và khi nói đến Thơ và Đời của nhiều nhà thơ đương đại có nhắc đến Nguyễn Duy: “Thơ Nguyễn Duy còn về sau còn có khuynh hướng đối lập với các loại thơ tháp ngà, véo von ẻo lả; anh góp cho thơ Việt Nam một tính cách khỏe khoắn và hóm hỉnh, nói như chơi mà ngẫm nghĩ lại xót xa trong lòng”.
Trích dẫn phần nầy, vì Áp đặt cạn, vấn nạn- tập thơ thứ năm của Nguyễn Tài My (NTM) có sáng tạo đổi mới, có “khuynh hướng đối lập lẫn đồng tụ” giữa hai dòng thơ cổ điển vốn được sùng bái và thơ tân hình thức đang thành cao trào, lập nên “thể thơ MTM”- cấu trúc lạ, cái nhìn duy cảm mới, cách viết, cách nói mới đầy cá tính, chống lại tính duy lý, tính quy phạm góp phần mở rộng trường liên tưởng, mang lại cho người đọc cảm xúc mới lạ, thật sự có ý nghĩa về mặt nhân văn lẫn giá trị văn học.
Có thể nói, về phương diện cấu trúc, “Thể thơ NTM” (6 câu/bài, thêm một câu luận in nghiêng phía dưới) hoàn toàn mới, thống nhất cả 5 tác phẩm đã xuất bản (Kinh mai, Huyền diệu, Kiến thi, Chang Zen Len mắt không hoen lệ và Áp đặt cạn, vấn nạn): “Học chân lý, giảng phi lý là chuyện thường/Học phi lý, giảng chân lý mới đáng thương/Đừng hỏi rập khuôn không thống nhất/Chân lý không thể là khuôn, đừng rập khuôn/Nhắc mãi luận lý này sao người không hiểu/Thiếu bản lĩnh làm người, sao thành lãnh đạo - Duy chí, áp đặt cạn, trở thành vấn nạn!” (Áp đặt cạn, vấn nạn, bài thơ thứ 2/332 bài, tác giả chọn làm tựa của tập thơ).
Nhìn cái tròn trịa viên mãn mà NTM đang có- mái ấm hạnh phúc, con, rể thành đạt, bản thân là nhà giáo, kiến trúc sư không ai nghĩ nhà thơ có thể viết những câu thơ rợn ngợp trong lòng: “Cô độc giữa rừng người đông đúc”, hoặc “Tung bay giữa đất trời lồng lộng/Ngửa mặt cười vang buồn thấu trời”. Đọc thơ MTM mới ngộ cách nhà thơ sống chân thành, tận tụy, hết lòng với xã hội, mới thấm cái sự dũng cảm, thao thức với nhân sinh: “Kính lạy đấng-tối-cao quyền lực/Ngài nghĩ có nên ban cho tôi nghị lực/Đủ chấp nhận sai trái làm người/Đủ sức đồng-ý-đúng điều không đúng/Đương nhiên đúng sai không quyền lực/Tôi lo ngại cho ngài: sao hỏi ý dân? - Nay ý dân không còn ý trời” (Ý dân không còn ý trời, bài 220/332 bài). Ở một bài thơ khác, NTM viết: “Tự nhỏ bị cài cổ cái cày/Tôi cày sâu từ ấu trĩ đến hưu trí/Vợ đặt vào hòm ‘cây’ yêu quý/Vào hòm tiếp tục cày để nuôi ai đây/Nước tôi, tất cả cày hăng say/Vừa cày vừa hỏi ‘tại sao nước mình nghèo?’ – Thiếu sáng tạo… nguyên khí khuếch tán!” (Ấu trĩ cày hăng say, bài 113/332 bài).
NTM có tầm kiến thức sâu rộng để sử dụng và có một phương tiện đặc biệt để dùng: ngôn ngữ. Thông qua ngữ nghĩa, NTM tạo nên một văn bản hiện thực, rất gần gũi, không hề xa rời người thật việc thật. Bằng tâm huyết, cái nhìn mới, cách thể hiện lạ, trang thơ Áp đặt cạn, vấn nạn có chiều sâu, sức ám ảnh, hạn chế hoặc không thấy sử dụng từ ngữ làm nhão cảm xúc hoặc không chứa đựng, gợi lên điều gì. Đó là đặc tính làm nên vẻ đẹp, sức hấp dẫn thơ NTM. Trong khi đó, nhiều nhà thơ đương thời vẫn giữ quan điểm thẩm mỹ cổ điển, cứ loay hoay mãi với lối mòn, và vẫn ì ạch, ầu ơ… “Ví dầu cầu ván đóng đinh” một cách tẻ nhạt, nhàm chán.
Nhiều khi tôi bần thần, lơ lửng, mất phương hướng, và đôi lúc “Tôi buồn chẳng biết vì sao tôi buồn” tôi lại lật thơ NTM ra đọc. Thoạt đầu, thơ NTM chuyển tải, hàm nghĩa lớn quá, tôi hơi bị dốt, bị chiến tranh nghèo đói bắt chậm hiểu, phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Càng về sau càng đọc càng thấy tương thích như những lời đồng điệu, như được san sẻ tâm trạng với một tâm trạng đồng dạng khác.
Ở góc độ một bạn đọc trân quý thơ, tận sâu trong tiềm thức, và một cách tự giác có lựa chọn, tôi đặt sản phẩm trí tuệ, tâm huyết NTM lên tác phẩm thơ hay. Thứ nhất, “văn dĩ tải đạo”, thơ đẹp như người và đại diện cho số đông. Thứ hai, bên cạnh nhà thơ Phan Trung Thành còn có NTM chịu nhìn thẳng vào thực tế cuộc sống mà ai cũng nghe thấy, chứng kiến hằng ngày nhưng không thể diễn tả bằng lời. Văn học nói chung đang cần tiếng nói trung thực của lẽ phải, phản ảnh được những mặt tiêu cực, chưa lành mạnh, còn khuất tất với thái độ cầu tiến đầy trách nhiệm của người cầm bút.
Áp đặt cạn, vấn nạn được xây dựng từ chất liệu cuộc sống, tầm thấu thị sâu rộng và tính khiêm tốn cùng lòng tự trọng, NTM không hề dễ dãi khi cho ra đời tác phẩm thiếu hơi thở, thiếu sức sống. Điều này có thể thấy được ở 5 tác phẩm của anh, được đông đảo bạn đọc và sinh viên đón nhận vì tính nhân văn cao, tính cô đọng hàm nghĩa lớn, có ích cho văn học lẫn đời sống, mang vẻ đẹp đồng nhất của tác phẩm văn học với vẻ đẹp của nghệ thuật miêu tả.
Áp đặt cạn vấn nạn (NXB Lao Động) phát hành ngày 16.01.2012. Xin chúc mừng nhà thơ NTM và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc xa gần.