Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.048
123.235.019

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

THƯ TIN
Đêm Nhạc Trịnh Công Sơn “Như Cánh Vạc Bay”
Kỷ niệm 11 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, sinh viên khoa Ngữ Văn phối hợp với sinh viên khoa Địa lý-Địa Chính Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức đêm nhạc “Như cánh vạc bay” để tưởng nhớ Trịnh Công Sơn người nhạc sĩ tài hoa, cũng là người anh đồng môn 50 năm trước đã từng theo học dưới một mái trường.

 

Hôm nay trời bất ngờ trở gió ảnh hưởng bão số 1, không gian xám xịt, gió thổi nghiêng ngả những tấm băng rôn giới thiệu đêm nhạc Trịnh Công Sơn treo ngoài giảng đường. Tôi lo lắng, các bạn sinh viên trong ban tổ chức cũng lo lắng lỡ như đêm nay trời mưa…  hai năm rồi chúng tôi dự định nhưng rồi bỏ dỡ.  Đầu năm nay, ý định đã có từ hôm Tết. Hai tháng trước, cuộc họp chớp nhoáng của ban tổ chức trong một quán cà phê dưới cơn mưa tầm tả và…đêm nhạc “Như cánh vạc bay” ra đời với mong muốn có một đêm nhạc ấn tượng, trong không khí ấm áp trữ tình.

 

Chương trình không bán vé, mọi người yêu nhạc Trịnh vào xem tự do. Đêm nhạc này cũng nhằm mục đích góp tiền ủng hộ cho các trẻ mồ côi làng SOS Bình Định và giúp đỡ trẻ em khuyết tật Trường chuyên biệt hy vọng Quy Nhơn, chúng tôi để thùng quyên góp trước cửa Hội Trường, các bạn  vào xem đóng góp tùy từng tấm lòng. Chương trình tổ chức vào lúc 19h30 ngày 29/3/2012 tại Hội trường B Đại học Quy Nhơn và… trời đã không mưa.

 

Mở màn là hình ảnh cuộc đời và sự nghiệp của Trịnh Công Sơn được trình chiếu trên màn ảnh rộng,  những hoạt động trong những chặng đời của ông với một số người bạn thân thiết. Hình ảnh những người phụ nữ ảnh hưởng cuộc đời Trịnh Công Sơn. Trích đoạn phim Đất Khổ, Trịnh Công Sơn đóng vai nhạc sĩ Quân đang cùng Diễm đi dạo bên lăng Tự Đức, cảnh quay ở Huế năm 1971.

 

Tiếp đến là chương trình đêm nhạc “Như cánh vạc bay” với những tình khúc dìu dặt của Trịnh Công Sơn Một cõi đi về, Biển nhớ, Quỳnh Hương, Hoa vàng mấy độ, Hạ trắng (Đốc tấu Sacophone trên nền múa phụ họa), Diễm xưa, Còn tuổi nào cho em, Chiếc lá thu phai, Tuổi đời mênh mông, Hãy yêu nhau đi, Như cánh vạc bay, Mưa hồng (Độc tấu Sacophone), Nối vòng tay lớn…do các sinh viên, giảng viên trong trường và sự góp mặt của các bạn trong thành phố Quy Nhơn trình bày.

 

Ca khúc Diễm xưa với giọng hát mượt mà ấm áp của Kiều Lệ đưa người nghe về lại xứ Huế mộng mơ,  chập chờn hình bóng thiếu nữ thướt tha trong tà áo dài qua những hàng cây long não lá li ti nhạt nhòa trong mưa .

 

Chiều nay còn mưa sao em không lại

Nhỡ mai trong cơn đau vùi

Làm sao có nhau hằn lên nỗi đau

Bước chân em xin về mau

 

Và khi tiếng kèn Sacophone réo rắt của Văn Bồng gọi nắng trong nhạc phẩm Hạ trắng tràn ngập khán phòng, người nghe như phiêu linh vào một buổi chiều xưa trong không gian mùa hạ với tiếng ve kêu râm ran, hoa dạ lý hương thơm ngát.

 

Đặc biệt, đêm nhạc còn có sự xuất hiện của Tốp ca hát múa – Trường chuyên biệt hy vọng, với ca khúc Em là hoa hồng nhỏ. Khán giả xúc động trước hình ảnh các em bé khiếm thị, câm điếc hát ca khúc của Trịnh Công Sơn bằng ngôn ngữ dấu hiệu bàn tay, những đôi mắt trong veo, ngây thơ ánh lên niềm lạc quan yêu đời.

 

Em sẽ là mùa xuân của mẹ

Em sẽ là màu nắng của cha

Em đến trường học bao điều lạ

Môi biết cười là những nụ hoa

 

Những nụ hoa mang tình nồng thắm giữa con người với con người trong ca từ Trịnh Công Sơn đã đem đến cho người xem những giây phút lắng đọng, mang con người gần lại với nhau.

 

Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối

Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới

Mặt đất đã cho ta những ngày vui tới

Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời.

 

Trịnh Công Sơn từng quan niệm: Con người không thể sống mà không yêu. Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc, con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Có lẽ đúng như vậy, tình yêu có ngôn ngữ riêng của mình, có khi nồng nàn, da diết, có khi nhẹ nhàng dung dị, cũng có khi là những rung động khoảnh khắc rồi chợt vút bay như những cánh vạc mất hút trên trời cao.

 

Đêm nhạc Trịnh Công Sơn Như cánh vạc bay cũng chỉ là những rung động khoảnh khắc như vậy, với mong muốn mang đến cho bạn một chút không khí nồng nàn ấm áp của tình yêu, tình con người,  mà trong cuộc sống hiện đại ngày nay con người nhiều khi đã đánh mất.

Cảm ơn Trịnh Công Sơn, cảm ơn những ca từ lay động lòng người của ông đã nâng tâm hồn bao con người, giúp đời sống chúng ta đẹp hơn, phong phú hơn.

 

Tam ca nữ Tuổi đời mênh mông- sinh viên Đại học Quy Nhơn

 

Quy Nhơn, 1/4/2012

 

Ban Mai - VCV