chính xác cội nguồn dân tộc Việt chúng ta.
Những người mở đường bao giờ cũng là những người lính tiên phong, rất dễ trúng đạn. Nhưng sự hy sinh của họ bao giờ cũng được lịch sử công nhận, dù công trình của họ thành hay bại.
Vì vậy, tôi hy vọng công trình này nên được trân trọng và tiếp tục làm sáng tỏ.
Tp. Hồ Chí Minh, 10.11.2008
*NXB Văn học, 2008