Bởi vậy, việc Công ty văn hóa Phương Nam và NXB Văn Nghệ cho ra mắt bạn đọc bản dịch Truyện Kiều của cố học giả Trung Quốc La Trường Sơn là một sự kiện rất có ý nghĩa.
Số phận nàng Kiều của Nguyễn Du đã từng tạo nguồn cảm hứng cho La Trường Sơn viết bài thơ dài Đêm đọc Truyện Kiều (Nam Ninh, 1990). Một hiện tượng thú vị trong quan hệ văn học Việt - Trung: La Trường Sơn đã dịch bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật bằng chữ Hán của Phạm Quý Thích vịnh Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du ra tiếng Việt và bằng thể lục bát quen thuộc của VN:
Giá Kiều sa chặng Tiền Đường
Yên hoa kiếp nợ không đường trả xong
Má hồng há đắm mồ sông
Kim lang không phụ, giữ lòng tuyết băng...
Khi nghe tin La tiên sinh bắt tay dịch Truyện Kiều và tỏ quyết tâm dịch xong trong vài năm, chúng tôi rất phấn khởi và chờ đợi. Thật không ngờ, chỉ sau hơn một năm tiên sinh đã dịch xong!
Cũng thật không ngờ, và đáng thương cảm, còn phần Dịch hậu ký (Ghi lại sau lúc dịch) chưa kịp hoàn thành thì năm 2003 tiên sinh đã ra đi mãi mãi! Không trực tiếp bác bỏ ý kiến sai trái cho Truyện Kiều “chẳng qua chỉ là dùng thể thơ VN dịch một cuốn tiểu thuyết Trung Quốc mà thôi”, với những lập luận và dẫn chứng đầy sức thuyết phục, La Trường Sơn chứng minh rằng Nguyễn Du “đã cấu tứ lại nguyên tác, sáng tác lại nguyên tác” và qua những xử lý tinh tế phức tạp, Nguyễn Du đã “nâng cao ở mức độ rất lớn phẩm vị văn hóa tư tưởng của tác phẩm”.
Xác định đối tượng đọc bản dịch chủ yếu là độc giả hiện đại của Trung Quốc ở thế kỷ 21, La Trường Sơn chủ trương sử dụng một cách nhất quán và triệt để thể thơ mới. Các thể thơ cổ của Trung Quốc có thế mạnh trong việc chuyển sức truyền cảm của thơ song lại rất khó đáp ứng các yêu cầu đa dạng khác của truyện. Có lẽ La tiên sinh quan niệm trong việc dịch một truyện thơ dài như Truyện Kiều phải đặt tiêu chuẩn “tín” lên hàng đầu. Và để đạt tiêu chuẩn ấy, dùng thể thơ mới là có lợi thế nhất. Mặt khác, qua bản dịch ta thấy La tiên sinh cũng không bao giờ hạ thấp tiêu chuẩn “nhã”, luôn chú ý lưu giữ phong vị đậm đà của thơ ca cổ điển trong chừng mực có thể, cố gắng vận dụng tới mức tối đa những thủ pháp biểu hiện của nghệ thuật truyền thống.
Với sự xuất hiện của bản dịch Truyện Kiều, học giả La Trường Sơn xứng đáng được thừa nhận là một nhà VN học thực thụ.
Quê ở Quảng Đông, Trung Quốc nhưng La Trường Sơn (ảnh) lại sinh ra (năm 1938) tại TP Huế. Năm 1954, vượt tuyến ra Bắc và đúng ngày Quốc khánh Trung Quốc 1-10-1955 về đến Quế Lâm.
Không kể Mơ và tỉnh, tập thơ gồm 67 bài viết bằng tiếng Việt hầu hết đều viết theo thể lục bát, trên các tạp chí Toàn Cảnh Đông Nam Á, Nghệ Thuật Dân Tộc, Học Báo Học Viện Giáo Dục Quảng Tây..., La Trường Sơn đã dịch hàng chục truyện ngụ ngôn, cổ tích VN, hàng trăm câu ca dao tục ngữ và rất nhiều công trình của các nhà văn bản học, phong tục học, folklore học của VN như Trần Văn Giáp, Phan Kế Bính, Ngô Đức Thịnh, Toan Ánh, Lý Khắc Cung. Ông cũng trực tiếp viết hàng chục tiểu luận giới thiệu với bạn đọc Trung Quốc gần như mọi mặt về đời sống văn hóa phong tục VN.
La Trường Sơn cũng yêu mến không kém nền văn học cổ điển VN. Ông đã dịch toàn bộ thơ Bà Huyện Thanh Quan. Khâm phục thơ ca và cả cá tính của “bà chúa thơ Nôm”, ông cũng đã viết hai tiểu luận về Hồ Xuân Hương, đã dịch toàn bộ thơ của bà kèm theo những chú thích tỉ mỉ và lời bình giải cho mỗi bài.