Năm 2006 này, nhiều nước trên thế giới kỷ niệm năm sinh của Wolfgang Amadeus Mozart là một trong số ít nhà soạn nhạc thiên tài thế giới. Ông không những là nhà soạn nhạc sáng tác rất nhiều trong cuộc đời ngắn ngủi của mình mà còn là một vị lữ hành tận tụy.
Chỉ sống 35 năm trên đời, Mozart đã để lại cho nhân loại một khối lượng đồ sộ các tác phẩm âm nhạc. Từ khi 5 tuổi Mozart đã sáng tác bản Menuet đầu tiên khiến cho giới quý tộc sửng sốt.
Tiếp đó là hàng loạt các Aria ra đời, theo thời gian các Concerto, Sonade, Opera... lần lượt nối tiếp nhau được trình diễn tại Áo, Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ... và nhiều nước châu Âu khác.
Cuộc đời của nhạc sĩ thiên tài Mozart đầy biến động, khó khăn chồng chất, bệnh tật hiểm nghèo nhưng Mozart vẫn không ngừng cống hiến sức lực cho âm nhạc, cho công chúng những tác phẩm đầy sức quyến rũ. Trong dịp kỷ niệm 250 năm sinh Mozart, chương trình hòa nhạc hai tối 8 và 9-9 là Nhạc hội mở đầu cho Lễ hội Mozart kéo dài một tháng tại Việt Nam. Chương trình gồm 2 bản Concerto nổi tiếng nhất trong số 25 Concerto hay nhất và 2 Overture lớn nhất của Mozart.
Với 2 bản Overture (Khúc dạo đầu), Lucio Silla là vở nhạc kịch thứ hai của Mozart viết năm 16 tuổi. Tác phẩm này đã khiến công chúng thời đó sững sờ bởi ý tưởng đạt tới sự hài hòa và phong phú tột bậc, thể hiện sự chín muồi về nghệ thuật của nhạc sĩ thiên tài. Khúc dạo đầu Don Giovani là vở nhạc kịch Mozart viết năm 19 tuổi.
Ở Don Giovani ông khai thác chất liệu về Don Juan bậc thầy Tây Ban Nha về ái tình. Tác phẩm này được coi là một trong những kiệt tác vĩ đại của lịch sử Opera châu Âu. Qua khúc nhạc dạo đầu kết nối hài hòa của các bè đàn dây và bộ hơi, tâm lý và diễn biến bi kịch của nhân vật chính được thể hiện tinh tế bằng những nốt nhạc tạo nên cao trào đầy kịch tính.
Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và Dàn nhạc thính phòng Tuebingen được Nhạc trưởng Gudni A.Emilsson dẫn vào thế giới tưởng tượng với hình ảnh khi tươi vui, lúc xen lẫn nỗi buồn man mác gợi mở ký ức xa xăm trong mỗi con người.
Với Concerto cho Violon A-Dur, được coi là cao trào của 5 Concerto cho Violon của Mozart. Là nghệ sĩ trẻ tài năng, Julia Galic đã đi biểu diễn khắp thế giới. Đêm qua, Julia Galic đã thực sự đắm mình trong các giai điệu lãng mạn, trữ tình, đôi lúc bi hài tạo nên cao trào kịch tính.
Trong tư thế uyển chuyển trên sân khấu, Julia Galic đã làm chủ các bè đàn dây violon, viola, cello và bassoon. Gương mặt rạng rỡ, ánh mắt lúc mơ màng, khi rực cháy, cô đưa thính giả vào cõi mơ xen giữa đời thực. Âm thanh réo rắt, lay động trái tim người nghe với chủ đề chính được nhắc lại trên giai điệu của cả ba chương: Allegro, Adagio và Rondeau. Đặc biệt, phần kết tạo nên dư âm sôi động, da diết, đặt dấu ấn sâu đậm trong lòng thính giả bằng chuỗi hợp âm đa chiều trong không gian đầy sự cuốn hút.
Phần II, Concerto cho đàn piano được nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh cống hiến tối đa tài năng và tình cảm cho khán thính giả. Sinh ra ở Hà Nội, chị học piano từ người mẹ khi còn bé. Sau đó học piano ở Nhạc viện Tchaikovski, là nghệ sĩ thành đạt, chị đã từng đoạt nhiều giải thưởng châu Á và châu Âu.
Hiện nay chị giảng dạy piano tại Đại học Âm nhạc Hanns Eisler (Berlin). Bản Concerto cung Rê thứ này xuất hiện năm 1785, là bản Concerto mang tính bi hùng, là một trong các tác phẩm danh tiếng và được biểu diễn nhiều nhất của Mozart.
Nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh đã làm chủ toàn bộ không gian của nhà hát, dường như khán phòng chỉ có người chơi đàn và biển âm thanh dào dạt. Toàn bộ các nghệ sĩ đàn dây trong dàn nhạc đệm đều say sưa, đưa đẩy cây arché một cách thôi miên, lãng mạn. Chương I (Allegro) Tôn Nữ Nguyệt Minh đã xới tung các khúc thức bằng ngón đàn điêu luyện đầy hào hứng, chị tạo nên hiệu ứng bất ngờ cho khán giả bằng sức quyến rũ diệu kỳ.
Chương II (Romance) không ai còn chú ý đến bất cứ một cử động nhỏ nào xung quanh ngoài tiếng đàn dìu dặt, thánh thót, du dương, đôi khi bùng lên dữ dội. Thính giả tự thả mình vào âm nhạc của Mozart trong niềm phấn khích tột đỉnh khi sự giao kết từ khúc Romance sang chương III (Allegro Assai). Khi Concerto cho piano kết thúc, tiếng hoan hô không dứt, nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh ra chào tới lần thứ tư vẫn không thể ngừng được sự mời gọi của thính giả. Chị đàn tiếp bản Turkish March đầy ngẫu hứng và say sưa...
Tiếp sau đó, Julia Galic và Tôn Nữ Nguyệt Minh lại cùng nhau ngẫu hứng một bản Sonade chất chứa tình yêu, niềm tin và hạnh phúc. Đêm mở đầu tháng Lễ hội Mozart không chỉ là điểm nhấn! Không gian ấy thật thánh thiện, trong lành, làm sống dậy trong tâm hồn mỗi người cảm xúc bình yên.