Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.049
123.234.832
 
Nguồn gốc của tên gọi Nghệ thuật thứ bảy.
Vũ Quang Chính

Người yêu thích điện ảnh ở Việt Nam lâu nay ít  khi để ý đến nguồn gốc tên gọi “Nghệ thuật thứ bảy” dành cho điện ảnh, mặc dù thỉnh thoảng vẫn gặp trên báo chí tên gọi này. Mươi năm  lại đây lác đác xuất hiện một số tài liệu giải thích rằng: “Sở dĩ gọi điện ảnh là nghệ thuật thứ bảy vì nó ra đời sau 6 nghệ thuật có trước nó”.

 

Nhưng 6 nghệ thuật có trước nó là những nghệ thuật gì, thì mỗi người liệt kê ra những tên khác nhau.

 

Trong công trình “Văn học dân gian và nghệ thuật tạo hình điện ảnh”  tiến  sỹ  Nguyễn Mạnh Lân và tiến sỹ  Trần Duy Hinh liệt kê  6 nghệ thuật đó là: Văn học, Múa, Âm nhạc, Hội họa, Kiến trúc  Sân khấu.

 

Cuốn “Điện ảnh – Nghệ thuật thứ bảy” do Cao Thụy biên soạn lại liệt kê ra: “ Văn học, Kiến trúc, Nghệ thuật tạo hình (trong đó có điêu khắc,hội họa, đồ họa, trang trí mỹ nghệ ) Sân khấu,  Múa,  Âm nhạc.”

 

Các liệt kê trên  không  có sự thống nhất khi nêu tên những nghệ thuật ra đời trước điện ảnh. Hơn nữa trong số các nghệ thuật trên  không ai nêu ra “Nhiếp ảnh” cả.  Không rõ vì lý do gì, vì nhiếp ảnh không phải là một nghệ thuật hay vì nó ra đời sau điện ảnh?  Đặc biệt không ai cho biết xuất xứ của tên gọi “Nghệ thuật thứ bảy”.

 

Người đầu tiên dùng cụm từ “Nghệ thuật thứ bảy” là Ricciotto Canudo (1879 – 1923). Ông là người Pháp gốc Ý, là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà nghiên cứu văn học và nghệ thuật.  Cụm từ “Nghệ thuật thứ bảy” được ông dùng không phải để đặt tên cho điện ảnh  mà dùng nó khi viết về điện ảnh  trong quá trình nghiên cứu tính chất  và mối quan hệ của các loại hình nghệ thuật. Lúc đầu ông còn chưa dùng  cụm từ “nghệ thuật thứ bảy” mà dùng cụm từ “ nghệ thuật thứ sáu” để chỉ điện ảnh.

 

Việc nghiên cứu tính chất của các loại hình nghệ thuật đã được tiến hành từ thời  Cổ đại. Trong cuốn sách “ Phân loại nghệ thuật” (1)   nhà mỹ học xô-viết  M.  Kagan  cho biết  nhà nghiên cứu nghệ thuật  người Đức Max  Dessoir (2)  (1867 – 1947) phát hiện ra là vào thời “hậu Aristote” người ta đã  tách ra 6 loại hình nghệ thuật và căn cứ vào tính chất của chúng xếp thành hai nhóm:  1/ Nhóm nghệ thuật  tĩnh gồm có  Kiến trúc, Điêu khắcHội họa. 2/ Nhóm nghệ thuật động gồm có  Âm nhạc , Thơ  Múa.

 

 

 Sau này  Friedrich Hegel ( 1770 – 1831)  trong  “Những bài giảng về Mỹ học”,  theo một hướng nghiên cứu khác, đã xếp  6 nghệ thuật  trên thành hai nhóm:  1/ Nhóm có kích cỡ vật thể nhỏ dần gồm  Kiến trúc, Điêu khắcHội họa. 2/ Nhóm có khả năng biểu hiện tăng dần gồm  Âm nhạc, Thơ  Múa.

 

Điện ảnh sau khi ra đời, nhờ sự tìm tòi sáng tạo của các nghệ sỹ, đã dần dần vươn tới tầm cỡ một nghệ thuật. Các nhà trí thức, các nghệ sỹ, các nhà lý luận rất ủng hộ xu hướng này và  bằng những phân tích lý luận sâu sắc tác động mạnh vào quá trình hoàn thiện nghệ thuật điện ảnh. Một trong những người đó là Ricciotto Canudo.

 

Nhà đạo diễn, nhà lý luận điện ảnh Pháp Jean  Epstein (1897 – 1953) đã viết: “ Vào năm 1911 và nhiều năm sau đó,  khi phim ảnh, trên thực tế và trên lý luận, còn là trò tiêu khiển cho học sinh,  là phương tiện giải trí hấp dẫn, thì Canudo đã hiểu rằng  điện ảnh có thể và cần phải  trở thành một  Nàng Thơ mới mà lúc đó nó mới chỉ tồn tại trong tiềm năng. Ông đã nhìn thấy những khả năng phát triển cụ thể của điện ảnh và  những tiền đồ vô tận đang mở ra trước nó”. (3)  Trong cuốn “Lịch sử lý luận điện ảnh” (4) tác giả Guido Aristarco gọi ông là người tiên phong đặt nền móng cho lý luận điện ảnh.

 

Ricciotto Canudo  trong quá trình nghiên cứu tính chất của các nghệ thuật cũng sử dụng  mô hình hai nhóm nghệ thuật  trên. Năm 1911 ông cho đăng bài  Sự ra đời của nghệ thuật thứ sáu  – Tiểu luận về điện ảnh”, trong đó ông  bỏ  “Thơ” ra, chỉ  phân tích tính chất của 5 nghệ thuật và điện ảnh được ông gọi là nghệ thuật thứ sáu.  Về sau, trong quá trình hoàn thiện lý luận của mình, ông đã đưa “Thơ” trở lại và  năm 1923  ông xuất bản  công trình  Tuyên ngôn của bảy nghệ thuật”.

 

Khác với các hướng nghiên cứu  trước đây, khi sử dụng mô hình hai nhóm nghệ thuật, R. Canudo cho rằng  có hai nghệ thuật chính là  Kiến trúcÂm nhạc.  Kiến trúc có hai nghệ thuật phù trợ là Điêu khắc và Hội họa, tạo thành một nhóm.  Âm nhạc có hai nghệ thuật phù trợ là Thơ và Múa, tạo thành một nhóm.

 

Hai nhóm nghệ thuật này có những tính chất  khác nhau. Nhóm I có 3 tính chất:  đó là nghệ thuật không gian, là nghệ thuật tĩnh và  là nghệ thuật tạo hình. Còn nhóm II có 3 tính chất: đó là nghệ thuật thời gian, là nghệ thuật động và là nghệ thuật tiết tấu.

 

Có thể thấy rằng trong nghiên cứu của mình, khi chọn ra 6 nghệ thuật để phân tích,  R. Canudo đã  kế thừa  cơ sở lý luận của những người đi trước, chứ không tùy tiện chọn ra  6 nghệ thuật nào cũng được.

 

Trong “Tuyên ngôn của bảy nghệ thuật”, sau khi phân tích tính chất của 6 nghệ thuật ở hai nhóm trên, ông dành vị trí thứ bảy cho điện ảnh mà ông gọi là  “Nghệ thuật tổng thể”. Theo R. Canudo thì Điện ảnh tổng hợp các tính chất của 6 nghệ thuật trên. Tức là Điện ảnh  vừa là nghệ thuật không gian lại vừa là nghệ thuật thời gian; vừa là nghệ thuật tĩnh lại vừa là nghệ thuật động;  vừa là nghệ thuật tạo hình lại vừa là nghệ thuật tiết tấu.

 

R. Canudo viết: “ Lý thuyết về nghệ thuật thứ bảy mà tôi đã trình bày lần đầu tiên cách đây 3 năm ở  khu Latinh là phù hợp với mọi logich và được biết đến trên toàn thế giới. (…)  Nhiều kẻ đã sử dụng khái niệm nghệ thuật thứ bảy cốt để kiếm tiền mà không dám chịu trách nhiệm về ý nghĩa của từ Nghệ thuật. Chúng ta cần Điện Ảnh  để tạo nên Nghệ Thuật  tổng thể, nơi hội tụ của mọi nghệ thuật”.(5)

 

Ông viết tiếp: “Ngày nay, “vòng chuyển động” của mỹ học  khép lại đày kiêu hãnh trong một tổng thể  các nghệ thuật mang tên  Điện Ảnh. Nếu chúng ta  coi hình oval như hình ảnh tượng  trưng cho vòng đời , vòng chuyển động  gãy khúc ở hai cực, nghệ thuật hay mọi nghệ thuật được thể hiện theo chiều ngang trên giấy như sau:

 

 Đã bao thế kỷ trôi qua, cho đến ngày nay, đối với tất cả các dân tộc trên trái đất này, hai nghệ thuật (chính) với bốn nghệ thuật phù trợ  vẫn  không thay đổi. Cái được gọi là tiến triển của nghệ thuật  chỉ là cách chơi chữ  khó  hiểu mà thôi.

 

Ngày nay chúng ta biết tổng hợp một cách thần kỳ vô vàn kinh nghiệm của con người. Chúng ta biết kết hợp Khoa học và Nghệ thuật  để nắm bắt và cố định nhịp điệu của ánh sáng. Sự kết hợp đó  được gọi là Điện Ảnh.”(5)

 

 

Điện ảnh không chỉ có một tên gọi là “Nghệ thuật thứ bảy”.  Một số người còn  đặt cho điện ảnh những tên khác nữa. Đạo diễn điện ảnh Pháp  Abel  Gance (1889 – 1981) gọi  điện ảnh là “ Nghệ thuật thứ sáu”.  Nhà phê bình  Emile Viyermose của tạp chí  Temps  gọi là “Nghệ thuật thứ năm”(6) . Còn đạo diễn  điện ảnh  Jean  Cocteau  ( 1889 – 1963)  thì gọi điện ảnh là  “Nàng Thơ Thứ Mười” (7).

 

Như chúng ta biết, theo thần thoại Hy lạp,  thần Zeus có 9 cô con gái đa tài mà thần rất yêu quý. Thần Zeus giao cho mỗi cô cai quản và bảo trợ một nghệ thuật chữ Hy Lạp viết là “Musa”. Ở Việt Nam từ “Musa”  được dịch thành “Nàng Thơ”.  Chín  Nữ thần (Nàng Thơ) đó là:

 

1.       Calliope:  Nữ thần Sử thi 

2.       Clio       :  Nữ thần Lịch sử

3.       Erato      : Nữ thần Thơ trữ tình 

4.       Euterpe   : Nữ thần Âm nhạc  

5.       Melpomene: Nữ thần Bi kịch 

6.       Polimynie : Nữ thần Thuật hùng biện 

7.       Terpsichore :  Nữ thần Múa 

8.       Thalie  :  Nữ thần Hài kịch  

9.       Uranie  : Nữ thần Thiên văn 

 

Như vậy sau  9 Nàng Thơ, 9 Nữ thần nghệ thuật trong thần thoại Hy Lạp, Jean Cocteau dùng “Nàng Thơ Thứ Mười” để đặt tên cho điện ảnh. Tên gọi này ít được phổ biến, nhưng cũng được một số nước dùng, như ở Nga chẳng hạn, người viết thường dùng “Nàng Thơ thứ mười” nhiều hơn là  “Nghệ thuật thứ bảy”. Còn hai tên gọi kia  thì rơi vào lãng quên./.

 

Bìa cuốn sách  Tuyên ngôn của bảy nghệ thuậtxuất bản năm 1923.



(1)  M. Kagan :  “Phân loại nghệ thuật”,  NXB  “Nghệ thuật”, Leningrad,  1972.  Trang 20, Tiếng Nga.

(2)  M. Dessoir:  “Ăsthetik  und  allgemeine  Kunstwissenschaft. Stuttg.,  1906,  Trang  306.

(3) Jean Epstein: Le cinematographe vu de l’Etna, Ecrivains reunis, Paris,s.d. Trích dẫn theo cuốn “Lịch sử lý luận điện ảnh” của Guido Aristarco. Bản tiếng Nga. NXB Nghệ thuật, Moskva, 1966, tr.15.

(4)  Guido Aristarco:  “Storia delle teoriche del film” . Bản tiếng Nga, NXB “Nghệ thuật” Moskva,1966.

(5)  Tạp chí  La Gazette des  sept  arts ,  số  2, 25/1/1923.

(5)  Như trên

(6)  Trích  dẫn theo  Georges  Sadoul , Le cinema  devient un art, 2 vol. Denoel, Paris, 1952.

(7)   Theo Wikipedia  tiếng Pháp.

Vũ Quang Chính
Số lần đọc: 2878
Ngày đăng: 07.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cũng một đời nghệ sĩ - Hoàng Nguyên Nhuận
ĐIỂM PHIM: Đàn Bà Trên Đời - Phim Truyền hình Hàn Quốc. - Lê Xuân Quang
ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM: Nên Xã Hội Hóa hay Tư Nhân Hóa? - Lê Xuân Quang
Oan oan tương báo ! - Lê Xuân Quang
Xem phim Hàn Quốc - nghĩ về phim mình! - Lê Xuân Quang
Từ tác phẩm văn học đến màn ảnh: những cộng hưởng muộn màng - Việt Quê
Dự án phim lịch sử Thái Tổ Lý Công Uẩn 200 tỷ - miếng bánh chia phần?! - Võ Thâm
Cuộc đấu sinh tử - Lê Xuân Quang
Xem vở Bàn tay của trời: Tránh trời sao khỏi nắng (*) - Ngô Thị Kim Cúc
Nhớ một thời - Trần Ngọc Kha