Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.103
123.229.878
 
Hai bà góa
Trần Huy Thuận

Hai nhà cách nhau không xa, cùng sinh hoạt trong một Tổ nhân dân. Một là giáo viên, một là y tá quân đội. Cả hai đều góa sớm, đang ở độ tuổi “sồn sồn”.

         

Bà giáo sống một thân một mình, con cái trưởng thành, đều làm việc ở các tỉnh xa. Không dạy thêm, nhưng bà tham gia Hội khuyến học của Thành phố, rồi Hội Phụ nữ Phường, nên cũng bận. Công việc đòi hỏi phải giao tiếp, họp hành nhiều. Những khi Chi Hội phụ nữ đường phố họp, bà đến, nhưng không chỉ với tư cách Hội viên mà còn với tư cách “Đại biểu cấp trên” về dự. Một lần nhân Lễ kỷ niệm tròn năm Ngày thành lập Hội, bà đã lên bục diễn đàn, giảng cho cử tọa nghe về “công – dung – ngôn – hạnh” và “thế nào là một người Phụ nữ mới?”. Đối tượng nghe gồm các chị em thanh niên, các bà nạ dòng, một số cụ bà đã ngoài lục tuần và cũng có cả những cụ “thất thập cổ lai hy” nữa. Ai cũng khen “bà giáo có khác, giảng hay thật, cứ như cán bộ tuyên huấn chuyên nghiệp vậy”! Bài “diễn thuyết” của bà giáo hôm ấy, khiến bà con đường phố còn xì xào, bàn tán mãi.

 

Bà y tá sống cùng cô con gái đang học cấp hai. Công việc hàng ngày là tiêm thuốc, bán thuốc tân dược cho bà con hàng xóm; rồi chợ búa, cơm nước cho con. Suốt ngày quanh quẩn ở nhà, chả mấy khi đi đâu xa. Khách đến nhà bà chỉ chủ yếu là những người bệnh. Đương nhiên. Nhưng cũng còn một người đàn ông nữa, không mấy khi đau ốm, vậy mà lại là khách thường xuyên của bà. Cái gì mà cứ “quá” là thế nào cũng không hay – chuyện đời thường thế mà! Ban đầu thì hàng xóm cũng chả để ý đâu, nhưng thấy ông này đến với bà y tá nhiều quá; ban ngày đến đã đành, tối khuya cũng đến, thì sao mà không “đặt dấu hỏi” cho được”? Nhất là  “người ta” lại là đàn bà góa…

 

Lâu dần, chuyện đó cũng “đến tai” vợ con người đàn ông nọ. Đến tai không thôi thì cũng đã tức lắm rồi, nhưng còn “bán tín bán nghi”. Thế cho nên phải “mắt thấy” nữa. Việc đó không khó, cứ đợi cho ông kia bước ra khỏi nhà, lặng lẽ theo sau, nếu thấy rẽ vào nhà bà y tá, ập vào hỏi một câu: “Ông không ốm không đau,  đến đây có việc gì?”. Thế thì hết đường chối cãi. Và bà vợ ông kia làm đúng như thế thật. Lại không phải thời điểm ban ngày; ban đêm mới chết chứ! Đường phố ầm ĩ, náo loạn từ bấy cho đến quá nửa đêm. Người già, trẻ nhỏ đổ ra đường, chả ai ngủ yên. Sau chuyện đó, bà y tá buồn lắm và chắc còn lâu mới dám “nhìn” mọi người. Nhưng sáng hôm sau, nhà bà vẫn mở cửa. Đôi mắt sưng mọng, nổi bật trên khuôn mặt nhợt nhạt. Hẳn là đêm qua bà y tá không ngủ được. Bà cố lạnh lùng làm ra vẻ như không hề có chuyện gì dã xảy ra. Nhưng cái “dư luận” quái ác lại không bỏ qua cho bà. Nó bủa vây bà hàng ngày, hàng giờ. Mà bà đâu có tội tình gì? Người ta đến chơi là quyền của người ta, mình làm sao mà cấm đoán cho được? Mà đến thì bà đã có ý luôn “mở toang của” ra cho bàn dân thiên hạ cùng thấy, chứ đâu có lén lút gì. Ngay bà vợ cái nhà ông kia, gọi là “bắt quả tang” – như cái mồm độc địa của thiên hạ, nhưng đâu có bắt được “trai trên gái dưới”?... Vậy nhưng, từ đấy bà y tá rất ít khách qua lại mua thuốc hay thuê tiêm nữa. Hàng xóm không trông thấy bà thì thôi, trông thấy là “ra lườm, vào nguýt”, thậm chí còn nhổ nước bọt nữa! Mấy tháng sau, do không sống nổi trong tình trạng bị nhòm ngó, hắt hủi như thế, bà phải bán nhà chuyển đi ở nơi khác. Đến lúc ấy, có người mới thông cảm: “Tội nghiệp cho cái thân đàn bà góa bụa. Ai bảo cứ tiếp đàn ông trong nhà? Dại hết chỗ nói. Người ta mò đến, mình là phận gái, cứ từ chối đuổi đi, thì đâu đến nỗi!”.

 

Bà giáo không mở cửa thường xuyên, vì lẽ bà ở một mình. Bà không thật nhiều khách ra vào như bà y tá, nhưng hầu như ngày nào cũng có khách. Khách nữ giới có, nhưng khách nam giới nhiều hơn, vì công việc của bà phải như thế.. Cái tài tình là, khách nữ thì có khi một người, có khi nhiều người; nhưng khách nam hầu như mỗi bận chỉ một; chưa thấy lần nào họ đến trùng một lúc để phải “chạm trán” nhau.  Cũng như bà y tá, bao giờ tiếp khách, bà cũng mở cửa. Cửa đi thì mở hé, đủ để một người vào, ra. Thế thôi, cần gì phải mở rộng? Cửa sổ thì mở toang, vì bên trong đã có ri-đô kéo che rồi. Chủ và khách đều rất yên tâm trò chuyện. Người qua lại, chả ai có thể dị nghị điều gì sất. Mà quả không thấy dư luận gì về bà giáo thật! Hàng xóm nể bà giáo lắm, bà chả đã từng giảng dạy cho mọi người về “tứ đức” của người đàn bà là gì? Làm sao mà ai có thể quên được những điều giáo huấn ấy của bà!

 

Nhưng không hiểu sao, trong hơn chục năm kể từ ngày ông giáo về với tiên tổ, tại cửa nhà bà, có tới bốn lần mất xe đạp. Bọn trộm không nhằm đâu, cứ nhằm cửa nhà bà giáo góa chồng để lấy cắp. Mà người mất cắp, không phải kẻ đi đường, mà toàn là những ông khách của bà giáo. Sau những lần mất như thế, bà giáo cũng chả báo công an. Báo làm gì cái chuyện vặt ấy. Các chú công an hàng ngày còn bận giải quyết bao nhiêu là công việc thuộc về an ninh, trật tự xã hội; làm sao có thể quan tâm tìm kiếm kẻ ăn cắp cái xe đạp. Hơn thế, báo công an thì lại to chuyện, trước hết là nhà bà cuối năm sẽ không được bầu là gia đình văn hóa – mà bà giáo không là gia đình văn hóa thì ai xứng đáng nhận cái danh hiệu ấy đây? Thứ hai, đường phố sẽ mất điểm thi đua. Im lặng trong trường hợp này, là thượng sách. Còn các ông khách thì sao? Khi một ông nào đó, từ trong nhà vừa bước ra cửa, nhìn không thấy xe của mình, thì đều hốt hoảng kêu lên: “xe tôi lúc đến, dựng ngay sát hiên đây, ai lấy đi đâu rồi?” (Nhờ thế, mấy nhà hàng xóm kề cận mới biết có vụ ăn cắp xe đạp vừa xẩy ra). Nhưng chỉ kêu thoảng qua thế thôi, rồi lặng lẽ đi bộ về nhà mình. Mặt tái mét, nhưng vẫn cố cười gượng, khẽ cúi chào bà chủ nhà một cái; khẽ liếc lại chỗ lúc trước chiếc xe đạp còn ở đấy và… khẽ liếc xem hàng xóm của bà giáo có nhiều người trông thấy ông trong bộ dạng đó không!.. Bà giáo thì lo: “không hiểu ông này về nhà giải thích thế nào với vợ con, vụ mất xe này. Các kẹo chắc cũng chẳng dám nói mất ở đây?”.

 

Ông khách nào của bà giáo mất xe cũng đều có thái độ như vậy. Cả bốn ông đều “lịch sự” y hệt nhau!

Bà giáo vẫn ở ngôi nhà đó. Công việc của bà vẫn đều đặn, hết công việc của Hội phụ nữ, lại đến công việc của Hội khuyến học. Bận lắm.. Đấy là chưa kể thi thoảng bà còn phải đi giảng về “công – dung – ngôn – hạnh” theo lịch mời của các Chi hội nữa. Mà nhiều nơi muốn mời bà giáo đến giảng giải lắm! Đi vắng thì thôi, chứ hễ vừa về đến nhà, thể nào bà cũng có khách. Khách nữ giới có, nhưng khách nam giới nhiều hơn, vì công việc của bà phải như thế.

 

Có điều, không biết mấy ông khách của bà giáo tới đây, ai sẽ là nạn nhân tiếp theo của bọn chuyên trộm cắp xe đạp ở cái đường phố này? ./.

 

 

Trần Huy Thuận
Số lần đọc: 2670
Ngày đăng: 14.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mặt Trời Bé Con - Trương Hoàng Minh
Thây ma - Trần Văn Bạn
Người Đàn Bà ở Cuối Rìa Làng - Minh Tứ
Bức tranh ông voi - Phạm Thái Ba
Chuyện Tigôn - Phương Giang
Chồng tôi và thơ - Huỳnh Văn Úc
Chuyện Không Lạ - Nguyễn Khương Bình
Ngã Rẽ - Trương Văn Dân
Thông dịch viên thứ thiệt - Ngô Kế Tựu
Hoa Loa kèn đỏ - Trần Lệ Thường
Cùng một tác giả
Tắm gội! (tạp văn)
Đồng Môn (tạp văn)
Nợ ...miệng ! (tạp văn)
Đứng và Đi (tạp văn)
Cha tôi (tạp văn)
Thắng ngố - 8 (tạp văn)
Ngu lâu ! (tạp văn)
Con mèo lười (tạp văn)
Kẻ đóng thế (tạp văn)
Bầu bán! (tạp văn)
Thằng đổ vỏ (truyện ngắn)
Tội sống ! (truyện ngắn)
Hai bà góa (truyện ngắn)
Sợ ! (tạp văn)
Cái … danh! (tạp văn)