Đồng vọng trở về
Nhạc sĩ Tô Vũ xúc động cảm ơn nhà báo Nhật Hoa Khanh thêm một lần nữa vì anh Khanh có công sưu tầm 11 bản nhạc tưởng như đã mất theo thời gian và thời cuộc. Cầm 11 bản photocopy đã mờ các nốt nhạc, nét chữ, giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ hồi nhớ những giai điệu của người anh trai như vẫn còn trầm bổng trong ký ức ông thuở hào hùng ấy.
Thuở ấy, nhạc sĩ Hoàng Quý tham gia hướng đạo sinh và làm trưởng một nhóm, trong thời gian 1941 đến 1946 nhạc sĩ Hoàng Quý đã tổ chức thực hiện 7 tập nhạc lấy tên Đồng vọng. Các bài hát trong Đồng vọng đa phần nói lên vai trò, khát vọng của thanh niên bấy giờ trước lịch sử dân tộc chịu ách thống trị của thực dân và phát xít. Mỗi bài hát trong Đồng vọng ngoài ca ngợi tình yêu đôi lứa, quê hương... còn kêu gọi thanh niên đứng lên giành tự chủ. Chính vì vậy, nhóm Đồng vọng lôi kéo được nhiều nhạc sĩ cùng thời với Hoàng Quý như Lưu Hữu Phước, Canh Thân, Hoàng Độ... tham gia.
Trong 2 tập ca khúc và 3 bài hát lẻ vừa được nhà báo Nhật Hoa Khanh sưu tầm được, đáng chú ý có một tập gồm toàn các hành khúc kêu gọi thanh niên lên đường cứu nước. Dù tập nhạc này qua bản photocopy rất mờ, nhưng vẫn còn nhìn rõ ảnh bìa một thanh niên đầu đội nón lá, tay cầm súng trường, mặt ngẩng cao... Nhạc sĩ Tô Vũ xác nhận, tập hành khúc này in vào khoảng tháng 11-1945 gồm các bản Tráng sĩ ca, Lên đường, Thanh niên cứu quốc ca, Du kích tiến quân ca, Dân quân ái quốc ca và Đồng tâm. Ba hành khúc lẻ còn lại: Quyết chiến đấu, Giành tự do và Sa trường tiến hành khúc, trong đó Giành tự do là trích đoạn vở nhạc kịch Tiếng vọng non sông của Hoàng Quý soạn trước Cách Mạng Tháng Tám. Nhạc sĩ Tô Vũ kể: “Anh Hoàng Quý có hai nhạc kịch là Tiếng vọng non sông và Tiếng hát chinh phu, gọi là nhạc kịch thì chưa đúng, phải gọi là nhạc cảnh mới chính xác vì độ dài một nhạc cảnh chỉ khoảng 25 phút. Tôi đã xem buổi diễn Tiếng hát chinh phu tại Hải Phòng do một thành viên trong Đồng vọng hát là chị Hoàng Oanh. Sau vì toàn quốc tiêu thổ kháng chiến, nên khi gia đình tôi lên chiến khu, Tây vào đã lấy đi tất cả.”
Âm nhạc của Hoàng Quý dù trên một mạch nguồn yêu nước nhưng vẫn thấy rõ xu hướng của thời kỳ hoạt động vừa bí mật vừa công khai sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Trước cách mạng, vẫn những tình cảm yêu nước dạt dào đó nhưng các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Quý được “hóa trang” bằng những tên gọi nhẹ nhàng như Hương quê, Bạn đường, Chiều xuân, Vui xuân, Dưới bóng thông xanh... Đó cũng là xu hướng âm nhạc của thế hệ nhạc sĩ trong thời kỳ dân tộc vùng lên tự đổi đời. Mãi sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nhạc sĩ Tô Vũ mới biết anh trai mình là Việt Minh nằm vùng.
“Biết cô có còn nhớ đến tôi...”
Nhạc sĩ Tô Vũ kể rằng, thời đó in nhạc rất khó khăn vì công nghệ in chưa như bây giờ, lại thêm kiểm duyệt gắt gao vô cùng. Để làm được 7 tập Đồng vọng, nhạc sĩ Hoàng Quý mất rất nhiều công sức nếu không có sự trợ giúp của bạn bè và nhất là sự giúp sức của NXB Lửa Hồng – Hà Nội. Thế nhưng, sau Cách mạng Tháng Tám, cả nước đang gặp khó khăn thì nhạc sĩ Hoàng Quý vẫn miệt mài tự in nhạc của chính mình phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền mới. Bản nhạc Sa trường tiến hành khúc in cuối năm 1945 có hình bìa một người cưỡi ngựa, tay cầm súng ngắn như đang phi vào quân giặc với dòng chữ “tác giả xuất bản”, cuối cùng là tên và địa chỉ NXB Hoàng Kim Quý – 125 Đại lộ Hồ Chí Minh – Hải Phòng. Đây là một trong những chi tiết thú vị về con đường mang tên Bác Hồ in trên các tập nhạc của Hoàng Quý.
Như trên đã nói, các nhạc sĩ cùng thời đã từng cộng tác nhạc với Đồng vọng, nhất là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Nhiều người cho rằng, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước ở Hà Nội trong khi Hoàng Quý ở Hải Phòng mà in nhạc lại ở Hà Nội thì cớ gì Lưu Hữu Phước phải gởi nhạc xuống Hải Phòng rồi quay vòng về Hà Nội in. Trong các ca khúc sưu tập được phần nào đã chứng minh nhạc sĩ thời đó quan hệ với nhau rất khắng khít. Cụ thể bản Bạn đường, Vui xuân là tác phẩm chung của Hoàng Quý (góp lời ca) và Lưu Hữu Phước (góp âm nhạc). Bản Dân quân ái quốc ca cũng là sự sáng tạo chung của Hoàng Quý và Canh Thân (tác giả Cô hàng cà phê)... Nhạc sĩ Tô Vũ còn đưa ra dẫn chứng mối quan hệ của thế hệ nhạc sĩ này dù thời tiền khởi nghĩa họ hoạt động công khai hay bí mật: “Nhạc sĩ Đỗ Nhuận có bài Du kích ca, Văn Cao có bài Tiến quân ca thì Hoàng Quý có bài Du kích tiến quân ca. Nhắc đến Văn Cao, tôi nhớ anh Văn Cao đã từng trú trên gác nhà tôi một tuần lễ liền khi bị Nhật truy bắt vì anh đã ám sát tên tay sai cỡ bự của Nhật. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có bài Giải phóng quân, chính anh Phan Huỳnh Điểu nói với tôi bài này anh viết khi nghe bài Cảm tử quân của Hoàng Quý khi đoàn quân Nam tiến hát vang trên sân ga Đà Nẵng”.
“Cô láng giềng ơi, không biết cô có còn nhớ đến tôi... “, lời bài hát Cô láng giềng vẫn còn thổn thức trong hồn bao thế hệ khi bước vào ngưỡng tuổi hẹn hò. Ra đi ở tuổi 26 sau cơn bạo bệnh, nhạc sĩ Hoàng Quý để lại bao ngỡ ngàng, dang dở, nuối tiếc... trong lòng bạn bè một thuở và công chúng mến yêu ông. Thế nhưng Cô láng giềng làm đắm say bao nhiêu người có thực trong ca khúc Hoàng Quý không? Nhạc sĩ Tô Vũ mỉm cười: “Có chứ, cô láng giềng có hình mẫu thật ngoài đời chứ, nhưng tôi không biết cụ thể là ai. Anh Hoàng Quý rất đẹp trai, lại tài hoa nữa, lẽ nào cô láng giềng chỉ có trong tưởng tượng?”.