Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.222.478
 
Cả làng hát karaoke
Nguyễn Lệ Uyên

  

“Những ngày nằm cấp cứu tại BV Chợ Rẫy, lúc tỉnh cha tôi nói: “Cố gắng viết cái gì đó cho làng. Làng, nơi tôi sinh ra và lớn lên không thành truyện mà chỉ có tiếng kêu xé lòng trong bút ký này. (nglu).

         

Ngày còn nhỏ, tôi thường nghe ông nói: “Làng Phú Ân như cái mông con gái”, những người trẻ tuổi thêm: “Mông truồng của cô gái 19”. Con gái hay cái mông thì tôi có thể mường tượng ra theo trí óc trẻ thơ. Nhưng mông truồng thì chịu, không sao hình dung được. Mãi tới khi giọng nói bắt đầu vỡ ra, mép lún phún thứ lông tơ lạ hoắc tôi mới chợt hiểu. Hoá ra, đó là nơi ai cũng muốn nhìn ngắm, sờ mó hoài mà không biết chán? Làng tôi không phải được cách điệu, mà thực tế nó đẹp. Đẹp bỡi ngôi làng cong nẩy khép bên dòng sông Ba, bên kia là cánh đồng trải rộng mênh mông một khoảng xanh mướt xanh màu lúa non, vàng óng màu mật ong mùa lúa chín như những bức tranh của danh hoạ Van Gogh, bỡi đồng ruộng bạt ngàn, màu mỡ vói tay qua rặng đông Trường Sơn vẽ hình vòng cung giống chiếc quạt xoè nghiêng, quay mặt ra biển Đông. Sông Ba vắt ngang qua làng vừa là hung thần vừa là bà tiên nhân ái. Mới đó, vừa nhấn lút những mái tranh trong biển nước mênh mông ngầu đục, mênh mông gầm réo thì liền tiếp theo những mảng phù sa đen từ từ lộ ra lấp lánh, tấp lên đồng ruộng dày đến non tấc mộc. Hạt lúa lại nẩy mần, lại cong oằn gié như nghiêng chào những chủ nhân chân đất một đời ôm choàng lấy cái mông truồng của cô gái 19!

           

Đồng làng Phú Ân màu mỡ đã đành, nhưng hơn hết là những con số đếm có đến hàng trăm mẫu, trong khi dân số chỉ bằng một phần ba số sào mẫu. Không tính phần tư điền, chỉ riêng ruộng làng, ruộng xóm, ruộng chùa, ruộng của những dòng họ lớn nhỏ có đến cả trăm…Những người dân nghèo được làng xóm chia cho vài mẫu để cày cấy đã đành, đến những hộ có ruộng rồi còn phải nhận thêm 6-7 sào theo kiểu định suất 4 năm một lần. Đám thì đông Nai, đám đồng Huế cách xa vài cây số luôn nhộn nhịp tiếng ví thá trong màn sương sớm. Nhớ những năm học tiểu học, gà vừa gáy sáng, cha tôi đã vực dậy lùa trâu ra đồng cày. Giấc ngủ tuổi thơ chưa đẫy lại ngủ tiếp trên bàn tay nắm chặt lấy đuôi trâu, ngủ đến khi giật mình choàng tỉnh đã thấy lạc đồng! Đến mùa gặt lại càng nhộn nhịp, đông vui hơn. Ruộng nhiều, nhân lực ít khiến cho những nông dân từ các làng xa, những huyện xa đổ về -gặt đập ăn chia tứ lục- như đoàn người đi xem hội. Họ không chỉ mang theo đôi chàng, chiếc câu liêm và những xoong cá kho sả ớt, bốc mùi thơm lựng mà còn “xách” theo những câu hò khoan, hô bài chòi vút cao, đong đưa lên ngọn tre làng giữa đêm trăng sáng hay những ngày mưa dầm đầu đông, được cầm nhịp bỡi những đôi tay rắn khoẻ, đập những bó lúa xuống bộ ván ngựa kê, đã gây ấn tượng không ít đối với tuổi thơ, vang mãi tới tận bây giờ.

           

Dân trong làng lại nói: con trai con gái ở các làng khác mà lấy được chồng, lấy được vợ ở làng Phú Ân chẳng khác nào “chuột sa bồ nếp” thuộc nhà có ân đức từ nhiều kiếp trước! Không biết có đúng vậy không, nhưng sau khi hôn sự đã thành, những đôi vợ chồng trẻ được chia cho mẫu ruộng ra riêng, cộng với ruộng làng, ruộng xóm, ruộng họ… chẳng mấy chốc họ cũng xây được căn nhà ba gian; đóng được bộ ghế thờ cùng những đồ từ khí bằng đồng thau, men sứ…

           

Đó là chuyện hồi xưa, chuyện cách đây trên nửa thế kỷ.

 

Còn bây giờ, đồng làng Phú Ân vẫn là cái mông truồng của cô gái tơ non hơ hớ xuân thì, nhưng dân số thì tăng lên gấp 6,7 lần; không phải là tam đại, ngũ đại mà là cửu, thập đại đồng làng. Đất nhà, đất ruộng được san sẻ, ai cũng như nhau, cũng chân tay lành lặn; vẫn những thửa ruộng màu mỡ, được dòng nước đập Đồng Cam chan vào như nước cam lồ. Ấy vậy mà chỉ qua mấy mùa, cái đầu lớn nhỏ khác nhau, không điều khển được chân tay nên nhà cửa cái cao ngất ngưởng, cái thấp lè tè. Anh thì chí thú với đất với ruộng đồng, anh thì được chăng hay chớ mãi mê với thứ triết lý “vô vi” của Lão Tử không hề nắm hiểu ngọn ngành, là hệ luỵ của những đêm nằm thấy trăng dòm qua song vách, những ngày mưa dầm dề nước len vào tận đít giường! Trách ai?

 

Bỡi vậy, nhìn nghiêng từ hông xuyên tới, ngó từ dưới ngược lên, ngắm từ trên dốc xuống, mông cô gái có những vết lam nham của bức tranh sơn dầu chưa hoàn chỉnh. Cô gái đẹp hoá thành cô gái kỳ quặc.

 

Một vùng đất vốn rất giàu tiềm năng về nông nghiệp, nhưng để vươn ra khỏi đồng ruộng thì chưa hề có giải pháp cụ thể bỡi cán bộ HTX, chính quyền địa phương chưa có tầm nhìn vượt ra khỏi luỹ tre làng khiến cho huyện tỉnh tỏ ra lo lắng thực sự. Lãnh đạo các cấp ngồi lại vắt óc họp bàn để tháo gỡ cuộn tơ rối nùi. Các đề án liên tục đặt lên bàn họp nhưng đốm sáng cuối đường hầm thì vẫn chưa thấy le lói, dù chỉ là một đốm nhỏ như que tăm để cảm thấy ấm lòng, có chút hy vọng được đổi đời. Cây lúa và đồng đất vàng vẫn níu chặt chân họ, rượu chè vẫn quàng vai họ trong mùa nông nhàn khiến chính quyền địa phương phải nhíu mày, nhăn mặt mà vẫn không cách gì cứu vãn. Cô gái xinh đẹp ngày trước giờ thành bà già lưng còng, mắt mờ, tai điếc bảo sao các bậc tiên linh an vị trong những tấm bài vị trên bàn thờ không khỏi xót xa, chạnh lòng khi nhìn thấy đám con cháu phờ phạc(?); trong khi dân làng thì vẫn miệt mài mớ triết lý mờ mịt của phương Đông thuở xa xưa “cùng tắc biến, biến tắc thông” được mang ra để tự an ủi. Mọi người cứ rụt cổ lại để nhìn (và nghe) các địa phương trong cả nước tiến lên, phát triển về các mặt kinh tế xã hội từng ngày… trong khi cái làng thân yêu của họ thì ở sát nách thành phố luôn hoài nhớ đến quá khứ bằng những cơn mơ khắc khoải?

 

Cuối cùng, chút ánh sáng mong manh cũng ló ra như một thứ định mệnh oan khốc được báo trước: Đó là việc huyện quyết định xây dựng điểm công nghiệp ngay trên cánh đồng trước đây là đồng lúa 2 vụ ăn chắc, có hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh từ đập Đồng Cam dẫn về. Năng suất thuộc loại cao nhất nhì cả nước: 15-17 tấn/ha/năm.  Các cuộc họp với dân mở ra liên tục. Họp ngày chưa giải quyết được vấn đề đền bù, môi trường, công ăn việc làm cho những hộ dân mất đất thì lại họp đêm. Dân có cái lý của dân, chính quyền huyện có lý của những nhà hoạch định kinh tế cấp huyện, nhìn xa trông rộng hơn. Sau rốt dân cũng bằng lòng nhưng với điều kiện lấy những khu ruộng ở xa khu dân cư, đất bạc màu nhưng huyện lại nói đây là khu đất lý tưởng để kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn ra sản xuất hàng hoá công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mang lại việc làm cho hàng trăm lao động, ưu tiên cho 71 hộ dân có đất bị thu hồi. Viễn cảnh trở thành công nhân như một ma lực khiến họ xiêu lòng. Bỡi từ nay bản thân họ, con cái họ sẽ không còn cảnh đội nắng cắm mặt trên đồng ruộng, không phải cõng những cơn mưa tối mặt chạy mù trời  trên những bờ ruộng trơn lầy. Suy cho cùng làm công nhân thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với một sào lúa nước. Vậy là mọi người hể hả đặt bút ký trên tờ đơn tự nguyện được thu hồi đất để chuyển mục đích, nhưng bụng dạ thì nao nao như vừa đánh mất một thứ gì đó quý giá nhất trong đời họ.

 

Tâm trạng nao nao và hể hả của cả hai phía chỉ mới là khúc nhạc dạo đầu cho một dàn hợp xướng được sắp đặt theo trường phái hình thức cách tân, giống như trường phái thơ tân hình thức của các thi sĩ trên mạng bây giờ. Số phận của cả hai, tuy khác nhau về  tâm trạng, nhưng có cái chung là cùng chao lượn trên sợi đu bay của gánh xiếc rong mới tập tễnh bước vào nghề.

 

Những năm trước, hàng năm dòng sông Ba đã mang phù sa bồi lắng cánh đồng thì giờ đây, cũng trên dòng sông ấy, nhưng không phải là dòng nước lũ kéo những mảng màu nâu quý giá quấn chặt vào bộ rễ từng cây lúa mà là những đoàn xe ben nối đuôi nhau chở lút những đụn cát ầm ầm chạy về, tung bụi mù mịt và đổ ập xuống như thể trút bỏ nền văn minh lúa nước lạc hậu một đời làm khổ cánh nhà nông. Chúng ngắc ngoải chìm lún dưới tầng cát dày. Chẳng mấy chốc cánh đồng đã nổi lên cồn cát trắng, cao nghệu, cao ngang mặt quốc lộ 25. Những cụ già, một thời gắn bó với đồng ruộng ngậm ngùi đứng nhìn từ xa, lòng đau như xé. Ông tám Bửu, ông mười Xin đang ở tuổi bát tuần, cửu tuần thở dài: “Sao lại chọn xứ đồng thượng đẳng điền này chứ? Thiếu cha gì nơi đồng khô sao không mang tới đó mà làm. Xứ đồng Lù Đôi, mả Ông Cù đất xấu, gát nước, xa xóm làng lại nằm cập sát quốc lộ 25 kia kìa…”. Những câu hỏi quặn thắt càng làm đôi mắt họ đã mờ càng mờ hơn bỡi thêm vào đó là dòng nước mắt ứa ra không chảy thành giọt!

 

Những người trẻ tuổi, ngược lại coi chuyện cày đồng như một thứ tội nợ. Họ muốn thoát khỏi những ngày nắng táp cháy da, chân tay nứt nẻ hay những ngọn gió bấc mang theo chiếc roi mưa quất vào mặt tê rát nên hể hả nghĩ tới ngày mai, ngày mà số phận họ sẽ được đổi đời. Viễn cảnh tươi đẹp đó vẽ nên những vòng hào quang lấp lánh trong giấc mơ ngày và đêm, trong cái nhìn thấy điểm công nghiệp Hoà An với những ống khói ngất ngưởng cây cột chống trời.

 

Tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng khá nhanh, chỉ trong vòng 6 tháng, 8ha đất đã thành đường ngang, ngõ dọc, điện nước có đủ. Và 6 tháng sau, các nhà đầu tư đã xây dựng xong các nhà máy sản xuất, mở ra một tương lai rực rỡ cho dân làng Phú Ân và cả xã Hoà An, xoá đi phần nào những hoài nghi của những người bảo thủ.

 

Và để mừng cho sự kiện trọng đại này, mừng cho tương lai rộng mở, những người nhận được tiền đền bù (5tr đồng / 1 sào ruộng 500 mét vuông), thay vì đưa vào kinh doanh buôn bán nhỏ, trồng cây, chăn nuôi…Họ liền tổ chức những cuộc liên hoan nho nhỏ gọi là ăn mừng, nhưng không chỉ trong một buổi. Khắp cả làng, chiều lẫn đêm, tiếng dzô, dzô…dzô… hào hứng xoáy nổi bụi đường, rung rinh mái nhà đến nỗi những hàng cây đứng khép sau hè, trước sân cũng vung vẩy cành lá chia sẻ niềm vui ngất ngưởng. Có anh suốt đời đi chân đất hay đạp chiếc xe đạp cọc cạch, nay sẵn tiền bèn xuống phố tậu ngay chiếc xe máy Trung Quốc chạy quanh làng, bóp còi toe toe coi như đang cỡi phi thuyền lên cung trăng. Số khác đông hơn mang tiền mua dàn máy karaoke. Nhà trước mua loại tầm tầm thì nhà sau mua loại xịn hơn. Cả làng đua nhau gọi là “để giải trí sau một ngày đứng máy vất vả sau này”. Thoạt nghe cũng có lý, chẳng mất gì, trái lại đời sống văn hoá sẽ được nâng cao. Âm nhạc là món thuốc bổ có tác dụng tích cực nhất mang lại những giây phút thư giãn cho đầu óc lẫn cơ bắp kia mà? Những âm thanh đùng đùng phát ra từ những chiếc loa thùng vặn volum hết công suất như có sức mạnh tiếp thêm lửa cho đám công nhân hăng say xây dựng các nhà máy ngoài điểm công nghiệp sát nách làng theo đúng tiến độ.

Chẳng bao lâu sau, 10 nhà máy, cái trước cái sau được hoàn thiện đưa vào sản xuất. Những cột khói vươn lên trời cao, dẫu không thơm bằng khói đốt đồng nhưng buổi sáng, buổi chiều đứng nhìn từ xa nó như một chiếc nấm hoa tô thêm vẻ đẹp cho khu làng nhỏ vốn dĩ bình lặng bấy lâu nay.

 

Làng Phú Ân không còn ngái ngủ như trước. Mới tờ mờ đất, những anh chị nông dân đang lột xác thành công nhân thức dậy sớm để kịp vào ca. Hình ảnh mới toanh này có chút gì đó giống như niềm hân hoan rực rỡ trong những ngày đầu thống nhất. Không khí có vẻ rộn ràng, tất bật. Nhìn thấy cảnh ấy, những anh cố chấp sẽ không còn cơ hội để nghĩ xấu về tiền đồ của làng của xã, vì ngay trước mắt họ, những chiếc xe tải tấp nập ra vào cổng chở đá cây đưa xuống cảng cho các tàu đánh cá ngừ đại dương, chở những tẹt bia Seiger phân phối khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh. Mà sao họ có thể nghĩ xấu kia chứ? Trong khi con cháu họ đang đứng máy cán tôn, xà gồ, lưới rào hay dạng chân ngồi bệt trên nền gạch hoa tay thoăn thoắt đan những giỏ mây, tre lá xuất khẩu; đứng trong lò nấu sắt vụn, bên dàn máy cưa ván ghép nội thất, đến tháng xếp hàng nhận lương như anh công chức? Còn về phía huyện, điểm công nghiệp Hoà An được coi là niềm tự hào, là vòng hoa thơm lựng choàng lên bảng thành tích phát triển kinh tế xã hội của địa phương: công nghiệp hoá nông thôn và công nhân hoá nông dân!

 

Niềm vui sướng hân hoan tột cùng đó có vẻ như lên đến đỉnh điểm khi hoàng hôn buông xuống. Cả làng lại ầm ầm với mớ âm thanh hỗn tạp phát ra từ những chiếc loa thùng, đầu ngõ: “ Sáng sáng uống ly cà phê…tối tối uống ly cà phê…”, giữa truông: “Lỡ yêu rồi, làm sao quên được em ơi”, “Thôi nín đi em, lệ đẫm vai rồi, buồn chi nữa em, mai mốt sang ngang, lòng anh nát tan, tình đã dở dang…” lập tức giọng ca vọng cổ eo éo nổi lên không chịu thua kém: “Cúc Hoa ôi, cũng vì duyên số nên đôi ta chẳng đặng…sum…ơ…ơ…vâ…ầy”. Giọng đàn bà, giọng con nít, giọng tỉnh, giọng say lẫn những ca từ được tuôn ra như đám thầy thỉ đọc những câu thần chú xua đuổi tà ma đan chéo nhau, quấn quít nhau bay chập chờn quanh thôn; bay lên đọt cau, đong đưa trên đọt dừa, vút qua khỏi lũy tre nương theo chiều gió đưa tận ra khỏi làng, quyện cùng tiếng máy nổ, khói tuôn khiến cả làng suốt ngày này qua tháng khác cứ như gánh Sơn Đông mãi võ. Không chỉ buổi tối thâu đêm, sau ngày lao động vất vả mới hát hò, ngay cả ban ngày, những kẻ “nhàn cư” cũng hứng tình bật máy hát inh ỏi, khiến các cụ già muốn yên nghỉ cũng chẳng được nào, kêu than: “Cái làng này trở điên hết chắc. Ngày đêm cứ thi nhau gào rống như lũ tâm thần”. Gặp ông trưởng thôn, chuyển những bức bối này, ông ta nói: “Làng mình là làng văn hoá, chuyện hát hò như món thuốc bổ, mắc mớ chi mà cấm đoán?”. Nghĩ bụng: có nói gì thêm chắc ông ta cũng một giọng lý sự cùn, vả lại cái thằng tôi chỉ sinh ra ở đất này chứ không sống làng này nên dưới mắt ông tôi là kẻ “ngoại lai” xa lạ! Có nài thêm chưa chắc ông trưởng thôn đã chịu nghe, đành lủi thủi bước vào cổng. Ngẫm nghĩ hồi lâu, tôi thưa với cụ thân sinh (đã 90 tuổi): “Con đưa cha lên ở với tụi con cho đỡ đinh tai, nhức óc”. Ông cụ gạt ngang: “Có điếc tai chút đỉnh nhưng còn xóm làng, bà con bên nhau. Mồ mả ông bà ở đây bỏ đi sao đành?”.

 

Cụ không chịu đi bỡi quê hương dù xấu tốt thế nào cũng là nơi chôn nhau cắt rún, cũng như ông trưởng thôn không chịu thừa nhận âm thanh xập xình chan chát kia là của tội nợ đối với những người cần sự yên tỉnh nghỉ ngơi.

Đành lòng vậy. Đó là thứ tự do của con người. Pháp luật đâu cấm?

 

*

Nhưng sự đời quả thật ít khi suôn sẻ khi cả điểm công nghiệp Hoà An với hơn mười nhà máy hoạt động lại sử dụng cái ao ngăn cách giữa tường rào điểm công nghiệp và khu dân cư để chứa nước thải của nhà máy bia hơi, lò nấu sắt vụn, dầu gasoil luộc mây…Cái ao nước trong veo ngày nào theo ngày tháng bắt đầu đổi sang màu đen và bốc lên mùi hôi khăm khẳm. Những người tiếc của lội bừa xuống ao cắt vội mớ rau muống xanh rờn băm cho heo gà, đến khi rút chân lên khỏi mặt ao, những cơn ngứa đu bám khắp cùng những chỗ vừa ngâm nước, đến nỗi quanh ống chân, bàn tay nổi lên những u nần, phải vội vã đưa lên trung tâm da liễu tỉnh. Bước sang mùa nắng, nước trong ao đặc quánh, bốc mùi càng tợn. Nhưng kinh khủng hơn hết là các giếng nước gần đấy cái nào cũng bị nhiễm bẩn: nước vừa có mùi hôi vừa có những thứ cặn bợn lợn cợn hoà tan như loại thuỷ sinh đang choài đạp, không thể dùng để tắm giặt nói chi đến nấu ăn, uống? Mười mấy hộ dân sống cách ao nước thải vài bước chân hoảng hốt kêu lên thôn, lên xã. Nhưng khốn nỗi điểm công nghiệp kia đâu do chính quyền địa phương quản lý. Và cái ao trở thành khu tranh chấp giữa những người dân địa phương và các nhà máy.

 

Trận “đấu khẩu” và “đấu võ” giữa hai bên chấm dứt khi huyện bị sức ép của các cơ quan báo chí thông tấn lên tiếng. Ông chủ tịch huyện và ông trưởng ban quản lý điểm công nghiệp hứa sẽ giải quyết sớm nhất vấn nạn này. Và cách giải quyết của huyện là cho xe múc, đào một rãnh thoát cho nước thải chảy ra con mương nhỏ dẫn nước vào các cánh đồng phía dưới các nhà máy, gọi là “giải pháp tạm thời trong khi chờ kinh phí xử lý nước thải công nghiệp”. Vì là giải pháp tạm thời nên dân cũng tạm bằng lòng, chờ đợi giải pháp vững chắc lâu bền. Cái giải pháp ấy là sau hai tháng huyện cho lắp đường ống dẫn nước thải đổ thẳng ra con mương rút cách đó gần nửa cây số, chảy vào hạ lưu sông Chùa nhập vào sông Ba, đổ thẳng ra biển. Như vậy coi là huề. Có tai vạ thì cư dân vùng hạ lưu sông Chùa nhận lãnh!

 

Chuyện cái ao vừa giải quyết xong, dân lại đâm đơn kiện nhà máy nấu sắt vụn Ngọc Chính gây ô nhiễm môi trường. Báo chí là những anh nhanh tay lẹ mắt nhất, chộp cơ hội đưa tin, viết phóng sự tràn mặt báo… Nghe chuyện hấp dẫn, tôi theo một anh nhà báo tỉnh về làng; không phải đi ban ngày ban mặt mà đi ban đêm. Cũng không phải lén lút sợ sệt gì mà tại bỡi nhà máy nấu sắt vụn kia chỉ hoạt động vào ban đêm từ 22 giờ đến 4 giờ sáng. Hỏi cớ sự, một chị phụ nữ trên dưới bốn mươi, giọng rặc Phú-Yên-Nẫu the thé: “Nẫu ngu gì nấu ban ngày cho người qua lại thấy khói xịt đen trời mù đất. Nấu ban đêm không ai hử, thấy chớ. Nẫu đâu có ngu như tụi dân ngu khu đen này?”. Chúng tôi đành ghé vào nhà ông bạn vong niên chờ đêm tối. Ông ta đón chúng tôi với những lời lẽ cay đắng và bằng những hình ảnh trực quan: “Đây, mấy chú ra vườn coi đây”, nói và ông ta dẫn ra vườn cây ăn trái thập cẩm: nào mít, xoài, mãng cầu, chuối…trái thì phình to kỳ dị, trái thắt nhỏ, trái oặt ẹo sần sùi. Ông ta lạch bạch xuống bếp tìm con dao phay to bản, bổ dọc bổ ngang trái mít, banh ra như các tay đồ tể banh con heo vừa mổ thịt. Đúng là không chịu chín, các múi bấu vào nhau khô se, trong khi hột thì lại đâm rễ tua tủa. Ông ta than thở: “Mà đâu chỉ có nhà tôi. Hàng dừa nhà bên kia ra trái nào rụng trái đó, là sao?”.

Chúng tôi phân vân tự hỏi, có phải đám khói bụi kia đã gây ra tai hoạ không?

 

Đêm xuống sâu. Nhà máy bắt đầu nổ ầm ầm. Chờ sau nửa tiếng, anh bạn cầm máy đứng lên. Chúng tôi bước cao bước thấp ra khu vực nhà máy. Ánh điện sáng rực cả khu công nghiệp. Đêm mát trời. Gió nhẹ. Cả hai chọn phía đuôi gió mà đứng “thực tế”. Cột khói đen ùn ùn nhả ra như cái khạc nhổ của con mãng xà tinh. Cái mùi tanh tưởi, hăng hắc ngột ngạt đến khó thở. Ông bạn nhà báo đưa máy bấm vài cái rồi bỏ chạy. Tôi chạy theo. Cái mùi tanh khét đến lộn mửa rượt đuổi phía sau lưng.

 

Đêm ngủ lại nhà ông cụ thân sinh. Đúng là không tài nào ngủ được. Cứ khoảng năm ba phút lại một tiếng nổ ầm đanh nhọn xoáy vào tai. Tiếng hát nhừa nhựa rệu rã của những kẻ nát rượu từ cuối xóm vang động đêm sâu. Tôi lơ mơ nghĩ “một cái giá không rẻ chút nào”.

 

Dân tiếp tục gửi đơn khiếu nại đi khắp các cơ quan ban ngành liên quan trong tỉnh. Còn nhà máy thì thản nhiên nhả khói đen kịt, phủ chụp xuống các hộ dân chung quanh. Tiếng ầm ầm lại vang lên lúc thưa lúc nhặt như động đất. Vậy nhưng ông chủ tịch huyện Nguyễn Công Báu đâu có bao giờ ngửi mùi tanh nồng, đâu có chịu cảnh nửa đêm giật mình thức giấc bỡi những tiếng nổ ầm ầm như đạn pháo, nên ông lại thò tay ký tiếp một dự án nấu sắt vụn thứ hai cho DN Vi Thưởng đầu tư vào điểm công nghiệp này, đến độ có người gọi ông Báu  là loại “quan phụ mẫu chi dân”, nhân vật điển hình trong truyện “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn cách đây non thế kỷ! Thôi thì xin dân làng đừng kêu nữa?

 

*

Điểm công nghiệp nhếch nhác kia lại càng nhếch nhác hơn khi xảy ra hàng loạt vấn đề nghiêm trọng về sản xuất và tài chính: Trước hết là nhà máy bia hơi mang thương hiệu Seiger bị người tiêu dùng tẩy chay do chất lượng quá kém. Các ông chủ của thương hiệu Seiger này mỗi người bỏ đi một nơi tìm kế sách khác làm ăn. Nhà máy cửa đóng then cài. Vắng hơn chùa Bà Đanh! Trước mặt là công ty Cổ phần Phương Nam cưa ván gỗ, ván sàn nằm im ỉm sau khi ông giám đốc và cô kế toán cỗm trên 38 tỉ tiền vay ngân hàng bỏ trốn mất dạng. Công ty Minh Mỹ chuyên đan mây tre lá xuất khẩu cũng đóng cửa do không có đầu ra. Công ty Vinh Sâm sản xuất đá cây cung cấp cho tàu đánh cá ngừ đại dương thì mỗi tháng chỉ còn chở được vài xe xuống cảng do các tàu đánh bắt xa bờ nằm ụ vì lỗ lã từ nhiên liệu tăng cao. Còn công ty Bích Hợp sản xuất xà gồ, lưới rào, tôn lạnh thì không còn bóng dáng công nhân, trở thành khu biệt thự, mở cả tường rào điểm công nghiệp làm cổng thông ra quốc lộ 25…Đó là chưa kể tình trạng dự án một nơi nhưng khi thực hiện thì một nẻo: hai doanh nghiệp Tiến Hưng và Minh Liên thay vì sản xuất hàng hoá như trong dự án và mức đầu tư đã ghi rõ ràng trên giấy trắng mực đen thì lại dùng diện tích nhà xưởng cho các công ty khác thuê làm kho chứa đường kính, hột đào.v.v.

 

Giờ, duy nhất chỉ thấy nhà máy nấu phế liệu Ngọc Chính còn phun khói vào ban đêm, còn tất cả đều im lìm gục ngủ, như thể một khu phế tích! Và để tô đậm cho vẻ hoang tàn của “khu phế tích” kia, các hộ dân trong làng tranh thủ sử dụng khu đất trống chung quanh điểm công nghiệp làm nơi chế biến phân trâu bò, heo, gà… bán cho các vườn cà phê Đắc Lắc? Mùi hôi dậy đất!

 

Điểm công nghiệp Hoà An dần dần trở thành khối u. Khởi thuỷ là khối u lành. Và chỉ hơn năm sau bắt đầu chuyển sang khối u ác tính (kéo theo hàng loạt các điểm khác trong xã Hoà An) khi những nhà máy lô nhô giữa cánh đồng đang ngắc ngoải chờ đợi giây phút phán xử cuối cùng của nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt; kèm bên nỗi run rẩy kia, là những giọng hát rền rĩ “nếu mai anh chết em có buồn không…?”, từ những tâm trạng “buồn đời” do hết đất, không việc làm… đã trút tất cả hờn giận vào những chiếc loa khốn khổ đến không còn ranh giới giữa ngày và đêm. Những khúc nhạc vàng, nhạc xanh, nhạc đỏ tràn ra từ những vành môi méo lệch, âm thanh xộc xệch nghe đến nao lòng. Công cuộc “ công nghiệp hoá nông thôn, công nhân hoá nông dân” của huyện Phú Hoà tại điểm công nghiệp Hoà An giống như ngọn đèn sắp hết dầu! Niềm tin mãnh liệt vào một tương lai xán lạn, cách đây mấy năm, trên cửa miệng ông chủ tịch huyện Nguyễn Công Báu công khai trước dân, giờ trở thành nỗi thoi thóp trong cách giải quyết công ăn việc làm cho những người dân không còn tấc đất (tiền nhận đền bù thì hết nhẵn). Cái “phẩm hàm” nông dân muôn thuở bị đánh đổi thành công nhân bèo bọt thất nghiệp khiến cho hàng chục lao động phải tự cứu mình trước khi trời cứu: phụ hồ, xúc cát, xe thồ, đốn mía thuê… nghĩa là làm bất cứ nghề gì lương thiện miễn sao có tiền nuôi sống gia đình.

 

Ấy vậy, nhưng niềm phấn khích về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế kia của huyện chưa chịu ngừng nghỉ, chưa tính ra hiệu năng của các nhà đầu tư, nên tỉnh và huyện vẫn tiếp tục chuyển đổi hàng chục mẫu đất ruộng “thượng đẳng điền” cho các doanh nghiệp trên địa bàn xã Hoà An: giao cho DNTN Cẩm Tiên thuê gần nửa mẫu đất để lắp đặt dây chuyền sản xuất bánh tráng xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp này lại cố ý nới rộng diện tích lên gấp đôi (huyện tỉnh không hề hay biết?), rồi lại được miễn hoàn toàn thuế đất trong 13 năm đầu và năm mươi phần trăm trong 10 năm tiếp theo gọi là ưu đãi để thu hút từ 20 đến 30 lao động thường xuyên. Nhưng khốn thay, Cẩm Tiên chỉ hoạt động được đúng một tháng thì đóng cửa vì không có đầu ra (!?); người dân đi qua lại doanh nghiệp này, nhìn vào thấy ngôi nhà in hệt ngôi biệt thự cao cấp, bao quanh là vườn cây ăn trái, cành nhánh đang với lên mái ngói đỏ ngạo nghễ. Người dân thầm thì: rõ ràng có toan tính từ trước? Chưa hết, nhà nuôi dạy trẻ tư thục Bông Sen được cấp trên nửa mẫu, từ 4 năm nay chỉ thấy xây tường rào và trồng chuối chung quanh, đến nỗi dân địa phương mượn câu nói của cụ Khổng Tử trong sách Đại Học, kêu lên: “Vì lợi ích mười năm trồng chuối, vì lợi ích tới trăm năm sau mới trồng người”. Rồi nửa mẫu đất giữa quốc lộ 25 và đường tránh quốc lộ 1A cho doanh nghiệp Phú Trang  để đầu tư lĩnh vực giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, nhưng sau khi hoàn thành thì treo bảng “dịch vụ giữ xe ô tô”; làm nơi chứa củi đốt cho các lò gạch ngói thủ công…

Tỉnh, huyện chưa chịu dừng lại ở đó, hăng hái đưa ngay hơn mẫu đất ruộng hạng nhất giữa đồng (trên quốc lộ 25) để Công An Giao thông Phú Yên xây trụ sở làm việc, và nửa mẫu đất khác đối diện cho Quản lý thị trường tỉnh làm nhà kho cất giữ hàng lậu!? Danh sách lấy đất sản xuất 2 vụ lúa đổi ra đất ở, đất công nghiệp ở huyện Phú Hoà… cứ ngày dài mãi ra, đến độ một số cán bộ huyện cũng nhảy vào lập dự án ma biến thành đất nhà ở, lại đẻ ra những tay cò mồi đất, vẽ vời trăm nẻo khiến ông trưởng phòng “địa chính” huyện hoa mắt sau những trận bia bọt say bí tỉ, đặt bút ký nháy, trình lên lãnh đạo huyện ký bừa, là hệ quả của những vụ kiện cáo rối tung lên, báo chí khản cổ, hao tốn giấy mực để viết phóng sự điều tra, đưa ra những con số và những sự thật đến đau lòng.

 

Người dân thấp cổ bé miệng chỉ dám thầm thì nhỏ to. Báo chí nói, viết rồi sau thời gian bụi phủ lớp dày, mà ngón đòn phù phép của những kẻ có lợi và được lợi thì vẫn cứ mọc lên như nấm mùa mưa, đến nỗi vị cán bộ cách mạng lão thành từng giữ cương vị cao ở đảng bộ tỉnh, khi nhìn thấy phải kêu lên: “Cứ kiểu này thì chẳng bao lâu nữa dân sẽ không còn đất để sản xuất”. Tấm lòng và tiếng nói của ông, người dân ghi nhận, nhưng khốn thay, ông không còn tại chức để sự cảnh báo này đủ sức mạnh. Thực tế thì những người dân cơ cực đã lang thang khắp xứ để kiếm sống rồi. Nói ra thật đáng tội và xấu hổ: không nơi nào như xứ này có trẻ em và người lớn nhếch nhác trên đường phố Sài Gòn bán từng tấm vé số để kiếm sống qua ngày, đông đến vậy? Họ liên kết với nhau “cát cứ” một vùng rộng lớn, từ quận Một, quận Ba, quận Năm, quận Tám, Bình Thạnh, Thủ Đức, quận Chín…đi đâu cũng nghe những người bán vé số nói giọng rặc Nẫu. Nhìn thấy cảnh ấy, anh bạn nhà báo gốc Phú Yên nổi doá: “Mẹ kiếp chúng bay, bộ tỉnh đẩy hết mọi người ra đi để lấy đất bán tất cho những người có của sao?”. Anh nói hơi quá lời, nhưng đúng là anh ta không thể cầm lòng khi nhìn thấy “bầy người bé nhỏ” kia không đáng phải lang thang và mưu sinh ở cái tuổi ấy, trong khi cán bộ tỉnh dự họp ở Sài Gòn luôn ngồi trên ô tô gắn máy điều hoà đưa đón, đời nào chịu đặt đôi chân bịu mỡ màng lang thang trên hè phố để nhìn thấu cảnh đau lòng kia?

 

Làng Phú Ân, xã Hoà An, huyện Phú Hoà chỉ là cái chấm nhỏ, rất nhỏ, nhỏ hơn trăm lần sợi tóc, trên bản đồ Việt Nam, nhưng những hệ luỵ của nó hình như đang là mẫu số chung cho tất cả địa phương trong cả nước, cho những nơi chạy đua thành tích, móc ngoặt trong việc đổi đất lấy công trình, cho tư túi cá nhân, cho những liên kết ma quỷ… đến nỗi có người ngửa cổ kêu trời: “Khoán 10 và 100 là đem đất chia cho dân nghèo, vui mừng biết bao; giờ thì lấy tất của người nghèo đưa cho thằng giàu, cay đắng biết bao”. Có thật vậy không với những nơi có kiểu làm ăn nhếch nhác như Phú Hoà, Phú Yên?

 

Ôi, khi vui, hát chơi chút đã đành; giờ chẳng mấy vui, tiếng gào rống kia cũng vang dội khắp làng, nghe càng tợn, như thể trút hết “lục dục thế thái” vào chiếc micro và hai cái loa bự chảng khiến tôi liên tưởng ngay đến bài thơ Con ve và con kiến của La Fotaine học hồi lớp Nhất!

 

Sự liên tưởng ấy lại nổ đom đóm khi đọc báo (vào cuối tháng Tư vừa qua) thấy bà Tổng thống Philippin: Aroyo khuyên dân nên tập thói quen ăn bánh mì thay cơm và các tiệm ăn thay vì bán một chén cơm kèm thức ăn như trước, giờ chỉ nên bán nửa chén để tiết kiệm lương thực đang thời kỳ khủng hoảng. Một nước từng đứng đầu khu vực Đông Nam Á trong việc xuất khẩu gạo ra thế giới trong vài ba thập niên trước, nay lại phải lên tiếng cảnh báo trước quốc dân đồng bào rằng, nếu quốc gia này không nhập được triệu rưỡi tấn lương thực trong năm nay thì cả nước đói ăn là cái chắc? Hệ quả này cũng bắt đầu từ chuyện biến đất ruộng thành khu công nghiệp, sân golf, resort…một cách ồ ạt, vô tội vạ mà không lường hết mọi hậu quả lâu dài.

 

Cơn khủng hoảng lương thực dây chuyền khắp nơi trên thế giới lan nhanh thành một thứ dịch. Ở ta cũng vậy, từ Nam chí Bắc, đám đầu cơ chộp lấy cơ hội ngàn năm có một, đẩy giá tít cung mây. Dân hốt hoảng xếp hàng mua dự trử. Chính phủ ra tay ngăn chặn. Cơn sốt giá hạ nhiệt. Mọi chuyện trở nên bình thường. Nhưng có một điều không bình thường chút nào, rằng cơn sốt ảo vừa qua là ảo, là không thật, nhưng đằng sau cái không thật kia là lời cảnh báo cho những người có trách nhiệm “chăn dân”, từ làng xã cho tít tận trời cao?./.

 

(Huế, tháng 5.2008)

Nguyễn Lệ Uyên
Số lần đọc: 2706
Ngày đăng: 28.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chim sẻ - Nguyễn Hồng Nhung
Nó hiểu - Nguyễn Khương Bình
Giấc mơ trượt ngã - Ngô Kế Tựu
Sông trôi về đâu - Nguyễn Minh Phúc
Khoảng cách - Huỳnh Văn Úc
Con chó quý - Phạm Thái Ba
Tướng sát phu - Đỗ Ngọc Thạch
María Dos Prazerès - Trần Vũ
Những hạt đậu màu đỏ tía - Phạm Thái Ba
Tình già - Ngô Kế Tựu
Cùng một tác giả
Nhớ…. (truyện ngắn)
Chiếc ly vỡ (truyện ngắn)
Cha con và chị và em (truyện ngắn)
A lô... Tôi xin lỗi (truyện ngắn)
Nhan sắc (truyện ngắn)
Bão xa (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Thở dài (truyện ngắn)
Từ mái trường xưa (truyện ngắn)
Sông xa (truyện ngắn)
Buổi sáng mát mẻ (truyện ngắn)
Sông chảy về núi (truyện ngắn)
Cưới vợ ăn tết (truyện ngắn)
Đồng làng (truyện ngắn)
Mưa trên sông ĐăkBla (truyện ngắn)
Lá thư bỏ quên (truyện ngắn)
Vòng trắng (truyện ngắn)
Về Tuy Hòa (truyện ngắn)
Bóng Nắng (truyện ngắn)
Cả làng hát karaoke (truyện ngắn)
Hương Cau (truyện ngắn)
Về Làng (truyện ngắn)
Mùa Tết (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Chân dung tự họa (truyện ngắn)
Nhân dân ơi, xin chào (truyện ngắn)
Lên Non Hái Trái (truyện ngắn)
Những Kẻ Căm Lặng (truyện ngắn)
Buổi Sáng Trong Làng (truyện ngắn)
Còn cọng rau dền (truyện ngắn)
Chìm Sâu Xuống Đáy (truyện ngắn)
Văn Hoá Đọc, (tạp văn)
Đĩ Xược (truyện ngắn)
Vàng Bông Vạn Thọ (truyện ngắn)
Tàu Khuya (truyện ngắn)