Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.146
123.225.824
 
Triết học chính trị-3
Nguyễn Ước

Nietzsche: công bình là hướng thượng

 

Thế nhưng không phải mọi triết gia đều đồng ý với nỗ lực giảm thiểu những bất bình đẳng của Rawls. Trước đó, trong thế kỷ 19, Friedrich Nietzsche (1844-1900), triết gia Ðức, đưa ra quan điểm ngược lại. Ông cho rằng không nên kềm hãm kẻ mạnh vì nhu cầu của kẻ yếu. Nietzsche cho rằng thể chế dân chủ và Kitô giáo có hiệu quả tiêu cực, làm suy nhược giống nòi loài người bằng việc, theo một cách nào đó, mưu tìm lợi thế đặc biệt cho kẻ yếu đuối, nghèo khổ và tật nguyền.

 

Thay vào đó, Nietzsche hướng tới Ubermensch – "siêu nhân" hoặc "người phi thường", kẻ phô bày ý tưởng phấn đấu cho cái gì đó hơn và hơn nữa. Ðối với Nietzsche, con người là cái gì đó cần khắc phục: một khởi điểm mà từ đó ta chuyển động hướng tới trước và hướng lên cao.

 

Phê bình khái quát

 

Lối tiếp cận của Rawls còn bị phê phán một cách tổng quát hơn. Trong chương này, chúng ta vừa xét đến sự phân chia giữa hai loại người. Một là những người cho rằng cá nhân có quyền ưu tiên và cho quốc gia có vai trò tối thiểu, cùng những người cho tới nay vẫn lập luận rằng quốc gia không hiện hữu. Hai là những người cho quốc gia có quyền ưu tiên để chỉ trong bối cảnh xã hội ấy các cá nhân mới phát triển đầy đủ tiềm năng của nó. Chúng ta hãy khảo sát lý thuyết của Rawls từ điểm nhìn đó.

 

Bằng cách làm cho những kẻ tìm đến nhau để thiết lập các nguyên tắc của xã hội cùng quên đi tiểu sử cá nhân của nhau, người ta cũng làm cho họ buông bỏ tất cả những gì họ có thể sở đắc và thành tựu về mặt tự nhiên. Việc người thành công bị làm cho quên hết những gì họ sở đắc nhờ lao động cần cù và phải quyết định chọn phần được chia đồng đều các tài nguyên bị gộp chung sẽ đưa tới tình trạng người ta chỉ lao động vì sở thích và không có hố cách biệt giàu nghèo.

 

Cũng bằng cách nhìn mọi người đều ngang nhau, lý thuyết của Rawls thiết lập một xã hội cống hiến những chia sẻ bình đẳng. Nhưng có phải dân chúng trong một xã hội thật sự đều quả thật giống như thế? Người ta có thể lập luận rằng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có sự đồng thuận về một quan điểm có tính căn nguyên để lấy đó làm chuẩn mực cho việc bắt đầu tiến trình lập ra những qui tắc của xã hội; mọi hệ thống pháp luật thật sự và mọi ý tưởng về công bình đều bị đóng khung trong bối cảnh lịch sử của chúng.

 

Câu hỏi ngược của Dworkin

 

Ronald Dworkin (1931- ), triết gia luật học và là giáo sư trường Luật thuộc Ðại học New York cũng đưa ra một lời phê bình khác về quan điểm của Rawls.

 

Dworkin lập luận rằng thay vì nêu ngay câu hỏi "Công bình là gì?" bạn nên đặt trước đó một câu hỏi khác, đó là "Cả nam lẫn nữ nên có loại đời sống nào? Và trong con người, cái gì được coi là tuyệt hảo?" Ông nêu lý lẽ rằng quan điểm tự do, như Rawls đưa ra, không để mắt xem xét tới câu hỏi ấy. Ứng xử của Rawls về các cá nhân không hoàn toàn đặt cơ sở trên những gì có liên quan tới họ như những cá nhân.

 

Tạm đúc kết

 

Tóm lại, ý tưởng của Rawls về công bình đặt ra những vấn đề khiến chúng ta phải suy ngẫm. Nếu chỉ cho phép có sự bất bình đẳng đôi chút, dựa trên cơ sở tạo phúc lợi cho người ít may mắn nhất như quan điểm của Rawls, thì con người nói chung ít có cơ hội triển khai sự tuyệt hảo của nó, vì mọi phương thế cống hiến cho quá trình phát triển sự tuyệt hảo ấy dường như sẽ làm khuếch rộng thay vì thu hẹp khoảng cách giữa người có nhiều năng lực nhất và người có ít năng lực nhất. Hơn nữa, làm thế nào một lý thuyết như thế tránh khỏi việc gây ra trạng thái tầm thường nhạt nhẽo, vô vị trong cuộc sống?

 

Nozick: công bình là quyền giữ của cải

 

Nếu cứu cánh của xã hội là bảo vệ sinh mạng, tự do và tài sản của cá nhân, thì nên làm cho mỗi người có khả năng bảo tồn những gì chính đáng là của mình. Nhân danh việc thiết lập sự bình đẳng, xã hội phân phối của cải mà trong thực tế, nó đang tước đoạt của cá nhân quyền bảo quản, cái vốn là lý do khiến cho con người ngay từ đầu tìm tới với nhau để hình thành xã hộiù.

 

Người đưa ra lối tiếp cận vừa kể đối với vấn đề công bình là Robert Nozick (1938-2002). Ông là triết gia người Mỹ, giáo sư Ðại học Harvard. Trong cuốn Anarchy, State and Utopia (Tình trạng vô chính phủ, quốc gia và tưởng quốc Utopia, 1974), Nozick lập luận rằng thật sai lầm khi quốc gia thu thuế các cá nhân và ép buộc họ đóng góp vào các dịch vụ y tế vốn đưa phúc lợi tới cho kẻ khác. Hành động ấy xâm phạm quyền tự do của cá nhân trong việc sở đắc của cải và bảo tồn sự thịnh vượng đóù.

 

Ðối với Nozick, thật hoàn toàn chính đáng khi bạn cho kẻ khác cái bạn có nếu bạn chọn lựa làm điều đó nhưng đừng đòi hỏi người khác phải cho bạn cái của họ. Theo lý thuyết xã hội này, sự đóng góp tự nguyện được hoan nghênh nhưng các sắc thuế cưỡng bách thì không. Ông lập luận rằng công bình là vấn đề quyền mà các cá nhân phải có để bảo lưu các "vật sở hữu", của cải mà họ đã sở đắc một cách hợp lệ.

 

Phê bình Nozick

 

Nhận xét trường hợp của Nozich, ta thấy có một đặc điểm quan trọng rằng trong mọi thời đại, từ xưa tới nay, của cải thật sự mà cá nhân sở đắc đều có liên quan tới câu chuyện cuộc đời của người ấy: của cải ấy có thể đến do bởi cá nhân đó lao động trong nhiều năm trời hoặc đến từ gia tộc qua thừa kế. Tuy thế, trong thực tiễn, không phải bao giờ cũng có thể dễ dàng xác minh rằng tất cả của cải mà họ sở đắc đều hợp lệ. Ðất đai mà một dòng họ đang có qua nhiều thế hệ có thể, từ căn nguyên, được sở đắc bởi các phương thế đáng ngờ nhất.

 

Nhằm chống lại những kẻ mưu tìm sự bình đẳng, Nozick cũng lập luận rằng cho dù dân chúng được làm cho bình đẳng, họ cũng sẽ lập tức bắt đầu giao dịch thương mại và rồi nhanh chóng lập thành sự bất bình đẳng.

 

Ðúc kết một cách khác

 

Qua những ý tưởng của các triết gia về công bình cùng những người đồng thuận hoặc chống đối họ, ta có thể tóm gọn một cách cụ thể và trực tiếp.

a. Hoặc "quyền tư hữu là trộm cắp". Kết luận này ngụ ý rằng mọi tài sản nên thuộc về quốc gia, hoặc tối hậu, thuộc về cộng đồng toàn thế giới. Công bình đòi hỏi sự tái phân phối dựa trên nhu cầu.

b. Hoặc "tái phân phối là trộm cắp!" Kết luận này hàm ý rằng mỗi cá nhân có quyền đối với những gì mình sở đắc một cách hợp lệ. Công bình đòi hỏi nên để cho mỗi cá nhân triển khai tiềm năng của mình, không bị ngăn trở bởi các khái niệm giả tạo về công bình.

 

VIII. Tự do cá nhân và luật pháp

 

Tự do, theo ngữ cảnh này, tương đối khác với chữ tự do trong cuộc tranh luận về "tự do và thuyết tất định" được đề cập tới ở một chương trước trong đó người theo thuyết tất định lập luận rằng chúng ta không bao giờ có tự do chọn lựa điều mình làm vì mọi sự có khả năng bị quyết định dưới dạng quan hệ nhân quả.

 

Ở đây, mục đích của cuộc tranh luận là bàn về cấp độ của tự do mà cá nhân có quyền hành xử trong xã hội, với giả thiết rằng tự do ấy có thể có trên sự tự do của những người khác: tự do hành động nội trong giới hạn nhất định do pháp luật qui định. Một khi con người hành động vượt ra ngoài giới hạn ấy, xã hội có thể can thiệp bằng cảnh sát và tòa án để buộc kẻ "sống ngoài vòng pháp luật" ấy thọ phạt.

 

Trong khuôn khổ pháp luật

 

Tham chiếu quan điểm đạo đức mang tính duy thực lợi chủ nghĩa (xem chương 7), ta thấy John Stuart Mill lập luận rằng trong trường hợp riêng tư của một cá nhân nào đó, khi hành động của người ấy chỉ tác động lên bản thân y, thì đương sự được tự do tuyệt đối; chỉ khi nào hậu quả của hành động ấy tác động lên người khác thì mới cần tới pháp luật can thiệp vào sự tự do ấy. Ðây là căn bản theo lẽ thường, hợp với cảm quan chung của nhiều người trong việc làm luật.

 

Ta có thể nêu lên một thí dụ thời thượng, đó là vấn đề hút thuốc lá. Nếu hút thuốc lá là một hành động riêng tư với hậu quả chỉ làm hại, dù nhiều mặt, và chỉ hành hạ bản thân người chọn việc hút thuốc thì không có nhu cầu phải làm luật chống lại nó. Luật pháp có thể can thiệp, cấm hút thuốc lá nơi công cộng nếu nó là một trong các nguy cơ gây hỏa hoạn, hoặc có người muốn tự do hít thở không khí trong lành, không bị ô nhiễm vì khói thuốc của người khác.

 

Có thể biện minh đơn giản cho việc làm luật dựa trên cơ sở duy thực lợi chủ nghĩa rằng luật pháp bảo vệ người khác trong xã hội khỏi bị các hiệu quả hành động của cá nhân.

 

Nhưng có nên bắt xã hội như một toàn bộ, qua những dịch vụ y tế của nó, phải trả giá cho quyết định của một cá nhân hút thuốc, dùng ma túy hoặc luyện tập các môn thể thao nguy hiểm? Ở đây, luật pháp phải thiết lập sự quân bình giữa quan điểm đạo đức duy thực lợi chủ nghĩa với sự bảo tồn các quyền của cá nhân.

 

Lập quân bình cho tự do tối đa

 

Ý tưởng về tự do cá nhân là cơ sở cực kỳ quan trọng trong tư tưởng chính trị hiện đại, có lẽ do phản ứng trước những kinh nghiệm quá đổi hãi hùng của hệ thống độc tài dưới các chế độ quốc xã, phát xít, Khmer đỏ, và một số chế độ chuyên chế phản dân chủ ở Nam Mỹ, châu Phi và nhiều nơi khác trên thế giới. Triết gia Áo Karl Popper (1902-1994) thuộc "Câu lạc bộ Vienna", từng lưu vong sang sống ở Tân Tây Lan rồi Luân Ðôn, trong cuốn The Open Society and its Ennemies (Xã hội mở và các kẻ thù của nó, 1945) đã lấy chủ đề tự do làm trung tâm cho cuộc luận chiến của ông chống lại các hệ thống chính trị có nội hàm chuyên chế.

 

Trong thập niên 1960, phần lớn các cuộc tranh luận chính trị đều tập trung lên cách thức xã hội tuy giữ gìn trật tự nhưng vẫn để cho tự do tối đa. Lý thuyết của John Rawls về công bình có thể được nhìn như một nỗ lực biện minh cho quan điểm cấp tiến về một xã hội trong đó sự tái phân phối của cải là một chọn lựa hợp lý của các cá nhân tự do.

 

Rawls đưa ra quan điểm, với một tiền giả định trong lý thuyết của mình, rằng với điều kiện mọi cái cốt yếu của đời sống đã được thỏa mãn, người dân sẽ chọn tự do thay vì, thí dụ, chọn cơ hội để có thêm của cải. Quan điểm này bị Ronald Dworkin và các triết gia khác thách đố; họ nghĩ rằng có một số người thà chấp nhận lao vào trò may rủi để chiến thắng còn hơn chơi một cách an toàn và đi theo quan điểm bình đẳng, cấp tiến của Rawls.

 

Quyền con người

 

Luật pháp về các quyền của con người hình thành trên cơ sở tán thành sự tự do của cá nhân, và xem mọi người đều có những quyền con người cơ bản. Tuy nhiên, có khác biệt giữa việc có một chuỗi các quyền ấy và sự tự do để có thể hành xử chúng. Về mặt tổng quát, dù các quyền ấy được cung cấp đồng đều cho mọi người bất chấp tuổi tác và năng lực nhưng đôi khi cần phải cắt bớt việc hành xử các quyền ấy.

 

Sự giảm thiểu ấy thường dựa trên một số cơ sở như:

a. Tuổi tác. Trẻ em có quyền và được luật pháp bảo vệ để khỏi bị người khác lợi dụng hay bóc lột, như chúng không được phép, thí dụ, đi mua thuốc lá hay mua rượu, lái ô tô hay lái máy bay. Những giới hạn ấy được đặt ra vì khi chưa tới độ tuổi thích đáng theo pháp luật qui định, thường là 18 tuổi, trẻ em đều bị xem là không đủ khả năng đưa ra những quyết định có trách nhiệm, và vì thế, phụ huynh hoặc xã hội phải đặt ra các cấm cản đối với tự do của trẻ em.

b. Bệnh tâm thần. Những kẻ bị mất trí và rất có thể là mối nguy cho bản thân hoặc cho người khác, cũng đều bị kiềm chế.

c. Thiếu kỹ năng. Khác với tính tự nhiên của quyền sở hữu, lái máy bay hay lái các loại xe có gắn máy, nếu không có bằng lái là phạm pháp. Có thể biện minh cho qui định ấy trên cơ sở duy thực lợi chủ nghĩa vì có thể gây nguy hiểm cho người khác trên trời hoặc trên đường. Cũng thế, làm nhà phẫu thuật hoặc tiến hành giải phẫu nếu không có bằng cấp chuyên môn là phạm pháp. Không có sự chấp nhận chính thức và công khai các kỹ năng ấy, nhiều thao tác thuộc loại đó có thể gây nguy hiểm cho mạng sống hoặc tình trạng sức khỏe của người khác.

 

Bên cạnh sự cắt giảm thường xuyên ấy, những người vi phạm pháp luật cũng bị truất các quyền đó. Hình thức xử lý họ có thể, thí dụ bằng giam giữ trong nhà tù hay quản chế tại gia, hoặc bằng lệnh của tòa án nhằm chận lại các hành động đang được tiến hành hoặc ngăn trở người này khỏi tới gần người kia hoặc đặt chân tới một địa điểm nhất định. Lệnh ấy có thể được dùng một cách hồi tố nếu đương sự từng phạm pháp trước đó, hoặc chận đứng sự việc sắp xảy ra, thí dụ ngăn không cho xuất bản một bài báo có tiềm năng gây hại.

 

Vẫn sở hữu các quyền

 

Trong hết thảy các trường hợp ấy, cá nhân đương sự vẫn còn giữ các quyền căn bản của mình nhưng không thể hành xử chúng, trên căn bản rằng sự hành xử của đương sự sẽ đi ngược lại các lợi ích của xã hội như một toàn bộ. Lối tiếp cận này đặt cơ sở trên ý tưởng khế ước xã hội trong đó luật pháp của xã hội được tạo ra bởi sự đồng thuận, và tình trạng tạm thời mất các quyền tự do nhất định ấy được đánh đổi bằng sự sở đắc một biện pháp bảo vệ xã hội. Do đó, cũng có thể biện minh cho nó trên cơ sở duy thực lợi chủ nghĩa.

 

Nhưng Ronald Dworkin lại lập luận rằng "quyền" là cái cá nhân có thể hành xử dù sự tiến hành nó đi ngược lại lợi ích chung. Nói cho cùng, đối với một quyền nhất định của tôi, thí dụ tự do ngôn luận, tự do đi lại... nếu không có người nào muốn thách đố nó thì không có vấn đề tôi phải tuyên bố rằng tôi có nó. Chỉ trong những tình huống khó khăn, tôi mới phải đòi "được quyền thực thi nó".

 

Ðiều ấy có nghĩa rằng, ít nhất trong bối cảnh tức thời, không thể biện minh cho các quyền ấy trên các cơ sở duy thực lợi chủ nghĩa. Nó không nhất thiết cung cấp "cái thiện cao cả nhất cho số lượng lớn lao nhất". Thông thường, chỉ có thiểu số mới đòi hỏi phải có quyền. Các quyền được thiết lập theo khế ước xã hội, thí dụ Hiến pháp Hoa Kỳ hoặc Hiến chương Liên hiệp quốc, và biểu hiện các định chuẩn căn bản được dùng cho sự đối xử mà cá nhân có thể trông mong nhận được vì thực tế hệ thống luật pháp và xã hội đã đề ra các quyền ấy.

 

Ba điểm đúc kết

 

Ta có thể tóm lược những gì đã được trình bày trong phần này dưới hình thức ba điểm:

1. Tự do cá nhân cần được cân bằng với nhu cầu của xã hội như một toàn bộ. Có thể thẩm định tính chất đạo đức trong việc hành xử tự do cá nhân dựa trên cơ sở duy thực lợi chủ nghĩa;

2. Các quyền của con người thể hiện sự tự do căn bản và các cơ hội mà cá nhân có thể kỳ vọng nhận được từ xã hội. Ðôi khi có thể cấm cản các quyền ấy nếu sự hành xử chúng tạo nguy cơ cho cá nhân hoặc xã hội như một toàn bộ;

3. Không phải lúc nào cũng có thể lấy duy thực lợi chủ nghĩa làm cơ sở biện minh cho việc hành xử các quyền con người. Ðiều quan trọng là cá nhân có thể đòi hỏi quyền ấy cho mình dù nó không tạo ra phúc lợi cho đa số.

 

IX. Phong trào nữ quyền

 

Từ đầu sách đến nay, chúng ta đã thấy xuất hiện rất nhiều triết gia, và chắc chắn độc giả không thể không để ý rằng hầu hết các triết gia được đề cập tới ngang đây đều thuộc nam giới. Dường như giới đàn ông sắp xếp các nghị trình thảo luận cho loài người, cả về mặt triết học lẫn về mặt chính trị, khiến chúng có vẻ trở thành những lối tiếp cận vấn đề dựa trên thứ lý tính và luật pháp hình như chỉ đặc biệt thích đáng với môi trường trí thức của nam nhi. Vì thế, có thể xem là đã lơ là sự đóng góp của riêng phần nữ nhi và tạo ra sự mất quân bình trong việc đặt vấn đề và giải quyết vấn đề cho toàn thể loài người.

 

Bình đẳng là nền tảng trí tuệ

 

Sự xuất hiện của phong trào nữ quyền, do đó, đã và đang đưa dẫn vấn đề phái tính vào các khái niệm về công bình, bình đẳng và các quyền con người. Cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới đồng thời còn vạch ra các địa hạt từng bị nam giới xem là độc quyền của họ, hoặc có cái nhìn thiên lệch, gạt bỏ nữ giới ra đứng bên lề.

 

Tác phẩm chủ yếu trong công cuộc vận động nhân danh phụ nữ là cuốn A Vindication of the Rights of Women (Xác minh các quyền của phụ nữ, 1792) của triết gia người Anh kiêm nhà văn đấu tranh cho nữ quyền Mary Wollstonecraft (1759-1797).

 

Trong cuốn sách đó, Wollstonecraftø lập luận rằng sự bình đẳng là nền tảng của trí tuệ. Tuy nhiên, quan điểm ấy không hàm ý rằng không nên có sự phân biệt giữa nam giới và nữ giới. Và bà hoàn toàn sung sướng thấy rằng đàn bà và đàn ông đóng những vai trò khác nhau trong xã hội. Trong thực tế, bà thấy hành động đóng góp chủ yếu của phụ nữ xuất phát từ trong gia đình.

 

Bắt đầu từ các định chế

 

Vào thế kỷ 19, chủ đề chính yếu cho viễn cảnh phong trào nữ quyền trong đời sống chính trị của nước Anh là cuộc vận động cho phụ nữ có quyền bầu cử. Chủ đề này không chỉ do người nữ trình bày, nó còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều người nam, trong đó có J.S. Mill, triết gia duy thực lợi chủ nghĩa.

 

Nói chung, phong trào nữ quyền tìm cách trình bày một phê phán có tính lịch sử về những bất công xã hội mà nữ giới đã và đang gánh chịu, đồng thời gợi ý cho thấy rằng định kiến phái tính trọng nam khinh nữ không đơn giản chỉ là vấn đề thành kiến cá nhân mà là cố hữu trong các định chế chính trị và xã hội, thí dụ chế độ gia trưởng, các chính sách về ưu tiên tuyển dụng công nhân và sai biệt lương bổng, v.v.

 

Tới đạo đức phái tính

 

Trên mặt trận rộng lớn hơn, phong trào nữ quyền cũng mở tới các cuộc thảo luận về mối quan hệ giữa hai phái tính, vai trò riêng biệt của nữ giới, và những hàm ý đạo đức của phái tính. Từ đó, các nhà tư tưởng của phong trào nữ quyền đã có những đóng góp đặc thù vào lối tiếp cận mang tính "đạo đức học đức hạnh" (xem chương 7), và thông thường, nó được xem như một loại lý thuyết chính trị cấp tiến, mang màu sắc khuynh tả và được sự ủng hộ của cánh tả.

 

Ngày nay, cuộc đấu tranh bình đẳng giới diễn ra không chỉ ở ngoài xã hội, trong sinh hoạt gia đình mà còn vào tận phòng ngủ, nơi mà sinh hoạt tính dục phải diễn ra theo sự đồng thuận và trân trọng của cả đôi bên.

 

X. Một số kết luận

 

Vấn đề đối với triết học chính trị, và có lẽ đối với toàn bộ triết học, là nó phải thao tác trên những khái niệm bị khái quát hóa và trừu tượng. Hiếm khi người ta thấy nó ứng xử tương xứng với một tình huống thật sự mà con người tìm thấy chính mình ở trong đó. Thế giới thì phức tạp. Của cải và sự thịnh vượng, ở vào một tư thế và địa vị nào đó, là sự sở đắc bằng cái giá nghèo khổ của người khác. Kinh tế thị trường "tự do" dẫn một số người tới thành công thịnh đạt và một số người khác tới lao đao thất bại. Luật pháp, vốn tạo phúc lợi cho những kẻ muốn bảo lưu sự thịnh vượng của họ, được một thiểu số ưu quyền xem như lời bào chữa và trấn an cho lòng tham danh hám lợi của mình.

 

Khảo sát cả nội hàm lẫn ứng dụng

 

Những gì chúng ta thấy trong triết học chính trị là sự khảo sát những nguyên tắc trên đó lập nên các hệ thống pháp luật và chính trị. Các quyền của con người, công bình xã hội, bình đẳng nhân vị, khế ước xã hội, thể chế dân chủ – những cái đó đều là những thuật ngữ có thể được các triết gia khảo sát nhằm làm sáng tỏ nội hàm của chúng. Nhưng những ý tưởng ấy cũng là kết quả của các khái niệm tổng quát hơn về cuộc sống con người cùng ý nghĩa của nó và giá trị của nó. Do đó, triết học chính trị còn khảo sát cả sự ứng dụng thực tiễn những am hiểu có tính nền tảng về đời sống con người.

 

Một khi bạn đi quá quan điểm của Hobbes cho rằng xã hội được thiết lập để hỗ tương bảo vệ nhau, một khi bạn nói rằng người ta có quyền tổ chức xã hội theo một cách thức đặc thù và không chỉ vì nhu cầu sinh tồn mới phải làm như thế, lúc đó, bạn đang bao hàm các ý tưởng về công bình, tự do, bình đẳng, sự định giá mạng sống con người, và địa vị của cuộc sống con người vào trong sự am hiểu về thế giới như một toàn bộ.

 

Quan điểm tổng quát

 

Nếu chúng ta phân chia triết học thành các phần, mỗi phần ứng xử với một số vấn đề hữu hạn, thì đôi khi chúng ta có thể quên mất các vấn nạn căn bản, thí dụ như khi ra sức tập trung vào các chủ đề chính trị và luật pháp đặc thù khiến ta không quan tâm đúng mức tới các chủ đề khác. Nhưng triết học, tự thân nó, lớn lên và phát triển như một toàn bộ mang tính hữu cơ:

1. Cách thức bạn tổ chức xã hội dựa trên quan điểm căn bản của mình về đạo đức.

2. Rồi tới lượt đạo đức đặt cơ sở trên quan điểm của bạn về "cái tôi" hoặc bản ngã, và về những ngụ ý của cái được gọi là một con người cá nhân.

3. "Cái tôi" có những hàm ý đối với câu hỏi tổng quát hơn về ý nghĩa và giá trị của cuộc đời, được thăm dò trong triết học tôn giáo.

4. Các chủ đề tôn giáo phát sinh từ những vấn nạn nền tảng về cuộc đời – các câu hỏi như "Làm thế nào ta biết được cái chắc chắn?"; "Tại sao thà có còn hơn không?"; "Sống để làm gì?"; "‘Tôi nên làm gì?" là điểm xuất phát cho toàn bộ triết học.n

 

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 2969
Ngày đăng: 29.03.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ðạo đức học-1 - Nguyễn Ước
Ðạo đức học-2 - Nguyễn Ước
Ðạo đức học-3 - Nguyễn Ước
Văn học và thời trang - Nguyễn Mạnh Hà
Thanh Thảo với những câu thơ mềm mại mà mãnh liệt - Lê Ngọc Trác
Người đương thời thơ mới bàn về tiếp nhận thơ ca nước ngoài - Nguyễn Hữu Sơn
Tìm hiểu dấu vết văn học trung đại qua một trích đoạn Truyện Kiều - Võ Phúc Châu
Cái gia gia chẳng là… cái gì cả! - An Chi
Đối thoại hậu hiện đại - Inrasara
Triết học tôn giáo-1 - Nguyễn Ước
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)