Đâu đó trong trường ca này có những vần thơ bị cố tình bẻ gãy, cắt vụn, để rồi độc giả (nhất là những đồng nghiệp của anh) bắt gặp chân dung mình: Nghi ngại, ngơ ngác, khao khát một điều gì đó, vượt lên trên tất cả hoặc buông xuôi. Là cái nhìn tự trào của anh về nghề nghiệp: "...Có đứa trẻ vừa mới chào đời/đã lắm lời/như nhà báo/ nhà văn nói láo nhà báo nói thêm/vậy nhà nào chuyên môn nói xạo/trước nói sau quên...". Để rồi thấp thoáng bóng dáng của một kẻ ghét đời mà lại thương đời thật nhiều: "...Anh là robot/anh là người máy/có những đêm khuya lắc khuya lơ/anh lại mơ về cỏ mượt ven sông/thanh thản ngả lưng ngắm sao trời/bằng tình yêu đơn độc...".
Giữa một hiện thực như thế, tình yêu mãnh liệt, độc đáo vốn quen gặp trong thơ Lê Minh Quốc đã tạo nên sự rung động và làm nhẹ nhõm không khí của tập trường ca này: "Em choáng ngợp trong tôi từng giây từng phút/Kể cả lúc đang giấc mơ/Nỗi nhớ em giông tố cũng dật dờ"...
Nhìn tổng thể, Hành trình của con kiến giống như một tập nhật ký bằng thơ, ghi lại những sự kiện xảy ra của 7 ngày trong tuần. Thứ hai mơ mộng "tìm kiếm niềm vui nhưng không ai chia sẻ"; thứ ba "hắn như một thằng điên, mải mê với những con chữ" và mải miết kiếm tìm điều gì đó vô vọng; thứ tư là "nỗi khát thèm những vần thơ" nuôi dưỡng sự lãng mạn của tâm hồn...
Cứ thế, từng ngày trôi qua, nhân vật "tôi" chìm đắm trong nỗi buồn, sự cô độc và những nỗ lực vượt thoát khỏi hiện tại. Có thể, với không ít người mang trong lòng sự nhạy cảm và những nỗi niềm ưu tư thì cũng là hành trình của tâm hồn họ.