Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.148
123.226.765
 
Phủ nhận hoàn toàn quan điểm của nhà nước Trung Quốc về vấn đề hai quần đảo Hoàng sa-Trường sa của Việt Nam
Đinh Kim Phúc

Biển Đông đang tích tụ “sóng ngầm”. Các quốc gia tranh chấp chủ quyền với Việt Nam trên biển Đông đột nhiên gia tăng các hoạt động khẳng định chủ quyền. Ngày 5/3/2009, thủ tướng Malaysia thăm đảo Đá Kiệu Ngựa (Swallow Reef) và Đá Hoa Lau (Ardasier Reef). Ngày 10/3/2009, Tổng thống Philippines ký đạo luật về đường cơ sở. Sự kiện căng thẳng Mỹ-Trung trên biển Đông ngày 8/3/2009 và Trung Quốc cử tàu hộ tống đến khu vực tranh chấp đã làm cho tình hình khu vực thêm kịch tính.

 

Ngày 16/3/2009, trả lời Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, ông Trương Học Cương, chuyên gia về vấn đề Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc cho biết, việc Chính phủ Trung Quốc cử tàu Ngư Chính 311 thi hành hộ tống tàu đánh cá và tàu thuyền qua lại trên vùng Biển Nam Trung Hoa là một bước đi quan trọng trong việc tăng cường kiểm soát về chủ quyền đối với vùng Biển Nam Trung Hoa trong tình hình diễn biến phức tạp trên vùng biển này. Ông nói: “Việc Trung Quốc cử tàu Ngư Chính 311 tới vùng Biển Nam Trung Hoa thi hành tuần tiễu đã thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển này, là một biện pháp và bước đi quan trọng trong việc tăng cường sự quản lý và kiểm soát thực tế đối với vùng biển và các đảo liên quan trên Biển Nam Trung Hoa. Việc Trung Quốc tăng cường công tác về mặt này cũng phù hợp với luật pháp quốc tế, là quyền lợi không thể tranh cãi của Trung Quốc trong tình hình Biển Nam Trung Hoa hiện nay”.

 

Tờ Hoàn Cầu Thời báo tại Trung Quốc trong số mới nhất 18/3/2009 vừa có bài của tác giả Đới Hy (là đại tá không quân và là một nhà bình luận có tiếng về các vấn đề chiến lược. Tờ Hoàn cầu Thời báo là ấn bản bổ sung của cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - Nhân dân Nhật báo, ra mỗi tuần hai lần bằng tiếng Trung) kêu gọi thiết lập căn cứ quân sự tại Trường Sa.

 

Bài bình luận có tựa đề Quân đội của chúng ta cần thiết lập căn cứ quy mô lớn tại Nam Sa để bảo vệ việc phát triển nguồn tài nguyên Nam Hải bắt đầu bằng nhận định rằng nguyên tắc nền tảng của Trung Quốc trong xử lý các tranh chấp lãnh thổ là Gạt bất đồng để cùng phát triển.

 

“Tuy nhiên, với tình hình hiện tại Nam Hải, chúng ta đã luôn luôn ‘gạt bất đồng’ nhưng chưa đủ nỗ lực trong tham gia ‘cùng phát triển’.

 

Không giống Philippines hay một số nước khác tìm phương cách luật pháp để xung đột với Trung Quốc, nhiều quốc gia lại dùng các biện pháp kín để lặng lẽ rút dần tài nguyên từ quần đảo Nam Sa.

 

Chúng ta chỉ có thể đạt được một sự công nhận (chủ quyền) rõ ràng nếu thúc đẩy phát triển và khai thác nguồn tài nguyên ở Nam Hải”.

 

Tiếp tục, ngày 19/3/2009 báo China Daily đã trích lời của ông Wu Zhuang (Võ Trang),Cục trưởng Cục Ngư nghiệp và Quản lý Cảng cá Nam Hải , thông báo về việc Trung Quốc đang xem xét khả năng phái các chiến tàu bổ sung nhằm tuần tiểu “các vùng kinh tế đặc biệt của mình” ở vùng biển Nam Trung Hoa.Theo Wu Zhuang, Trung Quốc đang đụng chạm với “những hách thức và phức tạp” mới trong khi giám sát tại các vùng kinh tế đặc quyền của mình tại vùng biển Nam Trung Hoa.Và “Sự cần thiết tăng cường hoạt động tuần tra tại những vùng nước này để bảo vệ những quyền và lợi ích của Trung Quốc đã chín muồi để đối phó với những trường hợp tiến hành việc đánh bắt hải sản bất hợp pháp và những tham vọng về lãnh thổ vô căn cứ đối với các đảo”.

 

Trước đó, trên trang web của Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRIonline) ngày 17/3/2009 với bài: “Cội nguồn của vấn đề Biển Nam và lập trường nguyên tắc của Trung Quốc” đã viết: “Trên vấn đề Biển Nam, Trung Quốc xưa nay đều có chủ quyền không thể tranh cãi, đồng thời chủ trương giải quyết sự tranh chấp quốc tế qua đàm phán hòa bình.

 

Trung Quốc là nước phát hiện và đặt tên sớm nhất cho quần đảo Nam Sa [quần đảo Trường Sa], đồng thời cũng là nước thực thi chủ quyền sớm nhất và bền vững nhất đối với quần đảo Nam Sa. Việc này đã được chứng minh bằng lịch sử và căn cứ pháp lý đầy đủ, nhận được sự công nhận lâu dài của cộng đồng quốc tế. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật Bản đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc, chiếm đóng phần lớn khu vực của Trung Quốc, trong đó kể cả quần đảo Nam Sa. “Tuyên bố Cai-rô” và “Thông cáo Potsdam” cùng các văn kiện quốc tế khác đã quy định rõ việc trao trả lại lãnh thổ cho Trung Quốc từng bị Nhật cướp đoạt năm xưa, dĩ nhiên trong đó kể cả quần đảo Nam Sa. Tháng 12 năm 1956, Chính phủ Trung Quốc lúc bấy giờ đã chỉ định quan chức cấp cao tiếp quản quần đảo Nam Sa, đồng thời đã tổ chức lễ bàn giao trên đảo, cắm mốc kỷ niệm và cử quân đội đến đóng tại quần đảo Nam Sa. Năm 1952, Chính phủ Nhật Bản chính thức bày tỏ “từ bỏ tất cả mọi quyền lợi, danh nghĩa và yêu sách về quyền lợi đối với Đài Loan, các hòn đảo Bành Hồ và quần đảo Nam Sa”, từ đó quần đảo Nam Sa đã chính thức trở về với  Trung Quốc.

 

Trong quãng thời gian khá dài sau chiến tranh, hoàn toàn không tồn tại cái gọi là vấn đề Biển Nam. Về các khu vực xung quanh Biển Nam cũng chưa có bất cứ một nước nào đưa ra ý kiến bất đồng đối với việc Trung Quốc thực thi chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa và các vùng biển xung quanh quần đảo này. Trước năm 1975, Việt Nam đã rõ ràng công nhận Trung Quốc có chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Nam Sa. Trước thập niên 70 thế kỷ 20, các nước Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a v.v không có bất cứ văn bản pháp luật và bài phát biểu của nhà lãnh đạo nào nói đến phạm vi lãnh thổ nước họ bao gồm quần đảo Nam Sa. Nghị quyết của Chính phủ nhiều nước và cộng đồng quốc tế cũng công nhận quần đảo Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Thí dụ như, Hội nghị hàng không khu vực Thái Bình Dương thuộc tổ chức hàng không dân dụng quốc tế triệu tập tại Ma-ni-la vào năm 1955 đã thông qua nghị quyết số 24, yêu cầu nhà đương cục Đài Loan Trung Quốc tăng cường việc quan trắc khí tượng trên quần đảo Nam Sa, tại hội nghị không có bất cứ một đại biểu nào đưa ra ý kiến bất đồng hoặc ý kiến bảo lưu về việc này. Bản đồ do nhiều nước xuất bản cũng ghi rõ quần đảo Nam Sa thuộc về Trung Quốc. Trong đó có “Tập bản đồ mới Thế giới” do Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Ohira Masayoshi đề nghị xuất bản vào năm 1962, bản đồ thế giới do Việt Nam lần lượt xuất bản vào năm 1960 và năm 1972 v.v. Từ thế kỷ 20 đến nay, bách khoa toàn thư có thẩm quyền của rất nhiều nước như “Bách khoa toàn thư Liên Xô” xuất bản năm 1973 và “Niên giám Thế giới” do Hãng Kyoto Nhật xuất bản năm 1979 đều thừa nhận quần đảo Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc”…

 

Sự thật lịch sử như thế nào?

Năm 1945 Nhật Bản bị các nước Ðồng minh đánh bại trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương phải đầu hàng. Một trong những việc nước này phải làm khi đầu hàng là từ bỏ các đất đai ở ngoại quốc mà Nhật Bản đã chiếm được trong thời kỳ toàn thịnh của chế độ quân phiệt, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Lần đầu tiên Trung Quốc chính thức lên tiếng về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo này là khi trong một cuộc họp báo ở Manila ngày 17.5.1949 Tổng thống Philippines Quirino đã tuyên bố là vì quần đảo Trường Sa ở kế cận quần đảo Philippines nên nó phải thuộc về Philippines. Hai ngày sau, ngày 19 tháng 5, Bắc Kinh đã có phản ứng. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố như sau:

 

“Lời tuyên truyền vô lý của Chính phủ Philippines đối với lãnh thổ của Trung Quốc rõ ràng là sản phẩm chỉ thị của Chính phủ Hoa kỳ. Bọn khiêu khích Philippines và những kẻ Hoa Kỳ ủng hộ chúng phải bỏ ngay mưu đồ mạo hiểm đó đi, nếu không thì hành động này có thể đưa tới những hậu quả nghiêm trọng. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không bao giờ để cho bất cứ một ngoại bang nào xâm lược quần đảo Nam Sa hay bất cứ đất đai nào khác thuộc về Trung Quốc”.( 1)

 

Tuy nhiên Trung Quốc chỉ nói chứ không đưa ra được một bằng chứng nào, dù là lịch sử hay pháp lý, cho thấy Trường Sa thuộc quyền Trung Quốc làm chủ.

 

Đầu tháng 9 năm 1951, theo lời mời của Chính phủ Hoa kỳ, 51 quốc gia trước kia đã từng tham gia hay có liên hệ tới cuộc chiến chống xâm lược Nhật Bản từ năm 1939 đến năm 1945 đã tham dự Hội nghị Hòa bình nhóm họp ở thành phố San Francisco (Hoa kỳ) để thảo luận vấn đề chấm dứt tình trạng chiến tranh và tái lập bang giao với Nhật Bản. Ðiểm đáng chú ý là cả Trung Quốc và Đài Loan đều không được mời tham dự hội nghị. Trong hội nghị, vấn đề chính là thảo luận bản dự thảo hòa ước do hai nước Anh và Hoa Kỳ đề nghị ngày 12.7.1951. Ngày 8.9.1951, ngoại trừ Liên Xô, Ba Lan và Tiệp Khắc, các nước tham dự hội nghị đã ký hòa ước với Nhật Bản.(2)

 

Vì thấy mình bị Hoa Kỳ gạt ra ngoài hội nghị, các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngay từ cuối năm 1950 đã có phản ứng. Một mặt họ ra một số tuyên bố chính thức, mặt khác họ cho đăng các bài báo để lên án việc không mời Trung Quốc tham dự hội nghị và để trình bày quan điểm của Trung Quốc về một số vấn đề cần phải được thảo luận, trong đó có vấn đề chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Ngày 4.12.1950 Chu Ân Lai, lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao, trong bản tuyên bố đầu tiên của nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, đã nêu ra căn bản chính để ký một hòa ước với Nhật Bản:

“Bản Tuyên cáo Cairo, Thỏa ước Yalta, bản Tuyên ngôn Potsdam và các chính sách căn bản đối với Nhật Bản sau khi nước này đầu hàng đã được các quốc gia trong Ủy hội Viễn đông thỏa thuận và thông qua ngày 19.6.1947 các văn kiện quốc tế mà Chính phủ Hoa Kỳ đã ký kết là căn bản chính cho một hòa ước liên hợp với Nhật Bản”. (3)

Chu Ân Lai còn nói thêm:

 

“Nhân dân Trung Quốc rất ước muốn sớm có một hòa ước liên hợp với Nhật Bản cùng với các quốc gia đồng minh khác trong thời kỳ Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên căn bản của hòa ước phải hoàn toàn thích hợp với bản Tuyên cáo Cairo, Thỏa ước Yalta, bản Tuyên ngôn Potsdam và các chính sách căn bản đối với Nhật Bản sau khi nước này đầu hàng được qui định trong các văn kiện này”. (4)

 

Tuy bản tuyên bố trên của Trung Quốc không đề cập đến vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà chỉ đề cập tới các vấn đề khác, nhưng vì nó đã nêu ra quan điểm chính yếu của Trung Quốc nên chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ nó cùng với bản tuyên bố ngày 15.8.1951 là tuyên bố chính thức của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để tìm hiểu giá trị các luận cứ của Trung Quốc.

 

Thực vậy, khi nghiên cứu dự thảo hòa ước San Francisco của Anh- Mỹ gửi cho các quốc gia được mời tham dự hội nghị, Chính phủ Trung Quốc thấy điều 2 của bản dự thảo này không qui định là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Nhật Bản từ bỏ phải được trao cho quốc gia nào. Vì thế ngày 15.8.1951, sau khi đề cập tới quan điểm của Trung Quốc về từng vấn đề một được nêu trong bản dự thảo.(5) Châu Ân Lai đã tuyên bố:

 

“... Dự thảo Hiệp ước qui định là Nhật Bản sẽ từ bỏ mọi quyền đối với đảo Nam Uy (đảo Spratly-Trường Sa) và quần đảo Tây Sa (quần đảo Paracel-Hoàng Sa), nhưng lại cố ý không đề cập tới vấn đề tái lập chủ quyền trên hai quần đảo này. Thực ra, cũng như các quần đảo Nam Sa, quần đảo Trung Sa và quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa và đảo Nam uy lúc nào cũng là lãnh thổ của Trung Quốc. Dù các đảo này đã có lúc bị Nhật Bản chiếm đóng trong một thời gian trong trận chiến tranh xâm lăng do đế quốc Nhật Bản gây ra, sau khi Nhật Bản đầu hàng Chính phủ Trung Hoa đã thu hồi những đảo này.

 

"Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do đó tuyên bố: dù Dự thảo Hiệp ước Anh-Mỹ có chứa đựng các điều khoản về vấn đề này hay không và dù các điều khoản này có được soạn thảo như thế nào, chủ quyền bất khả xâm phạm của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên đảo Nam Uy và quần đảo Tây Sa sẽ không vì thế mà bị ảnh hưởng”. (6)

Chu Ân Lai sau đó kết luận vấn đề này bằng cách phủ nhận giá trị bất cứ một thỏa ước nào ký với Nhật Bản mà không có sự tham dự của Trung Quốc:

 

“Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa một lần nữa tuyên bố: Nếu không có sự tham dự của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong việc chuẩn bị, soạn thảo và ký hòa ước với Nhật Bản dù nội dung và kết quả một hiệp ước như vậy có như thế nào, Chính phủ Nhân dân Trung ương cũng coi hòa ước ấy hoàn toàn bất hợp pháp, và vì vậy sẽ vô hiệu”. (7)

 

Tuy rằng lời kết luận này nhằm toàn thể hòa ước với Nhật Bản, nó cũng bao trùm luôn cả vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Trong bản tuyên bố này chúng ta nhận thấy có những điểm đáng chú ý như sau:

 

Thứ nhất, tuy tuyên bố là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa lúc nào cũng là lãnh thổ của Trung Quốc, Chu Ân Lai lại không nêu ra một chi tiết nào để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo này.

 

Sự không dẫn chứng của Chu Ân Lai đối với vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phải chăng vì Trung Quốc biết không có một căn cứ nào vững vàng, về pháp lý cũng như về lịch sử, để chứng minh chủ quyền này nên Trung Quốc phải bỏ không viện dẫn chứng cớ.

 

Thứ hai, bản tuyên bố này, cũng như các bản tuyên bố khác sau này của Trung Quốc, và cả của Ðài Loan, đã đề cập tới việc Chính phủ Trung Hoa thu hồi Hoàng Sa và Trường Sa sau khi Nhật Bản đầu hàng vào tháng 8 năm 1945.

 

Chúng ta biết rằng năm 1938, trước khi xảy ra Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản đã chiếm đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nói là để khai thác thương mại nhưng thực ra chính là để lập căn cứ chiến lược làm bàn đạp tấn công vùng Ðông Nam Á. Theo R. Serene thì “Năm 1938 Nhật Bản mượn cớ khai thác thương mại đã chiếm đảo Phú Lâm để bành trướng sự kiểm soát tới các đảo Cam Tuyền và Linh Côn…”.(8) Rồi đến ngày 31.3.1939, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra một thông cáo loan tin là ngày hôm trước( 30.3.1939).

 

Nhật Bản đã quyết định đặt quần đảo Trường Sa duới quyền kiểm soát của Nhật Bản vì lý do tại đây đã thiếu một chính quyền hành chính địa phương nên đã làm thiệt hại đến quyền lợi của Nhật Bản.( 9) Trong suốt thời gian của Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản đã đóng quân trên hai quần đảo này cho tới khi đầu hàng quân đội Ðồng minh.

Vào cuối năm 1943, trong lúc chiến tranh đang ở mức độ ác liệt nhất thì các nhà lãnh đạo cấp cao của Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa Dân Quốc đã bí mật gặp nhau tại Cairo, thủ đô nước Ai Cập, từ 23 đến 27 tháng 11 năm 1943(10) để thảo luận các chiến lược tiêu diệt phe Trục (Ðức- Ý- Nhật). Ngày 26-11-1943, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch đã ký một bản tuyên cáo chung (thường được gọi là Tuyên cáo Cairo) trong đó có một đoạn như sau:

 

“Ðối tượng của các nước này (tức là của ba nước Ðồng minh) là phải tước bỏ quyền của Nhật Bản trên tất cả các đảo ở Thái Bình dương mà nước này đã cưỡng đoạt hay chiếm đóng từ khi có Chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914 và tất cả các lãnh thổ Nhật Bản đã cướp của người Trung Hoa, như là Mãn châu, Ðài Loan và Bành Hồ, phải được hoàn trả Trung Hoa Dân Quốc. Nhật Bản cũng sẽ phải bị trục xuất khỏi các lãnh thổ khác đã chiếm được bằng võ lực và lòng tham”. (11)

Ðọc đoạn trích dẫn trên chúng ta thấy Tuyên cáo Cairo có hai qui định quan trọng. Thứ nhất, chỉ có các đất Mãn châu, Ðài Loan và Bành Hồ được hoàn trả cho Trung Quốc thôi. Thứ hai, còn các lãnh thổ khác mà Nhật Bản chiếm được thì bản tuyên cáo này chỉ qui định việc trục xuất Nhật Bản, chứ không hề nói tới việc hoàn trả chúng cho Trung Quốc. Chỉ có điều đáng tiếc, và đó cũng là nguyên nhân gây ra những vụ tranh chấp về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau này, là Tuyên cáo Cairo đã không nói các lãnh thổ khác ấy phải được hoàn trả cho nước nào.

 

Quyết định của Tam cường tại Hội nghị Cairo được tái xác nhận trong một hội nghị thượng đỉnh Tam cường khác nhóm tại Potsdam từ 17.7 đến 2.8.1945 để ấn định các điều kiện cho Nhật Bản đầu hàng. Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Anh(12) và Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc đã ra một tuyên ngôn (thường gọi là Tuyên ngôn Potsdam) ngày 26.7.1945 trong đó có ghi là “Các điều khoản của bản Tuyên cáo Cairo sẽ được thi hành”. (13)

 

Tại hội nghị Potsdam này các nhà lãnh đạo Tam cường đã quyết định chia Ðông Dương làm hai khu vực để cho tiện việc giải giới quân đội Nhật Bản đóng tại đây. Vĩ tuyến thứ 16 được chọn làm ranh giới: việc giải giới ở khu vực Bắc vĩ tuyến ủy thác cho quân đội Trung Hoa (quân Tưởng Giới Thạch) và ở khu vực phía Nam do liên quân Anh-Ấn đảm nhận.(14) Vì quần đảo Hoàng Sa nằm ở giữa hai vĩ tuyến thứ 15 và 17 nên việc giải giới quân đội Nhật trú đóng ở đây thuộc thẩm quyền của quân Tưởng. Trái lại, việc giải giới ở quần đảo Trường Sa phải do liên quân Anh-Ấn đảm nhận do lẽ quần đảo này nằm giữa hai vĩ tuyến thứ 8 và 12.

 

Nhật Bản khi đầu hàng đã chịu điều kiện qui định trong bản Tuyên cáo Cairo và ghi nhận trong Văn kiện đầu hàng ngày 2.9.1945.(15) Ðồng thời, khi ra lệnh cho quân đội Nhật Bản ở nước ngoài đầu hàng và nộp vũ khí cho quân đội Ðồng minh, Nhật hoàng Hirohito đã ban hành Tổng Mệnh lệnh số 1, trong đó điều I khoản (a) qui định là:

 

“Các tư lệnh Nhật Bản và tất cả lục, hải quân cùng các lực lượng phụ thuộc ở trên đất Trung Hoa (ngoại trừ Mãn châu), Ðài Loan và Ðông Pháp ở 16 độ bắc vĩ tuyến đầu hàng Ðại Nguyên soái Tưởng Giới Thạch”. (16)

 

Bản Tuyên cáo CairoTuyên ngôn Potsdam hoàn toàn không đề cập tới vấn đề hoàn trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Nhật Bản đã xâm lược vào đầu Chiến tranh thế giới thứ 2. Sự thiếu sót này có phải là do các nhà lãnh đạo đồng minh sơ ý hay quên không? Lẽ dĩ nhiên là không. Trái lại, chúng ta phải giải thích là các nhà lãnh đạo Tam cường đã không quan niệm hai quần đảo này là phần lãnh thổ của Trung Quốc. Ðiểm đặc biệt đáng chú ý hơn nữa là chính Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, Ðại Nguyên soái Tưởng Giới Thạch, đã tham dự cả hai hội nghị và đã ký vào cả Tuyên cáo Cairo lẫn Tuyên ngôn Potsdam, chứ không phải một người đại diện nào khác để nói là có thể đã không thi hành đúng chỉ thị của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Nếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thực sự thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì không có lý gì họ Tưởng chỉ đòi hoàn trả có Mãn châu, Ðài Loan và Bành Hồ thôi mà lại không đòi luôn Hoàng Sa và Trường Sa. Hơn nữa, trong bản văn của Tuyên cáo CairoTuyên ngôn Potsdam chúng ta cũng không thấy từ “vân vân”để có thể nói là vấn đề đã được bao hàm trong hai văn kiện này.

Mười hai năm sau khi tham dự Hội nghị Cairo và ký bản Tuyên cáo, ngày 8.2.1955 Tưởng Giới Thạch vẫn còn nhắc lại là:

 

“Trong thông cáo công bố vào lúc bế mạc hội nghị, chúng tôi đã tuyên bố là tất cả các lãnh thổ do Nhật Bản ‘cướp’ của Trung Hoa, kể cả Ðông Tam Tỉnh, Ðài Loan và Bành Hồ phải được hoàn trả lại cho Trung Hoa Dân Quốc. Lời tuyên bố này đã được bản Tuyên ngôn Potsdam công nhận và Nhật Bản chấp nhận khi nước này đầu hàng”. (17)

Một lần nữa, ông hoàn toàn không nói gì đến việc phải hoàn trả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Vào lúc ông nói lời trên ông không phải là không biết có sự tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo này mà cả chính phủ của ông lẫn chính phủ của Mao Trạch Đông đang đòi.

 

Như chúng ta được biết, cả Tuyên cáo Cairo lẫn Tuyên ngôn Potsdam chỉ cho phép Trung Hoa Dân Quốc giải giới quân đội Nhật Bản ở quần đảo Hoàng Sa thôi, chứ không hề cho phép Trung Hoa Dân Quốc thu hồi quần đảo này cùng là giải giới quân đội Nhật Bản ở quần đảo Trường Sa hay thu hồi quần đảo đó. Vì thế việc chiếm đóng và thu hồi hai quần đảo này của Trung Hoa Dân Quốc là bất hợp pháp và vi phạm trầm trọng luật quốc tế vì đi trái với quyết định của Tuyên cáo CairoTuyên ngôn Potsdam.

 

Vì các lý do vừa kể trên, chúng ta phải nhìn nhận rằng lời tuyên bố ngày 15.8.1951 của Chu Ân Lai đã mâu thuẫn với lời tuyên bố ngày 4.12.1950 cũng của họ Chu. Một bên Trung Quốc đòi các quốc gia phải tuân theo hai văn kiện quốc tế này và các chính sách căn bản đối với Nhật Bản sau khi nước này đầu hàng, trong đó việc chia đôi Ðông Dương để giải giới quân đội Nhật Bản đóng tại đây cũng là một chính sách căn bản, một bên lại cho việc tiếp thu hai quần đảo không hề được qui định trong hai văn kiện quốc tế là một hành vi hợp pháp.

 

Thực vậy, điều 2 của Hòa ước San Francisco sau khi đã nói về việc Nhật từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với tất cả các lãnh thổ nào không phải là lãnh thổ chính của Nhật Bản mà nước này đã chiếm được từ khi có Chiến tranh thế giới thứ nhất cho đến khi chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ 2 đã qui định thêm trong đoạn (f) như sau:

 

“Nhật Bản khước từ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi trên quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa”.

 

Các qui định trong điều 2 như vậy đã theo đúng với quyết định của Hội nghị Cairo năm 1943 được diễn tả trong bản Tuyên cáo Cairo mà Trung Quốc vẫn luôn đòi phải được coi là căn bản chính cho một hòa ước ký với Nhật Bản đã nói ở bên trên. Nói cách khác, chính Trung Quốc đã coi quyết định của các đại cường là hợp lý, hợp tình và hợp pháp.

 

Về quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề giá trị của hai văn kiện quốc tế quan trọng này, chúng ta đã thấy (a) khi cuộc tranh luận tại Liên Hiệp Quốc về địa vị của đảo Ðài Loan đang tiến hành, ngày 24.8.1950 Trung Quốc đã gửi một bức công điện cho tổ chức quốc tế này trong đó có đề cập tới Tuyên cáo CairoTuyên ngôn Potsdam mà các quốc gia ký kết phải tôn trọng và tuân hành(18) (b) hoặc như qua lời tuyên bố ngày 4.12.1950 của Chu Ân Lai nói trên, (c) cũng như trong lời tuyên bố ngày 15.8.1951 của Chu Ân Lai như sau:

 

“Dù xét về thủ tục mà hòa ước được chuẩn bị hay về nội dung, ta thấy Dự thảo Hòa ước Anh-Mỹ trắng trợn vi phạm các thỏa ước quốc tế quan trọng, mà Anh-Mỹ đều là phe kết ước, như là ... bản Tuyên cáo Cairo, ... bản Tuyên ngôn Potsdam ...

 

Vi phạm sự thỏa thuận theo bản Tuyên cáo Cairo và bản Tuyên ngôn Potsdam, Dự thảo Hòa ước chỉ qui định là Nhật Bản sẽ khước từ các quyền đối với Ðài Loan và Bành Hồ”. (19)

 

Hòa ước San Francisco là một văn kiện quốc tế nhằm thi hành những quyết định của Hội nghị Cairo 1943, nó cũng phải có hiệu lực như bản Tuyên cáo Cairo.

 

Hơn một tháng sau khi lên tiếng ngày 15.8.1951 về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói trên, khi bình luận về việc ký Hòa ước San Francisco, trong một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 18.9.1951, Chu Ân Lai không hề nói gì về vấn đề hai quần đảo này cả mà chỉ lập lại lập trường cũ, phủ nhận giá trị và hiệu lực của hòa ước vì đã được ký kết mà không có sự tham dự của Trung Quốc.(20)

 

Sự im lặng này càng khó hiểu hơn nữa khi chắc chắn là Trung Quốc phải biết rằng Hội nghị San Francisco đã bác bỏ đề nghị của phái đoàn Liên Xô đòi trao trả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc và về phản ứng của phái đoàn Quốc gia Việt Nam.(21)

 

Thực vậy, ngày 5.9.1951, trong phiên họp khoáng đại hội nghị thứ 2 của hội nghị San Francisco, đại biểu Liên Xô Andrei A. Gromyko sau khi chỉ trích tính cách bất hợp pháp và sự vô nghĩa của bản dự thảo hòa ước của Anh-Mỹ để ký với Nhật Bản đã đưa ra một đề nghị 7 điểm gọi là để hướng dẫn việc ký kết hòa ước thực sự với Nhật Bản. Ðiểm 6 đề nghị trao trả hai quần đảo này cho Trung Quốc. Nhưng hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này với với 48 phiếu chống.

 

Hai ngày sau, 7.9.1951 Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần văn Hữu, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, đã lên tiếng tái xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao như sau :

 

“Et comme il faut franchement profiter de toutes occasion pour étouffer les germes de discorde, nous afirmons nos droits sur les iles Spratley et Paracels qui, de tout temps, ont fait partie du Viet-Nam”.(22)

 

(tạm dịch là: “Cần nói thật rằng phải lợi dụng tất cả mọi trường hợp để chặn đứng những mầm xung đột, chúng tôi xác nhận chủ quyền của chúng tôi trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đã luôn luôn từ xưa thuộc lãnh thổ Việt Nam”)

 

Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco long trọng ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn, không có một phái đoàn nào phản đối.

 

Sự im lặng lại càng trở nên khó hiểu hơn nữa khi trong bản tuyên bố ngày 5.5.1952(23) về hòa ước mà Trung Hoa Dân Quốc đã ký với Nhật Bản ngày 28.4.1952, Chu Ân Lai không nói gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dù hai quần đảo này đã được đề cập tới trong điều 2 của hòa ước như sau:

 

“Ðiều 2. Hai bên nhìn nhận là theo điều 2 Hòa ước với Nhật Bản ký ngày 8 tháng chín năm 1951 tại San Francisco ở Hoa Kỳ, Nhật Bản đã khước từ mọi quyền, danh nghĩa hay đòi hỏi liên quan đến Ðài Loan (Formosa) và Bành Hồ (the Pescadores), cũng như quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. (24)

 

Theo điều khoản này, Nhật Bản chỉ nhắc lại việc khước từ chứ không nói rõ là Nhật Bản hoàn trả hai quần đào này cho Trung Hoa Dân Quốc. Chính vì vậy trên trang mạng Japan Focus ngày 21/03/2009 đăng nghiên cứu của Kimie Hara cho rằng các vụ tranh chấp trên Thái Bình Dương từ Đông Bắc xuống Đông Nam Á, gồm cả vùng Trường Sa, là di sản của Hiệp ước San Francisco năm 1951.Bài viết nói các cường quốc sau Thế Chiến 2 đã không ghi rõ chi tiết chủ quyền nhiều đảo và quần đảo qua việc đặt tuyến phân ranh giới Acheson Line. Sau đó, tác động của việc hoạch định lằn ranh bao vây nước Trung Hoa cộng sản và Bắc Triều Tiên lại tạo thêm sự phức tạp cho vấn đề.Tác giả cho rằng nay, để giải quyết các vấn đề, mọi bên đều cần có sự nhượng bộ và giải pháp đa phương, gồm cả Nhật Bản, nước thua trận trong Thế Chiến 2.

 

KẾT LUẬN:

 

Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, mới đây nhất, ngày 17-3-2009, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đưa tàu ngư chính 311 ra hoạt động tại Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói: “Lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rất rõ ràng. Mọi hoạt động khai thác hải sản và tài nguyên biển ở Biển Đông cần được thực hiện trên cơ sở tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển của các nước liên quan theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982. Việt Nam quan tâm và sẽ theo dõi sát hoạt động của tàu ngư chính 311 ở Biển Đông”. 

 

Tất cả các vấn đề trên là quá rõ ràng, những luận cứ và luận chứng mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra trong vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam chỉ có thể lừa được một số người chứ không thể phủ nhận được các văn kiện của Bản Tuyên cáo Cairo, Thỏa ước Yalta, bản Tuyên ngôn Potsdam và sự thật lịch sử. Chính phủ Trung Quốc hãy chấm dứt ngay mọi hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam.

 

Ảnh : Bia ngụy tạo chủ quyền của Đài Loan tại đảo Ba Bình

 Chữ đề trên bia này là Hải Quân Thu Phục Tây Sa Quần Đảo Kỷ Niệm Bia (Bia kỷ niệm Hải quân thu phục quần đảo Tây Sa), Trung Hoa Dân Quốc, ngày 24- 11 -1935)

(Nguồn: www.peoole.com.cn)

 

CHÚ THÍCH:

 

(1) Ðề cập tới trong bài "Notes on the Nanwei and Sisha Islands," đăng trong People’s China, Bắc Kinh, tập IV, số 5, phụ trương ngày 1.9.1951, tr. 7.

(2) Toàn văn bản Hòa ước San Francisco đăng trong: (a) United Nations Treaty Series, tập 136, tr. 46 và tiếp theo, và (b) American Foreign Policy, 1950 1955: Basic Documents do bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xuất bản năm 1957, ấn bản số 5446, tr. 425 439.

(3) “Chou En lai’s Statement on the Peace Treaty with Japan” đăng trong People’s China, tập II, số 12, phụ trương ngày 16.12.1950, tr. 17

(4) Chou En lai’s Statement, tr. 19.

(5) Bản Anh ngữ nhan đề “Foreign Minsiter Chou En lai’s Statement on the U.S. British Draft Peace Treaty with Japan” đăng trong (a) People’s China, tập IV, số 5, phụ trương ngày 1.9.1951, tr. 36 ; hay (b) bản tin Tân Hoa xã số 777, Bắc Kinh ngày 16.8.1951, tr. 75 78.)

(6) Foreign Minister, tr. 4.

(7) Foreign Minister, tr. 6.

(8) R. Serene, "Petite Histoire des Paracels," đăng trong Sud Est Asiatique, Bruxelles, số 19, th. 1/1951, tr. 38.

(9) Xem: (a) B.B., “Les Iles Spratlys” đăng trong L’Asie Francaise, Paris, tập 39, số 269, th. 4/1939, tr. 123; (b) Charles Rousseau, “Chine, France, Japon, Philippines et Vietnam Différend Concernant l’Appartenance des Iles Spratlys et Paracels” đăng trong Revue Generalle De Drroit International Public, Paris, năm thứ 76, tập 76, số 3, th. 7 9/1972, tr. 828.

(10) Chi tiết về hội nghị này và hội nghị Tehran được in trong tập The Foreign Relations Of The United States Diplomatic Papers: The Conferences at Cairo and Tehran, 1943, (viết tắt: FRUS Cairo Tehran), Government Printing Office, Washington, D.C., 1961.

(11) Frus Cairo Tehran, tr. 448 449.

(12) Mới đầu là Winston Churchill, sau là Clement Attlee khi Đảng Bảo thủ Anh thất cử.

(13) Documents on American Foreign Relations, do Raymond Dennett và Robert K. Turner biên tập và Prince University Press xuất bản năm 1948, tập VIII: 1.7.1945 31.12.1946.

(14) Jean R. Sainteny, Histoire D’Une Paix Manquée: Indochine 1945 1947, Amiot Dumont, Paris, 1953, tr. 50.

(15) Xem United States Statutes at Large, trong Executive Agreement Series, số 493, tập 59, phần II, Government Printing Office, Washington, D.C., 1945, tr. 1734 1735.

(16) Herbert Feis thuật lại trong sách Japan Subdued: The AtomicBomb and The end of the war in the Pacific, Princeton University Press, Princeton, New Jersey, 1961, tr. 139.

 (17) Xem bài “Review of International Situation” đăng trong President Chiang Kai Shek’s selected speeches and messages in 1955, do China Publishing Co. Xuất bản tại Ðài Bắc năm 1956, tr. 22. Ðông Tam tỉnh nói ở đây là danh xưng người Trung Hoa vẫn dùng để gọi Mãn châu.

 

(18) Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Đối ngoại quan hệ văn kiện tập, Bắc Kinh, tập I, tr. 134.

(19) Đối ngoại, tập II, tr. 30 và 36.

(20) Nhân dân nhật báo, Bắc Kinh, ng. 8.2.1955, tr. 4.

(21) Toàn bản văn nhan đề “Foreign Minister Chou En lai’s Statement on San Francisco Peace Treaty” đăng trong People’s China, tập IV, số 7, ngày 1.10.1951, tr. 39.

(22) Từ 2.6.1948 đến 26.10.1955 phần đất do Chính quyền Sài Gòn quản lý.

(23) Tài liệu của Ban Biên giới chính phủ.

(24) Toàn bản văn đăng trong People’s China, tập V, số 10, ng. 16.5.1952, tr. 4.

(25) Toàn bản văn hòa ước giữa Trung Hoa Dân quốc và Nhật Bản đăng trong Treaties and Agreement, sđd, tr. 454 456.

 

Đinh Kim Phúc
Số lần đọc: 3679
Ngày đăng: 24.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lịch Sử thành thánh Giêrusalem - Nguyễn Hữu An
Ði tìm người dịch địa bạ triều Nguyễn - Hà văn Thùy
Nguyễn Phúc Nguyên ,vị chúa của những kỳ công mở cõi - Nguyễn Quang Ngọc
Trương Định - Thủ lĩnh vĩ đại của nghĩa quân chống Pháp - Lê Ngọc Trác
Có hay không có chủ quyền của Philippines trên quần đảo Trường Sa? - Đinh Kim Phúc
Malaysia hoàn toàn không có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa - Đinh Kim Phúc
Hoàng Cao Khải không phải là người theo Pháp để hưởng lợi ? - Nguyễn Hùng
Lê Văn Duyệt : Một tài năng lớn về quân sự, chính trị, kinh tế - Lê Ngọc Trác
Lịch sử những cuộc bách hại - Nguyễn Hữu An
Về di tích Bàu Thành - Phạm Quang Minh
Cùng một tác giả
Game Over! (lịch sử)
Đọc thơ xưa (tạp văn)