Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.906
 
Sự chẩn mạch trái tim của Huy Dung - một nhà thơ-thầy thuốc
Hoài Anh

Đọc tập thơ “Em từ đâu đến” của giáo sư tiến sĩ, bác sĩ tim mạch Nguyễn Huy Dung (nhà xuất bản Văn Học 2008), tôi bất giác liên tưởng đến những người thầy thuốc viết văn làm thơ. Nếu Georges Duhamel trong Biên niên sử gia đình Pasquier, từ việc chẩn mạch cho nhân vật Pasquier và 5 người con của ông, đã chẩn mạch cho cả một thời đại từ năm 1880 đến 1930 ở Pháp, thì Huy Dung trước hết, đã “biên niên” ghi mạch của trái tim mình:

 

Mười lăm xuân tuổi học trò

tâm hồn thác nước mộng bờ biển êm

Hai mươi xuân quá tự tin

không hề bối rối

lửa tình đốt, tim thành đám bụi

 

với sự thành thật và dũng cảm hiếm thấy vì tránh được chứng từ yêu của Narcisse nhưng cũng không tự ti thấy “Cái tôi là đáng ghét” (Pascal):

  

Ta chính thực là ta

vững bước chân không vội

Cửa tim luôn mở to

hướng yêu thương đón gió

nhưng tình chẳng ập vào

từ trong tim bước ra

 

Ở đây có một thoáng tự trào nhưng đó là dấu ấn của một tâm hồn rộng mở và đầy bản lĩnh. Diderot đã chẳng nói: “Hơi thấy cái cảnh ngộ bất thường, người đa cảm cuống lên, người ấy không làm được một vị anh quân, một tể tướng, một nguyên soái, một luật sư đại tài, một y sĩ đại danh” đó sao?

Đó cũng bởi quan niệm về tình yêu lý tưởng của Huy Dung là sự thuần khiết như màu áo trắng của người thầy thuốc, như độ trong của nước cất:

 

Hăm ba tuổi con tim

ta mơ tình thuần khiết

Trời thương ta gặp em

dần hiểu tình nồng nhiệt.

Em nồng nàn hơi thở

dòng lửa giữa đêm đen

Tim anh đang lửa đỏ

khéo bỏng tay ơi em!

 

Lửa tình yêu đã đốt sạch tạp chất để lọc lấy mùi hương trầm thuần khiết khi nguyện thề chung thủy, tình yêu “hương lửa đang nồng” (Nguyễn Du):

 

em về mắt tỏa lung linh

đốt trầm tâm khảm đinh ninh lời nguyền

hương yêu thuần khiết quanh em

 

Nếu Chekhov mà “mỗi truyện ngắn là một bản chẩn bệnh tâm lý mẫu mực” nhưng từ chối kê đơn thuốc thì Huy Dung khi lắng nghe tiếng tim của người yêu trong giấc ngủ:

 

từ xởi lởi dung hòa cáu giận

(khi thực sự anh bối rối thầm)

từ tiếng tim đểu hết tạp âm

rì rào hơi thở êm tinh khiết

 

ở đây cũng đòi hỏi tiếng tim lắng hết tạp âm, để lọc lấy hơi thở tinh khiết, nhưng sau cảm mạch là lời khuyên nhủ chân tình :

 

Có thể nào chăng

khi em thức dậy, nhìn phòng tối

“Anh! anh đi rồi

hay, chưa hề có anh tôi!”

Chớ chữ sảng, câu mê bối rối

chớ, nghe em!

em hãy xóa lời buồn ác mộng

Ta đã trải quá nhiều vô vọng

thêm chi buồn, một giọt tràn tim

 

Sự kê đơn mang tính chất lâm sàng và phương thuốc là ánh mặt trời - nguồn sống của vũ trụ:

 

Khi thức dậy nhìn ô cửa đằng đông

đêm trên sông thôi lặn giữa Sài Gòn

nhường cho ngày sắp mọc đầu Kinh Tẻ

Em khỏe hẳn mơn man chân bước khẽ

 

Charles Pinot Duclos nói “Những người có tâm hồn đa cảm sống lâu hơn kẻ khác, đối với họ những điều hay, điều dở, cái vui, cái buồn ở đâu đến rất nhiều”. Huy Dung chẩn mạch cho trái tim người đang yêu với sự chính xác tinh vi của một nhà phân tâm học thấy được những biến hóa đa dạng, có khi từ thái cực này sang thái cực khác:

 

Yêu bất ngờ chớp bể mưa nguồn

Ôi tình yêu bỗng dưng day dứt

Vì tình yêu chợt vui chợt buồn

Vì tình yêu trộn cười vào khóc”

 

Tôi nhớ đến mấy câu thơ Xuân Diệu viết trong thời chín chắn “Em là nửa nắng nửa đêm. Mưa thưa nắng nhạt hồn thêm bùi ngùi. Lòng anh trái lựu chín muồi. Có khi vừa vỡ vừa cười đó em”

Nhưng với chuyên môn của người thầy thuốc, trong bệnh án Huy Dung đặt ra câu hỏi:

 

Tại vì sao vùi đầu ngợp cánh

Vì tình yêu sung sướng rùng mình

Vì tình yêu bỗng nhòe nước mắt

Vì tình yêu lãng mạn trữ tình

(dù đi lạc không lạc lõng tim)

 

Đáp án đã có rồi: dù đi lạc không lạc lõng tim. Đó không chỉ vì “trái tim có những lý lẽ mà khối óc không biết đến” mà chủ yếu vì “khi một người yêu mọi người một cách tha thiết, họ có thể làm cái điều mà họ muốn vì rằng tựa nương theo cái chân lý cao cả, và cái nhân ái thiêng liêng, họ không thể ngã vào lầm lạc được” (J.Chevalier).

Là một nhà thơ, Huy Dung nhạy bén quan sát những đường biểu diễn thăng giáng của điện tâm đồ qua dòng thơ yêu:

 

Thơ yêu chảy ngập tràn tim, huyết quản

ngất ngưởng cười (yêu ẩn sợi buồn xa)

thoáng tủi sầu, chẳng khóc, xen cười khẽ,

nhạc, điệu, vần… nhưng tất cả tan ra.

Luôn bay bổng, thơ sà xuống cõi lòng

trăm quá trình, tương tác, những liên thông

yêu gặp nhau bất chợt, đường xuôi ngược

Dòng thơ yêu mang cả một trời trong.

 

Huy Dung cũng chẩn mạch cho trái tim không biết yêu – trái tim rỗng tuếch:

 

Đến tội! vô chừng khổ cực

vô hồn thân không ngày mai

múa may mà tâm rỗng tuếch

đến chẳng biết mình là ai

 

Và tìm ra gốc bệnh:

 

Uổng thay tim chẳng dung thông

với mình, tự nhiên, nhân loại

nối xưa, nay, mai gom lại

Tất cả chung một cộng đồng.

 

Khi con người dung thông với thiên nhiên, từ trăng gió khêu gợi tình yêu:

 

Phút xuất thần, dọc ngang tròng mắt

Tim chìm nghiêng, chao, chất ngất rơi

Ôm sao hẫng hụt chơi vơi

Đá còn vang vọng những lời yến anh

Óng mượt eo, vị tình môi đậm

Thực hay mơ mê mẩn ngỡ ngàng.

Trăng hoa thanh sắc bâng khuâng

Làm chi trăng gió để lăn lóc đời

 

để đến khi:

 

giữa hồng trần

mười phương lưu lạc

trăng bạc xưa trầm mặc chơi vơi

 

vẫn quá khắc khoải về ráng đỏ của mối tình đầu, nên nhắn nhủ người sau:

 

Mai sau xin chớ một đời

nhớ nhung khoắc khoải khôn nguôi, đợi gì?

chớ bi kịch hóa lâm ly

Gạn mơ từ ánh diệu kỳ ráng xưa

 

Khi trái tim đã dung thông với nhân loại, Anna de Noailles thấy mình mang “trái tim vô số” (coeurs innombrables), Blaga Dimitrova thấy mình bị “vây giữa tình yêu”. Nếu Nazim Hikmet thấy “trái tim tôi bị đem bắn hàng ngày ở Hy Lạp”, thì trái tim Huy Dung cũng từng bị đem bắn cùng sự hy sinh anh dũng của hai người chị liệt nữ Minh Khai, Quang Thái, hai người anh liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp, sự trải nghiệm nỗi đau khiến trái tim anh mở ra con đường “kết nối, liên thông, tương tác” với mọi trái tim khác.

Khi trái tim đã dung thông “nối xưa, nay, mai gom lại”, thì Huy Dung bèn chẩn mạch cho trái tim yêu của người xưa:

 

Đôi tim trẻ đẫm hương ngào ngạt

nồng nàn sóng thở, cát thì thào

nắng thỏa thuê vào ngõ ngách phế bào

sẵn đúc tòa thiên nhiên nghe gió hát.

Từ hớp hồn hạt cát phàm trần

Chử Đồng Tử, Tiên Dung tương tái sanh hạnh phúc

mang lửa trời bất diệt vào phàm tục thế nhân

 

Và nhắn gửi người sau về sự vĩnh cửu của trái tim yêu:

 

Nghìn năm sau bạn lại có Tiên Dung

tóc êm như mây, da mát tựa sương

Bạn lạ lùng bãi Tự Nhiên tiền định

từ trong cát, run thần tiên tột đỉnh

 

Từ bãi Tự Nhiên, tình yêu đã hòa nhập vào với tự nhiên và mang sức mạnh kỳ diệu của tự nhiên.

Disraeli nói: “Tất cả chúng ta đều sinh ra để được yêu, đó là nguyên lý của cuộc sinh tồn và cũng là cứu cánh duy nhất”

Tập thơ khép lại bằng bài tứ tuyệt được dùng làm tiêu ngữ, khái quát chủ đề của toàn tập:

 

Thơ thức lương tâm cứu rỗi người

Sưởi tan băng giá trái tim côi

Chắt chiu diệu mặc, làm sao thiếu

Tải đạo Dung Thông, rộng cõi đời.

 

Đến đây, nhà thơ Huy Dung đã dung thông với giáo sư tiến sĩ Nguyễn Huy Dung, tác giả dăm chục cuốn sách y khoa và sách “Rèn nhân cách”.

Hoài Anh
Số lần đọc: 2588
Ngày đăng: 06.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ðọc Huế Buồn Chi của Hoàng Xuân Sơn - Nguyễn Ước
Huỳnh Thuý Kiều – gót son nợ một đời dâu bể - Tạ văn Sĩ
Đọc Phong Lê và chúng tôi - Nguyễn Văn Hoa
Chân dung con ngựa đua lạc loài - Lê Huỳnh Lâm
Thẩm định văn chương cần sự tranh luận công khai, sòng phẳng - Vũ Ngọc Tiến
Ta đã ngoài lứa tuổi thanh niên vẫn thích cuỡi sông hồng mùa nước lũ. - Hoàng Đình Quang
Lê Khánh Mai và thánh giá của riêng mình - Nguyễn Thế Khoa
Hạt buồn vui nẩy mầm thành bút ký và thơ - Võ Quê
Mắt tình soi vào nhau long lanh - Lê Vũ
Chơi thú văn - Nguyễn Chí Hoan