Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.166
123.224.283
 
Cuộc chữ* chưa bày trăm năm đã cạn
Lê Vũ

( Đọc THƠ HỎI THƠ của Lê Vĩnh Tài- NXB Thanh niên 2009)

 

Vì thuộc thế giới khác nên bài thơ không phải của thế giới này, nhưng bài thơ lại sinh ra ở cuộc đời này, nên bài thơ không thể thuộc về thế giới khác ( thơ 47). Có lẽ đây là tâm thế, tâm thức, tâm tình của Lê Vĩnh Tài. Trần gian dù có đa đoan, phi lý, khóc cười nhũng nhiểu với những nênnhưng, tác giả Thơ hỏi Thơ vẫn gắn chặt với nó, trùng khít như cả hai trở nên một để bài thơ cứ tuôn chảy, có lúc tràn ra cả sàn nhà…bài thơ cứ trẻ mãi, tuôn chảy mãi, chảy mãi như dòng đời, như sông suối ngày chảy ngày …

 

 Thức đêm làm thơ ( sau một ngày lăn lóc kiếm tiền ), lại da diết, vật vả, trở trăn với Thơ,  LVT là một mô típ thi sĩ… hiếm và lạ lùng. Hãy nghe nhà thơ phố núi hỏi vặn mình với nàng thơ .

tại sao cứ nhìn thấy điều này thơ nói về điều khác

hay thơ không còn mắt để nhìn

hay nhàu nát đã thành ngơ ngác

thơ thật mềm trên trang báo bị mưa…

 

Từ Vỡ ra mưa ấm, buớc sang Liên tưởng, Đêm và những khúc rời của Vũ, đến Thơ Hỏi Thơ- NXB Thanh niên 2009, LVT như rắn xênh xang thay áo,  từng bước lột mình, chuyển hướng và định hình phong cách. Không còn những câu thơ đèm đẹp, sướt mướt đầy biểu cảm kiểu như tóc rối vào mây xõa cả lên trời/ ta đã hồn nhiên đến không bay được nữa/lặng im rơi cùng nước mắt rơi, cũng biến mất những ẩn dụ xa xôi bóng bẩy như trong hình tượng“những ngày mưa bốc khói không thôi/ tàn tro đã bay như phù thuỷ. Thơ hỏi thơ- trong chừng mực là câu trả lời của LVT giữa cuộc chữ ngổn ngang hôm nay: viết cái gì , viết như thế nào và viết cho ai …

 

*

Ngoài lời tựa và bạt của chính tác giả, Thơ hỏi thơ gồm 49 bài đuợc đánh số từ 1-50 .Trần Nhã Thụy đã phân/ xếp loại và gọi tập thơ là Thơ thời sự Tôi nghĩ tên gọi này có vẻ mơ hồ ( dù thời sự là một đặc điểm của hậu hiện đại)  vì, truớc khi đặt Thơ hỏi thơ lên bàn, LVT đã tiên báo sự xuất hiện của tập thơ bằng những câu thơ âm bản nước mắt xót xót rã rời  :

như giấc mơ lăn theo triền dốc

những câu thơ như gió rã rờinhững câu thơ như người có tội

với cuộc đời đau đớn ngọn roi

 ( Những câu thơ như gió rã rời )

 

Vâng, cuộc đời đau đớn ngọn roi và LVT đã nhập vào đớn đau để cười cợt, khóc khi mở cửa nhại giễu đời mình, đời thơ, đời người . Anh xục bùn thế sự, vục mặt vào cuộc nhân sinh lấm lem, nghe trái tim đập, nghe mình thổ máu và ngẫm ngợi từng con chữ, từng mảnh đời rách vá chứ không như phóng viên chộp lấy tin thời sự vội vàng vội ghi lại bắn đi lãnh  …nhuận bút.

Này đây : Bốn chín lần lan man, thèm một lần kết thúc, thơ năm mươi đau nhức, nghĩa địa chữ đã già…(thơ 50). Nếu gọi là Thơ Thời sự, chúng ta có lẽ sẽ làm nhà thơ phải khóc vì ngay trong lời tựa ( thơ 39) tác giả đã thú nhận : Từ đó bài thơ mới biết chỉ cần yêu thương hay tha thứ một ai đó, con người ta có thể ngã nhào xuống đất và vỡ tan thành tro bụi mà tập giấy thích vặn vẹo bí hiểm như nó ( là bài thơ) chưa bao giờ làm đuợc. Thế đó, thơ không phải thông tin, thông báo, thông điệp mà chỉ là nhắn gởi xẻ chia với nhân gian buồn vui khóc cười.

Nghe im lặng. Ngửa/ tay. Hót. Một chiếc lồng/không/ có con chim ( Lời bạt)

           

Trên nhịp điệu toàn cầu hóa, khi nhiều nhà thơ trẻ hiện nay- để nổi tiếng/ tai tiếng- chọn ngay đề tài tình dục và loay hoay với tinh dịch, nước dâm, những món sinh thực khí…LVT đã kiên quyết nói không với tình dục, cũng quẳng đi ngôn ngữ gợi dục trần truồng( phân biệt với Lê Thị Thẩm Vân, Phạm Vũ Văn Khoa, Vương Ngọc Minh …).Tuy nhiên, Thơ hỏi thơ cũng không mũ cao áo dài đạo mạo đầy tính tư tưởng mà chỉ gồm những tiểu tự sự (small narratives), những thắc thỏm mọi ngày về cơm áo gạo tiền, những mưu toan và thèm khát nhân sinh, đặc biệt tập trung quanh chuyện sống chết gan ruột của nhà thơ …

 

Đọc Thơ 4, kể câu chuyện nhà thơ đuợc tung hô, chúng ta có lẽ phải mím môi cười lặng lẽ khi mà “ Hắn không đứng dậy nổi. Hắn suýt chết vì đói và mệt, hắn nói : “ đói bụng quá chừng luôn, anh ơi”. LVT đã giản dị hóa chuyện có thực mới vực đuợc đạo, giải quyết mối quan hệ giữa tinh thần & vật chất bằng vào lý luận thực tiễn nhất và không ai còn có thể nghi ngờ.

Đọc thơ 5, ta lại phải chau mày khi mà những tung hô đeo đẳng mục đích với mục tiêu . Sau này nguời ta mới biết nó không rơi mà bị người ta xô xuống./ vì cần một tấm gương tuẫn tiết/ vì cần hô: nhiệt liệt…Cuộc thế trở thành bi hài vì những mưu toan ẩn mật.

 

Thơ 6 nói về một cái mũ nhựa đựng đầy máu của những cuộc chiến phi nghĩa, Thơ 7 lại đề cập đến cái mông quyền lực, Thơ 9 là những chiếc mặt nạ đang giảng đạo đức, Thơ 15 nhưng nhức chuyện danh nổi, Thơ 17 tán chuyện siêu lạm phát, thơ 19 bàn về triết học với nghề dẫn mối, các loại cò…Thơ 20 ghi nhận hội thi Olympic với môn nâng bi- khác với môn cử tạ nhiều-,Thơ 31 loay hoay với tình hình nông nghiệp- đô thị hóa, treo một vần ôi và gói xôi thằng Bờm, Thơ 32 ai oán chuyện nông dân…, Thơ 42 đề cập tình yêu & hôn nhân thời thị truờng mở cửa- em với anh giờ hổng còn chói buộc; Thơ 48 hé lộ tình cảm bằng hữu- ôi trời vậy mà bữa đó tao tưởng mày đến mượn tiền và còn lại Thơ n, m là những vấn nạn xoay quanh bao nhiêu chuyện đời thơ dở cười dở mếu …

 

Không, Thơ hỏi thơ nhất định không phải là thơ thời sự mà là thơ về cuộc chữ*chưa bày trăm năm đã cạn, về những đựợc mất hơn thua của cõi người. LVT không hề tham vọng bày biện một Tấn trò đời** mới chỉ là ghi vội, vẽ mau những khuôn mặt nhàu nhỉ của cuộc thế như nó phải là và hỏi vào lòng mình, hỏi người, hỏi trời đất Uh c’ est la vie ?. Bên cạnh chuyện đời, những câu hỏi về thơ cũng chằng chịt trùng vây từ nạn lạm phát thơ & nhà thơ, hổn mang các trào lưu chủ nghĩa trường phái, rồi thế nào là tiếp cận thơ với quần chúng …

 

Thơ cũng leo lên sân khấu => xé giấy& trình diễn

ảo giác, nhảy múa, mở nhạc…và lên cơn đấm luôn

vào mặt bạn diễn

và lần này thơ khóc hu hu

sau đó hắn hiền, nghe  nói bài thơ đang đi tu ( Thơ 3)

 

Ta là …. ?Nhà thơ là ….? Thơ là ….Những câu hỏi cứ ám ảnh ngày sống cả giấc mơ LVT . Mất ngủ nhiều nên bài thơ mắc bệnh ho, giọng hơi khàn. Ai hỏi vợ bài thơ làm gì, bài thơ nói “làm thơ” mà người ta cứ nghe ra là “làm thuê” nên ai cũng thương.( Thơ 41)

Ai đó, đọc Thơ hỏi thơ có thể cho LVT đang chế giễu cuộc người, cười nhạo các nhà thơ, bổ báng cả dòng chảy thi ca hậu hiện đại với hại điện , hại hậu điện, hại tốn điện với trình diễn múa may quay mòng mòng và tắc tị nhưng tôi thì nghĩ ngược lại, anh đang khóc, khóc hoang mang con chữ ngổn ngang, khóc mưa leo nheo phố núi( và đội mũ bảo hiểm) mặt trời chưa mở cửa bình minh, khóc vì “ hình như bài thơ đã đánh rơi tiếng nói vào những hang hốc bãi bờ, dù ngôn ngữ vẫn luôn luôn là ám ảnh của nó. Bài thơ nói tiếng hót của chim trời mổi sớm, vì không nói tiếng người nên chẳng bao giờ bài thơ nói đuợc tiếng yêu” ( lời bạt) . Không nói đuợc tiếng Yêu ( in đậm) sẽ còn đó nghi hoặc, bạo loạn, lọc lừa, giành giật, bom nổ, thịt tan… Không yêu, làm sao chìa má để hôn, cởi áo cho người…Ôi, có một bài thơ bỗng dưng muốn khóc…

 

*

Nếu LVT dọn lên bàn mâm cổ những mùi vị nhân sinh, những ám ảnh ám thị về thơ với cái nhìn xưa cũ thì có lẽ không có gì để bàn vì những câu chuyện nhân sinh không là một đề tài mới/ xa lạ trong thi ca. Đồng Hồ một kim của Phan Trung Thành, 40km/h của Vũ Thành Sơn… gần đây cũng đầy dẫy hình tượng nhăn nhíu của cuộc sống hôm nay, của kiếp người khốn quẩn khốn nạn vì cơm áo… Với một tâm thế mới -  giải trung tâm- Thơ hỏi thơ dự tiệc …

 

Trước hết, bài thơ, nhân vật trung tâm của Thơ hỏi thơmột ẩn dụ về sự phá vỡ trật tự giữa thơ & người, phi tuyến tính, không ngôi thứ vì khi là tôi, là , hắn, khi là chúng ta, các ông… Đa phần nhân vật bài thơ có một đời sống ít nhiều hoang tưởng, hoang tưởng danh & lợi, quyền lực nên ấp trứng chim, khai quặng chữ rồi sợ , sợ đến quên cả tên mình. Nhân vật Thơ 3 thì đầy ảo giác hổn độn ( dù có kiếng hay không kiếng ). Còn nhân vật Thơ 9 , nguợc lại, tỉnh táo nhìn ngắm những đổ vở phi lý, bất ổn của cuộc sống từ một cuộc nhậu, ở đó “ người ta thường nôn chữ ra thành vòi, qua ánh đèn lấp lánh như cầu vồng bảy sắc…”.Thơ 39 thì ngạc nhiên đến kỳ quái rờn rợn khi thấy cô gái cắm cúi nhặt các mảnh vỡ từ thân thể mình và ráp lại. Xây dựng những nhân vật trên, LVT đồng thời sản  sinh ra những cú shock của nhận thức (Edit Deak ) nghĩa là đã bước chân vào cánh cửa của hậu hiện đại (post-modernism), mà mọi yếu tố ổn cố đều bị phủ nhận khi thế giới bước đi với những chọn lựa không ngừng .Ở đây, không chỉ Thượng đế đã chết mà các nguyên lý phổ quát cũng bị từ chối và đời sống trở thành bấp bênh, nắng sáng chiều mưa. Thiên hạ sống trên đất nhưng nhà thơ -Nó cứ ở trên thang và tưởng người ta phải nguớc mắt nhìn ( Thơ 8). Vợ giấy dù có biết yêu và làm tình nhưng không đuợc thừa nhận khi chợ búa hay ốm đau ( dị bản thơ 42) .Khi đuợc lắp cho bộ nhông xên xịn, hiệu Cố lên của hãng lãng quên, bài thơ chạy vào tận cùng hư vô hố thẳm …( Thơ 36) . Giải trung tâm nên cái quán cháo gà treo đầy những cái biển kiểu là : hãy vứt hết mọi hy vọng…; không phân biệt đạo đức tốt xấu, rỗng tuếch và đồng nghĩa …( thơ 43). Tất tần tật mọi thứ trên đời, LVT đã đem vào xếp đặt vuông vức trên chiếu thơ của mình : tiếng khóc, nụ cười, lời tung hô, cả cái mông  rồi răng, tóc cộng vào chuyện nhông xên líp và cái giá thất thường của thùng mì gói A-one…Tất tần tật !

 

Tất cả là chuyện con ong cái kiến – như cách nói của Tài – nhưng vấn đề đã thực sự khác vì lạ hóa trong cách nghĩ, đa nguyên trong cách biểu đạt. Phải chăng cái “khác” này vừa là bản năng thi sĩ, vừa là sự cọ xát áo cơm trong thời buổi hiện thời?( trả lời phỏng vấn với Hiền Nguyễn )

 

*

Một người bạn làm thơ gần nhà, đọc xong Thơ hỏi thơ, bảo tôi : “ Đọc thích thích nhưng cái này không phải là thơ”.  Tôi đã không yêu cầu anh xác định vì làm sao có thể trả lời cái này/ cái kia là gì trong không bầu khí quyển thế giới đen trắng mịt mờ đúng sai thiện ác, những gốc rễ huyền thoại chân lý đang động chuyển trong cơn bão hoài nghi. Anh bạn có quyền mơ hồ nhưng đọc thích thích = khoái khoái thì LVT đã thành công, thành công trong việc tiếp cận với bạn đọc khi đem lại cái gì đó không nhàn nhạt cũ cũ quen quen như thơ từ hôm qua.

 

Với tôi, LVT đã thực sự phá vở toàn bộ cấu trúc của thơ truyền thống về cấu tứ nhịp điệu, vần gieo, ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu … và xây dựng Thơ hỏi thơ bằng cảm thức và cả thủ pháp hậu hiện đại . Ở đây, vần gieo, có chăng là một trò chơi tăng cường mức độ giễu nhại (parody), tô đậm chất châm biếm (irony). Bài thơ tạm thời vẫn được tha, cho về nhà. Bài thơ nghèo nên nhà  ở hơi xa. ( thơ 37)…Không đạt đỉnh cao, không những ước ao, không có xì xào, không viết tào lao, không nói biển hồ không đuợc nói ao, cũng không nên nói mày tao( thơ 28)  . Những vần gieo không cố tình tạo nên âm hưởng nhịp nhàng/ mà mượt mà chỉ khích động làm lở loét hiện thực đa chiều…

 

Trên bình diện ngôn ngữ, Thơ hỏi thơ không còn phân biệt quý phái sang trọng hay vỉa hè mà thả lỏng lều bều giữa dòng chảy tổng hợp ngữ ngôn báo chí, thuật ngữ kinh tế, triết học, y học, lời thoại hằng ngày, cách nói lóng nói tục của dân giả và của cả bợm nhậu…- Xí quên, gì sất, ôi trời, bao bì đóng gói, hãy chọn giá đúng, nửa người nửa ngợm nửa đuời ươi, cơm no bò cưỡi, khá lên trông thấy, anh chưa trả tiền cho em  …Ngôn cứ tràn, ngữ cứ chảy, thêm vào các chỉ dấu tham khảo (reference) vụn vỡ ra như rác rưởi của hôm nay, mặc kệ ! Vận dụng ngôn ngữ không có tệ nạn phân biệt đen- trắng, trong- ngoài, cao-thấp, phải chăng LVT đã cố tình  xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và đời thường ? xem ngôn ngữ như một thứ trò chơi  hay một đối tượng cần hoài nghi về sự giả trá?

 

Cuối cùng, đối mặt với hiện thực thậm phồn, LVT cũng không thể làm thơ vần vè với tình tứ du dương dìu dặt xưa ơi là xưa  mà chọn giọng điệu giễu nhại và cách biểu đạt là thơ văn xuôi kể chuyện . Giễu Nhại (Parody),theo Hutcheon, là tính "tự ý thức, tự tương phản, tự giảm thiểu" cho phép nhà thơ  đặt những câu hỏi về nguyên bản sáng tạo nghệ thuật, câu hỏi về giá trị căn cước bản thể cũng như mọi câu hỏi khác về ngày hôm nay … Giễu Nhại trong Hậu Hiện Ðại còn là một sự giễu nhại đôi, một sự giễu nhại có ý thức về chính sự giễu nhại. Thơ hỏi thơ, do đó, trộn lẫn khóc với cười, thực và mơ, đêm với ngày, ánh sáng và bóng tối, bất lực chen với niềm hy vọng, sợ và không sợ, buông thả đi với đi lên, đóng lại và mở ra những chân mây mặt trời… Đến đây bài thơ buồn cười, nghĩ lại giấc mơ của mình, bật ra tiếng cười hồn nhiên, giòn giã. Sau tiếng cười đó, hai tay của bài thơ mọc ra lại. Bài thơ cứ tự nhìn mình, cười hoài, cười hoài, cười ra nước mắt ( Một dị bản thơ 46) .

 

Cảm thức hậu hiện đại còn hiện lộ màu sắc hơn trong phong cách kể chuyện, có thể gọi là thơ văn xuôi kể chuyện- Đó là việc trộn lẫn các thể loại văn từ đối thoại, miêu tả, trần thuật, tường thuật, truyện ngắn mini, dòng ý thức… và liên kết các văn bản ( phần chú thích là một liên văn bản  ). Rồi, dịch chuyển liên tục các điểm nhìn nghệ thuật, không xây dựng nhân vật trung tâm lý tưởng, LVT đã vặn gẫy vai nhân vật và vai tính cách trong hình tượng, bày ra muôn vàn muôn mặt cuộc đời khuất lấp, từ ngõ hẻm phố thị đến đồng quê, từ cái bục giảng của những tên ăn cắp đến góc tối hoang tưởng của anh đào mõ, từ cái nghĩa địa đến chín tầng diêm vương, chuyện người, ma quỷ, thơ ca, cả liêu trai chí dị ….Hiện thực phân mảnh đan xéo, chất chồng, và LVT phạt hữu chém tả, bổ dọc đâm ngang, đường đao nào cũng sắc và ngọt, mở ra những biến thiên và dự báo gọi mời người đọc nhập cuộc nghĩ suy đồng thời sáng tạo nên cuộc thế như nó là

           

Thật ra, cách viết này không mới so với thơ hậu hiện đại phương Tây và ngay cả ở Việt Nam, một số nhà thơ mặc áo hậu hiện đại như Lý Đợi cũng từng áp dụng. Thôi, để lợn kêu chút không sao đâu em; còn Cu Tí nó khóc cho khỏe, anh nghe khoa học hiện đại bảo thế; mình tòm đi em. Dạ, thì tòm! Em rửa tay xong ngay mà. Cái anh quỷ này! Tới chưa mình? Dạ! Em dậy cho Cu Tí bú xíu đã nhé. ( Yêu đương khi ). Tuy nhiên, chưa ai lấy hình thức kể chuyện như là nguyên tắc tổ chức cả một tập thơ, làm ra thơ đánh số … Thơ hỏi thơ, như thế đã phá vỡ ranh giới giữa thơ và văn xuôi, phá bỏ khoảng cách giữa nghệ thuật caonghệ thuật thấp để đến với nhiều đối tượng người đọc và dĩ nhiên, họ có thể hiểu theo cách của mình, tham gia vào việc tạo tác hiện thực bằng tri thức của mình. Trong chừng mực, LVT như đã chung đường với John Ashbery khi  thái độ và xúc cảm vô cùng tao nhã, hòa trộn óc khôi hài với sự tha thiết, sự khiêm cung bi thương với hy vọng, mà vẫn giữ được giọng điệu thư giãn, điềm tĩnh, chảy trôi, giàu tưởng tượng, bất chấp sự tuyệt vọng của những nguyên ủy triết lý"

 

*

Là hiện đại hay hậu hiện đại , tôi nghĩ, chàng thi sĩ phố núi có lẽ không quan tâm mà cái quan tâm của anh là viết mới, làm mới theo cái cách mà Amiri Baraka suy nghĩ về thơ của mình : "Thơ của tôi  là bất cứ cái gì tôi nghĩ tôi là (...). Đọc Thơ hỏi thơ, có lẽ chúng ta cần xem lại thơ là gì, viết cho ai, viết làm gì … dù là cuộc chữ chưa bày trăm năm đã cạn và phố núi, mưa vẫn ngày …

                                                                       

Đêm Cam Ranh tháng 3/09

 

*   Chữ Trần Dần

** Tác phẩm của Balzac

*** Những chữ nghiêng /nhỏ trích Thơ Hỏi thơ

 

Lê Vũ
Số lần đọc: 2732
Ngày đăng: 22.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà văn của những mảnh đời bất hạnh ! - Yến Nhi
Đâu là hồn cốt Ma Chiến Hữu ?... - Vũ Ngọc Tiến
Vẻ đẹp của tiếng Việt trong thơ Chân Phương - Nguyễn Hồng Nhung
Bình thơ cuối đông - Nguyễn Hồng Nhung
Thơ ơi còn cô đơn không! - Lê Huỳnh Lâm
Sự chẩn mạch trái tim của Huy Dung - một nhà thơ-thầy thuốc - Hoài Anh
Ðọc Huế Buồn Chi của Hoàng Xuân Sơn - Nguyễn Ước
Huỳnh Thuý Kiều – gót son nợ một đời dâu bể - Tạ văn Sĩ
Đọc Phong Lê và chúng tôi - Nguyễn Văn Hoa
Chân dung con ngựa đua lạc loài - Lê Huỳnh Lâm
Cùng một tác giả
Vùng xoáy (truyện ngắn)
Nửa tình nửa thơ (truyện ngắn)
Mùa xuân phía trước (truyện ngắn)
LiLi (truyện ngắn)
Con gái của bố (truyện ngắn)
Hiền Lương (truyện ngắn)
Chớp mắt (truyện ngắn)
Di chúc mùa xuân (truyện ngắn)
Chim yến treo mình (truyện ngắn)
Chữ và nghĩa (tạp văn)
Nguyệt Thực (truyện ngắn)