Buổi làm việc của Hội Nhạc sỹ Việt Nam tại trụ sở hội 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, sáng 14/9 diễn ra như một buổi họp kín. Sau hơn một tiếng dành cho việc tiếp xúc với báo chí từ 8h30 đến 9h30, thời gian còn lại chỉ cung cấp thông tin nội bộ.
Báo chí chịu trận đứng chờ chồn chân mỏi gối bên ngoài. Chỉ đến cuối buổi, quá 12h00, giới truyền thông mới nhận được thông tin Nhạc sỹ Trọng Bằng rút tên khỏi danh sách Giải thưởng Hồ Chí Minh. Còn việc kết luận có đạo nhạc hay không sẽ được bàn trong một hội thảo khoa học được tổ chức lần khác.
Trước đó, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân thay mặt Hội Nhạc sỹ Việt Nam có công văn ngày 21/7 gửi các phương tiện thông tin đại chúng về vụ việc này.
Trong đó có đoạn: “Những ý kiến góp ý của một số nhạc sĩ xuất phát từ trách nhiệm nghệ sĩ và trách nhiệm công dân là quyền tự do ngôn luận của mỗi cá nhân đã được pháp luật cho phép. Hội Nhạc sĩ Việt Nam hoàn toàn tôn trọng những ý kiến đóng góp đó”.
“Tuy nhiên có một số ý kiến còn mang tính áp đặt chủ quan, dựa trên những suy diễn cá nhân, cách phát biểu thiếu thận trọng với thái độ nặng nề, thiếu thiện chí, thiếu xây dựng, phần nào mang tính quy chụp đối với trường hợp nhạc sĩ Trọng Bằng là người đủ điều kiện xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh từ hội đồng cơ sở, hội đồng chuyên ngành đến hội đồng quốc gia trong dịp này”
(Trích Công văn của Hội Nhạc sỹ Việt Nam gửi Hội đồng Giải thưởng Quốc gia xét tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật).
Nhưng trong buổi làm việc sáng nay, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, ông Đỗ Hồng Quân, lên tiếng xin lỗi về công văn quy kết một số ý kiến áp đặt chủ quan này.
Tuyên bố rút lại công văn của Hội Nhạc sỹ Việt Nam chứng tỏ những khẳng định trước đó của Ban Thường vụ Hội Nhạc sỹ Việt Nam rằng tác phẩm Ouverture Chào Mừng chỉ có đôi nét tương đồng về thủ pháp với trường phái âm nhạc Nga đương đại chưa xác đáng.
Đơn tố cáo của nhạc sỹ Vĩnh Cát cho rằng ông Trọng Bằng có copy hẳn hoi trong bản giao hưởng Chào Mừng, không chỉ đạo ý tưởng mà là chép nguyên văn các chủ đề (thème) và cách phối âm phối khí trong hai tác phẩm của Shostakovich và Prokofiev.
Ông Trọng Bằng lên tiếng: “Tôi khẳng định Ouverture Chào Mừng là tác phẩm với ngôn ngữ âm nhạc của riêng tôi và là một tác phẩm có sức hấp dẫn bởi cả tính dân tộc và tính hiện đại”.
Nhưng trong buổi họp sáng nay, ông cũng lên tiếng thừa nhận mình có chịu ảnh hưởng trong khi sáng tác bản giao hưởng Chào Mừng.
Còn mức độ ảnh hưởng như thế nào và đến đâu thành đạo nhạc cũng là chuyện muôn thuở chưa có lời giải đáp trong âm nhạc Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc cho rằng sự ảnh hưởng ấy nhiều khi bị chi phối bởi vấn đề cảm xúc.
Và việc thể hiện cảm xúc đó trong các tác phẩm khí nhạc qua phương tiện gì, thể hiện những nét đặc trưng của văn hoá dân tộc như thế nào.
Dù chưa có kết luận chính thức về sự việc nhạc sỹ Trọng Bằng có đạo nhạc hay không, các nhạc sỹ cũng có dịp ngồi lại với nhau để thẳng thắn trao đổi những ý kiến của mình.
Sau buổi làm việc, nhạc sỹ Vĩnh Cát bày tỏ: “Tôi nghĩ, có một buổi nói chuyện thẳng thắn giữa những người liên quan và Ban Thường vụ Hội Nhạc sỹ là rất cần thiết. Nó đảm bảo được sự đoàn kết trong hội và để chúng tôi có thể hiểu nhau hơn, thể hiện được những suy nghĩ của mình. Đây là một vấn đề nhạy cảm mà không phải hội nào cũng dám nói ra được”.
Về quan điểm riêng của mình, ông Vĩnh Cát cho rằng: “Ở một cương vị như ông Trọng Bằng, phải xin rút tên khỏi danh sách giải thưởng Hồ Chí Minh theo tôi đã là hết sức khó khăn. Để nhận thức về một vấn đề gì cần có một quá trình, không nên ép buộc, vội vàng. Chúng tôi ngồi lại với nhau và có thể gỡ được từng bước, cố gắng giữ được sự đoàn kết trên tinh thần đấu tranh”.