Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.109
123.229.663
 
Ngôn ngữ thơ
Đông La

Khi cầm bút viết phê bình, tôi đã tự hỏi, cái gì biến ngôn ngữ thường thành thơ, cái gì làm nên sự khác biệt giữa văn xuôi và thơ? Tôi nhớ đến hai câu vào hàng nổi tiếng nhất trong kho tàng Ca dao Việt Nam: Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi. Lẽ ra phải viết “sao cô múc nước nhịp nhàng đổ đi” mới đúng, nhưng viết đúng như vậy lại không thành thơ và chắc chẳng có ai nhớ làm gì. Thì ra chính cái sự sai ấy đã làm nên tính thơ, nó chính là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nếu không có trí tưởng tượng người ta sẽ chỉ viết ra được những câu mô tả chính xác hiện thực, nhưng hiện thực chỉ có một, nên tất cả các câu thơ, các bài thơ sẽ giống nhau. Vậy chính trí tưởng tượng, tức “hồn thơ” của mỗi thi sĩ, đã tạo ra sự lạ hóa cách thức biểu đạt, từ đó mới tạo ra được những sắc thái biểu cảm khác nhau, nhiều cái bình thường sẽ có một diện mạo mới, khả năng chinh phục mới, làm nên ấn tượng, sức truyền cảm trong lòng người đọc.

 

Chính do trí tưởng tượng, Chế Lan Viên trong đêm rét đầu mùa mới có thể “chia chăn” đắp được cho người yêu tận nơi chân trời góc bể:

 

Cái rét đầu mùa anh rét xa em

Đêm dài lạnh, chăn chia làm hai nửa

Một đắp cho em ở vùng sóng bể

Một đắp cho mình ở phía không em.

(Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể)

 

Hữu Thỉnh mới có khả năng nhìn thấy được cái “ranh giới” chuyển mùa từ Hạ sang Thu:

 

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

(Sang thu)

 

Nguyễn Duy đã nghe được cả sợi tóc bạc:

 

Có người ngủ thế thành quen

Đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình

(Lời ru đồng đội)

 

Trái tim của Xuân Quỳnh biết yêu cả khi đã chết:

 

Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em

Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.

(Tự hát)

 

Và, Lưu Quang Vũ, khi Xuân Quỳnh đau tim nằm viện, cũng thấy sông Hồng mùa lũ:

 

Mùa hè náo động dưới kia

Tiếng ve trong vườn nắng

Và sau đê sông Hồng nước lớn

Đỏ phập phồng như một trái tim đau

(Thơ viết cho Quỳnh trên máy bay)

 

Còn trong Nam, có những tác giả cũng từ cái nôi Bắc Hà ra đi đã trở thành những nhà thơ rất nổi tiếng, có những bài thơ rất hay, dù rằng hồi lứa chúng tôi đi học, tên họ không thể được nhắc đến. Đinh Hùng, một thi sĩ đã tôn giáo hóa tình yêu, trong Kỳ Nữ, với con mắt của thi nhân, ông thấy người tình không phải ở trần thế này mà:

 

Ta thường có từng buổi sầu ghê gớm

Ở bên Em - ôi biển sắc rừng hương

Em lộng lẫy như một ngàn hoa sớm

Em đến đây như đến tự thiên đường

 

và ông đã:

 

Ta đặt Em lên ngai thờ Nữ Sắc

Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da

Tuổi Em về, xác thịt tẩm hương hoa

Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết

Ôi cám dỗ! cả mình Em băng tuyết

Rợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân

Ta gần Em, mê từ ngón bàn chân

Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão

 

Tả tính cách vốn là thế mạnh của văn xuôi, nhưng có lẽ chưa có trang văn nào tả người tình độc đáo như Đinh Hùng tả “kỳ nữ”của mình:

 

Em đài các, lòng cũng thoa son phấn

Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ”.

 

Còn Nguyên Sa, nếu Ph. M. Đôxtôiepxki từng tuyên ngôn “Cái đẹp sẽ cứu thế giới” thì với hai câu thơ rất nổi tiếng: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”, cũng có thể nói ông có một tuyên ngôn “Cái đẹp sẽ cải hóa được thiên nhiên”. Bài Tương tư là bài thơ viết về thời hoa niên với khổ thơ:

 

Có phải em mang trên áo bay

Hai phần gió thổi, một phần mây

Hay là em gói mây trong áo

Rồi thở cho làn áo trắng bay?

 

có lẽ là những câu thơ vào hàng “thơ mộng” nhất của nền thơ Việt Nam.

 

5 - 4 - 09

Đông La
Số lần đọc: 2990
Ngày đăng: 09.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trịnh Công Sơn và Chiến Tranh Việt Nam - Ban Mai
Phạm vi của triết học ngày nay - Nguyễn Ước
Thơ, thay đổi để tồn tại - Inrasara
Triết học chính trị-1 - Nguyễn Ước
Triết học chính trị-2 - Nguyễn Ước
Triết học chính trị-3 - Nguyễn Ước
Ðạo đức học-1 - Nguyễn Ước
Ðạo đức học-2 - Nguyễn Ước
Ðạo đức học-3 - Nguyễn Ước
Văn học và thời trang - Nguyễn Mạnh Hà
Cùng một tác giả
Đêm hoang (truyện ngắn)
Bài toán (truyện ngắn)
Lễ tưởng niệm (truyện ngắn)
Ân nhân (truyện ngắn)
Lang thang (truyện ngắn)
Ngôn ngữ thơ (tiểu luận)
Họa vô đơn chí (truyện ngắn)