Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.095
123.231.561
 
Thông dịch viên thứ thiệt
Ngô Kế Tựu

Vừa bước chân vào cơ quan, tôi thấy Sam đang đính bản thông báo mới lên tấm bảng gỗ treo trên vách. Hôm nay, trông anh ta có vẻ yêu đời, miệng huýt sáo một giai điệu gì đó nghe thật vui tươi. Như thường lệ, mỗi khi thấy sếp, tôi chỉ “chào” một tiếng, rồi vọt thẳng vô phòng làm việc. Nhưng lần này, tôi đứng lại, ghé mắt nhìn bản thông cáo mà sếp vừa dán lên bảng.

 

- Chào cô Tu! Xin chúc mừng! Sam mỉm cười, đưa bàn tay hộ pháp ra nắm gọn bàn tay nhỏ bé của tôi lắc lắc.

- Chào sếp! Có gì mà chúc với mừng thế sếp? Tôi nhìn Sam, ngạc nhiên hỏi.

- Nhìn đi nào! Tên cô đây này. Cô đậu lớp thông dịch y tế rồi đấy. Tôi vừa mới nhận được danh sách kết quả qua email. Cơ quan mình có đến sáu người thi trượt. Thật đáng tiếc!

 

Cha mẹ ơi! Không thể tin được khi thấy tên mình in đậm trên hàng đầu. Suốt khóa học một tháng, tôi có học chữ nghĩa gì đâu. Và tôi cũng chẳng muốn theo học khóa huấn luyện thông dịch y tế, nếu như Sam không cố nài bắt tôi phải tham gia lớp học. “Trong cơ quan, có mỗi mình cô là người Việt. Cô không đi học thì lấy ai làm thông dịch tiếng Việt khi cần nào?” Cãi lệnh sếp, tất nhiên là không được. Càng không thể tỏ thái độ bất hợp tác khi sếp đã hạ mình qua phòng làm việc của tôi năn nỉ. Nhưng tôi có cách riêng của mình. Cả tháng trời, tôi học bữa đực bữa cái, mặc dù lớp có điểm danh. Mỗi sáng vào lớp, tôi ngồi ở cuối phòng. Đến giờ nghỉ giải lao, thì tôi mất dạng. Lúc thì báo với thầy là nhức đầu chóng mặt, lúc thì bận công việc giải quyết hồ sơ, phải về cơ quan gấp. Hoặc vào ngày học cuối tuần, ngồi chơi cờ ca rô với thằng Kente người Đức. Người nào thua chung chầu ăn trưa ở quán M.L. Mà cũng có khi tôi xoay qua anh chàng Khamatov đẹp trai, nói tiếng Nga chơi với hắn để xem cái vốn tiếng Nga đại học của tôi, qua hai mười năm đã rơi rụng đi hết bao nhiêu rồi. Đến ngày thi, theo câu hỏi khoanh a, b, c, d, tôi đánh đại đủ một trăm câu, nộp bài. Và kết quả thì ngược lại. “Ối làng xóm ơi! Chẳng tin được! Chuyện lạ khó tin! Chó ngáp phải ruồi!” tôi làu bàu trong miệng.

 

- Gì vậy, cô Tu? Hình như  Sam hiểu loáng thoáng những lời tôi vừa mới nói.

- Không có gì hết sếp ơi. Như vậy là thêm việc nữa rồi, phải không sếp? Tôi nói với Sam bằng cái giọng nửa ca thán nửa chấp nhận với ánh mắt cười vui khiến anh ta tưởng bở tôi mừng vì thi đậu.

 

*

 

Không phải đợi đến tuần sau, tôi mới kiêm nhiệm thêm công việc mới. Ngay buổi chiều, khi đi ăn trưa trở về cơ quan làm việc, thì tôi đã thấy tờ giấy phân công cho ca thông dịch đầu tiên nằm chình ình ở trên bàn. “Trời đất quỉ thần ơi! Thông dịch một ca bệnh tâm thần?” Tôi bắt đầu thấy lo lo, vội vả lật cuốn tài liệu phát cho học viên khóa học thông dịch y tế, tìm mải mà chẳng thấy chương nào nói về bệnh tâm thần. Đúng lúc đó, chuông điện thoại reo lên. Sếp gọi tôi qua phòng có việc.

 

- Cô Tu ngồi xuống đi! Sam nói.

- Sếp kêu qua là vì chuyện này phải không? Tôi cầm tờ giấy phân công đưa cho sếp coi.

- Tôi biết cô có nhiều việc, giờ lại thêm kiêm nhiệm công tác thông dịch, mong cô thông cảm. Tôi có một đề nghị như thế này, cô thấy sao? Hễ hôm nào có ca thông dịch, thì cô có thể nghỉ suốt buổi sáng hay buổi chiều sau khi hoàn thành xong công việc. Như thế được chứ?

- Tất nhiên phải là vậy. Như thế mới công bằng. Nhưng mà sếp ơi, tôi chẳng biết phải thông dịch như thế nào đối với người bệnh tâm thần. Sếp biết người bệnh tâm thần là như thế nào rồi mà. Là người điên, người khùng, người mát dây, người tưng tửng, ăn nói lung tung, không ý thức được hành động, lời nói của mình. Thậm chí rất nguy hiểm nữa là khác. Sếp đọc báo mỗi ngày biết rồi đó. Những vụ bắn giết hàng loạt luôn xảy ra. Đấy, mới ngày hôm qua các báo đưa tin ở Florida, một người con tâm thần, bắn chết cả nhà bốn người, rồi tự sát. Thật kinh hoàng! Một kẻ thần kinh khác tại Boston

 

Sam cười hê hê khoát tay có ý ngắt lời tôi:

- Cô làm tôi muốn mát dây rồi đây này, nếu cô không dừng lại cho tôi nói một chút! Không kinh hoàng như cô tưởng tượng đâu. Bệnh tâm thần có nhiều loại lắm. Loại bệnh tâm thần cô đi thông dịch, chỉ là những hiện tượng rối loạn thần kinh thôi. Cũng có thể những người đó có bệnh thật và cũng có thể họ gây nguy hiểm bất ngờ. Nhưng tôi không nghĩ cô sẽ gặp tình huống xấu đến thế. Cô biết nước Mỹ này có bao nhiêu người bị bệnh tâm thần không? Cả chục triệu người! Có nhiều nguyên nhân khiến người ta mắc bệnh. Đó là một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Còn việc thông dịch như thế nào thì cô đã được huấn luyện trên lớp rồi. Hãy ứng dụng những gì cô đã học vào thực tế. Đơn giản cô truyền đạt đúng lời giữa bác sĩ và bệnh nhân, thế thôi. Sáng mai, sau khi làm xong nhiệm vụ, cô có thể vù về nhà nghe nhạc để giảm stress. Buổi chiều trở lại văn phòng làm việc được chứ? Chúc cô may mắn!

- Sếp nói y như trong sách vỡ. Ngày mai thì hẳn biết. Thôi chào sếp.

Tôi bước ra cửa, ném tặng Sam câu nói đùa:

- Chiều mai không thấy tôi đi làm là sếp biết chuyện gì xảy ra rồi đấy!

 

Trở về phòng, việc đầu tiên là tìm trên mạng địa chỉ ngày mai tôi sẽ đến. In tấm bản đồ ra và đọc chỉ dẫn đường xá. Sau đó vào mạng tìm đọc những hiện tượng và bệnh lý thần kinh để chuẩn bị tinh thần cho công việc ngày mai.

 

*

 

Chín giờ, tôi có mặt tại phòng khám. Sau khi giới thiệu với cô thư ký da trắng nhỏ thó có đôi mắt đẹp như nai đứng sau quầy tiếp tân. Cô bảo tôi ngồi ghế chờ. Điệu này, tôi có khác gì người đi khám bệnh tâm thần. Trái với sự tưởng tượng ban đầu của tôi, nơi đây hoàn toàn yên ắng, không nghe thấy tiếng la hét hoặc tiếng cười the thé của những người bệnh thần kinh. Phòng đợi khá rộng, trang trí màu sắc vui tươi. Có ba dãy ghế nệm da sang trọng đặt sát tường theo hình chữ U. Phòng đợi chỉ có tôi và hai phụ nữ, một già một trẻ ngồi đối diện. Chắc họ là hai mẹ con. Họ nhìn tôi gật đầu và tôi cũng gật đầu chào lại. Ngoại hình người đàn bà lớn tuổi trông bình thường, không có cử chỉ gì khác lạ, không có dấu hiệu gì gọi là bệnh tâm thần, duy chỉ khuôn mặt hơi căng thẳng, ánh mắt lộ vẻ lo âu. Tôi nhìn vào giấy đề xuất của phòng An sinh xã hội, xem lại tên bệnh nhân và hỏi: “Bác tên là Nguyễn Thị Thơm phải không ạ?” Người phụ nữ trẻ đáp thay: “Dạ thưa, phải. Thơm là má tôi”. “Tôi là Tú, thông dịch buổi chẩn đoán cho bác gái”, tôi tự giới thiệu.

 

Sau một thoáng im lặng, cô gái kề tai nói với mẹ điều gì, rồi đứng lên:

- Nhờ chị giúp má tôi. Tôi có việc phải đi, hơn tiếng nữa tôi quay lại đón bà. Nói xong, cô đứng lên, khẽ gật đầu chào.

- Này chị… Tôi gọi với theo người phụ nữ trẻ, nhưng dường như không nghe thấy, cô bước ra ngoài cửa.

 

Không hiểu sao trong hoàn cảnh như thế này mà con cái lại có thể bỏ người mẹ tâm thần ngồi một mình trong phòng chờ khám. Tôi thầm nghĩ trong bụng, và nhìn người phụ nữ luống tuổi đáng thương với dáng vẻ âu sầu. Cuộc chẩn đoán này chắc hẳn quan trọng với bà. Ngân sách An sinh xã hội tiểu bang dành cho những người xin tiền bệnh đã bị cắt giảm. Và không có cách nào hơn buộc phải xét lại hồ sơ và chỉ định kiểm tra lại các cuộc chẩn đoán xác định bệnh tật do chính các bác sĩ người Mỹ thực hiện. Nhìn đồng hồ, thấy gần đến giờ gặp bác sĩ, tôi định tranh thủ hỏi thăm thêm tình cảnh gia đình của bà một chút, thì bà lên tiếng:

 

- Chúng nó tệ lắm cô ơi! Nó là con dâu tôi, nhưng hai vợ chồng nó đối xử với tôi tệ lắm cô à. Cha mẹ nuôi con có kể lễ với con cái bao giờ, vậy mà chúng nó đưa tôi qua đây tính toán đủ thứ hết cô à. Chúng nó bảo bán căn nhà, chia đều cho các con. Má qua đây ở với con cháu cho vui tuổi già. Chứ ở bên đó bệnh hoạn không ai lo được. Nhưng qua được vài năm, thấy tôi bệnh rề rề, chúng lại bảo má ở không được thì về, chứ bên đây bệnh hoạn không có tiền đi bệnh viện. Hai đứa nó xúi tôi giả bệnh để đi xin tiền chính phủ. Hai năm trước, con trai tôi dẫn tôi đến một văn phòng bác sĩ người Việt khám, và nhờ luật sư làm giấy tờ. Nhưng bây giờ, bác sĩ người Mỹ muốn khám lại, tôi lo quá cô à. Tiền bệnh tôi cũng chẳng cần thiết, nhưng không có bảo hiểm y tế lấy đâu mà phòng thân lúc ốm đau. Mong cô hiểu và giúp cho tôi.

 

Tôi hơi bị bất ngờ khi nghe câu chuyện về gia đình bà. Tôi nghĩ, có le, đó là những lời tâm sự, bà cầm tìm một sự cảm thông. Nhưng rõ ràng tôi không thể giúp gì được cho bà trong chuyện này. Mọi chuyện là do bác sĩ quyết định.

 

- Lúc trước bác khám như thế nào, giờ lại làm y như vậy. Cứ làm bộ ngây ngô trước những lời nói của bác sĩ. Cháu chỉ làm nhiệm vụ dịch lời của bác sĩ và bệnh nhân. “Bác còn con cháu gì ở bển không? Ở bên đây không thích thì hồi hương về bển sống cũng được mà.”

- Bên đó, tôi còn hai đứa con gái đã có chồng. Nhưng làm sao về đây hả cô. Hồi trước có nhà có cửa, chứ giờ còn gì nữa đâu mà về.

 

Không biết câu chuyện gia đình mà bà vừa kể có bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng dù sao, tôi vẫn có cảm tình với người đàn bà đang ngồi trước mặt. Tuổi bà chắc cỡ má tôi. Tuổi già thường hay bệnh vặt, ngồi trong nhà lúc nào cũng thấy buồn chán. Lúc muốn hồi hương về quê, nhưng lúc thì muốn ở lại. Tâm lý người già thất thường, khi vui khi buồn bất chợt, nửa muốn ở nửa muốn về nên thần trí đâm ra dao động, nghĩ ngợi lung tung, rối rắm. Những chuyện gia đình như thế vẫn thường xảy ra ở cái xứ này. Cuộc sống nơi đây, lúc nào cũng khiến người ta luôn phải lo toan và tính toán thiệt hơn. Vừa lúc cô thư ký bước ra quầy, đến gần chúng tôi nói: “Mời bệnh nhân vô phòng khám”.

 

Nghe gọi vô phòng khám, bà Thơm hơi giật mình, ánh mắt lộ rõ nỗi lo sợ. Tôi thấy như vậy cũng là điều hay cho nhân vật chính của vỡ kịch sắp mở màn. Tôi chỉ nhắc bà đôi lúc nên giả bộ lơ ngơ hoặc nghe câu hỏi xong thì trả lời: Không nhớ! Không biết!

 

*

 

- Chào bác sĩ! Tôi là Tu, thông dịch viên của cơ quan X cử đến. Còn đây là bệnh nhân.

- Chào mọi người! Mời quí vị ngồi xuống.

 

Vị bác sĩ có khuôn mặt hiền từ, mái tóc bạc trắng trông rất phương phi giống như một tiên ông đạo cốt. Chỉ có điều ông ăn vật rất lịch sự. Màu của chiếc cà vạt đỏ sọc đen nổi bật trên nền áo sơ mi trắng toát dưới ánh đèn. Da dẻ hồng hào nhưng da mặt và bàn tay chưa rộ nhiều nếp nhăn. Ông nói năng chậm rãi, từ tốn và rất dễ nghe. Sau một phút lặng im, ông nhìn bệnh nhân và mở tập hồ sơ trước mặt. Ông nói chúng ta bắt đầu nhé:

- Tên bà là Thom, phải không?

 

Tôi dịch y lời bác sĩ và thấy nét mặt bà căng thẳng. Bà không trả lời mà chỉ lắc đầu. Chờ khoảng mười giây sau, bác sĩ hỏi lại:

- Bà tên là gì? Và hiện đang sống ở đâu? Tôi lại dịch tiếp.

- Tôi tên là Thơm. Hiện sống ở Mỹ. Lần này bà trả lời đúng chóc.

- Bà sang Mỹ được bao lâu rồi? Bác sĩ nhìn chăm chú bệnh nhân và hỏi.

- Không nhớ. Bà đáp nhanh.

- Quê bà ở đâu?

- Long khánh.

- Hồi ở quê bà có thấy chiến tranh không? Có nghe tiếng súng, tiếng bom nổ không?

- Không biết. Tiếng bom à. Có. Nổ nhiều lắm!

- Tiếng bom nổ gần nhà không?

 

Bà làm thinh, chau mày, dường như cố gắng lục tung trí nhớ để tìm xem đã từng nghe bom nổ ở đâu. Nhưng cuối cùng thì bà lắc đầu. Những câu hỏi càng về sau càng nhanh và vẫn những cái lắc đầu nặng nhọc.

 

Vị bác sĩ điềm tĩnh, ghi chép trong hồ sơ, rồi đứng lên lấy một mớ thẻ giấy nhỏ có in hình. Ông ngồi xuống và trải chúng ra giữa bàn. Đó là những hình con số, ngôi sao, cây cối, mưa, nước và người thì bé có, trẻ có, lớn có và già có. Tất cả hai mươi hình. Tôi hiểu bác sĩ cho bệnh nhân chơi trò chơi nhà trẻ. Sắp hình theo nhóm. Ông bảo bệnh nhân hãy quan sát tất cả các hình trong vòng năm phút.

 

Tôi bắt đầu thấy mệt và dán mắt nhìn cây kim giây mỏng tang trên mặt chiếc đồng hồ nhỏ nhích từng nấc một. Thời gian như đứng lại và lòng tự hỏi không biết bà xử lý ra sao với bài trắc nghiệm loại này. Tôi thấy vai bà rung nhẹ, bà ngồi nhích lại sát cạnh bàn, mắt chăm chú quan sát các tấm hình.

 

- Bà hãy sắp xếp hình theo tính chất cùng loại vào một nhóm. Tôi dịch lời bác sĩ nói.

- Không biết! Bệnh nhân chậm chạp trả lời.

 

Bác sĩ lấy hình số 1 và số 3 để riêng ra; hình cây thông và cánh rừng; hình ngôi sao và bầu trời đầy sao và ông giải thích cách lựa chọn.

 

Vẻ mặt bà giãn ra và bắt đầu lựa chọn. Số 1, 3, 7, … Bàn tay bà dừng lại ở số 11. Do dự một lát, bà đặt lá 11 vào nhóm số. Rồi lựa tiếp hình con người: em bé, ông già, và cô gái, một cách nhanh chóng. Không xong rồi, bệnh thần kinh gì mà thông minh thế. Tôi đưa chân đạp nhẹ lên bàn chân của bà và miệng làm bộ tằng hắng. Nhưng hình như không hiểu ý của tôi, bà thụt chân vô né tránh. Bà đang say sưa tìm hình như thể đang chơi trò với mấy đứa cháu nội ở nhà. Đến nước này, không còn cách nào hơn là tôi phá lệ.

Tôi nói nhanh bằng tiếng Việt:

- Bác phải đặt lung tung lên chứ!

 

Chợt nghe tôi nói, cả hai người trong phòng cùng lúc nhìn tôi. Vị bác sĩ mỉm cười, đứng lên bước lại tủ lấy ra một loại cạc hình khác. Còn bà thì dừng tay, bối rối và chợt nhận ra điều gì đó không ổn. Riêng phần tôi lại có cảm giác mình bị hớ rồi. Giúp người hóa ra hại mình. Không khéo, bác sĩ gọi điện về cơ quan góp ý thì sếp sạt cho một trận không chừng.

 

Cuộc kiểm tra kế tiếp cũng lại bằng cách sắp nhóm. Nhưng lần này đơn giản hơn bằng những vật vị bác sĩ đang bày ra: cây thước, trái banh, cái hộp và một khối kim tự tháp bằng giấy. Bà ngồi im lặng nhìn chăm chăm vào những món vật đủ màu nằm bất động trên bàn.

 

- Bà hãy chọn hình tương ứng với những vật trên bàn. Bác sĩ yêu cầu.

 

Thấy đây là cơ hội giúp bà mà bác sĩ có thể không nghi ngờ được, tôi liền dịch:

- Bác đặt tấm hình tam giác lên trái banh, rồi lấy hình vuông gắn lên đỉnh kim tự tháp.

Bà đưa tay ra nhưng lại thụt vào, nắm lấy cạnh bàn. Bỗng bà nghẹn ngào nói:

- Tôi không biết! Tôi không nhớ! Rồi bà khóc rắm rứt như một đứa trẻ con bị phạt đánh đòn vì cái tội nói láo.

 

Tình huống xảy ra quá bất ngờ, khiến bác sĩ cho dừng cuộc kiểm tra. Ông xoay qua nhìn tôi nhỏ giọng: “Nhờ cô dẫn bà ấy ra ngoài và bảo bà cụ yên tâm về nhà nghỉ ngơi. Xong rồi, xin cô trở lại, tôi có chút chuyện muốn nói”.

 

*

 

- Mời cô Tú ngồi, bác sĩ nói tiếng Việt rất chuẩn.

 

Cha mẹ ơi! Té ra bác sĩ biết tiếng Việt? Bác sĩ gọi tên Tú của tôi nghe ngọt như đường, chứ không phải như sếp Sam tối ngay cứ “Tu, Tu mà không phải Tú”. Như vậy từ nảy giờ những gì tôi nói với bệnh nhân, bác sĩ nghe và hiểu hết cả rồi ư? Tôi thấy xấu hổ, nhưng trong lòng vẫn hy vọng, ông chỉ biết tiếng Việt vài câu để giao tiếp như nhiều người Mỹ mà tôi quen biết. Tôi ngồi xuống và lắng nghe bác sĩ nói:

 

- Chắc cô hẳn ngạc nhiên khi nghe tôi nói tiếng Việt phải không? Tôi đã từng làm thông dịch tiếng Việt từ năm 1970 ở Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn. Lúc ấy tôi còn là một cậu thanh niên hai mươi hai tuổi. Từ lúc còn đi học, tôi đã quan tâm đến chiến tranh Việt Nam. Và không hiểu sao, kể từ đó tôi yêu Việt Nam, một đất nước nhỏ bé chìm trong khói lửa, đau thương và những mất mát. Tôi có dịp đi nhiều nơi, từ đồng bằng châu thổ sông Cửu Long cho đến cao nguyên miền Trung rừng núi trập trùng. Được tiếp xúc với nhiều con người và tôi yêu quí họ. Tôi lấy vợ người Việt, một cô giáo dạy tiếng Việt ở trường trung học. Sau đó, năm 1973, chúng tôi trở về Mỹ sinh sống. Tôi đi học bác sĩ tâm lý, còn vợ tôi tiếp tục học lên trở thành giáo sư tiếng Việt tại một trường đại học. Cha mẹ vợ tôi vẫn muốn sang Mỹ sống. Nhưng vợ chồng tôi lại nghĩ, không nơi nào cho người già sống tốt hơn bằng chính tại quê hương mình. Một thân cây già đã bén rễ sâu trong lòng đất, bứng lên đem đến một vùng đất khác trồng lại thì thật không dễ dàng gì. Nó có thể sống, nhưng sống một cách lây lất vì rễ đã không còn bám ăn vào đất. Cây không bám rễ, thì cũng như con người mất đi nguồn cội, sống trong tuyệt vọng, khắc khoải và cũng chẳng thấy niềm vui của cuộc sống. Cho nên, năm nào vợ chồng tôi đều dắt con cái về Việt Nam thăm cha mẹ. Tôi hiểu những người Việt lớn tuổi đang sống tại Mỹ. Có những người theo thời gian họ thích nghi và cũng có những người không thể thích nghi được. Và tôi cũng cảm thông với hoàn cảnh của họ. Chắc cô cũng đồng ý với tôi, chỉ có niềm cảm thông giữa con người với nhau thì mới làm cho cuộc sống giữa chúng ta trở nên có ý nghĩa hơn. Thôi, hẹn có dịp gặp lại cô. Đây, giấy xác nhận thời gian hợp tác làm việc của cô với chúng tôi: 3 tiếng!

 

*

 

Tôi vừa về đến nhà, thì chuông điện thoại di động reo vang.

 

- Chào sếp!

- Chào cô Tu! Công việc hoàn thành tốt chứ? Cô đang ở đâu?

- Gì nữa đây sếp? Tôi mới về đến nhà. Ăn cơm trưa xong, tôi vào cơ quan.

- Thôi, hôm nay cô khỏi phải vào cơ quan. Có thêm một ca thông dịch cho cô đây này.

- Gì? Sao sếp? Thông dịch gì nữa sếp?

- Một ca bệnh tâm thần lúc 2 giờ. Địa điểm y như chỗ hồi sáng cô đã đến.

- Chết tôi sếp ơi! Tôi thấy không cần thiết đâu.

- Gì chứ? Sao lại không cần. Một ca bệnh nhân người Việt Nam. Đồng hương của cô.

- Nhưng ở đó đã có một thông dịch viên thứ thiệt rồi.

- Cô nói sao? Thông dịch nào? Cô chẳng phải là thông dịch viên sao? Cô phải có mặt ở đó đúng giờ. Ngày mai cô đi làm muộn cũng được. Tôi có phép đấy. Cô có biết một giờ thông dịch, người ta trả đến 45 đô đấy không! Thôi nhé. Hẹn gặp ngày may nhé. Chúc cô một ngày vui vẻ./.

Ngô Kế Tựu
Số lần đọc: 2432
Ngày đăng: 04.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tấm ảnh - Nguyễn Minh Phúc
Chị em sinh ba - Đỗ Ngọc Thạch
Khóc chẳng để làm gì - Nguyễn Khương Bình
Chết hoang - Phạm Thái Ba
Nể vợ mày - Huỳnh Văn Úc
Cả làng hát karaoke - Nguyễn Lệ Uyên
Chim sẻ - Nguyễn Hồng Nhung
Nó hiểu - Nguyễn Khương Bình
Giấc mơ trượt ngã - Ngô Kế Tựu
Sông trôi về đâu - Nguyễn Minh Phúc