Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.213.608
 
Tình già
Ngô Kế Tựu

Sau khi cân nhắc một vài nhân vật, tôi quyết định chọn bà Mười bánh ít làm nhân vật chính cho bài ký sự. Với đề tài “Mưu sinh trên những nẻo đường”, bà Mười có đủ những chi tiết khiến người ta quan tâm. Tuổi già cô độc, sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ, lại còn làm bánh ít ra chợ bán buôn kiếm chút tiền còm. Ấy vậy, miệng đời ác nhơn dèm pha bà già sắp xuống lỗ mà còn bắt cặp. Hư thực thế nào chẳng biết! Đại khái họ nói: “Bà già coi vậy mà gân! Nghe đâu bả sống với ông già cà thọt nào đó trong một căn hộ của nhà nước!”. Một bà già tám mươi hai tuổi có bồ! Điều đó tin được không? Tất nhiên là tôi chả tin. Chín giờ. Tôi lái xe ra chợ Nam Việt, đi tìm bà Mười bánh ít.

 

“Mua bánh đi cô! Bánh ngon lắm mấy cô chú ơi!”. Bà Mười bánh ít đứng tựa lưng vào vách tường sát bên cạnh cửa ra vào ngôi chợ. Bà đặt thùng bánh lên chiếc xe đẩy hàng mượn tạm. Bà mở nắp thùng bánh và mời những người khách vừa rời xe trong bãi đang thong dong thả bước vào chợ. Có người mỉm cười đáp lời mời, rồi đi thẳng vào cửạ. Có người xã giao kiểu đồng hương đứng lại hỏi han ra chiều thương cảm: “Bán được không bà?”. Tưởng người quen, bà ngẩng đầu lên, nheo nheo con mắt vì nắng chói từ phía ngoài thềm. Thấy không phải, bà đưa tay sửa lại chiếc khăn rằn đỏ quấn gọn trên đầu. Trông bà giống hệt mấy bà già trầu ở nhà quê. Bà cười tươi khoe cái miệng móm xọm, không còn cái răng, khiến người vừa hỏi chưng hửng. Cùng lúc, hai cô gái trẻ đi vào chợ. Họ liếc nhìn những chiếc bánh đựng trong thùng cạc tông, rồi ồ lên một tiếng: “Bà già có bán bánh tét kià!”. “Thôi đi! Trông bà già móm mém phát ớn! Không biết già cả hom hen làm bánh có sạch sẽ không mà ăn!”. “Đồ quỷ! Mầy coi khinh người ta quá! Sáu mươi năm nữa mày còn ớn hơn bà già đó chứ chẳng chơi!” cô gái mặc áo thun vàng đáp lại.

 

Bà không có một phản ứng gì. Hình như bà không nghe lời đối thoại của hai cô gái ấy. Có lẽ bà bị lãng tai? Bà nở nụ cười để lộ hàm lợi nhợt nhạt: “Mua bánh đi cô! Bánh ít nhưn đậu, nhưn dừa, ngon lắm cô Hai!”. Hai cô gái lờ đi. Giả vờ không hiểu bà nói gì, đẩy cửa bước vào chợ. Không ai mua hàng. Bà tranh thủ bước ra bãi đậu xe, đi lòng vòng gom từng chiếc xe đẩy của khách đi chợ bỏ lổng chổng chỗ này một chiếc, chỗ kia một chiếc. Bà xếp từng chiếc ngăn nắp nối tiếp dọc theo dãy xe đẩy phía trước chợ, cạnh thùng bánh của bà. Bà tự nguyện làm công việc này để đổi lấy sự cho phép của người chủ chợ cho bà mang bánh bán tại đây. Xong việc. Bà trở lại, thuận tay chất mấy cái bánh ít, bánh tét cho cao thêm lên để người mua có thể nhìn qua là thấy.

 

Lát sau, có hai vợ chồng người Mễ đi ngang. Bà lại mời mọc: “Mua bánh đi cô chú!”. Hai người khách trố mắt nhìn bà già và không hiểu bà đang nói gì. Đôi vợ chồng dừng lại nhìn những cái gói bằng lá chuối nhon nhọn, dài dài và đoán là một loại bánh gì đó của người Việt Nam.

 

- Cái này là bánh gì? -  Người đàn ông hỏi.

 

- Bánh ít hai cái một đồng. Bánh tét hai đồng một cái. - Bà trả lời trớt quớt

 

- Bánh này là bánh gì? - Người đàn bà chỉ cái bánh ít, lặp lại câu hỏi.

 

- Năm mươi xu một cái, hai cái một đồng. - Bà tưởng người ta hỏi giá.

 

- Cái này làm bằng gì? - Người đàn ông kiên nhẫn cười với bà và chỉ vào đòn bánh tét.

 

- Hai đồng chú ơi! Bà xoè hai ngón tay ra dứ dứ trước mặt người đàn ông và như để giải thích cho khách hiểu rõ. Bà cầm lấy đòn bánh tét nhỏ bằng cườm tay, đưa lên nói: “Bánh tét hai đồng!”.

 

Đến lúc này, tôi không thể nhịn cười được khi nghe hai vợ chồng người Mễ cứ hỏi bằng tiếng Mỹ mà bà thì thoải mái nói tiếng Việt như thể họ là những người cùng dòng giống với mình. Tôi bước đến, giải thích cho đôi vợ chồng đang hiếu kỳ thắc mắc. Sau khi nghe lời giải thích và quảng cáo tiếp thị của tôi, anh chồng quay sang bà vợ nói một tràng tiếng Tây Ban Nha. Cuối cùng, họ mua cho bà tám đô vừa bánh ít vừa bánh tét mang về ăn thử. Còn tôi ủng hộ bà năm đô bánh ít, làm quen.

 

Thực ra, từ nảy giờ tôi đứng gần bà để tìm cơ hội tiếp cận. Nếu nói thẳng ý định của tôi ra chắc chắn bà sẽ không đồng ý, nhất là xin chụp vài tấm ảnh minh họa. Viết về những người thành danh, ăn nên làm ra trên xứ này thì dễ. Chứ viết về những người lam lũ kiếm tiền như bà già bán bánh ít, thì chẳng ai chịu phơi hình ảnh, việc làm của mình cho bàn dân thiên hạ soi mói. Tôi có kinh nghiệm nhiều về những đề tài ký sự nhân vật như thế này. Cắc cớ nhào vô hỏi han là hỏng bét. Cứ từ từ tìm cơ hội làm quen. Không phải làm khách mua hàng của bà là có thể thu thập được tư liệu. Bởi vậy, từ nảy giờ, tôi đứng sớ rớ gần đấy, giả vờ chăm chú xem các mẩu quảng cáo chi chít trên những tờ giấy dán trên vách tường phía ngoài chợ. Quan sát, ghi nhận những điều mắt thấy tai nghe.

 

Nhưng cuối cùng tôi cũng biết được chỗ ở của bà. Có thể bà thấy tôi dễ thương chăng? Tôi nói dối nhà có đám giỗ vào ngày thứ tư và đặt bà làm bốn chục bánh ít nhưn đậu. Bà hẹn sáng thứ tư, khoảng chín giờ, ghé ra chợ, gặp bà nhận bánh. “Bà không muốn cho mình biết nhà đây”, tôi thầm nghĩ trong bụng. Tôi dịu giọng bảo, “bà cứ cho cháu địa chỉ, số nhà, tên đường là được. Chiều thứ tư, cháu đi làm về ghé đến nhà lấy bánh. Làm mấy chục bánh lời lốm chẳng bao nhiêu, bà đi lại tốn tiền xăng nhớt”. Nghe tôi nói chí phải, bà đắn đo một hồi, rồi móc túi lấy ra cái thẻ ID (căn cước) cho tôi xem địa chỉ: Muoi, thi Nguyen, 124, #101 Rosadale, thành phố X.

 

*

 

Mười một giờ đêm, mưa lộp độp gõ trên mái nhà. Bà Mười nằm trùm mềm trên giường nhưng không sao ngủ được. Bà đang thổn thức. Trái tim bà vụn vỡ khi nghe những lời nói độc địa hơn rắn của mấy bà già lắm mồm làm công quả ở chùa Phước Duyên hồi trưa, lúc chú Tám đi xe đến đón bà. Họ có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc. Có vợ chồng, con cái vui vầy làm sao thấu hiểu nỗi neo đơn cùng cực của một bà già nghèo khó sống bằng trợ cấp nhà nước. Phải chi thằng Nhân không gây tội ác, không phải đi tù, thì giờ này hai mẹ con chắc hẳn có cuộc sống không đến nỗi nào. Nghĩ đến thằng Nhân, nước mắt bà ứa ra trong đêm tối. Bà cứ để mặc dòng nước mắt lặng lẽ chảy hai bên khóe mắt rơi xuống gối. Tội cho thằng Nhân! Cái thằng hồi ở quê nó hiền khô, sao qua đến xứ này nó lại hung tợn. Mà đâu phải tại nó? Bọn bất nhơn ức hiếp nó, đánh nó trước. Nó tự vệ, lỡ tay đâm chết người. Thế là bao nhiêu tiền dành dụm của hai mẹ con, đưa cho luật sư cãi, để cuối cùng nhận cái án mười năm. Còn đến bốn năm nữa, thằng Nhân mới được ra tù! Không biết mình còn sống được đến ngày ấy không? Nó có bị trục xuất không? Chắc là phải bị trục xuất rồi. Nó chưa vô quốc tịch mà! Trời ơi, đứa con lai mang dòng máu người Mỹ mà không được công nhận là người Mỹ! Có khốn nạn không chứ! Bị trục xuất về nước lấy gì sinh sống đây? Số tiền già dành dụm, bán buôn ngày được ngày không, biết lúc nào mới có đủ tiền cho nó làm vốn sinh nhai sau này. Đến ngày ấy, chắc chỉ còn mình nó về quê thôi. Nỗi cay đắng và chua chát thắt nghẹn cổ họng làm bà ngạt thở. Bà trở mình ra phía ông Tám, khục khặc ho.

 

Đối diện bên vách tường kia, ông Tám cũng đang nằm thao thức. Những gì thiên hạ đồn đại về mối quan hệ giữa ông với bà Mười, ông đều nghe biết. Ông im lặng không thèm đính chính. Họ có miệng họ nói, ai cấm? Họ nghĩ sao họ nghĩ, chứ lòng mình mình biết. Ở cái xứ này cứ tưởng mênh mông, hóa ra chật hẹp. Chật chội hơn cái làng quê nhỏ bé của ông. Quê ông ở Thoại Sơn, không xa thành phố Long Xuyên của bà Mười. Hai người gặp nhau cũng ngộ, chắc là có duyên. Ông không vợ không con. Ăn tiền bệnh kể từ ngày qua Mỹ. Rồi mười lăm năm ở xứ này cũng chẳng ma nào ngó tới ông, mà ông cũng chẳng cần tìm kiếm. Kiếm đâu ra? Ai chịu làm vợ mình? Cái thân mình lo còn không xong, thì làm sao lấy vợ! Hồi hương ư? Về với cái mác Việt kiều que, ăn xin trợ cấp nhà nước? Về kiếm một bà goá nhà quê à! Rồi hết tiền, lấy gì mà sống, ai cho? Bởi vậy, ông buồn đời cứ rài đây mai đó. Không nơi nào ông sống quá ba năm. Vào cái tuổi sáu lăm mà còn lang bạt qua nhiều tiểu bang, cuối cùng đến cái bang Texas này. Đi chùa, gặp bà Mười cầu xin bình yên cho thằng Nhân tai qua nạn khỏi. Ông thương cảnh khổ của bà, thương cho hoàn cảnh của một bà già chờ đợi đứa con tù tội, đang cố bấu víu vào cuộc sống mỏi mòn. Đồng cảnh tương lân. Thôi thì xa quê hương ngộ cố tri, cùng sống với nhau bằng cái tình chị em đồng hương xa xứ cho đỡ cảm thấy đơn côi lạc lõng. Ông nhớ bà Mười từng nói với ông như thế. Đứng đơn chung với bà xin nhà của nhà nước ở đỡ tốn tiền. Mỗi tháng để dành tiền già, mai sau nếu muốn hồi hương cũng có chút vốn. Có một ông Mỹ trắng nói tiếng Việt, hay đi chùa, hứa giúp làm dùm mọi thủ tục.

 

- Chị lại nhớ đến thằng Nhân phải không?

 

- Cậu cũng chưa ngủ à! – bà Mười không trả lời câu hỏi của ông Tám.

 

- Ừ! Ngủ gì được! Không hiểu sao dạo này khó ngủ quá chừng! Mà cái răng hàm, mấy hôm nay sao nhức quá chừng làm ngủ không được! Mai chị muốn đi thăm thằng Nhân không, tui đưa chị đi? - Ông Tám day sang phía bà Mười nói chuyện.

 

- Thôi chú Tám. Xăng nhớt lúc này mắc mỏ. Đường xa, đi tới đi lui tốn kém lắm! Hơn nữa có gặp nhau cũng chừng bao đó chuyện, nói tới nói lui hoài. Thằng Nhân nó cũng không muốn tui đi thăm, già cả đi đường rủi có chuyện gì, hai mẹ con không gặp mặt được. Số nó không may, cũng tại tui không nghe lời đặt nó tên Lượm. Hồi trước tui đến viện mồ côi xin nó về nuôi, ở đó người ta gọi nó là Lượm. Nghĩa là lượm được, là may mắn lượm được đó cậu. Nhưng khi đi làm khai sanh, tui đổi tên Nhân, Nguyễn Thành Nhân. Tui muốn nó thành người. Hồi nẩm nó mới một tuổi, mặt mày sáng láng, nhìn thấy thương luôn. Nghe đâu một cô gái quê nào đó, lỡ có con với một thằng lính Mỹ trắng, sinh ra được vài ngày, đem đến viện mồ côi. Nó không có cha đã là tội rồi, vậy mà người mẹ trẻ lại nhẫn tâm vứt bỏ. Tui lỡ một đời chồng, không con không cái. Đám anh chị trong nhà, ai cũng vợ chồng con cái đùm đùm đề đề thấy bắt ham. Đến năm bốn lăm tuổi, sống thui thủi một mình buồn quá nên tui mới xin thằng Nhân về nuôi cho vui cửa vui nhà. Đâu ngờ có cái ngày này!

 

- Cái số nó vậy thì nó phải chịu thôi! Mới đây mà được sáu năm rồi. Nó ra tù sẽ làm lại cuộc đời. Lo gì! - Ông Tám trấn an.

 

- Nó bị trục xuất về nước không cậu Tám? Báo đài nói tùm lum, cậu không nghe thấy sao? Ngày nó ra tù, tui cũng mong tui còn sống. Lỡ có gì, hai mẹ con sẽ trở về. Về lại cái nơi ngày xưa mình ra đi. Kiếm gì đó làm ăn. Và tui cũng muốn khi mình chết được nằm bên cạnh bà con họ hàng. Nếu tui có chết trước khi nó về, nhờ cậu chỉ dẫn cho nó.

 

- Lo xa làm chi chị ơi! Chị còn sống lâu lắm! Lâu hơn tui mà. Coi mòi tui vậy mà chết hồi nào không hay. Chết sớm cũng là cách giải thoát phải không chị Mười? Mà giờ này trời đất linh thiêng, khi không nói ba cái chuyện chết chóc lạnh sương sống thấy bà! Rồi không để bà Mười ừ hử, Ông Tám nói tiếp: “Nghe mưa rỉ rả như thế này, buồn thúi ruột luôn, buồn thấy bà cố nội! Ở dưới quê mình mưa cũng buồn, nhưng đâu buồn bằng cái xứ này. Tưởng nằm nệm êm chăn ấm ngủ sướng mắt, thế nhưng hai con mắt cứ banh ra để nhìn sự đời, nhìn lòng dạ người ta, nhìn lại chính mình. Hai ngày nay mưa không ngớt. Điệu này vạt rau đắng trong bồn chắc chết úng quá!

 

- Ngày mai cậu cắt hết đi, bỏ hết vô tủ lạnh để dành ăn. Mưa ngập úng chết uổng công cậu chăm sóc. À, còn mấy trái mướp, cắt luôn đi, sẵn sáng mai đi mua lá chuối, cậu ghé qua chùa, đưa cho thầy trụ trì giùm tui. Tui có hứa biếu thầy mấy trái mướp. - Bà Mười quên chuyện thằng Nhân, nói qua chuyện khác.

 

Nhắc đến ghé chùa, ông Tám nằm im làm thinh. Bà Mười lên tiếng “ngủ rồi hả cậu Tám?”

 

- Thôi, ngủ đi chị Mười khuya lắm rồi. Mai rồi hẳn tính!

 

***

 

Chiều thứ tư. Trời bắt đầu chuyển mưa, mây đen vần vũ. Tôi lái xe đến nhà bà Mười. Đó là một khu nhà chính phủ cấp cho người già hoặc tàn tật neo đơn. Cách đây hơn hai mươi năm, người Việt sang diện H.O và con lai sống trong khu nhà này và các ngôi nhà lân cận. Nhưng bây giờ, sau thời gian ổn định, có công ăn việc làm, hầu hết họ đã dọn đi chỗ khác. Hiện còn có hai hộ người Việt đang ở đây. Nhà bà ở ngay đầu căn. Bên ngoài cửa có đôi dép nhựa và đôi dép lào. Tôi gõ cửa đứng chờ.

 

- Chào bác! Cháu đến lấy bánh - Tôi nói với ông già vừa mở cửa, đứng trước mặt. Ông mặc áo thun, khoác bên ngoài chiếc áo gió bằng vải hơi cũ, tay chống một cây gậy nhôm. Khuôn mặt ông khắc khổ và hơi nhăn nhó, má bên phải sưng lên thấy rõ. Có lẽ ông bị sưng hàm. “Người ta đến lấy bánh phải không cậu Tám?” - tiếng bà Mười hỏi vọng ra.

 

- Chú em vào nhà chờ chút! Bánh còn đang hấp. Chừng mươi phút nữa là chín tới.- Ông Tám nói với tôi và thấy không cần thiết trả lời câu hỏi của bà Mười.

 

Trong nhà, bàn ghế sơ sài. Hai bộ nệm cá nhân nằm đối diện sát hai bên vách tường. Ở giữa là cái bà ăn có bốn ghế nhựa. Phía trên tường, cạnh cửa ra vào có treo một khung ảnh. Bà Mười chụp chung với một người thanh niên cao ráo tuổi chừng ba mươi và những tấm ảnh của những người khác cũng có hình bà. Có lẽ là những tấm ảnh hồi mới sang Mỹ chụp kỷ niệm với bà con hàng xóm. Ai cũng tươi cười đến miền đất hứa. Trên bàn bếp không thấy gì ngoài hai cái nồi con đặt trên lò bếp. Không thấy bà Mười. Có lẽ bà ra phía sau nhà xem chừng nồi bánh.

 

- Hình như bác bị sưng hàm? Bác có đi bác sĩ chưa? – Tôi bắt chuyện với ông.

 

- Bác sĩ bảo nhổ, nhưng đang sưng nên cho uống thuốc. Hai ngay nay uống trụ sinh rồi chưa thấy bớt chút nào. Đáng lẽ làm bánh hồi sớm, bà Mười bận đi chùa, nên trễ.

 

- Hồi trước, mới qua, cháu cũng ở gần đây. Hồi đó, ở khu này đông người Việt, vui lắm! Giờ chẳng còn ai, vắng te, thấy buồn hiu. – Tôi gợi chuyện.

 

- Vậy à!

 

- Bác là em của bà Mười? – Tôi đi vào vấn đề.

 

- Ừ, em bà con khác họ! Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Tám giải thích: “Tui se phòng với bà Mười. Hai người già ở cho vui, cho có người nói chuyện”.

 

Vừa lúc đó bà Mười mở cửa bước vào, trên tay cầm hai bịch bánh. Bà mở cái miệng móm mém ra cười hỏi: “Cháu có ăn rau đắng không, lấy một ít mang về”. Tôi chưa kịp từ chối, thì bà Mười bảo: “Cậu Tám ra ngoài sau cắt hết mớ rau. Không lại mưa nữa thì hư hết”.

 

Trong khoảnh khắc này, trong căn phòng này có hai người tóc bạc đơn côi cùng chung sống. Tôi hiểu ra câu chuyện. Chợt thấy sống mũi cay cay!

 

Trên đường về nhà, tôi quyết định hủy bỏ bài ký sự “Bà Mười bánh ít”. Trong đầu tôi    bỗng hiện ra một câu chuyện khác về tình người. Bất giác tôi mở đĩa nhạc “Còn thương rau đắng mọc sau hè”. Tiếng hát ca sĩ Hương Lan cất lên làn điệu dân ca da diết ngọt ngào:

 

“…Ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần

Biểu cậu ngồi, mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau

Đôi mắt cậu buồn thiu, phiêu lưu rong chơi những ngày đầu hè ba vá miếng dừa để mòn sương, dãi nắng dầm mưa…”

 

Mưa ngoài trời mỗi lúc càng lớn. Nước mưa đánh tới tấp vào kính trước. Chiếc xe lầm lũi trong cơn mưa mờ mịt./.

Ngô Kế Tựu
Số lần đọc: 2671
Ngày đăng: 16.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cũng một kiếp người - Nguyễn Minh Phúc
Đứa bé tật nguyền và nàng tiên áo trắng - Đỗ Ngọc Thạch
Hai người đàn bà và một con chó - Nguyễn Khắc Phước
Ngày về của bọn họ - Y Uyên
Cái đầu của quan Thái sư - Sâm Thương
Vàng ba con chín - Quý Thể
Bà chủ quán và Cô nhà báo tập sự - Đỗ Ngọc Thạch
Ngày về với biển - Hoàng Yến Anh
Thất nghiệp - Ngô Kế Tựu
Người đàn bà trên núi - Nguyễn Minh Phúc