Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.140
123.202.888
 
Thơ ơi còn cô đơn không!
Lê Huỳnh Lâm

Có những vị từ bỏ ngai vàng đi tìm giá trị đích thực của cuộc đời. Hay những đấng đi vào cuộc sống để cứu chuộc nỗi đau của loài người… Ngược lại có nhiều vị rất muốn và bất chấp tất cả để được ngai vàng, hay có những kẻ đi vào cuộc sống để gây đau khổ cho người khác,… Trong tâm thế đó, bài thơ đi tìm lại hình hài của chính mình khi những lớp mặt nạ mục nát rơi dần. Bất chợt bài thơ hỏi “tôi là ai?”. Kể từ thời khắc đó, bài thơ hành trình đơn độc và mỗi bước đi của  bài thơ là một dấu chấm hỏi hiu hắt. Cũng trong tâm cảm đó, Lê Vĩnh Tài đã hỏi chính mình, như sự cô đơn hỏi một sự cô đơn, như nỗi chết hỏi nỗi chết... Và vấn đề đã xuất hiện với những dấu hỏi. Chỉ khi nào không còn dấu hỏi thì vấn đề sẽ triệt tiêu. Từ đó thơ sẽ được trả về đúng giá trị của thơ.

 

Vậy đó, thơ hỏi thơ cũng như hơi thở hỏi hơi thở, chính là sự sống và cũng chính là niềm vô vọng của Lê Vĩnh Tài khi anh truy nguyên về căn tính của thơ. Cũng là căn tính tối thượng của con người.

 

Ở đây, Lê Vĩnh Tài đã chọn một cách thể hiện khác hẳn những gì thuộc về quá khứ của anh. Vì không còn cách nào khác, khi mà những giá trị của ngữ nghĩa đã bị bóp méo, bị cố tình làm mới theo những thứ trào lưu của những nhóm “dị tật”. Bằng lối dẫn nhập như một câu chuyện kể, không phải không có ý thức hoặc một sự tiên cảm vượt khỏi lý luận khi anh đã sắp xếp “thơ 1” với những dòng:

 

Có một bài thơ không có chữ, không có dòng nào, chỉ những ký hiện @%^& $$$ và được gọi là thơ cụ thể...

Một sự lập luận có thể rất buồn cười khi đem đặt ở những trang viết khác, những ở “thơ hỏi thơ” thì hoàn toàn hợp lý hoặc có thể…tuỳ cảm thức của người đọc.

 

Cứ như thế rồi đến thơ 2, thơ 3,… và cuối cùng là thơ 49 & 50 và có thể đi đến vô tận…

 

Ở đây những con số chỉ mang ý nghĩa biểu trưng, để người đọc phân biệt giữa thơ và thể loại khác. Thực ra, Tài muốn gửi cho chúng ta một ngữ điệp về thơ, như một dòng chảy của tâm thức rung cảm trước những biến cố xã hội đang vây quanh cuộc sống. Ngữ điệp đó như một nhật ký ghi lại cảm thức thơ bằng những ký hiệu khác nhau. Và chỉ có thơ mới hiểu được thơ, thơ mới có quyền hỏi thơ. Chúng ta là gì mà dám chạm vào nơi chốn thiêng liêng đó? Chứ đừng nói là can thiệp một cách thô bạo. Thực ra, vấn đề mà Tài nêu lên không có gì mới mẻ, nhưng chọn một phương cách thể hiện để diễn đạt và trong một ý nghĩa nào đó, cũng góp phần giải quyết vấn đề như Lê Vĩnh Tài quả là một sự sáng tạo và dũng cảm. Tất nhiên ở đây luôn xuất hiện ánh nhìn bi cảm về xã hội đang vây quanh tác giả. Chúng ta hãy cảm nhận trong “thơ 26”:

 

Có một bài thơ  thường khơi dậy ý nghĩ của mình bằng cách tung ra một chữ. Có thể lúc đầu nó hơi lung túng nhưng thường thì sau đó một bài thơ mới sẽ được sinh thành. Một hôm nó tung ra chữ “tình dục”, sau đó vì không còn liên tưởng được gì nên nó gửi chữ đó đi cho nhà biên tập. Thời buổi email nên nhà biên tập ném trả ngay cho nó một chữ “cam kết”. Nó thấy đỡ bí nên gửi tiếp thêm một chữ “hôn nhân”. Nhà biên tập lại ném trả chữ “con cái”. Nó gửi tiếp chữ “một vợ một chồng”. Nhà biên tập ném trả chữ “hạnh phúc” vân vân…

và bài thơ được in (nhuận bút theo khung giá hiện hành)

mỗi lần muốn đăng thơ, nó và nhà biên tập lại ném chữ vào nhau như thế, nhiều khi ném qua ném lại rất lâu, nhiều ý tưởng bị ném trúng rất đau…

 

Như vậy đó, chỉ mới 50 đoản khúc thơ mà Lê Vĩnh Tài đã gợi lên một hiện trạng xã hội muôn màu muôn vẻ giữa đời sống đầy biến động. Có lẽ điều mà tác giả muốn gửi đến chúng ta cũng như một lời tự nhắc nhở chính mình về những chân giá trị đang bị lẫn lộn giữa rất nhiều khung giá trị giả được mặc cả bằng một thứ dối trá đã được sự thật hoá giữa ban ngày. Và Tôi tin rằng Lê Vĩnh Tài đã đi vào con đường của những chân giá trị, hãy nghe anh tâm sự: Từ đó bài thơ mới biết chỉ cần yêu thương hay tha thứ một ai đó, con người ta có thể ngã nhào xuống đất và vỡ tan thành tro bụi…

 

Huế, khuya ngày 6/3/2009

Lê Huỳnh Lâm
Số lần đọc: 2915
Ngày đăng: 09.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự chẩn mạch trái tim của Huy Dung - một nhà thơ-thầy thuốc - Hoài Anh
Ðọc Huế Buồn Chi của Hoàng Xuân Sơn - Nguyễn Ước
Huỳnh Thuý Kiều – gót son nợ một đời dâu bể - Tạ văn Sĩ
Đọc Phong Lê và chúng tôi - Nguyễn Văn Hoa
Chân dung con ngựa đua lạc loài - Lê Huỳnh Lâm
Thẩm định văn chương cần sự tranh luận công khai, sòng phẳng - Vũ Ngọc Tiến
Ta đã ngoài lứa tuổi thanh niên vẫn thích cuỡi sông hồng mùa nước lũ. - Hoàng Đình Quang
Lê Khánh Mai và thánh giá của riêng mình - Nguyễn Thế Khoa
Hạt buồn vui nẩy mầm thành bút ký và thơ - Võ Quê
Mắt tình soi vào nhau long lanh - Lê Vũ
Cùng một tác giả
Đêm (thơ)
Chết (thơ)
Huế (thơ)
Đông ngàn (tạp văn)
Thu Xưa (tạp văn)
Tùy bút cho H. (tạp văn)
Online (thơ)