Qua khỏi thành phố Hồ Chí Minh cảnh sắc đất trời đồng bằng sông Cửu Long ùa vào làm ngợp các nhà văn quen sống giữa gió núi, mây trời với những cây cầu to nhỏ, nhiều kênh rạch ngang dọc, những dòng sông lục bình trôi dập dềnh, những vạt dừa nước.
Những dãy nhà trải dài 2 bên sông, những con thuyền dăng trên mặt nước, những địa danh, những công trình nổi tiếng như Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, cầu Bắc Mỹ Thuận... cảm giác ngợp tăng dần tới đỉnh điểm khi chúng tôi đi ca nô lướt trên sông Hậu, qua cầu cây khế, bến Ninh Kiều, cầu Cái Răng, chợ nổi Phong Điền: cơ man ghe tàu, Vỏ lải, xuồng chèo.
Chợ nổi Phong Điền mùi cá tươi, mùi trái cây buổi sớm mai thoảng đến như ngấm vào da thịt làm dậy lên nguồn sinh lực và hứng khởi cho các nhà thơ, nhà văn.
Nhà thơ Dương Thuấn với lợi thế nghề báo đi nhiều, biết nhiều chợt ngân nga những câu thơ sông nước : “Ôi xứ sở bốn mùa hoa trái/ mái lá, giường cây mặc gió lùa/ quờ bên nào cũng đụng tôm cá / hương cỏ thơm vào tận giấc mơ”.
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Tuyết, Hội viên hội văn nghệ Cần Thơ nối liền mạch thơ : “Cái Răng, Ba Lương, Vàm Xáng, Phong Điền/ anh có thương em thì cho bạc, cho tiền/ đừng cho lúa gạo, xóm giềng cười chê”. Những câu ca về đất và người Phương Nam lan tỏa trên sông trong một buổi sáng đẹp.
Vừa chạm chân đất Cần Thơ đoàn đã nói lời tạm biệt để về vùng đất mũi Cà Mau- một điểm nhấn rất quan trọng trong cuộc hành trình. Đường từ Cần Thơ về Cà Mau nhỏ, xấu nên đến thị xã Cà Mau trời đã tối. Sáng hôm sau chúng tôi đi ca nô cao tốc về đất Mũi.
Ca nô chạy tốc độ cao trên sông Rạch Hào một chốc đã tới Năm Căn, ra sông lớn thuyền bè xuôi ngược như ô tô chạy trên quốc lộ 1, nhiều nhất là vỏ lải, phương tiện được gọi là Honđa Cà Mau. Càng đến gần đất Mũi trí tưởng tượng về mỏm đất chóp mũi càng gần với hiện thực.
Vẫn biết mọi so sánh không bao giờ trùng khớp với thực tế nhưng cũng cho ta một hình ảnh cụ thể. Mũi Cà Mau- mũi con tàu của nhà thơ Xuân Diệu “ Tổ quốc ta như một con tàu/ mũi tàu ta đó, mũi Cà Mau”.
Hay mũi Cà Mau- ngón chân cái còn vương bùn đất của bàn chân khổng lồ tiến ra biển trong cảm nhận của nhà văn Nguyễn Tuân... vẫn luôn kích thích trí tò mò, tưởng tượng của bao du khách tìm về đất Mũi.
Ca nô cập bờ, chúng tôi chầm chậm bước đi trên rẻo đất trước đây mươi năm còn là biển, đứng lặng trước điểm mốc tọa độ quốc gia tại 8o37’ 30” vĩ độ Bắc, 104o 40’ kinh Đông nhìn trời, nhìn đất, nhìn biển trong niềm vui và tự hào trào dâng, nhìn về phía xa vịnh Thái Lan mà thấy như đất dưới chân mình cựa quậy tiến ra biển (mỗi năm đất mũi tiến ra biển chừng 100m).
Ngước nhìn biểu tượng đất Mũi (hình một con tàu rẽ sóng) tôi nói vui với nhà thơ Lê Đình Trường, phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Cà Mau rằng, khi xây biểu tượng, người ta “quên” lắp bánh xe cho con tàu, nên đất cứ nở ra mà con tàu vẫn đứng một chỗ, bị rừng đước mọc rất nhanh che khuất”.
Nhà văn Hà Thị Cầm Anh mê mẩn giữa đất trời tiếc nuối: “Giá chi mình trẻ lại 20 tuổi, để xin chuyển hẳn về đây”. Vẫn chỉ là cái giá chi của nhà văn giàu trí tưởng tượng ! Nhà thơ Tày Nông Thị Ngọc Hòa leo lên đài quan sát cao nghều để hình dung ra một mũi Cà Mau của riêng mình “đất Mũi như lưỡi cày/ cứ cày mãi ra biển Đông”.
Chị bảo “tình người phương Nam cũng dạt dào như sông biển nơi đây”. Nhà văn trưởng đoàn Đào Thắng ngồi như bất động trên hàng cọc chắn sóng nơi mép biển suy tưởng về lẽ huyền diệu của đất trời. Nhà thơ Vương Trung, quê Sơn La trầm ngâm:
“đến đây mình mới hiểu rõ thế nào là pha tắm, đin phiêng (trời thấp, đất bằng). Mênh mông quá”. Nhà văn Tuyên Quang Đinh Công Diệp thực tế hơn, anh lượm những vỏ sò đẹp nơi đất Mũi đem về đặt trên bàn viết để nhớ mãi chuyến đi nhiều kỷ niệm này. “Cà Mau đi dễ khó về/ trai đi có vợ, gái về có con”. Câu ca xưa về đất mũi Cà Mau vẫn nhiều níu kéo.
Sáng hôm sau, chúng tôi tạm biệt các bạn văn Cà Mau tại văn phòng hội, trời dịu mát, mưa nhỏ. Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Ngọc Tư đang đi nghỉ cùng gia đình ở Kiên Giang, nghe tin các bạn văn từ miền cực Bắc đến vội đi tàu suốt đêm để “chỉ nhìn thấy mặt nhau là vui rồi!”. Nguyễn Thị Ngọc Tư mảnh mai buồn nắm chặt tay từng bạn văn. Man mác đất trời Cà Mau. Man mác tình người.
Rời Cà Mau chúng tôi xuyên qua rừng chàm Thới Bình về Kiên Giang. Đến thị xã Rạch Giá chúng tôi nghỉ lại một đêm, sáng hôm sau đến viếng đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực rồi về Hà Tiên. Thị xã Hà Tiên đón chúng tôi bằng một cơn mưa nhỏ, rũ sạch bụi đường.
Anh Vương Chánh Quản và các cán bộ tuyên giáo, văn hóa đón chúng tôi như đón những người thân mới đi xa về. Các anh đưa chúng tôi đến thăm Bình San Điệp Thúy nơi có khu lăng mộ Mạc Cửu, người có công dựng nên vùng đất Hà Tiên, thăm Thạch Động thôn vân, những thắng cảnh trong 10 thập cảnh của Hà Tiên.
Buổi sáng hôm sau, đến Đông Hồ Thi nhân kỷ niệm đường thăm nữ sĩ Thái Mộng Tuyết (93 tuổi), rồi về Châu Đốc, An Giang, tạm biệt vùng đất giàu có “Gạo Rạch Giá cá Hà Tiên, tiền Phú Quốc”, mảnh đất thắm tình người.
Chúng tôi đến thị xã Long Xuyên (An Giang), nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, Chủ tịch Hội Văn nghệ An Giang, cùng các nhà thơ Ngô Khắc Tài, Lập Em... đón và đưa đoàn sang Cù Lao ông Hổ thuộc xã Mỹ Hòa Hưng thăm khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và giao lưu với các văn nghệ sĩ An Giang.
Buổi giao lưu được tổ chức ngoài nhà chòi giữa màu xanh cây lá và khung cảnh tĩnh lặng của vùng nông thôn. Chúng tôi say sưa nghe các nghệ sĩ Hồng Thắm, Ngọc Loan ca cải lương rất ngọt về những người đi mở đất : “người Phương Nam ngày xưa áo tơi/ dòng Hàm Giang cuộn sóng không lời/ Đêm sâu đối ẩm tràn chung rượu/ rượu say tim bốc đến tận trời” và được ăn những món ăn ngon do cô gái trẻ đẹp Tôn Thị Kim Thoa cháu 4 đời Chủ tịch Tôn Đức Thắng chế biến.
Bịn rịn, nhưng chúng tôi không ở lâu được với An Giang. Chúng tôi rời Long Xuyên lúc 8 giờ. 10 giờ 30 phút đến Cao Lãnh viếng mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi đến Hội văn nghệ Đồng Tháp.
Nhạc sĩ Phạm Khiêm, Chủ tịch hội cùng họa sĩ Nguyễn Thành Thu, nhà văn Huỳnh Công Trường... đón tiếp chúng tôi rất nồng nhiệt mặc dù mới nhận được tin qua điện thoại của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài.
Các bạn văn Đồng Tháp đãi các nhà văn dân tộc bữa ăn với những đặc sản chủ yếu là cá, lạ mà ngon “muốn ăn bông súng, mắm kho/ thì về Đồng Tháp ăn cho đỡ thèm”. Món mắm kho cá Linh chỉ ăn một lần là nhớ mãi.
Rời Đồng Tháp chúng tôi đến Hội văn nghệ Tiền Giang các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ Trần Phương Hùng, Chủ tịch Hội, Thu Trang, Nguyễn Quỳnh Anh, Lê ái Siêm đưa đoàn đến thăm trại rắn Đồng Tâm, đơn vị anh hùng, thăm tượng đài chiến thắng Rạch Gầm- Xoài Mút, nơi Quang Trung- Nguyễn Huệ đánh tan 5 vạn quân Xiêm năm 1785 “Bần ghe đóm đậu sáng ngời/ ra oai một trận muôn đời lừng danh”.
19 giờ, từ Tiền Giang chúng tôi qua phà Rạch Miễu về nghỉ đêm tại khách sạn Hùng Vương, tỉnh Bến Tre. Sáng hôm sau nhà văn Nguyễn Nhật Nam đưa chúng tôi về Ba Tri viếng mộ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, qua Giồng Trôm thăm đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Buổi tối chúng tôi đã có buổi giao lưu với văn nghệ sĩ Bến Tre - buổi giao lưu tạm biệt đất phương Nam giàu có và nghĩa tình. Các đồng chí Vũ Hồng Thanh, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Võ Thành Hạo, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, các nghệ sĩ, nhà thơ Hồ Trường, Kim Ba, Vũ Hồng và hơn 50 văn nghệ sĩ Bến Tre cùng đoàn nhà văn dân tộc vui trọn đêm.
Loáng cái đã hết mười ngày, mười ngày chúng tôi đi qua 11 tỉnh của vùng đất phương Nam với những cuộc tao ngộ nghĩa tình, mười ngày vừa kịp chạm chân đất Phương Nam đã vội chia xa, mười ngày để lại trong lòng chúng tôi những ấn tượng đẹp, những cảm xúc chân thành về vùng đất giàu có về vật chất và tinh thần đặc biệt là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương đối với văn nghệ.
Đã xa rồi miền đất phương Nam sông nước bao la, mênh mang dừa, đước, thắm đượm nghĩa tình trong chén rượu ly biệt : “Cạn chén này đi rồi bạn về/ bạn ở kinh kỳ ta ở quê/ Phương Nam nhuốm khóc tình tri kỷ /bạn bước xa dần ta tái tê...” (Vũ Hồng).
Tất cả đã lùi lại phía sau trên con tàu tốc hành từ Nam ra Bắc nhưng những kỷ niệm đẹp về chuyến đi sẽ mãi còn trong trái tim các nhà văn dân tộc, miền núi để chợt khi:
Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông lúa đẹp thương về Hậu Giang
Viết trên tàu tốc hành Nam - Bắc