Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.227.735

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
NSND Can Trường: Những giai thoại có thật…
TT - Trong buổi gặp gỡ cảm động nhắc nhớ ông, nhiều người cùng ôn lại những câu chuyện của một thời sân khấu cách mạng, không ai không biết: Lần đó đoàn kịch Nam bộ diễn vở Bạch Mao Nữ, một khán giản quá căm thù “ tên địa chủ” Hoàng Thế Nhân - Can Trường tàn ác, không kìm được đã bắn thẳng một viên đạn lên sân khấu.

“Tên địa chủ” suýt mất mạng, nhưng hạnh phúc vô cùng, vì thế là mình… diễn đạt. “Tôi là Tám Khỏe, tôi xin tuyên bố ly khai với Việt cộng”, giọng hô đau đớn của ông trong vai ông Tám Khỏe - vở Người ven đô - làm khán giả bên dưới nổi da gà.

Và trong Chuông đồng hồ điện Kremlin, khi ông Lênin - Can Trường bước ra khỏi cánh gà, ông đã phải đứng chờ bốn chặp vỗ tay liên tục mới có thể diễn tiếp, vì dung mạo, dáng vẻ quá giống. Ông được Xô viết tối cao Liên Xô tặng thưởng Huy chương Lênin vì vai diễn này.

Có lẽ rất hiếm diễn viên có hạnh phúc khi gần như mỗi vai diễn đều kèm theo một giai thoại như thế. Những câu chuyện tự nó nói lên tài năng đa dạng của người được nói đến.

Đạo diễn Huỳnh Nga nhớ lại: Anh Can Trường có tật cà lăm. Cứ năm, sáu câu là lại vấp. Nhưng lên sân khấu thì tuyệt nhiên không ai thấy được cái tật ấy vì anh thức học tuồng đến hai, ba, bốn giờ sáng. Khi cảm thấy sắp vấp thì lại nhấn âm, như thể nhấn nhá câu nói, kỳ thực là để khắc phục cái lỗi của bản thân.

Còn một câu chuyện có thật khác được gia đình kể lại: Can Trường sinh ra trong một gia đình giàu có. Thuở nhỏ bị bắt cóc, bọn bắt cóc ra giá chuộc vàng bằng số cân nặng cậu bé Can Trường, và gia đình đã phải chịu nộp để chuộc con về. Thế nhưng khi đi cách mạng, cậu bé “cân nặng bằng vàng” ấy chấp nhận hòa mình vào cuộc sống tập thể kham khổ, xuề xòa với anh em. Chỉ khi lên sân khấu mới hoàn toàn biến thành người khác đến nỗi bạn bè, anh em cũng phải ngạc nhiên.

Và dù đã là ngôi sao lớn, đóng hầu như tất cả các vai chính của đoàn kịch thuở ấy, ông vẫn giản dị, tận tụy, mỗi khi có suất diễn đều có mặt tại nhà hát từ 3-4 giờ chiều để hóa trang, chuẩn bị tâm trạng cho cuộc nhập vai vào nhân vật vài giờ sau đó.

Trong chương trình “Những cánh chim không mỏi” kỷ niệm Can Trường, khán giả truyền hình sẽ được xem lại các trích đoạn một thời mang đậm dấu ấn Can Trường như Chuông đồng hồ điện Kremlin, Hòn đảo thần vệ nữ, Người ven đô… với sự tái hiện của các đồng nghiệp, học trò, và đặc biệt là con trai ông - Trường Long - trong vai Lênin.

Chương trình sẽ được phát sóng vào ngày 9-10 trên HTV9.
H.H. - Tuổi trẻ Online
Tin tức khác