Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.221.860
 
Thương và ghét- vui và buồn
Trần Huiền Ân

Thương và ghét

 

Tục ngữ ca dao Việt Nam không có lời khuyên ghét. Chỉ có một số câu nêu cả thương/ghét, như bức ảnh chụp hai mặt phải và trái, phản ảnh tâm lý người đời.

 

Thương người người lại thương ta

Ghét người người lại hoá ra ghét mình.

 

Có thể nói là ai cũng ý thức rõ điều đó, nhưng ai cũng bị chi phối bởi phản ứng gần như tự nhiên, khi thương dồn hết cảm tình cho đối tượng, nhìn thấy điểm nào cũng tốt đẹp, khi ghét thì đổ hết ác ý và nhìn thấy chỗ nào cũng đáng chê trách.

 

Thương người như thể thương thân

Ghét người như thể đổ phân cho người

 

Thương và ghét đem lại ảnh hưởng trực tiếp với những người, những vật của đối tượng: Khi thương thương hết cả nhà/ Khi ghét ghét hết cả bà cả con; Thương nhau thương cả đường đi/ Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng. Hay:

 

Thương nhau trái ấu cũng tròn

Ghét nhau bồ hòn cũng méo

 

Ấu là loại cây mọc dưới bùn, trái gần như hình tam giác, giống đầu trâu có 2 sừng, vỏ màu đen, bên trong bột trắng, ăn bùi bùi. Cây bồ hòn, trái tròn, vị đắng, có chứa chất saponin dùng gội đầu và giặt rửa.

Thương và ghét thường thể hiện qua cử chỉ, hành động, dù nhỏ vẫn dễ dàng nhận thấy:

 

Hồi thương đụng đâu nhắc đó, hồi ghét bỏ xó không nhìn

Hồi thương đụng đâu khen đó, hồi ghét nói bỏ chó không thèm

 

Khi ghét, giao tiếp không còn mặn nồng, không dành cho phần hơn, phần quý:

 

Thương nhau cau sáu bổ ba

Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười

 

Thông thường khi ăn trầu người ta bửa (bổ) ruột trái cau ra 6 miếng, thương nhau bửa lớn gấp đôi (3 miếng), ghét nhau bửa ra còn tí xíu (10 miếng).

Khi ghét, còn tỏ ra ích kỷ, nhỏ nhen:

 

Hồi thương quạt giấy cũng cho

Hồi ghét quạt mo cũng đòi

 

Ngày trước ở thôn quê nấu cơm nồi đồng, vần lên lửa than, phần cơm trong hông thường cháy vàng, cạy ra ăn giòn, thơm, khá ngon, nhiều người thích. Thương nhau cho nhau miếng cháy là biểu lộ tình cảm. Cổ tích có chuyện người học trò nghèo, hàng ngày giả vờ mượn nồi nhà kia nấu cơm, thật sự là để vét cơm cháy ăn, thế ma đỗ đến trạng nguyên, dân gian gọi là ông Trạng Nồi. Thế nhưng khi ghét nhau thì bêu rếu, bảo là cạy nồi, vét nồi.

Hồi thương cho nhau cơm cháy, hồi ghét nói nhau cạy nồi

 

Xa và gần

 

Xa và gần trên thực địa khác với xa và gần trong tâm tưởng. Trên thực địa được đánh giá theo đơn vị đo lường, bằng dặm, bằng cây số, hoặc ngày trước ước tính đi bộ một buổi, mấy ngày, đi ngựa bao lâu, bây giờ là mấy phút mấy giờ lái xe, mấy giờ bay. Trong tâm tưởng thì khác. Có khi thật gần trong không gian mà chẳng bao giờ giao thiệp thành ra thật xa, có khi thật xa trong không gian mà thương mến nhau, thì coi như gần:

 

Thương nhau xa cũng như gần

Đừng nên tham phú phụ bần khó coi

 

Tham phú phụ bần là tham nơi giàu sang, phụ kẻ nghèo khổ. Ở thôn quê hai tiếng “khó coi” (làm như vậy khó coi, ăn ở như thế khó coi) là một lời trách móc có phần nặng nề.

 

Hồi xa cách vách cũng xa

Hồi gần cách huyện cách nha cũng gần

 

Cách vách là chung vách, liền vách, tiếng nói lớn, tiếng động mạnh là nghe được. Bây giờ dân thành phố sống vô cảm với nhau, cách vách cũng xa là thường tình. Thời trước ở thôn quê tình nghĩa đậm đà, cách vách cũng xa là điều đáng quan ngại trong giao tiếp. Huyện nha là chỗ quan lại làm việc, mỗi khi có việc rắc rối dân mới tìm đến huyện nha. Vậy cách huyện cách nha là gặp nhiều ngăn trở, nhưng đã coi như gần thì cứ là gần.

Cũng là ý này nhưng Phú Yên có câu:

 

Hồi xa cách vách cũng xa

Hồi gần Gò Duối- Hoà Đa cũng gần

 

Hai nơi này cùng nằm dọc con đường chính, thời ấy gọi đường quan báo - đường thiên lý, bây giờ là Quốc lộ 1A, cách nhau khoảng 50km. Thời xưa, đi bộ từ Gò Duối đến Hoà Đa mất cả ngày đường.

Đến Quảng Nam thì nghe:

 

Dù xa chỗ ngõ cũng xa

Dù gần Vĩnh Điện- La Qua cũng gần

 

Vĩnh Điện, La Qua là những địa danh đã đi vào lịch sử, lưu giữ bao ký ức đẹp trong lòng người. Thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn nằm trong trục tam giác Đà Nẵng- Hội An- Tam Kỳ, là trung tâm giao thương khá phồn thịnh phía bắc tỉnh Quảng Nam. Nơi đây có dòng sông Vĩnh Điện, đường thuỷ từng được vua Minh Mạng đào vét để khai nối từ sông Thu Bồn ra Cửa Hàn. Làng La Qua thuộc xã Điện Minh, huyện Điện Bàn. Có câu nói vui: Qua qua La Qua, qua hôn qua hít qua vít qua véo qua chọc qua ghẹo, biểu em đừng la qua.

 

Nói đến xa và gần cũng nên nhắc đến lời của người bạn trai nói với bạn gái xuất giá, chỉ nhắc bạn bổn phận khi mai sau cha yếu mẹ già, nhưng ngầm tỏ rằng ta đây chính là chỗ gần mà bạn không lựa chọn:

 

Con chim đa đa đậu nhánh đa đa

Chồng gần không lấy, lấy chồng xa

Mai sau cha yếu mẹ già

Bát cơm ai đỡ, chén trà ai dưng

 

Chim đa đa là con gà gô, gà sao, gà cơm cát, sống nơi gò đồi tranh đế, những buổi trưa cất tiếng gáy “chát cha chát chát cha cha” nghe như xé lòng. Cành đa đa còn gọi là tha đa, một loại cây dẻo và chắc, thường dùng làm cánh ná (nỏ), đầu ná thì dùng cây lòng mức: Đầu lòng mức, cánh tha đa.

        

Vui và buồn

 

Trong thất tình (hỉ, nộ, ái, ố, ai, lục, dục) của con người: vui buồn, thương ghét luôn chiếm phần quan trọng. Những vui buồn trong lòng ta luôn luôn lan ra ngoại cảnh, đôi khi mượn cảnh giải sầu, tuy vậy thường thấy:

 

Khi vui non nước cũng vui

Khi buồn sáo cặp kèn đôi cũng buồn

 

Cụ Tiên Điền viết Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ là vậy.

Có 1001 lý do để vui, 1001 lý do để buồn. Như lời than của một cô gái làm dâu, vui cũng hoá buồn:

 

Làm dâu khổ lắm chị em ơi

Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than

 

Khi vui, thói thường ta hay ba hoa đủ điều, kể chuyện này, nói chuyện kia, khi buồn thì ủ rũ, ngồi một đống từ bi:

 

Khi vui thì miệng lép bép

Khi buồn con ruồi đậu bên mép không hay

 

Người điềm tĩnh có cái vui nhẹ nhàng, không biểu lộ nhiều, không khoa trương, và cái buồn sâu sắc:

 

Khi vui ngồi ghế gảy đờn

Khi buồn muốn dứt nghĩa nhơn cho rồi

 

Bây giờ nói đánh đàn, tiếng đánh e không sát lắm, xưa nói gảy đờn, khảy đờn, vì dùng móng tay gảy hoặc miếng phím khảy lên dây đờn chứ nào có đánh đập gì đâu!

 

Khi vui thì muốn sống dai

Khi buồn muốn thác ngày mai cho rồi

 

Tại sao muốn thác ngày mai mà không thác ngay lập tức. Bởi vì ta đang buồn, có nghĩa là còn đang suy tính, nghĩ xa nghĩ gần, nghĩ đi nghĩ lại.

 

Thân phận người phụ nữ ngày xưa cũng bị định đoạt bởi những vui buồn của tha nhân:

 

Em như giếng nước bên đường

Người vui rửa mặt người buồn rửa chân

 

Buồn vui trong ca dao Việt Nam còn thể hiện dấu chân người quân tử:

 

Ngó lên trời chớp mưa nguồn

Bao nhiêu vui về bạn, bao nhiêu buồn về ta

 

Chuyện buồn vui như trên đôi khi là kiểu Xuân Diệu đại gia: Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn. Đó là kiểu buồn vu vơ, đừng hỏi tại sao, kiểu buồn lãng mạng của người nghệ sĩ. Dân Nam ta tự hào là một dân tộc thơ, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, ai cũng có quyền có cái vui nhẹ nhàng; có kiểu buồn rối rắm, mơ hồ như Xuân Diệu thi nhân:

Ngó lên ngó xuống thời vui

 

Ngó qua ngó lại ngậm ngùi buồn  thương

 

Ta lẻ loi trong khối nhân sinh đông đảo, ta lạc lõng giữa thiên hạ ồn ào. Ta giấu kỹ ta mà cái ta vẫn hiển hiện. Thật ngậm ngùi!

 

(Theo t/c Đương thời)

 

Trần Huiền Ân
Số lần đọc: 14747
Ngày đăng: 13.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Niệm thần chú hiện đại - Ngô Phan Lưu
Cha me sinh con ..trời sinh tính - Vũ Trà My
Chỉ thêu nên gấm - Nguyễn Thanh Mừng
Còn nợ một thời - Nguyễn Ước
Với tác giả ĐÊM TRẮNG PHẬP PHÙ - Trương Điện Thắng
Bản sắc của con người Việt Nam trong bản sắc văn hóa Việt Nam - Đỗ Ngọc Thạch
Đào Hiếu , Ông là ai ? - Lê Vũ
Cát bụi tuyệt vời - Nguyễn Hữu An
Chiếc áo dài - Võ Phiến
Dinh Thầy Thím - Phan Chính